tháng 1 28, 2009

TẾT QUÊ NHÀ


Đã có từng cơn gió chướng tràn về từ hướng núi. Trời trở lạnh và khô. Hoa Quỳ Hương nở rộ hai bên đường, vàng óng.
Bác Hai Mộc đã...qui cố hương . Thím Ba Hồng cũng…hồi cố quận . Anh Tư Quân cũng… xếp tàn y về nơi cố thổ. Đó là cách nói thời thượng mang nặng tính võ hiệp giang hồ của anh Kiệt, nghe riết cũng thấy hay hay lại có văn vẻ cho nên ai cũng cố tình bắt chước. Sức học anh thì chưa tính được bao nhiêu nhưng sức đọc của anh thì tính tới bao, bồ mà đựng. Anh đọc truyện tới nỗi quên ăn quên ngủ.Toàn là chuyện kiếm hiệp. Đọc đến nỗi nhập tâm. Có Bác Hai Luân bị “dị ứng” về lối nói năng nặng mùi kiếm hiệp của anh Kiệt. Bác cứ lầm bầm “ Qui cố hương, hồi cố quận hay có về nơi cố thổ thì cứ nói rẹt một tiếng về cho nó gọn. Bày đặt…”.
Mà cũng bày đặt thiệt !
Tết thì về quê ăn Tết chớ bày đặt chuyện qui, hồi cố hương cố quận cố thổ chọc giận nhau làm chi !
Hàng Mai già dọc đường dốc đất bên cạnh Chùa Linh Quang đã kết nụ rồi, sắp nở rồi. Bụi Quỳ Hương ở hục Bà Sơ sau lưng chợ Chiều chỉ còn thưa thớt mấy cái bông vàng rực . Vàng rực hết sức để chờ tàn, chờ rụng . Bởi, khi hoa Quỳ Hương tàn rụng là lót đường cho mùa Xuân mạnh đường đi tới. Tiếng heo kêu ở nhà thím Hiếu làm nôn nao mấy củ hành ngâm giấm đã trở màu hồng đậm trong hủ thủy tinh. Trở màu là đã “ chín mùi ” vị ngọt chua, thanh cảnh .Gắp ra dĩa, để ghém với miếng thịt heo được rồi đó! Mà tiếng heo kêu giờ này nghe tràn đầy nội lực chớ không eo éo như thường ngày vẫn kêu . Như vậy là đã đúng lứa, sắp vô nồi ! Mà nồi chung chớ không phải nồi riêng của gia đình nào.
Chuyện nuôi heo ăn Tết thì hầu như ở Xóm nghèo quê tôi đã quen thành lệ. Cứ năm ba gia đình chung vốn mua heo rồi giao trọng trách cho một người mát tay nhất trong nhóm nuôi vỗ chờ Tết ngả thịt, chia đều. Tính toán, thỏa thuận rất sòng phẳng để không ai phải bị thiệt thòi.
Thuận buồm xuôi gió thì mùa Tết có thịt để mà rộn ràng bận rộn với nồi niêu xoong chảo . Bằng như…nửa đường đứt gánh thì coi như phủi tay, coi như là chỉ ăn Tết có một nửa, mất vui.
Còn về chuyện thịt gà ! Tuy là không chung vốn mà phải tự lo liệu nhưng cũng phải chuẩn bị kỹ càng. Tháng Tư ta là lo đem gà trống còn non tơ ra chợ tìm ông thợ thiến gà. Lo đóng chuồng. Vật liệu sơ sài cũng được nhưng phải bảo đảm là mỗi chú gà một chuồng riêng vừa đủ đứng, nằm chớ không có khoảng rộng để đi tới đi lui.
Nếu …thuận buồm xuôi gió, thì khoảng tháng mười-hai-ta, lứa gà thiến thịt thà đã nặng chình chịch, lông lá đã trổ màu sắc rực rỡ. Mỗi chú trọng lượng cũng cỡ chừng bốn tới năm ký. Nhà nuôi chừng hai, ba con thì tha hồ mà ăn Tết.
Nhưng mà cũng khó lắm. Bắt đầu từ tháng-mười-chưa-cười-đã-tối cho tới đầu tháng mười-hai-rét-ngọt thì cái nạn dịch gà khó cản. Qua được cửa ải này thì nồi niêu mới có dịp khua ran để mà ăn Tết. Thường thì khó vượt lắm…
Còn cái khoản thịt bò thì quá đỗi xa vời, không cách gì với tới. Chỉ có trong dịp hội Làng. Mà nhắc tới Làng Nước thì bao la quá. Nhất là miếng thịt của Làng thì cũng quá là nhiêu khê! Chi bằng trở về lại một mái nhà với miếng thịt tự cung tự cầu, mà cũng… tự nhiên hơn, để hưởng ba ngày Tết.
Chỉ có thịt heo, thịt gà là gần gụi với tầm tay. Và cũng chỉ có chú Quý là người gần gụi và thân tình với bà con hơn hết, nhất là thời gian cận kề Tết. Bởi chú là tay đồ tể, nếu nói theo cách nói của anh Kiệt, là vào bậc thượng thừa. Tôi còn nhớ như in hình ảnh của chú. To lớn dềnh dàng, dáng đi khật khưởng. Gương mặt to ngang với đôi mắt xếch và cặp lông mày rậm đen. Nhìn chú thì thấy dữ dằn nhưng chú hiền lắm, lúc nào cũng cười. Ai nói gì cũng cười, nụ cười tươi vui, đôn hậu trái hẳn với vẻ hung hãn, dữ dằn của chú.
Cũng không biết do từ đâu mà ai gặp cũng gọi chú là Tiết Nhơn Quý, một nhân vật trong truyện Tàu, riết rồi chết tên luôn.
Chắc tại vì tướng tá to lớn dềnh dàng với lại sẵn chú tên Quý. Hay cũng từ anh Kiệt…
Thường ngày, chú rất chậm chạp trong công việc nhưng khi nhập vai đồ tể, chú nhanh nhẹn vô cùng. Từ lúc lùa heo ra cửa chuồng cho tới lúc xả thịt chia chác đồng đều cho các sướng (chớ không phải khổ) chủ, mọi động tác đều chính xác, gọn gàng. Ai nấy nhận phần thảy đều vui lòng hễ hả. Với đôi tay thiện nghệ và dưới mắt nhìn ước lượng cân đo của chú, xác suất trọng lượng phần thịt chia chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh. Ngày Tết mà, giành nhau tiếng cười vui chớ giành nhau chi thêm mấy miếng thịt chưa đủ giắt răng. Thảo nào anh Kiệt nói chú là tay đồ tể thượng thừa kể cũng không ngoa. Dễ chi kiếm được người thứ hai.
Công cán thì chú chỉ nhận đúng nửa ký thịt đùi và một lít rượu, vậy thôi. Thêm cũng không chịu. Bớt cũng không chịu. Ngang bằng sòng phẳng. Rồi chú qua nhà khác cho kịp giờ.
Mùa Tết là mùa làm ăn sung mãn của chú. Mùa Tết cũng là mùa chạy marathon của lũ trẻ chúng tôi. Cứ nghe tiếng heo kêu dậy trời dậy đất là tụi tôi tranh nhau rượt chạy cho kịp thời coi ông Tiết Nhơn Quý sát trư. Có khi một ngày chạy hai ba lần…
Sau này, có thêm chú Thứ nhà gần Hục Bà Sơ nhưng tay nghề không so kịp bằng chú Quý.
Mùa Tết cũng là mùa hoa. Ba ngày Tết mà trong nhà không có màu sắc của hoa thì còn có ý nghĩa gì!
Nhà nào cũng có một cành Mai hồng thắm. Mà đâu có phải bỏ tiền mua. Chỉ cần bỏ công nửa ngày, vào rừng. Xóm với rừng gần nhau, đi thì chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ, nhưng phải bỏ công nửa ngày là để chọn lựa một cành Mai ưng ý.
Mai mọc bạt rừng, bạt núi thậm chí tràn vô tới Xóm. Hầu như nhà nào cũng có một cây Mai trước ngõ.
Tháng mười-hai, Mai nhà đã nụ hồng có nhà thì hoa đã rộ nở.
Tôi còn nhớ, con đường mà tôi thích nhất là con đường hẻm dài một hàng Mai tươi tốt, từ nhà bác Nghi qua nhà ôn mệ Lào, rồi chấm dứt ở nhà ôn Cai Tư. Một khoảng đường rất ngắn nhưng giữ mãi trong tôi êm đềm cái cảm giác râm mát bóng cây của tháng Hè và nôn nao những bông Mai hồng thắm của ngày Xuân. Tôi thường đi, về trên con đường đất gập ghềnh này trong suốt thời gian học ở trường Tiểu học Bạch Đằng, nằm cheo leo trên ngọn đồi Cao Thắng. Con đường hẻm đất đá có hàng Mai rợp bóng là một trong những kỷ niệm tôi giữ hoài về chốn quê. Nhất là những ngày Xuân, nhìn hoa Mai rộ nở, lòng cứ nôn nao hòa nhập trong những nôn nao có quần áo mới, có tiền lì xì, có pháo đốt thả giàn, có những trò vui chơi trong ngày Hội Làng…Cho đến bây giờ, vẫn cứ còn giữ mãi độ ấm nồng ngầy ngật mỗi độ Xuân về. Ấm nồng ngầy ngật bởi lẽ, duyên nợ trăm năm đã gắn bó đời tôi với tà áo tiểu thư ở một trong những ngôi nhà trên khoảng đường rất ngắn, của ngày xưa, đó…
Những ngày cuối Chạp, đứng ở Xóm mà nhìn về hướng núi là cả một thảm hoa hồng rực chạy dài từ Cam Ly Hạ ngược lên Dốc Trời ngút ngàn vô sâu tận Rừng Dẻ. Tầm nhìn tuổi thơ chỉ chừng giới hạn nhưng trí tưởng tượng thì dặm dài xa ngất. Tôi nghĩ rừng Mai chắc vô cùng tận, không chỉ ngừng ở Rừng Dẻ vốn đã là quá xa, chắc còn sâu còn xa hơn nữa. Ở chỗ núi mờ xanh thẳm mịt mùng…
Mấy anh trai Xóm thì nghĩ ngợi gần hơn.
Đâu cần phải xanh thẳm mịt mùng làm chi cho mệt. Chỉ cần vào khu rừng Mai Cam Ly Hạ mà đem hương sắc mùa Xuân về trang hoàng nhà cửa.
Buổi sớm mai dằn mấy chén cơm cho chắc bụng rồi sẵn sàng dao, rựa rủ nhau đông đảo tới rừng Mai. Khi chọn cành Mai ưng ý là đã đắn đo ước lượng khoảnh rộng hẹp của phòng khách, nơi sẽ được chưng bày cành Mai giữ hương sắc mùa Xuân, cũng chính là nơi làm rạng nét nhà. Phòng khách rộng mà cành Mai nhỏ thì bất xứng, lại bị thầm chê là hoàn toàn không có khiếu về mỹ thuật. Cành Mai to đùng mà chưng ở phòng khách quá nhỏ thì có vẻ như là khoe khoang, giựt nổi. Rồi cũng phải tính toán khít khao làm sao hoa sẽ nở rộ vào đúng những ngày Tết. Nụ nhiều quá thì không tốt mà nở sớm quá thì cũng không tốt luôn.
Đến chúc Tết nhà, việc đầu tiên là liếc thầm một cái về phía cành Mai được trang hoàng trong phòng khách, để đánh giá và so sánh. Đánh giá trình độ nghệ thuật của chủ nhà và sẵn đó, so sánh cành Mai của nhà chủ với nhà mình. Chủ và khách, rất nhanh, bắt gặp ánh mắt nhau ở cái liếc thầm này trước khi bắt tay nhau. Sự ganh đua, so sánh không hề to tiếng, chỉ lén thầm nhưng đã thành ước lệ. Thầm nhận biết mình thua hay tự hào mình hơn cũng chỉ là cảm giác buồn, vui nhỏ như tiếng pháo chuột so với tiếng pháo cối, vậy thôi. Nhưng mà cũng phải liếc chớ, thiếu đâu có được!.
Vô hình trung, đã thành một tục lệ âm thầm, ở Xóm quê tôi. Cho nên nhiệm vụ của mấy anh đi chặt cành Mai chưng bày đón Tết là đi mang sứ mạng trong người, có phải chơi đâu…

Không có nhận xét nào: