tháng 12 21, 2007

THOÁNG HƯƠNG XƯA




Hồi chiều, đi ngang qua nhà lớn định bụng bán mấy con dế cho chú Tơ chơi. Tình cờ thấy O Huê đang ngồi phục dưới đất, mặt mũi ràn rụa nước mắt, nói với Ôn :
- Ôn thương tình bỏ qua cho cháu. Hắn nhỏ dại có biết chi mô. Ðể tui về phạt hắn, cho hắn chừa.
Rồi hai tay O quơ quào quanh mặt, làm như có kiến đậu ruồi bu chi hung dữ lắm. O rền rĩ, giọng nghe mà não nuột :
- Thiệt là ốt dột quá chừng. Tui mà có ngờ chuyện là rứa đâu Ôn !
O trợn mắt, nghiến răng đay nghiến :
- Cái thằng ni. Tao giết mi chưa đáng..
Tôi giật nẩy cả người, ngồi thụp xuống, mắt láo liêng. Tưởng là O bắt gặp tôi đang rình lén. Nhưng không,giọng O vẫn chì chiết :
- Hắn trốn mô không biết. Tui tìm hắn cả trưa ni. Thiệt là tui khổ vì hắn đó Ôn ơi !
Thì ra O đang chì chiết thằng bạn em cô cậu của tôi, thằng Chắc đó ! Mà chuyện chi đến nỗi phải lên gặp Ôn? Gặp Ôn là chuyện lớn rồi! Chuyến ni thì có mà chết chắc. Tò mò quá, tôi thè thẹ nhón chân nhìn qua khe cửa. Thấy thương O quá, trong dáng ngồi ủ rũ, tả tơi. O đang thút thít, mặt mũi chèm nhem. Ôn tôi thì đang ngồi dáng trầm ngâm, mặt Ôn đỏ rần như trái mần-quân, mấy ngón tay cứ xoắn xít quanh nhau trong vẻ dáng bứt rức. Phút yên lặng trải dài làm tôi cũng muốn nghẹt thở. Cuối cùng, Ôn "Xì" lên một tiếng đầy vẻ bực dọc, rồi nói với O tôi :
- Thôi được, Mự về đi. Chuyện ni không nói với ai nhưng Mự phải gặp riêng con Túy, nói với hắn, để hắn bỏ qua.
O tôi đứng dậy, khẽ khàng lấy vạt áo lau nhanh qua mặt rồi vái Ôn, mở cửa bước ra. Tôi chạy vội qua góc nhà rồi quẹo xuống cửa bếp, dông tuốt ra sân. Núp sau gốc Vả, tôi thấy dáng O rất là tội nghiệp. O băng qua khoảnh sân rộng rợp bóng dừa và lả tả rơi mấy bông hoa Sứ trắng nõn. Buồn thiệt là buồn. Ðúng là người buồn, cảnh có vui đâu !
Trong số các O, các Dì, tôi thương nhất là O. O hiền hậu dịu dàng và đẹp. Dáng O thanh tao đài các, ăn nói thiệt là rót mật vô lòng. Rứa mà hồng nhan đa truân. Nghe đâu hồi gặp Dượng, O còn nhỏ lắm. Ôn Mệ tôi không ưng Dượng chỉ vì Dượng đờn giỏi hát hay, đi tới môcũng có bạn bè đàn đúm. Nói năng thì buông thả, không giữ gìn, ý tứ.. O tôi thương Dượng giữa bốn bề thọ địch. Phía địch thì thì không có ai hết, chỉ có mình Dượng trơ trọi tới lui coi như là lảnh đủ mọi điều cay đắng tủi nhục. Về phía "phe ta" thì vô tình có, hữu ý có, chia nhau hai nhóm mà tự kình chống nhau dai dẳng. Ôn tôi thì chủ trương bài Dượng quyết liệt, không hề nương tay. Mệ tôi, lúc ban đầu, là tay phò trợ đắc lực cho Ôn, sau không biết làm sao lại...ly khai lập bè phái mới ủng hộ O quá chừng. Nghe đâu xuất phát từ bữa qua nhà Mệ Xướng chơi, tình cờ gặp và nghe Dượng đang thủ diễn một màn độc tấu đờn Nhị. Tiếng đờn lả lướt của Dượng đã làm cho Mệ tôi thay đổi lập trường là vậy. Dưới trướng của Mệ tôi có nhiều tay trợ thủ đắc lực phải kể tới là O Dung, O Thiệt và cả Ba tôi nữa. Mấy O tê thì không biết thế nào. Riêng Ba tôâi, ông khoái Dượng không hẳn là vì tiếng đàn réo rắt lòng người mà chính là vì Dượng...biết uống rượu. Không phải kiểu uống rượu đầy vẻ hào khí như mấy tay anh hùng hảo hớn ngày xưa. Cứ dốc bình lên mà nốc, rượu chảy tràn lan ra ngoài, phí phạm quá trời! Rồi nói năng như kêu đò rổn rảng nghe mà chướng tai. Ba tôi uống rượu thiệt là cầu kỳ. Chung rượu chi mà nhỏ như hột mít, mỗi lần chiết rượu ngó chưa đủ ngụm.Vậy mà cứ nhấp hoài, tưởng là rượu Thạch Sanh, uống hoài không thấy cạn. Mỗi lần ngồi uống thì thiệt là lâu. Bạn rượu đứng lên chia tay, ai cũng khật khừ lảo đảo. Tôi nghĩ, mấy Ôn chỉ bị mỏi gân mỏi cốt vì ngồi lâu, chớ có say sưa chi mấy ngụm-hột-mít! Vậy mà Dượng tôi chịu đựng giỏi. Ba tôi khen Dượng hoài. Không biết khen ở điểm nào cho đáng, nhưng có khen là O tôi vui. Sau này, nghe Mạ tôi nói :" Ba mi chỉ có Dượng là kỳ phùng địch thủ". Tôi lại khám phá thêm một điều lý thú. Té ra rượu Ba tôi uống là loại rượu được chưng cất riêng. Một chung hạt mít đó cũng đủ sật sừ. Thảo nào, mấy Ôn sau buổi tiệc tàn cứ khật khà khật khưỡng. Mới biết là có mỏi mệt chi đâu, say rượu đó! Rứa mà Dượng có hề. Sau bữa tiệc còn ôm đàn mà lả lướt ngũ cung gọi là để hầu anh. Ba tôi ưng bụng lắm.

O với Dượng ăn ở với nhau không cưới hỏi rườm rà, âm thầm và lặng đắng trong miệng tiếng thị phi. Nhưng tôi biết chắc một điều là hai người rất hạnh phúc. Sau đó, O bị từ bỏ ra khỏi lề thói và khuôn phép của gia đình buộc lòng phải bôn ba ly xứ, chẳng biết đi về hướng nào! Tôi còn trụ lại ở cái làng hẻo lánh xa cách Cố Ðô này một khoảng thời gian ngắn rồi cũng theo gia đình tha hương.
Ba tôi vô nhậm chức ở cái vùng đất rẻo cao xa lạ và khác biệt quá! Thì ra, hầu hết họ hàng nhà tôi đều vào đây lập nghiệp, khai phá đất đai tạo dựng cuộc sống mới. Ðó là theo chân Ôn Chú tôi.
Ôn Chú tôi là em thứ hai của Ôn Nội tôi, chịu không nổi cảnh nghèo nàn của làng quê đất cũ nên mới dấn thân đi tìm vùng đất mới. Bây giờ cơ ngơi Ôn rộng lớn, của cải dư thừa. Bà con làng cũ nghe tin Ôn hoạnh phát cũng bỏ làng quê xưa vào tụ hội rất đông. Ai Ôn cũng giúp đỡ và chỉ dẫn tận tình trong cung cách làm ăn ở vùng đất mới. Ôn trở thành Cả, của họ làng tôi. Chuyện nhỏ, chuyện to cũng phải tìm tới Ôn giải quyết. Vợ chồng cãi cọ nhau cũng tìm tới Ôn phân giải. Con cái hư cũng đưa tới Ôn, nhờ Ôn răn dạy. Ôn có nói "Không" hay nói "Có" thì cứ ngậm đắng mà vui, cho Ôn vui. Bởi vì Ôn là vai vế lớn nhất ở đây, lại giàu tiền lắm của. Quan trọng hơn hết là chỗ dựa lớn lao cho những người nghèo trong họ. Nha ø Ôn ngày nào cũng có người tới lui khóc cười, thôi thì đủ chuyện. Hồi đó, đứa mô mà bị đưa tới gặp Ôn là són trong quần. Người lớn như mấy O, mấy Dì, mấy Bác, mấy Chú mà cũng mặt mày lơ láo thất thần, huống nữa tụi nhỏ tôi. Nề nếp bao đời không rủ bỏ được. Có trên dưới, có trước sau. Nghiễm nhiên, Ôn trở thành Trưởng Tộc, coi sóc việc Họ hàng năm, trong vùng đất mới này. Con cháu quây tụ đông đảo, trở nên một họ lớn.
Ôn có ba người con. Chú Sánh lấy vợ miền Nam, đâu miệt Bình Dương thì phải. Thím cứ nhõng nhẽo suốt ngày, chắc là tại vì thấy mình đẹp. Chú chiều chuộng nưng niu mà ốm cả người. Ðược cái là tính tình Thím vui vẻ, hay nói chuyện. Tiếng nói như chim líu lo, hay tuyệt. Có điều không có ai nghe cho ra! Chú Tơ là trai mới lớn, coi bộ con cưng. Suốt ngày cứ ham chơi đá dế, ăn nói chẳng nể nang ai. Bụng thì cứ thẳng đuột ai nói sao tin vậy, bị tụi tôi dụ khị hoài. Rồi đến O Túy. O ni mới thiệt là thon thả dịu dàng,đẹp quá đỗi.Ôn Mụ tôi có đẹp chi cho lắm rứa mà sinh O ra sao mà sắc nước hương trời. Ðúng là có câu "Cha Mẹ hiền sinh con thảo, Cha Mẹ cú đẻ con Tiên". O suốt ngày ở nhà, không thấy đi đâu. Mệ tôi cưng O mờ cả mắt...
Cũng nhờ Ôn mà tôi gặp được thằng bạn em cô cậu. Thì ra O Dượng cũng vô đây lập nghiệp. Sau hai năm vất vả, cần cù gia đình bắt đầu ổn định thì Dượng mất. Tội cho O tôi quá! Cũng tiếc thương cho Dượng quá chừng. Ðúng là tài hoa bạc mệnh, hồng nhan đa truân. Ba tôi lúc mới biết tin, Ông buồn rũ rượi. Trái đất quả thật có tròn nhưng so lệch huyền vi tạo hóa, cái này giải không ra. Ðêm đó, Ông ngồi trầm ngâm uống rượu một mình rồi gục trên bàn tới sáng. Lần đầu tiên tôi thấy Ba tôi buồn như rứa.
Chuyện rồi cũng phôi pha theo thời gian.Cuộc sống vẫn cứ đùn lên những gò đống cam go mới,nên chi cũng nguôi khuây phần nào. O tôi ở vậy nuôi con,đứa con một, cũng là đứa con chất ngất kỷ niệm của đời O. Lần đầu tiên tôi gặp thằng em cô cậu của tôi ở gốc Vả sau nhà Ôn. Thấy hắn đang nhai Vả với muối tiêu ngon quá, tôi mon men tới làm quen. Hắn ngó tôi thiệt lâu rồi bất thần hất nắm muối tiêu vô mặt tôi. Nửa trái Vả hắn đang ăn, hắn lấy hết sức mình liệng tôi nhưng không trúng. Tôi nghe một tiếng "choãng" lớn phía sau, rồi tiếng
Mệ Tất la chói lói :
- Mụ-cô-tam-đợi, đứa mô liệng bễ hết chén đọi tau rồi !
Trước khi dợm cẳng chạy, hắn nói với tôi :
- Cho mi lảnh đủ. Thêm một thằng nịnh hót nữa. Mi vô mà mét Ôn đi..
Rồi hắn lủi mất. Lần đó, tình ngay lý gian, tôi bị Ôn bắt phạt quỳ gối nửa ngày, về nhà bị Ba tôi đét ba roi quắn đít. Lúc đó tôi không biết hắn là con nhà ai nhưng biết chắc là hắn cũng có anh em bà con gì đó, với tôi. Thiệt tình tôi không giận, không buồn gì hắn.
Lần thứ hai khi tôi đem bánh Xèo nhà làm tới cho O, tôi. lại gặp hắn. Hắn đang ngồi chồm hỗm trên cành ổi lớn trước nhà. Hai ống quần đùi rộng thùng , tôi liếc thấy trái-ớt-hiểm của hắn nằm ỉu xìu mà phát tội Thấy tôi, hắn nhe răng cười :
- Ăn ổi không? Lần ni không có muối tiêu nghe. Hì...hì...
Tự nhiên tôi phát giận. Tôi giả làm mặt lạnh lùng, đi ngang qua còn nói với :
- Không có muối tiêu thì có muối ớt. Trái-ớt-hiểm đó, giã với muối bộ không được răng? Xì, cái đồ dơ dáng...
Khi tới thềm nhà, đưa tay định mở cửa, tôi nghe tiếng hắn la bải hoãi :
- Ê, ê thằng tê. Mi nói xỏ tau.
Rồi tôi nghe một cái "Huỵch". Quay lại, thấy hắn nằm chỏng quèo, hai cẳng chân gầy nhom đưa lên trời. Cả hai ống quần rộng trật xuống, trái-ớt-hiểm, lại chỏng đầu lên, ngó mà tội nghiệp. Vừa lúc đó, tôi nghe tiếng O chói lói sau vườn :
- Trời ơi là Trời, cái thằng ni, mi lại phá chi đây...
Hắn vội vàng lồm cồm đứng dậy, chạy mất tiêu.
Bẵng đi một thời gian lâu, tôi lại gặp hắn. Lần ni chính tay O dắt hắn tới cho nên tôi biết đích thị hắn là thằng em cô cậu của tôi. Hèn chi phảng phất hình ảnh Dượng trong đó. Cha, thấy cu cậu ăn mặc chỉnh tề. Cũng cái quần đùi kinh niên, nhưng ống được bóp nhỏ lại, lòi cả đường chỉ vụng. Bữa ni thấy hắn hiền lạ. Hắn đứng vòng tay khúm núm bên cạnh O, chờ Ba tôi ra gặp, không biết có chuyện chi đây ! Với thằng ni thì chuyện chi mà nó từ. Ôn mà hắn còn giỡn mặt huống chi Cậu.
Khi tôi bưng nước ra mời O, O nói :
- Ðể đó cho O, con..
Rồi O quay qua phía hắn, nạt khẽ :
- Răng mi không chào anh Cu đi..
Sẵn hắn đang vòng tay, hắn gật đầu lí nhí. Nhưng tôi làm sao mà không nghe tiếng hắn đang cười khùng khục trong miệng, dù rất cố nén. Ðôi mắt hắn liếc tôi rất lẹ, ranh mảnh :
- Dạ, em chào anh Cu.
Cái tiếng cuối hắn kéo dài ra, cố ý rõ ràng. Tôi ậm ự trong miệng, hơi ngượng vì O làm chi mà trịnh trọng quá.Vừa lúc đó, nghe tiếng Ba tôi tằng hắng, tôi vội chào O rồi bước ra nhà sau.
Té ra là O qua gởi gấm hắn cho...tôi !


Từ lúc đó, hai đứa bắt đầu thân nhau. Không biết hắn khoái tôi ở điểm nào, nhưng riêng tôi thì rất cám cảnh cuộc đời mồ côi của hắn. Tính tình hắn tuy là rắn mắc nhưng thẳng thắn và rất sòng phẳng. Nhìn kỹ, đẹp trai lại có nhiều tài vặt. Tôi phục nhất là hắn leo cây dừa sao mà lanh, gọn như khỉ. Mụ Quỳ cứ vài ngày lại cho người đi tìm hắn, để hắn hái lá dừa cho Mụ. Nghề của Mụ là làm bánh quanh năm bỏ mối cho Chùa, cho Chợ. Ðặc biệt, Mụ có làm loại bánh "Phu Thê", bánh làm bằng bột lọc trộn lẫn những cọng dừa xắt sợi. Lại phải gói bằng lá dừa, bẻ góc cạnh vuông vắn như một cái hộp nhỏ, rất xinh. Ðó cũng là loại bánh chạy hàng nhứt lại cần phải có lá dừa đúng dịp. Nhà Ôn tôi thì sẵn có một hàng dừa trước sân nên chi cứ một tuần hay hơn, Mụ lại cho người gọi hắn tới. Thiệt là ác đức, bắt thằng bé xíu mà leo cây dừa cao nghệu. Ngó hắn như thằn lằn ôm cột đình, rứa mà hắn leo thiệt lẹ không cần dây chỏi. Hắn tỉa tàu dừa ngọt xớt. Cột dây đưa buồng dừa xuống, gọn gàng. Mỗi lần hắn tới, Mụ lúc mô cũng sẵn sàng một mâm bánh trái gọi là trả công. Nhưng hắn thiệt lạ, nhiều khi vừa xuống đất đã thấy mất tiêu.
Hắn thường nói với tôi :" Tau làm chi tau thích nếu tau không thích tau không làm. Ham chi ba cái bánh, lỡ rớt xuống, mười mâm cũng không hứng nổi!" Hắn nói văn vẻ, triết lý mà thiệt đúng. Tôi đâm ra không ưng Mụ Quỳ, nhưng có ai cắt cớ hỏi tôi có ưng ăn bánh Mụ làm không ? Tôi sẽ trả lời là ưng, rất ưng. Nhưng hắn thì lúc nào cũng dứt khoát. Hắn hơn tôi, là ở chỗ đó.
Còn nhiều cái hơn nữa mà khi gần hắn tôi mới biết. Té ra, dù hắn có nghịch ngợm tới cỡ nào chăng nữa thì cũng không ai làm khó dễ. Hắn được hầu hết mấy Mụ, mấy O, mấy Dì, mấy Thím thương, ngoài miệng thì la lối chưởi rủa om sòm nhưng trong bụng có phải vậy đâu ! Như câu chuyện mà tôi tình cờ nghe được ở nhà Ôn. O tôi thì bù lu bù loa kêu trời trách đất, còn hắn thì trốn biệt đi đâu mấy ngày. Té ra, hắn xuống nhà O Cháu, nói láo với O là " Mạ con sai con xuống phụ việc cho O mấy ngày!". O tưởng thiệt, mừng rơn ,thầm cám ơn cô em thơm thảo, tốt lòng. Nghề chính của O là nấu rượu lậu bỏ mối. Nay gặp hắn đi bỏ giùm thì thiệt là yên bụng, khỏi phải lo.
Chưa hết, Mụ Quỳ còn cho người đi tìm hắn ráo riết để hắn hái lá dừa.
Chú Tơ thì cứ nằng nặc đòi Mụ tôi đi mời hắn tới đá dế cho chú vui. Chú nói, chỉ có hắn quay dế bằng sợi tóc, dế mới hăng độ, đá coi mới sướng.
Mụ Tất thì đang dài cổ mong hắn tới để đọc truyện "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa" cho Ôn Tất nghe. Mắt Ôn bị mờ, mà có sáng thì cũng có biết chữ đâu mà đọc! Ôn bị bệnh phong nằm một chỗ nhưng Ôn muốn đi gặp cho bằng được Khổng Minh Gia Cát, gặp Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị để bàn chuyện thiên-hạ-đại-sự. Ôn phải nhờ hắn, vì chỉ có hắn mới có cái giọng đọc làm cho ôn khi thì giật nẩy người theo tiếng thét của Trương Phi trên cầu Trường Bản, khi thì lả người muốn xỉu theo đuôi con mắt của Ðiêu Thuyền hí Lã Bố tại Phụng Nghi Ðình nhà họ Ðổng. Ôn thường nói :" Hắn đọc tau nghe thiệt sướng, nhưng mà sao hắn hay đi đái quá. Ðang nghe sướng lại đứt ngang làm mất sướng. Cái thằng ni, còn nhỏ mà thận yếu hung đó hè!" Ôn đâu có biết Ôn nằm nghe thì sướng chỉ tội thằng nhỏ cứ rướn cổ đọc hoài. Hắn phải giả bộ cho có cớ mà thư giản đó, thưa Ôn
Còn nữa, thím Thâu cũng đang cho người hối hả đi tìm hắn để thả heo vô chuồng. Thím khen hắn mát tay, thả con heo mô vô cũng ăn tạp, mau lớn lại không có bệnh hoạn chi hết. Heo hắn thả tuy là có quậy phá hư hại chuồng chút đỉnh, nhưng cái đó là chuyện nhỏ. Chuyện thím cần là chuyện heo phàm ăn, chóng lớn. Ra lứa heo bán thì không kêu, không ới chớ mà vô lứa heo là phải có hắn Thím mới yên tâm Thì ra, trong cuộc sống hằng ngày, hắn thật sự cần thiết cho mọi người...
Mấy ngày rồi, O Huê đứng ngồi không yên. O không biết hắn ở đâu, nhưng tôi biết. Chỉ cần đứng ở ngã ba gần tiệm thuốc bắc Vạn Sanh Ðường là nắm đầu được cu cậu ngay. Hình ảnh O khi rời nhà Ôn cứ ám ảnh tôi hoài, chẳng biết hắn làm chi mà sinh chuyện lớn. Thấy mà thương O quá, O bỏ buổi chợ không thiết tha ăn uống chi...Ngày hôm sau O lại chỉnh tề khăn áo tới nhà Ôn. Tôi đoán chừng O đi gặp O Túy. Chờ gần cả buổi O mới về, mặt mày bớt sầu thảm. O nói với tôi :" Con không biết hắn ở mô thiệt răng? Bộ hắn không nói chi với con à !". Giọng O lúc mô cũng dịu ngọt, nhưng lần ni pha lẫn chút gì đó, rất phiền trách xa xôi làm tôi phát nhột. Chiều đó, tôi quyết định chờ hắn ở ngã ba đường, nhưng không thấy. Ghé qua nhà O Cháu, cửa đóng im ỉm. Tôi lại chạy qua nhà O, O đang ngồi sàng gạo, tỉnh táo và nhàn hạ trước hiên nhà. Thấy tôi, O không vồn vã hỏi thăm về hắn. Tôi đoán được phần nào nhưng cũng giả hỏi O :
- Thằng Chắc chưa về răng, O ?
O yên lặng một đỗi lâu rồi hỏi lại tôi :
- Rứa chơ con thấy thằng Chắc làm răng ?
Câu hỏi của O bất ngờ quá, làm cho tôi bối rối. Tôi ngồi xuống cạnh O, phụ lượm mấy hột lúa, yên lặng thừ người. Nhìn thấy những đường gân xanh trên bàn tay gầy guộc của O mà muốn khóc. Bàn tay xưa ngọc ngà thon thả là rứa, mà bây chừ răng mà sầu úa như ri? Cũng tại mi hết, cái thằng trời-đánh-thánh-đâm, cô-hồn-các-đảng. Tự nhiên, trong một phút giây bất chợt, tôi đâm giận sôi gan cái thằng bạn em cô cậu của tôi. Hắn đã làm nhiều chuyện tày trời để khổ O, hết chuyện này tới chuyện khác...

Mới tháng trước đây thôi, ai đời hắn dám to gan bợ nguyên cả con gà luộc của Mụ Tất bày cúng Trời, cúng Ðất ngoài sân. Hắn chỉ chờ cho Mụ quay lưng vô pha trà để cho mấy đấng Bề Trên khuất mặt tráng miệng là hắn quơ gọn con gà chạy tuốt. Bữa đó, thiệt tình mà nói, tôi cũng có dự phần, nửa ăn nửa bỏ. Hắn còn nói với tôi :"Thì em cũng phải chờ cho mấy Ôn xong, em mới xin chớ bộ.Ðây cũng như mình dọn chỗ trống cho mấy Ôn thời nước. Không tội lệ chi mô, ăn đi anh Cu ".Hắn nói cũng có lý! Mấy người lớn thường nói của đã cúng xong ăn có phần lạt lẽo lắùm. Lạt mô thì không biết chớ mà răng thịt con gà ni ăn thơm,ngọt quá chừng chừng.
Mấy ngày hôm sau, hắn tự nguyện tới nhà mụ Tất đọc truyện cho Ôn Tất nghe. Ôn mừng như bắt được của, Mụ còn mừng hơn. Mụ sốt sắng dọn đầy mâm thức ăn lên cho hai Ôn cháu lấy sức. Cháu lấy sức mà đọc. Ôn lấy sức mà nghe. Ðọc truyện như rứa là hai ngày, hết hai tập "Phong Thần", hắn xin phép trở về. Ôn "Ừ" mà không ra hơi! Cũng tại vì Ôn thôi, ai biểu Ôn ham nghe đọc truyện, bỏ cả ăn. Té ra, đồ ăn thức uống Mụ dọn lên hắn một mình hưởng hết! Mụ cứ tưởng Ôn vui nên chi ăn được, dọn thêm, dọn thêm !Khi hắn về rồi, Ôn nằm liệt mấy ngày, phải đổ nước Sâm. Thiệt, trong đời tôi chưa từng thấy ai ham nghe đọc truyện như Ôn !
Vắng hắn mấy ngày cũng buồn, khi gặp lại, hắn nói :" Rứa là em đã trả nợ cho Mụ rồi đó nghe. Còn Ôn, tại vì Ôn không chịu ăn, em phải ráng mà ăn chớ. Bỏ uổng". Vậy là sòng phẳng, theo ý hắn, để nhẹ lòng mà đi làm những chuyện tày trời khác.
Như Dượng Lô đó! Dượng dạo ni trắng trẻo, hồng hào, đẹp trai cũng là nhờ hắn. Trước kia Dượng đâu có được vậy. Người thì gầy nhom, đi đứng thì lúc nào cũng in như người say sóng. Mắt lờ đờ như thiếu ngủ ba-đời-tám-kiếp. Tại vì Dượng là tay nghiện rượu có tầm cỡ như người đời thường nói "những người uống rượu là con Ngọc Hoàng".Con Ngọc Hoàng chi mà ăn nói ba-sàm-ba-đế riết rồi đi tới đâu con cháu cũng bu theo nói năng giỡn hớt không còn nề nếp chi cả! O Dung buồn điếng ruột cứ lên Ôn Cả khóc hoài. Bao nhiêu lần Ôn cho đòi Dượng lên gặp. Ôn làm hung làm dữ lắm. Mỗi lần như vậy trở về, Dượng đi đứng nghiêm chỉnh đâu được vài ngày, lại...say sóng tiếp. Rượu thì cứ tu trả bữa, nói năng chẳng bằng đứa con nít. Thiệt là hổ ngươi.
Bữa đó, xui mà cũng hên cho Dượng gặp được thằng bạn em cô cậu của tôi, thằng Chắc đó ! Hắn thấy Dượng trên đường đi về nhà. Say lắm rồi mà cũng hay, còn nhớ đừơng về. Nhưng mà khổ nỗi, đi tới hai bước thì giật lùi ba. Mặt thì đỏ lừ. Mắt nhíu mở không ra. Áo cởi cầm tay, lâu lâu Dượng phất lên không vài cái, miệng ú ớ gì chẳng ai nghe rõ. Chắc là đang tưởng tượng một cảnh chia tay não nuột nào đó! Hắn đi theo Dượng một đoạn khá dài. Tới đám cỏ gần nhà, Dượng đứng lại đưa tay lên không quơ quào loạn xạ. Lại thêm một cảnh chia tay đứt ruột nào nữa đây! Sau đó, Dượng lủi vô đám cỏ, nằm chổng mông. Tức thì, hắn vọt thẳng ra, bỏ một nhúm lông mắt mèo trên mình Dượng, rồi chạy thẳng...Ai mà nghe nói tới trái mắt mèo thì chắc phải sợ. Hình dạng nó như con sâu róm, lông nhỏ li ti mắt thường khó thấy. Ðụng vô người thì ngứa không thể nào chịu nổi. Dượng là dân uống rượu, là con Ngọc Hoàng đó, mà Dượng cũng không chịu thấu. Ðem được Dượng về nhà, O Dung khóc la tru tréo :
- Ðó, nốc cho nhiều vô. Ôn ơi là Ôn ơi ! Ra thân thể ni thì chỉ có báo vợ báo con. Trời ơi là Trời, răng mà tui khổ như ri...như ri...
Mặc cho O la khóc, nhảy đựng nhảy đột, Dượng cứ việc gãi. Gãi đã đời! Mình mẩy Dượng đỏ rần, dọc ngang những vết cào xước da bật máu. Rứa là cấp tốc đưa Dượng ra tiệm thuốc bắc Vạn Sanh Ðường. Ông thầy Tàu mù bắt mạch nói là sưng gan. O lại tru tréo thêm một thôi một hồi nữa. Kê toa cho thuốc,rồi về. Vừa đi, vừa gãi. Tới nhà, O lui cui sắc thuốc. Dượng nằm trên nhà lại gãi tiếp, gãi hung bạo tàn canh! Nói thì hung dữ rứa, chớ O thương Dượng lắm, lâu lâu chạy lên hỏi :
-Mình,có răng không mình?Bây chừ thấy trong người ra răng ?
Dượng nhăn mặt nhăn mày gãi loạn...
Sau lần đó, Dượng mang một chứng bệnh tưởng rất lạ kỳ. Uống chút rượu vô lại bắt đầu thấy ngứa. Uống ít, ngứa ít. Uống nhiều, thấy ngứa toàn thân. Dượng sợ quá, quyết tâm bỏ rượu. Giờ đây thì mập mạnh, đỏ au. O Dung rất mừng. Từ đó, tiệm thuốc bắc Vạn Sanh Ðường có thêm một thân chủ trung thành số một.
Chuyện đã tới đó đâu! Từ ngày Dượng bỏ rượu, đẹp trai quá chừng, O lại bắt đầu ghen hung bạo. O giữ Dượng riết trong nhà. Dượng trở thành một thứ cây cảnh cho O chăm chút, nưng niu. Dượng đi đâu lâu chút là O hối con đi kiếm. Riết rồi bạn bè cũng lánh vì không nỡ để O buồn. Dượng trở thành một cái thây ma, được cái là to con lớn xác, mập mạnh đỏ hồng. Suốt ngày cứ đi lên đi xuống đến nỗi mắt đỏ ngầu, môi thì lúc nào cũng bặm lại,nhẩn nhục, âm thầm. Lật khật, lù khù. Tướng đi còn say sóng hơn là lúc...còn uống rượu!
Chuyện đó, sau này hắn nói cho tôi nghe. Hắn cười, có vẻ thích thú. Còn tôi, thì tôi không cười nổi. Tôi lo, rồi hắn sẽ làm gì nữa đây, với cái tính nghịch ngợm của hắn !
Mà thiệt, có hết đâu! Hắn còn bày mưu, sử kế cho O Quỳnh phỉnh Mụ Quỳ uống thuốc ngủ để lén đi tới chỗ hẹn hò với chú Hồng Ðức (chà, tên nghe đẹp quá chừng). Báo hại Mụ ngủ hoài không thèm làm bánh. Nhà Chùa réo. Chợ réo. Bạn hàng réo. Tưởng là Mụ "đi" luôn, lúc đó. O Quỳnh khóc sưng cả mắt. O giận lắm, bữa gặp tôi, O nói nhắn : " Tưởng Hồng Ðức chi mô, thất đức thì có. Hắn tên là Hoàng Ðực nói trại ra đó nờ. May mà Mạ tao có sức, không thì...".Tại vì O biết tôi thân với hắn. Cái trò ni là do chú Hồng Ðức hay Hoàng Ðực chi đó bày vẽ ra cho hắn chớ con nít biết chi ba chuyện tình ái lăng nhăng mà bày mưu với lại tính kế.
Rồi nữa. Ai đời hắn dám rủ chú Tơ đi tập bơi. Chú lớn nhưng mà tính còn trẻ nít. Nghe hắn nói bắt chuồøn-chuồn cho cắn lỗ rún thì người nhẹ hều, bơi được liền không cần phải tập, chú ưng bụng lắm. Bữa đó, hắn bắt đâu được con chuồn chuồn, tới rủ Chú đi bơi. Chú thè thẹ trốn Ôn, Mụ đi liền. Hắn bắt Chú nằm ngữa, phơi cái bụng trắng lốp, rồi dí con chuồn-chuồn vô rún cho cắn. Cắn đâu được mấy lần, Chú vừa đau vừa nhột la oai oái, nhưng trong bụng mừng. Hắn nói chỉ cắn một lần là đã biết bơi rồi, huống chi đây cắn tới mấy lần chắc bơi giỏi hung. Lần đó, may mà có chú Luân đi lưới cá vớt kịp không thì chú Tơ cũng đi đầu thai sớm. Ðưa Chú về nhà, Chú nằm thẳng cẳng. Còn hắn, hắn trốn mất tiêu. Ôn, Mụ giận sôi cả người. O Huê thì xỉu lên xỉu xuống ở nhà Ôn. Bà con thì tới lui nườm nượp vấn an, thăm hỏi. Ai cũng lắc đầu, le lưỡi. Cái thằng, dám mà vuốt râu Ôn, râu hùm đó! Ðâu mấùy ngày sau, chú Tơ đi lại bình thường. Chú khoe với mấy đứa em bà con của tôi là Chú gặp được Long Vương. Râu Ông dài, mắt Ông đỏ, mặt Ông xanh lè. Xạo quá!
Sau lần đó, O tôi bệnh nặng, Mạ tôi phải tới chăm sóc cho O suốt cả tuần. Hắn thì lên gặp Ôn Cả. Ôn bắt hắn nằm xuống định ra roi thì chú Tơ lăn vô nằm vạ đòi xin tha cho hắn. Ôn thương con nên cũng phải đành thương cháu, tha hắn về.
Về để chi ! Ðể hắn lại đi làm những chuyện tày trời khác không kể làm chi cho xiết. Bởi rứa cho nên làm sao trả lời câu hỏi của O, về hắn? Nói thiệt lòng thì không nỡ mà im lặng thì cứ áy náy hoài. O chừng như cũng hiểu ý, cú nhẹ đầu tôi :
- Hai đứa mi có còn chi lạ.O hỏi rứa thôi, chớ O biết hết rồi.
Tôi cười gượng gạo, nói với O :
- O biết rồi, răng O còn hỏi mần chi? Con với hắn là anh em mà...
Tự nhiên O cầm tay tôi, giọng O buồn, thiệt buồn :
- Còn hơn là anh em nữa! Thiệt là giống Ba con với Dượng ngày trước...
Những giọt nước mắt O rớt trên bàn tay tôi, nóng hổi. Tôi ngỡ ngàng, hoảng hốt :
- Thưa O, con có làm chi...
O xiết nhẹ bàn tay tôi, lắc đầu :
- Không, không chi cả. O vui mà khóc đó. Thôi con về đi, đừng để Mạ con trông. Thằng Chắc chừ đang trẩy lá dừa cho Mụ Quỳ, ngoài nớ.
O buông bàn tay tôi, đứng dậy đi mau ra phía sau nhà. Tôi thoáng nhìn những đường gân xanh trên bàn tay gầy guộc của O.Bàn tay gầy guộc mà tôi chưa bao giờ cảm thấy xót xa hơn !



O đứng bên cạnh Ba tôi, trước mặt là người đàn ông lạ. Tôi chưa từng gặp ông bao giờ nhưng nhìn mặt thấy quen quen.Ông ta ăn mặc sang trọng và vẻ dáng có cốt cách của người giàu có . Cặp kính gọng vàng với hàng ria mép tỉa xén gọn gàng, cách biệt hẳn với nét thô sơ đơn điệu cuả người thường. Chính vì điểm đó mà tôi cứ hồi hộp theo dõi. Ba tôi mời ông uống trà, rồi nói :
- Thưa anh, tui có nghe em tui nói là anh muốn đem thằng Chắc về bên Nội.Anh vô đây không ngại đường xá nhiêu khê thì sẵn nói cho luôn. Ðem hắn đi là ý ra răng, anh nói cho tỏ tường...
Ông khách lạ tằng hắng lấy giọng, đỡ lời :
- Thưa anh, chắc anh cũng biết. Tui là anh của thằng Niên, tức thị O Huê đây dù chi cũng là người trong nhà. Nói gần nói xa, chẳng qua nói thiệt. Em tui vắn số, bỏ lại vợ con nơi đất khách quê người. Là phận anh nên chi tui cũng có phần mô trách nhiệm. Tui vô đây tuy là đường xá xa xôi nhưng không hề quản ngại, đón mẹ con Thím hắn về để lo cho đầy cho đủ. Lời nói thiệt xin anh hiểu cho. Một ngày cũng là tình nghĩa, huống chi...
Nói tới đây, ông mủi lòng, sụt sịt . Ba tôi phải vội trấn an :
- Chuyện chi cứ thong thả nói.Dượng hắn là em rể tui huống chi anh em cũng đã một thời gắn bó, tui thương Dượng cũng như em tui rứa. Chẳng qua Trời không cho Dượng sống đai trăm tuổi
để bảo bọc vợ con. Là phần số rứa thôi! Còn chuyện em tui thì anh cứ nói cho tỏ tường...
Lời động viên của Ba tôi làm ông khách lạ thêm hăng hái :
- Dạ, anh cho phép thì tiện đây tui cũng thưa luôn. Tui cũng đã bàn qua với Thím hắn rồi, là đem hai mẹ con về bên Nội. Ðói, no chi cũng là ruột rà máu mủ nhưng mà Thím hắn đang phân vân không nghĩ ra được. Thím chờ ý anh. Dù chi anh cũng là người trên trước. Rứa ý anh răng, cho tôi xin...
Ba tôi cười có vẻ hài lòng, ngó qua O Huê :
- Rứa em nghĩ răng? Sẵn đây nói luôn để còn tính chuyện.
O Huê, mặt mày sầu thãm, thưa :
- Dạ thưa hai anh, em cũng nghĩ hung rồi. Chim có Tổ, nước có Nguồn. Ðưa thằng Chắc về bên Nội là em ưng, nhưng còn em, thưa hai anh, em...em...
Tới đây thì O ngấp ngứ, bối rối thấy rõ.Ba tôi phải trấn an :
- Không việc chi phải ngại. Phần em ra răng cứ nói. Anh đây nì, rồi anh chồng em đó, có chi mà ngại hè ! Cứ nói ra để mà tính luôn cho trót.
O nghĩ ngợi một đỗi lâu rồi dứt khoát :
- Dạ, thưa hai anh, ý em là để thằng Chắc về bên Nội. Còn em, em ở lại đây. Em...em...
Tức thì, ông khách bỗng cười lên sảng khoái.Ông không còn giữ gìn ý tứ, vỗ tay vào đùi ,lớn giọng :
- Thôi, tui biết rồi ! Về bên kia thì xa lạ ngượng ngùng. Ở lại đây thì còn đầy kỷ niệm mà nhớ mà thương. Phải không đó, Thím Niên?
O tôi ngượng ngùng cúi đầu xuống, mặt đỏ hồng, buông một tiếng "Dạ" ngọt ngào. Ba tôi sửng người một thoáng, rồi ông cười buông thỏng một câu :"Thì ra là rứa!".
Tôi chỉ kịp nghe chừng đó rồi chạy vụt ra vườn sau. Buồn. Một nỗi buồn choáng ngợp cả hồn tôi. Rứa là tôi phải xa rồi, thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi. Rồi tôi bật khóc ngon lành, thoải mái....
Chuyện chi đến rồi phải đến. Buổi chia ly sao mà buồn, mà ray rứt ! Thằng Chắc bữa ni gọn gàng, tươm tất. Chiếc quần đùi kinh niên không còn nữa mà bây chừ là quần tây, áo chemise trắng nuốt. Ðầu chải láng mướt, đẹp trai quá trời. Ngó hắn bữa ni đâu có phải là thằng Chắc của ngày nào. Hắn đã là người của quê xa, không phải gần gụi như hôm qua hôm kia mà cứ gọi là thằng Chắc, thằng Chắc của họ làng mình!...
Trong khi chờ chuyến xe xuôi về vùng duyên hải, hắn cầm tay tôi giọt vắn giọt dài :
- Em đi nghe anh Cu. Biết khi mô mà gặp lại..
Thì đúng là đường trường xa ngái, biết chừng mô mới gặp lại nhau. Tôi cầm tay hắn,bóp thiệt chặc, thiệt chặc như muốn chuyền cả nỗi nhớ niềm thương qua đó:
- Em đi đi nghe. Chừng mô Ba Mạ anh về giỗ Họ dắt anh theo, lúc nớ anh em mình gặp được nhau.
Hắn gật đầu, nước mắt chảy dài. Tự nhiên, tôi nhớ tới một điều đã từ lâu tôi cứ hoài ray rức. Tôi vuột miệng hỏi hắn :
- À, anh quên hỏi em. Nói cho anh biết, em làm răng mà O Túy...
Chưa để cho tôi nói hết lời, hắn "suỵt" một tiếng khẽ, rồi ghé tai tôi :
- Có chi mô, anh. O đẹp như Tiên. Bữa đó, O tắm, em tò mò ngó vô. Thiệt đẹp. Em ngó hoài, ngó mải.O nghiêng bên ni, ngã bên kia. O cười. O nhăn. O bĩu môi. O trợn mắt. Em cứ ngó hoài mê mải. Tới lúc Mụ Tất bắt gặp, nắm đầu em, em vùng ra được bỏ chạy mất tiêu. Lúc đó O Túy biết chuyện, nhảy đựng nhảy đột, tru tréo om sòm Mụ phải dỗ dành hoài O mới chịu nín...
Buổi chia tay đang buồn não nuột mà khi tôi nghe hắn nói tôi phát giận. Mù-cha-tam-đợi, cái thằng...

Thương hải tang điền. Gia đình tôi trụ lại ở vùng rẻo cao đó một thời gian rồi cũng phải chia xa. Ba tôi nhậm chức ở một vùng cao, cao hơn nữa. Vậy là bỏ lại họ tộc mà đi. Tôi cũng bỏ lại sau lưng những tháng, năm đầy ắp kỷ niệm. Ngày gia đình tôi lên đường, Ôn tổ chức một buổi tiệc thiệt lớn, bà con trong họ tới đông đủ. Ôn nói :
- Việc nước thì to, việc nhà thì nhỏ, Ôn Ðốc đi mô rồi cũng nhớ lại làng quê. Mấy cháu cũng đừng có phân vân. Họ nhà mình mấy đời quan viên làng nước. Miễn răng việc nước cố lo, việc nhà chớ bỏ...
Ôn nói dài, quá dài tôi nghe không tỏ. Lòng cứ bâng khuâng nhìn ra khoảnh sân rợp hàng dừa mà nhớ, thiệt là nhớ, thằng em cô cậu của tôi. Mi đi. Tao đi. Ở lại còn trơ trọi một nhúm đời quanh quẩn. Cũng Bác, Chú, O, Dì đó mà sao không có cách chi vui !
Vẫn là khu bến xe nhỏ bé này ngày đó hắn thì về xuôi bây giờ tôi lên ngược. Dòng đời đã rẽ nhánh chia hai. Tôi nhìn O Huê mà không cầm lòng, bật khóc muồi mẩn. Ở nơi O, có một khoảng đời thơ ấu của tôi, có hình ảnh của hắn - thằng em mà cũng là thằng bạn - đã từng cùng tôi chia ngọt xẻ bùi...O phải cầm tay tôi, rồi ôm tôi vào lòng dỗ dành mãi. Xe lăn bánh, tôi còn thấy O vẫy tay...vẫy tay...Buồn nghiến ruột.
Ðó là lần cuối cùng tôi gặp và xa O !
Dòng đời cứ nghiệt ngã trôi đi. Nỗi nhớ thương cũng nguôi dần theo triền dốc mới. Năm, tháng dần qua, tuổi đời thêm lớn, nên chi những kỷ niệm nơi quê xưa chốn cũ chỉ là lúc nhắc nhớ ngậm ngùi. Tôi thật lòng quên đi một khoảng thời gian dài, quá dài, về những hình ảnh xưa mà trong đó có cả thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi. Cuộc đời cứ tàn nhẫn đem ngày tháng trôi đi mà tôi thì cứ vô tình bỏ sót lại quá nhiều kỷ niệm. Ba Mạ tôi nay đã không còn nữa. Tôi thì theo bước Cha làm một ông giáo trẻ ở miền rẻo cao hẻo lánh, an phận với tháng ngày. Cũng không dấu lòng, thỉnh thoảng thơ văn chất ngất. Mượn hứng từ những tháng ngày xưa mà viết dăm ba bài gởi báo, cho đời có chút gì ý nghĩa, không chịu để tâm hồn trống trải vô duyên.
Cho tới một ngày bỗng nhiên tôi nhận được một lá thư. Thư không dài lắm nhưng đủ để cho tôi thao thức mấy đêm dài, nghĩ hoài mà không hết những tháng, năm xưa. Ðó là thư của hắn, thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi :
" Anh
Tình cờ em có đọc một truyện ngắn viết về một vài kỷ niệm sao mà giống của anh em mình, hồi đó. Qua Tòa soạn Báo em được biết địa chỉ của tác giả. Em ngờ rằng đó là anh. Còn em là thằng Chắc đây! Anh viết truyện, chắc anh phải nhớ. Nếu thiệt phải là anh thì dịp gần gũi nhất là sau Tết ni, mồng Mười tháng Giêng đó, giỗ Họ làng mình anh cố sắp xếp ra để anh em mình gặp mặt. Lâu lắm rồi anh, có bao nhiêu điều để nói khi tụi mình gặp lại. Còn nếu không phải là anh thì cũng xin cho biết được nguyên do nào có được câu chuyện về cuộc đời thơ ấu của tôi. Xin vui lòng gởi về địa chỉ ghi ngoài bao thư.

Kính thư.
Em: Phạm Huy Anh (thằng Chắc)
T.B : Nhưng mà em cứ tin là anh đó. Nếu quả thật là anh, anh cố gắng về. Em rất mong
...
Lá thư chỉ có vậy thôi mà bắt tôi thao thức bao đêm. Ðâu phải là chuyện đi hay ở mà cái chính là những hình ảnh xưa cuồn cuộng sóng trào trong lòng tôi. Ðể vơi bớt những xúc cảm dồn nén bao năm về hoài niệm xưa cũ, tôi thường tâm sự với Nhà tôi hằng đêm chuyện thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi, ngày nào. Nhà tôi nghe mà đâm ghiền chuyện làm tôi nhớ thiết tha tới Ôn Tất ngày nào. Cuối cùng, nàng tuyên bố :
- Cậu nớ rứa mà hay. Anh nên đi một chuyến, anh em gặp nhau cho bớt nặng lòng.
Vậy là tôi đi. Ðúng, cho bớt nặng lòng.

Làng xưa đã đổi thay nhiều. Người xưa nay cũng đã kẻ mất người còn. Thế hệ Cha, Chú đã đi xa biền biệt. O Huê của tôi, cuối cùng O cũng về nằm yên ngủ nơi đây,trên mảnh đất họ làng. Rồi Ôn Mụ Tất, Mụ Quỳ, O Dung...tất cả đã trở về nơi-chôn-nhao-cắt-rún mà thở hắt một hơi thở cuối đời cho yên lòng mát dạ.Ôn Cả và Mụ tôi thì nằm lại ở mảnh đất rẻo cao ngày xưa. Ôn Mụ muốn nằm đó để nhìn ngó giang sơn của mình, để chứng kiến cảnh tre tàn măng mọc.
Về lại quê xưa, tôi chỉ còn có Dượng Lô, người-của-trăm-năm-cũ! Dượng bây chừ mắt mờ tay yếu, ngồi yên một chỗ để nghe vọng cái sắc,không của cuộc đời. Buổi gặp nhau ở sân nhà Thờ Họ,Dượng cầm chắc tay tôi không muốn rời :
- Té ra đây là con anh Ðốc. In như là thằng Cu Trọng hồi nớ, phải hè?
Tôi dạ. Dượng gật gật đầu, miệng cười mà nước mắt nhỏ dài. Tôi để yên bàn tay tôi trong tay Dượng. Bàn tay nhăn nheo gầy ốm làm tôi chợt nhớ in như đâu đó, còn có một bàn tay nữa! Ðúng rồi. Bàn tay của O Huê tôi! Tự nhiên tôi xúc động, nắm chặt thêm tay Dượng, mắt kính bỗng mờ. Giọng Dượng nghe như văng vẳng từ nơi nào, xa xôi lắm :
- Mấy cháu về Dượng vui. Ngó qua ngó lại mà cũng mấy chục năm rồi hỉ! Thiệt là chim có tổ người có tông, ở mô êm ấm cho bằng nơi quê Cha đất Tổ. Cháu biết không? Nhà Họ làng mình mà khôn có anh Chắc giúp tay thì có mô mà được như ri. Hồi nớ là sập hết rồi,chiến tranh thiệt là vô hậu. May mà con cháu hắn còn tưởng tới làng họ, Ông Bà mới có được ngày ni. E con chưa gặp anh Chắc đó hỉ. Làm quan to lắm. Năm mô cũng rứa, bận việc nhà binh mà cũng về thắp nhang cúng Họ rồi đi.
Dượng nhấp nháy mắt, nghiêng đầu qua bên lắng nghe một đỗi, rồi trở giọng vui :
- Rứa, mới nhắc đã tới rồi tề. Nghe tiếng xe là biết...
Dượng buông tay, vin vai tôi đứng dậy. Có tiếng xe ngoài cổng lớn. Tôi nhìn ra, thấy chiếc xe Jeep nhà binh đậu lại. Ðám con nít túa ra reo mừng. Trên xe một người đàn ông bước xuống, nhanh nhẹn gọn gàng. Dáng người to, cao, bệ vệ. Anh ta nhìn quanh, bỏ cặp kính đen xuống, dắt vào túi áo trên rồi rẽ đám con nít đang tíu tít bu quanh người đàn bà đang bối rối chưa kịp xuống xe, hối hả bước vô nhà lớn. Tự nhiên, tôi cảm thấy hồi hộp và xúc động. Vừa đặt chân vào gian lớn đã nghe tiếng, có vẻ nôn nóng :
- In như là có anh Trọng về?
Tôi cố nén xúc động, bình tĩnh đáp :
- Ðúng. Anh đây, cậu Chắc...
Hắn khựng lại, quay mặt về phía tôi, đôi mắt sáng lên nét mừng vui không dấu. Hai đứa tôi cùng bước tới, cùng đưa tay nắm bắt. Hắn nhìn tôi. Tôi nhìn hắn. Rồi cả hai ôm nhau, ghì siết. Tôi nghe cả tiếng đập rộn ràng của trái tim - nhịp đập của mấy mươi năm dồn nén lại. Khi niềm xúc động đã chìm lắng, hắn buông tôi ra quay người lại nắm tay người đàn bà tự nãy giờ im lặng cúi đầu đứng sau lưng hắn :
- Ðây là Nhà em
Tôi gật đầu : "Chào Mợ"
Người đàn bà cũng khẽ gật đầu, vẻ dáng dịu dàng đài các rất là Huế :
- Dạ, em chào anh. Nhà em cứ nhắc tới anh hoài, chừ mới gặp.
Tôi nghe tiếng hắn cười sảng khoái, quay qua Dượng Lô đang mải đứng ngóng chuyện :
- Thưa Dượng mạnh giỏi. Tụi con rứa là mấy mươi năm rồi mới được gặp lại..
Dượng cười, không dấu nỗi mừng vui ;
- Thì rứa, gặp lại người mô hay người nấy. Thời buổi loạn lạc ni, dễ chi anh !.
Vừa lúc đó, chiêng trống bắt đầu khua động để vào buổi lễ chính. Ai nấy đều tự về riêng chỗ của mình. Không khí trở nên nghiêm trang, bảng lảng khói hương trầm nghi ngút. Giọng Ôn Nghiêm xướng đọc tên tuổi từng người khuất mặt trong tông chi họ hàng nghe mà não nuột. Mấy O, Dì, Chú, Dượng trời cho còn sót lại, sụt sịt. Ðám con nít lấm la lấm lét ngồi yên trên một hàng chiếu trải dài, không dám nhúc nhích.
Tự nhiên, sao tôi nhớ tới ngày xưa quá !
Trong đám trẻ nít ngày xưa đó, cũng có tôi với thằng Chắc, nhưng hắn có lúc nào ngồi cho yên! Lợi dụng phút trang nghiêm, hắn bắt đầu lén véo đứa ni một cái, ngắt đứa kia một cái làm cho cả bọn cứ nhìn nhau ngờ vực mà đố có dám la lên. Còn hắn thì cứ cúi mặt, che miệng cười hoài...
Bây chừ thì hắn ngồi đó, chững chạc không hề giống hình ảnh mà tôi tưởng tượng khi chưa gặp hắn. Bất chợt, hắn nhìn về phía tôi. Hai đứa nhìn nhau một thoáng rồi cùng nở một nụ cười đồng điệu.
Bữa đó, bà con ở lại chè chén thù tạc. Tôi thì xin phép Ôn Nghiêm, Dượng Lô theo vợ chồng hắn về, khoảng xế chiều. Ðường xá gập ghềnh ổ voi ổ gà đầy dẫy. Xe phải chạy khoảng gần ba tiếng rưởi mới tới nhà, một khu biệt thự rộng lớn có lính gác trong, ngoài
Ðêm đó, hai anh em ngồi tâm sự. Một đêm thức trắng để bù lại mấy mươi năm xa cách. Hắn kể lại ngọn ngành cuộc đời hắn, một cuộc đời ba chìm bảy nổi. Hắn như cây cỏ dại tự vươn mình lên mà sống.. Hóa ra, có chi là thơm thảo tình người! Ông khách lạ năm xưa tìm tới nói là đưa hắn về quê Nội để lo cho đủ cho đầy đó.! Ba tôi thì ưng bụng, O tôi thì mát lòng chớ có biết đâu là đẩy đứa con rứt ruột của mình sớm lăn lộn ngoài sương gió cuộc đời ! Chuyện là
như ri...
Ông bà ăn ở với nhau không có mụn con nào. Chồng thì siêng năng bài vở, có khi mô chểnh mảng chuyện nớ đâu! Rứa mà có hề. Mấy năm trời cứ vồ qua chụp lại, mặn nồng ân ái thì có mà răng hoài không thấy thằng cu, con gái chi chun ra cho vui nhà vui cửa. Lúc đó, vợ chồng mới nhớ tới chú Niên. Ừ, thì chú lang bạt kỳ hồ hồi nớ nhưng mà nghe đâu có đứa con trai ở miền rẻo cao mô đó. Tại sao không kiếm hắn về cho vui nhà vui cửa. Rứa là thuận vợ thuận chồng. Ðem được thằng Chắc về ông bà cũng cưng chiều đến đọä. Thằng Chắc càng ngày càng béo tròn béo trục, sợ nắng, sợ mưa. Hắn quên cả rồi, cái quần đùi thâm căn cố đế của vùng rẻo cao xưa. Quên hàng dừa bóng mát mà hắn thường leo trèo như khỉ. Quên những dòng nước mắt chan hòa nỗi khổ của O tôi khi hắn bày ra vô số những tro nghịch ngợm. Chắc chắn là hắn cũng quên luôn anh Cu của một thuở đầu trần chân đất, gội nắng dầm mưa vui sống với nhau những ngày cùng khổ...
Ðâu được chừng ba năm đủ thời gian cho hắn tập thói đỏng đảnh của kẻ sang giàu thì Bác gái hắn cũng bắt đầu thèm chua. Ði ngang về tắt đâu thì không biết nhưng Bác gái có triệu chứng sắp làm Mẹ. Bác hết thèm chua tới thèm ngọt. Hết ngọt rồi tới lúc cứ thèm nhâm nhi ba hột gạo sống. Mình mẫy bắt đầu nở nang, đầy đặn. Mặt đỏ hồng. Cổ có ngấn. Rồi năm đó một thằng Cu ra đời. Chuyện bắt đầu là vậy. Có mới thì nới cũ, huống chi ba cái của cũ mèm, tiếng là huyết thống nhưng mà có rứt ruột xót đau chi! Hắn bắt đầu tuột dốc thê thảm, trở thàng kẻ tôi tớ trong nhà. Chuyện chi cũng một tay hắn, tối mặt tối mũi suốt ngày, lại còn thêm lời đay nghiến nặng nhẹ. Lòng người sao mà lạ, thay đổi thiệt mau. Ông Trời khi nắng chuyển qua mưa còn có dông có gió báo chừng, chớ lòng người thì vô hồi vô đỗi...
Hắn ở đợ không công hai năm, chịu không thấu. Chờ đợi hoài O Huê chẳng thấy về thăm con. Thì ra Bác hắn có viết thư cho O nói tốt đủ điều về cuộc sống của hắn. O mừng mà yên bụng với lại hồi đó chuyện đi lại nhiêu khê vất vả còn thêm tốn kém...Cuối cùng hắn quyết định bỏ ra đi nhưng hắn không về nơi chốn cũ mà lần vô tới Sàigòn - khoảng đất trời mà hồi nớ ai cũng từng mơ ước. Trong đầu óc hắn lúc bấy giờ, hắn muốn vươn lên thoát cảnh đời tăm tối, làm nên một-cái-gì-đó, lớn lao hơn. Tự nhiên tôi nghĩ tới Dượng tôi. Trong hắn còn đậm đặc dòng máu giang hồ phiêu bạt của Dượng.
Cuộc phong trần của hắn có quá nhiều sóng gió dập vùi. Hắn tự bương chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề trong vùng đất hoàn toàn xa lạ. Ðể có được như ngày hôm nay hắn đã chịu trăm cay ngàn đắng. Kể ra, thì quá dài cho một quảng đường đời trôi nổi phong ba, nhưng ngắn gọn một điều là tôi biết rất rõ thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi, hắn có một cá tính rất mạnh. Hắn có thể đạt những gì hắn mơ ước, điều đó cũng không có gì lạ... Mừng một điều là O tôi còn nhìn thấy đứa con của mình thành đạt trong cuộc đời. Mẹ con còn sống bên nhau một thời gian trước khi O về với Dượng. Dù tôi đã không còn có dịp gặp lại O kể từ lúc chia tay ở bến xe miền rẻo cao ngày ấy nhưng tôi hình dung được khuôn mặt O lúc nào cũng rạng rỡ niềm vui. Ý nghĩ đó làm tôi vui lây và hãnh diện khi nhìn qua phía hắn. Hắn chững chạc bề thế trong vẻ dáng một người tự tin, hết sức tự tin, vào cuộc sống. Cái thằng Chắc nghịch ngợm, rắn mắc ngày xưa đã chìm sâu và chết đuối trong ánh mắt nhìn nghiêm nghị của hắn bây giờ.
Ðêm đó, hai anh em tâm sự gần đến sáng mà không thấy mệt, vẫn còn háo hức nôn nả. Còn quá nhiều chuyện để nói cùng nhau, nhiều khuôn mặt gợi nhắc những kỷ niệm ngày xưa. Và, trong trí nhớ của hai đứa rõ ràng còn cả một khoảng mát bóng dừa sân nhà Ôn Cả. Rồi O Túy, Chú Tơ, Mụ Quỳ, Ôn Mụ Tất... Thậm chí còn nhắc nhớ chuyện con chuồn-chuồn cắn rún, những con dế đá đem bán cho Chú Tơ để lấy tiền mua kẹo kéo...Mỗi lần nhắc lại một chuyện gì bất chợt nhớ ra, hai đứa lại bật cười thoải mái. Chuyện nào cũng có hắn làm vai chính cả.
Cuối cùng, hắn đứng dậy, bùi ngùi nói với tôi :
- Anh Trọng, giờ em phải đi. Sẵn dịp về, anh ở lâu đi thăm bà con cho thỏa. Em đã dặn trước rồi, anh muốn đi đâu có người đưa đi, đừng ngại. Giờ em phải vào chuẩn bị...
Vậy là chúng tôi chia tay giữa trời mây nắng gió của chính nơi chôn-nhao-cắt-rún. Cái bắt tay chắc nịch và nụ cười pha chút bùi ngùi :
- Ðáng ra phải ở với anh mấy ngày cho thỏa nhưng chuyện nhà binh mà, không thể hoãn được. Tình hình càng ngày càng xấu...
Hắn khẽ thở dài, ánh mắt thoáng vẻ buồn :
- Chắc là không có dịp nhưng thỉnh thoảng em sẽ liên lạc với anh. Ðừng để mất nhau nữa..
Rồi hắn quay người đi mau về phía chiếc xe Jeep đang chờ sẵn. Dáng vẻ hiên ngang trong bộ đồ trận. Chiếc xe chạy thẳng ra cổng, hắn quay người lại, đưa tay vẫy. Tôi đứng lặng trong sân, cảm giác như vừa mất mát một cái gì đó rất gần gụi, rất thân quen...
Chắc ơi ! Ðó là lần cuối cùng trong đời, anh gặp em !

Vậy mà đã mấy chục năm qua rồi, thời gian vùi dập những dấu vết thăng trầm ! Sao tôi vẫn mãi nhớ một vẻ dáng thân quen của ngày xưa ấy !
Tôi vẫn nhớ đến em, người-bạn-em-cô-cậu, nhớ đến thằng Chắc, người của họ làng mình....

Gởi Huy Anh PVH
những tháng, năm ở vùng rẻo cao

Thầm




anh không cần phải đưa
thôi, em về anh nhé !
lúc nào buồn, em ghé
kể chuyện đời cho vui

nắng ngoài trời đã nguội
mây cuối ngày lang thang
anh nói, đời hữu hạn
sao lại quá vô tình !

để em về một mình
giữa trời chiều lãng mạn
chim bay chiều, có bạn
em về chiều, cô đơn

có nỗi buồn nào hơn
cuối đường về đơn lẻ
thiếu bàn tay nắm, nhẹ
cho đời thêm ấm nồng

em nói có là không
nói không cần là muốn
đừng bắt em phải ngượng
khi ngỏ lời tình yêu

sao anh không thấu hiểu
hay anh giả vô tình!
sao em lại dối mình
để đường chiều đơn lẻ!!!

11/06

Mùa Tình





rừng Phong thay lá đỏ
em son phấn theo mùa
dương gian chừng quá nhỏ
cho mắt tình đong đưa

giọt nắng đã về chưa
cho mùa Xuân dợm bước
em còn chờ chi nữa
dọn má phấn môi hường

đã qua mùa gió chướng
trời lồng lộng xuân thì
thoáng dập dìu ong bướm
mùa tình ơi mùa tình !

lòng ta say hay tĩnh
giữa đất trời ra Giêng
gió mùa se tóc mịn
thoảng hương nồng gối chăn

cuộc đời e quá ngắn
không giữ mãi mùa tình
đừng để phai hương phấn
cho tròn cuộc tử sinh...

1998

----------------
Mùa Tình phổ nhạc : Nguyễn Hữu Triều

Tình Tháng Tám




em đi. Ừ thôi. Em đi !
đường xa. Lái xe cẩn thận
bỏ lại đây đừng vướng bận
nụ hôn đẫm ánh Trăng Rằm

để anh với nỗi lặng thầm
Hiên Trăng một mình đối bóng
mực loang trên tờ giấy mỏng
câu thơ lạc giữa dòng Trăng

mai mốt, một ngày, anh rảnh
thể nào cũng ghé lên thăm...

San Diego – Vista 2003

Mùa Xuân




kéo cao cổ áo trể
gió cạp buốt thân da
chân mất đà chực ngả
may mà chụp được em

may mà có em quen
bên đời tôi phiêu giạt
những buồn vui mặn nhạt
chia sớt cho nhau cùng

ở đây thiệt lạ lùng
chẳng có chi nồng ấm
chỉ có mưa rồi nắng
chỉ còn anh và em

đến như mùa xuân quen
cũng nhạt trời nhạt đất
giữa dòng đời tất bật
có nhớ cũng vờ quên

cứ mỗi ngày mỗi quen
riết rồi thành xa lạ
mùa xuân như mùa hạ
mùa thu như mùa đông

giữa cõi đời mênh mông
mình lạc đường mất dấu
con đò xa bến đậu
con én lạc mùa xuân

chỉ còn nỗi bâng khuâng
rớt giọt đời khuây lảng…

san diego, mùa xuân 2002

Lời Tình Tự Mùa Thu




nếu lá vàng không rơi
thì mùa Thu vô nghĩa
đời em, anh không tới
buồn vui rồi ai chia !

lá vàng, Thu mới đẹp
nắng vàng, Thu mới buồn
giữa cuộc đời hạn hẹp
mình nên gần nhau hơn !

sông vẫn thường chia nhánh
lá vẫn mãi xa cành
chỉ còn em với anh
ấm lòng khi đơn lạnh !

đừng như sông chia nhánh
đừng như lá xa cành
đừng như tình cô quạnh
khi đời em, có anh…

thu 1997

Trang Thân Hữu : Thơ Chung, Riêng Một Góc Trời



QUYÊN TRẦN


Tiền bối ( * ) ký tặng thi tập, “Thơ chung, riêng một góc trời” của chín người làm thơ ở San Diego. Nói tới chuyện chung chung, riêng riêng, hơi bị ám ảnh nên tôi ngồi đọc một mạch hết cả quyển. Vẫn biết thưởng lãm thơ như vậy không được “xoang” cho lắm nhưng thời gian eo hẹp thì biết làm sao bây giờ. Tôi vốn thán phục những người “xuất khẩu” thành thơ kinh khủng. Những trăn trở, vui buồn dài lê thê trong cuộc sống, đem gói gọn lại thành những câu thơ vần điệu mà đôi lúc đọc lên tưởng như những người làm thơ (không những ở San Diego) đang ở đâu đó trong ngõ ngách của tâm hồn mình, vạch tim ra để đọc những tâm tư thầm kín nhất. Mỗi khi bắt gặp đâu đó một vần thơ hay, vận đời mình vào đó, nghe thấm thía tới từng xớ thương, sợi nhớ trong người.
Cùng nói về tình yêu, nhưng chín người, mỗi người mỗi vẻ, hoài niệm về tình yêu theo cách riêng của mình. Nồng nàn và mãnh liệt như cuộc hạnh ngộ tình yêu khi chú Phan Anh Dũng gặp nàng thơ:
gặp em, ta: nửa đời người
vẫn bừng bừng lửa, như thời mới yêu
này em, đời có bao nhiêu
yêu đi, dẫu chỉ tình yêu muộn màng!

(Hạnh ngộ- Phan Anh Dũng)

Hay những lời tình nhẹ nhàng, tha thiết mà tiền bối kể về chuyện o Huế giận người vô tâm:
Em hiểu lòng anh hồi mô chớ bộ
đợi hôm ni mới hỏi. Thiệt vô tâm !
có biết rứa là làm em bực lắm
té ra anh chưa hiểu Huế ngọn ngành…

(O Huế chừ đây- Trần Huy Sao)

Và tình yêu đôi lúc không tránh khỏi những bồi hồi, khắc khoải, nhưng xa cách không làm vơi đi bớt nhớ thương và hy vọng:
Dù cách xa chân trời, góc biển
Một người thương vẫn nhớ một người thương
Dù hạnh ngộ chỉ còn trong lời hẹn
Trùng dương kia cũng không phải vô cùng

(Cho dù…Hàng Ly Hương)

Có lẽ những vần thơ của cô Hoàng Linh Trang đã làm tôi xúc động hơn cả vì những tâm sự vơi đầy cô gởi gắm trong đó. Cách đây mấy năm, tôi tình cờ đọc được vài bài thơ của cô, những vần thơ lúc bấy giờ, vẫn còn lãng mạn và tha thiết lắm. Nay đọc non mười bài thơ trong thi tập này, bài nào, câu nào cũng thấm đẫm nỗi cô đơn, dằn vặt. Chẳng dám mạo muội bảo thơ là đời thật nhưng tôi vẫn không ngừng tự hỏi khi cô viết những áng thơ này, có thấy ngực thắt, tim đau?
Người ta nay đã vội quên
Những ngày gian khổ êm đềm bên nhau
Bây giờ kẻ trước người sau.
Cuộc đời giông bão biết đâu mà lường !
(
Một con chim nhỏ lạc bên dòng đời- Hoàng Linh Trang)

Khi thời gian có thể bào mòn mọi thứ, tình yêu dù có mãnh liệt mấy cũng không có nghĩa là vĩnh hằng. Những hoa, những bướm, những lãng mạn một thời rồi cũng sẽ được đánh đổi bởi những lo toan cơm- áo- gạo- tiền thường tình. Tình yêu đó, có còn chăng, cũng chỉ đọng vào những vần thơ mà đôi lúc nghe sao mà cay đắng:
Em đã khóc như bé thơ vòi sữa mẹ
Cuộc hành trình hai đứa đã chung vai
Ngoảnh mặt lại, một quá trình khắc nghiệt
Những đớn đau…khốn nạn…đã an bài !

(Bội thề- Hoàng Linh Trang)

Hầu hết những người làm thơ đều cùng thời với tiền bối, tuổi đời và tuổi của thơ xem cũng xấp xỉ như nhau. Ngoài những cảm hứng “kinh điển” của những người làm thơ, như nụ cười, “nụ cười em vang rộn cả cung hằng” (Tình học trò vụng dại- BS Võ Thanh Sơn), như tóc, “em tém tóc lệch bờ vai” (Giong ruổi từ phà Rạch Miễu- Lưu Hà), như hương ngọc lan “hương nhà ai ngan ngát- làm tim anh say say” (Hương Ngọc Lan- Phạm Hồng Ân), tôi cố tìm một nét chung mà rất riêng nào đó của những người làm thơ này. Thì đây rồi, đơn giản lắm thôi, là đôi bàn tay- dù cho đôi bàn tay đó có chai sần theo thời gian hay gân xanh chằng chịt, những đôi bàn tay gánh vác việc đời để thơ nhẹ đi những trăn trở thường tình. Ai bảo bàn tay không làm nên tình tự?
Bàn tay đó, giờ đây, đã oải
Nhức nhối đau thương khi trở trời trái gió
Tôi vẫn nắm lấy bàn tay em, nhỏ
Đường gân xanh chằng chịt thấy thương
Nắm chắc sợ em đau
Nắm vừa thì không ưng ý
Nắm nhè nhẹ cho nâng niu trìu mến
(
Bàn tay đường tình ái- Trần Huy Sao)

Đó là khi “bàn tay đã tìm được bàn tay” rồi, còn những lúc đơn lẻ môt mình, bất chợt quờ tay sang, chỉ thấy khoảng lặng vô bờ- cô đơn như òa vỡ:
Biển một bên, bóng một bên
Vắng em, chiều buồn đến sợ
Tim đau theo chiều sóng vỗ
Tay tìm, chẳng gặp bàn tay.
(
Biển chiều vắng em- Phan Anh Dũng)

Đôi khi người làm thơ lùi về xa lắm cái nỗi nhớ nhung của mình đơn giản chỉ vì thiếu một bàn tay nêm nồi canh bông so đũa:
Lâu rồi- Thiệt mà em
Anh không ăn canh chua
Nấu bằng bông so đũa
Vì thiếu bàn tay nêm…
(
Bông so đũa- Sông Cửu)

Khi mái đầu đã pha sương, những tháng ngày phong trần vẫn thường đọng đâu đó trong từng câu thơ:
tàn trận, kéo quân ra quốc lộ
quán nhỏ bên đường gầy cuộc vui
(mai lỡ có ra người thiên cổ
huyệt sâu chắc cũng đỡ ngậm ngùi!)

(Bài thơ quán bên đường- Phan Anh Dũng)

Và những bước chân phong trần ấy, có lúc đã bớt đi cái lẫm liệt, uy nghi một thời vì thế cuộc đảo điên:
Vác bao gạo lên lầu ba chung cư
Đâu phải dễ
Bầu trời bể tanh banh
In không trọn hình trong bát nước chè…

(Nặng vai- Lưu Hà)

Trên văn đàn hải ngoại, tôi vẫn hay bắt gặp những áng thơ về cuộc đời của những người lỡ vận, chẳng biết dùng từ gì cho đúng để nói lên được cái nỗi chua chát ấy. Không phủ nhận quá khứ, thôi thì mọi chuyện đã an bài và cho dù có phân ly, có lưu lạc, có lên voi xuống chó thì ít ra cũng bình thản như chú Sông Cửu, vì:
Mỗi chặng đường ta đi
Nặng oằn vai nhân thế

(Cội Mai bên suối- Sông Cửu)
Đường đời đó, có lúc quay đầu nhìn lại, quá khứ lẫn hiện tại, và đôi lúc cả tương lai đan lồng vào nhau. Rồi trầm ngâm tự hỏi, những gì một đời tạo dựng, có tồn tại không khi bóng ngã về chiều ?
Ta thảng thốt ngó hồn ta đang ngủ
Chỗ ta nằm sao quên dựng bia xanh?
(
Tàn phai- Phạm Hồng Ân)
Khi đọc tới những câu thơ "tự thán" này, tôi không khỏi không liên tưởng tới bài ca lên đài U Châu của Trần Tử Ngang,
Ai người trước đã qua
Ai người sau chưa đến
Ngẫm trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ…
(Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lại giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ…)

Nói gì tới các bậc tiền bối, một kẻ hậu bối như tôi đây đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ cũng thấy thấm thía cái nỗi "ai người trước đã qua, ai người sau chưa đến" này khi thấy lớp em, lớp cháu rành tiếng người hơn cái gọi là tiếng-mẹ-đẻ, thuộc văn hóa người hơn văn hóa ta.
Những tâm hồn ly xứ, nhiều khi chỉ cần một cơn gió thoảng, một vạt nắng, một bờ đá, hay một chút gì đó thôi cũng đã gợi nhớ một trời quê hương. Những nỗi nhớ quê, bao giờ cũng thế, nặng lòng không thể tả được vì “có người nào không một quê hương” (Thất ngôn câu hỏi- Hàng Ly Hương). Những người xa quê không văn không thơ như tôi mỗi lần đứng trên bờ đá nhìn ra biển cả, lòng dạ lúc nào cũng dập dềnh như con sóng bạc đầu ngoài khơi, chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng cho nguôi nỗi nhớ thương. Những người làm thơ, may mắn hơn, đem cái nhớ cái thương vào thơ cho vơi đi bớt nỗi lòng.
Bây giờ tôi ở phương trời lạ
Gió về thương nhớ tháng mười-hai
Sông biển chập chùng xa xôi quá
Thơ viết đầy trang gởi gió, bay…

(Mười hai rét ngọt- Trần Huy Sao)

Quê hương lúc nào cũng gắn với hình ảnh mẹ già, với giòng sông nước chảy hiền hòa, với bông dã quỳ vàng rực lối đi, với những ngày thơ rong ruổi bắt dế trong sân chùa và còn biết bao kỷ niệm mà khi dứt áo vội vã ra đi, không mang theo kịp. Mà có bao giờ đem đi hết, những ngày cũ đã qua? Vậy thì như bác Nhược Thu, đem cái nỗi nhớ nhung ấy ra tô màu xem sao:
Nếu như nỗi nhớ tô màu được
Xin hãy tô giùm trăng mãi trong

(Nếu như nỗi nhớ tô màu được- Nhược Thu)
Và đôi khi ta cố quên để mà nhớ,
Tồn kho một nhúm lãng quên
Thôi thì gói ghém làm duyên luân hồi..

(Mây Sài Gòn bay hồi hôm- Lưu Hà)

Tôi nằm bò toài viết một mạch những dòng ghi nhận này, hy vọng những lời thô thiển của mình không làm tiền bối phật lòng. Viết xong, thấy trong lòng còn tưng tức, cái cảm giác của một người chơi đàn ngồi đánh đàn dưới ánh trăng huyền hoặc, muốn thả hồn hết vào bài nhạc mà sao cung đàn vẫn lỗi nhịp, phím đàn không chuyên chở hết được nỗi lòng mình ; hay của người một người tập tành làm thơ thấy con gái đẹp mà không tài nào tìm được câu từ nào cho thanh sang mà miêu tả cái đẹp của nàng ngoài chuyện khen nàng đẹp (thì ai lại không làm được !). Vậy nên thôi, tôi trở lại đời thường. Đời vận vào thơ và khi thơ lên tiếng, thơ lại vận vào đời:
mai em phố vắng một mình
chợ đời với kiếp mưu sinh lạc loài...



San Diego,19/09/2007
QUYÊN TRẦN

( *) Tiền bối (Trần Huy Sao) tặng tập Thơ. Nay có vài hàng câu chữ để tiền bối buổi sáng thêm-ngon-trà ( nếu như trà vốn đã ngon thì xin nói lại “ để trà-ngon-thêm “ )

Thơ



Đời buồn tênh may mà có Thơ
Để nhớ trăm năm đỡ lụy sầu
Thơ viết ngàn câu – rồi chỉ nhớ
Một câu- để giữ lấy cho nhau


tôi làm thơ mỗi ngày thơ chảy dài xuống phố hòa nhập dòng xa lộ đọng lại trong sở làm

thơ bên cạnh chỗ nằm vụn đầy trong giấc mộng theo gió trời lồng lộng ngập òa nắng thảo nguyên

thơ theo nỗi truân chuyên xót xa đời ly xứ quyện theo em tình tứ rớt tôi nỗi muộn phiền

đời vẫn còn oan khiên bước phong trần nghiêng ngửa thơ mãi là diểm tựa theo từng dấu thăng trầm

xin em cứ lặng thầm đọc thơ tôi ngày tháng xót đau đời hữu hạn nên trọn tình theo thơ…

12/1999

Cúc Vàng Em Và Mùa Thu




mùa Thu hoa Cúc nở
vàng mượt cả sân nhà
anh đi xa, thì chớ
anh về nhớ ghé qua

cúc vàng Thu đẹp lắm
như Thu vàng đó anh
ước gì, cho anh ngắm
em và Thu – Cúc vàng !

cúc vàng – Em và Thu
vẫn chờ anh, vẫn đợi...

1999

Chiều Qua Đèo Krông Pha




bếp hồng em đỏ lửa
chiều, qua đèo Krông Pha
chiếc xe mòn bố thắng
em chấp chới vẫy tay !

trái chôm-chôm ngọt lịm
cứ ngỡ môi mận đào
thèm thơm em một tị
mà sợ đời lao đao !

dĩa cơm sườn ít ỏi
chiều dừng quân, mưa bay
ở đây buồn quá đỗi
giữa núi rừng xanh xao !

điện mờ chi cô quạnh
( thà thắp ngọn đèn dầu )
ngồi bên nhau vẫn lạnh
hay là mình ôm nhau !

em cứ hoài mắc cở
để cứ hoài cô đơn
trách em thì không nỡ
mà giận, tội em buồn !

thôi thì ngồi với nhau
đêm giữa đèo heo hút
biết mai còn gặp lại
hay xa cách nghìn trùng !

từ buổi ấy chia tay
chưa một lần gặp lại
lòng tôi còn nhớ mãi
người em gái năm xưa !

1999

Giao Thừa



đón em giờ tan sở
đêm. Sương lất phất bay
hai đứa cùng nỗi nhớ
đêm nay. Đêm giao-thừa

xe nhập dòng xa lộ
đèn chóa nỗi riêng tư
tìm đường về rẻo phố
ngồi bên nhau. Quán khuya

chuyền nhau ly rượu nóng
mình mừng nhau. Giao-thừa
ngoài trời sương đọng giọt
lạnh buốt đời tha hương !

nâng ly rượu quê người
"Chúc Mừng Em Năm Mới”
“ Chúc Mừng Anh Năm Mới"
hai đứa, chồm, hôn nhau…

cuối năm 1999

tháng 12 07, 2007

Xóm Đình ĐA CÁT




Viết gởi những người cùng xóm đình Ða Cát ( Cây số 4 ÐàLạt )
Tưởng nhớ : hai anh Phạm Lạc, Phạm Ðông
vừa rồi có thêm chú Kỳ, dượng Đát, anh Nho, anh Đá(Huỳnh Đình)
mới đây thôi, thêm anh Hảo !.....


Ðố ai mà không nhớ có một thời mình đã sống, nơi nào đó, trong đời. Một nơi chốn rất riêng tư và rất là thân thuộc. Quê hương đó, phải chăng? Mà trong quê hương lớn rộng còn có thầm lén một quê hương nhỏ, không kém phần ray rức bồi hồi. Ði xa thì nhớ quá chừng. Về lại, thì buồn thêm nặng. Bởi lẽ, có gì mà không thay đổi theo thời gian. Nét đổi thay đôi lúc rất tàn nhẫn và, rất là ngỡ ngàng. Ôm cả một quê hương để nhớ, chi bằng nhớ rất nhỏ nhoi thôi,một nơi chốn mình đã gắn bó rất đậm đà thân thuộc.
Trong quê-hương-lớn-rộng đời tôi, tôi nhớ, một-quê-nhỏ của tôi : Xóm đình Ða Cát!
Gọi là đa cát, chắc nghĩ là Xóm nhỏ của tôi có nhiều cát. Không, không hề có cát. Có đất cằn và cỏ Cú thì nhiều. Hay là cát đây có nghĩa là điều tốt. Ða Cát : nhiều điều tốt. Chắc cũng không đâu, vì chẳng có gì gọi là tốt cả! Ðau khổ và đói nghèo cùng cực, thì làm sao mà tốt cho được.
Nhưng thôi, cứ nghĩ là vậy đi, ở một nghĩa nào cũng được, nhưng cứ là Ða Cát. Cứ là cái Xóm nghèo cùng cực, cơm bỏ vào miệng chưa đầy, nhai hoài không muốn nuốt. Sợ nuốt đi rồi còn có miếng nào thêm! Ðó là những năm,tháng khi tôi còn bé nhỏ. Nhìn Trăng đêm Rằm mà sao thấy to lớn, cao xa. Ngó mưa trời mà cứ phập phồng lo sợ. Những mái nhà tranh vách ván đơn sơ làm sao chịu nổi phũ phàng, vùi dập. Vậy mà, tuổi thơ cứ bình bồng trôi đi trong nỗi thăng trầm thôn xóm nhỏ. Có Ông, Bà, Chú, Bác, Anh em, bạn bè, bà con làng xóm. Có chuyện rất vui và, có chuyện rất buồn. Có nét đẹp thanh tao ngọt ngào như vị ngọt của những trái ổi nồng nàn hương thơm nhà Bác Nghi. Có vị đắng của trái đào lông xanh nhà ông Thưởng. Có vị ngọt chua ê răng, ứa nước miếng của những trái mận vàng lườm nhà ôn Cai Hoành. Có vị chát đầm thấm của những trái Vả sau vườn Chùa Linh Quang. Có bâng khuâng thương nhớ của những đêm bạn bè cùng trang lứa rượt bắt cứu tù, đạp lon hay trò ma-da-trốn-tìm dưới ánh trăng sân Ðình xưa cũ...
Bây giờ, lớp đàn anh đàn chị đã đi xa, đã nằm lại. Lớp tuổi tôi cũng nằm lại, cũng đi xa...Nhưng cái xóm đình Ða Cát thì vẫn còn gần đó, xa đó lung linh mờ ảo trong hoài niệm. Mà khi nhắc lại, chắc cũng chạnh lòng xao xuyến và cả ngẩn ngơ. Hỏi ai mà không nhớ quê hương cho được. Quê hương theo dọc cả một đời người. Kỷ niệm cũng ôm hoài một nỗi nhớ.
Ðó, nói đâu xa. Năm trước, gặp anh Ðông trên đất quê người. Nhắc lại xóm đình Ða Cát, anh cám cảnh bùi ngùi. Ði xa lâu rồi, anh thèm nghe những gợi nhắc quê hương. Nghe hoài không thấy chán. Hai đứa thức thâu đêm mà nói hoài không hết chuyện. Cái xóm đình thì nhỏ mà sao chuyện cứ dài, dài mãi, nhắc nhớ hoài không thôi! Kể chưa hết chuyện ông Năm Le, miệng ăn trầu đỏ chót, gặp con nít ông le lưỡi đỏ lòm, cho vui thôi, nhưng làm tụi mình sợ xanh cả mặt, són đái lúc nào không hay( mà anh cũng són đó nghe, chớ đâu phải riêng mình tôi).Anh cười, có vẻ ngượng. Uống đẫy đà một hơi beer tâm đắc rồi bắt qua chuyện trộm ổi nhà Bác Nghi, bị bắt trói vô cây ổi chờ Cha, Mẹ tới lãnh, để bị mắng vốn đủ điều. Bữa đó về, bị cắt phần cơm, tôi đứng trong góc nhà vòng tay chịu phạt rồi ngủ quên lúc nào không biết nữa! Còn anh,chắc cũng bị mấy roi xoắn đít, nổi lằn. Còn khoe nhau những bữa lòn hàng rào nhà bác Ba Cận trộm mận "bạch tạp", giống mận độc đáo vàng vỏ đỏ lòng cắn tê đầu lưỡi mát chân răng. Bữa đó, anh bị con chó xù nhà bác "tợp" cho một phát. Về, mông đít bôi mù-hóng-dầu-mè đen ngòm, phát khiếp. Thuốc chữa dân gian vậy mà cũng tốt, có điên dại chi đâu! Nghĩ mà thương cái Xóm nhỏ của tụi mình. Ðau quặn bụng thì nhai lá ổi. Nhức đầu xổ mũi có lá bưởi lá chanh lá sả trong vườn( nhớ tới nhà ôn Cai Hoành nài xin cho được nhúm lá thù-đủ-tía). Làm một nồi xông, sớm mai dậy,chạy chơi cùng làng cuối xóm. Còn ho hen hả?. Khó gì, cứ tới nhà thím Ba Hồng xin ít lá Tần về giả nhuyễn nhừ, thêm chút muối, cũng là "thần phương".
Tụi mình, hồi đó, tóc có nhuộm đâu mà vàng hoe, khét nắng. Nòi giống da vàng mà da cứ xảm như chì. Gan bàn chân thì dày như da trâu. Mặt có vằn có vện, lang beng lẫn lác đồng tiền. Thiệt chẳng giống ai. Vậy mà, cũng không ai giống mình. Ðiệu nghệ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông...
Mùa Xuân thì đi săn lùng ổ chim se sẻ ở mái Ðình hay bắt bướm hái hoa giả làm trò chơi đám cưới với tụi con Lý, con Mai. Vui hơn hết thảy là những ngày Hội Xuân. Ðược ăn uống no nê lại tha hồ chạy nhảy chẳng ai trách cứ phiền hà. Bởi vì mấy cụ bận khề khà mâm trên chiếu dưới, mấy bà thì bận tíu tít phục vụ hỏa-đầu-quân, thở chẳng ra hơi...
Muà Hạ thì đi bắt dế, thả diều trên đồi Trọc. Ðánh đáo, thảy vụ, chơi ô quan trong sân Ðình. Vui nhất là đêm đêm trăng sáng chơi rượt bắt cứu tù, đạp lon và đôi khi ngồi tụm nhau nói chuyện dóc rồi cười nghiêng ngữa. Trăng soi vằng vặc khoảnh sân Ðình, trẻ con, người lớn tụ nhau ồn ào như một xóm chợ nhỏ. Lâu lâu, lại có gánh hát-bộ từ một phương trời xa xăm nào đó, ghé về dựng rạp ở sân Ðình. Ðó là những đêm đầy âm sắc rộn ràng. Tưởng như đâu đây còn vang tiếng cầm-chầu điệu nghệ của Ôn Cai Hoành, Ôn Lào, bác Ba Cận...Khi thì rời rạc như trống cầm canh, khi thì thúc giục hả hê làm nôn nả cả lòng người...Kịp đến khi đoàn hát-bộ chuẩn bị lên đường tiếp nối quãng đời phiêu giạt, thì đã biết mùa Thu sắp đến. Ðó là lúc buồn vui bịn rịn chia tay, không ngăn nổi những tâm tình trai gái...lưu luyến lúc phân kỳ! Ôi! Cái cảnh kẻ ở người đi sao mà buồn sầu lắm vậy! Ðã có bao nhiêu chàng trai, bao nhiêu cô gái dứt lòng xa lìa xóm nhỏ mà ra đi dọc theo con đường gió bụi, theo giấc mơ của ánh đèn sân khấu và, theo tiếng gọi của tình yêu!..
Mùa Thu thì co cụm lại, vui đùa trong góc Ðình khuất gió. Và mưa, ôi chao, mưa chi vùi dập nhẫn tâm. Cây trút lá, ngã nghiêng, xô dập tiêu điều. Gió rít từng cơn nghe nhót xói cả tâm can. Mưa lê thê, dai dẳng suốt ngày đêm. Trò chơi là những con thuyền giấy mỏng manh thả trôi theo dòng nước, chở những ước mơ bé nhỏ trôi giạt tận những phương trời xa tít. Chỉ còn lại cái đói, cái lạnh lùng bơ vơ trơ trọi của xóm đình nhỏ nhoi dưới bao la đất trời một màu mưa trắng mù, sầu thảm....
Muà Ðông thì quá đỗi buồn. Chẳng có trò chơi nào chịu nổi với tiết trời lạnh thấu xương. Biếng lười gặp nhau. Ði đâu cũng co ro cúm rúm. Xóm nghèo quá, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Da dẻ lúc nào cũng ửng đỏ, rát không chịu nổi. Có nhà, về đêm, con cái đắp bao-tời mấy lớp. Cũng có nhà, anh em rúc nhau trong ổ rơm lúc nhúc, ôm nhau mà run lạnh nhớ nắng Xuân. Sân Ðình, những ngày Ðông càng hiu hắt buồn. Ðêm đêm, mọi nhà xúm nhau bên bếp lửa ngo, nghe kể chuyện ma quái mà rùng mình, cố xích lại gần nhau hơn nữa. Tiếng mõ rời rạc của chú A khi to khi nhỏ giữa đêm trường, trong cơn gió chướng, nghe buồn lay. Thỉnh thoảng, có tiếng chó tru đêm, não nuột. Sợ quá, là mùa Ðông! Ðói, lạnh và, nhớ không khí bạn bè.
Mùa Ðông, hình như là mùa để trỗ lớn và chín chắn hơn. Cũng đúng thôi, vì đó là mùa của cuối năm, luôn là cái móc thời gian để dợm mình lớn thêm một tuổi. Rồi, cũng lấy đi những người già không sức chịu cái nghiệt ngã của tháng ngày đông giá. Biết là tre-tàn-măng-mọc, nhưng mà sao buồn quá!
Ôi! Những mùa Ðông của tháng ngày thơ ấu ấy, đã lấy đi rất nhiều những khuôn mặt mà tôi thương, tôi kính. Có Ông tôi, có cả Bà tôi trong đó nữa! Gần hơn, có chú Quý nhà ở cạnh bà Hoàng di cư, chú Thứ xe ngựa ở cạnh hố rác Bà Sơ, chú Mười Mươi nhà kế bên chú Tín cây-dầu-gió, ông Ba Guốc và Chú Ðính hai nhà kế cận nhau, dượng Tuần ở sau nhà tôi, bà Năm Thiên nhà có cây ổi sẻ và cái lu nước mưa dành uống đủ bốn mùa, bà Cửu Om nhà gần bác Ba Cận, thím Biền cháu bà Côn, Ôn Cai Tư hương sư đã từng khai tâm cho lớp đàn anh của tôi ngày ấy,ôn mụ Lào nhà sau chùa Linh Quang cạnh cái chợ Chiều của Xóm, ôn Cai Hoành nhà sát cạnh khu Bà Sơ Vincent sau lưng nhà chú Ðán, chú Duy thợ mộc...Chà, nhiều quá cho một mùa Ðông và nhiều mùa Ðông đã đi qua trong đời. Quê hương bé nhỏ của tôi ơi! Sao mà đau thương lắm vậy?.Còn đó thì thôi, thì chỉ là thoáng nhớ ngậm ngùi. Nhưng nay đã đi xa rồi, tất cả bỗng trở thành một cái gì đó thiêng liêng quá, trong tôi, mỗi lần nhắc nhớ...
Và cả anh nữa, anh Ðông!
Ðêm đó, trên đất lạ xa quê, hai tâm hồn chụm lại đốt lên chút lửa hoài niệm mà rũ rượi buồn. Khoan! Khoan nhắc đã anh. Anh đi lâu quá rồi, anh chắc không còn nhớ . Tôi, thì tôi nhớ. Nhớ như điên, như khùng. Cái xóm đình Ða Cát ấy! Nó thật nhỏ nhoi và lắng chìm trong muôn vàn xóm đình trong lòng quê hương mình. Nhưng nó lớn rộng quá, khơi dậy quá trong lòng tôi, trong lòng anh và cả những người đã từng sống, từng ôm đồm quá nhiều kỷ niệm. Dù nay, đã ra đi hay còn lại, vẫn hoài nhớ mãi chẳng thể nào quên. Dù nó chỉ là một xóm đình nhỏ nhoi, nhưng chính là cái gốc tình tự của quê hương là vậy!
Nay thì anh đã đi xa rồi, thật xa. Có thể, anh đã trở về với xóm đình Ða Cát nghèo khổ của tụi mình, thuở nào. Trên bước đường ly xứ, tôi rất mừng được gặp lại anh, nhưng tiếc thay tháng ngày ngắn quá, anh lại bỏ ra đi. Nôn nóng chi mà đi sớm vậy? Tụi mình chưa nhắc hết chuyện năm, tháng đổi thay của xóm đình ngày thơ ấu. Chưa nhắc tới cuộc thăng trầm nghiệt ngã đã làm vỡ tan bao kỷ niệm ngày xưa...
Ngày xưa...Xóm đình xưa...Nghe sao mà não nuột...
Ngày xưa, thì mình vẫn còn nhớ và nhắc đó. Xóm đình xưa!
Thì xóm vẫn còn đó, nhưng đình thì đã không còn dấu tích. Chỉ còn lại một khám thờ nhoi, hiu quạnh bên đường. Ðâu còn nữa anh, những ngày chiêng trống vang lừng, cờ phướng phất phới, bô lão kỳ hương khăn đóng áo dài trang trọng, hàng ngũ lễ sinh áo mũ chỉnh tề sinh động đứng, quỳ theo nhịp xướng "hưng,bái". Phụ nữ mọi nhà được "sức" tới để phục dịch nấu nướng trong những ngày tế Xuân, Thu định kỳ. Ðâu còn cái cảnh tụi mình, ngày đó, chạy đùa nô giỡn, ăn uống thả dàn trong suốt mấy ngày xóm đình vô Hội. Sao mà vui. Sao mà đầm ấm tình nghĩa xóm làng đến vậy!
Bây giờ, anh đã nằm xuống, thân xác đã hóa thành tro bụi, chờ dịp trở về quê cha đất tổ. Chuyện đêm nào, chưa nói hết, anh đã bỏ đi xa. Anh chưa thỏa lòng là vậy. Một dịp nào, tôi đưa anh về quê hương, đưa anh về xóm đình Ða Cát của tụi mình. Ðể anh, nằm yên đó, ngắm nhìn ngày tháng xưa - mãi nhớ, mãi thương cho hả lòng hả dạ lòng người, đã một thời xa quê hương yêu dấu...

San Diego, mùa gió chướng, ngày tiễn anh đi.

Phần thêm : Có ai đó, ở cùng Xóm Đình ĐA CÁT khi đọc bài viết này, rứt lòng nhớ chốn quê, xin có vài lời nhắn cho tác giả biết ai còn ai mất ở Xóm Đình xưa.

Những Ngày Xóm Nhỏ




tôi ở đây, buồn, con mắt đỏ
lớn rồi,mà cứ, nhỏ-như-xưa...




nỗi buồn tôi gởi lại xóm quê
xóm nhỏ đói nghèo cất đầu không nổi
con cá tôi câu dọc theo bờ suối
cũng nghèo luôn ! Nghèo tóp cả thịt da !

vạt sắn trên nương suốt mùa đói rã
thân mộc khô cằn củ nhú ngón tay
đất trộn mồ hôi bao đời cũng vậy
dỗ dành chi đất cũng cứ ù lì !

người xóm tôi mãi một đời chung thủy
dẫu đói nghèo bóp bụng trải lòng nhau
nhẫn nhục ôm trời cần cù bám đất
cứ tin rằng trời đất chẳng phụ người !

tôi lớn lên nhờ chén cơm hòa muối
nhờ nắm rau nhúm lá đọt cằn khô
con hến con tôm xúc bờ suối nhỏ
củ khoai lang teo tóp thấy tội tình !

giấc ngủ tôi hằng đêm đầy mộng mị
ủ ấm thân tôi trong lớp bao-tời
đêm học bài dưới ánh đèn mờ tối
sáng lên nương chiều vội vã tới trường !

Cha dạy cho tôi đạo lý làm người
Thầy dạy cho tôi bao điều mới lạ
Mẹ tôi mất khi tôi chưa đầy tháng
tôi học nơi Người bài học nhớ thương !

tôi lớn lên theo thời buổi nhiễu nhương
cuộc chiến tương tàn đẩy tôi nhập cuộc
trước lúc tôi đi có người em nhỏ
nhìn tôi…nhìn tôi.Con mắt đỏ hoe !

từ đó tôi xa, ít dịp trở về
nhưng tôi nhớ, thiệt lòng, tôi rất nhớ
ánh mắt nhìn tôi…nhìn tôi, ngày đó
thấy sao gần, sao quá đỗi là thương !

bởi, em ơi, trên mỗi chặng đường
tôi vẫn nhớ mà ! Những ngày xóm nhỏ
nhớ cảnh nhớ quê nhớ người chia khổ
chia đói nghèo chia hạt muối lưng cơm !

mảnh đất cằn khô nơi tôi khôn lớn
tôi có người thương chờ đợi sớm hôm
con cá ra sông nhớ đàn mà ốm
con chim xa rừng thương bạn mà đau!...

…mấy mươi năm ! Hai đứa bạc mái đầu
ánh mắt nhìn tôi…nhìn tôi, ngày đó
vẫn mãi trong tôi là người em nhỏ
như ngày nào…xóm nhỏ… Em ơi !....

Khi chuẩn bị khăn gói gió đưa
về Escondido, 2003

Xót Xa Tiếng Còi









Để nhớ tiếng còi từ Nhatrang vọng về Đalạt, thuở nào








nhớ hồi em ở xóm Ga
suốt ngày tàu hỏa xót xa tiếng còi
nghe sao mà thiệt rã rời
đau người ở lại xót người đi xa !

đôi lần tôi có về qua
chịu không thấu nỗi xót xa bồi hồi

cho nên dẫu chẳng ra lời
mà hai đứa cứ níu đời của nhau
để cùng trên một chuyến tàu
không đưa không tiễn lấy đâu ngậm ngùi…

5/2000

Mùa Đông




mùa Đông tôi đứng ở bên này
thương quá mùi thơm lừng bắp nướng
nhớ quá khói chiều cay đôi mắt
em về tóc đẫm ướt hơi sương
tôi về vàng rộ ngõ quỳ hương
xóm nhỏ mùa đông buồn rũ rượi
đất trời trĩu nặng cả lòng người


những tháng năm đời đem khốn khó
Chia đôi cắn nửa những phiền lo
Miếng cơm không đủ dằn cơn đói
Rét lạnh trời cho thắt cả người
Bếp lửa nhỏ nhoi chiều đạm bạc
Rau dưa qua bữa sống qua ngày
Để thương nhau cho trọn kiếp này
Nghèo đói có nhau là hạnh phúc
Đời sống dẫu thêm nhiều cơ cực
Cũng không bớt xén được tình yêu
Em về sương rớt hột bên hiên
Tôi về khói bếp rủ chiều nghiêng
Nồi cơm độn nửa phần khoai sắn
Đĩa rau thơm thảo những buồn vui
Gió rét theo về từ hướng núi
Khẽ khàng chừa lại chỗ hai ta
Một chỗ tình yêu làm nắng ấm
Tới nỗi mùa đông cũng lạc loài…


nơi chốn tình yêu còn dành lại
là xóm nghèo trải lạnh đầm sương
là quê hương trong một quê hương
núi cách sông ngăn dài biển rộng
đời của hai ta là con sóng
vỗ hoài vòng nhật nguyệt vần xoay


đến nỗi chi mà lạc tới đây !...

mùa Đông 2001

Trang Thân Hữu : MÙA ĐÔNG


ĐAN THANH


Thế là chúng ta đã bước vào năm mới 2007. Những ngày đầu năm ở nam Cali, trời tiết đông lành lạnh, thú vị nhất là cuộn mình trong chăn với một tách cà phê nóng, đọc một cuốn sách thật hay hoặc là lắng nghe dòng nhạc thật cũ… Đọc một tập thơ mùa đông, nghe những bản tình ca mùa đông… Mà trong đó, Đan Thanh yêu thích nhất là một ca khúc đôi nghệ sĩ Lê Uyên Phương, Một Ngày Vui Mùa Đông.
Mùa đông, khi có nhau, người ta vẫn hạnh phúc để thốt lên rằng

ô hay mùa đông
mà xuân đã lâng lâng
ô hay mùa đông
mà mai đã lên bông

Nhưng nếu như không có người yêu bên cạnh, mùa đông sẽ làm cho người con gái chợt bâng khuâng, hỏi vu vơ rằng

Trời đã vào đông chưa anh
Sao buổi sáng ra đường em thấy lạnh
Một chút gió thổi về từ xa lắm
Để trong lòng nghe khắc khỏai: mùa Đông
Gió buốt thổi về nghe chút bâng khuâng
Chút xao xuyến quyện lòng em rất khẽ
Ở đâu đó gió lùa đi rất nhẹ
Dậy sóng sau lưng mái tóc ai bồng
Em cứ ngỡ rằng thành phố đã vào đông
Như lúc anh hỏi em rằng có nghe gió thổi
Vâng, gió rét
Mùa thu qua
Đông tới
Sẽ lạnh đến tê lòng
Nếu không có anh

Và, mùa đông, không có người yêu bên cạnh, người con trai cũng sẽ thấy lòng chùng lại trong nỗi nhớ bâng quơ.

San Diego. Chiều qua phố. Lạnh
gió trở mùa. Trời thấp sau lưng
những chiếc lá cuối Thu buồn lặng
nhẹ xuống đời vàng đốm bâng khuâng

một góc phố gọi mùa Đông tới
để quạnh hiu qua mấy nẻo đường
đứng co ro ngã tư đèn đỏ
chờ đèn xanh mờ nhạt hơi sương

em ở đâu rồi ! Không xuống phố
quẩn quanh tôi nỗi nhớ rất gần
gió se lạnh góc bàn trơ trọi
ly cà phê đọng giọt lặng thầm

đã rét ngọt mùa Đông rồi đó
vàng Thu phai trời đất lặng buồn
tôi đợi em buổi chiều xuống phố
phố im lìm trong-gió-buồn-đông…


Đó là bài Trong Gió Buồn Đông, thơ Trần Huy Sao. Cũng giống như Trần Huy Sao, hơn 6 thập niên trước đây, có người thanh niên lang thang trên phố mùa đông – nhưng không phải San Diego mà là những con đường Hà Nội cũ – chàng sinh viên nghèo xơ xác, đêm giao thừa không có tiền về quê ăn tết nên lang thang ở ga Hàng Cỏ, qua phố Khâm Thiên, rồi trở về căn nhà trọ cạnh nhà thương Phủ Doãn. Đi ngang qua xóm cô đầu, một ả đào bước ra chào khách và chán nản trở vào khi biết chàng không phải khách làng chơi, nét buồn thoáng in trong chiếc gương soi treo ở cửa ra vào. Về nhà trọ, cô đơn giữa những cơn gió thổi mạnh qua khe cửa, chàng sinh viên ngồi vào bàn viết và ca khúc Đêm Đông được hoàn thành ngay trong đêm đó. Vâng thưa quý vị và các bạn, chàng sinh viên đó chính là Nguyễn Văn Thương - người nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên trong nền tân nhạc Việt Nam. Ông viết nhiều ca khúc như Trên Sông Hương và Bướm Hoa, nhưng có lẽ gắn liền với tên tuổi của ông vẫn là ca khúc Đêm Đông.
Chúng ta vừa cùng nhau thưởng thức một vài vần thơ và ca khúc viết riêng cho mùa đông. Xin mến chúc quý vị và các bạn năm mới 2007 nhiều thành đạt, nhiều yêu thương, nhiều hạnh phúc.

ĐAN THANH

http://ww.radiochantroimoi.com

Trong Gió Buồn Đông



San Diego. Chiều qua phố. Lạnh
gió trở mùa. Trời thấp sau lưng
những chiếc lá cuối Thu buồn lặng
nhẹ xuống đời vàng đốm bâng khuâng

một góc phố gọi mùa Đông tới
để quạnh hiu qua mấy nẻo đường
đứng co ro ngã tư đèn đỏ
chờ đèn xanh mờ nhạt hơi sương

em ở đâu rồi ! Không xuống phố
quẩn quanh tôi nỗi nhớ rất gần
gió se lạnh góc bàn trơ trọi
ly cà phê đọng giọt lặng thầm

đã rét ngọt mùa Đông rồi đó
vàng Thu phai trời đất lặng buồn
tôi đợi em buổi chiều xuống phố
phố im lìm trong-gió-buồn-đông…

East San Diego
1998

Nỗi Nhớ Của Anh


anh nhớ rồi hồi đó em đi ngược về anh hai đứa mình không ngó mà suốt đời thấy nhau

anh nhớ rồi hồi xưa bông quỳ hương vàng rộ gió mùa đông buốt giá vẫn ấm buổi hẹn hò

anh nhớ rồi hồi đây trời quê hương bỏ lại em và anh vẫn vậy như hồi đó… hồi xưa…

Tháng 11/1999

Thơ Cuối Năm Gởi Cho Em




chiều ba-mươi-tết cúng đất cúng trời cúng đời ly xứ

tạ ơn Đời có cái ăn cái mặc
có buồn vui ngày tháng cầm hơi
từ quê cũ tới nương nhờ quê mới
thấy mây trời sông núi như nhau
bỏ quá cho tôi. Em yêu dấu !
để em vàng như lá mùa Thu
em héo cau khô em sầu liễu rũ
em vô ra thầm lặng bên đời
từ hai ta lưu lạc phương trời
em bấu tay tôi ưng lòng trao gởi…


con cá vượt sông ra vùng nước lợ
ngó biển khơi chới với nỗi đời
tôi với em hai đứa mồ côi
qua đất lạ nương nhau mà sống
tôi dắt em đi trời cao đất rộng
ngó quanh thân chỉ mỗi hai mình
đời đạm bạc như thuở còn quê cũ
có buồn vui nào không chia cho nhau !

mình lạ quê hương từ cuộc bể dâu
gang tấc nào đo nỗi lòng muôn dặm
tháng với ngày cứ trải dài thăm thẳm
đường tình yêu thêm sợi bạc thăng trầm
dù là vậy vẫn gừng-cay-muối-mặn
miếng trầu têm còn giữ trọn ân tình
đuôi con mắt vẫn còn lúng liếng
để tôi hoài giữ lấy, làm riêng


trời cuối năm rồi em có biết
cuộc phong trần thêm một tuổi lao đao
Thơ tôi viết. Đêm khuya. Trời dông bão.
gió và mưa. Rét ngọt trở mùa
tôi vẫn cứ đem Thơ vào lãng mạn
giữ đời nhau trên mỗi bước thăng trầm
xin gởi em một trái tim nồng ấm
một cõi tình yêu dấu đến trăm năm…

cuối năm 1998
Mira Mesa, San Diego

Sầu Riêng




Trái Sầu Riêng rụng về khuya
Đường em đi học sớm trưa ngang nhà
Lòng anh quá đỗi thiết tha
Cứ thầm trong bụng chắc là nghiệp duyên
Sầu Riêng là trái Sầu Riêng
Còn anh có nỗi sầu riêng. Nỗi sầu…

1998

Tháng Chạp Mười Hai




Tháng Mười-Hai em nhớ tôi không ?
Cây nhớ lá trơ sầu nhánh hạc
Tôi nhớ em buồn lạc nỗi lòng
Một nỗi lòng ngơ ngơ ngác ngác

Ở quê mình gọi là tháng Chạp
Tháng Mười-Hai tháng Chạp như nhau
Đất với trời vào mùa sương giá
Lạnh dương gian tôi biết trốn đâu !

Tôi trốn trong tình em vô lượng
Bởi tình em là chốn nương thân
Trái tim em nhiệt tình nóng bỏng
Lửa tình yêu ngùn ngụt thân da

Em có chờ, và, em có nhớ
Để tôi về tháng Chạp Mười-Hai
Tôi hẹn về tựa một nhánh khô
Em độ lượng cho nhánh tình mượt lá

Cho tôi biết yêu và, biết nhớ
Biết lòng em sâu lắng dường nào
Tháng Mười-Hai bên này cách trở
ở quê nhà tháng Chạp – chờ tôi…

Đông phong 1998