tháng 4 30, 2010

NHỮNG MẢNH ĐỜI TAN NÁT


Anh ơi ! mưa lạnh cuộc tình
Nắng hong thương nhớ hai mình khô rang
Kể từ anh biệt dương gian
Bỏ em trơ trọi lang thang chợ Đời...


Loan nhất định không chịu đi vùng Kinh tế Mới. Trong các buổi họp Tổ Dân Phố cũng như khi có Giấy Mời lên UBND Phường, nàng vẫn cứ một câu ngắn gọn : “ Thả chồng tôi về thì tôi đi !”. Nàng biết rõ, ông Chủ tịch Phường đâu có cái quyền hạn đó, cả tên Công an Khu vực mặt búng ra sữa nữa. Thêm tay Năm Tiễn, Tổ trưởng An ninh hay bà Bảy Thệ, Cán sự Phụ nữ, thì cũng vậy thôi !
Chỉ được nước hù dọa.
Vậy mà cũng có nhiều gia đình lo sợ, ký giấy tình nguyện ra đi. Bởi nếu không đi thì Cha hoặc Chồng, Con phải kéo dài thêm thời hạn “cải tạo”, sẽ không có ngày về! Ai mà nỡ !
Trên danh nghĩa là có sự tự nguyện, gia đình chấp hành chủ trương chính sách tốt. Phường, Khóm, Tổ đạt chỉ tiêu, đạt danh hiệu tiên tiến. Liên hoan mừng công, ăn uống phè phởn. Cũng là dịp để bòn rút của công dựa vào lý do chính đáng. Ăn một tính mười, chẳng tội vạ vào đâu. Chỉ tội mấy gia đình ký giấy tình nguyện. Nhà cửa coi như dâng hiến, chỉ mang theo vật dụng thiết thân với một niềm khát khao hy vọng là một ngày Cha, Chồng hoặc Con sẽ sớm về đoàn tụ ! Ông Bí thư Phường xoa tay đắc ý, dặn Chủ tịch Phường vén khéo tổ chức một buổi ra quân tiễn đưa có biểu ngữ, cờ xí cho “ra vẻ” một chút. Chủ tịch Phường đùn việc xuống cho Đoàn Thanh niên và Hội Phụ Nữ Phường. Ở đây lại đùn việc xuống cho các Tổ Dân phố đóng góp, thực hiện !
Ngày ra quân cũng thiệt nhộn nhịp. Sáng sớm đã thấy mấy chiếc xe tải đậu hàng dọc trước UBND Phường, chờ vận chuyển. Bà con ở các Tổ Dân phố lục tục kéo tới. Đêm hôm trước có cuộc họp chỉ thị mỗi Tổ đề cử tám người đi tham dự. Việc điểm danh báo cáo giao cho Đồn Công an Phường đảm trách. Dính tới mấy cha này thì như chưn ruồi dính mủ mít, khó đường vùng vẫy.
Từ sớm, đã thấy tay Đồn phó Công an đứng chờ. Hắn đi qua từng Tổ, điểm người :
- Một, hai, ba, tư, năm, sáu...Ậy, sao lại thiếu hai người ? Cái Tổ Ba này...
Tức thì, ông Tổ phó An ninh nhanh nhẩu :
- Dạ, báo cáo anh, có hai người dắt theo hai em nhỏ. Xin anh tính luôn !
Hắn liếc nhanh ông Tổ phó, nhíu mày không nói gì, ghi vô sổ con số tám mập ú. Hắn nhớ, hai hôm trước hắn có nhậu quắc-cần-câu tại nhà tay này mà ! Lại điểm danh tiếp tới từng Tổ. Qua Tổ Tám, hắn lại thắc mắc :
- Tổ Tám sao lại chỉ có ba người thế này ?
Bà Tổ phó An ninh kiêm Tổ trưởng Phụ nữ đang chực sẵn, tiếp lời gọn bâng :
- Dà, báo cáo anh, tính cả tui là bốn. Còn bốn người thì có tên trong danh sách đi sáng nay. Lát nữa họ tới, đứng vô luôn cho đủ số !
Tổ Tám, đa phần là dân đốn củi làm than. Sáng tờ mờ đã tuốt vô rừng, có khi phải ở lại canh lò hai ba ngày, lấy người đâu cho đủ số ! Tay Công an cũng biết vậy, lắc đầu ngao ngán, ghi vô sổ. Chắc là trong bụng không bằng lòng lắm với cách giải quyết “qua ải rút cầu” nên chi con số tám ghi như cái dấu quẹt vòng, nhỏ xíu...
Rồi đám cán bộ tới, nghênh ngang đắc chí. Nhìn đám dân lơ láo đứng dưới hàng cờ xí biểu ngữ đỏ rực, có cảm tưởng mình bỗng trở nên một nhân vật quan trọng. Để tỏ ra gần gụi với quần chúng, cứ chìa tay ra bắt lia lịa bất kể nam phụ lão ấu, miệng thì cười hết cỡ. Đến nước này, Loan cũng phải buộc lòng nắm những bàn tay mềm nhão, ướt rịn mồ hôi mà nghe một cảm giác nhờn nhợn chạy dọc đường xương sống.
Nhưng mà sôi nổi nhất là đám người có tên trong bảng phong thần. Nào là khiêng, gánh các thứ vật dụng lỉnh kỉnh chất đầy một góc sân, tràn cả ra đường. Mặc cho tiếng loa kêu gọi bà con trả lại sự yên lặng để ông Chủ tịch Phường có vài lời phát biểu.
Nhưng mà có ai nghe đâu !
Tiếng kêu réo nhau cứ giật giọng, tiếng con nít khóc đòi ăn, tiếng gà tục-tác kêu ổ loạn lên như là một cái chợ nhỏ. Ông Tư Lửa đứng trên cái thùng gỗ đựng gạo, mặt mày lơ láo nhìn quanh, lớn giọng cứ coi như đang ở trong sân nhà mình :
- Thằng Chút, thằng Chút đâu rồi ? Bộ đồ nghề của Ba sao không thấy cái búa, lấy gì đóng đinh làm nhà đây, con?. Chạy lẹ về coi chú Năm có mượn không?. Thiệt, đúng là cái thằng...trật búa mà !
Anh Sáu Râu, đứng bên cạnh, buột miệng :
- Búa liềm gì giờ này nữa, cha nội ?. Lo trữ gạo cứu đói dài ngày chớ còn ở đó mà búa với...
Hốt nhiên, anh giật mình khựng lại. Biết là mình lỡ lời, dáo dác nhìn quanh rồi lủi nhanh vô đám đông chộn rộn. Lại có tiếng bà Ba Tét kêu chói lói :
- Bớ Chút. Bớ Chút, dợm cẳng, dợm cẳng. Sẵn về nói con Thảnh đem cho Dì cái mền lông Dì bỏ quên. Cái mền lông đó nghen, đừng lấy cái mền trần. Mền lông, mền lông đó.ó.ó...
Có mấy tiếng cười rú lên cản không kịp. Bà Ba biết mình hơi quá trớn nhưng mà lỡ rồi, cho lỡ luôn. Bà quắc mắt day về phía mấy người đang cười sặc sụa, đanh đá :
- Gì cười?. Mền lông thì nói mền lông chớ nói gì giờ?. Hứ...
Rồi bà quay ngoắt qua phía khác, nhưng mà trong bụng cũng có ý ngượng ngùng. Hôm qua con Thảnh nó nói là cái mền bông. À, thì ra là cái mền bông! Bà lầm bầm cho đỡ ngượng :” Úi dà, lông bông chi cũng là mền. Bày đặt quá xá mà!”
Lúc này, ông Chủ tịch Phường đã phát biểu xong, bước xuống trong tiếng vỗ tay lẹt đẹt của đám cán bộ. Bà Chủ tịch Hội Phụ nữ Phường lại được giới thiệu lên phát biểu tiếp.
Bỗng nhiên, đám đông chộn rộn như đàn ong vỡ tổ. Người thì ôm vác, kẻ thì khiêng túm đồ đạc chạy về hướng mấy chiếc xe tải đang chờ sẵn.
Nguyên do là vì thấy gia đình anh Thuận đang bắt đầu chuyển đồ lên xe. Họ sợ mất chỗ tốt, hùa nhau bất kể tiếng loa kêu réo vãn hồi trật tự,bất kể sự ngăn cản của đám Công an, Du kích. Nghe tiếng mụ Hai Huế mau mắn dặn con gái với con dâu :
- Hai đứa mi mau leo lên xe trước đi. Nhớ dạng chưn cho rộng ra mà chiếm chỗ. Mạ quăng đồ lên sau...
Anh Thuận và hai đứa con đang lui cui trong thùng xe bỗng nghe tiếng la ó dậy trời. Nhìn ra, thấy đám đông đang ùa tới phía mình, khí thế như triều dâng thác đổ. Hoảng hồn, ba cha con vội vàng nhảy xuống xe, chạy mất biến. Thì ra, tay tài xế nhờ cha con anh Thuận khiêng giùm thùng đồ nghề xếp gọn lên xe chớ có phải chuyển đồ đạc gì đâu ! Báo hại, mấy cha con chạy gần đứt thở !
Tới nước này, bà con nhất quyết bám cứng mấy chiếc xe. Đồ đạc tự động khiêng, vác ra lần không cần lệnh lạc gì nữa. Sân Phường còn lại đám cán bộ ngồi sượng trâng. Bà Chủ tịch Phụ nữ đứng hoài trên bục thấy ngượng, lỏn lẻn bước xuống trở lại chỗ ngồi, mặt tái xanh vì giận. Nghe đâu, chương trình còn có lời phát biểu của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Bảo thọ, Đoàn Thanh niên, Đại diện các Tổ Dân phố, Đại diện các Hộ gia đình đi Kinh tế mới...Nhưng mà bà con đứng bu đen ngoài đường chờ lên xe giành chỗ tốt, nhất quyết không chịu vô sân. Chẳng lẽ dùng biện pháp mạnh, coi không được lại ảnh hưởng xấu tới phong trào, gây bất mãn quần chúng. Thôi thì, hạ màn cho xong ! Buổi lễ được bế mạc sớm hơn dự định. Ông Bí thư Phường ghé tai Chủ tịch :
- Nhớ dặn cô thư ký viết báo cáo cho xôm chút đặng báo lên trên. Thiệt, bẽ mặt quá trời mà...
Khi đoàn xe bắt đầu chuyển bánh, Loan đứng bên lề đường đưa tay vẫy, đôi mắt cay xè.
Đất nước tang thương, làng xóm tang thương vì cảnh chia đàn xẻ nghé như thế này đây ! Tự nhiên nàng nhớ đến chuyến xe đã chở chồng nàng ra đi ba năm về trước. Cũng khung cảnh này, bên vệ đường này. Cũng những cái vẫy tay của người đi đưa tiễn mà không có ai vẫy lại.
Vì chuyến xe ngày đó, bốn phía bịt bùng !

Loan hiền dịu, đẹp người. Nàng sinh trưởng ở Nha trang, miệt vườn Diên Khánh cây ngọt trái lành. Tốt nghiệp xong khóa Sư Phạm nàng tình nguyện lên vùng cao nguyên. Lý do thật đơn giản là vì nàng yêu thích cái không khí trầm lặng đầy chất lãng mạn của vùng đất bốn mùa hoa nở và mát lạnh rất hợp với bản tính của nàng.
Tại ngôi trường vừa mới tới nhận việc, nàng gặp anh Phúc.
Phút đầu tiên hai người chạm trán nhau, đã thấy...tóe lửa. Theo như người ta thường nói thì đó là tiếng-sét-ái-tình ! Thiệt, tiếng sét làm tim nàng co thắt từng hồi, nhịp đập loạn. Nàng đứng ngẩn ngơ ở thềm lớp học một đỗi lâu mới giật mình bẽn lẽn đi vội vào lớp. Anh Phúc thì có thua gì ! Tim anh giật thót làm anh khựng lại một thoáng. Trong lòng vỡ òa một cảm giác rung động bồi hồi thiệt là khó diễn tả. Cho tới lúc ngồi ở bàn làm việc mà trong người cứ lâng lâng như say thuốc. Cảm giác thiệt là dễ chịu.
Cuộc tình của hai người có tiếng sét làm mai mối nên không có chuyện vòng vo. Chỉ cần một người mạnh dạn nói lên và một người lắng nghe là đủ hóa thân hai làm một. Kể ra thì cũng thật là xứng đôi vừa lứa...
Anh Phúc vốn là giáo viên của Trường này. Sau, động viên theo học khóa 24 Trừ bị Thủ Đức. Ra trường, về đơn vị tác chiến ở Quân khu 2 gần một năm lại được biệt phái về làm Hiệu phó ở Trường cũ. Anh sống với Mẹ và rất khổ tâm vì thím Thoa, Mẹ anh, cứ thúc giục anh mau kiếm vợ cho Bà sớm có cháu bồng. Tiếng là lính tráng nhưng mà “thỏ đế” có hạng ! Nhắc tới chuyện tình ái là mặt mày đỏ gay, tay chân luống cuống. Nhờ có tiếng-sét-ái-tình, anh như là viên đạn có thuốc mồi, như vận động viên uống thuốc trợ lực.Hai người cưới nhau được chừng sáu tháng thì Đất Nước lâm vào cảnh đại nạn !
Anh Phúc lên đường đi “cải tạo”. Loan bị buộc phải thôi việc.
Cô giáo rời bục giảng xuống chợ đời giữa bối cảnh xã hội hoàn toàn thay đổi. Nàng kinh hoàng khi thấy ông Năm Tiển, trước kia chuyên sống bằng nghề cờ bạc, nay nghiễm nhiên trở thành ông Ủy viên An ninh Khóm, hàng ngày đi rảo quanh dòm ngó sục sạo. Thằng Tiến, con ông và cũng là học trò cũ của nàng, nay là Đoàn trưởng Thanh niên. Hai cha con hăng say công tác đến mức độ mù quáng, làm hành làm tỏi những gia đình có người thân tham gia chế độ cũ. Rồi bà Bảy Thệ, một chữ bửa đôi không biết, làm Cán sự Phụ nữ ! Tệ bạc hơn nữa là bây giờ gặp người thân quen bất kể là ai, bà coi như không biết. Làm như bà là người ở đâu mới đến, cố tình quên đi những tháng, năm gia đình bà đói khổ được bà con chòm xóm thương yêu đùm bọc. Bát cơm tình nghĩa bỏ trong bụng người bạc nghĩa bạc tình chẳng khác chi nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà...
Đêm nào cũng họp dân, phê bình kiểm thảo, ra rả những luận điệu đầy dẫy hận thù, sắt máu. Đối tượng là các hộ có người đi “cải tạo”. Hầu như, ở bất cứ buổi họp nào, Loan cũng là mục tiêu chính cho những cái miệng đang tập nói, thèm nói. Những cụm từ lạ hoắc, nặng những hận thù xỉa xói vồ chụp lên người cô giáo nhỏ bé dịu dàng, xúc phạm đến chồng nàng, đến những người lính Cộng Hòa đã nằm xuống. Lúc đầu, nàng nhẫn nhục hứng chịu và khóc. Họ lại cảm thấy hả hê sung sướng ra mặt. Và Loan, nàng thấy như là mình có lỗi với chồng. Tại sao nàng làm như vậy?. Nước mắt, dù chỉ là những giọt nước mắt dồn nén sự tủi nhục nhưng dưới mắt nhìn của mọi người, rõ ràng là một sự thua cuộc, thậm chí là một sự ăn năn. Nàng không muốn và làm sao có thể muốn như vậy!
Những lần họp sau, nàng không khóc. Nàng ngồi nghe những lời xỉa xói với một thái độ bình thản, bình thản đến độ lì lợm. Và những lần sau nữa, nàng bắt đầu đốp chát lại với những lời lẽ rất nhẹ nhàng, khúc chiết. Tưởng như là lời cô giáo nói với đám học trò hư hỏng. Những cái miệng thèm nói trước kia, bây giờ lại bắt đầu khó nói, ngại nói và không nói nữa ! Họ âm thầm kết tội nàng là thành phần phản động. Căm ghét nàng nhưng cảm thấy nể nang khi phải buộc đối diện với nàng. Nhờ vậy, nàng được yên thân trong những buổi họp. Chẳng ai còn đụng chạm, nhắc nhở gì hay nếu có thì cũng bóng gió xa xôi.
Nhưng đổi lại, cuộc sống hàng ngày của nàng lại phải đương đầu với bao nhiêu là cam go trắc trở từ mọi phía.
Từ sau ngày buộc thôi việc, nàng xin vào Tổ hợp Đan Len vậy mà phải tới sáu tháng sau mới được cứu xét. Công việc ở đây không thường xuyên nhưng phải giữ chân để có chế độ thực phẩm. Còn cách gì khác hơn để sống ! Thôi thì cứ ra đứng chợ Trời. Mua chui bán chui. Vốn liếng đầu tiên cũng nhờ vào Mẹ chồng. Mua một tính hai, của xấu của ê nói là của tốt, nàng không mở miệng được. Thỉnh thoảng đụng đầu với những người học trò cũ, buộc lòng mà phải trì kéo bớt một thêm hai, nàng cảm thấy cay đắng nghẹn ngào. Dù sao, vẫn còn chút sĩ diện nghề nghiệp cũ. Lại còn thêm những cảnh sinh hoạt ở chợ Trời, nàng hoàn toàn không thích hợp. Người ta tráo trở lọc lừa, gian dối với nhau. Hôm qua còn ngọt ngào chị chị em em thì hôm nay đã trở mặt gấu ó nhau như kẻ thù chỉ vì một món hàng vuột tay. Lại còn thêm lời ăn tiếng nói tục tằn, thô lỗ. Những lúc chờ hàng rỗi rảnh thường đem chuyện riêng tư thầm kín của người này, người nọ mà kể cho nhau nghe. Toàn là chuyện mà chỉ nghe họ diễn tả một vài câu là nàng đã cảm thấy ngượng ngùng, mặt mày đỏ chín. Sao mà có thể nói được như vậy ! Rồi thêm bọn Công an Kinh tế luôn rình rập, bắt chẹt đủ điều.
Do vậy, nàng thường đứng riêng lẻ ở một góc đường, âm thầm cô đơn trong cái thế giới ồn ào phức tạp. Lần hồi, vốn liếng hao hụt, đành phải bỏ.
Lại đi kiếm công việc khác để kéo dài cuộc sống đầy tủi nhục đắng cay mà chờ đợi đến một ngày chồng nàng được trở về xum họp. Đôi lúc nàng muốn bỏ cuộc, nhắm mắt xuôi tay để không còn bị đọa đày, không còn phải đối đầu với những khó khăn từ cuộc sống đã thật sự không còn lối thoát. Nhưng mỗi lần có ý định táo bạo đó, tự nhiên nàng nhớ tới Phúc. Nhớ ánh mắt dịu dàng và nụ cười đôn hậu của chồng. Nhớ những tháng, năm mật ngọt của tình yêu. Đúng, tình yêu. Chỉ có tình yêu mới giữ lại cho nàng sự bình thản của tâm hồn. Là nơi chốn nương thân để chống chọi với những khó khăn chật vật bủa giăng từ mọi phía. Nàng phải sống và chờ đợi cho đến ngày được gặp lại anh... Tuần sau lại tới kỳ thăm nuôi rồi. Nàng tự nhủ, khi gặp anh, nàng sẽ nói những suy nghĩ dại dột của mình. Chắc là anh sẽ không vui, nhưng dù sao, đó cũng là điều suy nghĩ rất thật lòng.
Phải mất trọn ba ngày chờ chực nàng mới cầm được tờ giấy phép đi thăm nuôi chồng. Nửa mừng, nửa tủi thân ! Thật tình, nhà chẳng còn gì để bới xách. Ngoài chút ít tiền đi đường nàng chỉ dành dụm được một túi khoai khô, ba lạng mỡ mua tem phiếu. Mẹ chồng nàng vén khéo đâu được nửa ký gạo trắng, mấy trái bơ, vài con cá khô và nửa lít nước mắm. Tất cả, dồn gọn bỏ vào chỉ lưng bao cát ! Hai Mẹ con nhìn nhau mà nước mắt giọt dài. Trong mỗi người đều theo đuổi một ý nghĩ riêng tư, nhưng tựu trung là nỗi xót xa đứt ruột khi nhìn mớ đồ bới xách thăm nuôi và, liên tưởng tới Phúc.
Đêm đó, nàng cứ chập chờn không tài nào ngủ được. Mỗi lần chợp mắt là nàng thấy, không phải là khuôn mặt của chồng, mà là cái bao cát thăm nuôi. Nó không được đầy đặn, no tròn. Nó chỉ lưng một nửa !
Tờ mờ sáng, nàng đã ra đi. Sáu tiếng đồng hồ ngồi trên xe, bốn tiếng băng rừng và một đêm ngủ lại chờ để được gặp mặt chồng chỉ đúng ba mươi phút theo quy định. Khu Trại được thành lập từ một vùng mật khu cũ, nằm sâu trong rừng. Xe hàng không vào được vì đường sá gập ghềnh lại phải qua một con suối cạn. Người đi thăm nuôi buộc lòng phải xuống xe từ ngoài đường liên tỉnh rồi băng rừng vượt suối vào Trại. Thường thì đến nơi trời đã sụp tối, phải ngủ qua đêm ở Nhà Đợi. Đó là một dãy nhà dài lợp tranh, vách phên nứa sơ sài. Nằm, ngồi chợp mắt chờ qua đêm chứ làm sao mà ngủ được!
Ai cũng mang một tâm trạng nôn nóng chờ đợi giây phút ngắn ngủi gặp mặt người thân. Đây cũng là dịp những người cùng chung cảnh ngộ gặp nhau, tâm sự kể lể những buồn vui cuộc sống. Dù sao, trong cùng một cảnh khổ cũng cảm thấy dễ gần gũi nhau hơn để có thể mạnh dạn chia sớt những kỷ niệm riêng tư của mình với người thân. Người kể và người nghe đều có chung một nỗi ngậm ngùi.
Loan không tài nào chợp mắt được. Nàng mang một cảm giác nôn nao, háo hức y như ngày nào hẹn hò với Phúc. Những kỷ niệm êm đềm xưa cũ cứ lần lượt trở về như một khúc phim quay chậm. Mỗi kỷ niệm đều để lại trong lòng nàng cảm giác nồng nàn say đắm, chìm ngợp trong những lời yêu thương và bừng bừng những nụ hôn cuồng nhiệt. Người nàng ấm hẳn lên với một cảm giác lâng lâng. Gần về sáng nàng thiếp đi trong ảo giác dật dờ có một vòng tay nồng ấm và hơi hướm quen thuộc của chồng...
Khi nàng giật mình thức giấc thì mọi người đã chuẩn bị gánh xách đồ đạc qua dãy Nhà Thăm Nuôi nằm sâu trong sân Trại. Ban Quản Giáo đã bắt đầu làm việc, nhận giấy phép thăm nuôi để lần lượt gọi tên người được thăm. Loan vội vàng xách túi bao cát nhẹ hẫng hối hả chạy về phía trước. Đây cũng là một dãy nhà dài nhưng chỉ có mái che, bốn bên đều trống trải. Ngay giữa nhà có một dãy bàn dài bằng loại cây lồ ô. Người thăm và người được thăm nuôi chỉ được phép ngồi đối diện nhau trao đổi chuyện trò. Không được nói thầm thì. Không được ăn uống trong lúc gặp mặt. Và rất nhiều cái “Không” rất là thừa thải. Chỉ gặp nhau trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ có ba mươi phút không có trường hợp ngoại lệ, thì lấy giờ đâu mà ăn uống mà trò chuyện lề mề! Ai cũng sắp sẵn những điều cần phải nói, có người cẩn thận ghi vào giấy sợ rằng khi gặp mặt, xúc động quá lại quên. Có bao nhiêu điều cần nói. Chuyện nhà cửa. Chuyện con cái. Chuyện xóm làng và, cả chuyện nhớ thương...
Loan nghe tim mình đập rộn ràng. Nỗi háo hức chờ đợi làm ruột gan nàng cứ nôn nao. Đã thấy từng đợt Trại viên lần lượt đi ra hàng ghế để gặp người nhà, nàng lại nôn nao đến mức khó chịu trong người. Ruột nàng cứ quặn lên và nàng sực nhớ là từ chiều qua đến giờ nàng không ăn gì ! Ổ bánh mì mua dọc đường, mấy lần dợm cắn mà nghĩ tới chồng, cuối cùng nàng quyết định gói lại cẩn thận và cho vào bao cát thăm nuôi.
Gần một tiếng đồng hồ sau, tên nàng đã được gọi. Quấn quýt, vội vàng, nàng luồn lách qua đám người đông nghẹt, mau mắn vào hàng ghế ngồi. Mắt nàng chăm chú nhìn về phía cổng Trại. Một dọc dài những Trại viên nối đuôi nhau từng bước thầm lặng đi về phía khu Nhà Thăm Nuôi. Nàng đã nhận ra vẻ dáng thân quen của chồng, tự nhiên nước mắt ràn rụa. Nỗi xúc động trào dâng không đè nén kịp.
Phúc bước từng bước chậm, có vẻ nặng nề, người hơi khòm xuống như đang phải chịu đựng một sức nặng trên lưng. Từ lần thăm nuôi trước đến lần này chỉ cách nhau có ba tháng mà sao có sự thay đổi kỳ lạ vậy ? Loan lau vội hai hàng nước mắt để nhìn cho rõ hơn. Những bước chân nặng nề của anh như từng nhát búa chầm chậm đập vào trái tim nàng, nhói buốt. Linh cảm tới một sự bất an nào đó làm cho Loan thấy trong người hoàn toàn hụt hẫng. Một cảm giác tê dại chạy suốt đường xương sống làm nàng toát mồ hôi lạnh. Hơi thở bỗng trở nên dồn dập và khó khăn. Phúc cũng đã nhìn thấy nàng từ xa, anh mỉm cười, nụ cười như mếu, không còn nét tươi vui như ngày nào ! Khi hai người đối diện nhau, Phúc khó nhọc lắm mới nhấc chân lên cao để bước vào hàng ghế. Mặt anh xanh mét và sưng húp. Đôi mắt vàng đục lờ đờ, nụ cười như mếu. Loan nhìn sững chồng từ lúc anh bước lên bậc thềm cho tới lúc anh khó nhọc bỏ hai chân vào hàng ghế ngồi đối diện với nàng. Anh nhìn nàng và mỉm cười, đôi môi tím ngắt máy động khó khăn. Nó không diễn tả được nụ cười mà rõ ràng chỉ là một cái mếu trông rất thảm hại. Bỗng nhiên, nàng bật khóc. Tiếng khóc đè nén từ bao năm nay lại có dịp vỡ òa tức tưởi. Phúc bối rối nhìn tên Cán bộ Quản giáo rồi nhìn Loan. Anh nắm lấy tay nàng, nói khẽ :
- Em đừng khóc nữa. Chúng mình không còn thời gian...
Bàn tay anh lạnh. Loan giật mình nắm chặt lấy như muốn chuyền cả hơi ấm mình qua đó. Nàng nhìn anh, mắt đẫm lệ :
- Anh sao rồi ? Tay anh lạnh quá ! Trời ơi, biết làm sao đây !
Phúc khẽ lắc đầu như trấn an nàng. Anh nói, hình như là lời nói đã được sắp sẵn trước lúc gặp Loan :
- Em à, chuyện gì đến, phải đến. Bao năm qua, chúng mình đã sống trọn vẹn đời nhau, anh không có gì ân hận. Nỗi khát khao cho một ngày đoàn tụ làm anh choáng ngợp mỗi lần tưởng tượng đến. Nhưng, đó chỉ là ước mơ để kéo dài năm, tháng đợi chờ. Chỉ thương em còn quá trẻ. Chúng mình chưa có gì để ràng buộc, ngoài tình yêu. Nếu mai này, anh có bề gì...
Phúc xúc động. Anh ngừng lại, thở mệt. Loan không để cho Phúc kịp nói tiếp, nàng nắm chặt hơn bàn tay anh, giọng nàng hoảng hốt :
- Anh nói gì vậy, anh Phúc. Đừng làm em sợ. Đừng...
Nàng xoa vuốt bàn tay anh, nhìn vào mắt anh. Nàng muốn tìm trong ánh mắt đó, nét sinh động nồng ấm của một thuở nào rất xa mà cũng rất gần. Nó vốn là của riêng nàng như là một gia tài quý hiếm để trân trọng nâng niu. Nhưng giờ đây, cũng là ánh mắt nhìn của anh, cũng là nét dịu dàng trìu mến đó mà sao thấy trầm uất não nề ! Nét sinh động ngày nào đã chìm khuất, chỉ còn lại sự hoang lạnh đến rợn người. Loan hoảng hốt lay nhẹ cánh tay chồng :
- Anh Phúc, anh không làm sao đó chứ ? Đừng nói những điều làm em sợ. Em sợ lắm...
Phúc khẽ lắc đầu, giọng anh có vẻ dứt khoát :
- Đừng ngắt lời anh, Loan. Anh nghĩ là sẽ không kịp và cũng không còn có dịp. Rất là khó chịu khi phải giấu kín một điều gì đó mà không đành nói ra. Phải, không đành nói ra vì sợ sẽ làm cho nhau đau nhói. Thôi thì anh cứ nói ra đây vì chắc là sẽ không còn có dịp và có lẽ, không còn kịp nữa rồi ! Chỉ thương em còn quá trẻ...
Loan chồm người lên, muốn ghì siết lấy cái thân hình tiều tụy xanh xao của chồng. Nàng đã hiểu anh sẽ nói điều gì. Đúng là điều anh muốn nói sẽ làm cho nhau đau nhói. Tiếng khóc của nàng vỡ òa không kìm hãm, âm thanh vang vọng nỗi bi thiết, não nùng. Mọi người nhốn nháo quay nhìn về phía hai người. Tên Cán bộ Quản giáo hốt hoảng chạy đến gạt tay Loan ra, sừng sộ :
- Bà làm gì thế ?
Nhưng Loan có còn nghe gì nữa đâu ! Nàng cố rướn người tới, chồm qua mặt bàn, hai tay chới với bắt níu lấy người Phúc. Tên Quản giáo nắm lấy tay Loan giật ra, thô bạo. Loan vẫn cố hết sức trườn người tới. Hai ba tên Quản giáo chạy đến giữ chặt người Loan, kéo nàng ra phía sau. Loan vẫn cố vùng vẫy nhoài người về phía trước. Nàng vừa khóc vừa la :
- Buông tôi ra. Buông tôi ra. Các Ông giết chồng tôi. Các Ông giết chồng tôi...Anh ấy có tội tình gì...
Phía bên kia, hai tên Bảo vệ trờ tới kèm lấy Phúc, xoay người anh lại và đẩy anh ngã chúi về phía trước. Loan thoáng thấy Phúc khụy xuống, anh cố gượng người đứng dậy run rẩy loạng choạng vài bước ngắn, rồi lại ngả xuống. Nàng hét lên thảng thốt. Một cảm giác lạnh tê chạy rần qua thái dương, tim nàng nhói đau như có ai đó nắm lấy. Mắt nàng hoa lên và nàng bật ngửa người ra sau, bất động.

Không biết tự lúc nào cái chợ chiều đã được hình thành trong khu xóm nhỏ. Nó không qua giấy phép của Ủy ban , cũng không ngán sự rượt đuổi của đám Công an Phường. Thoáng thấy bóng áo vàng là mạnh người nào người nấy ôm rổ, thúng chạy tán loạn. Giấu đầu này, đút đầu kia chờ cho đám Công an về Đồn lại túa ra, họp chợ. Những mặt hàng “tự tiêu tự sản” chớ có gì đâu !Người thì đem mớ rau nhà trồng ra bán, mua lại miếng thịt về “bồi dưỡng”. Kẻ thì bán miếng thịt xong, mua lại mớ rau xanh về “cải thiện”. Vòng vo qua lại trong cái chợ kiểu chợ chồm hổm cũng đủ rộn ràng khu xóm nhỏ mỗi chiều. Nhất là mấy hộ gia đình từ ngày đi kinh-tế-mới bỏ về ngang thì khỏi phải nói. Đã bị lừa ra đi mất trắng, nay trở về thì còn có sợ gì nữa mà mất ! Che chái sơ sài ở tạm đâu đó trong đất nhà người bà con tốt bụng. Bị xếp vào diện cư-trú-lì không có hộ khẩu. Không hộ khẩu thì không có sổ gạo, không tem phiếu thực phẩm. Nhưng mà, họ có cái bụng cứ đòi ăn, cái mạng còn muốn sống ! ‘Muốn ăn thì lăn vô bếp, muốn chết thì lết vô hòm”. Ông Bà xưa nói là vậy nhưng mà không phải vậy ! Bây giờ còn tệ hơn vậy nữa ! Bếp núc đâu có sẵn mà lăn vô. Phải thí cái mạng cùi để cứu đói !
Bà Ba Tét có kinh nghiệm về chuyện này, bà nói giữa thanh thiên bạch nhật, không nể nang :
- Tưởng tới vùng kinh tế mới ngon ăn. Nói cho cùng thì cũng có cấp lương thực cầm hơi đâu vài tháng với lại ít vật dụng dựng nhà rồi sau đó thả nổi trôi sông. Đất gì mà đá với cuốc đụng đầu nhau tóe lửa, giống nào mà nẩy được cái mầm lên đây ! Phải chi ăn đá mà sống được thì tui đâu có bỏ về ngang xương. Tui đâu có tan cửa nát nhà, cù-bơ-cù-bất. Tưởng là đi đông về ít, té ra là đi đông về đủ. Hì...hì...
Tan nát nỗi này mà bà còn cười được, kể ra cũng là vui tính. Ông Tư Lửa lại “đế” thêm :
- Không đủ thì rủ thêm về.
Mà đủ mặt hết rồi, đâu cần phải rủ !
Chiều chiều họp chợ, không thiếu người nào. Buôn bán đủ các loại hàng. Từ con cá, con hến xúc bắt ở sông ở suối tới mớ ớt, bó hành trồng ở thẻo đất sau nhà. Chợ nhóm vào buổi chiều, quen lệ. Đuổi đầu trên thì chạy đầu dưới. Có khi vừa chạy vừa bán. Riết rồi Ủy ban cũng buông xuôi với lại thời buổi ngăn sông cấm chợ cũng đã qua rồi, tới cái thời mở cửa mở ngỏ gì đó. Họp hành lý giải cho cái vụ thương nghiệp quốc doanh tán gia bại nước tràng giang đại hải chẳng ai hiểu thấu ! Riêng cái chợ nhỏ thì cuối cùng cũng đi tới quyết định là đánh vào thuế chợ, dễ hiểu hơn thì gọi là thuế-chỗ-ngồi. Khu chợ được kẻ tượng trưng những ô vuông nhỏ. Người liệu bán ít hàng thì mua một ô vừa đủ ngồi mà bày thêm cái rổ. Nhắm lượng hàng bán nhiều thì mua hai, ba ô. Chiều chiều thấy ông Năm Tiễn với bà Bảy Thệ đi đảo vòng thu thuế. Ông Năm thì mặt hầm hè như con gà đá sửng cồ còn bà Bảy thì nói cười ngọt xớt. Thiệt đúng là cương nhu có đủ.
Khu chợ từ ngày được hợp thức hóa, đang trên đà phát triển lôi cuốn được các bạn hàng các xóm lân cận. Người mua kẻ bán đã thấy tấp nập đông vui. Đặc biệt, chợ chỉ nhóm họp vào buổi chiều.
Và, cứ mỗi chiều bất luận chiều mưa hay chiều nắng, khi chợ họp vừa đông thì cuối con dốc lên chợ lại nổi lên một tràng cười nghe phát lạnh người. Tiếp liền sau đó là tiếng la, tiếng hú kéo dài một đỗi rồi dứt ngang ấm ức. Đâu chừng nửa phút lại nghe tiếng nói, có vẻ hằn học :” Thả chồng tao về rồi tao đi...Thả chồng tao về rồi tao đi...”. Rồi tiếp theo là tiếng hát hò, ngâm thơ lẫn lộn. Bà con trong chợ, cả người mua và người bán, không ai bảo ai đều ngưng tay nhìn về cuối dốc. Có nhiều tiếng nói lặp nhau cùng lúc :
- Rồi, cô giáo tới rồi...
Từ cuối con dốc xuất hiện một người đàn bà mặc bộ quần áo dù rách vá nhiều chỗ nhưng được giữ gìn khá sạch. Đặc biệt, mái tóc chải rẽ cẩn thận ôm tròn khuôn mặt tuy gầy, xanh nhưng còn ẩn hiện nét đẹp hiền dịu của thời con gái. Nhìn cô như một người nghèo khổ bình thường nếu không để ý đến đôi mắt quầng thâm và cái nhìn xa vắng, lạc thần. Nó không biểu hiện được sự sống động mà chìm khuất, u ẩn. Một ánh mắt của người không bình thường. Khi ánh lên thì man dại, khi dịu xuống thì đục mờ bất động. Một tay cô cầm cái lược nhựa màu đỏ, một tay cầm cái bao cát nhỏ rách vá nhiều chỗ. Cô đi từng bước chậm, đầu hơi cúi xuống, đôi mắt lim dim và miệng thì lẩm bẩm những câu thơ, những lời nhạc nghe thoang thoáng. Đi khoảng mươi bước cô đột nhiên ngừng lại nhìn quanh như đang trông ngóng một người nào. Đôi mắt thất thần, khi thì ánh lên nét hung bạo, khi thì dịu xuống trầm uất nặng nề. Rồi cô khóc. Cô cười sặc sụa. Cô lảm nhảm những câu rời rạc. Rồi cúi đầu âm thầm đi tiếp.
Mọi người nhìn theo cô với ánh mắt xót thương có lẽ vì thấy cô còn quá trẻ lại đẹp người. Đến nông nỗi này chắc là đã phải trải qua một hoàn cảnh ngặt nghèo thương tâm ngoài sức chịu đựng. Mấy bà bán hàng thì hình như đã dành sẵn. Thấy cô xuất hiện là tự động, người thì trái chuối củ khoai, người thì miếng bánh nắm xôi bỏ vào bao cát. Vẫn những bước chân chầm chậm, cô cúi đầu đi, miệng lầm bầm. Đi hết một vòng chợ lại quay người trở lại, đi tiếp cho tới khi tan chợ.
Ngoài những lúc nổi cơn la hét cười rú, thường thì cô như là một chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ khuất lấp trong đám đông ồn ào. Có một điều không ai hiểu nổi là trước khi tan chợ, cô thường nhìn ngắm vuốt ve cái bao cát cầm trong tay. Chiều nào bao cát không được đầy, chỉ lưng nửa, thì đôi mắt cô bỗng trở nên thất thần hoảng hốt. Cô vội vàng lượm tất cả những thứ gì thấy được như vỏ bắp, vỏ cam, vỏ chuối thồn vào bao cho thật đầy. Cô ôm chặt cái bao trong lòng, đôi mắt ánh lên niềm vui ngây dại. Cái dáng âm thầm lặng lẽ lại khuất dần từ cuối con dốc, về hướng núi vần vũ mây và bóng đêm chực chờ...
Sự hiện diện của cô đã trở thành quen thuộc mỗi chiều ở cái chợ nhỏ. Vắng cô, dù không nói với nhau, nhưng mấy bà bán hàng cảm thấy như thiếu thốn một cái gì đó, thật khó diễn tả. Thỉnh thoảng, không hẹn mà bắt gặp, những cái liếc nhanh về cuối con dốc. Bà Ba Tét không chịu được sự nôn nóng chờ đợi :
- Chà, bữa nay sao tới giờ này mà chưa thấy. Có mấy miếng đậu hũ chiên để dành...Điệu này dám bệnh hoạn gì đó rồi !
Thím Hai Huế như được khơi mào, chép miệng :
- Chắc là rứa. Mọi bữa giờ ni đã thấy đi lên đi xuống hò hát ngâm thơ rồi mờ. Để chút nữa tui hối con Chanh tới coi răng. E nằm chết mô đó không ai biết cũng nên...
Bà Ba trợn mắt, lắc đầu :
- Nam Mô A Di Đà Phật, bà này ăn nói kỳ quá à !
Mấy người mua hàng ngóng chuyện, thấy thím Hai rưng rưng nước mắt, cũng có ý tò mò :
- Ủa, ai vậy thím Hai ? Nói chết chóc gì mà nghe ớn lạnh...
Được dịp để nói, thím Hai ngọn ngành như là chuyện nhà :
- Thì cô giáo đó chớ ai. Mấy năm trước có lần đi thăm nuôi chồng về đổ bệnh cả tháng tưởng chết. Vừa mới bình phục thì bà Mẹ chồng nằm xuống rồi “đi” luôn. Nghe đâu chỉ vì thương nhớ thằng con quá mức rồi bị cái bệnh suy dinh dưỡng chi đó. Mới chôn Mẹ đâu được vài ngày thì chồng được thả về. Mà thảm thê lắm ! Thả về là vì bệnh quá nặng, ý là cho về nhà để chết. Mà đúng. Thầy về đâu được mấy ngày thì “ngủ” luôn. Cái đêm nớ nghe cô giáo ôm xác chồng khóc cười mê sảng rồi bỏ đi đâu không ai biết. Cả tuần sau mới trở về, hóa điên hóa rồ từ dạo nớ. Ôi chao chi mà khổ. Chỉ có mới mấy ngày mà tan nát cả một gia đình...
Thím nói xong, đứng khóc ngon lành giữa chợ. Bà Ba cũng mũi lòng, thút thít...


Tôi viết câu chuyện này khi về qua chợ Chiều trong khu xóm nghèo để thăm người bạn tù, anh Phúc, trước khi dời xa quê hương.
Anh Phúc và tôi đã có một thời gian cùng chung chiếu trong trại tù “cải tạo”. Chúng tôi đã từng tâm sự với nhau về cảnh đời của mình. Anh thường kể về cuộc tình của anh, nhắc đến cô giáo Loan với tấm lòng trìu mến, nhớ thương. Anh mang hình ảnh đó trong suốt thời gian nhục nhằn cơ cực, coi đó như là một niềm tin để đối đầu với những nghịch cảnh khắc nghiệt. Mơ ước của anh là một ngày đoàn tụ. Anh sẽ trở về nơi chốn cũ, cuốc đất trồng khoai bên người vợ trẻ, sống đời đạm bạc rau dưa. Rồi những đứa con sẽ ra đời để chia sớt với vợ chồng anh niềm hạnh phúc. Khi nói về ước mơ của mình, đôi mắt anh rực lên niềm vui rạng rỡ. Và bao giờ cũng thế, sau câu chuyện, anh thích đọc cho tôi nghe những đoạn thơ mà anh không hề ghi lên giấy. Thơ nằm trong trái tim anh. Là sợi dây nối liền tình yêu anh với cô giáo Loan. Là nỗi khát khao bỏng cháy hòa quyện trong niềm mơ ước:

“...phá rừng sâu làm rẫy
phá rừng sâu dựng nhà
nhà ba gian vách nứa
rẫy hai mùa bội thu

em thương anh vất vả
da đen giòn, đen mun
anh thương em vất vả
nắng cháy tóc, xém da

sáng, lưng nồi khoai chín
trưa, đầy bát cơm vừng
chiều, mặt trời trốn núi
hai ta về nhà chung

vui với đàn con nhỏ
vui với tháng ngày riêng
cuộc đời đâu phải khổ
khi ta có tình yêu

đôi bàn tay chai cứng
vuốt tóc em cháy đỏ
đôi môi khô vì nắng
nhưng nói vạn lời Thơ

dù ăn khoai ăn sắn
dù uống nước lá rừng
dù qua cay vượt đắng
cũng yêu đời thủy chung...”

Khi bệnh trở nặng, anh được thả về còn tôi lại thêm một lần chuyển Trại. Từ đó, do trở ngại dồn ép từ mọi phía, chúng tôi không lần gặp nhau.
Và khi đứng ở đầu con dốc của khu chợ Chiều, tôi đã nghe thím Hai nghẹn ngào kể lại chuyện của hai người. Thiệt đúng là những mảnh đời tan nát !
Lần đó, tôi đã không được may mắn gặp cô giáo Loan. Giữa cảnh chiều lành lạnh của Phố Núi mờ sương và cuối con dốc vần vũ những đám mây chuyển màu xám ngắt, tôi hình dung một bóng người âm thầm lặng lẽ đi về hướng núi. Văng vẳng còn nghe tiếng đọc Thơ rất đỗi ngậm ngùi :

Anh ơi ! Mưa lạnh cuộc tình
Nắng hong thương nhớ hai mình khô rang
Kể từ anh biệt dương gian
Bỏ em trơ trọi lang thang chợ Đời....

ba-mươi-lăm năm nhìn lại

CHUYỆN TÌNH THÁNG TƯ


viết cho lời tâm sự của T..

Tôi tưởng thằng xúi quẩy mà hóa hên
“ cải tạo” mấy năm mấy lần chết hụt
khi ra tù tôi một mình côi cút
Em thương tình lượm lại cuộc đời tôi

tình yêu em chấp cảnh đời trôi nổi
đói lòng có nhau no lòng có nhau
xưa tôi dọc ngang mộng ước công hầu
đâu màng ngó em nghèo tơi xóm nhỏ

tôi văn minh ngọn đèn xanh đèn đỏ
Em quê mùa heo hắt ngọn đèn dầu
hai cảnh đời có hẹn gặp nhau đâu
sao khóc ôm tôi khi tôi về xóm nhỏ !

tôi cố quên một thời đèn xanh đèn đỏ
hôm sớm bên em heo hắt đèn dầu
Em dỗ lòng tôi đau cuộc bể dâu
miếng sắn khoai nuôi tình nhau gắn bó

như ngọn đèn tắt lịm dầu khô
Em lịm tắt khi tình tôi lửa ngọn
tôi khóc ôm em giữa đời xóm nhỏ
cũng tháng Tư buồn mây ủ màu tang

ở chốn quê hương tôi buồn vô hạn
nay qua vùng đất mới lại buồn tênh
tôi thương em nên chỉ ở một mền
đêm trở giấc thấu đau đời đơn độc

tôi đi nghen em. Nín đi, đừng khóc.
sắn ngô khoai tôi gởi lại tháng ngày
không có gạo bởi đâu còn “tiêu chuẩn”
hộ khẩu gạch tên quê quán bỏ quên

buổi đói lòng tôi còn có em
đèn đỏ đèn xanh nay tôi tìm thấy lại
ngọn đèn dầu xưa lạc dòng thương hải
Em ngủ vùi sầu lặng đất quê hương.....

Hiên Trăng 30/04/2010

tháng 4 28, 2010

THÁNG TƯ XANH GẦY BÀN TAY EM


tháng Tư em cô giáo lưu dung
tôi khăn gói lên Phường
chuyến xe bít bùng
ngạt thở

từ đó chia xa tình yêu bông nở
tôi đi nhiều mùa bông em héo
đôi con mắt tình trẻ dại ngó theo
chỉ thấy ngày cơm độn sắn ngô khoai

tôi ngạt thở mười năm chưa trở lại
em nước mắt nhạt nhòe trang giáo án
đêm trở giấc giật mình mê sảng
bàn tay gầy hoảng hốt gầy thêm

gầy trống vắng đêm đêm
thêm gầy guộc tháng gầy guộc ngày
những đường gân xanh nối dây
chằng chịt khô xóa một thời tháp bút

buổi đời đói no giành giựt
em vững lòng qua thời buổi nhiễu nhương
tôi lao động vinh quang qua những nông trường
cố giữ cái thân gầy mơ ngày nắm tay em

bàn tay gầy guộc thân quen
bàn tay quen hơi tới nỗi không quên
bởi từ lúc cảm tình tôi lửa bén
tôi nắm bàn tay em trước lời ngõ yêu

tới bây giờ bao năm rồi lửa xém
tôi vẫn thương gầy guộc đường gân xanh
đôi bàn tay cô giáo tảo tần
nuôi chồng con tới nỗi gầy tháp bút !

cám ơn em một thời hai đứa mình bão lụt
đã cho tôi thấu suốt được tình yêu
yêu là chẳng bao giờ nói tiếc
là chẳng bao giờ định nghĩa được tình yêu

ba-mươi-lăm năm trôi nồi lêu bêu
tình yêu đã theo dòng đời khăn gói
em với tôi đã qua vùng đất mới
bàn tay gầy xưa đã đầy đặn thịt da

nhưng vẫn hoài tôi nhìn chưa ra
thương những đường chằn chịt gân xanh
thương tháng ngày lạnh đói rồi đói lạnh
bàn tay em xưa, tháp bút, cũng chiều đời !

thương tôi ơi một thời trai đã mỏi
chiều nghiêng quê ngơ ngẩn dáng mây trời
tôi nắm bàn tay em, em nắm bàn tay tôi
hai đôi bàn tay đã cuối đời thương hải...

Hiên Trăng 28/04/2010

tháng 4 27, 2010

HÌNH ẢNH


Con đi chỉ mới một ngày mà Ba đã nhớ tới bâng khuâng.
Ngồi ở Phòng Văn (mà lại) làm Thơ, như thường lệ đêm đêm. Thơ thì ( chưa, mà chắc là không tới ) chỉ có nỗi nhớ tràn ngập ùa về...
Nhà im ắng! Phòng con không có ánh điện, lặng thầm....
Biết là con đi ngao du qua vùng trời Âu thăm thú cảnh lạ xứ người. Một chuyến đi cần có trong đời như Ba vẫn thường nói với con “ đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn”.
Dại khôn thì không biết đường nào đong đếm nhưng đi đó đi đây để mở đường rộng thêm tầm nhìn và tìm những ngày vui chơi thoải mái là điều nên, rất nên. Ăn có theo là để giải mỏi và tạm quên những ngày tháng cày bừa sáng sớm đã đi chiều chạng vạng mới về theo cuộc mưu sinh.
Biết là vậy nói là vậy nhưng trong lòng không cạn nỗi nhớ vì hồi nào giờ cha con mình chưa từng xa nhau lâu ! Con nói con đi chơi xa đâu khoảng mười ngày thì Ba cũng nhớ con đâu khoảng mười ngày.
Chỉ khi nào con-về-tới-là-tới-lúc Ba hết nhớ, đương nhiên !!!

Hiên Trăng
26/10/2010

tháng 4 12, 2010

TRẢ NGÓ CHO NGƯỜI


Tôi ngày đó cũng bảnh trai dễ sợ !
Cũng hoang đàng chi địa quá trời
Chỉ thua em một đồng tiền rất nhỏ
Khiến lòng tôi chết dễ ợt như chơi !

Má núm đồng tiền cười là hết biết
Mím môi thôi cũng la liệt bao người
Tôi hồi đó tuy hào hoa thứ thiệt
Mà phải đành danh lụy dưới nụ cười

Từ bảnh trai lại thấy mình xấu trai
Né không kịp đồng tiền em văng miểng
Đâu hiểu được nỗi lòng tôi trai gái
Em cười thôi nào có giú niềm riêng !

Chỉ có mình tôi cái thằng phải gió
Ngó nhìn đâu cũng tơ tưởng ái tình
Hồi đó em cười trả tôi cái ngó
Chớ ái tình chi cho chuyện chúng mình !

Mấy mươi năm nhớ quên đời quờ quạng
Bỗng tình cờ gặp lại đất quê xa
Em ôm tôi giữa chiều đời chạng vạng
Núm đồng tiền chìm khuất lớp da nhăn

Lòng ngẩn ngơ khi nghe em nói lại
Nụ cười xưa em thầm ý dành tôi
Núm đồng tiền đâu để tôi thương ngái
Rất tiếc thời gian đã xóa mất rồi!!!

04/2010

Chiều nay xới cỏ hiên sau
Dành em mai mốt vườn rau mượt mà
Cũng như hồi ở quê nhà
Xanh non luống cải tháng Ba nụ vàng
Bướm ong rồi sẽ ghé ngang
Nắng tơ lụa cũng dịu dàng lá non
Em đôi má rám nắng dòn
Đôi bàn tay trải xanh non bốn mùa
Góc vườn xưa nhớ ngày xưa
Mớ rau xanh giữ nắng mưa tháng ngày
Bây giờ bỏ đó qua đây
Vườn rau vẫn giữ tháng ngày vẫn thương
Dẫu thân trôi nổi dặm trường
Vẫn là quê cũ ngọt đường mía lau
Vẫn là một góc vườn sau
Ngát hương như thuở bên nhau ngày nào...

04/2010

tháng 4 02, 2010

LỜI TÌNH SÁCH VỞ


chợt nhớ ngày xưa nên ngồi làm Thơ
nắng chiều vàng buồn ôi buồn muôn thuở
thấy mấy cô nàng một thời sách vở
ngặt nỗi mắt tình giờ thêm mắt kính

tình ái ngày xưa hồi giờ khép kín
để lâu quá rồi cạy cũng không ra
những em xưa nay là của người ta
chớ nào phải của riêng mình hồi đó

hồi có thương thầm cũng không dám ngõ
chỉ đứng nhìn rồi lãng mạn làm Thơ
trái tim đau cho hồn dạng ngu ngơ
chỉ biết làm Thơ không làm chi hết

cuối cuộc tình là nỗi buồn thấm mệt
thích lang thang mượn khói thuốc giải sầu
vay chất đắng cà phê cho giả tật
tật thày lay yêu chưa tới tuổi yêu

khói thuốc bay đi vẫn còn thấy thiếu
cà phê đắng đời vẫn còn lêu bêu
giữa biết yêu và chưa từng được yêu
vẫn cứ buồn ôi nổi buồn muôn thuở

em hồi đó dáng buồn nghiêng sách vở
chiều tan trường quay ngó lại làm chi
để tình tôi loạng choạng bước chân đi
vấp mắt liếc mà ngả tình đau nhói

tình tôi đó từ ngày không gượng nổi
khói thuốc bay Thơ lạc xuống nỗi buồn
Ban Mê Thuột vẫn cứ buồn-muôn-thuở
em còn thương đường Ama Trang Long !!!

4/2010