tháng 3 07, 2008

Trang Thân Hữu : HỒI ÂM THƯ TRẦN HUY SAO



Trần Vấn Lệ


Tôi ở Đà Lạt ba-mươi-mốt năm.
Năm 1958, tôi lên Đà Lạt để học Trung Học Đệ Nhị cấp. Năm 1960, xuống Nha Trang học Sư Phạm. Năm 1961, về lại Đà Lạt làm thầy giáo, tiếp tục tự học, lập gia đình và năm 1965 đi vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường Bộ Binh, tôi tác chiến tại Bình Thuận, ba năm sau thì biệt phái về dạy học lại. Tôi có một thời gian “cải tạo” khá dài khi chế độ mới ngự trị trên cả nước. Tôi rời bỏ hẳn Đà Lạt đầu năm 1989, tôi đi qua Mỹ…

Với tôi, Đà Lạt đã thành ruột rà. Hầu như không chỗ nào của Đà Lạt mà chân tôi không giẫm tới. Những cảnh đẹp, đã đành ( đi chung với học trò ), những nơi heo hút, sóc Thượng K’Ho, M’Nông, Chu Ru…tôi cũng không ngần ngại. Người Đà Lạt tôi quen đông( Cha, Mẹ học trò, các bạn đồng nghiệp). Tôi thường giao du với những vị lão thành, uống rượu Tây chơi, không bàn bạc bất cứ chuyện nhân tình thế sự nào, ai cũng cùng có một ý nghĩ giống nhau : sống đời này là tạm bợ khi con người mất niềm tin. Lãng đãng một thoáng chính kiến rồi đó. Nhức đầu, cho qua đi !

Những bạn già của tôi mất gần hết. Họ chết sau năm 1975, ngay trên quê nhà, hay ở ngoài nước vì tuổi cao, tàn tạ và tuyệt vọng…

Cuối năm 1989, tôi tới Mỹ, gặp lại một ít bạn, rồi từ từ chia tay. Tới phiên tôi không còn ai để đọc cáo phó hay có lời phân ưu. Chẳng sao ! Tôi làm Thơ, rải đi cùng khắp. Tôi nghĩ, với cách này, tôi sẽ có bạn, gặp lại bạn cũ, thêm bạn mới. Những người Đà Lạt luôn luôn nặng cái tình.

Tôi gặp Trần Huy Sao trong tình huống này khi tôi vẫn còn sống.

Trần Huy Sao làm Thơ hay quá. Hay thật. Hay là hay. Giản dị. Đời thường. Hay đáng cho điểm 9, điểm 10. Trung bình là 5, Trần Huy Sao không ở cái thang điểm nhiều hạn chế. Tôi đọc anh thường xuyên trên nhiều Báo. Tôi thấy anh in sách. Và có vài tập Thơ của anh tôi mua được làm của riêng trong nhà.

Tôi ở Đà Lạt. Trần Huy Sao cũng ở Đà Lạt. Ngộ ghê, không quen nhau ở quê nhà. Nơi tôi cư ngụ là đường Hoàng Diệu. Nơi anh cư ngụ là đường Ngô Quyền. Cách nhau chỉ 3 hay 4 cây số. Nơi Trần Huy Sao cư ngụ được gọi là Cây Số Bốn. Nơi tôi cư ngụ là Khóm Mỹ Thành( còn gọi là Khu Lò Gạch, Xóm Thượng Cam Ly ).

Khóm Đa Trung, Đa Cát, Bạch Đằng, Đa Thành chẳng xa lạ gì đối với tôi, nhưng thật tình tôi quen ít người. Trong thơ Trần Huy Sao thấy nhắc hoài về những địa danh đó, lòng tôi xốn xang, mắc cỡ nhiều nhiều…

Qua Mỹ, tôi gặp Trần Huy Sao hai lần. Mới đây thôi. Hai lần ấy, hai năm, năm trước, năm này, ở Hội Ái Hữu Đà Lạt. Gặp trên đồi thông xanh biếc, Fountain Valley. Bắt tay nhau, nói dăm ba câu chuyện, rồi thôi vì phải bắt tay thêm nhiều người nữa. Trần Huy Sao dành cho tôi những tình cảm rất đặc biệt vì anh nói anh thường đọc Thơ tôi trên các Báo, tìm hiểu tác giả thì biết là dân Đà Lạt. Tôi không ngần ngại gì khi khi lặp lại những lời ấy với anh – đọc thơ Trần Huy Sao hoài hoài, biết Trần Huy Sao là dân Đà Lạt, thấy Trần Huy Sao có nói về Ban Mê Thuột, về Huế, văn kiến kỳ thanh… Bây giờ, mình gặp nhau đây, đúng quá, thơ của Trần Huy Sao nhé : “ Gặp nhau thương lại thời yêu dấu, mắt cay lòng quặn nhớ ngày xưa.”.

Ngày xưa hai đứa tôi không quen biết, nhưng bây giờ nhắc lại đường đi nước bước của Đà Lạt, coi như từng đồng hành…Tôi luôn nói với lòng : Thơ Trần Huy Sao thật là hay ! Nói như vậy hoàn toàn không khách sáo, không nịnh bợ. Nói như vậy, là nói thật lòng. Những gì mà tôi với Trần Huy Sao nói với nhau trong lần gặp mặt đầu tiên, năm 2006, không nói lại vào năm 2007, bởi đã nói rồi và đinh đã đóng cột ! Tôi ghi laị trong bài này là cái cớ, chỉ là cái cớ cho biết vì đâu tôi không quên Trần Huy Sao, không quên thơ Trần Huy Sao. Con người xương thịt Trần Huy Sao : đàng hoàng, khả ái, nồng nhiệt. Thơ Trần Huy Sao : chân thật,đằm thắm, dịu dàng, êm ái, nhẹ như ru.

Gặp Trần Huy Sao, đọc thơ Trần Huy Sao, liên lạc thư tín với Trần Huy Sao, lòng tôi luôn ray rứt : bao giờ mình về lại Đà Lạt nhỉ ?. Lên Cây Số Bốn, thăm Khóm Đa Cát, đi tới nữa thăm trường Bạch Đằng, xuống thung lũng gõ cửa nhà ông Cam Lĩnh đốt cho Ông một nén hương. Thơ của tôi hiện ra loáng thoáng. Thơ của Trần Huy Sao thì tràn ngập trong hồn tôi. Không cùng anh, ít ra một lần, đi bên nhau, như từ nhiều năm nay, thơ anh là niềm quấn quyện, là Đà Lạt, là Ban Mê Thuột, là Huế dễ thương, ngọt ngào, nghẹn ngào !

Sáng nay, mở internet, đọc được e.mail Trần Huy Sao thăm hỏi , tôi hồi âm cho anh như thế này, ngắn dài như tóc mai, anh nhé…

Tôi rất cảm động khi đọc bài thơ về Đà Lạt anh thác lời của người chị chờ mong em ở xa, rất xa :

NGẬM NGÙI THÁNG GIÊNG

Em nói tháng Giêng về thăm Chị
Bây chừ tháng mấy rồi hở em ?
Mưa nắng qua hiên Đời cô tịch
Chị chờ em rộn bước bên thềm

Em đi tính đã mười năm lẻ
Là bấy nhiêu ngày Chị nhớ mong
Nước mắt rơi theo dòng dâu bể
Răng mà lâu vậy hởi em thương !

Không biết bây chừ em có khác
Đất người mờ nhạt nỗi thương quê !
Tóc xanh e cũng nhiều sợi bạc
Lòng có còn quen một lối về !

Mười năm ! Em biết, mười năm đó !
Đời cũng vàng Thu lá rụng thềm
Chị ở quê nhà rưng nỗi nhớ
Bao giờ mới được nắm tay em !

Bao giờ nấu lại nồi cơm mới
Khui hủ cà dưa muối để dành
Ngồi ngó em ăn, vui mà khóc
Đừng cười ốt dột Chị, nghe em !

Thương em, Chị cũng thành thơ dại
Dễ hờn, dễ tủi, dễ cười vui
Mai mốt tháng Giêng quày trở lại
Chị vẫn bên hiên, đứng ngậm ngùi !!!


Trần Huy Sao làm thơ cho Đà Lạt nhiều, nhiều lắm. Có bài làm ở chùa Linh Quang, chùa này ở Cây Số 4, tôi có biết, tôi có nhiều bạn tu ở chùa này, họ đã tu xuất hết rồi vì thời chiến thanh niên ai cũng phải đi lính. Trần Huy Sao làm tôi nhớ lại chỗ tôi từng đứng nhìn khói nhang bay, tôi biết khói nhang vẫn còn bay mà tôi thì cũng như anh, xa xôi vạn dặm !

Những bài Thơ anh viết về Ban Mê Thuột khiến tôi buồn buồn. Một vài đoạn thế này, hỏi không thương làm sao cho được ?

Mắt dại mùa Thu, tim mùa dông bão
Hồn theo Thơ mà lòng dạ theo em
Người đời nói đường tình yêu rất đẹp
Có đẹp gì đâu ! Chóng mặt quá chừng !

Chưa tìm được cho riêng mình dáng đứng
Trong tim em, nên cứ chạy vòng quanh
Phố Bụi tình thơ tôi cứ để dành
Em có quay đi, tôi còn cất giấu !

Bông cà phê trắng nõn thuở ban đầu
Sao đoạn cuối lại giọt màu đen, đắng ?
Em Phố Bụi của một thời áo trắng
Mà giờ đây loạn lạc tới phố nào ?!!!

( PHỐ BỤI, NHỮNG TÌNH THƠ )


Tôi không hiểu sao Trần Huy Sao có một bài cho Huế rất đau đớn. Anh nguyên quán Huế mà răng rứa hè ! Cái tựa đề của bài Thơ. "Phụ Phàng", đã thấy tràn trề nước mắt. Anh để trước khi đi vào bài hai câu thật thê thảm : “ Huế rất đau lòng mà không nói. Những kẻ yêu rồi phụ phàng nhau “. Nhưng thật may mắn cho người thưởng ngoạn, nội dung bài Thơ không đến nỗi nào bi thiết lắm…

Phụ phàng chi tội rứa anh
Cho ran lồng ngực cho hành hạ nhau !
Tình như sớm đánh tối đầu
Nay hờn mai giận lụy sầu do đâu ?
Để rồi đứng với chưa lâu
Nói chi tới chuyện ngồi lâu, níu tình !
Mặc em ở với một mình
Anh đi đâu kiếm ái tình thì đi
Rứa là tính chuyện chia ly
Rứa là kẻ ở, người đi ! Rứa là…
Mai kia mốt nọ ngang nhà
Có còn liếc trộm như là hồi xưa ?
E chừng sớm nắng chiều mưa
Chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi !

Hôm qua ngang ngõ nhà người
Thấy ai chẻ tóc bạc trời mây bay….


Trần Huy Sao đến Mỹ trên dưới mười-lăm-năm nay. Tuổi trẻ bay mất là chuyện của thời gian, không ai tránh được. Không cần ngang ngõ nhà ai, ta cứ ngồi trước gương, chính ta chải tóc cho ta, cả bầu trời trắng mây trên tóc ! Nhiều người bạn già của tôi đã chết. Chuyện đời như chớp mắt, như sớm nắng, như chiều mưa ! Đúng như Trần Huy Sao nói : “ Chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi !”. Tôi đọc thơ Trần Huy Sao thấy mình thêm tuổi lúc nào không biết…

Hồi âm cho Trần Huy Sao, tôi kéo dài như cùng ai uống rượu. Tuổi tàn rồi, chúng ta có quyền “ nhề nhệ “ phải không Trần Huy Sao ?

TRẦN VẤN LỆ
Temple City, Oct.26,2007

MỚI ĐẦU THÁNG GIÊNG




Mới đầu tháng Giêng bánh còn dẽo
Tình Xuân chưa hết một tàn nhang
Ly rượu còn đương thì gọi réo
Vườn sau hoa rói vẫn chưa tàn

Ta vẫn còn ngồi trơ với trọi
Nhìn quanh chẳng thấy bạn bè quanh
Thấy ta nhắp tới mà không tới
Rượu vẫn còn ngang ngấn buồn ran !

Ước chi có bạn cùng ngọt cạn
Ngày xuân xông rượu tưới Mùa Xuân
Cho xanh lại dáng thời kiêu bạt
Trải chiếu mời nhau ly bạt ngàn…

Xuân réo vùng cao về lũng thấp
Hào kiệt chia chung rượu sông hồ
Uống tu hảo hớn không thèm nhấp
Cười nói ngang bằng con sóng xô…

Sóng xô Biển rộng giờ dâu biển
Rượu tràn ngần ấy hóa nhiễu nhương
Miếng đưa cay đã mềm ly biệt
Bằng hữu tan hàng khắp bốn phương

Ta tận phương này buồn chất ngất
Ngồi lặng vườn sau ngó cỏ cây
Thấy Xuân níu dáng đời tất bật
Bằng hữu đâu ! Ta buồn riết đây !

Núi sông đất khách vạn trùng xa
Quờ quạng chỉ còn manh chiếu rách
Rượu một mình thôi không uống trả
Nâng ly chỉ thấy vẫn ly đầy !

Chỉ thấy áo cơm đời tất bật
Miếng no xóa nhạt mộng sông hồ
Miếng thảo thơm xưa trôi tuột mất
Ngậm ngùi lượm lại nỗi cô đơn !

Xuân nào vang tiếng cười hào sảng
Đến đây Xuân ghé mượn xứ người
Còn có gì đâu mà vơi, cạn
Bằng hữu xa…Ta mọn nẽo đời !

Áo cơm tranh lấn thời kiêu bạt
Rượu Xuân nhắc nhớ một thời xa
Rượu Tây rượu Mỹ ôi chao ! Nhạt
Thèm quen men rượu đế quê nhà!!!


Vườn sau, một mình, mản Tết Mậu Tý, 2008

EM TỚI MÙA GIÊNG, ANH NGÓ LẠI


phấn son em vẫn còn Xuân
anh chưa ngắm hết một phần duyên em
hoa còn tươi rói bên thềm
nắng còn thơm lựng lối quen em về

anh từ dạo bỏ xa quê
áo cơm chắp nối lỡ duyên với đời
xưa thì đội đá vá trời
nay thì đội chén cơm đời ly hương !

ngày Xuân bỏ ghét lấy thương
em son phấn để nhiễu nhương bớt buồn
ngó em má phấn môi hường
anh nhìn Xuân thấy như tuồng đâu đây !

hồi em má đỏ hây hây
qua con dốc nhỏ, níu tay, thẹn thùa…

mồng 5 Tết Mậu Tý 2008

BUỒN TỚI RẺO CAO !



tiếp nối buồn thương từ bài thơ Buồn Chiều Thị Trấn

Đêm qua đi nhậu mà không nhậu
ngồi khan ngóng chuyện rồi phá mồi
bạn tu trả bữa ta gắp tới
thức ăn thiên lủ rượu vô chung !

Bạn hỏi ta sao cứ lừng khừng
ta cười xã giao mà thấy nghẹn
bỏ nỗi buồn vô trong cái chén
gắp lên nhai nuốt cho trôi đi !

Buồn cớ chi mà buồn cái chi
sao không cười vui như bạn bè
bữa tiệc đông vui lừng như thế
một mình cứ ngồi nhai nuốt khan !

Thiệt lòng mà nói lòng khô hạn
ngồi vui không khóc cũng là may
bạn có mời ta xin đến đây
mà đến với nỗi lòng cô tịch !

Bạn lảnh ông anh qua du lịch
miếng ăn miếng uống chẳng thiếu gì
đi từ đông tây xứ huê kỳ
tới bắc về nam gầy buổi tiệc !

Mời bạn bè tới mừng cho xiết
nỗi vui hội ngộ tình anh em
ngày vui nên bất kể thân quen
cứ nâng ly chụp hình lưu niệm !

Ta cũng được có lời quyến luyến
mừng anh và bạn gặp nhau đây
huyết nhục tình thâm là thế đấy
dù xa nhưng cứ mãi tìm gần !

Vỗ tay vỗ tay trăm phần trăm
cái ly tưởng nuốt theo cùng rượu
ta cũng nâng ly mà ly nước
hình như có dòng lệ hòa chung !

Hình như có nỗi nhớ vô cùng
rớt xuống lòng đau đau quặn thắt
chạnh nhớ anh mình ôi nhớ quá
chưa có ngày vui nào với em

Anh ơi hỏi thầm cùng anh nghen
anh có buồn như em đang buồn
câu hỏi bây giờ thì đã muộn
anh còn nghe đâu mà buồn vui

Chỉ có lòng em rót bùi ngùi
mười mấy năm đi không gặp lại
mười mấy năm ôi chao xa ngái
cứ hẹn mà không lần về thăm

Anh đợi lâu mệt quá phải nằm
rồi ngủ quên hồi nào không biết
để lại em nỗi buồn da diết
bao giờ còn nắm được tay nhau

Nay bạn mời ta xin tới mau
để nhìn ông anh cười sảng khoái
để bạn chụp hình lưu giữ lại
anh cũng cười em cũng cười tươi

Chỉ có mình ta cười rũ rượi
nhìn anh của bạn nhớ anh mình
buồn tủi mà thôi đành câm nín
cười đi cười chuyện thế gian đau

Anh ơi bây giờ anh ở đâu
em ở đây xum họp bạn bè
mọi người cạn chén cười vui vẻ
em ly nước lọc trộn buồn thương

Nước mắt em rơi suốt đoạn đường
đêm xa lộ mưa tầm mưa tã
em tới đây đất trời xa lạ
vẫn thương hoài ngày còn có nhau

Vẫn nhớ thương anh vùng rẻo cao
ly rượu gạo ruộng nhà thơm thảo
trót một ly rít mén thuốc lào
ôi chao “đã” quá chừng là “đã”

Em bây giờ lạc về ngả lạ
anh lạc về ngả lạc-phù-vân
đến nỗi chi Thơ phải lạc vần
đến nỗi chi buồn tới rẻo cao !!!...

Mira Mesa tháng 05/01/08
Đêm họp mặt bạn bè tại nhà Vân Anh Trần văn Chính

GIÓ TRĂNG




ngày nào em ghé tìm thăm
khi về níu ánh trăng Rằm theo em
dùng dằng gió cũng theo về
để anh ngơ ngẩn bốn bề lạnh căm

phải chi đừng tới, đừng thăm
để anh còn có trăng Rằm ngó nhau
bây giờ nắng dãi mưa nhầu
mong em mà biết ngó đâu bây giờ !!!!

tháng hai 2008

PHỐ BỤI



gởi người còn nhớ bụi bùn
giữ từ muôn thuở nỗi buồn ngày xưa…



Lâu lắm không về thăm Phố Bụi
Thời gian e khánh tận đời người
Bông cà phê trắng ngần rẻo núi
Ta cũng ngần năm,tháng ngược xuôi !

Phố Bụi bây giờ buồn hay vui
Mưa có bùn trơn qua dốc phố
Nắng có bụi mù sân Trường cũ
Để còn thương nhớ bỏ trong Thơ !

Để buổi tan trường cứ ngẩn ngơ
Con dốc nghiêng chao tình trượt ngả
Ở chốn nắng mưa dài nỗi nhớ
Ai còn giữ níu chút hương xa !

Như mây bỏ núi về qua phố
Bằng hữu xưa người ở người đi
Phố Bụi buồn hiu sân ga nhỏ
Đợi chờ sao cứ mãi chia ly !

Ta đã ngần năm chưa về lại
Đời cũng buồn thêm nỗi xót xa
Con đường Thống Nhất cây xanh lá
Chiều em áo lụa mướt đôi tà

Lòng cũng xôn xao từng ngõ phố
Ly cà phê góc đường Quang Trung
Thơ bỏ trong tình rưng nỗi nhớ
Em có qua mà sao dửng dưng !

Sao ngó mà không quày trở lại
Cứ miết đường Y Jut đi hoài
Phố Bụi lòng riêng về mấy ngả
Ngả nào em lạc mất tình nhau !

Để ta rớt lại đời khuây lảng
Thơ lạc đường đêm đối bóng mình
Bóng ngả trên đường qua Ngả Sáu
Lạc em từ đường Phan Chu Trinh

Lạc em từ Ama Trang Long
Lạc nữa, cuối đường Tôn Thất Thuyết
Áo em giởn ngất trời lồng lộng
Ta níu hoài không giữ được, riêng

Thôi, cứ tình em, ta cất giấu
Mai kia mốt nọ chợt nhớ về
Nói lẫy : “ hồi xưa em đánh mất
anh có còn, gởi lại cho em !”

Gởi gì đây ! Biết gởi về đâu !
Mình lạc tình đau tự thuở nào
Thuở của một thời Buồn Muôn Thuở
Mưa-bùn-nắng-bụi giữ giùm nhau !

Bây giờ ta ở phương trời lạ
Em ở quê nhà, Phố Bụi xưa
Núi cách sông ngăn đường xa ngái
Vẫn còn vương bụi nắng, bùn mưa !

Xin cám ơn một thời Trường Cũ
Những con đường ta đuổi theo em
Đã bấy nhiêu năm còn cất giú
Hay là bỏ lửng vào lảng quên !

Ta vốn một đời Thơ chất ngất
Mà viết tình em lại nghẹn lời
Em ơi! Nói nhỏ. Lời chân thật
Em còn thương Phố Bụi. Thương không !

Thơ Tình Giấy Nõn
Tháng Giêng ở quê người/2008

KỶ NIỆM XƯA




Về đây thấy em cười
Góc sân quen, nhà cũ
Kỷ niệm xưa, buồn rũ
Bỗng, ngạt ngào thanh xuân

Tôi bỏ lại bâng khuâng
Ôm tràn lòng mới, cũ
Mới biết em tình tứ
Trong đời tôi, đời Thơ

Đời, chỉ là nỗi nhớ
Tình , khát vọng thương yêu
Em, dáng đời yểu điệu
Rớt xuống tình Thơ, tôi

Như quán chiều, “ Tình Nhớ”
nghiêng nỗi sầu, em đi
Giọt cà phê chia ly
Biển với Rừng, xa thẳm

Bốn-mươi-năm Biển mặn
Giú tình yêu núi ngàn
Câu gừng-cay-muối-mặn
Em có còn nhớ, quên !....

Escondido, sân trước Hiên Trăng
Chiều 13/10/2007

TÌNH YÊU KỶ NIỆM



nhớ bến xe Lam Cây số 4 , ngày nào…

Buồn rưng nỗi nhớ thương em
Nhớ em ngày đó mắt hoen lệ buồn
Chia tay nhau giữa hoàng hôn
Ngả ba Mả Thánh gió trườn ngược xuôi
Bến xe Lam bỏ chỗ ngồi
Em về nghen để Mạ chờ Mạ trông
Mạ nhìn mắt liếc, mắt lườm
Làm như anh chỉ là phường bướm hoa
Yêu em, anh rất thiệt thà
Tới như cả nụ hôn, là, rất hôn
Chỉ từ nỗi nhớ, không hơn
Làm chi tới nỗi đã cơn ái tình
Em về đi, chỉ một mình
Anh không đưa sợ Mạ rình, ngó theo
Tình anh Xóm nhỏ Quê nghèo
Trái tim anh cũng theo về với em
Mai kia mốt nọ có thèm
Anh làm Thơ rủ em về với nhau

Bây giờ, em có quên đâu !
Hôn câu lục bát qua cầu gió bay…

Mira Mesa, tháng 9/2007

Trang Thân Hữu :MÙA XUÂN TRONG THƠ TRẦN HUY SAO



Nhân đọc những bài thơ Xuân của Trần Huy Sao

“ Anh Trần Huy Sao thân mến,
Vì Thơ về mùa Xuân của anh tương đối khá nhiều nên tôi chỉ viết tượng trưng một vài bài thôi nhé. Dĩ nhiên tôi căn cứ vào những vần Thơ Xuân đó để viết, còn những tư tưởng tiềm ẩn trong Thơ hay những ý chính nằm trong tim anh tôi không biết được nên không biết có hợp với anh không ? Bài viết đã xong. Gởi anh để làm kỷ niệm nhé “

DƯƠNG VIẾT ĐIỀN



Nói đến mùa xuân là nói đến mùa ấm-áp, khí hậu thật mát dịu trong lành. Bầu trời luôn luôn sáng-sủa và quang-đảng với trời xanh, mây trắng, nắng hồng. Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc . Hàng ngàn lọai hoa đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng xuân chan-hoà khắp nơi. Bên những đoá hoa xuân khoe màu trong nắng, những đàn bướm tung-tăng lượn qua lại như muốn tỏ tình.

Trước cảnh đẹp thiên-nhiên với nghìn cây đang đơm bông kết trái, trước cảnh đẹp tuyệt-vời của ngàn đoá hoa xuân có bướm lượn quanh ngây-ngất tình, trước cảnh đàn chim nên thơ hót líu-lo trên cành cây dưới nắng xuân hồng ấm-áp, trước cảnh thơ-ngây của những cô gái xuân đến tuổi dậy thì mơn-mởn đào tơ đang e-ấp tình xuân, các thi- nhân Việt-nam đã xúc-động để rồi sáng-tác nên hàng trăm câu thơ ca-ngợi xuân về, sáng-tác hằng ngàn câu thơ thêu-dệt tình xuân.
Riêng với nhà thơ Trần huy Sao, mùa xuân về với chàng như thế nào, nhớ quê hương, nhớ mạ rồi nhớ kỷ niệm với người tình muôn thưở, nhớ bạn bè rồi một mình bâng khuâng bên tách cà phê nóng trong quán vắng chiều xuân?
Chúng ta hãy lần lượt nghe Trần huy Sao thêu dệt tình xuân qua những vần thơ mà chàng đã sáng tác mỗi khi xuân về.

Bất cứ ai xa quê hương cũng luôn luôn nhớ mẹ già sau luỹ tre xanh đang chống gậy mỏi mắt chờ đón con về trong những ngày tết đến, trong những dịp xuân về.
Nhưng rồi người mẹ hiền vẫn bặt vô âm tín vì người con trai ở quá cách xa nghìn trùng, chỉ biết vọng về cố quận mà nhớ nhung chất ngất. Chàng con trai ấy nhớ những kỷ niệm trên dòng sông Hương, nhớ những lúc mẹ già qua đò An cựu nơi có dòng nước nắng đục mưa trong đầy ắp những kỷ niệm của mẹ già. Nhớ những lúc đi qua cầu Trường tiền có sáu vài mười hai nhịp, nhớ thành phố Huế nơi có nhiều lăng tẩm vua chúa rêu phong cổ kính nghìn năm. Chàng lại quá xúc động mỗi độ xuân về vì không về thăm mẹ được khiến lòng buồn vời vợi rồi bật lên tiếng kêu rặt giọng Huế thật nên thơ, thật là Huế:

“Mạ có qua đò sông An Cựu
Nhớ lại chàng trai Bác Vọng Tây
Tiếng hò ngọt lịm dài sông nước
Té ra duyên phận hẹn nhau đây !
…………………………………..
Huế của mùa Xuân hay mùa Hạ
Mà răng lòng Huế rất thâm trầm
Tiễn con phiêu giạt đi trăm ngả
Mà lòng Mạ & Huế khác chi nhau !

E rằng có những mùa Xuân tới
Chắc con không dịp về thăm mô
Mạ ơi, đừng có hoài mong đợi
Ốt dột lòng con, Mạ biết không !

Con nhớ bên trời Xuân, có Huế
Có sông Hương thương nhịp Trường Tiền
Có núi Ngự giú buồn trăm năm cũ
Dõi hồi chuông Thiên Mụ gọi chiều

Con biết rứa, răng con chẳng thể
Về nương quê, về Huế, Mạ ơi !
Trăm nỗi nhớ cứ một lòng với Huế
Huế muôn đời và, Huế muôn nơi

Huế lòng con là thơ là mộng
Là răng, ri, tê, rứa rất gần
Là tiếng “ Mạ “ nghe ra rất rộng
Rất thân thương và, rất bâng khuâng

Con gởi Mạ mùa Xuân của Huế
Mạ giùm con chia sớt ngọt ngào
Răng lạ rứa, chiều ni, buồn-rất-huế
Giữa đất trời rét ngọt tháng Giêng, Hai...

(Trong bài “Huế, mùa xuân, mạ, em ơi”)

Hai người đàn bà luôn luôn làm cho trái tim của người đàn ông xúc động mãnh liệt nhất là mẹ và người tình. Đối với mẹ, nhà thơ Trần huy Sao đã tỏ ra nhớ thương triền miên mỗi độ xuân về và đã nghẹn ngào vì sẽ không về thăm mẹ được với những câu thơ “ E rằng có những mùa xuân tới, chắc con không dịp về thăm mô, mạ ơi đừng có hoài mong đợi, ốt dột lòng con mạ biết không”. Còn đối với người tình năm cũ, nhà thơ đã rung cảm hồn mình như thế nào mỗi lúc xuân về?

Nếu có ai nhắc đến ngày cuối năm ngồi bên bếp lửa để canh nồi bánh chưng bánh tét, chắc chắn nhà thơ Trần huy Sao sẽ xúc động đến chết ngất giữa đêm xuân! Không xúc động sao được khi kỷ niệm lại hiện về trong đêm trừ tịch: thưở ấy, chàng và nàng ngồi cạnh nhau bên bếp lửa để canh chừng nồi bánh tét bánh chưng. Chàng và nàng đã cùng nhau liếc mắt trao tình thật đắm đuối mê say. Hai trái tim đập thình thịch khác nhịp nhưng rồi mấy phút sau lại đập chung một nhịp bên bếp lửa hồng. Thế rồi thừa thắng xông lên, sau khi chàng thi sĩ họ Trần thấy có triệu chứng sắp làm chủ được trái tim của người tình muôn thưở, chàng ta liền liều lĩnh hôn nàng tới tấp trên mắt trên môi khi “nghe nôn nao không khí tết ùa về” bất chấp cả “đêm cuối chạp tiết trời se lạnh”, lắm lúc cũng bất chấp luôn nồi bánh tét bánh chưng còn sống hay đã cháy hết rồi! Và nếu lúc bấy giờ nếu có động đất đến 9. hay 10. độ Richter đi nữa thì chàng thi sĩ họ Trần coi như không có gì xảy ra cả vì anh ta biết rằng, một triết gia Tây phương, ông Virgile đã từng nói “ái tình còn mạnh hơn cả cái chết” nữa mà! Vì thế chàng vẫn tiếp tục say sưa trong men tình chiến thắng. Ấy thế mà người tình vang bóng một thời của chàng thi sĩ họ Trần lại đáp lễ cũng thật tuyệt vời: “dấu môi hôn dính mỡ đầy má em, em khẻ khàng lấy khăn …….tay lau nhẹ, chúm chím cười đôi con mắt có đuôi”!

Đoạn thơ sau đây bộc lộ rõ ràng những điều vừa nhân xét ở trên kia:
“đã nắm tay em, nắm thiệt là lâu
nhưng chưa dám hun bởi còn mắc cở
nếu quả thiệt tình mình là duyên nợ
thì trước sau em cũng nợ theo anh

đêm cuối Chạp nên chi trời se lạnh
càng về khuya sương rớt hột bên hiên
thoảng đâu đây mùi trầm hương hòa quyện
nghe nôn nao không khí Tết ùa về

chẳng hẹn nhau, hai đứa cùng liếc khẽ
anh rụt rè nắm lấy bàn tay em
những ngón tay tìm những ngón tay quen
cái siết nhẹ mà sao tim đập mạnh !

đêm cuối Chạp dẫu tiết trời se lạnh
mà lòng anh ấm lắm, nụ-hôn-đầu
đừng giận gì anh nghe em yêu dấu
dấu môi hôn dính mỡ đầy má em !

em khẽ khàng lấy khăn tay lau nhẹ
chúm chím cười đôi con mắt có đuôi
còn cười chi cho lòng anh bối rối !
tự trách mình vụng dại quá đi thôi…

mấy mươi năm anh còn giữ trong đời
nụ-hôn-mỡ làm lòng anh ngượng chín
cũng chẳng thể quên làn da mát mịn
cảm giác đầu từ một nụ hôn em…”

(Trong bài “ Kỷ niệm này xuân”)

Cuộc chiến tình yêu thưở ấy giữa hai phe lâm trận bên chồng lá chuối, bên rổ nếp trắng ngần, bên bếp lửa hồng trong đêm trừ tịch thật khốc liệt. Ấy thế mà khi thân sinh thi sĩ hỏi thăm dò lời quanh quẩn, nhà thơ chỉ trả lời rằng nàng thơ qua nhà chỉ để gói bánh mà thôi:
“mai anh hẹn qua nhà em gói bánh
mượn ngày Xuân để nhìn ngắm Nàng Xuân
cha cứ hỏi thăm dò lời quanh quẩn
anh trình thưa, qua gói bánh, vậy thôi !

ý lòng anh thương cả chỗ em ngồi
lá chuối xanh bọc trắng ngần hạt nếp
tình yêu anh thủy chung là như thế
một chỗ ngồi thầm nhìn, liếc, gởi trao…”

( Trong bài “ Tình xuân thơm dẽo nếp quê hương”)

Vui như thế đấy, hạnh phúc như thế đấy, thế mà giờ đây chỉ còn là kỷ niêm. Than ôi, những giây phút hạnh phúc ấy bây giờ còn đâu! Mỗi lần nhắc lại, hồn nhà thơ bỗng xúc động mạnh rồi cảm thấy như có gì nghèn nghẹn ở trong lòng!
Đã xa nhau biền biệt lâu lắm rồi, ấy thế mà giờ đây khi mùa xuân đang về trên đất nước, bỗng đâu em lại hiện về giữa dòng đời hiu quạnh khiến mùi hương phấn thơm lựng lại phảng phất đâu đây làm cho nhà thơ như muốn tái tê cả cõi lòng, làm cho nhà thơ nát cả tâm can nhất là lúc người mẹ nhắn tìm nhà thơ rất vội :
“năm nay mùa Xuân em có về
Mạ nhắn người tìm anh rất vội
ở vùng kinh tế trời mau tối
anh thắp đèn lên đối bóng mình
bóng của mười năm xa phố thị
mười năm biền biệt buổi em đi
rừng Ngo đã bao mùa thay lá
em có quê nhà để nhớ không ?
anh có tình em để nhớ mong
mười năm ! Đủ nhạt màu nương rẫy
đủ để vờ quên nơi chốn xưa
em về thơm lựng mùi hương phấn
Mạ nhắn chi cho nát cõi lòng …”

( Trong bài“ Em về thơm lựng mùi hương phấn”

Nói chung, cứ mỗi lần xuân về, nhà thơ Trần huy Sao thường nhớ đến người mẹ hiền ở quê nhà đang mỏi mắt chờ đón con về từng giờ từng phút, cũng như luôn luôn nghĩ đến những kỷ niệm buồn vui với người tình muôn thưở đã từng một thời ngồi bên nhau vui với cuộc tình. Còn với tình bằng hữu thì sao? Nhà thơ có thường hay nhắc đến những kỷ niệm buồn vui nào với những bạn bè cứ mỗi độ xuân về không?
Vẫn biết giờ phút này đây, bạn bè còn ai nữa đâu, người thì mất tích từ lâu, người thì đã trốn năm nao, người thì tù ở rừng sâu, người thì đã chết từ lâu. Nói như thế không có nghĩa là không còn người bạn nào nữa cả. Mà trái lại, nhà thơ Trần huy Sao vẫn còn một số bạn bè ơ ngay đất khách quê người cũng như vẫn còn một số bạn bè ở tại quê nhà xa vời vợi. Bằng chứng là qua những vần thơ sau đây, ta thấy nhà thơ đã tỏ ra nhớ thương bạn bè thật da diết cũng như đón tiếp bạn bè thật nồng hậu để rồi, cùng bạn bè uống rượu đón xuân về chiều ba mươi tết để cùng nhau mừng thêm mỗi người một tuổi nhân lúc cúng rước ông bà về:
“bạn đến thăm chiều ba-mươi-tết
sợ là mồng-một lắm cử kiêng
ly xứ lâu rồi mà hay thế
đất-lề-quê-thói vẫn mang theo !

ngồi đây. Bạn hãy ngồi đây đã
chờ xong tuần rượu rước Ông Bà
trầm hương khói quyện đường xa ngái
chuyến bay có kịp chiều cuối năm !

uống ké Ông Bà dăm ly rượu
gọi là đón Tết với vui Xuân
nhân tiện mừng nhau thêm một tuổi
lại thêm một dấu ấn phong trần”

(Trong bài “ Chiều cuối năm”

Riêng đối với những người bạn ở quê nhà, nhà thơ luôn luôn khắc khoải sầu thương nhớ vì đã một thời cùng nhau chia xẻ ngọt bùi, cùng nhau vào sanh ra tử trong thời ly loạn bảo vệ biên thùy. Ta hãy nghe nhà thơ Trần huy Sao thương nhớ người bạn thân tên Đạt hiện đang ở tại quê nhà sau luỹ tre xanh lúc nhà thơ đang đón xuân về ở quê người đất khách:
“Ðạt vẫn còn ở lại quê nhà
vẫn cần cù ôm trời bám đất
hai mắt mờ từ cơn sốt vàng da
chân khập khiễng thuở phá rừng làm rẫy
còn người mẹ già mé bờ trăm tuổi
nằm cô đơn chờ đợi chuyến đi xa
“ thọ như Ðông Hải phước tợ Nam Sơn”
câu chúc tụng đã thuộc về dĩ vãng !

có người vợ là nữ sinh Ðồng Khánh
phải lòng anh lính trận Tết Mậu Thân
tóc thề xưa dâu bể lạc Hoàng thành
lòng Tôn nữ trải mưa dầm nắng hạn

hai đứa con lớn lên từ khoai sắn
theo nghề cha cũng bám đất ôm trời
chúng chưa thấu quê hương thời lửa đạn
chỉ thấy quê hương sao mãi đói nghèo !
………………………………………
…………………………………………
Ðạt ở lại ôm trời bám đất
về vùng cao cầu thoát-hiểm-mưu-sinh
nhát cuốc xắn đôi nỗi buồn chiến trận
lên vồng khoai như đắp mộ đời mình

chiều tím núi thường lai-rai-ba-sợi
bập điếu thuốc rê nhìn khói nhớ bạn bè
đứa ở phương Ðông đứa lạc phương Ðoài
đứa nằm xuống ngao du cùng giun dế !
………………………………………..
………………………………………….
thương người bạn một thời chia lửa
và nưả đời sau cách núi ngăn sông
đọc dòng thơ sao mắt kính lại nhòa
lòng xơ xác giữa trời cao đất rộng !

Ðạt bây giờ còn ở quê nhà
uống rượu một mình nhớ người bạn cũ
nhả khói thuốc tựa phù vân lảng đảng
níu mùa Xuân tìm dấu vết ngày xưa...”

(Trong bài “ Thơ bạn quê hương”)

Như ta đã thấy , cứ mỗi độ xuân về, nhà thơ chỉ thấy lòng buồn vời vợi vì nhớ mẹ già đang chống gậy sau luỹ tre xanh đang mỏi mắt trông ngóng con về, nhớ lại những chuyện tình mấy mươi năm cũ nay chỉ còn là kỷ niệm, nhớ bạn bè một nắng hai sương trong nỗi cơ hàn gian lao khổ cực vì đồng tiền bát gạo, vì miếng cơm manh áo, khiến tâm hồn thi sĩ bỗng quằn quại đau buồn. Chẳng khác gì nhà thơ Chế lan Viên, bởi mỗi khi thấy xuân về trước ngõ, Chế lan Viên thường cảm thấy hồn mình thêm đau buồn da diết vì ông ta có những kỷ niệm buồn qua mấy vần thơ sau đây:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẽo xuân sang.”
(Trong bài “Xuân”)

Vì mỗi lần xuân về chỉ buồn vời vợi, mỗi lần xuân về chỉ thấy nảo nề nên nhà thơ lắm lúc váo quán rượu bên đường ngồi một mình một bóng uống một tách cà phê, để cho hồn mình lắng đọng tâm tư vọng về quê mẹ, ôn lại những kỷ niệm buồn vui từ lúc mới bước chân vào đời cho đến lúc đã trưởng thành nơi quê nhà yêu dấu:
“ Tới chỗ nào cho vợi bớt bâng khuâng
Góc quán âm thầm ly cà phê đen đắng
từng giọt rơi gọi chiều Xuân thầm lặng
bóng với hình thui thủi ngó nhìn nhau

chiều quê xa, như mọi chiều, qua mau
làm sao níu những chiều quê hương cũ
nơi có bạn bè, người yêu, kéo dòng thác lũ
cuồn cuộn mùa Xuân da diết những mùa Xuân

con Én lạc đường bay trời cố quận
tôi lạc đường cơ nhỡ chốn quê xa
chiều cuối năm ly cà phê đen, đắng
có nỗi buồn nương khói thuốc bay cao….”

(Trong bài “ Chiều cuối năm góc quán một mình”)

Tóm lại, qua những vần thơ của thi sĩ Trần huy Sao, ta thấy tâm hồn nhà thơ thật chan chứa tình xuân, rất nhiều bài thơ bàng bạc những xuân tình nhạy cảm. Tình xuân rồi lại xuân tình theo đuổi nhau đổ xô vào bờ tình ái khiến cho nhà thơ nhiều lúc quằn quại nghẹn ngào, nhưng cũng lắm lúc dạt dào như sóng biển trong buổi hôn hoàng tuyệt đẹp.

California, ngày 27 tháng 02 năm 2008
DƯƠNG VIẾT ĐIỀN

BÀI THƠ ĐẦU NĂM ÂM LỊCH


Đầu năm ngồi uống beer, đọc báo
Không được bài nào vui con mắt
Trôi nổi mấy mươi năm nhốn nháo
Văn Thơ cũng theo Đời, tản mạn

Thôi bỏ đi ! Ngồi ngó đất trời
Sao thấy như có gì bất ổn !
Đất lạc màu da nhìn chới với
Trời riêng phong thổ ngắm vô hồn !

Chỉ có chai beer coi cũng được
Tôm khô củ kiệu gọi ngày Xuân
Hiền nội đang canh nồi thịt luộc
Vui Xuân món bánh tráng ghém rau

Cuốn cả đời nhau vô trong nớ
Thịt thà rau lá hầm-bà-lằng
Chấm ngập nước tương dầm miếng ớt
Cắn cay cho xé dập phong trần

Cho thấm mùa Xuân cay-ngọt-mặn
Nhìn nhau khát đắng níu hồi xưa
Hồi ôm nỗi nhớ thương tròn lẳn
Lãng mạn về theo cả bốn mùa

Có mây bỏ núi về qua phố
Để phố đông son phấn đẹp trời
Áo tiểu thơ lượn vờn theo gió
Đủ ngẩn ngơ lòng trai gái ơi !

Mấy mươi năm lạc đường dâu bể
Mùa Xuân cũng lạc thấu phong trần
Đất khách phong vân nhòa nhân thế
Còn gì mà níu giữ ngày Xuân !

Mai nữa áo cơm đời khánh tận
Quê hương rớt lại ở cuối trời
Miếng nhớ cho đau lòng vướng bận
Miếng thương xin để lại trong Thơ…

Sáng mồng Một Tết Mậu Tý 2008

XUÂN




Ra năm ngày rộng tháng dài
Ngồi lâu níu chữ ghép vài bài Thơ
Cuối năm lòng cứ ngẩn ngơ
Hương Xuân ngào ngạt không chờ được đâu !

Vui Xuân. Đừng để Xuân tàn
Thơ ngưng trích đoạn để dành ra năm !

Mồng Một Tết Mậu Tý 2008
(07/02/2008)