tháng 4 28, 2012

THƠ TÌNH SINH NHẬT

dắt em xuống Old Town mừng sinh nhật
không lái xe đâu, đi xe lửa cho ngầu
vé có mấy đồng tính ra rẻ trấu
còn gạo để dành đãi em buổi tiệc

nhà hàng Mễ ra dáng rồ-măn-tịt
xanh đỏ tím vàng đủ màu vui mắt
có ba ông Mễ đứng bên đàn hát
nghe vậy thôi chớ có hiểu chi đâu

món ăn thì, nói thiệt tình, không giấu
chẳng biết món nào hạp khẩu mình đây
dắt em xuống Old Town vào quán này
ý là để cho em tìm kỷ niệm

kỷ niệm nhiều năm em vẫn giữ riêng
khi em qua đây đậu bằng lái xế
anh vợ anh, là anh Sáu, của em
dắt xuống quán này đãi em buổi tiệc

anh Sáu ngày nào giờ đi xa biệt
nhà hàng ngày nào vẫn ở Old Town
nỗi nhớ của em vẫn-nhớ-ngày-nào
nên muốn dắt em về thăm kỷ niệm

ý là vậy thôi là ý tình riêng
em cứ ngồi đây tha hồ nhớ lại
đừng ngó nhìn anh đừng thèm ái ngại
kỷ niệm riêng ai không có trong đời

vậy là vui là vui thỏa lắm rồi
ngồi bên nhau chụp tấm hình tươi rói
cám ơn em đãi thêm anh ly rượu
nhá giùm anh miếng bánh cứng khó nhai

bốn mươi năm ngoái tình yêu nhớ lại
anh bỗng cười khan, em hỏi, cười chi
sinh ở Việt Nam rồi qua đất Mỷ
ngồi nhà ( ăn ) hàng Mễ mừng ngày sinh

vợ chồng mình thiệt quá đỗi linh đinh
tình yêu mình thiệt quá là quá cảnh
hỏi nhỏ em khi đời tình nóng, lạnh
ở đất người xa ai chia sớt nhau đây

một ngày quá vui về lại Old Town
em thỏa lòng một thuở nào kỷ niệm
anh cũng theo em tìm ý tình riêng
ngày sinh nhật tặng món quà sinh nhật…

ga tàu Old Town khi chờ chuyến về lại San Diego
Chiều 27/04/2012


tháng 4 26, 2012

THÁNG TƯ


Tháng Tư, đồng lúa trơ thân rạ. Đất trở mình đau cảnh biệt ly. Cha trọn một đời thương nhớ đất. Giờ đây đâu nỡ nói chia lìa !

Tháng Tư, trường lớp buồn niên học. Bục giảng buồn viên phấn bảng đen. Em buồn bỏ lớp về xóm nhỏ.Đời đã trao thêm những muộn phiền.

Tháng Tư, rào kẽ giăng tơ rối. Người đi biền biệt cuối chân mây. Lòng em trải dặm dài thương nhớ. Nuôi tôi năm, tháng cảnh tù đày.

Tháng Tư, đời hóa là ngang trái. Sông núi ngàn năm trở dạ đau. Bạn bè xô giạt về trăm ngả. Cứ hoài thương khó mãi đời nhau !

Em ơi sao mãi là tháng Tư. Sao mãi chia nhau những ngậm ngùi. Trái tim hằn vết đau dao cứa. Lòng như muối xát lấy gì vui !

Năm tháng tang thương đời dâu bể. Nhà xưa rêu cỏ mọc hoang thềm. Dấu vết tình xa thành kỷ niệm. Trăm năm chưa đủ để vùi quên !

Phố Núi chờ mong người trở lại. Và những con đường cũng nhớ thương. Trái tim phiêu giạt từ trăm ngả. Một ngả dành riêng hoài cố hương.

Một ngả, cho nhau về lối nhỏ. Hàng cây che nắng tháng Tư. Em. Từ xa Phố Núi buồn rêu cỏ. Để lại đời quên những ngọt bùi.

Tháng Tư còn lại nhiều đau khổ. Quê nhà nhớ lắm cố hương ơi ! Nắng mưa bên đất trời xa dỗi. Sầu lặng bài Thơ đến nghẹn lời...

1999

( trích Nhánh Rong Phiêu, Thơ, 1999 )

tháng 4 25, 2012

NỖI XÓT XA ĐAU


thà ta về đón đợi một sân ga
nhớ con tàu hiu hắt ngọn đèn vàng
tiếng còi xé lòng ra trăm ngả
để ngược xuôi cùng chịu nỗi đau

thà ta về làm phố buồn hiu quạnh
chờ bước em mà nhớ nỗi-tình-sầu
đường leo lét ánh điện mờ nhân ảnh
vẫn có nhau đời ấm lạnh có nhau

thà ta về làm thân lúa ruộng khô
dưới nắng hạn chờ cơn mưa đẫm
để thấm đượm ơn đời khốn khó
giữa đất quê cằn cỗi bao mùa

thà ta về góc sân trường cũ
nhớ đường mưa Hoàng thị tan trường
thơ vẫn có chút gì tình tự
một thuở nào thầm nhớ trộm thương

thà ta về làm lũy tre xanh mát
che đời nhau ôn nhớ cội nguồn
đường làng quê giấc trưa nắng Hạ
hay Xuân, Thu, Đông lạnh vẫn ấm lòng

thà ta về ngọt bát canh hoa Lý
giậu mồng-tơi, vườn cải Mẹ hoa vàng
thương đứa con mãi miệt mài chinh chiến
chẳng dịp về uống ngọt bát canh rau

thà ta về bên đàn em hôm sớm
trường quen xưa- đường xóm nhỏ- dòng sông
dù đói no cũng mặc đời lao khổ
có đông vui và, có cả tấm lòng

thà ta về làm manh chiếu đơn sơ
có bạn bè ngồi chung ly rượu gạo
có cao ngạo tiếng cười, lòng thơm thảo
có đời nhau nhắc nhớ chuyện năm nao

người đã đi - đã một lần rời bỏ
nếu trở về ai có nhận giùm ta
đất quê đó, người quê còn đó
mà hình chung, như có một cách xa...

1996

( trích: Nhánh Rong Phiêu, Thơ, 1999 )

CHIA NGÀY ĐÓI HẠT



tặng em, cô giáo từ tâm

bữa cơm chiều nay ngổn ngang chén dĩa
thịt cơm thừa rau cá dư thừa
em bật khóc rũ buồn không ăn nữa
anh hiểu lòng em quá đỗi từ tâm !

nước mắt chia cho những ngày đói hạt
dẫu tháng năm từ ấy cũng xa rồi
giờ hai ta đã hoa trôi bèo giạt
trời quê hương buồn lặng giữ trong đời !

bát cơm rau thuở nào còn nhớ lại
khứa cá kho đưa đẩy nhịn phần nhau
anh bán cà-rem, đào vàng, đãi thiếc
em tháng ngày làm cô-giáo-lưu-dung !

đời sống khổ cứ vần theo cơm áo
nỗi đau chung đâu chỉ có hai ta
giật gấu vá vai tháng ngày vất vả
vẫn cứ nồi cơm độn lẫn ngô khoai !

vẫn mắm-kho-queo, ớt-giầm-nước-mắm
trái su-su, mớ cải trồng sau nhà
đời mặn nhạt đủ điều cay đắng
chuyện đói no dằn vặt từng ngày !

cô giáo lưu dung bỏ trường bỏ lớp
anh bán cà-rem bỏ phố bỏ phường
bát cơm rau nuôi nhau ngày đói khổ
bỏ lại bên trời đau xót quê hương !

anh hiểu, lòng em quá đỗi từ tâm
khi nhìn lại tháng năm dài lận đận
bữa cơm chiều nay ngổn ngang chén dĩa
em khóc vùi, thương quá, ngày xưa !

là nước mắt em chia ngày đói hạt
khi hai mình còn sống một quê chung….

1998
( trích : Nhánh Rong Phiêu, Thơ, 1999 )


Labels : Thơ

NHỚ THỜI LẠT MUỐI ĐÓI CƠM

gởi Lê Hoàng Paul (Bôn)

xa lắm rồi bạn còn nhớ không
điếu thuốc lào chuyền tay, ém khói
muỗng bắp lớ chỉ dằn cơn đói
chén nước trà cơm cháy nhường nhau

hạt muối chia đôi ngậm rất lâu
thấm vị ngọt tê tê đầu lưỡi
khi tới độ khát thèm rã rượi
muối đường chi thì cũng vậy thôi !

chia ngọt đời nhau khi khát đói
sớt mặn tình nhau buổi đổi đời
ta cùng bạn vô chung một rọ
trước giờ mình có gặp nhau đâu !

bạn quanh năm trấn ải địa đầu
“ xuống Đông, Đông tĩnh. Lên Đoài, Đoài tan”
tháng Tư gảy súng rồi tan hàng
vô tới đây nằm chung một phảng

chia chung một nỗi buồn vô hạn
hút chung nỏ thuốc khói lừng trời
sớt chung chén sắn khoai đau nhói
ngậm chung hạt muối cắn tang thương

lâu lắm rồi lâu người mổi hướng
tháng Tư dưng nhớ chuyện ngày xưa
bài Thơ này cũng chia một nửa
gởi bạn ngày xưa thường nửa chia…

04/12

tháng 4 20, 2012

NHÁNH RONG PHIÊU, Thơ TRẦN HUY SAO,1999

( nhà báo Minh Tâm, nhà thơ Phạm Hồng Ân, Trần Huy Sao )


( Nhân đọc tập thơ Nhánh Rong Phiêu)

Khoảng cuối thập niên 60, lúc tôi còn gửi sáng tác đăng trên Bách Khoa,Văn Học…thì ở Văn, tôi thấy xuất hiện một cây bút mới : Trần Huy Sao. Phải. Thơ anh rất mới. Mới từ cách dùng chữ, gieo vần, cho đến cả chất tình trong thi tứ. Chưa kịp làm quen nhau, chiến tranh đã đẩy tôi ra chiến trường khốc liệt. Trôi giạt qua Miên, lưu lạc đến Phú Quốc, rồi Poulo Panjang, Poulo Obi, Côn Sơn…cho đến những ngày bức tử cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó, tôi không có dịp đọc thơ anh, dù chỉ là những dòng thơ rải rác trên các báo “văn nghệ” ở Sài Gòn. Mãi đến khi định cư ở Mỹ, gần 30 năm sau đó, tôi lại thấy tên anh xuất hiện rầm rộ trên các báo San Diego. Và thế là, chúng tôi gặp nhau, làm quen và trao đổi thơ văn cho đến ngày hôm nay.Quen nhau, không có nghĩa là choàng hoa, ca tụng lẫn nhau. Tôi muốn đứng ở vị trí khách quan, ngoài vòng tình bạn, để đọc thơ Trần Huy Sao.Và có đôi điều – một cách trung thực – viết về anh, viết về một dòng thơ miên man, chảy mãi không ngừng. Không bến. Không bờ.Tôi nhận tập thơ Nhánh Rong Phiêu đã in thành sách, như đã nhận rất nhiều tập thơ của nhiều nhà thơ khác nhau, từ khắp nơi gửi tặng. Nhánh Rong Phiêu giản dị hơn, khép nép hơn – giống tấm lòng đôn hậu của anh: chất phác, thật thà. Lật vào trong, người đọc nhận ra ngay tập thơ có 2 phần rõ rệt : phần I :Bên trời cố quận, anh viết về Mạ, về Thày, về bằng hữu, về những nơichốn anh đã đi qua, đã để lại biết bao kỷ niệm. Phần II : Thơ tình giấy nõn, anh viết về tình yêu, về người con gái nào đó trong đời. Có thể là người tình thủy chung. Có thể là chị Trần Huy Sao. Có thể, cám ơn chị. Chị là một phần sống của Nhánh Rong Phiêu. Một phần hồn to lớn của một nguồn thơ diệu kỳ. Tôi muốn dừng ở đây. Để nói dến chất tình trong phần II của thơ anh :Thơ tình giấy nõn.
Thơ tôi viết chẳng có gì trau chuốc
Chẳng cao xa, chẳng làm vẻ khác người
Chỉ chân thật một tấm lòng não nuôt
Đời buồn tênh từ một cuộc đổi đời.

( Lời tâm sự cùng em )
Trần Huy Sao tự bày tỏ tâm tình bằng những câu thơ hết sức giản dị. Anh bắt đầu tình cảm rất chân thật, đi thẳng vào lòng người bằng một tiếng than não nuột. Có lẽ, vì thế, thơ anh đã làm rung động biết bao con tim trên cõi đời này? Chất tình trong thơ Trần Huy Sao còn là thứ tình hương đồng cỏ nội,mộc mạc, quê mùa :
Về quê em lại càng thương em
Người chân chất, tấm lòng chân thật
Khi đã yêu thì thiệt cứ lòng yêu
Mà khi ghét cứ thậm cùng là ghét !

(Khi qua phà Bắc Mỹ Thuận)
Chất tình bay từ mùi trái sầu riêng thơm phức :
Trái sầu riêng rụng về khuya
Đường em đi học sớm trưa ngang nhà.
(Sầu riêng)

Đến từng bông cải bông cau hương vị nồng nàn :
Em về bông cải bông cau
Vườn xưa năm, tháng dãi dầu nắng mưa.

(Vườn xưa hoa cải)
Cho đến tận nhụy hoa cúc vàng, mượt mà, óng ánh :
Mùa thu hoa cúc nở
Vàng mượt cả sân nhà
Anh đi xa, thì chớ
Anh về, nhớ ghé qua.

( Cúc vàng, Em và mùa thu )
Rồi đến bông Bưởi, bông Nhài thoang thoảng nhẹ nhàng :
Tấc lòng để lại cố hương
Còn thương bông Bưởi còn vương hương Nhài.

( Vườn xưa Hoa Cải )
Cả luôn bông sứ trắng, nhà thơ cũng không tha :
Bông sứ trắng lòng em cũng trắng
Để tôi về xanh lá tương tư.

( Bông Sứ )
Đâu phải chỉ có hương thơm của hoa trái mới kết thành Chất Tình trong thơ Trần Huy Sao ? Anh lấy cả món ăn thuần túy, món ăn truyền thống của Dân Tộc Việt Nam làm biểu tượng cho tình yêu, làm chất nhớ chất thương trong suốt khoảng đời tha phương nơi xứ người
Tới Bắc Mỹ Thuận trời xế chiều
Mùi thịt nướng thơm lừng tươm mỡ
Khô cá lóc dậy mùi sông nước
Tiếng mời chào rộn rã xôn xao…

Hay :
Em hẹn anh khi về qua sông nước
Sẽ đãi anh nồi cá-lóc-canh-chua
Chưa nếm tới nhưng lòng anh cứ tưởng
Sẽ ngất ngây như mặn ngọt môi em.

( Khi qua phà Bắc Mỹ Thuận )
Hoặc :
Đĩa sò um đêm phường Vĩnh Hải
Hình như sóng dội bãi Hàng Dương.

( Nhớ Nha Trang )
Trong kho tàng tục ngữ-ca dao, có những câu bất tử nói về thổ sản đã truyền tụng cho đến hôm nay. Ví dụ : “Dưa La, cà Láng, nem Báng,tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét…”
Kết nối điêu luyện khi ghép địa danh quê hương vào mỗi đặc trưng, trong thơ, một cách rất tài tình :
Rượu rót nghe thơm vùng Vạn Giã
Ghé miếng nem chua ngọt Ninh Hòa
Nắng chói chang rọi đồng Võ Cạnh
Chờ mát hiu cơn gió Bình Tân.
( Nhớ Nha Trang )

Có thể gọi : Trần Hoài Thư, Trần Trung Đạo. Võ Doãn Nhẫn…là các nhà thơ có chiều sâu. Bởi khi đọc tác phẩm của họ, tôi phải dừng lại ít lâu – suy nghĩ – mới thấy được nét tài hoa ẩn chứa trong ngôn ngữ.
Riêng Trần Huy Sao, thơ anh như dòng sông trải dài, như luồng nước mát…chảy tới đâu thấm trực tiếp vào ruột gan người đọc tới đó. Bởi lẽ ấy, nên nguồn rung cảm của anh cũng chính là nguồn rung cảm của độc giả. Anh nói lên tâm sự họ. Anh viết giùm họ. Tôi gọi thơ anh có chiều rộng.
Thật vậy, chất tình trong thơ Trần Huy Sao có chiều rộng, mênh mông, cuồng cuộn…vô bến bờ. Anh làm thơ tình một cách tự nhiên, say mê và không ngừng nghỉ từ thuở niên thiếu cho đến bây giờ. Với anh, thơ là nghiệp, là duyên. Nó gắn vào số phận anh. Lao lung hoặc hạnh phúc cùng anh suốt kiếp, suốt đời.
Tôi nhớ, hình như danh hào Jean Cocteau đã viết : “ Thi ca là một tôn giáo không kỳ vọng” (La póesie est une religion sans espoir). Đúng.Thi ca là một tôn giáo. Là một đạo tài hoa. Là môt tín ngưỡng tình yêu .Là một thông điệp đau thương của nhân loại. Ở đó, nhóm tín đồ “than mây khóc gió” tự nguyện gia nhập, để từ thế hệ này sang thế hệ khác,nối tiếp nhau, làm rướm máu những thiên thi sử.
Và hơn 30 năm làm tín đồ trung thành của đạo thi ca, anh vẫn luôn chứng tỏ mình là người tài hoa, có sức sáng tác mãnh liệt, phải thế không anh Trần Huy Sao?

*PHẠM HỒNG ÂN

( Nguồn : tình cờ nhặt được khi mở Gô Gồ )

LỤC BÁT NHÁNH RONG PHIÊU


THƠ VÀ EM

tôi làm Thơ để tặng em
để em đọc và, để em lặng sầu
một bài cầu có một câu
một câu gạn lọc cho đau nhói lòng
tựa như nước chảy xuôi dòng
ai ngờ có một nhánh rong lạc loài
cảm ơn em cảm ân Đời
để cho tôi có được lời-thơ-tôi...


1996



CẢM ÂN EM
Sinh nhật em viết tiếp lời Thơ cuối
tặng Bồ Câu Trắng
.

là em bỏ Mẹ lìa Cha
theo anh biệt xứ bôn ba đất người
đói no xin cảm ân Đời
buồn vui xin cám ơn người cố tri
kể từ khi bước chân đi
tình sâu nghĩa nặng đền nghì trước sau
cỏ cây cũng lặng nỗi sầu
huống chi lòng dạ không đau tháng ngày
cảm ơn em mấy cho vừa
em là cô Tấm dịu dàng thảo thơm...

đất mới San Diego
28/04/1995 ( sinh nhật cô Tấm )


YỂU ĐIỆU THỤC NỮ
yểu điệu thục nữ
quân tử háo cầu...


1.Phải em thục nữ đó không
có chi mát dạ mát lòng anh đây
nghe đồn mắt phương mày ngài
bàn tay tháp bút gót hài tiểu thơ

2. đôi tà áo lụa ngẩn ngơ
vàng Thu em giữ đất trời cô liêu
lòng anh bối rối trăm chiều
theo em dáng nhỏ. Nắng. Chiều. Quạnh hiu...

3. em cười má lúm đồng duyên
bỏ sân si giữa hai viền son môi
tình anh ai lấy đi rồi
chỉ còn lưa lại nhúm đời buồn tênh !

4. níu theo tình lụy tình phiền
gởi em xin cứ giữ riêng cho mình
biết đâu đôi mắt đa tình
cứu anh ra khỏi muộn phiền dương gian

5. tình theo sông nhánh quan san
anh theo em lạc nẻo vào thiên thu
quẩn quanh trong cõi sương mù
là em tơ rối quấn vùi đời nhau

6. phải đâu quân tử háo cầu
chẳng qua Thơ túi rượu bầu đó thôi
thấy em má phấn son môi
mấy câu Thơ đặng cho Đời thêm vui....

1998

THƠ TÌNH CHO EM

Thơ tôi cứ cứ lụy chuyện tình
lãng du như đám lục bình trôi sông
vui thì ghé lặng theo dòng
buồn tênh thì cứ lòng vòng trôi đi
trôi đi ngày tháng trôi đi
ngừng đi
rồi
cứ trôi khi vui buồn !
sông nào mà chẳng cội nguồn
tình nào mà chẳng lúc buồn lúc vui
đôi khi níu cả ngậm ngùi
còn đau điếng
rồi
còn vùi nhớ thương...
trái tim tôi rất bình thường
nhưng tình sao cứ nhiễu nhương trăm đường
nếu mà em lỡ tơ vương
thì em dàng giụm một phương tôi về
chỉ vì em
chỉ có em
cho tôi đau nhói lối về, chiều nay...

chiều nay. Nắng. Gió. Mây bay
riêng mình tôi vẫn quắt quay nhớ, buồn
hình như lá rụng bên đường
vàng Thu tôi giữa đất trời cô đơn !...

1997



SẦU RIÊNG

trái Sầu Riêng rụng về khuya
đường em đi học sớm trưa ngang nhà
lòng anh quá đỗi thiết tha
cứ thầm trong bụng e là nghiệp duyên
Sầu Riêng là trái Sầu Riêng
còn anh có nỗi sầu riêng. Nỗi tình....

1998


VƯỜN XƯA HOA CẢI

em về bông Cải bông Cau
vườn xưa năm tháng dãi dầu nắng mưa
anh từ khăn gói gió đưa
phương trời cô quạnh cũng vừa nhớ thương
tấc lòng để lại cố hương
còn bông Bưởi còn vương hương Nhài
vốn tình con nước chia hai
ngọt câu ví dặm qua-cầu-gió-bay
một đời phiêu bạt phong trần
nước non ngàn dặm nỗi sầu đa mang
đắng cay chi mấy không màng
chỉ thương đám Cải hoa vàng gió lay....

1995
( trích Nhánh Rong Phiêu, Thơ 1999 )

* nhân đây, phải nói lời cám ơn nhà văn Vĩnh Hảo, cựu chủ nhà in rồi không làm chủ nhà in nữa, chuyển qua làm chủ bút bán nguyệt san ( rồi xuống nguyệt san ) Phương Trời Cao Rộng. Anh ( hồi còn làm chủ nhân ông nhà in ở Santa Ana ) vì tình văn nghệ đã in gần như cho không biếu không các tác phẩm của tôi. Lâu quá rồi lâu không liên lạc. Nếu đọc được lời tin này anh tìm đường tới nghe. Địa chỉ email vẫn như ngày nào tôi gởi bài thường xuyên góp mặt trên báo của anh ( khi anh chuyển chủ nhà in ra là chủ bút ), không thay đổi. Thân tâm thường an lạc nghe, anh Vĩnh Hảo.

tháng 4 18, 2012

CÔ GIÁO LƯU DUNG


gởi em, " cô giáo lưu dung".....
[ ái chà !.Đang đọc gì đó ?. Đọc thơ truyện người hay đọc Thơ Trần Huy Sao !...]

cô giáo “lưu dung” lo khổ nạn
tính chuyện đói no hết mọi đàng
nên vừa đi dạy vừa mở quán
lỡ mai mất dạy còn chỗ nương

khi “cải tạo” về cô còn thương
ôm ta khóc quá chừng chừng khóc
ta cũng ôm cô mà nén khóc
ngậm ngùi đau thương hải bể dâu

khi về ta còn người yêu dấu
nhiều bạn ta về mất trắng trơn
vợ bỏ tình xưa theo tình mới
con gởi bên nhà Nội, Ngoại nuôi

nỗi đau nào nuốt nghẹn cho trôi
cay đắng không lời nào cho siết
tháng Tư sao quá là oan nghiệt
ta ôm cô giáo mừng nghẹn ngào

từ đó theo nhau đời cơm áo
đói no cô tính chuyện lo toan
cô vẫn ngày xưa vẫn hiền ngoan
nuôi tình ta một thời ngã đạn

đêm đêm cô soạn trang giáo án
sớm mơi dậy sớm bán cà phê
tới giờ đứng lớp ta ra ghé
thế chỗ cô nỗi khó qua ngày

đời cũng rồi qua như mây bay
đói no bỏ lại trời quê khổ
ta bất ngờ là tên H.O
nắm tay cô qua vùng Đất Mới

ở vùng đất không ngờ không đợi
cô đâu còn đứng quán cà phê
ta không còn dịp ra đứng ghé
tới giờ đứng lớp cũng rồi xa

ngó lại một thời thương xót quá
chén cơm khoai sắn trộn chia nhau
lâu lắm rồi nghen, người yêu dấu
có bài Thơ nhắc chuyện ngày xưa

gởi cô đọc lại, chừa, một nửa
một nửa dành riêng, nhớ, tháng Tư….

04/2012

tháng 4 17, 2012

KỂ CHUYỆN THÁNG TƯ


tháng Tư về lại Xóm quê nhà
bỏ cây súng trận cầm cây rựa
lên rừng đốn củi sống qua bữa
em bây giờ cô giáo “lưu dung”

ta bây giờ thằng bất khiển dụng
nồi cơm khoai độn lo không nổi
đội đá vá trời chi cũng rối
về nương em đắp đổi qua ngày

vấn điếu thuốc rê lòng áy náy
khói thuốc bay buồn quá em ơi
“tiêu chuẩn” gạo khoai lo chưa nổi
lấy đâu…hương khói buổi tan hàng !

ta về Xóm cũ buồn năm tháng
tang bồng chi nữa lạnh tanh rồi
sáng vác rựa đi chiều về tới
oằn vai một khúc củi đau vai

em sớm chiều lo buổi sắn khoai
lửng bụng cho qua ngày đoạn tháng
đói no san sẻ đời hoạn nạn
vui buồn chia sớt rồi cũng quen

vết chai nhói nhức vẫn chưa quen
nhát rựa chưa sâu vết chém ngập
đã phải đi “ mười ngày học tập”
vậy là đi thôi em ở nhà !

buổi chia tay em buồn run tay
sắp xếp cho chồng manh áo vá
mấy viên thuốc cảm bao thuốc lá
nụ hôn nước mắt nhớ suốt đời !

từ đó ta đi em vẫn đợi
mười ngày, đâu phải, tới nhiều năm !
về lại nhìn nhau buồn nín lặng
thanh xuân bỏ lạc mất đâu rồi !

chuyện xưa đã thăng trầm trôi nổi
còn giữ đời nhau tới tận giờ
cứ mỗi tháng Tư lòng quặn nhớ
một thời khoai sắn trộn tình yêu…

04/2012

tháng 4 15, 2012

KỂ CHUYỆN ĐỜI NHAU CÓ NHAU


tưởng nhớ anh

mình hồi đó là dân Trần Hưng Đạo
cùng lớp với nhau, cùng Xóm, gần nhà
có Huỳnh Đình Sắt, xóm Trên, nhập bạn
ba đứa thiên lôi phá Xóm phá Làng

đâu được một năm lại phải tan hàng
tôi hoàn cảnh phải chuyển Trường xa bạn
ngày chia tay cầm tay nhau nín lặng
một đứa đi hai đứa lại, quá buồn

rồi lâu lắm mổi thằng đi mổi hướng
tản mạn chuyện đời lạc bạn hồi xưa
khi trở lại Xóm xưa tình bén lửa
tôi thương em, em gái của bạn mình

đám cưới chạy tang bạn kịp về nhìn
thằng bạn xưa nay là thằng em rể
nắm tay nhau lại vướng vòng tục lệ
không dám mày tao chỉ nói : ‘‘chào anh !’’

rồi từ đó tôi có thêm “ anh, bạn”
cho tới khi đau nhói cuộc đổi đời
anh bạn vượt biên qua vùng Đất Mới
bỏ quê nhà bỏ lạc chuyện ngày xưa !

tưởng đã xa nhau không còn gặp nữa
có ngờ đâu gặp lại đất quê người
đêm hội ngộ ôm nhau mừng quá đổi
uống lon beer chia điếu thuốc phong trần

gặp mới hai năm chưa hết chuyện xa gần
anh lại rồi đi, lần này, đi biệt
nhớ đêm vuốt lưng anh xoa cơn đau siết
anh nhìn em nước mắt chảy đôi dòng !

rồi từ đó xa nhau rồi !. Anh Đông !.
tiếng thân thương vẫn gọi là anh Tám
anh Tám anh Đông bây giờ xa lắm
có gọi hoài cũng chẳng thấy anh đâu !


chiều giỗ anh 14/04/2012

tháng 4 11, 2012

LẠC MƯA


lại mưa nữa lại mưa rồi !
mưa Xuân hay trận mưa trời lụt đây !
giọt rơi đêm nối giọt ngày
trời sầu đất thãm người ngầy ngật theo
tưởng là nắng đã trong veo
gió mơn lá nõn bướm theo ong về
hoa Xuân nở tận hoa Hè
bầy chim trốn lạnh tìm về với nhau
rét Đông xóa bợt nỗi sầu
níu vui vạt nắng trả mùa mưa xa…

vậy mà đâu đã mưa xa
chiều qua trắng xóa hiên nhà mưa ơi !!!

11/04/2012

tháng 4 09, 2012

CHIA NHAU NỖI BUỒN



gởi bạn Trần Ngọc
Bạn đẫm ướt nỗi buồn khi cháu Anh Thư đã đi xa!.
Gọi ới nhau bạn khóc nghẹn lời kể lại chuyện đời thường khi cháu còn ở chung với gia đình. Mái ấm yên vui nay đã một phần hiu quạnh.
Tôi cũng khóc chia cùng bạn đây !.Thương tiếc cháu Anh Thư…..

( khấp báo cùng quý thi văn hữu để cùng chia sẻ nỗi buồn với nhà thơ Trần Ngọc [ chủ nhiệm tuần báo Thời Mới, San Diego, CA] )


Trần anh Thư sinh ngày 1 tháng 2 năm 1975 tại thị xã Trà Vinh, Tỉnh Vĩnh Bình, con của OB. Trần Ngọc. Anh Thư là một người con ngoan, chăm học, hiếu thảo, đặc biệt rất yêu thương mẹ, sống có tình nghĩa với bạn bè nên được nhiều người thương mến.
Năm 1985, cả gia đình vượt biển tìm tự do, được tàu Hy lạp cứu vớt đưa vào trại tị nạn Singapore. Đến tháng 2/ 1986 cả gia đình sang Hoa kỳ định cư tại San Diego, CA .
Tại Mỹ, Anh Thư học tại trương tiểu hoc Wilson, trường Trung học Henry Patrick ở San Diego cho đến khi tốt nghiệp trung học. Năm 1997, tốt nghiệp cử nhân hóa tại trường đại học UCSD. Năm 2003, tốt nghiệp dược sĩ tại trường đại học dược khoa ở Ohio.
Sau khi ra trường, Anh Thư đã làm việc cho Rite Aid tại Seattle, Washington được 9 năm từ năm 2003 cho đến khi qua đời. Với sự tận tâm làm việc, sẵn sang giúp đỡ mọi người, cùng với tính tình cởi mở, vui vẻ, Anh Thư đã được hầu hết các đồng nghiệp yêu mến.
Đầu tháng 8/2011, Anh Thư bất ngờ lâm trọng bệnh. Trong 8 tháng trời ròng rã chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo, lúc nào Anh Thư cũng vững lòng trông cậy vào Chúa.
Chúa đã thương ban cho Anh Thư một tình yêu thật, một người bạn trai chung thủy, tận tụy và yêu thương Thư hết lòng. Anh đã cầu hôn Anh Thư trên giường bệnh. Hôn lễ đơn sơ lạ lùng và cảm động nhất, chỉ có lời cầu nguyên và những giọt nước mắt hạnh phúc đã làm cho nhiều người rơi lệ. Đó chính là hồng ân và niềm an ủi vô cùng lớn lao cho Anh Thư trong những tháng năm cuối cùng của cuộc đời
Kể từ khi Anh Thư bị bệnh, cha mẹ đã từ Cali lên Seattle để chăm sóc cho con gái yêu của mình. Anh chị của Thư từ San Diego cũng thường xuyên lên thăm em ở Seattle. Nhờ tình yêu thương, sự quan tâm, nâng đỡ của mọi người trong gia đình và bạn thân, Anh Thư không còn cảm thấy cô đơn nữa, tuy thân xác đau đớn nhưng trong tâm hồn vẫn sống an vui và hy vong. Ba mẹ, hôn phu và anh chi đã cùng đồng hành với Anh Thư, theo bước chân Chúa đi qua các nẽo đường Thập Gía. Nhờ đó, Anh Thư đã cảm nhận được tình yêu bao la, vô bờ của Thiên Chúa.
Chúa đã ban ơn cho Anh Thư có đủ sức mạnh và thời gian để chuẩn bị tâm hồn sống yêu thương, phó thác trong tay Chúa và Mẹ Maria..Anh Thư ngày càng thích học hỏi lời Chúa nhiều hơn, thích cầu nguyện nhiều hơn, cùng gia đình lần chuỗi Mân côi , lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa..Nhờ có một đức tin mạnh mẽ, cùng với nghị lực và ý chí, Anh Thư đã can đảm đương đầu với bệnh tật và luôn sẵn sàng xin vâng theo Thánh ý Chúa.
Trong những ngày lâm chung , Anh Thư vẫn hết lòng bám chặt lấy Chúa và Mẹ Maria. Sau khi đã nhân lãnh bí tích xức dầu cứu rỗi lần thứ 3, Anh Thư đã ra đi thanh thản, an bình vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 20 tháng 3 năm 2012. trong vòng tay yêu thương của gia đình.

Nguồn :(http://trananhthu.com/)

DƯỚI TÀNG CÂY TRỨNG CÁ



xin tạ lỗi cùng cây Trứng Cá



Tôi thật lòng áy náy bỏ quên cây Trứng Cá trong chặng tình Thơ hơn nửa đời người !. Chỉ có cây Phượng, cây Me, cây Sứ, cây Ổi, cây Mận, cây Mai, cây Đào, cây Cam, cây Bưởi, cây Quýt…đại khái là rất nhiều cây cảnh để tô-lục-chuốc-hồng tình cảm, tình yêu từ thuở ấu thơ cho tới trưởng thành rồi sửa soạn già, già thêm, già khú .
Không thấy có, không hề viết câu Thơ nào rất thơ dành cho Cây Trứng Cá !.
Thiệt tạ lỗi vô cùng dù dưới tàng cây Trứng Cá tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm.
Gỉả đò quên hay là không có gì thi vị khi ngồi dưới tàng cây Trứng Cá câu chuyện cứ dứt đoạn bởi đôi mắt cứ tìm láo liêng nhìn lên cây cố tìm những trái vừa mới chín ửng, đang chín đỏ, chín mọng đỏ. Câu chuyện (tình) rồi thế nào cũng phải dỡ dang để dành thì giờ hái trái cho bằng được . Ăn hay không ăn thì chưa biết, chỉ biết là khi thấy có trái chín trên cây mà không hái thì hình như cái tay nó ngứa ngáy khó chịu, con mắt cứ dõi trông hoài và ý nghĩ thì phải hái cho bằng được. Hái được rồi cầm trong tay được rồi, cười vui được trái, câu chuyện tình trao qua đổi lại tiếp tục nhưng con mắt cứ láo liêng tìm. Không phải tìm tình mà tìm trái chín !.
Cho nên ngồi dưới tàng cây Trứng Cá mùa trĩu trái thì chỉ là ngồi đàn đúm nói nói cười cười chơi vui thôi, khó nổi ngồi tình.
Tệ hơn là ngồi dưới tàng cây Trứng Cá dịp hoa chưa nở hay cho dù hoa tàn rồi đang thời kết trái thì ngồi làm gì !. Bởi cây Trứng Cá có thi vị chi mà ngồi, chỉ ngồi khi mùa trái chín, mắt cứ láo liêng…
Cây Trứng Cá không có khoảng trời co cụm riêng lẻ, bởi có nghe ai nói dưới-hàng-cây ( như hàng Phượng vỹ, hàng lá Me xanh…) mà chỉ nghe dưới-tàng-cây Trứng Cá.
Vậy là của tràn lan, rải rác. Bởi mỗi nhà, không hẳn là mỗi nhà nhưng hình như rất nhiều nhà xứ nóng, vẫn thường có một cây Trứng Cá trước nhà. Chắc là dụng ý trồng cho có bóng mát lại có trái cho trẻ nít ăn.
Ngồi tình riêng dưới tàng cây Trứng Cá của nhà người ta thì ( quá là ái ngại ) khó nổi tình. Ngồi tình riêng dưới cây Trứng Cá nhà anh ( hay nhà em ) mà mắt cứ láo liêng tìm trái vừa chín thì tình tới lúc nào mới gọi là-tình-nhau !. Cũng khó nổi tình !!!
Rồi hình như khi lớn tới một độ tuổi chớm biết mộng mơ thì trái Trứng Cá đã trả lại thời thơ ấu. Không còn thèm cái vị ngọt pha chút chua chua thơm thơm mùi nắng. Chỉ thèm vị đắng-cay-chua-ngọt pha trộn đủ mùi thêm của trái Tình Yêu…
Cây Trứng Cá xếp quên trong trí nhớ.
Cuối cùng cũng phải, riêng mình, coi như cây(trái) Trứng Cá là của một thời. Một thời trẻ nít với em giành nhau tìm trái chín, vậy thôi.
Tình thì nguyện chung nhau chia nhau chớ đâu có giành nhau !.
Vậy mà dưới tàng cây Trứng Cá em với tôi cứ….
Tôi không có cây Trứng Cá trong Thơ tình là vậy. Bởi hồi đó còn giành nhau trái Trứng Cá thì còn chi.
Tình chi!!!

04/2012

tháng 4 02, 2012

MỘT THUỞ VẪY TÌNH



buổi tôi đi em chạy theo níu lại
tưởng níu tình, đâu phải, chỉ níu tay
ổ bánh mì xa-xíu-tương-ngọt-ớt-cay
anh cầm đi đường ăn cho đỡ đói

bụng thì ưng mà sao lòng tôi nhói
cầm ổ bánh mì cứ ngó miết em
em vẫn nói cười khi xe rời bến
vẫn vẫy tay tiễn tình tôi ở lại

tình nương lại nhưng tôi thì xa ngái
sông hồ sao không chừa một lối quen
ổ bánh mì chiều cố quận và em
tôi giữ mãi giữ hoài cho nhau đó

lâu lắm rồi lâu trong từng nỗi nhớ
tôi không về tương-ngọt-ớt-cay xưa
cứ mãi nhói lòng ngày nắng ngày mưa
buổi em vẫy tay tiễn tình ở lại

trách cứ gì đâu thời tình thơ dại
chỉ để nhớ thôi chứ chẳng có gì
như buổi xa tình gặm ổ bánh mì
cho đỡ đói lòng như lời em nói….

04/2012

HOA BƯỚM MỘT THỜI



buổi tôi đi mùa bụi phấn hoa bay
em ở lại ho sật sừ bụi phấn
ngưỡng mộ em thiệt quá nhiều tình cảm
tôi đi rồi em vẫn cứ hò theo

tình tôi đang ngon trớn xuống chân đèo
khi tới đồng bằng tìm hoài không thấy
Phố Núi ngó lui mờ mịt trời mây
giật mình nhớ đã bỏ tình ở lại

thiệt khờ dại như thuở giờ vẫn dại
em đưa tình mà giữ cũng không xong
giờ bước giang hồ trời cao đất rộng
tình yêu đâu chia ấm lạnh dọc đường

em mà biết chắc sẽ buồn vô lượng
tôi cũng hải hà vô số buồn lây
chuyện tình ái nỡ nào quên tới vậy
em bực mình e cũng dứt cơn ho

chợt nhớ lại có nhiều mùa hoa nở
thấy bướm ong dìu dập đậu rồi bay
tình yêu tôi cũng có thời như vậy
lãng mạn gọi là hoa-bướm-tình-yêu

thôi đúng rồi dáng chiều xưa yểu điệu
tôi đuổi theo em tình muốn sật sừ
dấu chân in những con đường tình sử
tình sử gì chỉ nắng bụi bùn trơn

phố thị ngày xưa một thời mới lớn
chuyện tình yêu như hoa bướm học trò
em có thương tôi cũng đừng thương nhớ
rồi có ngày ong bướm cũng vậy thôi !

cứ để tôi bước giang hồ trôi nổi
sách vở trả đời hoa bướm huề nhau
một thuở tình thơ chan đều cố quận
vẫn nhớ em xưa áo trắng tóc thề…


Hiên Trăng 04/2012

tháng 4 01, 2012

NHỮNG DẤU YÊU XƯA…


Đây, cái quá cà phê ngày nào...
( viết, khi chú-em-cố-quận gởi rất nhiều hình ảnh một thời xưa bất ngờ quá khi thấy lại cái quán cà phê ngày nào...)


Nay chị đã đi xa, xa lắm rồi, không còn vướng bận chuyện thế gian. Không còn được chị cùng chia miếng xoài Tượng chấm nước mắm thì ít đường thì dẽo quẹo. Không còn chiều mưa ngồi bên hiên chị giành từ tay tôi điếu thuốc Bastos xanh để rồi ho sặc sụa, sau đó, lại cười rũ rượi. Không còn những đêm và nhiều đêm chị ngồi ở chỗ sáng, tôi thì ngồi chỗ tối lầm lì hút thuốc chờ, chờ chị đọc Thơ tôi để có lời khen chê gì đó, dẫu một lời. Những đêm đọc Thơ rồi có lời và nhiều đêm đọc Thơ mà không có lời. Khi Thơ tôi được đăng lên phụ trang Ngôn Luận, lên Ngàn Khơi, lên Tiểu Thuyết Thứ Tư thì chị không đọc Thơ tôi. Nói Thơ tôi bây giờ tới phiên người ta đọc chị đọc làm chi nữa. Buổi chiều ngồi ở quán cà phê cóc ngả tư Hoàng Diệu- Tôn Thất Thuyết. Không phải quán cà phê mà là quán ăn chuyên bán hủ tíu, mì xào dòn, mì hoành thánh nói chung là quán ăn. Ngoài hiên sau dưới tàng cây trứng cá có bày biện mấy bàn ( đâu chừng hai bàn ) để thực khách muốn được ngồi riêng rẻ. Ít thực khách ra ngồi đây với tô mì hay tô hủ tíu. Chỉ có thấy có cặp đôi hay một lẻ đôi ra ngồi uống cà phê. Cà phê ở đây rất ngon mà ít ai biết bởi nghĩ là quán ăn không phải là quán cà phê. Thêm nữa, ngồi uống cà phê trong không khí mỡ dầu hành tỏi thì còn gì thi vị hương cà phê. Đâu có ai biết là sân sau có một khoảng trời riêng, rất riêng. Chính chị đưa tôi tìm tới khoảnh sân này. Ly cà phê đen thôi nghen, đừng có sữa không là cà phê sửa, chỉ cà phê đen thôi. Chị cười nói thêm là muốn đắng chằng thì không đường, muốn đắng vừa thì ít đường còn như muốn ngọt thì cả hủ đường đó, tha hồ. Tôi thử nghe lời chị chọn cà phê đen, ít đường. Chị cười ngất nói sao mà ngây thơ rứa mới dụ khị một chút đã nghe theo rồi. Bỏ đường nhiều vô đi không thôi thì đắng khó uống. Tôi lẳng lặng đứng lên vô nhà trên lấy ít muối bỏ vô ly cà phê nói với chị là thêm chút muối thêm ngọt đâu cần phải thêm đường. Vẫn ít đường, vẫn ngọt, ngọt như Thơ.. Chị nhìn ly cà phê nhìn tôi rồi đứng lên quay mặt bỏ đi. Tôi chạy theo níu tay chị, níu chặt. Chị quay lại nhìn rất lâu rồi dịu dàng nói em tính tình nghệ sĩ chị tính tình ngang bướng khó chen nhau. Thôi em uống ly cà phê đó đi nhớ đừng để nguội. Ly dỡ dang của chị để sau rồi hẳn tính. Chiều đó tôi buồn bỏ cơm ( chỉ ăn tô mì tới hai vắt luôn, ngay quán) nhưng ly cà phê thì không, quyết không hề, đụng tới. Ly cà phê của chị thì cứ để đó trơ buồn….
Rồi chia xa.
Tôi bỏ tuổi học trò vào đời. Chị thì đã vào đời từ dạo ấy đâu có chỗ nào để vào nữa đâu. Chỉ có vào (ra) căn nhà ngày nào tôi vẫn tìm tới đưa Thơ cho chị đọc đưa tay xin tiền chị mua thuốc Bastos xanh phì phèo tìm hứng làm Thơ hay lang thang ( đầu) đường (xó) chợ qua ghế đá công viên để trên tay điếu thuốc cứ rơi tàn…
Mùa nắng bụi mùa mưa bùn đã nhiều năm biền biệt tôi không trở lại. Chỉ ghé tìm trong nỗi nhớ những ngày tháng có chị có em trong khung trời một thời bình yên một thời nương náu.
Mùa Hè đỏ lửa một-ngàn-chín-trăm-bảy-mươi-hai tôi về buộc phải trở về nơi cố quận vì nơi đây là trạm dừng quân để chuẩn bị phối hợp cùng các đơn vị bạn ngày mai đi sâu đi xa vào Đức Lập, vào Kiến Đức vào Quảng Đức.
Buổi chiều nhá nhem tôi ghé anh Ph.. Ngôi nhà quen thuộc tôi đã ở suốt tháng năm thời Trung học. Không đi cửa trước mà đi cửa sau bởi nhà giờ là quán ăn lại là buổi chiều đang thời điểm đông khách. Vào cửa trước với giày saut nón sắt áo giáp tôi thấy ngại. Đi cửa sau như ngày nào vẫn thường đi khuya về gỏ nhè nhẹ là anh ra mở cửa bởi vì anh đang ngồi chờ. Khi bước vào thể nào anh cũng bắt tôi đứng lại rồi ghé mặt vô người tôi hửi hửi nói mi hút thuốc phải không.
Bất ngờ quá anh nhìn không ra nhìn một đỗi mới vỡ òa với chị đang bận bịu trong bếp em ơi chú về thăm nè. Chị nhìn ra ngỡ ngàng chắc là thấy giày saut áo trận. Tôi vội vàng nói em không phải về thăm chỉ tiện đường ghé thôi rồi đi. Biết tôi ngày mai vào Quảng Đức anh chậc lưỡi nhăn mặt lắc đầu nói mi vô cái lò lửa. Tôi chỉ kịp ôm anh ôm chị rồi đi bởi không còn thời gian phải nhín lại chút để ghé qua thăm chị. Gần thôi. Chỉ quẹo phải qua một khoảng đường rồi quẹo phải xuống con dốc. Con dốc hẹp chỉ để người đi xe không xuống được. Nhà chị nằm giữa chừng con dốc. Ánh điện vàng hoe hiu hắt nỗi buồn xưa nhớ lại. Khoảnh sân nhỏ hẹp này một thời đông vui bạn bè ngồi quây quần bên nhau. Cái ghế đặt sát tường nay không thấy nữa nơi chị thường ngồi chải tóc thường ngồi đọc truyện đọc Thơ khi tôi ghé nhà chị nhường ghế lại nói em ngồi đây hợp cảnh hợp tình hơn chị nên chị buộc phải nhường cho em. Mà thiệt, ngồi đây ngó qua bên đường (hẹp) thấy cô em tóc thề da trắng nõn môi đỏ má hồng cười miếng chi cô học cùng Trường cô đẹp nhất nhì ở Trường cô học sau tôi hai lớp gọi là cô em. Chị cười thoải mái ừ thiệt là cô thiếu nữ nhưng đúng hơn là cô em mà sao không là cười mím chi mà lại là cười miếng chi. Tôi nói chị ơi là chị cười mím chi là khi chưa có tình chi tới khi đã có tình chi (trả) nhau rồi thì trở dạng cười miếng chi miếng ngon miếng ngọt miếng đắng miếng cay miếng hờn miếng giận cho nên cũng phải hỏi ( trước cho chắc bắp) môi đỏ má hồng đang cười miếng chi là miếng chi chi đó. Chị cười ngất nói thôi em ơi bày đặt quá làm chị cũng không biết chị đang cười miếng chi đây.
Gỏ cửa hai lần, lần đầu mở cửa rồi đóng vội, lần hai nhè nhẹ mở cửa hé nhìn. Tôi phải vội vàng nói rõ lý do tìm tới cửa mới mở rộng. Hóa ra chủ nhà mới của nhà cũ cũng là người nhà cả bởi chú em vốn là học trò Trường xưa. Tôi cố tình giấu không nói gốc gác của mình sợ là sẽ có buổi nhậu bất ngờ đón tiếp đàn anh. Như nếu chú em không quen vị đắng cay thì thế nào cũng một tách trà cho phải đạo. Rượu hay trà rồi cũng phải ngồi rườm rà câu chuyện khi tôi không có đủ thời gian nên đành chia tay sau khi biết được chị không còn ở nơi đây nữa. Đã đi đâu về đâu !. Chị đi đâu chị về đâu!. Mím chi giờ trở miếng sầu hương xưa !

Hai-mươi-hai-năm sau tôi lại trở về cố quận. Về trước lúc xa quê hương bởi sợ sẽ không còn có dịp nào về lại. Sau cuộc đổi đời phố thị ngày xưa nay đã xác xơ ngơ ngáo tới lạc hồn. Tôi cũng lạc hồn tìm về lại những nơi chốn xưa đã có một thời kỷ niệm. Có nôn nóng tìm về ngôi nhà xưa của chị với mong manh hi vọng chị có nhắn gởi tin tức gì đó để còn tìm gặp nhau. Nhà xưa đã thay đổi chủ. Chú em cùng Trường không biết đã đi đâu về đâu !.
Có tìm tới quán cà phê ngày nào nhưng quán đã không còn nữa…
Vậy đó !. Cho đến tận bây giờ chị em mình vẫn lạc nhau….

01/04/2012