tháng 4 24, 2009

DISNEYLAND DU HÍ


Bài viết này đáng ra là gởi cho các cháu trước bài Las Vegas Ký Sự nhưng ôn bỏ quên trong máy, tình cờ bấm loạn lại nhảy ra trình diện. Ôn chụp liền rồi thêm chút gia vị vì để lâu quá thời gian đã không còn đậm hương. Hương Thời Gian đó mà !
gởi các cháu ngộ ngĩnh của Ôn:
Elizabeth Trần Huyền Trân
Andrew Trần Minh Huy
Kenneth Trương Thiếu Hiệp
Jasmine Trương Tiểu Thư

Thời gian : 26-27-28/12/2007 Địa điểm : Disneyland

Bây giờ thì Ôn nói với các cháu, xin vui lòng, đừng vùng vằng phụng phịu khi phải bị nghe chê. Các cháu hay khóc quá !
Suốt cuộc hành, Ôn nghe tiếng khóc ngang bằng với tiếng cười. Ôn chưa quyết định khi viết thêm chữ nào vào sau chữ : cuộc hành (trình) hay là cuộc hành (hạ)!
Để rà soát lại coi cho đúng từ ngữ, mà thêm vào. Bút sa gà chết. Nói không đúng là mang tiếng hàm hồ ! Viết mà không sáng tỏ lẽ khen, chê là viết sai không thể được làm Ôn của các cháu, không được cầm cây bút. Ôn vốn một đời bó chặt với thơ văn tới nỗi bằng hữu cứ nói bông lơn là Ôn nói cũng ra Thơ, thở cũng ra Thơ. Đó chỉ là cách nói cho Ôn nở (rồi bể) lỗ mũi cho vui! Cũng có thể là kiểu cách ví von mang đầy ấn tượng cho thiên hạ giựt mình chơi !
Chỉ-là-cách-nói vui với chơi như vậy thôi cho nên, nghĩ tận cùng, cũng…huề vốn. Không có chi !
Ôn sở trường là Thơ.
Bài này là bài viết, là bài văn ( vốn là sở đoản) nên chi mới nhập đề đã phang một câu chê, đọc thiệt mất lòng. Nhưng mà lỡ viết rồi không thể xóa sợ mất hứng văn nên chi đành phải lòng vòng ôm xuống cái thân ( bài ) rồi siết chặt ấm nồng ( cái kết luận ) kỷ niệm ba ngày cùng với các cháu dong chơi vào Xứ Thần Tiên…
Đêm hôm qua Ôn ngồi ở quầy rượu trong khách sạn HiAtt với Ba (Cậu ) và Chú ( Cậu ) của các cháu, Ôn uống ly beer mà nhớ cái thời “mắt trong, hồn dạng trẻ” đi đứng ngang tàng, nói năng rổn rảng, chưa bước đã nhào, chưa đi đã chạy.
Dễ cũng đã gần bốn-mươi năm rồi,Ôn mới tình cờ được dịp ngồi lại ở quầy rượu trong một quán rượu để níu lại được không khí của một thời lạc dấu tìm không ra.Tưởng đâu đây còn tiếng nói giọng cười rộn rả đông vui của bạn bè…Dẫu quầy rượu của ngày xưa và hôm nay quê cũ và quê mới có quá nhiều cách biệt. Nhưng vẫn là quầy rượu. Vẫn, ở riêng một góc cạnh nào đó, gợi nhắc tìm lại cảm giác xưa. Nồng ấm và ngậm ngùi. Buồn vui rứt theo hoài niệm…
Ngẫu hứng thơ văn, muốn..nhẩm thầm trong bụng một vài câu Thơ lấy trớn cho bài thơ sẽ viết tiếp về tâm trạng bộn bề đêm nay nhưng tiếng nhạc cứ giựt từng cơn. Bên cạnh, đám người quê mới thấm rượu ồn ào cười nói. Thôi, để về phòng , yên tĩnh. May ra…
Vậy mà câu mở đầu cứ ngang phè, đâu phải là thơ !
Cũng đâu phải nói với bạn bè.
Chỉ nói về các cháu ngộ ngĩnh của Ôn.
Viết rồi, nhẩm đọc lại mấy lần, bỗng cười khan. Các cháu ngộ ngĩnh của Ôn đâu chưa biết (phải viết ra thì mới biết) nhưng rõ ràng Ôn ngộ ngĩnh của các cháu thiệt là…hết biết. Mở màn, chưa chi, đã chê các cháu hay khóc quá ! Chê mà còn lịch sự ,xin vui lòng, đừng vùng vằng phụng phịu ( không khóc to hơn, là may!). Hỏi Ôn khi bị chê, tuy là không khóc nhưng ai biết có giấu kín trong lòng cái vùng vằng phụng phịu không ?
Nghiệt nỗi, mực đã chảy ra dòng, thôi thì Ôn cứ giữ. Đêm nay, Ôn cố nghĩ vài điểu để ngày mai viết tốt cho các cháu .Còn cái chuyện các cháu hay khóc thì gia-đình-du-hí Disneyland ai cũng công nhận, đâu phải mình Ôn !

Sáng nay, Ôn tìm một bàn khuất ở sân trước khách sạn để viết cho xong câu chuyện này. Cũng xin nói rõ là chẳng có câu chuyện gì để mà viết cho xong bởi vì Ôn đâu có dàn dựng cốt chuyện sẵn, chỉ thấy sao viết vậy về các cháu ngộ ngĩnh của Ôn trong những ngày đi thăm xứ thần tiên.
Xứ Thần Tiên của một thời thơ ấu mà Ôn cứ mơ ước sẽ được lạc vào để nhìn cô Bạch Tuyết với bảy chú lùn, bộ phim hoạt hình đầu tiên của Walt Disney, có nhân vật kích thước như người thật, có màu sắc và âm thanh sinh động làm mê mệt biết bao tâm hồn tuổi thơ Việt Nam. Sau này, Ôn biết thêm, có cả tâm hồn tuổi thơ của toàn thế giới. Ông Walt Disney là Ông Tiên với đầy đủ phép màu qua hàng loạt bộ phim hoạt hình với những hình ảnh ghi khắc sâu đậm trong tâm hồn, không chỉ là trẻ thơ mà còn có cả trẻ-già !
Ông Disney không chỉ dừng ở đó !
Ý tưởng xây dựng một công viên giải trí hình thành năm 1953. Tháng 2/1954 kế hoạch cho công viên Disneyland và chương trình truyền hình được công bố. Loạt chương trình nói về sự hấp dẫn của công viên bắt đầu vào tháng 10/1955 do chính ông hướng dẫn.
Ngày 17/07/1955, Disneyland, sản phẩm kết tinh sáng tạo với những kỷ thuật hiện đại của Ông Tiên Walt Disney ( tên họ đầy đủ là Walter Eilas Disney ) chính thức mở cửa tại tiểu bang California của xứ Hoa Kỳ. Có khoảng 30 ngàn người tham dự lễ hội khai trương. Chương trình truyền hình 90 phút với 29 máy và 63 chuyên gia kỷ thuật tiêu tốn 11 triệu đô la.
Disneyland đã trở thành một biểu tượng lớn! Là xứ sở thần tiên của tuổi thơ !
Ngày đó, khi Ôn còn là chú bé bằng ( và cả khi lớn hơn ) các cháu bây giờ, Ôn mơ có một ngày tìm đến được Xứ Thần Tiên.
Ngày nay, như là một phép màu, Ôn đang đứng trên mảnh đất của Xứ Thần Tiên một thời mơ ước.
Ôn đến Xứ Thần Tiên sau mấy mươi năm ! Trễ muộn lắm rồi ! Bởi vì không chỉ có một mình, mà với Mệ (hồi đó gọi là O, nay đã lên chức, phẩm hàm cao hơn !) và các con ( cùng) các cháu.
Tiếng là đến, nhưng đến với tuổi trẻ-già, không còn là tuổi thơ. Nàng Bạch Tuyết, sau chừng đó tháng năm, nay chắc cũng quá già ! Bảy chú lùn e chắc lùn thêm vì mớ tuổi đời đè nặng trên lưng, còng xuống ! Lùn (thêm) hơn, là cái chắc!
Từ ước mơ xa và xưa như chuyện cổ tích mà nay đạt được, thiệt đáng vui mừng.
Xứ Thần Tiên gần đây thôi, chỉ cách khách sạn đâu hơn khoảng 10 phút đường xe bus.
Ôn chắc là khoảng chừng thời gian đó vì cứ nửa tiếng là có chuyến xe về đậu trước sân khách sạn để thả người xuống ( Xứ Huê Kỳ ) và đón người lên ( Xứ Thần Tiên ).
Buổi sáng trời lạnh và gió. Cơn gió chướng Santa Ana mang độ ẩm lạnh suốt dọc cả miền Nam Cali. Mùa nóng, gió Santa được gọi là gió Nồm Nam. Mùa lạnh gọi là gió Bấc. Đó cũng chỉ là cách gọi của người xa quê hương khi nhớ về cái nóng miên man hay cái lạnh se lòng của từng cơn gió theo mùa ở chốn quê xưa. Ớ đây là chốn quê người, nóng lạnh cũng theo phong thổ, khác chốn quê xưa.
Ôn ngồi co ro nhìn ngó người qua kẻ lại và người lên kẻ xuống từ những chuyến xe bus đi, về.
Hình như là người ta không ngủ, giành giựt thời gian để tìm tới Xứ Thần Tiên. Chuyến xe vừa ngừng, người chưa kịp xuống, đã có dòng người háo hức chờ lên. Im lặng và nhường nhịn, không giành giựt chen lấn tranh hơn như bản tính cố hữu của người Á Đông. So sánh và nhận định như vậy cũng có thể là đúng mà chưa đúng lắm.
Cũng có thể là : lượt người xuống, sau khoảng thời gian thăm thú Xứ Thần Tiên, đã được người Tiên hóa giải lòng sân si vốn có của kẻ phàm trần.
Cũng có thể là : lượt người lên, cố dọn lòng thanh thản để hòa nhập vào Xứ Thần Tiên, nơi không còn có những hư hỏng của người trần tục !
Có thể là như thế. Có thể là không như thế.
Đông Tây vẫn còn có những khác biệt và ngộ nhận. Điều bên này làm hay, bên kia lại thấy dỡ. Điều bên kia làm tốt, bên này lại thấy không nên.
Kẻ lên người xuống thầm lặng như buổi sáng tĩnh vật với bàn ghế chỗ Ôn ngồi bên trang giấy trắng và cây bút còn chưa rót mực. Tĩnh lặng và chìm lắng trong không khí se thắt, lạnh lùng. Những chuyến xe tuần tự đi, về mà trang giấy vẫn còn trơn !

Đàn chim dạn dĩ đi tìm thức ăn trên bàn, dưới lối đi, quanh hồ phun nước bỗng giật mình bay chấp chới. Lại có chuyến xe bus vừa đổ xuống trước sân khách sạn. Dòng người chờ đợi háo hức, đã xôn xao tay xách tay mang chờ lên xe.
Bỗng nhiên ôn nghe tiếng khóc la khi cửa xe vừa mở. Người đàn ông ôm đứa bé từ trên xe hối hả bước xuống chạy nhanh về phía bàn bên kia, gần trước chỗ ôn ngồi. Đứa bé không ngừng la khóc, choài, đạp, rướn người về chiếc xe bus. Dòng người đang lặng thầm chờ lên xe đều hướng nhìn về phía hai người. Ôn cũng kín đáo liếc nhìn. Tiếng khóc la thảm thiết làm cho Ôn, dù không liên hệ máu mũ chi, cũng thấy xót xa.Ôn định dời chỗ ngồi về cuối góc sân để xa tiếng khóc não nề, cũng để tránh sự bối rối khi thấy người cha vừa dỗ dành đứa con vừa nhìn ôn có vẻ ái ngại. Cũng vừa lúc đó, ôn thấy người đàn bà ôm đứa con nữa, chạy đến. Đứa bé, nhỏ hơn, choài đạp la khóc rướn người về hướng chiếc xe bus. Sau đó là cặp vợ chồng lớn tuổi( có lẽ là Ông Bà Nội [ hay Ngoại] hớt hãi chạy theo. Cả gia đình lăng xăng bối rối cố gắng dỗ dành hai đứa con(cháu). Tiếng khóc la lúc này lại càng thê thiết, cả hai đứa đều cố choài người về hướng chiếc xe bus đang từ từ chuyển bánh.
Ôn quyết định rất nhanh là ngồi lại, thầm quan sát . Tiếng khóc của hai đứa nhỏ đã đi đúng đề tài . Một cơ hội quý hiếm tình cờ !
Bây giờ thì ôn xóa bỏ để viết lại, mấy dòng nhập bài, là các cháu ngộ ngĩnh của ôn hay khóc quá nhưng không khóc hay như hai chú bé này.
Khóc đến nỗi ôn cũng phải mất bình tĩnh.
Hai ông bà (ngoại hay nội) thì thật sự hoảng hốt hết nhìn cháu, nhìn con rồi nhìn nhau đau khổ, thở dài.
Cặp vợ chồng (cha, mẹ) thì thôi, không phải nói. Họ chỉ biết ngồi ôm hai đứa con sau khi đã tìm hết cách dỗ dành. Bánh trái cùng những chai nước ngọt đủ màu sắc và cả những thứ đồ chơi được lôi ra từ trong balô của cả mấy người cũng không làm cho tiếng khóc ngưng .Vẫn cứ đều đặn, dai dẳng. Nhìn gương mặt đau khổ, thật sự đau khổ, của cặp vợ chồng trẻ đang bất lực ôm hai đứa con, ôn cảm nhận và chia sẻ thấm thía tâm trạng và nỗi buồn phiền của các bậc cha mẹ khi có những đứa con hư.
Và thật là quá đỗi bất ngờ, khi trong hoàn cảnh tiếng khóc la choài đạp, ôn hốt ngộ mà nhận ra mình là người hạnh phúc !
Nếu quan niệm hạnh phúc là một điều cao xa cần có hoàn cảnh điều kiện và quyết tâm để đạt đến thì chắc là, trong hoàn cảnh này, ôn không phải là ngộ, mà là ngộ nhận.
Trong chặng đường đời đã đi qua, ôn quan niệm hạnh phúc là rất bình thường là điều có thật không hề cao xa mà gần gụi bên mình. Đang đói mà có được miếng ăn. Đang buồn mà có người chia sẻ. Đang bệnh hoạn cô đơn mà có người quan tâm săn sóc. Đang lỡ độ đường mà có người cho quá giang. Đang thất nghiệp nhăn da tóp má mà có được việc làm. Đang nín “tè” đến độ chịu không nổi chịu mà được Ba (cậu) của các cháu ghé vô rest area để xả-bầu-tâm-sự…Đại khái là những chuyện nhỏ nhặt trong đời, gần gụi trong cuộc sống khi đang cầu-được-mà-có-được thì gọi là hạnh phúc chứ còn gọi là gì nữa!.
Ôn có đọc mà thấy chóng mặt mấy cái bài viết nói về hạnh phúc, mấy bài thuyết giảng về hạnh phúc. Chi mà cao xa dữ vậy trời!.
Ôn thiệt tình với không tới. Mà nếu như với tới cái hạnh- phúc-chuẩn-mực như vậy thì e rằng ôn không còn thời gian để hưởng. Thôi thì cứ xin về lại với cái hạnh phúc bình thường trong cuộc sống bình thường và những ước mơ thật bình thường như những ngày ôn đã thể nghiệm cuộc đời mình trong cuộc bể dâu thương hải. Ôn nói rồi mà ! Đang đói mà có được đỡ lòng miếng khoai sắn rau dưa . Giữa đường đứt gánh mộng sông hồ lại có người cùng chia sẻ tâm sự thế-thời-phải-thế…Nếu không gọi đó là hạnh phúc, thì gọi là chi!!!
những tháng, năm đời đem khốn khó
chia đôi cắn nửa những phiền lo
miếng cơm không đủ dằn cơn đói
rét lạnh Trời cho thắt cả người
bếp lửa nhỏ nhoi chiều đạm bạc
rau dưa qua bữa sống qua ngày
để thương nhau cho trọn kiếp này
nghèo đói có nhau là hạnh phúc
đời sống dẫu thêm nhiều cơ cực
cũng không bớt xén được tình yêu
em về sương rớt hột bên hiên
tôi về khói bếp rủ chiều nghiêng
nồi cơm độn nửa phần khoai sắn
dĩa rau thơm thảo những buồn vui
gió rét theo về từ hướng núi
khẽ khàng chừa lại chỗ hai ta
một chỗ tình yêu làm nắng ấm
đến nỗi mùa Đông cũng lạc loài....

hạnh phúc đâu xa, gần gang tấc
chỉ níu vừa thôi, cũng thấy rồi….

(mùa đông, thơ trần huy sao, nhánh rong phiêu 1999)

Dù là các cháu hay khóc nhưng đâu có khóc hay như hai chú bé mà ôn đã quan sát từ đầu chí cuối khi ở khách sạn HiAtt nhân chuyến nghỉ hè thường niên của gia đình Trần.
Khóc mà đến nỗi cha mẹ cũng héo xàu đau khổ!
Khóc tới nỗi ôn cũng mất bình tĩnh muốn bỏ chỗ chạy lấy người! Ôn không chịu nổi tiếng khóc dai dẳng của hai chú nhỏ ngó thì dễ thương mà thương không dễ !
Câu chuyện được kết thúc khi vừa có chuyến xe bus trở về đậu trước khách sạn. Tiếng khóc ngưng ngang. Và thiệt bất ngờ, cả hai vợ chồng bật người đứng dậy, ôm con chạy về hướng xe bus. Hai ông bà [nội, ngoại] cũng cuống cuồng thu dẹp đồ đạc, rượt theo.
Không cần phải( hay là nôn nóng mà quên) sắp hàng theo thứ tự văn minh, họ ngang nhiên lùa ép dòng người để nhào lên phía cửa. Đang đi tìm hạnh phúc đó !. Khi nghe con khóc đến không chịu nổi mà bây giờ nó nín khóc, lại cười. Khi đang chờ chuyến xe đến rã rời mà xe đang đến. Cũng là niềm hạnh phúc.
Nhưng có điều đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, kiểu đó, có khi nào nghĩ ra là mình làm nên mất hạnh phúc cho mọi người. Đây cũng là một nan đề cần lý luận để giải mả niềm hạnh phúc cao xa.
Riêng ôn thì cứ nghĩ thiệt là không nên không phải khi người ta đang gần với tới hạnh phúc là đang chờ để được bước lên xe lại bỗng dưng, có chuyện gì đó vật gì đó người gì đó, ngăn trở để mình không tới được hạnh phúc. Hạnh phúc, lúc bấy giờ, đã không còn là gần gụi gang tấc mà…xa vời !
Cũng là chuyện nhỏ thường ngày trong cuộc sống nhưng ôn hốt ngộ niềm hạnh phúc là vì ôn có được các cháu ngộ ngĩnh .
Các cháu hay khóc nhưng chưa từng khóc hay như vậy !
Ba(Cậu) và Mẹ (O) của các cháu, ngày xưa cũng khóc, nhưng mà không hay khóc mà hoàn toàn không khóc hay như bây giờ.
Chỉ khóc trong những lúc lỗi lầm bị đét-roi-mây vô mông. Chỉ ba roi thôi tùy theo lỗi nặng nhẹ mà gia giảm độ mạnh yếu của đường roi. Và tất nhiên là khóc nhưng tiếng khóc chỉ vỡ òa vì đau điếng đòn roi, rồi sau đó là sự dằn nén tiếng khóc để thành tiếng “tớt” ( tìm tra trong tự-điển không thấy chữ “tớt” chỉ nghe trong tự-nhiên là tiếng này,có, tiếp nối sau tiếng khóc) tức tưởi.
Nhiều khi đánh con xong, ôn lại tìm chỗ khuất lấp không người để…khóc. Khóc vì xót ruột con đau roi đòn, khóc vì con có lầm lỗi để mình thấy buồn lo. Nói ra ốt dột lại thấy như là nói chuyện cười chuyện giỡn chuyện vui. Ai biểu đánh con chi mà tự khóc! Bây giờ thì nói, vì nếu như có những điều muốn nói mà không nói được, nay, được nói cũng là hạnh phúc.
Nhiều bữa ngồi ăn uống quây quần, nhắc chuyện đòn roi xưa, Ba(Cậu) và Mẹ(O) các cháu cười vui . Ôn cũng cười mà chỉ cười một nửa. Một nửa trải lòng theo kỷ niệm xưa. Té ra câi roi mây làm nên đau điếng mà bây giờ cũng có kỷ niệm da diết vậy sao !
Bây giờ thì các cháu không biết cây-roi-mây là cây roi gì ! Mà để làm chi!
Nói ra các cháu cũng giật mình. Ôn lớn lên thành người, một phần, cũng nhờ cây-roi-mây đó!
Nói lan man rồi ôn chợt nhớ lại, hồi xưa ôn hay khóc nhiều hơn các cháu ! Chuyện giú kín lâu rồi ôn đã không muốn nói, lại cứ cố tình quên. Nhưng đã lỡ thố lộ ra rồi nên phải nói cho rõ ngọn ngành.
Hồi, nhỏ hơn rồi bằng rồi lớn hơn tuổi các cháu bây giờ, ôn hay khóc lắm. Nguyên do khóc là vì nhớ bà Cố ( ngọai,nội) của các cháu. Bà Cố mất khi ôn sinh ra được ba ngày tuổi. Một đứa trẻ mà không còn có Mẹ sớm hôm chăm sóc nâng niu thì đúng là…Thôi, ôn không nói tới chuyện hoàn cảnh mà chỉ nhắc tới chuyện ôn hay khóc hơn các cháu. Mỗi lần nhớ tới bà Cố là ôn ngồi sau hốc cửa trước nhà, nơi ít người lui tới, và khóc cho tới khi mệt vùi ngủ quên hồi nào không biết nữa! Mà tuổi thơ thì nỗi nhớ có chừng mực gì ! Cho nên ôn hay nhớ để rồi hay khóc nhiều hơn các cháu…

Sự việc sáng nay ôn quan sát về hai chú bé khóc hay và thoáng hoài niệm lôi kéo ôn về lại tuổi thơ hay khóc của mình đã cho ôn có quyết định :
Câu chuyện này được viết từ cuộc hành trình, chứ không phải là cuộc hành hạ, tới Xứ Thần Tiên của gia đình mình.
Suốt cuộc hành trình, chứ không hề phải là hành hạ, ôn nghe tiếng khóc ngang bằng tiếng cười.
Tiếng khóc ngang bằng tiếng cười thì có gì đâu mà ôn mượn cớ để viết dông dài ! Ôn câu bài trên trang nhà của ôn thì có !
Chỉ là khóc đó rồi cười đó. Chuyện bình thường !. Ngồi yên một chỗ mà không táy máy nghịch ngợm, không chọc phá nhau để khóc để cười mới là chuyện không bình thường.
Cháu Li Li thích ăn chip, Cô (Dì) Út ( nghe chưa rõ) lại đưa xuống dĩa táo cắt sẵn. Nữ- hoàng-trái-cây là cháu Jasmine Trương Tiểu Thư chụp liền. Vậy là Li Li khóc. Trương Tiểu Thư cười.
Trương Thiếu Hiệp đòi uống nước, Mợ (Mẹ) Samath ( nghe chưa thấu ) lại đưa xuống chai apple juice. Hoàng-đế-nước-ngọt là cháu Andrew Trần Minh Huy chụp liền. Vậy là khóc là cười là giẫy nẩy . Kích cỡ Trương Thiếu Hiệp mà vùng vằng giẫy nẩy thì không chừng xe cũng chao nghiêng. Cậu(Ba) Hai nhớ ghìm tay lái .
Vô Mac Donald thì khóc cười đủ kiểu.. Giành giựt nhau từ gói ketchup chấm ít chấm nhiều lại còn nước ngọt màu xanh màu đỏ rồi ra cửa người đóng người mở, cũng giành nhau, giựt níu nhau.
Ôn đi ra thì cụng đầu vì (đứa mô, ác nhơn rứa bây) bất thần đóng cửa !
Bà đi ra thì thoải mái vì ( đứa mô, giỏi quá thương bà, hay là đúng lúc cửa chưa quày lại ) không hề nghe cái “cộp” như ông. Hóa ra cũng giống như trò chơi ông đi qua bà đi lại, hồi xưa, khi ông bà còn trẻ nít ở sân Đình làng quê hương.
Có điều hồi xưa ôn có đi qua bà có đi lại ( thì cứ đi ) đâu có gì bất trắc mà nay chỉ mới đi qua thôi, đã thấy nửa bên trọng nửa bên khinh.
Ôn thì nghe cái “cộp”. Bà thì thấy khỏe re !
Vô tới Xứ Thần Tiên vẫn còn râm ran tiếng khóc và tiếng cười.
Ra khỏi Xứ Thần Tiên lại cứ vẫn tiếng cười và tiếng khóc.
Lên xe giành ngồi gần bên Cô(Dì) bên Mợ(Mẹ) cũng khóc cũng cười.
Xuống xe giành xuống trước xuống sau cũng khóc cũng cười.
Cây-roi-mây ôn bỏ lại quê nhà mà như nếu có đem theo thì cũng chỉ treo lên tường làm cảnh như là treo mấy bức tranh sơn mài sông nước quê hương. Cây-roi-mây giờ đây hoàn toàn không còn có đất đứng trên vùng đất mới. Chỉ nên treo lên tường trang trí như là một hình tượng để gợi nhớ quê nhà và nếu có chút hoài niệm thì lâu lâu ngó tới mà thương lại chuyện hồi xưa.
Câu văn rồi cũng có dấu chấm (.), coi như là hết ý cũ để chuyển sang ý mới..Bài viết rồi cũng có dấu ( ./.) để chấm dứt. Mà có mấy ai sử dụng dấu (./.) để chấm dứt bài văn. Dấu xưa đó đã là lão hóa trên đất người.
Cây-roi-mây cũng trở thành cổ vật, chỉ nên nhìn ngắm . Xin đừng nắm tới mà gây họa .
Nhập gia tùy tục quá giang tùy khúc. Trong suốt cuộc hành trình, tiếng cười vui của các cháu thì ôn xin giữ lấy làm vui.
Còn tiếng khóc thì không chỉ riêng ôn, mà cả gia đình, đều đồng ý giao cho Cô( Mẹ) Ba giải quyết. Cô có cách riêng để giải hóa tiếng khóc thành tiếng cười.
Cô không có cây-roi-mây. Cô không có cảm tình với cây-roi-mây một thời đã từng làm Cô ê ẩm.
Cô chỉ có ánh nhìn từ đôi mắt khi thì nghiêm nghị khi thì dịu dàng. Và lời nói khi thì sư tử hống Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn khi thì giọng hát dịu dàng ru truyền cảm Ngọc Lan.
Hãy nhìn vào mắt cô. Con đã làm gì để Trương Tiểu Thư khóc? Nhìn vào mắt Cô và nói thật là tại sao ?
Hãy nhìn vào mắt Mẹ. Con có giựt cái bánh này từ tay chị Li Li khi Bà vừa đưa cho chị . Tại sao con làm vậy ? Tại sao…ao….ao….ao…?
Hãy nhìn vào mắt Mẹ, nói đi, con có giành cái xe này của Andrew không ? Con có biết con làm vậy là Mẹ buồn lắm không? Nhìn Mẹ đi, nhìn Mẹ và trả lời cho Mẹ biết.
Hãy nhìn vào mắt Cô và nói, nói. Tại sao con làm Jasmine khóc. Tại sao con để cho ôn buồn mệ buồn ba mẹ con buồn cô chú buồn vì con đã không biết nhường nhịn cho em. Điều đó là rất xấu ( có chêm vô mấy câu tiếng Mỹ để “đối phương” hiểu rõ ý sai của việc làm) con biết không ?
Cám ơn cô Ba đã cho gia đình có một cuộc hành trình( không phải là hành hạ ) tuyệt vời, đến xứ Thần Tiên.
Riêng ôn thì cám ơn nhiều hơn chút vì cô đã cho ôn thêm kiến thức khi muốn hội nhập vào cộng đồng mới. Hóa ra cây-roi-mây, không hơn không kém, chỉ là vật trang trí gợi hình ảnh quê nhà. Đất quê mới người quê cũng mới!
Chỉ cần ánh mắt nhìn nhau thôi.
Vậy là ôn biết rồi ! Nguyên lý xưa, quê nhà mình cũng có, là khi ta làm điều gì không hổ thẹn với lương tâm thì ta cứ nhìn trời nhìn đất nhìn người vẫn không thấy gì áy náy.
Còn có gì đó, không ổn hay gọi là bất lương(thiện), thì nhìn chính mình trong gương cũng thấy hổ thẹn chứ nói gì nhìn thẳng vào mắt ai !
Vậy cho nên người đời thường nói, đôi mắt, là cửa sổ của tâm hồn.
Tâm hồn xấu thì cửa sổ đóng, tối om. Tâm hồn cao thượng thì cửa sổ mở, sáng rỡ.
Cô đã lấy ánh-mắt-cửa-sổ-mở để tra vấn ánh-mắt-cửa-sổ-đóng.
Theo nguyên lý nhị nguyên là có đi thì có đến có tìm thì có gặp có hỏi thì có đáp có nắng thì có mưa…. Có đóng thì có mở.
Có khóc thì có cười.
Cô Ba đã giải hóa tiếng khóc ngang bằng tiếng cười cho suốt cuộc hành trình( nhắc lại, là không phải cuộc hành hạ ) chỉ bằng ( mở, đóng) ánh mắt nhìn.
Và, ôn cảm thấy rất là vui vì dẫu sao tiếng khóc, nhờ cô Ba giành giựt lại, đã ngang bằng với tiếng cười. Vậy là được rồi, là vui rồi, là hạnh phúc rồi…
Tri túc tiện túc. Đãi túc hà thời túc !!!!

Đôi mắt đã được gọi bằng nhiều tên rất hình tượng như là đôi mắt huyền, mắt nhung, mắt biếc, mắt buồn tênh, mắt nai tơ,mắt tình nhân, mắt thù hận, mắt bạc tình,mắt dao cau, mắt bơ vơ, mắt xanh, mắt lá dăm…( nhìn hình trên là mắt ướt. Còn biết vòng tay nghe lời Cô nói thì chỉ là mít ướt thôi,rồi sẽ mít ráo, không như hai chú bé mà ôn đã chứng kiến).
Ciceron có nói : “ Khuôn mặt là chân dung của tâm hồn mà đôi mắt là để diễn tả “
Cùng nhận xét này, Mạnh Tử góp thêm ý : “ Bụng ngay thẳng thì con ngươi trông sáng tỏ. Bụng đầy tà khuất thì con ngươi mờ đục, tối tăm”.
Thảy đều đôi mắt, cũng ít nhiều, thể hiện tâm hồn.
Ôn có đọc đâu đó, thấy hoàn cảnh này cũng kẹt, không biết tính sao !!!
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn
Ai mà chột mắt nửa hồn thương đau

rồi ngẫu hứng sinh tình, chạnh nhớ, ôn mới có hai câu (thêm vô) một hoàn cảnh nữa :
Tâm hồn nghiêng lệch về đâu
Trời ơi!. Mắt lé lấy đâu cân bằng !!!!


Mira Mesa, hiên Trăng xưa

tháng 4 23, 2009

DẤU VẾT THỜI GIAN


gởi Xóm nhỏ ngày xưa

con chim Sâu ở đồi Trọc rừng Ngo
có thấy con diều đứt dây chạy trốn
con cá Tràu ngược dòng Cam Ly hạ
có thấu lòng tôi đau xót xa nguồn !

tuổi thơ tôi dịu mát gió quê hương
lồng lộng côi ngàn thổi tràn qua Xóm
bếp lửa nhà ai chiều khơi khói ngọn
bỏ giữa trời mùi cá Giếc kho rim
đàn Két chiều về chẻ màu ráng tím
ở cuối chân mây xa ngút thượng nguồn
tôi lớn lên trộn hết nỗi vui buồn
cùng lũ bạn thơ đầu trần chân đất
bạn gái tóc dài bạn trai tóc ngắn
tóc đứa nào cũng khét nắng hôi chua
chí cắn quanh năm gãi loạn bốn mùa
ngày trải nắng mót khoai lùi bếp lửa
đêm Trăng trong nô giỡn giữa sân Làng
đời đã cho tôi nên tôi giữ lại
rất là nhiều kỷ niệm để xót xa...

cứ mỗi chặng đường tôi từng đi qua
rơi rớt lại ít nhiều thời thơ dại
để thấy nhớ thấy thương mình trống trải
dấu thời gian rêu cỏ phủ lối về...

TỪ BUỔI TANG THƯƠNG


ta ngồi ở góc chợ Đời
thấy em cũng một góc, ngồi, buồn hiu
nắng bể dâu trượt giữa chiều
mây tang thương lạc qua miền nhiễu nhương
tấc lòng ta trải cố hương
buổi đau cơ vận buổi buồn chia xa

niềm đau em bỏ lại nhà
chỉ đem theo nỗi xót xa quặn lòng
hóa lòng ta cũng bềnh bồng
bỏ trong Thơ thả theo dòng nổi trôi
ta ngồi ở góc chợ Đời
buồn vui xin cứ cùng ngồi với ta

dẫu gì thì cũng đã xa
quê hương nay đã gọi thầm cố hương
quá giang tới chỗ cùng đường
buồn-vui-sướng-khổ cúng dường cho nhau...

THỀM RÊU


từ buổi ta về nương chốn lạ
thềm hoang rêu cỏ cứ ngày qua
đêm đốt ngọn đèn khuya mờ tỏ
bằng hữu lòng vương nỗi xót xa

chỉ có Thơ về nghiêng dáng mộng
một mình đối bóng buổi tàn Đông
không có ai xớt buồn vui lại
chỉ có Thơ chia ấm nỗi lòng

ta ở đây như buổi chợ chiều
nghiêng đời xuống thấy cảnh đìu hiu
vốn xưa hào sảng thời kiêu bạt
mà nay hình dáng cứ liêu xiêu

thân trai bỏ lạc dòng dâu bể
đường xa mất dấu cả lối về
bằng hữu bốn phương trời phiêu lãng
ngó quanh chìm khuất nẻo sơn khê

chợt hóa lòng ta là rêu cỏ
cỏ xanh rêu phủ buổi buổi xa mờ
lang thang một nửa đời phương lạ
chỉ cuối cùng riêng một dáng Thơ

Thơ chở ngàn câu không níu lại
bằng hữu chiều hôm bặt sớm mai
người đi kẻ ở tìm không thấy
ta kẻ trần thân giữa lạc loài...

HÌNH ẢNH


...bây giờ tôi ở phương trời lạ
gió về thương nhớ tháng Tư xưa...
sông biển chập chùng xa xôi quá
Thơ viết đầy trang gởi gió, bay...
(Nửa Đời Quá Giang, thơ 2006)

tháng 4 09, 2009

HƯƠNG THỜI GIAN


về tắm sông xưa ăn cơm mới
uống nước dừa bập điếu thuốc rê
gãi rốn nhìn mây trời trôi nổi
thiu thiu ngủ mát giấc trưa Hè

con cá câu giãy giụa đòi về
mớ tôm bạc búng hoài không thoát
mấy thằng bạn nói cười vui vẻ
hẹn chiều về bữa nhậu sương sương !

cô láng giềng thăm lúa về qua
ngồi ghé lại chuyện đời khuây lảng
mái tóc mượt đượm nồng hương sả
mùi mồ hôi thoảng dịu hương chanh

chiều trốn núi mặt trời đỏ chói
đường qua Thôn rộn bước trâu về
bếp nhà ai dậy mùi cơm mới
bỗng thèm ghê, một dĩa muối mè

đêm yên tĩnh trăng tròn vành vạnh
thoáng xa xa tiếng dế gọi tình
buổi họp mặt thiệt là lãng mạn
rượu sánh đầy vàng óng trăng khuya

cô láng giềng hình như mất ngủ !
bên giậu thưa có ánh mắt buồn
tôi, kẻ lãng du đời ly xứ
đừng để lòng nhau nặng nhớ thương !

ánh mắt ngày xưa xin gởi lại
tôi phải chia tay về viễn phương
vẫn còn giữ mãi mùi hương sả
còn em – em giữ lại nỗi buồn !...

BÀI LỤC BÁT CHO NHAU


ru em câu lục-bát-tình
trăng sao mấy độ có mình có ta
có chiều dáng bước em qua
có mơi nắng lụa nghiêng tà áo phai
có trâm giắt có lược cài
có đuôi con mắt đọng dài nhớ thương
có chia nhau những con đường
phố xưa và cả nhiễu nhương thăng trầm
cả tình thơ dại tháng, năm
giữ đời nhau những lặng thầm nhớ, quên
có an nhiên giữa bộn bề
có phiền dỗi những hẹn thề xưa. Xa...
có lần dấu guốc em qua
đời tôi hằn nỗi xót xa thuở nào
đắng cay trộn lẫn ngọt ngào
buồn vui cứ đuổi theo nhau một đời

sáng nay nhìn thấy trong tôi
một khuôn mặt lạ cả đời chưa quen
hình như, trong nỗi nhớ quên
có riêng một thoáng cho em tìm về...

LỜI TÂM SỰ CÙNG EM


Tiễn em về tôi đọc một đoạn Thơ
Em rưng lệ thương đời tôi lận đận
Cảm ơn em có chút gì để nhớ
Giữa xôn xao cuộc sống thăng trầm !

Thơ tôi viết chẳng có gì trau chuốt
Chẳng cao xa, chẳng làm vẻ khác người
Chỉ chân thật một tấm lòng não nuột
Ðời buồn tênh từ một cuộc đổi dời !

Dù có đi hay có về trăm ngả
Cũng vàng-thu-người, đông-lạnh-chia-ly
Cũng bâng khuâng giữa đất người quen, lạ
Cũng xa rồi, quê cũ, còn chi !

Em cứ đọc Thơ tôi, đừng ái ngại
Ðời buồn vui nên mới viết thành Thơ
Em đừng hỏi và cũng đừng thương hại
Trái tim tôi là nhịp đập của Ðời !

Là khổ nhục của kiếp người lưu lạc
Là tang thương từ những cuộc chia ly
Là nụ cười mà chan hòa nước mắt
Cùng quê hương sao kẻ ở người đi !

Nếu em hỏi thì tôi đành câm lặng
Bởi vì em cũng chính là tôi
Là bóng mát cây xanh, trưa Hè im ắng
Là dòng sông quê Mẹ chảy trong đời !

Bởi vì thế cho nên tôi làm Thơ
Rất chân thật nói về bao cảnh khổ
Ai chẳng có một cảnh đời để nhớ
Giữa quê hương hay xa giạt phương trời !

Nói thì vậy. Thôi, em về kẻo tối
Chiều bâng khuâng nắng lạc bên đồi
Mai mốt rảnh, buồn vui em cứ tới
Người cùng quê thì chỉ bấy nhiêu thôi !...

LÁ ME TRƯA


1. mai em xuống phố đông vui
để nhìn thiên hạ dập dìu xôn xao
để nhìn sợi nắng lên cao
sợi mưa xuống thấp sợi sầu đi xa
sợi tình tôi lạc nẻo qua
buộc em tơ rối gỡ hoài không ra!

2. cũng gần thôi có đâu xa
tháng, năm nào đã phôi pha cuộc tình
vẫn còn đứng lặng làm thinh
vẫn còn bối rối một mình đường trưa
vẫn còn giấu vội lá thư
giấu tôi thầm lặng nụ cười dễ thương
lá me ơi nhớ con đường
em qua để lại nỗi buồn tôi mang !

3. dòng đời giờ đã sang trang
lá me trưa cũng muộn màng theo em
đôi khi còn chút nhớ về
sợ thời gian sẽ vùi quên phũ phàng...

CẢM THI


Trăng mười phương có một phương
một phương tôi rối trăm đường tơ vương
bởi vì em thật dễ thương
đôi con mắt láy mười phương lụy sầu
huống lòng tôi một phương này
làm sao chịu thấu đắng cay giữa đời
giữa lòng em giữa lòng tôi
có trăng sao có đất trời có nhau
có câu Thơ nối nhịp cầu
để tôi thức trắng đêm sầu. Cảm thi...

BUỔI SÁNG UỐNG TRÀ ĐỌC CỔ PHONG


tôi tháng ngày đạm bạc rau dưa
có em hôm sớm đời cay mặn
miếng gừng có muối thêm chan chứa
tôi có em đời bớt lặng thầm

em có tôi đỡ sầu đỡ tủi
giữa đất trời xa ngái quê hương
lỡ bước sa chân đường gió bụi
đi đâu cho Thiếp đặng theo cùng

núi cách sông ngăn chi cũng mặc
quan san muôn dặm cố hương ơi
ở đây ngó vậy mà xa lạ
xa cảnh trời mây lạc cảnh người

chỉ có gần nhau mình hôm sớm
ngọt bùi chia cay đắng cùng chia
buồn vui san sẻ đều nhau với
trăm năm chắc cũng chẳng chia lìa

hạnh phúc đâu xa, gần gang tấc
chỉ với tầm tay cũng đủ, vừa
em đừng kiếm nữa đời thêm bận
lòng thêm tơ rối chẳng vui đâu

tình yêu vốn đã là mật ngọt
vốn cũng là cay đắng đó thôi
chỉ tại lòng người không thương xót
cứ để tình rơi, rớt, lạc vùi

tôi lạc vào em từ dạo đó
từ buổi cầm tay nói tiếng yêu
trái tim nhịp đập cùng hơi thở
đời chịu chia thương ghét mọi điều

nói lại câu gừng-cay-muối-mặn
là chuyện tình trong buổi sáng nay
em châm tiếp tách trà nồng ấm
lắng lòng nghe tôi đọc Thơ đây...

câu Thơ nào giữ lại đời nhau
từ ngày Cha chọn chỗ em ngồi
Mạ nhỏ nhẹ bao điều căn dặn
em yên lòng khăn gói theo tôi....

tháng 4 07, 2009

GÓC QUÁN NGÀY XƯA


nhớ xưa ngồi quán chiều thị trấn
uống ly rượu đế dựa lưng đồi
xe tới Krông Pha xì ống khói
phải chờ thay để vượt qua đèo
anh tài nói dẻo lời kẹo quéo
bà con vui vẻ xuống xe chờ
tao xuống xe lượm được bất ngờ
thấy mầy đứng rao hàng đón khách
thấy tao đứng đau đời sông lạch
bể dâu rồi sông lạch buồn se
buổi chia nhau vạn dặm sơn khê
nay mắc cạn giữa dòng cơm áo

thằng đón khách mời chào săn đón
thằng láo liêng buôn chuyến hàng chui

gặp lại nhau quá đỗi bùi ngùi
vô ngồi quán cưa ngang lít rượu
trời thị trấn mù sương rã rượi
rượu không say, say thuở tang bồng
ly hồi đó nghiêng trời lồng lộng
ly cuối đèo nghẹn đắng nỗi đau
quán nửa khuya heo hắt đèn dầu
nghe tiếng vượn kêu đàn nhức nhối
tao bỗng thấy lòng dưng chật chội
ly rượu đầy cứ ngỡ là vơi
để bây giờ mỗi đứa mỗi nơi
đêm thị trấn đã chìm đáy cốc
dẫu từng có một thời ngang dọc
cũng không lừng ly rượu cuối đèo
rồi từ đó buồn ran cuối nẻo
tao xa quê lạc quán chân đèo
xa thị trấn đèn dầu leo lét
ly rượu xưa là buổi tiễn đưa

đâu có lần nào chia nhau nữa
đêm cuối đèo quán nhỏ… ngày xưa….

4/09