tháng 10 20, 2007

Trang Thân Hữu : Trùng Hợp


VÕ DOÃN NHẪN


Một.

Trần Huy Sao là bạn tôi, anh trẻ hơn, thuộc lớp đàn em. Anh là một trong những nhà thơ được nhiều độc giả yêu thơ – nhất là ở vùng quận hạt San Diego – biết tên. Thơ anh có mặt trên nhiều báo và tạp chí tiếng Việt. Sức sáng tác của anh so với tôi, dồi dào sung mãn hơn nhiều. Ðến nay anh đã hoàn tất nhiều thi phẩm : Nhật Thi, Tháng Ngày Còn Lại, Trọn Ðời Làm Mây Bay, Chân Dung Ngày Tháng, Mưa Nắng Trong Ðời, Hạ Hồng Phượng Ðỏ và Nhánh Rong Phiêu Bạt. Tôi tin anh còn cho ra nhiều tác phẩm khác nữa.

Một lần tôi cùng anh Sao nói chuyện bâng quơ về thời tiết, về thời sự, về những sao Ðào Hoa Hồng Loan biến thành những sao quả tạ lên đầu lên cổ một người, về văn thơ Việt Nam hải ngoại. Sau đó tôi có đưa ra một đề nghị, một góp ý với anh Sao về cái tên của một đứa con tinh thần của anh : Nhánh Rong Phiêu Bạt. Cũng là chỗ khá thân tình, nếu không, cát vàng tôi cũng không dám. Vả, bản thân tôi cũng “được” người khác đề nghị, góp ý về tên một bài viết của tôi. Nói là “ đề nghị” là “ góp ý “ vì do quen miệng mà nói chứ thực ra tôi chẳng được ai đề nghị góp ý. Báo cho tôi biết cũng không ai. Mãi cho đến khi thấy mặt đứa con tinh thần trên mặt Báo tôi mới biết nó đã được đổi tên : “ Chuyện Nhà”. Trước kia tôi đặt tên nó là “ Chuyện Trong Gia Ðình”. Nghe có vẻ luộm thuộm thế nào ! Thế nên tôi rất đồng ý với cái tên mới ấy của con tôi, gọn gàng, đỡ choán chỗ trên trang Báo.

Tôi nói với anh Sao :
-Tôi thấy hình như ( chỉ “ hình như” thôi nghe ) giữa hai từ “ phiêu bạt “ và “ phiêu giạt “ có một khác biệt. Vì vậy tôi nghĩ “ Nhánh Rong Phiêu Giạt “ nghe chỉnh hơn “ Nhánh Rong Phiêu Bạt “.

Anh nói : “ Khác Biệt là khác biệt làm sao ?”

- Bạt, mang ít nhiều tính chủ động, tự ý, cố ý. Một người phiêu bạt, gã đàn ông lang bạt, một tên bạt mạng. Giạt, mang tính bị động, không tự ý, không cố tình, như thể bị “ cuốn theo chiều gió “, theo dòng nước, theo hoàn cảnh. Áng mây trôi giạt về phương trời vô định. Cánh bèo trôi giạt về đâu.

Anh Sao nghe tôi nói, vâng vâng ừ hử cầm chừng.

Thời gian độ một mùa trôi qua, tình cờ tôi biết anh Sao đổi tên đứa con tinh thần của anh. “ Nhánh Rong Phiêu Bạt “ không còn là “ Nhánh Rong Phiêu Bạt “ nữa. Nhưng cũng không phải “ Nhánh Rong Phiêu Giạt “ như tôi gợi ý.

Tên mới của nó là “ Nhánh Rong Phiêu “.

Hai.
Mẹ tôi theo đạo Phật, nhưng họa hoằn bà mới đi Chùa. Nay Mẹ gần trăm tuổi – hiểu theo nghĩa nào cũng đúng – Mẹ càng ít đi đâu, kể cả đến khách sạn Hải Yến dự lễ chúc thọ và chiêu đãi do chính quyền địa phương tổ chức. ( Họ vốn thích tổ chức ăn uống chiêu đãi ). Con tôi có thỉnh về nhà một tượng Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát để hai bà cháu cùng thờ phượng tụng niệm. Ngày về thăm Mẹ thăm con bên nhà, tôi thường thấy Mẹ công phu sáng trưa chiều và bất cứ lúc nào Mẹ thích !. Cũng tốt. Cũng hay. Nhưng có một lần Mẹ làm lễ công phu chiều, trong lúc tôi đang đọc lại “ Hồn Bướm Mơ Tiên” ở phòng khách. Tôi xếp sách lại, lắng nghe. Tiếng chuông ngân nga trong buổi chiều tà êm ả, vang vọng giữa thinh không rực rỡ lụa vàng nắng quái. Trong giây phút, tôi hình dung chú tiêu Lan trong khu vườn Sắn đang thả hồn theo tiếng chuông chùa Long Giáng từ xa vọng lại.

Giữa lúc tiếng chuông còn âm hưởng ngân nga, Mẹ tôi lâm râm niệm Phật :
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Bất giác tôi hướng cái nhìn của tôi về phía bàn Phật. Pho tượng nhỏ màu trắng của Ðức Quán Thế Âm đang để tai nghe Mẹ tôi niệm Phật Di Ðà.

Ðợi ba hồi chuông Mẹ thỉnh sau đó dứt hẳn và Mẹ rời khỏi phòng thờ, tôi nhẹ nhàng hỏi Mẹ :
- Nhà mình thờ Ðức Quán Thế Âm, sao Bác – tôi gọi hai đấng sinh thành là Bác vì tôi bị khó nuôi từ lúc còn quấn tã; mấy ông anh bà chị tôi đều khó nuôi tất – lại niệm Ðức Phật Di Ðà ?. Sao Bác lại “ Nam Mô A Di Ðà Phật “ ?.

Rất dễ dàng, rất trôi chảy, rất thông suốt, Mẹ đáp :
- Ôi, Phật nào cũng là Phật, con ơi !

Thằng con tôi vừa đi làm về, nghe hai mẹ con tôi... trao đổi, cũng góp ý :
- Nhiều lúc nghe Nội nói con cũng “ ngọng “ luôn.

Và hiện giờ, tôi, Cha nó, cũng “ ngọng “ !

Cho đến ngày lên đường trở lại Mỹ tôi không còn nghe Mẹ niệm “ Nam Mô A Di Ðà Phật “ nữa. Nhưng bà cũng không niệm “ Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát “.

Bà niệm “ Nam Mô Phật “ ngắn, gọn.

Những lần nghe Mẹ niệm như thế, tôi lại nhớ một câu trong bài “ Hương Sơn Phong Cảnh “ của Chu Mạnh Trinh : “ Lần tràng hạt niệm Nam Mô Phật “.

“ Phật nào cũng là Phật “. Tôi vốn dốt nát về giáo lý Phật, về triết lý Phật giáo nên tôi không biết Mẹ tôi nói thế đúng hay sai.

Ba.
“ Nhánh Rong Phiêu “ và “ Nam Mô Phật “.

Mẹ tôi người Việt gốc Huế. Anh Trần Huy Sao cũng người Việt gốc Huế như Mẹ tôi.

Võ Doãn Nhẫn
( trich Tuyển Tập Thơ Văn RỪNG PHONG, THU ĐÃ...(2000))

tháng 10 19, 2007

Hương Ngọc Lan



từ chùa Linh Quang, ngày đó...

Ði vô cửa Từ Bi, cúi mặt
Dấu cái tâm vọng động đời thường
Thấy em quỳ thành tâm lễ Phật
Hương trầm thơm thánh thiện mười phương

Chỉ phương tôi nghiệp chướng sâu dày
Trái tim lạc giữa lới kinh, kệ
Ðuôi con mắt biển tình sóng dậy
Ngó sân si chặn lối em về !

Hương Ngọc lan quyện hồi Bát nhã
Chiều nghiêng chao vạt nắng lưng đồi
Chân hụt hẫng rượt vùi hương sắc
Cõi-tình-em từ đó dong chơi !

Và từ đó Ðời cho nhập cuộc
Ðẩy đưa nhau vào chốn phù vân
Hương Ngọc lan của thời mới lớn
Còn nương quê vãng cảnh sân Chùa...

tháng 6/2003
Hương Ngọc Lan,phổ nhạc : Phan Ni Tấn

Ngậm Ngùi Tháng Giêng



gởi chị Ng. và Huế xa

Em nói tháng Giêng về thăm Chị
Bây chừ tháng mấy rồi hở em ?
Mưa nắng qua hiên Đời cô tịch
Chị chờ em rộn bước bên thềm

Em đi tính đã mười năm lẻ
Là bấy nhiêu ngày Chị nhớ mong
Nước mắt rơi theo dòng dâu bể
Răng mà lâu vậy hởi em thương !

Không biết bây chừ em có khác
Đất người mờ nhạt nỗi thương quê !
Tóc xanh e cũng nhiều sợi bạc
Lòng có còn quen một lối về !

Mười năm ! Em biết, mười năm đó !
Đời cũng vàng Thu lá rụng thềm
Chị ở quê nhà rưng nỗi nhớ
Bao giờ mới được nắm tay em !

Bao giờ nấu lại nồi cơm mới
Khui hủ cà dưa muối để dành
Ngồi ngó em ăn, vui mà khóc
Đừng cười ốt dột Chị, nghe em !

Thương em, Chị cũng thành thơ dại
Dễ hờn, dễ tủi, dễ cười vui
Mai mốt tháng Giêng quày trở lại
Chị vẫn bên hiên, đứng ngậm ngùi !!!

Mira Mesa, chiều 08/09/07

Phố Bụi Những Tình Thơ


về những tháng ngày Banmêthuột

em giờ loạn lạc nơi đâu !
bỏ quên Phố Bụi bợt màu thời gian...





bông cà phê trắng giọt cà phê đen
ta một thời nương thân Phố Bụi
em một thời rủ đời ta đắm đuối
níu lòng ta nghiêng ngả buổi tan trường

chẳng phải vô tình mà thương hoa Phượng
chỉ vì môi em đỏ thắm nụ cười
chẳng thể dưng không mà phải lụy đời
em áo trắng tóc thề bay trong gió

cơn gió chướng khiến hồn ta cảm mạo
thuốc thang nào chữa dứt bệnh tình si !
nếu lỡ mai đây ta có bề gì
em chịu nhín chút tìm riêng, thương cảm ?

hay vẫn khô rang như trời nắng hạn
mặc hồn ta cho bụi phủ tháng, ngày !
vẫn theo em nắng rát mặt rát mày
em nón lá nghiêng che thời con gái

mới biết gian truân đoạn đường tình ái
sao vẫn vô tình chẳng thấu lòng ai !
thời mới lớn trời hành cơn sốt lạ
chân đuổi theo tình bước thấp bước cao

mắt dại mùa Thu, tim mùa giông bão
hồn theo Thơ mà lòng dạ theo em
người đời nói đường tình yêu rất đẹp
có đẹp gì đâu! Chóng mặt quá chừng

chưa tìm được cho riêng mình dáng đứng
trong tim em, nên cứ chạy vòng quanh
Phố Bụi, tình thơ ta cứ để dành
em có quay đi, ta còn cất dấu

bông càphê trắng nõn buổi ban đầu
sao đoạn cuối lại giọt màu đen, đắng !
em Phố Bụi của một thời áo trắng
mà giờ đây loạn lạc tới Phố nào !...

tháng 7/04

Ðêm Hội Ngộ Ban Mê Thuột


gởi Phan Ni Tấn(ND), Lê Hữu, Mây Hải Đảo,
Trần Vịnh, Trần văn Chính, Hoàng Đình Khôi


vô mấy chai thấy rõ trường xưa
thấy tụi mình lột da trẻ lại
nhắc chuyện học trò cười thoải mái
cái vẻ già nua trốn mất tiêu

mấy mươi năm lận đận lêu bêu
đi đứng một mình buồn nẫu ruột
lâu lâu nhớ về banmêthuột
chẳng có ma nào chia nỗi buồn

cứ nghĩ là thôi, buồn-muôn-thuở
còn mong chi gặp lại bạn bè
bụi phấn thời gian rơi lặng lẽ
phủ lối đi hoa-mộng-học-trò

rồi bỗng một hôm rất tình cờ
nắm được bàn tay Trần văn Chính
ngồi gần dựa hơi anh Trần Vịnh
nghe Phan ni Tấn hát du ca

thấy Hoàng đình Khôi cười nghiêng ngả
ngóng chuyện tiếu lâm Trúc-nhà-đèn
bàn tiệc nói cười rung ly chén
sao Lê hữu Lộc vẫn trầm ngâm

đêm đó đâu say nhưng xây xẩm
choáng ngợp niềm vui gặp bạn bè
bụi phấn thời gian thôi lặng lẽ
ồn ào như buổi chợ Lạc Giao

cứ tưởng đang ngồi quán Chi Cao
hút Bastos xanh làm người lớn
uống ngụm 33 mà muốn dợn
muốn phun sợ mất dáng phong trần !

cứ tưởng đang nương trời cố quận
chia nhau cái nắng-bụi-mưa-bùn
bàn ghế sân chơi trường lớp cũ
thoáng về xao động nỗi bâng khuâng

tụi mình giờ đã... nhòa hương phấn
muối tiêu đã mặn chát mái đầu
gặp nhau thương lại thời yêu dấu
mắt cay lòng quặn nhớ ngày xưa

ngày xưa...ngày xưa...gội nắng mưa
vẫn mới màu vôi trường lớp cũ
vẫn thương tình bạn trời ly xứ
cuối đời còn được nắm tay nhau...

San Diego, tháng 8/2000

Mùa Bắp Nếp


Qua sông, nhìn vạt bắp trổ cờ
Ðàn Két giật mình bay chấp chới
Mùi bắp nướng thơm lừng theo gió
Chòi canh chim có tiếng ai cười

Thì ra em đang ngồi nướng bắp
Tay trở đều, miệng kể chuyện vui
Mấy đứa cháu ngồi quanh, dán mắt
Ðang mải mê câu chuyện của Dì

Bắp chưa qua sông còn ngọt lịm
Ðượm than củi Dẻ rừng Ðại Ninh
Ủ đất phù sa thôn Thiện Chí
Dẽo thơm như chuyện của chúng mình

Tôi về tìm em mùa bắp nếp
Chòi canh chim có bếp than hồng
Tấp nập thuyền ghe về dưới bến
Xanh mượt đồi nương bắp trổ cờ

Cho tôi cười góp chuyện cùng em
Ðể được phần chia trái bắp mùa
Cắn ngọt nỗi mừng vui cố nén
Từ xa sông nước về gặp nhau

Ðêm đêm lửa nhóm như ngày Hội
Ðầu Thôn cuối Xóm rộn tiếng cười
Hương bắp ngạt ngào bay trong gió
Một năm chỉ được một mùa no

Tôi nắm bàn tay em mát rượi
Bàn tay tìm lấy một bàn tay
Ðàn cháu tình cờ nhìn thấy được
Thì thầm nói nhỏ : “ Dượng kìa, bây ! “

Ánh lửa bập bùng đêm yên tỉnh
Mơ hồ sóng nước vỗ chân cầu
Ngồi tựa vai em chờ bắp chín
Nhắc hoài những lúc nhớ thương nhau

Mai đây em về vùng Biển Nắng
Tôi trở về trấn nhậm miền xa
Giữa Sông và Biển, tình sâu nặng
Có mùa bắp nếp giữ đời nhau

Chiều ăn trái bắp nếp quê nhà 08/05/02

Mười Hai Rét Ngọt


Tháng mươi-hai về rồi đó em
Mây xám lạc đường bay cuối nẻo
Cơn gió hanh khô rồi cũng đến
Thể nào rét lạnh cũng ùa theo

Thể nào tôi cũng tìm câu, chữ
Ghép một bài Thơ gởi gió Ðông
Cơn gió nhiều năm xa cố xứ
Vẫn giữ tình tôi độ ấm nồng

Vẫn giữ áo em về ngõ Phố
Ðôi tà quấn níu bước chân quen
Bàn tay nắm lấy bàn tay nhỏ
Hanh khô cơn gió Lập Ðông về

Em chắc còn thêm những vấn vương
Phố Núi mù sương về Xóm nhỏ
Bụi phấn Thông rơi đường Hải Thượng
Tiếng guốc nghe quen buổi hẹn hò

Thuở viết thơ tình loang mực tím
Nắn nót từng câu, chữ học trò
Lời yêu như trái Hồng mùa chín
Ngọt mát lòng nhau đến ngẩn ngơ

Ơi tháng mười-hai chia rét lạnh
Chia chén chè Kê bánh tráng giòn
Phố xưa ánh điện vàng hiu quạnh
Giữ lòng thiếu nữ ấm môi hôn

Tôi sẽ về từ những câu Thơ
Tìm chút hanh se mùa rét ngọt
Cơn gió một thời qua ngõ Phố
Có còn giữ ấm cuộc tình tôi !

Hay đã khô dòng đau dâu bể
Bỏ lạnh tình tôi theo gió Ðông
Nếu như có thật là như thế
E chắc là tôi cũng héo lòng !

Bây giờ tôi ở phương trời lạ
Gió về thương nhớ tháng mười-hai
Sông biển chập chùng xa xôi quá
Thơ viết đầy trang gởi gió, bay...

Xóm Chiều, 11/06

Bàn Tay Đường Tình Ái


nắm lấy bàn tay em đau
Thơ cũng đau theo từng vần điệu...



Cám ân Ðời cho tôi có em
Người bạn tình chung chia hoài không hết
Mấy mươi năm đi giữa đời, quờ quạng
Em dìu tôi chỗ cạn, chỗ sâu
Chỗ vá víu em khâu lành lặn
Chỗ đau thương em níu lại, dỗ dành
Tôi thấy tôi, ngon lành
Khi có em bên đời tôi ấm lạnh
Hề hấn gì đâu, vẫn là tôi, ngày đó

Cái ngày nắm bàn tay em, nhỏ...
Bàn tay rải ô quan
Chia tuổi-thơ-tôi giữa sân đình Ða Cát
Bàn tay ôm sách vở
Níu tình tôi ngơ ngẩn buổi đầu đời
Bàn tay trắng màu bụi phấn
Giữ đời tôi theo cô giáo dịu hiền
Bàn tay tảo tần lam lũ
Nuôi chồng con qua thời buổi nhiễu nhương...

Bàn tay đó, giờ đây, đã oải
Nhức nhối đau thương khi trở trời trái gió
Tôi vẫn nắm lấy bàn tay em, nhỏ
Ðường gân xanh chằng chịt thấy thương
Nắm chắc sợ em đau
Nắm vừa thì không ưng ý
Nắm nhè nhẹ cho nâng niu trìu mến
Em hiểu lòng tôi
Lặng nhìn
Ðôi con mắt có đuôi....

Đêm khuya 30/10/2002
khi còn ở Mira Mesa

Phụ Phàng


Huế rất đau lòng mà không nói
Những kẻ yêu rồi phụ phàng nhau...


Phụ phàng chi tội rứa anh
Cho ran lồng ngực cho hành hạ nhau
Tình như sớm đánh tối đầu
Nay hờn mai giận lụy sầu do đâu !
Ðể rồi đứng với, chưa lâu
Nói chi tới chuyện ngồi nhau, níu tình
Mặc em ở với một mình
Anh đi đâu kiếm ái tình thì đi
Rứa là tính chuyện chia ly
Rứa là kẻ ở người đi ! Rứa là...
Mai kia mốt nọ ngang nhà
Có còn liếc trộm như là hồi xưa
E chừng sớm nắng chiều mưa
Chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi !!!

Hôm qua, ngang ngõ nhà người
Thấy ai chẻ tóc bạc trời mây bay...

11/06

Gĩa Từ Hiên Trăng Brookhurst


mai này rồi sẽ xa đi
đường trăng xưa có gởi gì cho ta !


Ta đi nhé ! Hiên Trăng Brookhurst !
Gởi những Mùa Trăng vắng bóng người
Con Dế kêu đêm buồn rã rượi
Giọt sương thầm lặng mái hiên khuya

Dòng Trăng chảy mượt trời hiu quạnh
Ngỡ ngàng không thấy dáng người xưa !
Phòng Văn giờ cũng đâu còn nữa!
Vầng Trăng cũng lạc mất vần Thơ

Dễ đã chín năm dài gắn bó
Ta với Trăng cùng trọ mái hiên
Ta với Trăng khi tròn khi khuyết
Khi đầy vơi theo với dòng đời

Buổi ta ở, Hiên Trăng vời vợi
Nay ta đi hiên lạnh trăng mờ
Ðèn lụn bấc nhòa câu thơ cổ
Ðường trăng xưa lạc dấu Người Thơ

Sao cứ mãi ôm hoài nỗi nhớ
Những Mùa-Trăng-Kỷ-Niệm, còn đâu !
Ở nơi chốn đã là yêu dấu
Nay xa đi, buồn lặng nỗi buồn

Ta đi nhé ! Hiên Trăng Brookhurst !
Níu dòng trăng tiễn biệt người xa
Chân bước đi lòng còn ngoảnh lại
Trăng mười phương chỉ nhớ phương này

Escondido nhớ về Hiên Trăng Brookhurst
San Diego, tháng 3/2003

Mùa Bay Lá Vàng


ta thường gọi mùa Thu là Mùa Bay Lá Vàng...
chớm Thu rồi, tiễn Bạn về qua ngõ trúc lòng bâng khuâng
về lại Phòng Văn viết lời Thơ gởi Bạn...



khi tiễn bạn về qua ngõ Trúc
gió nghiêng lá rụng – lá hanh vàng
chỉ mới hanh thôi! Chưa vàng úa
cũng đủ nhìn nhau thóang ngỡ ngàng

bạn cười khỏa lấp điều suy nghĩ
ta cười gắng gượng khoảnh thời gian
vạt nắng sân sau còn giữ níu
dáng mây mùa nắng rượt cuối ngày

bao năm đi mỏn đời phiêu giạt
ấm lạnh từng cơn giữa bốn mùa
bạn cười nhăn nét thời kiêu bạt
cái bắt tay buồn nhíu thịt da !

buồn rớt nghiêng trên từng sợi bạc
tóc râu xưa lạc dấu thanh xuân
qua ngõ thời gian nhìn ngóai lại
vườn ta lá Trúc đã xôn xao !

đã chuyển mùa theo cơn gió lạ
chiều rơi bàng bạc dáng sương mù
bạn lên xe níu lòng cô quạnh
đường xa chẳng có ta theo cùng !

chỉ có trở trời cơn gió lạnh
mùa Thu chia lại tuổi đời nhau
đừng gọi là Thu , buồn dỗi lắm
thóang nhìn nhau tóc đã bạc nhầu !

mai nữa có về ngang ngỏ Trúc
ngồi hiên sau nhìn lá vàng rơi
bạn ơi ! Níu lấy tình ly xứ
để sớm hôm ấm lạnh trong Ðời

ta tiễn bạn về qua ngõ Trúc
chiều nay đâu biết có chiều mai
nắm tay gạn lọc đời trong, đục
bạn đi rồi ta còn có ai !!!

Xóm Cát
tháng 8 cô đơn buồn nhớ bạn

Mùa Nắng


Qua sông, ừ, qua sông
Nắng nghiêng đời quang gánh !...
Gởi em, cô giáo, một thời từ bục giảng xuống gánh hàng rong


Mùa Nắng. Khi về qua Phố Cũ
Ruồi bay rình rập dãy hàng rong
Em quạt như điên không giạt nóng
Tóc bới cao với tới mặt trời

Gặp lại tôi em lửng quên mời
Quạt tới tấp chỉ mời cơn gió
Tôi ngồi xuống gánh nghèo, hẻm nhỏ
Mừng gặp nhau ly rượu Nàng Hương

Dĩa chả đùm cháy già lửa nướng
Thoảng mùi thơm gợi nhớ ngày xưa
Em thóang khựng giữa trời nắng lửa
Cầm tay tôi chẳng nói nên lời !

Nỗi mừng vui đón khách không mời
Em cười đó mà rưng nước mắt
Mấy mươi năm, đi, rồi lạc mất
Nay trở về, mùa nắng lòng nhau !

Thôi em đừng khóc nữa tình đau
Tôi ly khách về ngang cố quận
Ly rượu nhỏ chẻ đời lận đận
Em có mừng rót một ly thêm

Giữa dòng Ðời từng nhớ từng quên
Em còn nhớ là vui rồi đó
Xin rót khẳm nắng chiều hẻm nhỏ
Rồi nâng ly, cụng khẻ, uống đầy

Bởi đời tôi như gió như mây
Từ một thuở tang bồng hồ thỉ
Nay trở về vướng vòng bi lụy
Mắt giai nhân liếc ngọt nghiêng thành

Ơi, chiều nay, giữa lòng quang gánh
Cạn cùng nhau ly rượu ân tình
Chẳng thể lòng tôi say hay tĩnh
Chỉ thấu đời nhau cuộc tĩnh, say...

Chiều qua phố, âm thầm...
9/2006

Quê Nhà


Chị nhắn, bao năm không gặp em
Anh nói, mười năm em đi biệt
Gió cao nguyên hú mùa da diết
Lồng lộng trời quê gọi nhớ thương
Bông cà phê trắng muốt trên nương
Bụi đỏ mù bay về ngõ phố
Lá rụng bao mùa con dốc nhỏ
Thềm nhà rêu cỏ đợi người xưa
Ðể nỗi buồn gội nắng dầm mưa
E đã quên đường về chốn cũ !...

Em cũng nặng lòng đau ly xứ
Bên trời xa ngái dấu quê nhà
Chiều chiều nhìn với dáng mây xa
Lòng cứ ngẩn ngơ vời cố quận
Con nước theo dòng trôi bất tận
Lạc lõng phương Ðòai vọng phương Ðông

Mười năm cũng chín mùi nhớ mong
Tóc cũng lẳng lơ nhìn mây trắng
Thời gian níu tuổi đời thêm nặng
Nỗi lòng trượt mất tuổi thanh xuân
Quê nhà còn lại nỗi buâng khuâng
Giữa đất quê xa trời xứ lạ
Cứ nhớ mùi hương chiều. Nhớ quá !
Bếp nhà ai đượm gắt khói ngo
Bếp nhà mình khét nồi cá kho
Bỏ ế nồi cơm chiều đạm bạc
Chẳng phải ra đi là xa lạc
Những tháng ngày còn nương dấu quê !

Lòng em chắc cũng là hương quế
Thơm lừng , cay gắt, có ngọt êm
Chị với Anh đừng nghĩ, em quên...

Mồng hai Tết Ất Dậu 2005
Hiên Trăng Escondido

Cà Phê, Một Mình...


Ngồi một mình ở quán cà phê
Bạn bè, phần đông, bận đi cày
Phần ít lạc theo dòng mẫu hệ
Quẩn quanh Ðời chỉ một mảnh sân !

Thôi thì hồn xác ai nấy giữ
Cứ ngồi một mình uống cà phê
Ðen, đắng tình Ðời cho thời thế
Ngọt thơm hương vị dành bạn bè

Cứ ngồi một mình nhìn lũ kiến
Hàng hàng tiếp nối dọc chân tường
Kiến ơi,sao lại đông vui thế !
Vui thế thì đâu có nỗi buồn...

Cứ ngồi rung đùi, nhìn quanh quẩn
Phố người đông sao vẫn tĩnh không
Chắc tại lòng ta chưa đủ nắng
Hay Ðời chưa đủ độ ấm nồng !

Hay chỉ một ly là trống vắng
Khuấy đều không loãng nỗi cô đơn
Vị ngọt không vùi quên giọt đắng
Niềm vui không đượm thấm nỗi buồn...

Vẫn ngồi một mình uống cà phê
Giọt rơi từng giọt rất chậm, buồn
Giọt đắng như dòng đời dâu bể
Múc muỗng đường khuấy ngọt nhiễu nhương...

Ðêm đuổi Ngày qua Tháng đuổi Năm
Loanh quanh rồi cũng Ðời khánh tận
Bạn bè gần lắm mà xa lắm
Tìm kiếm nhau hoài cứ lạc nhau !

Mira Mesa chiều 15/3/05

Phấn Qùy Hương


Khi tôi học lớp Nhì trường Tiểu học Bạch Ðằng, tôi phải cám ơn chị Hương. Bởi vì, chính chị đã đưa tôi lên....đài danh vọng. Ðã cho tôi ngây ngất hưởng cái phút giây được đứng trên bục giảng, được phép thay vào chỗ đứng của thầy giáo Ngữ dù chỉ là một vài phút phù du, để đọc to bài luận văn của mình cho cả lớp cùng nghe. Thầy Ngữ, thường ngày, rất là vui tính. Buổi sáng hôm ấy, khi vào lớp trả bài Luận văn của tuần trước, gương mặt Thầy trở nên nghiêm trang. Thầy kêu đúng tên tôi lên đứng trước bàn. Như thường lệ, tôi vòng tay đứng khép nép trước vẻ mặt nghiêm nghị và ánh nhìn xoi bói của Thầy. Cả lớp im lặng như nín thở, theo dõi từng cử động của Thầy. Phút yên lặng trải dài làm tôi chịu đựng hết muốn nổi. Thầy từ tốn sửa lại gọng kính, vuốt lại thẳng thớm chồng giấy Luận văn của lớp và lấy riêng ra một bài để riêng bên trái. Thiệt tình lúc đó tôi muốn vụt chạy ra khỏi lớp rồi đến đâu thì đến. Tôi chịu không nổi cái không khí ngột ngạt và dáng điệu khác lạ của Thầy. May là lúc đó Thầy tằng hắng lấy giọng, sửa lại dáng ngồi ngay thẳng rồi hỏi tôi :
- Bài Luận văn tuần rồi là của em làm ?
Tôi ngơ ngác một thoáng, rồi trả lời :
- Dạ thưa, của em làm.
- Không có ai “gà” cho em ? À, ý Thầy muốn nói là không có ai chỉ vẽ cho em cả ?
Lúc này tôi đã lấy được phần nào bình tỉnh, dứt khoát trả lời để chứng tỏ mình lúc nào cũng ngay thẳng :
- Dạ không. Không có ai chỉ cho em cả
- Cũng không ai đọc trước khi em nộp bài ?
- Dạ, cũng không.
Thầy gật gù. Vẻ mặt bớt nghiêm trang :
-Thầy muốn hỏi là tại sao em không viết về Mẹ hay hay Cha em như cả lớp đều viết. Em không yêu Cha, Mẹ bằng chị Hương à ?
- Thưa Thầy, Cha Mẹ em là người em yêu kính nhất.
Thầy gật gù hơi mạnh làm cặp kính trễ xuống sống mũi. Lẹ làng, thành thạo, Thầy dùng ngón tay trỏ đẩy lên một cái, cặp kính trở về nguyên vị trí :
- Tốt. Tốt. (Thầy thoáng ngập ngừng). Nhưng...còn chị Hương, chị Hương nào vậy ?
Tôi bối rối, chưa kịp trả lời. Thầy hình như nhận thấy câu hỏi của mình quá tò mò, vội nói :
- Thôi được rồi
và đưa cao bài Luận văn của tôi lên, tuyên bố với cả lớp :
- Ðây là bài Luận văn đạt điểm cao nhất. Bài sẽ được đọc cho cả lớp cùng nghe
Thầy đưa bài Luận văn cho tôi, cố làm ra vẻ trân trọng :
- Xin kính mời, tác giả.
Cả lớp không hẹn mà cùng “ồ” lên một tiếng, ồn ào như cái chợ vỡ. Quả là một tin sét đánh ngang tai. Cái thằng tôi suốt cả quãng dài thời gian trong cuộc tranh tài, cứ lẹt đẹt gần như về chót với những bài Luận văn của lớp. Vậy mà hôm nay bỗng dưng bứt phá, giành được chiếc huy chương vàng óng. Trời còn muốn sụm nữa chứ nói gì cái lớp học chút xíu này. Chính tôi đây mà cũng cảm thấy váng vất cả đầu, không tin là sự thật. Thảo nào Thầy cứ gặng hỏi tới lui...
Lớp ồn ào quá, Thầy phải gõ thước xuống bàn, vãn hồi trật tự. Tôi vừa ngượng ngùng vừa vui sướng cầm lấy bài Luận văn từ tay Thầy. Hình như thấy tay tôi run, Thầy nhắc khẽ :
- Bình tỉnh. Bình tỉnh...
Cố gắng cách nào đi chăng nữa tôi cũng phải đứng lặng một đỗi để lấy lại trạng thái cân bằng. Tôi biết rằng, đây là cơ hội vàng ròng, chắc chắn sẽ không bao giờ có được lần thứ hai. Do vậy, tôi cố tình đọc to, ngưng giọng rất đúng ở những dấu phẩy, chấm và xuống đoạn. Thầy Ngữ thoáng ngạc nhiên, gật gù đắc ý theo nhịp đọc của tôi. Cả lớp, lúc đầu còn xì xào bàn tán, sau đó lại yên lặng lắng nghe. Tôi không thể ngờ là tôi có thể viết được như vậy ! Hay dỡ thế nào thì chưa biết được nhưng mà cách hành văn thật là trôi chảy, dễ đọc. Tôi đọc một cách trơn tru liền lạc. Khi bài đọc chấm dứt, Thầy Ngữ cố tình vỗ tay thật lớn để cổ võ, nhưng cả lớp vẫn yên lặng chẳng có trò nào hưởng ứng cả. Tiếng vỗ tay hơi khựng lại, cụt hứng, rồi nhỏ dần.
Tôi bước xuống bục giảng trở về chỗ ngồi giữa cái không khí yên lặng và mấy chục cặp mắt nhìn ngẩn ngơ. Lần bước xuống đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong suốt quãng đời học sinh của tôi...
Buổi học trôi qua trong trạng thái bềnh bồng ngầy ngật. Tôi mang cái cảm giác đó cho tới khi tôi ngồi trên đỉnh đồi Trọc. Tôi muốn tìm chị Hương. Chị phải là người đầu tiên chia sớt nỗi mừng vui của tôi. Hàng ngày, chị vẫn thường đi quanh ngọn đồi Trọc này để lượm phân bò, phân ngựa. Chị mang sau lưng một cái “gùi” thật lớn như mấy người Thượng ở xã Lát. Dáng người còm cõi co ro, thầm lặng giữa cảnh đất trời bao la bất kể ngày mưa hay nắng, nóng ấm hay giá lạnh, thấy sao mà cô đơn buồn thảm quá ! Tôi không biết chị từ đâu đến và ở làm công cho chú Vạn từ lúc nào. Công việc nhà vườn nặng nhọc, chị làm không hở tay, từ tờ mờ sáng cho tới tối mịt. Hình như chị không có một ngày nào rảnh, kể cả những ngày Tết là dịp để mọi người được nghỉ ngơi hội họp vui chơi sau một năm dài làm việc vất vả. Chị vẫn thầm lặng với công việc như mọi ngày. Không cười. Không nói. Dáng điệu lúc nào cũng hoảng hốt sợ sệt, cố tình lảng tránh mọi người. Chị là một cái bóng thầm lặng trong cái xóm nghèo vốn đã rất thầm lặng của tôi. Mọi người hình như đã quên lãng là có một người cùng xóm cơ cực còn hơn cả mình. Nhưng tôi, tôi vẫn nhớ và nghĩ đến chị.
Chị đâu có họ hàng thân thích gì với tôi. Chị chỉ là một cái bóng mờ nhạt âm thầm dễ quên lãng trong nhịp sống áo cơm, trong cái xóm nghèo quanh năm tất bật với những công việc mưu sinh chật vật. Nhưng cứ mỗi buổi sáng nằm nướng trong chăn nệm ấm, tôi lại nghĩ đến chị. Giờ này chị đang oằn vai với đôi tùng tưới, đi từ luống rau này tới luống rau khác. Trời lạnh cắt da, làm sao chị có thể chịu đựng được, không phải một ngày mà là ngày này qua ngày khác ! Những lúc ngồi trong nhà, bên cạnh lò than ấm áp trong khi ngoài trời mưa phùn và những cơn gió bấc lạnh lùng, tôi lại ngậm ngùi nhớ về chị. Giờ này chị vẫn phải đi quanh ngọn đồi Trọc để lượm từng bãi phân bò, phân ngựa. Chiếc quần đen vá chằm vá đụp, có nơi được buộc túm lại bằng những sợi dây thun. Chiếc áo len tưa sợi, tả tơi lòi cả hai cánh tay tím đi vì lạnh. Dáng chị vẫn nhẫn nhục âm thầm. Ðứng lên, ngồi xuống cho đến khi chiếc gùi nặng trĩu trì kéo bởi sức nặng làm chị như muốn bật ngửa người ra sau.
Mỗi lần nghĩ đến những hình ảnh đó, trong tôi có một cảm giác bứt rứt xốn xang không thể diễn tả được. Tôi chỉ là một thằng bé, tôi chẳng làm gì được, ngoài lòng cảm thương một con người cùng khổ tận cùng cả sự cùng khổ trong cuộc đời này. Có phải chăng đó là lý do để tôi viết bài Luận văn nói về cảnh đời của chị ? Lúc bấy giờ thì tôi chưa nghĩ được điều đó. Sau này, khi nghiệm lại, tôi thấy đó là một lý do để tự giải tỏa tâm lý nặng nề, trì kéo trong lòng. Chính khi người ta nói lên được điều ấm ức trong lòng thì sẽ thấy dễ chịu hơn...
Lần đó, chờ mãi không thấy chị Hương, tôi cụt hứng tiu nghỉu bỏ về. Tất nhiên, người thứ hai tôi phải san sẻ nỗi vui mừng là Mẹ tôi.
Tôi hôm đó, tôi nhớ, khi tôi đang học bài thì Mẹ tôi nhẹ nhàng đi đến phía sau. Mẹ vuốt đầu tôi trìu mến :
- Mẹ đã đọc bài Luận văn của con. Con viết hay lắm, cảm động lắm.
Tôi cười ngượng nghịu, trong lòng cảm thấy vui sướng. Mẹ tôi để bài Luận văn xuống bàn, ngập ngừng một chút rồi hỏi tôi :
- Bài ni con có phải nộp lại cho Thầy không ?
Tôi lắc đầu. Mẹ vội vàng cầm lên, thoáng nét vui :
- Vậy thì để Mẹ giữ bài Luận này. Mẹ muốn đọc thêm nhiều lần nữa. Mẹ sẽ giữ nó...

**

Tháng Mười-Hai, hoa Quỳ Hương còn rộ nở. Ðường xóm nhỏ rực lên màu vàng óng nắng hanh của cuối mùa Ðông,bắt đầu dợm bước qua Xuân. Những sáng trời se lạnh, nắng lên muộn màng, tôi đi giữa hàng Quỳ Hương hoang dại hai bên vệ đường. Nắng và màu hoa hòa nhập cho tôi có một cảm giác lâng lâng buồn. Chẳng biết buồn chuyện gì, nhưng có cảm giác vậy thôi. Buồn trời. Buồn đất. Buồn vu vơ. Chứ có gì mà buồn ở tuổi tôi, cái tuổi ăn ngủ vô tư !
Ba tôi nói tôi có tâm hồn nghệ sĩ. Tôi không hiểu một tâm hồn nghệ sĩ là như thế nào. Có hào phóng như Ba tôi không ? Và nhất là có những bài Thơ mà Ông thường đọc lên cho bạn bè cùng nghe. Thơ đọc hoài không hết. Lúc nào trên bàn ngủ của Ông cũng có một cây đèn sáp, một cuốn vở trắng và một cây bút. Ông thường nói với chúng tôi là Ông sẽ ghi những câu thơ bất chợt đến trong giấc ngủ. Bởi thơ chợt về trong giấc ngủ là Thi Thần. Nhưng tôi có thấy Ông ghi lại câu nào đâu! Cuốn vở trước sau vẫn còn trắng giấy. Thường thì Ông làm thơ theo ngẫu hứng, đọc lên trong những lúc họp mặt bạn bè đông vui. Rồi sau đó, cũng chẳng thấy Ông ghi vào đâu cả. Những buổi họp mặt sau, Ông lại đọc lên. Bài thơ có thể dài thêm vài đoạn hay ngắn đi vài câu. Thêm bớt một vài chữ theo cảm hứng. Cũng chẳng thấy ghi vào đâu cả. Vậy mà, lúc nào Ông cũng có nhiều bài thơ để đọc cho bạn bè nghe. Ðể góp ý. Ðể luận bàn tương đắc. Thi Thần. Thi Tửu. Thi ngẫu hứng.. Thơ theo Ba tôi đi suốt cuộc đời nhưng mà không có giấy trắng mực đen.
Những năm cuối đời, khi tôi gợi ý muốn gom hết những bài thơ của Ông để lưu giữ, sau này sẽ in thành tập để con cháu còn có dịp đọc và nhớ đến. Ba tôi đồng ý, hẹn một ngày nào thanh thản sẽ ghi lại ít chục bài tuyển chọn. Nhưng rồi, không có ngày nào gọi là thanh thản hết. Khi Ba tôi đi xa, Ông để lại chỉ có bốn bài thơ. Mỗi bài ngắn gọn chỉ có bốn câu để gởi cho bằng hữu, cho hiền nội, cho con cháu và một bài tự thân. Có lẽ Ông đã chuẩn bị bốn bài thơ này sẵn, từ khi biết là mình sẽ “không xong”. Bốn bài thơ ngắn, lại được nắn nót ghi chép cẩn thận, cho một đời người. Còn cả trăm bài chỉ là phút giây vui qua, chẳng nên xôn xao bận rộn vì nó làm gì.
Nhiều khi, tôi nghĩ, chính Ba tôi mới là con người nghệ sĩ. Còn tôi mà nghệ sĩ nỗi gì!
Ở quê tôi, Ba tôi thường nói, từ đầu thu cho đến lúc dợm vào Xuân là mùa-hương-phấn. Mùa Hương Phấn. Nghe sao mà lãng mạn, tình tứ và đầy chất thơ. Nhưng đó chỉ là một cách nói văn vẻ cũng như khi Ông ngẫu hứng làm thơ vậy thôi.
Thật ra thì thê thảm lắm! Hương phấn nỗi gì! Ho thắt cả ruột. Ðầu lúc nào cũng hâm hấp nóng. Mũi dãi lòng thòng. Người lúc nào cũng thấy uể oải như con gà mắc dây thun. Ðó là trạng thái của dị ứng khi hít phải phấn thông và phấn hoa Quỳ. Khi tiết trời bắt đầu se lạnh và những cơn gió chướng bắt đầu lồng lộng từ những đồi thông bạt ngàn, thổi tràn về thôn xóm. Những luồng gió vừa se da, vừa mang những bụi phấn thông li ti, tản mạn hòa nhập vào không khí. Kịp khi tàn thu, tiết Ðông trời se lại, le lói nắng vàng nhưng hanh khô. Mùa hoa Quỳ rộ nở. Là lòai hoa hoang dại màu vàng tươi mọc bụi mọc bờ. Nhất là khi đi trên con đường có hai hàng hoa Quỳ đang mùa rộ nở, rực vàng dưới nắng. Tha hồ nhìn ngắm, tưởng tượng. Và cũng tha hồ hít thở những bụi phấn li ti.
Ba tôi thường gọi là Phấn Thông Vàng, là Phấn Quỳ Hương. Những cái tên lại cũng thiệt là lãng mạn, tình tứ và đầy đặn chất Thơ. Nhưng thôi, đừng hơi đâu mà nghĩ đến những vẻ dáng mỹ miều đó nữa! Hãy cứ ngồi ủ rũ mà ho khan, tức ran lồng ngực. Hãy cứ lấy khăn tay mà lau cho mau những dòng mũi nước,nhớ là nhẹ tay chút, không thôi cái mũi lại đỏ như trái cà chua, rát chịu đời không thấu ! Còn chuyện mỹ miều tình tứ gì đó là chuyện của người thơ, của Ba tôi. Căn bệnh theo mùa này chẳng làm chết ai nhưng thiệt là khó chịu. Bệnh một lần cho biết thú-đau-thương của Mùa Hương Phấn để rồi sau đó, được cái ân huệ là miễn nhiễm hoàn toàn. Mỗi người chỉ bị một lần, duy nhất một lần thôi, để nhớ đời và để làm kỷ niệm.
Cuối mùa Ðông năm đó, bất ngờ cậu Tâm của tôi từ Huế vô thăm. Tôi có nghe Mẹ tôi nói nhiều về Cậu nhưng chưa một lần gặp mặt. Nghe đâu Cậu cũng có làm thơ viết văn. “Một con người cũng có tâm hồn nghệ sĩ lắm”, như Ba tôi thường nói. Mẹ tôi thì nhìn Cậu ở một cái nhìn khác. Mẹ nói Cậu là một nhà tu khổ hạnh. “Nếu như hắn đi tu, cuộc sống tu hành hợp với hắn hơn”, Mẹ tôi thường nói vậy khi có dịp nhắc đến Cậu.
Khi hai Cậu cháu gặp nhau ý nghĩ của tôi về Cậu có khác. Nhìn Cậu quả có một vẻ dáng đạo mạo, khắc khổ của một nhà tu. Nhưng đôi mắt nhìn của Cậu như có ẩn nụ cười và nhất là cách nói năng thì thật là trái ngược. Gặp tôi ở phòng khách, Cậu ôm tôi vào lòng trìu mến. Cậu cứ vuốt vuốt đầu tôi, mấy ngón tay ấm áp chà qua xát lại rồi ngừng lại ở sau ót. Cậu bật cười, ghé sát vào tai tôi thì thầm :
- Thôi, chết rồi chú mi ơi ! Cái đầu ni bị méo rồi. Chắc là hồi nhỏ được nằm nhiều hơn là được bồng ẵm. Mai mốt lớn lên đi nắn lại nghe, con. Ðừng để con gái chê là đầu cá lóc,ốt dột.
Tôi ngây thơ hỏi lại Cậu :
- Nắn bằng máy hả Cậu ?
Cậu cười ngất, vỗ vỗ vai tôi :
- Nắn bằng tay cũng được, bằng máy làm chi cho tốn tiền.
Mẹ tôi ngồi bên, đẩy nhẹ Cậu một cái :
- Cậu ni thiệt! Biết nói giỡn nữa à! Răng không đi dạy mà vô đây. Có chuyện chi không ?
Cậu lắc đầu, ôm tôi sát hơn :
- Cũng không có chuyện chi. Trường lớp phải sửa sang sau cơn bão lụt, vô thăm anh chị với cháu vài ngày sẵn dịp học cách trồng rau.
Mẹ tôi ngạc nhiên nhìn Cậu :
- Ủa, chớ bộ định bỏ dạy về vườn răng ?
Rồi bà day mặt qua chỗ khác, làm mặt giận, nói lẫy :
- Ðừng có nghĩ dại nghe. Hồi nớ chăn trâu chăn bò chưa chán hay sao ? Quên lời Ba Mạ dặn rồi chắc. Khi Ba sắp “đi”, Ba có...
Ðang ôm tôi, Cậu vội vàng bỏ tay chụp lấy vai Mẹ tôi lắc nhẹ :
- Thôi, thôi đừng nhắc nữa. Không có phải rứa đâu. Ðể em nói cho chị nghe mà...
Thấy Mẹ tôi vẫn còn làm mặt giận, Cậu nói bâng quơ :
- Không nghe thì thôi ! Chuyện hay quá mà không nghe. Uổng thiệt. Uổng thiệt...
Mẹ tôi vẫn không quay mặt lại :
- Ðang nghe đây. Chuyện chi, nói mau
Cậu nheo mắt với tôi,le lưỡi, lắc đầu :
- Chị còn nhớ nhà thờ Họ mình không ? Có miếng đất hương hỏa phía sau đó. Em thấy năm nào ôn Tương cũng trồng rau thu huê lợi mà không ra chi cả ! Muốn giúp Ôn, em vô đây học cách trồng rau, sẵn mua cho Ôn ít giống. Ðất mô cũng là đất. Ngoài nớ, có nơi người ta trồng được tại sao mình không? Thấy Ôn già lụm cụm, cũng tội...
Mẹ tôi nghe Cậu nói xong vội quay người lại, đổi giọng vui liền :
- Ừ, em nói rứa thì nghe được. Ðể mai mốt thằng Tân dẫn em qua nhà chú Vạn coi cho biết. Giống rau hắn cũng có nhiều lắm
Rồi Mẹ nói với tôi :
- Dắt Cậu qua nghe con. Nhớ đừng quên đó
Ðêm đó, Mẹ và Cậu tôi ngồi chuyện trò rất khuya. Tôi nằm chờ Cậu để hỏi cho ra lẽ về cái đầu méo của tôi, phải nắn bóp cách nào. Chờ hoài không thấy Cậu vô, tôi ngủ quên lúc nào không biết.
Ngày hôm sau, khi tôi đi học về, thấy Cậu bắt đầu có triệu chứng nhiễm phấn hoa. Cậu hắt hơi hoài. Tới chiều thì mặt mũi đỏ ngầu, ngồi co ro thiệt tội. Giấc tối thì nằm xụi lơ chịu trận. Ðón khách phương xa kiểu này cũng thiệt là quái ác, nhưng như vậy mới có dịp nhớ đời !
Ngày hôm sau nữa, thấy trong người đã hơi khỏe, Cậu nhất định phải qua nhà chú Vạn. Trời đang trở tiết. Cái lạnh se da theo từng cơn gió thổi về từ hướng núi. Hai Cậu cháu đi dưới bầu trời xám, nặng nề những đám mây tưởng chừng như úp chụp xuống ngọn đồi Trọc phía trước. Qua khỏi ngọn đồi đó, nhìn xuống thung lũng là nhà chú Vạn. Dáng Cậu co ro trong chiếc áo bành-tô dày cộm của Ba tôi. Nhìn Cậu, tôi thấy Cậu giống con gấu đang từng bước một nặng nề lên con dốc dựng đứng. Lên nửa con dốc, Cậu ngừng lại thở rồi bỗng nhiên hỏi tôi :
- Chị Hương là người làm công cho chú Vạn hả ?
Câu hỏi làm tôi khá ngạc nhiên. Tôi không trả lời Cậu mà hỏi lại :
- Ủa, sao Cậu biết chị Hương ?
- Cậu có nghe Mẹ con nói, với lại Cậu cũng đã đọc...
Cậu ngập ngừng, ánh mắt nhìn xa xăm, khẽ thở dài rồi nói, như nói với chính mình :
- Sao lại có những cảnh đời cùng khổ như vậy được !
Cơn gió từ đỉnh đồi thổi tràn xuống, lạnh điếng. Hai Cậu cháu đi sát nhau hơn. Tôi nghe mơ hồ tiếng gió xoáy rít từ phía thung lũng, nghe rõ cả tiếng thở mệt nhọc của Cậu. Giữa cảnh trời đất bao la, Cậu cháu tôi như hai sinh vật nhỏ bé di động, cô đơn và đầy bất trắc.
Khi vừa lên tới đỉnh, tôi giật mình khựng lại trước hình ảnh đột ngột. Chị Hương. Chị đang ngồi khom xuống, chiếc gùi lớn trì kéo sau lưng. Bàn tay chị tái xám, đang nắm miếng phân bò đã se cứng. Gió xoáy cuộn từ dưới thung lũng vần lên làm tóc chị bay giạt về một bên. Chiếc áo len sờn rách tả tơi lòi hai khuỷu tay tím ngắt. Nghe tiếng động, chị giật mình ngước nhìn lên. Ðôi mắt, lúc đầu, thoáng lên chút kinh ngạc, hoảng hốt rồi bỗng dịu xuống, sững sờ. Chị ngồi như người chết sững và đôi mắt đăm đăm nhìn về phía trước,về phía Cậu tôi không hề chớp. Tôi nắm lấy bàn tay Cậu giật giật, rồi nói nhỏ :
- Chị Hương. Chị Hương đó Cậu...
Và tôi ngước mắt nhìn lên, kinh ngạc sững sờ. Rõ ràng, tôi thấy đôi mắt chị Hương là đôi mắt Cậu. Cũng đăm đăm nhìn về phía trước, không hề chớp. Ánh nhìn trong đôi mắt đó, có một nét gì rất lạ mà tôi không thể nào diễn tả được. Vừa hung bạo, vừa dịu dàng. Cậu đứng lặng người như thế rất lâu. Hoảng hồn, tôi giật mạnh tay Cậu :
- Cậu. Cậu...
Cậu vẫn nhìn đăm đăm về phía trước, rồi như người trong cơn mộng du, Cậu bước từng bước về phía chị Hương. Khi hai người đối mặt gần nhau. Cậu quỳ xuống, cởi chiếc áo bành-tô, phủ chụp lên người chị. Sự việc xảy ra đột ngột, tôi cũng hóa sững sờ. Chị Hương và Cậu tôi vẫn nhìn nhau . Chiếc áo bành-tô phủ lên cả chiếc gùi, nhìn chị như người gù lưng. Bỗng nhiên, chị thoáng giật mình rồi cúi gầm mặt xuống. Tôi nghe tiếng khóc vỡ òa không kìm hãm rồi chị bật người dậy vùng bỏ chạy xuống ngọn đồi. Chiếc áo bành-tô mắc vào chiếc gùi một khoảng xa, rồi rớt xuống nằm trên đám cỏ. Cậu tôi vẫn giữ tư thế quỳ trên đám phân bò, đầu Cậu cúi gập xuống. Tôi không dám làm kinh động Cậu. Tôi biết, dù rất mơ hồ,là có một điều gì đó rất khác thường, đã đến với hai người. Cậu tôi và chị Hương.
Cậu ở tư thế quỳ như vậy một lúc khá lâu rồi giật mình ngẩng lên, ngơ ngác nhìn quanh. Thấy tôi đang đứng nhìn, Cậu thở dài, nói :
- Thôi, mình đi về...
Tôi ngạc nhiên, hỏi lại Cậu :
- Nhưng mà mình chưa tới nhà chú Vạn mà Cậu !
Cậu tôi nói, như nói với chính mình :
- Tới. Nhất định là phải tới, nhưng không phải là hôm nay.
Hôm sau, lẽ ra Cậu về như dự định nhưng Cậu vẫn còn nán lại cùng với Ba Mẹ tôi đi đâu chẳng biết, suốt cả một ngày.
Buổi tối hôm đó, tôi còn nhớ, khi nằm trên giường ấm, Cậu hỏi tôi :
- Nghe Ba con nói mùa ni là mùa phấn gì đó, con hè !
Tôi trả lời liền :
- Là phấn thông vàng, là phấn quỳ hương.
Cậu cười khoái trá, rồi xuýt xoa :
- Trời ơi, cái tên nghe thiệt là hay ! Nhất là phấn quỳ hương, sao mà đúng y.
Tôi thắc mắc :
- Ðúng cái chi, Cậu ? Bộ Cậu chưa thấy ớn sao ? Con thấy Cậu mũi dãi lòng thòng, thảm quá trời ! Cậu phải nhớ đời đó.
Cậu tôi nói thầm thì một mình :
- Phải nhớ đời. Phải nhớ đời. Nhớ cái phấn Quỳ bên Hương...Phấn Quỳ bên Hương..
Rồi Cậu cười ngất. Tôi ngơ ngác, chẳng hiểu Cậu đang nói gì.
Buổi sớm, khi tôi thức dậy thì Cậu đã ra đi.
Bỗng nhiên, cách khoảng hơn một tháng sau, vào đúng ngày hai-mươi-tám Tết, Cậu lại vào thăm.
Ðêm hôm đó, hai Cậu cháu lại có dịp chuyện trò. Nhân vui câu chuyện, tôi nhắc lại chuyện phấn Quỳ Hương. Cậu lại cười khoái chí, nói với tôi :
- Ðã quen, quen lắm rồi, con ơi !
Rồi Cậu ngâm khe khẽ :
- “ Ði đâu cho Thiếp đi cùng. Ðói no Thiếp chịu, lạnh lùng Thiếp cam”.
Lại một lần nữa, tôi ngơ ngác, chẳng hiểu Cậu muốn nói gì !
Buổi sớm khi thức dậy, không thấy Cậu. Mẹ tôi nói Cậu đã đi rồi. Ði lúc ba-giờ-sáng.
Từ đó, Cậu không vào thăm nữa...

***


Vậy mà, cuối cùng, điều đáng nhớ trong đời tôi vẫn là Cậu. Lần này, có thêm Mợ của tôi. Thú vị hơn nữa, là có cả tôi trong đó.
Vào khoảng thời gian Hè, cách năm năm sau lần cuối Cậu vào thăm, tôi được theo Mẹ về quê cũ. Nhà đầu tiên tôi đến và người đầu tiên tôi gặp là Mợ tôi. Là chị Hương của ngày nào ! Tôi đứng sững sờ ngơ ngẩn quên cả chào hỏi. Mẹ tôi và Mợ cầm tay nhau mừng rỡ rồi nhìn tôi, cười ngất. Tiếng cười của Mẹ thì vui. Tiếng cười của Mợ tôi nghe như có nghẹn ngào vì nước mắt Mợ lăn dài. Và Mợ ôm lấy tôi, lúc này, lại bật khóc lớn. Tự nhiên, tôi nhớ lại tiếng khóc ngày nào trên đỉnh đồi Trọc và tiếng khóc ngày hôm nay, sau năm năm gặp lại. Tiếng khóc của chị Hương ngày đó cũng có nỗi mừng vui nhưng có trộn thêm niềm tủi nhục. Tiếng khóc của mợ Tâm tôi nay chỉ có nỗi mừng vui, trọn vẹn. Hai tiếng khóc từ hai cảnh đời trái ngược đã lắng lại trong tôi những buồn vui lẫn lộn.
Khi hai Cậu cháu gặp nhau, Cậu bắt tay tôi. Ðiều đó, thầm nói với tôi rằng, Cậu đã nhìn tôi với một cách nhìn khác. Chỗ đứng của tôi trong Cậu không còn là chú bé ngày nào mà đã là một anh chàng bắt đầu dợm lớn, chững chạc hơn. Ðiều đó cũng đúng thôi vì tôi đâu còn ở độ tuổi tin rằng sẽ đi nắn cái đầu méo lại để con gái khỏi cười ốt dột, như ngày nào. Tôi đã “ cảm thấy” được cái nhìn trân trối của hai người trong phút đầu gặp nhau trên đỉnh đồi Trọc. Tôi hiểu được những câu nói bóng gió xa gần của Cậu đêm nào. Tôi cũng hiểu điều Cậu phải làm là cùng với Ba Mẹ tôi sắp xếp mọi việc một cách hết sức âm thầm cho hai lần ra đi , không phải của Cậu, mà của chị Hương. Một lần dàn xếp để chị ra đi khỏi nhà chú Vạn. Một lần sắp xếp cho chị ra đi khỏi một nơi tăm tối của cuộc đời. Cậu sẽ ngạc nhiên vì tôi còn hiểu nhiều hơn nữa. Tôi hiểu lời nhận xét của Mẹ tôi về Cậu. Tôi cho rằng, Cậu đâu cần phải đi tu, cho dù trái tim Cậu vẫn trầm luân cảnh đời trần tục nhưng tấm lòng Cậu có khác gì một bậc chân tu.
Nhưng, trong lòng tôi, vẫn còn có điều gì đó ấm ức. Có thể là vì lòng tự ái và thêm một chút, mặc cảm về sự tin cậy. Sự việc lớn lao như vậy mà tất cả mọi người đều gạt bỏ tôi ra ngoài, bình thản, dửng dưng. Tôi có nói chuyện này và tỏ ý dỗi hờn Mẹ. Mẹ tôi cười, dấu dịu :
- Con nói rứa cũng đúng, nhưng chuyện người lớn mà con ! Ngày đó, con còn nhỏ, biết để làm gì ? Bây giờ thì con đã biết mọi chuyện và cũng hiểu rằng người lớn đã không làm điều gì xấu để phải giấu con là được rồi.
Mẹ nói đúng. Nhưng tôi vẫn cứ còn ấm ức.
Như hiểu được điều đó, cho nên trước ngày tôi về lại, Mợ có ý kêu riêng tôi vào phòng khách. Mợ nghẹn ngào nói với tôi :
- Ngày đó, Cậu đã đem Mợ đi, đem Mợ ra khỏi cảnh đời tăm tối. Cho Mợ được cái quyền làm con người. Dạy cho Mợ biết nói. Biết viết. Biết đọc. Biết thấy lại mình. Ðối với Mợ, tưởng như là giấc mơ...
Rồi Mợ lấy từ trong túi áo một tờ giấy xếp tư đã phai màu. Cầm lấy tay tôi, Mợ lại nghẹn ngào :
- Ðây là kỷ vật mà Cậu con đã dành cho Mợ. Mợ quý lắm, quý vô cùng. Ngày trước, Mợ mong rằng sẽ có ngày đọc được những gì trong đó. Nay thì đã đọc được rồi và đã đọc rất nhiều lần. Chỉ có một điều, Mợ đã nguyện là không bao giờ về lại nơi xưa. Mợ không đủ cam đảm nhìn lại cuộc đời của mình. Những năm, tháng đó như là cơn ác mộng. May là con ra đây. Mợ không có quyền giữ mãi được.Vật hoàn cố chủ, con cầm đi...
Tôi cầm tờ giấy từ tay Mợ và bỗng thấy bàng hoàng, sững sốt. Tờ giấy học trò đã úa màu theo thời gian, những dòng chữ cũng đã nhòe nhoẹt đi nhiều chỗ. Nhưng tôi làm sao có thể không nhận ra được, đó là bài Luận văn của tôi ngày nào ! Bài Luận văn tôi viết về chị Hương. Chính là bài Luận văn đã một lần đưa tôi lên...đài danh vọng. Và chỉ có một lần, một lần duy nhất trong đời.
Sự việc bất ngờ quá làm cho tôi xúc động thẩn thờ. Mợ ôm chằm lấy tôi, tiếng nói Mợ lạc đi, tưởng như từ một nơi xa vắng nào đó, vọng về :
- Con ơi ! Bài Luận văn này của con đã cứu cuộc đời của Mợ....

Mưa


San Diego. Những ngày mưa. Lạnh
gợi xót xa theo nỗi nhớ tôi về
một chiều mưa giữa dốc đường Minh Mạng
tôi hẹn em đãi bữa bánh xèo

quán dọc dài đường Tăng Bạt Hổ
em vội vàng bước xuống xe Lam
chiếc dù xanh căng phồng, lật ngược
em với theo, hụt hẫng, ngả nhào

ngồi ướt lạnh đợi bánh xèo chín tới
lén nhìn nhau, tủm tỉm cười thầm
chả dám cười to, ngại em mắc cở
mà cuối cùng có nín được đâu!

tiếng cười vỡ theo mưa Ðàlạt
em véo tôi, phụng phịu bắt đền
đôi con mắt đã bắt đầu...nhấp nháy
mưa đầy trời còn chưa đủ sao em ?

dĩa bánh xèo giữ giùm nhau nỗi nhớ
chiều lang thang mưa phố Hòa Bình
trái bắp nướng thoa mỡ hành nóng hổi
chiếc dù xanh che một khoảng trời riêng

mưa đổi hướng khi qua Ðoàn Thị Ðiểm
ly chè kê chung miếng bánh tráng mè
để mai này em về vùng Nắng Biển
còn ngọt ngào chiều Phố Núi thân quen

dốc Duy Tân vỡ đầy bong bóng nước
đôi tà em quấn níu bước chân tôi
trời nổi gió – chiếc dù xanh lật ngược
chẳng hẹn nhau, hai đứa cùng bật cười

đuờng xóm nhỏ hắt hiu vàng ánh điện
mây đuổi nhau vần vũ hướng núi Bà
con dốc Ngô Quyền chia tay bịn rịn
nụ hôn mưa cho một lần chia xa...

tôi trở lại phố mưa tràn thương nhớ
bóng đổ dài qua những lối quen xưa
trời Ðàlạt. Mưa. Thiệt buồn quá đỗi!
phố đìu hiu vắng lạnh giữa mù mây....



San Diego, những ngày mưa tháng Hai/2000

Lời Cho Con


gởi con, Trần Thục Quyên


tiễn con ra đầu ngõ
mắt đỏ mà gượng cười
thôi, con đi theo người
Mẹ đứng đây, nhìn kịp


mai mốt còn có dịp
về thăm Mẹ, thăm em
tìm lại chút hơi quen
một thời còn thơ dại

con đừng quay nhìn lại
Mẹ không giữ nổi lòng
e nước mắt hai dòng
sớt niềm vui ngày cưới

bởi hiên nhà nắng chói
Mẹ nheo mắt đó thôi !
nụ cười vẫn trên môi
sao mặn tê đầu lưỡi !

Mẹ đây. Mẹ đang chờ
dưới hiên nhà nắng chói
ngỡ mình đang đứng đợi
như thường ngày, con về...

Ngày vui của con
San Diego 22/7/2000

Vườn Em Nỗi Nhớ


“...vườn của em thơm rau húng rau răm
đỏ thắm ớt cà vàng tươi bông cải
xanh mơm mởn giậu mồng tơi tốt lá
phủ mượt mà mập ú đọt rau lang

ba thứ đó, em trồng thêm chật đất
thiếu món chi, ra siêu-thị có liền
đời sống mới mà! Vô cùng tất bật
gánh gồng chi mấy món nợ oan khiên!

sao em không trồng hoa hồng hoa cúc
rất thời trang, lại đẹp cửa đẹp nhà
chẳng tốn thì giờ săm soi chăm chút
đâu mất công ngồi lặng ngắm, bâng khuâng!

sao em không trồng cỏ xanh trải thảm
thời trang hơn! Lại có vẻ sang giàu
mỗi cuối tuần ra ngồi chơi, hóng mát
ăn hambuger, uống coke, đeo kính râm!

ngắm đời tha hương qua màu xám nhạt
( hay màu đen, màu xanh đậm, tùy em )
nhai nuốt nỗi buồn xin đừng nhăn mặt
uống ngọt niềm đau xin cứ an nhiên

cứ giả lơ nghe nhạc, nhịp hai chân
đừng thèm nhớ chuyện một thời xưa cũ
chẳng ai trách ai qua cầu rút ván
tự do mà! Ðâu cấm chuyện riêng tư...”

nói giỡn thôi! Sao em buồn dữ dzậy?
đời chưa vui mình “quậy” chút, cho vui
anh hiểu lắm. Em có niềm thương cảm
để quê hương gần gụi ở sân vườn

lá húng. Lá răm. Trái cà. Trái ớt...
thiệt là như sống lại cảnh thân quen
gần gụi quá để lòng thêm đau xót...
vườn rau em là cả một trời quê!

mỗi buổi chiều em thường ra tỉa lá
áo bà ba, đôi guốc mộc ngày nào...
chiếc nón lá che khoảng trời quê nhỏ
mát lòng em và, ấm cả lòng anh....


Hiên Trăng Brookhurst
08/2000

Cô Bạn Học Ngày Xưa


xin chào em. Cô bạn học ngày xưa
tươi tắn. Phổng phao. Hồng hào. Mát rượi
nhìn mặt thì quen nhưng lạ dáng người
em không gọi, chắc gì tôi nhận biết

cám ơn em. Giữa tình đời keo kiệt
còn nhận nhau là hào phóng lắm rồi
đất quê mới, người trở mình đổi mới
chuyện cũ xưa đôi lúc giả đò quên !

cũng cảm ơn luôn, viên phấn bảng đen
đã chẳng uổng công một thời đi học
bảng phấn dẫu phai, lớp sơn đã tróc
nhưng vẫn hằn sâu hai chữ tình người

bất tiện gì không? Mời em ly nước
ngồi với nhau nhắc nhớ chuyện ngày xưa
xưa tình ý, giờ thì đâu có nữa !
lớn hết rồi! Còn trẻ mọn gì đâu!

bỏ quá cho tôi ngày xưa yêu dấu
vụng dại vô cùng, lãng mạn thì thôi !
giờ nghĩ lại thấy sao mà quá tội
nhắc cho vui, em có nhớ, đừng cười...

mấy mươi năm đeo đuổi mãi trường đời
chẳng có dịp nhắc gì trường học nữa !
hàng phượng trầm luân bao mùa đỏ lửa
bàn ghế, sân chơi sầu cuộc đổi đời...

kỷ niệm xưa cứ nay chờ mai đợi
chỉ hoài công! Chả thấy dáng ai về
bạn lớp cũ cứ theo từng lối rẽ
để trường xưa rêu phủ lớp tang thương !

uống nước đi em! Chua, ngọt chanh đường
đừng để rớt giọt lệ đời vô đó
bởi lệ đời có quá nhiều đau khổ
nếu hòa chung thì tội lắm, ngày xưa !

mình giờ đây đâu còn thơ dại nữa
ly chanh đường ngày đó, giữ làm vui
biết đâu, em, trong một thoáng ngậm ngùi
còn vị ngọt bờ môi đời con gái !

cám ơn em. Cám ơn thời thơ dại
đã cho tôi trẻ lại chút tuổi đời
lát nữa đây mỗi người đi mỗi lối
lối tôi về lồng lộng gió-hương-xưa...

9/2000

Người Của Xóm Đình


tặng Em, người cùng xóm đình Ða Cát

hồi nhỏ, tụi mình đâu biết được
lớn lên, hai đứa ngủ chung giường
ăn chung chén đũa, chung gương lược
trang điểm tình nhau suốt một đời...

...thiệt lòng, ngày đó tôi không nhớ
em ở đâu trong đám bạn bè !
bởi lẽ vì em còn quá nhỏ
tính em hay mắc cở, rụt rè

mà em chắc cũng không thèm nhớ
anh chàng Cu trọc sún răng, xưa
mũi chảy thò lò, da trổ mốc
đầu trần chân đất giẫm quanh năm

vào dịp xóm Ðình mùa vô Hội
có đoàn hát bội viễn phương về
để ý, tối nào em cũng tới
thập thò sau áo Mẹ, nhìn lên

những tối sân Ðình trăng vằng vặc
em cùng đám bạn rải ô-quan
để ý, bàn tay em nhỏ nhắn
rải xuống lòng tôi nỗi ngỡ ngàng

để ý ? Ôi chao là xấu hổ
mới bằng tuổi ấy đã sinh tình
phải đâu ! Bởi thấy em ngồ ngộ
lén nhìn lâu chút để làm vui...

năm, tháng dỗ đời nhau lớn vội
tôi xa, từ ấy, xóm Ðình xưa
bỏ lại vầng trăng thời tuổi nhỏ
sân Ðình, cô bé rải ô-quan !

những tưởng xa đi là mất dấu
ngờ đâu tôi lại có lần về
gặp nhau hai đứa cùng ngơ ngẩn
trái tim loạn nhịp, đập không đều...

mỗi khi nhắc tới đình Ða Cát
sao lòng nhớ quá chuyện ngày xưa !
tình yêu tôi lớn từ nơi ấy
giữ hoài cho mãi tới hôm nay....

cuối Thu 2000

Thơ Viết Từ Năm 2000


năm 2000
thiên hạ xầm xì tận thế !
tôi tận đời tôi theo chuyện áo cơm
đất xa quê đồng tiền làm khó dễ
bắt chẹt đủ điều. Riết muốn điên luôn !

vừa kiếm tiền tôi vừa làm Thơ
hai thứ, trộn nhau, thiệt là khó chịu
nửa đổ mồ hôi, nửa vần tim óc
chẳng nỡ nào xem bên trọng bên khinh

nếu không tiền chắc là homeless
nếu không Thơ, thà tận thế cho rồi !
cứ quẩn quanh từ cuộc sống bon chen
nỡ để tâm hồn khô rang, ốm đói !

huống nữa, bên tôi, còn em hôm sớm
còn tình yêu. Kỷ niệm. Nỗi vui, buồn...
huống nữa bên tôi cái mất, cái còn
nỗi đau lớn : xa quê hương đành đoạn !

thế cho nên ngoài bươn chải áo cơm
còn món nợ ân tình chưa trả dứt
món nợ lớn mà tôi thì bé mọn
lẽ nào đâu mà toan tính chuyện “xù”!

nợ cứ trả lần, cháo húp vần quanh
chuyện áo cơm làm ơn xin nhín chút
dẫu đói, no có mập, gầy thân xác
nhưng hãy xin đừng bỏ đói tâm hồn !

bởi vì thế cho nên tôi làm Thơ
cho trái tim đập nhịp đều sinh khí
cho cái đầu không chỉ dùng để gội
và tâm hồn, không gỗ đá vô tri

em nói đi, nói giùm lời công đạo
mình xa quê từ một cuộc đổi đời
đất lạ. Người dưng. Ðủ no. Ðủ ấm
mà tâm hồn thường đói lạnh tả tơi !

nước chảy về nguồn lá rơi về cội
nghĩ đời người gắng gượng được bao năm !
vật chất phù du, bạc tiền phấn thổ
hơn gì nhau một chỗ cuối yên nằm !

bởi vì thế cho nên tôi làm Thơ
gởi lại cho Ðời bao điều muốn gởi
mai thân xác có...vào nơi gió cát
cát-bụi-hồn-tôi vướng lại bên Ðời...

Tháng 12/2000

Áo Trắng Học Trò


Lâu lắm rồi nhìn lại em áo trắng
Nét học trò quấn quýt thẹn đôi tà
Dẫu tháng năm dài, thuở ấy, đã xa
Anh vẫn thấy cứ như là gần lắm

Ðừng ngượng nghịu, quay vòng đi, anh ngắm
Bờ vai thon, tóc xõa giống ngày xưa
Cô học trò theo dầu dãi nắng mưa
Vẫn còn nét của ngày-xưa-Hoàng-thị

Ði tới, đi lui giùm anh một tí
Ðừng lượn lờ như người mẫu thời trang
Hãy cứ tự nhiên giữ dáng dịu dàng
Vẻ dáng một thời làm anh chết sững

Ðôi tà quấn trái tim anh điêu đứng
Thở bứt hơi theo nhịp đập trống Ðình
Anh đã vậy, em lại càng lính quýnh
Hai đứa mình chung một nỗi lòng nhau

Ðời tất bật theo vòng quay cơm áo
Bỏ sót quá nhiều những dấu yêu xưa
Tưởng lạc mất theo tháng ngày lần lựa
Có ngờ đâu em đứng đợi anh về

Ừ, thì về. Như ngày xưa vẫn thế
Nắm tay nhau, giữ níu lấy đời nhau
Dẫu lắm thăng trầm qua cuộc bể dâu
Anh vẫn lụy đôi tà em thầm lặng

Rồi để lại trong thơ tnh lãng mạn
Cô học trò vùng Biển-Nắng ngày xưa
Ðường em về vàng rụng lá me trưa
Anh ngơ ngẩn vời theo màu áo trắng...


Clairemont Mesa trưa 30 Tết Tân Tỵ 2001

Mực Tím Mồng Tơi


Bầy chim Se Sẻ nhớ mái Ðình
bạn bè xa lớp nhớ sân chơi
sao tôi cứ nhớ màu mực tím
giã nhừ tù những trái mồng tơi !

xóm nhỏ tôi nghèo xa phố chợ
áo cơm dè sẻn để đến trường
suốt mùa không đủ tiền sách vở
những ngày thiếu mực, giã mồng tơi

màu tím mồng tơi dù có lợt
nhưng mà, đậm quá, những vui buồn
trang vở đầu đời tôi nắn nót
chan hòa dòng mực tím quê hương

Cha dạy : đói nghèo chi cũng mặc
nuôi con ăn học cốt nên người
chữ nghĩa theo tôi dài năm, tháng
một thời có mực tím mồng tơi

dấu mực loang từng trang vở mỏng
ôm tròn nét chữ viết đầu đời
nghèo quá, nên chi thành thơ mộng
màu tím vương đầy tuổi ấu thơ

đất quê thơm thảo nuôi tôi lớn
bát cơm nghèo khó lúc vơi, đầy
dẫu chẳng là công-hầu-khanh-tướng
vẫn trọn ơn Cha vẹn nghĩa Thầy

mấy mươi năm lạc giữa chợ đời
trường xưa lớp cũ vẫn chưa quên
nhớ trái mồng tơi thời mới lớn
thương màu mực tím gọi tình quê...

Hạ Hồng 2001

Gởi Lại Quê Hương Là Kỷ Niệm


Khi tôi đi mùa hồng chưa kịp chín
Cơn mưa mùa chuẩn bị về qua
Con dốc Linh Quang quỳ hương che kín
Ðường Ngô Quyền lạc dấu tình xa

Tôi bỏ lại rất nhiều kỷ niệm
Kỷ niệm nào cũng thấy dễ thương
Ðường xa quá, gánh gồng thêm bất tiện
Nên phải đành, gởi lại quê hương !

Gởi con cá Tràu dòng Cam Ly Hạ
Bụi Sim rừng ở đồi Trọc, Rừng Ngo
Con dế kêu sương dưới lùm cỏ dại
Con diều bay vuốt gió hục Bà Sơ

Gởi trường Bạch Ðằng bốn-mùa-lộng-gió
Cái quần đùi buộc túm dây thun
Ðám bạn đầu trần tay chân trổ mốc
Con dốc Ða Trung nắng bụi mưa bùn

Gởi trái ổi ôn Cai Hoành ngọt lịm
Hái dành cho “cô gái rượu” ôn Lào
Trái mồng tơi giã nghiền làm mực tím
Vỏ bao nhang thấm nước làm phấn son

Gởi những đêm trăng rượt-bắt-cứu-tù
Thấy anh Lạc ôm hun chị Hẹ
Thấy mái Ðình cong dáng buồn ủ rũ
Nhớ chiêng khua trống rộn buổi hội hè

Gởi lại mùa Thu lá vàng lối nhỏ
Nắng hanh se rồi mưa bụi phấn rơi
Cũng tại mùa này tôi biết làm Thơ
Khóc gió thương mây học đòi người lớn

Gởi nụ hôn đầu sau vườn ổi Sẻ
Vị mặn cay muối ớt rát bờ môi
Ðể tôi biết vị tình yêu là thế
Ngọt-đắng-chua-cay, có cả mặn mòi !

Gởi lại tháng, năm vào đời khôn lớn
Ở một nơi yêu dấu lắm : Quê Hương
Giờ phải xa đi, tôi thiệt quá buồn
Bút mực nào gởi hết nhớ thương !

Ðất xa quê tôi chỉ còn có em
Người cùng Xóm, cùng quê, cùng cảnh
Ðể lúc buồn, vui có người chia xẻ
Những mảnh đời bỏ sót lại quê xưa...

2000

Tình Qua Mấy Nỗi


Chu cha ! Mới đó mà lâu dữ
Mười mấy năm mình sống quê người
Nhìn nhau thấy mới mà như cũ
Em vẫn như hồi xưa đó thôi !

Tôi cầm cây viết dài năm, tháng
Làm Thơ như nói chuyện đời thường
Em cũng như Thơ không vẻ dáng
Cầu kỳ chi cho thêm khó thương !

Cứ như trái bắp no mùa đói
Miếng hôn cho đã khát mùa tình
Dẫu có quê nhà xa dịu vợi
Cũng còn giữ níu chuyện chúng mình

Bởi vốn một đời Thơ chất ngất
Hào sảng văn chương nghiệt áo cơm
Quê người em tháng ngày tất bật
Để Thơ bay loạn khắp phương đời!

Chu cha! Mới đó mà lâu dữ
Thơ viết ngàn câu chỉ bấy nhiêu
Buổi đói no xưa em níu giữ
Lặng thầm dù chẳng nói thương yêu

Chẳng nói, nhưng tôi thường bắt gặp
Tình em, tôi biết, giú nơi đâu
Ở chỗ trái tim thường nhịp đập
Từ thuở thanh xuân đến bạc đầu…

trại Hè William Heise County Park
chiều 27/07/07

Cuộc Tình Trăm Năm


tình tôi đó em giữ hoài kẻo uổng
lỡ mai đây đánh mất biết tìm đâu !
nào phải bướm ong vui bay buồn đậu
tôi ngay lòng thiệt dạ đó mà, em

từ buổi họ hàng nhận miếng trầu têm
Cha ngỏ lời giữa quan viên hai họ
Mẹ nắm tay em dắt ra đầu ngõ
em cúi đầu thưa Mẹ con đi !

nhà gần ngõ mà thành xa vạn lý
cái trâm cài ngăn tóc xõa bờ vai
chiếc áo cô dâu thay tà áo trắng
cầm tay tôi thay sách vở mỗi ngày

xác pháo rơi đầy thay lá me bay
đường đến lớp đã mù tăm mất dấu
đôi guốc vông bỏ buồn bên bờ giậu
nhìn cô dâu hài đỏ dặm trường xa !

dặm trường xa ơi dặm trường xa lạ
em chỉ còn tôi nhận mặt người thân
mình dắt nhau đi giữa cuộc phong trần
chia tình nghĩa và sớt đều duyên nợ

em cứ theo tôi làm chồng làm vợ
như trò chơi thời thơ dại xóm nghèo
chỉ khác ngày xưa còn Cha còn Mẹ
mà bây giờ hai đứa đã mồ côi !

hai tiếng mồ côi nghe chi mà tội
để tôi buồn, rồi em cũng buồn lây
giữa đất xa quê giữa người xa lạ
tôi với em đây như bóng với hình

mình nắm tay nhau đi trọn cuộc tình
ở chốn dương gian người qua kẻ lại
cuộc trăm năm níu tình yêu trẻ mãi
như ngày nào em ra ngõ, theo tôi...

mùa lá phong 2001
Hiên Trăng Escondido

Tháng Sáu Tình Yêu Ơi!


tháng Sáu. Cúc thương em mà Cúc nở
anh thương em, cứ nói thiệt là thương
từ hai ta chung chịu nỗi đoạn trường
nhìn Cúc nở thấy tình thêm lãng mạn

nắng thương em, Nắng hanh vàng tơ lụa
đường em về Hoa Nắng rụng đầy sân
từ dắt nhau đi giữa cuộc phong trần
nắng hong sợi tình yêu thơm lụa nõn

mưa thương em, Mưa trời tơ phiến mỏng
giữ tình anh trên mỗi bước đi, về
từ tháng, năm hai đứa lạc trời quê
Mưa níu lại cho nhau từng nỗi nhớ

gió thương em, Gió nhẹ vờn suối tóc
hương hoa Chanh còn giữ tới bây giờ
từ núi sông dặm ngàn xa cách trở
gió vỗ về ru lặng nỗi đau chung

tháng Sáu. Ngày Xưa...xa biệt nghìn trùng
chỉ còn lại hương tình yêu thuở đó
anh ghi vội trong thơ-tình-giấy-nõn
em giữ giùm đừng để lạc trời xa



tháng Sáu em về qua phố mưa,2002

tháng 10 18, 2007

Sông Bến Cạn


Gởi các con Minh Trí, Thục Quyên
Minh Ðạo, Nhã Uyên để nhớ về quê khổ.



Bến Cạn, Mẹ về buổi chiều tan chợ
Cha đón trên bờ vấn điếu thuốc rê
con háo hức cứ nhìn trong rổ
lá chuối xanh bọc nắm xôi mè

Mẹ xoa đầu con tóc vàng nắng cháy
chiều quê hương cũng vàng óng ruộng đồng
con khoe Mẹ một ngày đi mót lúa
túi nặng đầy oằn cả vai con

Mẹ cười vui mà rưng nước mắt
Cha nhìn quanh, nén tiếng thở dài
giữa sông bến, chiều quê hương thầm lặng
ba dáng người ngả bóng xuống đời nhau !

Mẹ tất tả sớm chiều qua rẻo chợ
Cha cày thuê, cuốc mướn tháng ngày
con thì sáng chăn bò, chiều đến lớp
cố làm sao rước bụng chữ của Thầy...

đời đạm bạc theo tháng ngày tất bật
Mẹ nâng niu, Cha gìn giữ đời con
chiếc rổ ngày xưa, bên bờ Bến Cạn
dắt con đi từng bước nhỏ vào đời...

lúa mót ruộng đồng nuôi con khôn lớn
dòng sông quê cho con một tấm lòng
đất thơm thảo dạy tình làng nghĩa xóm
lớn lao hơn, là tình tự quê hương...

...cuộc bể dâu đuổi đời nhau xô giạt
trời quê hương gìn giữ mãi trong lòng
sông Bến Cạn đỏ phù sa năm, tháng
Mẹ có về, Cha có đợi bến sông !...

1997

Nẻo Về Trầm Mặc


Tưởng nhớ anh Phạm Ðông
( 1945 – 1996 )

Vậy là xa lắm, còn gì !
Ðường thênh thang có còn chi nặng sầu
Vậy là xa mất còn đâu !
Mộng thường một giấc lắng sâu cõi ngoài
Vậy là rũ sạch nợ đời
Tha phương giờ cũng là người tha phương
Bao năm ấy cũng là thường
Cũng thân cô quạnh, cũng đường cô đơn
Cũng là nắng quái chiều hôm
Là mưa giăng trắng nỗi buồn tháng, năm
Là thu đông giữa bụi trần
Là cay đôi mắt khóc phần số anh
Là duyên kiếp vậy ! Cũng đành
Trần ai là cõi phù sinh mộng thường !
Nẻo về trầm mặc cố hương
Lòng đau chín khúc Cửu Long sóng trào
Hàng dừa lả ngọn lao xao
Chiều quê Hồng Ngự năm nao xa vời
Nửa đi nửa ở phương trời
Nửa Cali nửa mịt mờ cố hương !...

Hawthorn
16/ 5/1996

Chiều, Giã Bạn Qua Đường Mưa


tặng Vi Vi

ta về. Chiều xuống. Mưa qua phố
giọt đọng sầu. Ghế đá. Công viên
đường Gold Coast ngã tư đèn đỏ
bấm nút. Chờ. Mưa đổi hướng. Nghiêng...

đời cũng đã nghiêng về phương lạ
sông nhánh đời ta đọng chốn đây
bạn bè chạy loạn về trăm ngả
để núi sông xưa dáng lặng sầu !

khi đứng dưới trời mưa. Ướt tóc
giật mình sợi bạc tháng, năm ơi !
cứ mãi đắng cay từng chua ngọt
nếm rã rời thụt lưỡi phù môi !

ta ở đầu Tây chói nắng chiều
bạn ở đầu Ðông ấm nắng mai
thi thoảng gặp nhau vui câu chuyện
mặt trời trốn núi, chẳng ai hay !

mai mốt buồn vui ta ghé lại
nhấp ngụm trà thơm buổi mạn đàm
chén ngọc đã treo, từ dạo ấy
bình khô. Rượu cạn ngấn. Trơ sầu...

1997, những tháng ngày còn ở gần nhau.

Tranh : họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt

Kỷ Niệm


anh đến thăm em chiều mưa mau
cái giậu mồng-tơi xanh đẫm nước
con quạ đen ngòm tìm nơi chốn đậu
chiều quê trầm thấp sát mặt đường

chùm bắp khô treo giàn mù hóng
củi bằng lăng vần đượm nồi cơm
con cá vặn người trong lòng chảo nóng
em giảu môi chờ đợi nụ hôn

khi ngoài kia trời vẫn mưa mau
nụ hôn lâu cho đầy thương nhớ
con cá chiên chịu đời không thấu
rúm người thở khét nỗi cô đơn !

buổi cơm chiều trời vẫn mưa mau
chia miếng cá đen nhìn nhau cười mỉm
sớt chén cơm khê mỗi người một nửa
tại nụ hôn lâu, đâu phải tại “ Mình” !

con cá nỗi gì khô vi khét vảy
nồi cơm nỗi gì khê đắng não nề
anh nỗi gì cho em vụng dại
ơi chiều mưa nhớ qua một trời quê...

chiều mưa 5/ 1999

Tình Em, O Huế


nì, O có nhớ đường vô Nội
dắt tui đi cho đặng tỏ tường
thay đổi quá nên chi bối rối
lâu hung rồi về lại quê hương

ngày xưa O nhỏ như hột mít
khóc nhè nì ! Làm nũng phát kinh !
mặt mũi tèm nhem, ôi chao, dị
lắm lúc mần tui phát bực mình

O ở đầu Thôn, tui ở giữa
cách nhau hàng giậu chớ bao nhiêu !
vô ra gặp mặt ngày hai bữa
kỷ niệm chia nhau kể cũng nhiều

ngày O dợm bước vô Ðại học
tui bỏ quê dấn bước giang hồ
hình O, tui giữ, là mái tóc
đôi mắt buồn che nón-bài-thơ

tui nhủ lòng mơi mốt trở về
rứa mà biền biệt tháng, năm qua
ba lô mang nặng đời trai trẻ
giày saut mòn vẹt khắp miền xa !

đôi khi nhớ Huế, buồn chi lạ
thiệt lòng mà nói, nhớ O, xưa !
nhớ đôi con mắt sầu thăm thẳm
giọt lệ che mờ buổi tiễn đưa

tui nhớ, củ khoai sùng mót được
bẻ đôi, O giựt lấy phần to
tui nhớ, tóc thề thơm hương Bưởi
bắt tội tim tôi đập vỡ bờ !

tui nhớ, ôi chao ơi, là nhớ
chỉ là nỗi nhớ để...thương thôi !
bể dâu vùi lấp, đời trôi nổi
mình tui lưu lạc, lạ phương trời

bây chừ, tui trở về thăm Huế
thiệt lòng mà nói, để thăm O
mấy mươi năm hỉ ? Nhiều vô kể...
những đổi thay đau thắt cả lòng !

đôi mắt ngày xưa nhăn nếp khổ
tóc thề bới gọn, tuyết sương pha
ngó nhau, lặng nén lòng thương nhớ
O nắm tay tui, mắt lệ nhòa

tui hiểu tình em rồi, O Huế !
mấy chục năm, chừ có phút ni
mặt mũi tèm nhem, ôi chao dị
vẫn khóc nhè. Làm nũng rứa, răng ?!...

1999

Đọc Chỉ Còn Thơ ở Lại của Trần Huy Sao


NGUYỄN MẶC HUY

Tôi rất thích đọc những bài thơ viết về Ðàlạt.

Ðàlạt, thành phố không phải là nơi chôn-nhao-cắt-rún của tôi nhưng đã rất nhiều năm tôi “chôn” đời mình ở đó. Nói thế để bạn biết rằng tôi nhận Ðàlạt như một Quê Hương mà chỉ vì một lý do bất khả kháng tôi đã phải lìa bỏ. Tôi nghĩ, người ta đâu chỉ có một quê hương. Nơi nào mình yêu thương, nơi nào mình nhớ da diết khi mình phải ở xa...nơi có những yếu tố mơ hồ ràng buộc vô hình mà gắn chặt lòng mình, hồn mình với nó...đó là một Quê Hương. Ðàlạt đối với tôi như vậy. Mà không chỉ đối với riêng tôi. Nguyễn Thị Hoàng có được tác phẩm Vòng Tay Học Trò nổi tiếng một thời cũng là nhờ đất Ðàlạt ươm mầm. Hàn Mặc Tử chỉ lên chơi Ðàlạt như người khách lãng du cũng đã để lại một tuyệt tác Ðà Lạt Trăng Mờû. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên cũng đã thành danh nhờ hai nhạc phẩm Bài Thơ Hoa Ðào và Ai Lên Xứ Hoa Ðào. Nhà văn Nhã Ca nhiều lần lên Ðàlạt trong thời làm thơ, viết văn, yêu Ðàlạt đến nỗi đặt tên cho hoa Quỳ là Vệ Ðường Hoa. Bởi vì nhà thơ thấy sau mỗi mùa mưa, Ðàlạt vàng rực hoa Quỳ đẹp biết bao !

Trường hợp Trần Huy Sao, anh không phải là người ở xa tới trú ngụ Ðàlạt. Anh là người Ðàlạt, được sinh ra và lớn lên ở đây rồi theo vận nước nổi trôi mà...nổi trôi theo vận nước. Bây giờ, qua tập thơ Chỉ Còn Thơ Ở Lại của anh xuất bản, tôi biết anh không ở xa tôi lắm. Anh hiện định cư tại San Diego, một thành phố biển phía tây nam Hoa Kỳ.

Tôi không có những tập thơ trước của anh.
Thi tập Hồn Á Ðông xuất bản trong nước hồi năm 1964.
Nhánh Rong Phiêu (thơ) xuất bản năm 1999
Xóm Ðình Ða Cát ( Tuyển tập thơ văn) xuất bản năm 2000.

Tôi chỉ có của anh một tập duy nhất, đang trước mặt tôi đây : Chỉ Còn Thơ Ở Lại. Nhưng trên nhiều báo tôi vẫn thường bắt gặp thơ Trần Huy Sao. Và mỗi lần bắt gặp như vậy, tôi thường đọc với lòng say mê thật sự. Tôi không nói liền : thơ Trần Huy Sao hay. Tôi muốn nói một điều bạn không chờ đợi: tôi muốn biết xem Trần Huy Sao nói gì về Ðàlạt !

Tập thơ Chỉ Còn Thơ Ở Lại của Trần Huy Sao do Hiên Trăng xuất bản tại San Diego năm 2002. Tập thơ thật trang nhã và dễ thương. Hình thức mỹ thuật một cách nghiêm chỉnh. Nội dung thì...chao ôi đầy Ðàlạt ! Có một vài bài tác giả để lòng cho Banmêthuột, cho Nhatrang, cho danh ca Dạ Cổ Hoài Lang (nói sai thành quen là Vọng Cổ) Út Trà Ôn...tôi vẫn thấy tâm hồn Trần Huy Sao là vầng mây bay trên vòm trời Ðàlạt vừa xanh màu trời, vừa xanh màu của rừng thông trùng trùng điệp điệp...Tôi nói, và chắc tôi không sai lầm : Trần Huy Sao vì Ðàlạt mà làm thơ. Trần Huy Sao là nhà thơ của Ðàlạt.
Tôi không phê bình hay nhận xét gì về thơ Trần Huy Sao qua tập Chỉ Còn Thơ Ở Lại. Thi sĩ Phan Ni Tấn (ND) ở Canada đã viết nơi bài tựa, đại ý cho thấy Trần Huy Sao đã có chỗ đứng trong làng thơ. Ðây đã là một lời khen thơ thật tế nhị. Có điều Phan Ni Tấn (ND) nói sai một chút về địa danh. Trần Huy Sao ở Ðàlạt, ở nơi gọi là Cây Số Bốn chớ không phải là Khu Số Bốn – sở dĩ gọi thế vì từ Bưu Ðiện Ðàlạt lên khu đó đường dài 4km (thí dụ khác : từ Bưu Ðiện Ðàlạt lên Ða Thành dài 6 km, người ta thường gọi Ða Thành là Cây số Sáu ). Cây số 4 gồm có các xóm (hay Ấp) Ða Cát, Ða Trung và Ða Thuận. Nhà thơ Trần Huy Sao ở xóm Ða Cát.

Ở cuối tập thơ Chỉ Còn Thơ Ở Lại , nhà báo Lương Thư Trung có bài bạt. Ông nói khá đầy đủ về thơ Trần Huy Sao viết về Ðàlạt và nhất là Ông đã “chấm” rất ân cần các tác phẩm của Trần Huy Sao với hầu hết điểm số cao. Lương Thư Trung đã nói thay tôi : “ Ở đo ùù(tức nhà thơ Trần Huy Sao) không có những suy tưởng quá cao siêu mà chỉ là nỗi nhớ, nỗi chờ mong và niềm lưu luyến về một vùng đất có tên Ðàlạt với nhiều kỷ niệm “. Ðọc thơ, thiết tưởng, cũng chỉ cần vậy. Theo tôi thế là đủ. Nhiều người làm thơ cầu kỳ kiểu cách quá, mang tính cách triết lý mà chẳng để lại gì trong tâm tưởng người thưởng ngoạn. Trần Huy Sao, rất nhẹ nhàng, dẫn tôi về Ðàlạt, về con phố Minh Mạng, về con dốc chùa Linh Sơn, về với thác Cam Ly...Anh không tả cảnh mà anh nói nho nhỏ bên tai người đọc thơ anh cái tình lâng lâng, nhè nhẹ nhưng sâu sắc, thấm thía một cách lạ lùng – ấy là tình Quê Hương ! Quê hương Ðàlạt có khác nhiều nơi khác, nó thơ mộng, nó lãng mạn, nó tình tứ ngọt ngào...

Trong bài Nơi Chốn Ði Về Trần Huy Sao viết thật chân thành :
Mai tôi về, người đừng hỏi về đâu
Ở nơi chốn mịt mù vô tận
Nơi chốn đó tôi chưa hình dung thấu
Nhưng tôi sẽ về nơi tôi phải về...

Tôi biết nơi Trần Huy Sao sẽ về, phải về. Nơi ấy là Ðàlạt. Chỉ có thể là Ðàlạt thôi. Tôi cầu chúc anh về bình yên và ở mãi đó. Tôi cũng mong có nhiều dịp được thưởng thức thơ anh viết về Ðàlạt, một nơi tôi đã nói rồi, đó cũng là quê hương của tôi, của nhà tôi, của các con tôi !

Xin cám ơn những lời thơ thật đẹp, thật nhẹ nhàng mà tha thiết về Ðàlạt của Trần Huy Sao.

Santa Ana tháng 7/2003
NGUYỄN MẶC HUY

Đọc Thơ Trần Huy Sao, Nhớ Đà Lạt


LƯƠNG THƯ TRUNG

Dường như đã qua rồi hơn ba-mươi-năm mà sao lòng tôi vẫn không quên Ðàlạt !
Thành phố vùng cao nguyên lúc nào sương mù cũng bay là đà như đôi mắt người tình vương vương nỗi nhớ xa xăm mù mịt. Những hàng thông thẳng đứng đang nghiêng nghiêng theo những triền dốc trong thành phố như đang bò lên một con dốc ở cuối tầm mắt lúc nào cũng mờ mờ trầm mặc.

Nhớ lần ấy, tôi đếm những gốc thông vụt qua con đường dẫn về thác Cam Ly róc rách tiếng nước trong leo lẻo, trên chuyến xe rời thành phố ra phi trường Cam Ly bên ngoài thành phố để chờ chuyến bay của Usaid trở về Sàigòn. Tôi nghe rừng thông cũng ê ẩm nỗi buồn…

Rừng thông Ðàlạt bao mùa vẫn thế. Vậy mà sáng nay tôi lại hỏi thăm một người con gái vừa từ Ðàlạt ghé qua chốn này và được biết bây giờ người ta phá rừng vô tội vạ. Thông không còn xanh mượt như ngày xưa mà thay vào đó là những căn nhà cho một đời sống điện toán… Nhưng tôi vẫn hy vọng tai mình già rồi nghe không rõ để mà nhớ về Ðàlạt của ngày xưa như Trần Huy Sao có lần ghi lại :

Tôi trở về phố mưa tràn thương nhớ
Bóng đổ dài qua những phố quen xưa
Trời Ðàlạt. Mưa.Thiệt buồn quá đỗi
Phố đìu hiu vắng lạnh giữa mù mây
(Mưa,trích Xóm Ðình Ða Cát, trang 41)

Nỗi nhớ của Trần Huy Sao cũng chính là nỗi nhớ của tôi, của Bạn hay của một người nào đã hơn một lần cho nhau những nụ hôn giữa cơn mưa chiều của thành phố sương mù làm bịn rịn lòng người ra đi hay xót xa kẻ ở lại giữa cái buồn man mác :

Ðường Xóm nhỏ hắt hiu vàng ánh điện
Mây đuổi nhau vần vũ hướng núi Bà
Con dốc Ngô Quyền chia tay bịn rịn
Nụ-hôn-mưa cho một lần chia xa...
(Mưa, trích XÐÐC trang 41)

Xin mở ở đây một dấu ngoặc, dường như trong thơ Trần Huy Sao, tác giả không dùng chữ nào mới mẻ cầu kỳ, chỉ những từ ngữ bình dị thôi nhưng sao nghe nó tê tái cả cõi lòng ! Những từ “quá đỗi”, “đìu hiu”, “vắng lạnh” đâu phải là những chữ mới nhưng sao nó vẫn mang đến cho người đọc cái cảm giác xót xa biết bao

Rồi có lần nào Bạn đã ghé lại cà phê Tùng hay những con dốc quen tên như dốc chợ Hòa Bình, dốc đường Duy Tân, dốc đường Bà Triệu qua chiếc cầu đúc lên ngược khách sạn Ngọc Lan nằm chơi vơi trên ngọn đồi nhìn xuống mặt hồ Xuân Hương mờ mờ dưới kia quyện trong màn mưa nhẹ. Nhưng bạn có lẽ cũng nên mon men theo Trần Huy Sao để thăm quê anh, xóm đình Ða Cát hay con dốc Nhà Bò của Bạb, của tôi :

Tình cờ gặp anh, người Ðàlạt
Nhắc lại ngày xưa,thoáng chạnh lòng
Tôi ở tận xóm đình Ða Cát
Còn anh, ở cuối dốc Nhà Bò

Con dốc đi lên khòm người xuống
Ði về, người muốn bật ra sau
Anh cười, tôi biết, là cười gượng
Lòng đang da diết nhớ quê xưa !
(Ðàlạt Gần Xa Từ Nỗi Nhớ, trích XÐÐC trang 96)

Nhưng có lẽ nỗi nhớ của Trần Huy Sao dành cho Ðàlạt không chỉ dành cho những ngày mới biết yêu với nụ hôn đầu trong ngày giáp Tết, khi ngồi canh bánh Tét :

Ðêm cuối Chạp tiết trời se lạnh
Nhưng lòng anh ấm lắm, nụ-hôn-đầu
Ðừng giận gì anh nghe em yêu dấu
Dấu hôn môi dính mỡ đầy má em !
(Kỷ Niệm Ngày Xuân, trích XÐÐC trang 112)
mà nhà thơ của chúng ta còn xót xa cho cái kiếp đời lưu lạc xa nguồn biền biệt không hẹn ngày về ghé lại một chuyến thăm :

con chim Sâu ở đồi Trọc, rừng Ngo
có thấy con diều đứt dây trốn chạy
con cá Tràu ngược dòng Cam Ly Hạ
có thấy lòng tôi đau xót, xa nguồn !
(Dấu Vết Thời Gian trích XÐÐC trang 110)

Với “dấu thời gian rêu cỏ phủ lối về…”, nhưng cứ mặc, Trần Huy Sao vẫn nghe vang vọng đâu đây trong giấc ngủ tiếng người thương thì thầm bên tai :

Em vẫn chờ anh về. Vẫn đợi
Cỏ rêu năm, tháng mặc cho đời
Trăm năm cũng chỉ là giây khắc
Vẫn cứ chờ và, cứ đợi thôi…
(Ðừng Ðể Ðời Lưu Lạc, trích Nhánh Rong Phiêu trang 67)

Và Trần Huy Sao lại quặn thắt trong tim khi anh thì thầm với Ðàlạt như nói với người yêu ngày nào qua nỗi nghẹn ngào đầy xúc cảm :

Tôi vẫn nhớ em. Nhớ hoài Ðàlạt
Dù cách xa mà cứ ngỡ như gần
Em chẳng thể – bởi vì em đã
Có trong tôi, đằm thắm những ngày xưa...
(Ðàlạt Ơi, Giữa Lòng Em Có Tôi trích NRP trang 79)

Nhưng có lẽ, với Trần Huy Sao, anh làm thơ không cầu văn hay chữ lạ mà chỉ gởi gắm chút tình như một lần tác giả tâm sự với người cùng quê hương xóm đình Ða Cát của Ðàlạt ngày nào :
Tiễn em về tôi đọc một đoạn Thơ
Em rưng lệ thương đời tôi lận đận
Cảm ơn em có chút gì để nhớ
Giữa xôn xao cuộc sống thăng trầm

Thơ tôi viết chẳng có gì trau chuốt
Chẳng cao xa,chẳng làm vẻ khác người
Chỉ chân thật một tấm lòng não nuột
Ðời buồn tênh từ một cuộc đổi đời…
Và :
Nói thì vậy. Thôi, em về kẻo tối
Chiều bâng khuâng nắng lạc bên đồi
Mai mốt rảnh, buồn vui em cứ tới
Ngườicùng quê thì chỉ bấy nhiêu thôi
(Lời Tâm Sự Cùng Em, NRP, trang 51)

Thành ra, đến với thơ Trần Huy Sao, người đọc hãy đến bằng trái tim rung cảm hết sức giản dị của một tâm hồn nhạy cảm như chính nhà thơ mới mong tìm ở thơ anh điều mình cần tìm. Ở đó không có những suy tưởng quá cao siêu mà chỉ là nỗi nhớ, nỗi chờ mong và niềm lưu luyến về một vùng đất có tên Ðàlạt với nhiều kỷ niệm.

Ngoài Thơ ra, Trần Huy Sao trong tuyển tập thơ văn Xóm Ðình Ða Cát, tác giả còn cho người đọc thưởng lãm những truyện ngắn và tùy bút viết về Ðàlạt với bút pháp cũng giản dị như vậy mà tình cảm chứa đựng trong ấy thật là một nỗi niềm xót xa cảm động biết bao ! Vì giới hạn trong bài viết ngắn về nỗi nhớ Ðàlạt khi đọc thơ Trần Huy Sao, nên không tiện trích ra đây.

Lần nào cũng như lần nào, khi đi ngang qua những rừng thông nơi này, nhìn cái dáng đứng im lìm của một loại rừng nguyên sơ nơi đây lòng tôi bỗng nhớ về con dốc Bà Triệu, nhớ đồi Cù, nhớ Giáo Hoàng Chủng Viện, nhớ cà phê Tùng, nhớ Ðập Ðất, nhớ Ðơn Dương, Lạc Dương, nhớ thác Cam Ly, nhớ Ðàlạt…Những dấu chân ngày nào với ai đó đếm bước đi, giờ có lẽ đã “rêu cỏ phủ lối về” như thơ trần huy sao diễn tả, nhưng trong lòng không thôi hết tương tư về chốn cũ mấy mươi năm…

Hết “ Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu “, tập truyện của Nguyễn Xuân Hoàng, giờ đến những dòng Thơ (và Truyện) của Trần Huy Sao luôn luôn là những gợi nhớ trong tôi về Ðàlạt cùng tuổi trẻ với nhiều kỷ niệm quá dễ thương mà tôi có ở đó.

Xin cảm ơn Ðàlạt với những kỷ niệm đẹp ngày nào và xin cảm ơn tác giả đã mang lại cho người đọc một chút tình và một chút quê hương qua Thơ Văn của quý vị như vậy.

LƯƠNG THƯ TRUNG


Tài liệu trích dẫn :
Nhánh Rong Phiêu (thơ) Trần Huy Sao (1999)
Xóm Ðình Ða Cát (tuyển tập thơ văn) Trần Huy Sao (2000)

Chiều Nghiêng Xuống Phố. Em,


đôi con mắt liếc đa tình
cho tôi lạc cả phận mình, theo em
chiều nghiêng xuống phố. Chiều nghiêng
mưa giăng phiến mỏng cho phiền dỗi sâu
vàng thu lá rụng đời nhau
hay là hạ nắng nghe đau tháng ngày
anh tìm trong cuộc tình đầy
chút hương và, nhớ. Chút sầu và, mơ
để chiều lắng đọng trong Thơ
chiều nghiêng xuống phố, ngẩn ngơ một mình...

1997
---------------
Chiều Nghiêng Xuống Phố, phổ nhạc : Nguyên Hồng

Trang Thân Hữu : Ngôi Trường Cũ và Thơ Trần Huy Sao


LÊ HỮU
Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn
(Khi Tôi Về, Nguyễn Đình Toàn )


“ Mỗi người đều cần có một ngôi trường để luyến tiếc, để nhớ về...”
Tôi đã nghe câu ấy ở đâu. Dường như là một người nào đó đã nói vậy trong cuộc hội ngộ kỳ thú của nhóm bạn cũ, những người có chung một bề dày kỷ niệm về những năm sống dưới cùng một mái trường ở thị trấn miền cao nguyên đất đỏ.

Cuộc hội ngộ, hai năm trước, trong ngôi nhà có phòng khách rộng. Trần Văn Chính, người bạn học cũ, đón gia đình tôi về nghỉ qua đêm. Nơi ấy tôi đã có dịp gặp lại những khuôn mặt, những bè bạn thân quen mà trước đó tưởng chẳng bao giờ còn gặp lại trong cõi sống mịt mùng, sau cuộc đổi đời cách nay hơn một phần tư thế kỷ.

Gặp bạn cũ sau nhiều năm cách biệt, cái cảm giác ấy lạ lắm, thú vị lắm. Ðấy là cái cảm giác của những phút đầu bỡ ngỡ, vừa mới cừa cũ, vừa lạ vừa quen. Sau cùng thì chúng tôi cũng nhận ra nhau, nhận ra những anh em, bè bạn một thời nào, cho dù chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi mấy vòng. Cho dù những nét đổi thay, những tàn phai nhan sắc, những dấu chân chim, những vết-hằn-năm-tháng đã ít nhiều trên khuôn mặt từng người.

Thật khó mà tưởng tượng, tôi có cơ may được “hội ngộ” cùng một lúc đến nhiều người như vậy. Tất cả, những người bạn tôi, những con người đã tuyệt tích giang hồ đã bao năm, nay bỗng nhiên như từ phía sau tấm màn quá khứ bước ra, xuất hiện cùng lúc, nói cười, đi lại như trong một giấc mơ kỳ lạ...Ðến từ nơi xa nhất (Toronto) phải là vợ chồng Phan Ni Tấn, “tay thơ tay nhạc”. Cặp Hoàng Ðình Khôi&Ký Ðiệu, “anh đàn em hát”. Rồi Trần Huy Sao, cựu “chưởng môn” Thi văn đoàn Sao Dị Hình Banmêthuột mấy mươi năm về trước. Rồi Trần Vịnh “người anh cả”, tóc bạc như cước, phong thái điềm đạm của một ẩn sĩ. Và còn những ai nữa, tôi không làm sao nhớ hết, những người bạn văn nghệ của chủ nhà : đôi vợ chồng người họa sĩ quen tên ( sau này, tôi biết đó là họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt và ca sĩ Diễm Châu, cũng là nhà văn Tôn Nữ Quỳnh Dao), những nhà thơ mang theo những thi tập, những nhạc sĩ mang đến những cây đàn, những giọng hát, những giọng ngâm... Tất cả, những con người thật đặc biệt của vùng đất San Diego hiền hòa, hiếu khách. Và, tất nhiên, đặc biệt hơn cả vẫn là chủ nhân “ngôi nhà có phòng khacùh rộng”, Chính &Vân Anh, thật hào sảng, nghệ sĩ và rất quý bạn bè.

Chúng tôi ngồi quây quần, nói đủ thứ chuyện trên đời. Nhắc nhớ đến tên những người Thầy người bạn, những bạn gái bạn trai, bạn cùng lớp, bạn khác lớp. Những người chúng tôi yêu và ghét, những người còn sống, những kẻ đã chết...Chúng tôi kể nhau nghe những chuyện xưa tích cũ,có lúc người này quên, có khi người kia nhớ. Những câu chuyện kéo dài, nối tiếp nhau như những câu chuyện “ngàn lẻ một đêm”. Chúng tôi nói bằng thứ ngôn ngữ riêng, người ngoài cuộc không cách chi hiểu được. Chúng tôi nói hoài không hết chuyện, chuyện không đầu không đuôi, cũ rích cũ rơ nhưng lúc nào cũng vẫn cứ mới, vẫn còn hấp dẫn. Và nhiều nhất vẫn là những câu chuyện vui buồn xoay quanh ngôi trường cũ. Thuở ấy, chúng tôi còn trẻ quá, còn sôi nổi quá, còn tha thiết quá, còn yêu người yêu đời quá...Thế rồi năm tháng êm đềm vụt biến mất, cơn bão của lịch sử đã cuốn phăng đi tất cả, cuốn phăng chúng tôi đi, cuốn phăng biết bao nhiêu số phận ( mà chúng tôi chỉ là những cọng rơm nhỏ nhoi, vặt vãnh và tầm thường). Ngôi trường ấy không còn là ngôi trường của chúng tôi nữa ! Chúng tôi tan tác như bầy chim hoảng loạn, mỗi đứa một phương.

Giờ đây, sau khi những cơn bão những trận lụt đã đi qua, như những cánh chim đã bay một vòng bay quá dài qua bao mùa giông tố, chúng tôi lại gặp nhau đây, lại cùng ôn chuyện cũ, cùng chiếu lại cho nhau xem những thước phim thật cũ kỹ nhưng cũng thật quý giá về những ngày vui xa lắc, về một thời nào có trường có lớp, có Thầy có bạn, về một mùa nào áo xanh áo trắng trên sân trường. Những ngôi trường và những bè bạn dưới cùng một mái trường, đó là tuổi thơ, là tuổi xuân, là tuổi trẻ của tôi, đó là những phần đời, những mảng quá khứ không dễ gì từ bỏ, cắt lìa... Giờ đây, chúng tôi tìm được, nơi những người bạn học mình, chiếc gương soi lại những đời người đã cũ. Chúng tôi tìm đến nhau như tìm chút ý nghĩa cuộc sống, như tìm một nơi nương náu, như tìm một bếp lửa để sưởi ấm đời nhau.

Tôi vẫn biết có những cô cậu học trò “ngày xưa còn bé” (mà giờ đây đã “tà tà bóng ngả về tây”).Có những người thầy khả kính, những cô giáo hiền thục ngày xửa ngày xưa(mà giờ đây đã như chiếc lá vàng thu sắp sửa lìa cành), cho dù đường đời có trăm sông ngàn suối, cho dù cuộc sống có lăn lộn nổi trôi, vẫn cứ mỗi năm một lần, như bầy chim xa xứ, náo nức rủ nhau bay về một điểm hẹn như những “cánh chim tìm về tổ ấm”. Gặp nhau chỉ để nói, để kể cho nhau nghe về ngôi trường kỷ niệm, để trông thấy lại ngôi trường cũ qua hình ảnh người thầy, người bạn. Những tình cảm trường xưa bạn cũ ấy, những tình thầy trò, tình bè bạn ấm áp ấy, đôi lúc đã là điểm tựa, là đôi nạng nhiệm mầu nâng đỡ con người trong những phút chông chênh, nghiêng ngả giữa dòng đời tất bật hay kiếp sống tha hương.

“ Ðến một tuổi nào đó người ta không thể có thêm được những người bạn mới, trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần”, ai đó trong số những người ngồi quanh tôi đã nói như thế. Câu ấy quả có đúng. Tình bạn cần có một bề dày của sự gắn bó, của sự hiểu biết, cảm thông và tin cậy. “Bạn” là người thực tâm mong muốn những điều tốt lành cho bạn mình, thực tâm vui sướng vì sự thành công và hạnh phúc của người bạn mình như của chính mình vậy( dẫu có “qua mặt” mình đi nữa). Những người bạn như thế làm sao có nhiều được(?). “Bạn” là khuôn mặt thật, không điểm phấn tô son. “Bè” là chiếc mặt nạ, với nhiều lớp phấn dày. Như cuộc sống có hai mặt phải, trái, con người vừa có bạn vừa có bè. Rủi thay, bè lúc nào cũng nhiều hơn bạn. Những người tưởng rằng mình có nhiều bạn, thực ra là những người không có bạn hoặc có rất ít bạn( và không biết đâu là bạn đâu là bè). Tình bạn thực sự chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của một bàn tay( và ít khi đếm hết được). Những người ở quanh ta trong những cuộc vui ồn ào mà ta tưởng là “bạn”, thường chỉ là “bè”. Như những cuộc vui chóng tàn, những người “bạn” ấy cũng nhanh chóng biến mất khỏi đời sống chúng ta ( hay tệ hại hơn, có khi còn quay đầu ngoái cổ, phun ra những nọc độc của lòng đố kỵ). Tình bạn thường “tĩnh” hơn là “động”, thường lắng đọng hơn là ồn ào. Những con người ta dễ lầm tưởng là “bạn” ấy, nhiều lắm cũng chỉ đi với ta một đoạn đường ngắn ngủi, và cũng không khác mấy những anh chàng, những cô nàng vớ vẩn mà ta có lần “đụng” phải, có lần gặp gỡ phất phơ đâu đó trong đời này, nói dăm ba câu chuyện rồi chia tay, đường ai nấy đi và chẳng bao giờ còn gặp lại lần thứ hai.

Tôi có rất ít bạn, những người bạn chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của bàn tay trái, và con số này cứ hao hụt dần mà không kiếm đâu ra để mà thay thế. Càng lớn tuổi người ta càng cảm thấy cô đơn là vì vậy. Tôi đã qua cái tuổi để có thêm những người bạn mới. Quỹ thời gian tôi chẳng còn được bao nhiêu, những con người tôi gặp gỡ về sau này làm sao có đủ bề dày của một tình bạn. Tôi còn cách nào khác hơn là cố mà giữ lấy và yêu lấy những tình bạn cũ kỹ và hiếm hoi còn sót lại.

Ðêm hội ngộ, đêm tay bắt mặt mừng. Một đêm như thế làm sao trút cho vơi những tâm sự, làm sao dốc cạn những nỗi niềm...Chúng tôi đã phải hẹn nhau một ngày tái ngộ, mùa Hè năm tới, hay năm tới nữa. Thế nào cũng có một mùa Hè. Năm tới nữa không xong thì nhất định phải là năm hai-ngàn-lẻ-năm, năm đánh dấu một event trọng đại : ngôi trường của chúng tôi vừa tròn năm mươi tuổi. “ NửaThế Kỷ Voi Rừng chứ ít sao !”, một người nói vậy( ngụ ý nhắc tới phù hiệu “ đầu voi” – biểu tượng của ngôi trường – trên ngực áo đồng phục các cô, cậu học trò một thuở nao. “50 Năm Trường Cũ”, một người khác đổi lại, cho dễ hiểu hơn. “ Không phải, là “50 Năm Tình Cũ” chứ”, một người khác hỏi. Thế là chúng tôi mỗi người thử đặt cho cái event ấy một cái tên gì đó, thật kêu, hoặc văn vẻ, hoặc...tiếu lâm, như là “ Gặp Gỡ Mùa Hè”, hay “ Ðại Hội Võ Lâm”, hay cái tên có vẻ...phim Tàu là “Long Hổ Quần Anh Hội”!

Càng về khuya những câu chuyện càng thêm vui, càng thêm gần gũi, thân mật. Ngồi quanh tôi, phút này đây, là những bạn bè cũ, mới, là đêm mùa Hè êm ả, là đêm Thơ và Nhạc chảy tràn như suối...Và không gian, thời gian như đọng lại:
ngồi quanh những bạn bè xưa cũ
và những bè bạn mới quen thôi
gom chung bàn chật, không gian chật
đêm đổ tràn ra giọng nói cười
( Miếng Bạn Miếng Bè, thơ Phan Ni Tấn(ND))

“Bạn cũ như rượu cũ, càng để lâu càng ngon”. Tôi nhớ đã có uống một chút rượu, đêm ấy, không biết có phải là đã được rót ra từ chai rượu thật cũ nào của chủ nhà, nhưng một người nào đó trong số những người ngồi quanh tôi đã nhắc tôi câu ấy, đã nhắc cho tôi nhớ tôi đang ngồi giữa những tình bạn thật ấm áp, thật dễ chịu. Bạn cũ tôi còn đây, nhưng ngôi trường cũ tôi biết có còn đấy hay đã mất dấu, đã chìm khuất trong ký ức nhạt nhòa.

Tháng trước nói chuyện với Phan Ni Tấn qua phone, trong một lúc chợt nghe Tấn hỏi “Nhớ đêm ngủ lại San Diego chứ ?”. Câu hỏi bất chợt, tôi không kịp nghĩ ra chuyện gì là chuyện gì. “ Nhớ chứ, làm sao quên được” tôi trả lời cho qua chuyện. “Nhớ gì?”, Tấn lại hỏi. Tôi ngẫm nghĩ không biết...nhớ gì vì có quá nhiều thứ để nhớ. Sau cùng, tôi nói “ Nhớ tiếng kèn Saxo.”. Tại sao lại tiếng kèn? Tại sao không phải là chuyện gì khác?...Không hiểu sao tôi cứ nhớ đôi mắt nhắm nghiền, nhớ vẻ mặt nhăn nhúm, sầu thảm của anh chàng thổi bài kèn ấy. Không hiểu sao tiếng kèn nghèn nghẹn ấy cứ theo tôi, theo tôi mãi. “ Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ...” ( Biển Nhớ, Trịnh Công Sơn). Một bài tình buồn, một “biển nhớ” chứ ít sao! Tiếng kèn đưa tôi về khoảng không gian, thời gian nào xa thẳm. Tiếng kèn đánh thức những nhớ thương dịu dàng. Thành phố ấy. Ngôi trường ấy. Những năm tháng sống và những năm tôi bỏ trường bỏ lớp...Tôi đã đi biệt, đi mãi, chưa một lần về thăm ngôi trường cũ, về thăm một phần đời tôi còn gởi lại chốn ấy. “ Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng...”Tiếng kèn saxo buồn bã, réo gọi...”Nhớ gì nữa ?”, Tấn lại hỏi. Tôi nói “Nhớ câu thơ Trần Huy Sao”
...ai chẳng có một thời rưng rưng nhớ
một thời thôi, là đủ để buồn vui...
(Về Qua Banmêthuột )

Tôi nhớ hai chữ “rưng rưng”. ( Nếu không có hai chữ ấy, chắc tôi sẽ chẳng nhớ câu thơ). Câu thơ nghe “rưng rưng”. Nghe rất...Trần Huy Sao. Anh có “một thời”, tôi cũng có “một thời” vậy. Cái thời của anh, của tôi và của những bạn bè cùng lớp, cùng trường chắc cũng không khác nhau bao nhiêu. Ai lại chẳng có “một thời rưng rưng nhớ” ấy.

Tôi nhớ đã nghe câu thơ ấy qua một giọng ngâm nữ. Tôi cũng nhớ, không khí lúc ấy yên lặng quá. Ðêm sâu lắng. Không còn một thứ tiếng động nào khác ngoài giọng ngâm ấy. Mọi người đã tạm ngưng những câu chuyện, chăm chú lắng nghe thơ. Tôi cũng chăm chú lắng nghe thơ. Thơ nói về một quê hương kỷ niệm, về một thời tuổi trẻ, một tình yêu đầu và những ngày vui đã xa như dĩ vãng. Rồi một giọng ngâm khác và những câu thơ khác, tôi nghe loáng thoáng hình ảnh một ngôi trường, những lớp học...Nói chuyện thơ, trong tập Thơ anh gởi tặng, có một bài tôi cứ đọc đi đọc lại. Thơ kể lại chuyến về thăm ngôi trường cũ, về thăm lại chốn xưa quê nhà :
chả mấy lúc ghé về thăm chốn cũ
kể từ khi rời bỏ mái trường quen
gởi lại sau lưng mưa-bùn-nắng-bụi
và tháng năm, phải nói, rất êm đềm...

“Về thăm chốn cũ”, để thấy gì, để gặp lại những gì ?
Banmêthuột của một thời mất dấu
lạ trong tôi từ mỗi ngã tư đường...
(Dẫu Một Ðời Phiêu Bạt)

“Lạ” đến thế sao?!. “Mất dấu” thật sao?!

Tôi đọc, hình dung thấy cái thị trấn buồn thiu “mưa bùn nắng bụi” ấy. Hình dung thấy anh đứng đó,ngơ ngác như kẻ lạ giữa nơi chốn đầy ắp những kỷ niệm. Nơi chốn mà anh đã từng ước ao, đã luôn háo hức tìm về để rồi phải ngỡ ngàng, hụt hẫng trước những đổi thay của từng góc phố, của mỗi con đường...
tôi về lại thấy trường xưa lớp cũ
mà không hề thấy lại được ngày xưa...
...
mây thầm lặng giữa nắng Hè cố quận
và nỗi buồn tôi rải muộn sân trường...
(Khi Về Qua Banmêthuột)

Tôi đọc, hình dung thấy ngôi trường im lìm, thấy sân trường vắng lặng, thấy ngàn năm mây trôi, thấy một nỗi ngậm ngùi.

Tôi đọc,hình dung thấy bước chân anh tạt ngang qua đó, thấy anh đứng tần ngần trước cổng trường đó, một mình đối bóng...Tôi không chắc ngôi trường cũ đã nhận ra anh, cho dù anh có tạt ngang mấy bận, có đứng mãi nơi ấy hàng giờ. Ngôi trường vẫn nhìn anh dửng dưng, lạnh lùng. Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, ngôi trường cũ, người bạn thân thiết thuở nào, như đã thay hình đổi dạng, như đã hóa thành một người khác.

Tôi thấy anh đứng mãi nơi ấy, dõi mắt đăm đăm về phía cổng trường, như người về lại bên cầu, nhìn dòng sông đời mình chảy xiết, nhìn nước đi đi mãi không về. Có ai tắm lại được hai lần một dòng sông đâu ! Bao nhiêu là nước chảy dưới chân cầu, bao nhiêu là mây trôi trên bầu trời xanh kia, thời gian vẫn cứ lạnh lùng... Vậy mà Trần Huy Sao, anh cứ muốn về thăm !...Thử đọc thêm ít câu lục bát :
mai tôi rủ phượng về thăm
đỏ au lớp học xanh đằm sân chơi
bạn bè tôi củng cố mời
dù nay đưá ở đứa rời dương gian
... ...
tiếng ve, tôi củng cố nài
râm ran chút đỉnh cho dài đường quen...
(Tháng Hạ)

“Ðỏ au”, “xanh đằm”, tôi chưa hề nghe ai nói vậy khi nào. Những màu sắc của cây cỏ, thiên nhiên như được anh tô đậm thêm từ những nỗi niềm riêng.. “Về thăm...”, nghe anh rủ rê, tôi cũng muốn về thăm lại, nhìn lại một lần để thấy lòng mình buồn vui ra sao(?). “ Chùm phượng vĩ, tiếng ve gọi Hè, bạn bè, lớp học, sân chơi, ,...”, trong những trang thơ anh, ta vẫn gặp rải rác những hình ảnh, những âm thanh như thế, thật gần gũi với ngôi trường, gần gũi với một thời tuổi trẻ, khiến thơ anh lúc nào cũng “trẻ trung”, như trái tim anh không lúc nào “già”, như kỷ niệm về ngôi trường ấy lúc nào cũng vẫn còn tươi rói.

Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những người Thầy người bạn, những lớp học, những giờ ra chơi và một sân trường kỷ niệm.

Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những hình dáng, những khuôn mặt, những màu áo xanh thắm, những cánh Phượng đỏ rực, những bài thơ học trò, mây bay ngoài cửa lớp, mối tình đầu vụng dại...

Tất cả những nhớ và nhớ ấy đều có ở trong thơ Trần Huy Sao.

Ðọc bất cứ bài Thơ nào của anh, bài thơ nhỏ thôi, “Phố Bụi, Những Tình Thơ”mới đây chẳng hạn, ta dễ dàng gặp những “nhớ và nhớ” ấy. Nhớ gì? Nhớ thành phố Bụi-Mù-Trời( anh đặt tên là Phố Bụi ), thành phố anh đã sống gần hết những năm tuổi trẻ, thành phố của “ bông cà phê trắng, giọt cà phê đen...”

Nhớ gì nữa?. Nhớ một tà áo, một vành nón nghiêng nghiêng...
em nón lá nghiêng che thời con gái...

Nhớ gì nữa?. Nhớ cánh Phượng đỏ thắm như cánh môi người mình thương :
chẳng phải vô tình mà thương hoa Phượng
chỉ vì môi em đỏ thắm nụ cười...

Những chữ “phượng” viết hoa nằm rải rác đâu đó trong những trang Thơ không rõ có phải là chút niềm riêng anh gởi vào trong Thơ (?). Tôi đã không hỏi Trần Huy Sao câu ấy, cũng như không hỏi anh đã sống như thế nào trong những năm nghiệt ngã ấy, sau những biến cố khốc liệt, những đổi thay đến tận cùng của đất nước, đến tận cùng đời sống của mỗi con người. Trong lúc chuyện trò, tôi chỉ nói rất vui biết anh...vẫn còn làm Thơ. Tôi nói thế vì biết có nhiều người trước đây vẫn từng làm Thơ, nay không làm Thơ được nữa( vì mỗi người chỉ có “một thời để làm Thơ”, vì ngọn lửa trong Thơ đã tắt ngúm, vì dòng thi hứng đã cạn nguồn, hay vì lẽ gì đấy tôi không biết được ), và có nhiều người trước đây chưa từng làm Thơ, nay quay ra ...làm Thơ.

Thực tình tôi không thấy có gì khác nhau lắm giữa những người-làm-thơ và những người-không-làm-thơ, và tôi cũng biết có những người cả đời không bao giờ làm một bài Thơ nào nhưng lại có “tâm hồn thi sĩ ” hơn cả những người chăm chỉ làm Thơ . Tôi cũng từng gặp những con người thật là nghệ sĩ nhưng chẳng bao giờ thấy cần phải hút thuốc, uống cà phê hay uống rượu...(có thể là họ “ nghiện ngập “ cái gì khác không chừng ). Vậy thì làm Thơ được cũng tốt mà không làm Thơ thì cũng...đâu có sao! ( Có nghĩa là không cần phải tự hỏi : “ Nhiều người làm Thơ quá, tại sao mình không...làm Thơ ? ).

Nói thế để thấy rằng “ làm Thơ hay không làm Thơ “ không phải là chuyện gì quan trọng ( nếu không phải là chuyện lẩm cẩm ), và cũng để thấy rằng Trần Huy Sao, anh có cả hai : vừa làm Thơ không mệt mỏi, vừa rất là nghệ sĩ tính. Anh làm Thơ cả trong cách nói, cách viết và...cách sống nữa. Anh làm Thơ thật thoải mái, dễ dàng.

Tôi biết Thơ anh được nhiều người tìm đọc, và tôi cũng nhớ cô gái đứng cạnh tôi đêm ấy, nhớ những ngón tay xinh xắn lật lật những trang báo của tờ tạp chí quen thuộc và dừng lại ở trang nào để đọc bài thơ tình mới nhất của Trần Huy Sao cho mọi người cùng nghe:
thời mới lớn trời hành cơn sốt lạ
chân đuổi theo tình bước thấp bước cao...
(Phố Bụi, Những Tình Thơ)

Trần Huy Sao là vậy. Trong bất cứ bài Thơ nào của anh, người đọc cũng dễ dàng tìm thấy những câu Thơ thú vị như vậy. Anh nói “ cơn sốt lạ “ chứ không nói “ tương tư là bệnh của tôi yêu nàng “ như Nguyễn Bính.

Trần Huy Sao là thế. Trong lúc chàng Huy Cận thuở mới lớn chỉ biết thẫn thờ “ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư “ thì chàng Huy Sao đã lận đận lao đao “ bước thấp bước cao “ trên con đường tình gập ghềnh.

Tôi biết vì sao mọi người thích Thơ anh. Dễ hiểu thôi, mỗi người đều ít nhiều bắt gặp mình trong những trang Thơ ấy, bắt gặp mình “ chân đuổi theo tình...”, bắt gặp mình vật vã vì “ cơn sốt lạ” tình yêu...Như chúng tôi, như những bạn bè của anh trong đêm ấy, đã bắt gặp mình, gặp bạn bè mình, gặp ngôi trường mình trong Thơ anh.

Bài Thơ tình mới nhất của anh gởi về Phố Bụi là bài Thơ mới nhưng...không mới, hay chỉ được...làm mới lại từ bài Thơ tình nào trước đó, bài Thơ tình trước cổng trường được anh viết ra cách đây đã nhiều năm. Bài Thơ, là chút tình anh gửi về ngôi trường cũ, gửi về “ một thời để yêu và một thời để...rưng rưng nhớ”.
Ðọc thơ Trần Huy Sao để nhớ, để yêu thêm những mái trường.

Trần Huy Sao, phải nói thật một điều, anh yêu quý mái trường ấy hơn tôi và rất nhiều bạn bè khác. Anh cũng yêu quý những Thầy những bạn hơn tôi và rất nhiều bạn bè khác. Ngôi trường cũ còn ở mãi bên anh, ở mãi trong những trang Thơ anh ngày nào anh còn ở với cuộc sống.

Tâm hồn Trần Huy Sao là tâm hồn nặng trĩu những hồi tưởng, nặng trĩu những hoài niệm quá khứ. Ðọc thơ anh, bao giờ ta cũng đọc thấy nỗi luyến tiếc, nỗi thiết tha quá đỗi, quá chừng.

“ Cuối đời còn được nắm tay nhau...”tôi nhớ hai câu cuối bài thơ ấy. Bài thơ anh gởi đến những người bạn học cũ, những người đã chia với anh chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc gặp gỡ bất ngờ mà anh gọi là “Ðêm Hội Ngộ Banmêthuột”. Bài thơ cũng nhắc cho tôi nhớ tôi đã có những giờ hạnh phúc, và tôi cũng muốn được nói lời cám ơn những người bạn đã đến với chúng tôi đêm ấy, đã vượt qua những dặm đường xa hun hút, đã ở lại với chúng tôi đến khuya lắc khuya lơ ( để sớm ngày mai lại tiếp tục cày bừa ), đã sớt chia cùng chúng tôi những cảm xúc , những tình cảm vui buồn của những con người “cuối đời còn được nắm tay nhau...”.

Cám ơn nhị vị chủ nhân đã dọn ra bữa tiệc bằng hữu, bữa tiệc văn nghệ thịnh soạn ( đủ các món ăn chơi ăn thiệt). Cám ơn những câu Thơ Trần Huy Sao nữa, những câu Thơ đưa tôi về thăm lại những cỏ cây xanh tươi trên con đường trí nhớ, cho tôi gặp lại tôi của những ngày xưa ấy, cho tôi gặp lại những khuôn mặt, những bóng hình tưởng đã chìm khuất, cho tôi về ngồi lại dưới bóng mát của tàng cây rợp lá trong sân trường kỷ niệm...


Seatle, tháng cuối năm 2003
Lê Hữu
___________________________
Thơ trích từ :
- NHÁNH RONG PHIÊU (Thơ) Trần Huy Sao 1999
- XÓM ÐÌNH ÐA CÁT (Thơ văn) Trần Huy Sao 2000