tháng 8 24, 2008

MƯA HUẾ








chị khóc chị cười suốt mấy buổi em về
hèn chi Huế cứ mưa rồi lại nắng
mai em đi rứt lòng chi cho đặng
chị gượng cười cho mưa Huế buồn thêm

buổi em về phong thổ chưa quen
chị tưởng em buồn khi về với Huế
có phải vậy đâu. Được về quê Mẹ
là niềm vui chơ sao lại nỗi buồn !

ngặt lối về khi Huế gió mưa tuôn
trời ảm đạm khiến lòng người sầu thảm
mưa xứ Huế có điều chi sâu lắng
có điều chi nín nghẹn chẳng nên lời

hay tại dòng đời hưng phế nổi trôi
Huế vẫn giữ dáng trầm tư ngày cũ
tháp cổ rêu phong đền đài cung phủ
vẫn như còn nguyên nếp thời gian

khi em về thấy mưa giăng Vỹ Dạ
ngó bên tê Cồn Hến lòng ngẩn ngơ
nước sông Hương tràn mé đôi bờ
thương mấy nhịp Trường Tiền sóng nước

mấy mươi năm rồi bữa ni về được
lặng nhìn mưa mà thương Huế xót xa
hồi nớ Mạ ở đây nì ! Vỹ Dạ
chừ em về Vỹ Dạ, chị chờ em !

chị nhủ em là đi nhớ đừng quên
mai mốt nhớ ghé về đây thăm chị
hai chữ nhớ khiến lòng em ủy mị
khóc lặng thầm xa Huế, Huế mưa ơi !

Vỹ Dạ, 08/08

GIANG HỒ


buổi sáng uống cà phê ở Huế
ngó trời Vỹ Dạ mưa bay bay
lát nữa e chừng bỏ lại đây
Huế với cơn mưa buồn thấm đất


giang hồ ta nửa đời phiêu bạt
có hề chi nỗi mất nỗi còn !


buổi chiều đi nhậu kiểu sài gòn
bàn ghế lấn tràn ra hè phố
quán lộ thiên bập bùng lửa đỏ
chiều nghiêng soi vạt nắng bửa đầu
cơn mưa Huế chiên dòn mất dấu
ly cà phê sáng Huế nguội rồi
ta lại bỏ quên trong thành Nội
chút tình riêng O gói bới theo
chút tình riêng O dặn dẻo keo
e khó tránh ghé về lại Huế
giang hồ ta đã từng trăm nẻo
mà có nơi mô ghé lối về
O nói chi nghe lạ rứa tề
mai mốt không về ai bắt lỗi !


ly cà phê sáng Huế nguội rồi
O cứ ngồi với Huế buồn mưa !


ta về tới sài gòn giữa trưa
chiều về tới ly beer bàn nhậu
bàn trống hoảnh ly beer đóng chấu
bụi sàigòn đậm đặc cô đơn
có buồn nào rồi sẽ buồn hơn
khi có bạn rồi không có bạn
khi ở chốn đông vui náo loạn
một mình ta dị hợm ngồi trơn
một mình thôi đâu có gì hơn
ly beer cũng một mình cạn trớn
điếu thuốc cũng một mình nhíu ngọn
khói bay trơ nhập bụi sài gòn
bụi sài gòn đậm đặc cô đơn
mấy thằng bạn ngóng hoài không thấy !


giang hồ sao lại giang hồ vậy !
ngồi giữa quê mà thấy lạc loài…

Huế - Thị Nghè, chiều 07/08/08

tháng 8 16, 2008

PHỐ BỤI



gởi người còn nhớ bụi bùn
giữ từ muôn thuở nỗi buồn ngày xưa…


Lâu lắm không về thăm Phố Bụi
Thời gian e khánh tận đời người
Bông cà phê trắng ngần rẻo núi
Ta cũng ngần năm,tháng ngược xuôi !

Phố Bụi bây giờ buồn hay vui
Mưa có bùn trơn qua dốc phố
Nắng có bụi mù sân Trường cũ
Để còn thương nhớ bỏ trong Thơ !

Để buổi tan trường cứ ngẩn ngơ
Con dốc nghiêng chao tình trượt ngả
Ở chốn nắng mưa dài nỗi nhớ
Ai còn giữ níu chút hương xa !

Như mây bỏ núi về qua phố
Bằng hữu xưa người ở người đi
Phố Bụi buồn hiu sân ga nhỏ
Đợi chờ sao cứ mãi chia ly !

Ta đã ngần năm chưa về lại
Đời cũng buồn thêm nỗi xót xa
Con đường Thống Nhất cây xanh lá
Chiều em áo lụa mướt đôi tà

Lòng cũng xôn xao từng ngõ phố
Ly cà phê góc đường Quang Trung
Thơ bỏ trong tình rưng nỗi nhớ
Em có qua mà sao dửng dưng !

Sao ngó mà không quày trở lại
Cứ miết đường Y Jut đi hoài
Phố Bụi lòng riêng về mấy ngả
Ngả nào em lạc mất tình nhau !


Để ta rớt lại đời khuây lảng
Thơ lạc đường đêm đối bóng mình
Bóng ngả trên đường qua Ngả Sáu
Lạc em từ đường Phan Chu Trinh

Lạc em từ Ama Trang Long
Lạc nữa, cuối đường Tôn Thất Thuyết
Áo em giởn ngất trời lồng lộng
Ta níu hoài không giữ được, riêng

Thôi, cứ tình em, ta cất giấu
Mai kia mốt nọ chợt nhớ về
Nói lẫy : “ hồi xưa em đánh mất
anh có còn, gởi lại cho em !”


Gởi gì đây ! Biết gởi về đâu !
Mình lạc tình đau tự thuở nào
Thuở của một thời Buồn Muôn Thuở
Mưa-bùn-nắng-bụi giữ giùm nhau !

Bây giờ ta ở phương trời lạ
Em ở quê nhà, Phố Bụi xưa
Núi cách sông ngăn đường xa ngái
Vẫn còn vương bụi nắng, bùn mưa !

Xin cám ơn một thời Trường Cũ
Những con đường ta đuổi theo em
Đã bấy nhiêu năm còn cất giú
Hay là bỏ lửng vào lảng quên !

Ta vốn một đời Thơ chất ngất
Mà viết tình em lại nghẹn lời
Em ơi! Nói nhỏ. Lời chân thật
Em còn thương Phố Bụi. Thương không !

Thơ Tình Giấy Nõn
Ban mê thuột 08/2008

Trang Thân Hữu : PHỐ BỤI NHỮNG TÌNH THƠ


Bài viết “ Phố Bụi Những Tình Thơ “
anh Lý Thảo Yên không đưa vào Phút Liêu Trai
vì lẽ không có chút ( dù chỉ một phút ) liêu trai.
Trái lại, còn quá nhiều bụi trần, không thoát
lên vẻ dáng phiêu hốt….
Đã vậy, trong bụi lại còn có bùn !
Thiệt là quá đáng!
Do bởi,tại,vì cái tật ngẫu hứng sinh tình
không chịu theo anh tìm phút liêu trai
lại cứ dông dài tìm về nơi chốn hiện thực
những kỷ niệm của một thời yêu dấu….
Thôi thì, nếu đã không có duyên gởi cho anh
thì gởi lại cho những bạn bè chung
mái trường xưa

PHỐ BỤI NHỮNG TÌNH THƠ


Bất ngờ, nhận được email của anh báo cho biết là sẽ có thêm tác phẩm thứ 2, đang chuẩn bị, nhưng chưa định ngày đưa đến nhà in. Kèm sau lời báo tin là một câu ngắn ngủi “ nhờ bạn viết đôi dòng cho tập Thơ. Có thuận tiện không ?”. Câu ngắn ngủi theo sau những lời nhắn tin vui làm cho tôi cảm thấy thật là bối rối.

Thuận, thì, tất nhiên. Bởi đã từng cùng chung một mái Trường xưa, nay được…nhờ chia xớt niềm vui. Không những thuận tình mà còn, phải nói thêm, là hân hạnh.
Tiện thì cũng …trơn tru không rào cản. Bởi cũng còn cùng đam mê cái-thú-văn-chương- lộng-gió-bốn-mùa trong cuộc sống trâu-cày-giả-bữa ở đất người. Nay được yêu cầu cầm cây bút sở trường để viết đôi dòng thì có chi đâu mà bất tiện !
Nhưng còn một điều phải giật mình nhớ lại…Xin được nói lên cho thiệt tỏ tường.
Tỏ tường ở chỗ tôi xin được mạn phép dài dòng “trích đoạn” một bài viết mang tựa đề “ Yêu Hết Một Đời “dành riêng cho ngày Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm thành lập Trường Trung Học Ban Mê Thuột của chúng mình vào ngày 03/07/2005 tại Cali :
“…Yêu Hết Một Đời là thi tập của một CHS/TH/BMT ( Cựu Học Sinh Trung Học Ban Mê Thuột), anh Nguyễn Thế Hùng ( bút hiệu Lý Thảo Yên ). Thi phẩm của anh ( xuất bản năm 2003) đã được nồng nhiệt đón nhận từ các CHS/TH/BMT với niềm tự hào( không dấu được) là từ nơi chốn Bụi Mù Trời, Buồn Muôn Thuở lại phát sinh những cây bút đóng góp ít, nhiều sinh động và khởi sắc trong dòng Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại.
Xuất xứ từ ngôi Trường Trung Học Ban Mê Thuột, qua năm tháng thăng trầm, vẫn đều tay giữ được “nghiệp dĩ “ của mình. Bậc trưởng thượng có nhà thơ Thái Anh Duy( Nguyên Chủ Tịch TT Văn Bút Nam Cali), Trần Văn Thìn, Nguyễn Thủy Nam, nhà văn Bùi Dương Chi…
Xuống hàng “con,cháu” có Lê Thiệp, Trần Quán Niệm, Thiện Ý Nguyễn văn Thắng, Phan Ni Tấn(ND), Nguyễn Quyết Thắng, Y Cao Nguyên, Lý Thảo Yên, Chương Khuê, Lê Hữu, Mây Hải Đảo, Chính Nguyên, Vi Thể, Nguyễn Đình Hòa, Ngạc Phong, Nguyễn Đình Minh, Nguyễn Ngô Uyên, Thương Thương, Hoàng Minh Châu, Hương Lam, Võ Túc Trí, , Vũ Thị Mai, Tuyết Nga, Huỳnh thị Tâm, Như Thương, Phạm Đạt, Trần Châu, Phùng Ngọc Cửu, Liên Hương, Phạm Hữu Linh, Trần Hải Thành, Ngữ Nguyện, Ngô Ái Lan, Phạm Nhì, Tử Du, Hướng Dương, Lê Trung Thu, Hồng Phượng, Nguyễn Huy, Bích Nguyệt, Nguyễn Thị Chín Một, Trần Huy Sao…
Thơ văn, theo thời gian lang bạt tháng năm đời ly xứ, chất ngất và cũng ít, nhiều, đã đóng góp cho nền Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại, nói chung, và tư liệu gìn giữ cho Website TH/BMT, nói riêng.
Xin phép anh Lý Thảo Yên khi tôi chọn Yêu Hết Một Đời để làm tựa cho bài viết về 50 Năm Kỷ Niệm Thành Lập Trường Trung Học Banmêthuột “
( ngưng trích)

Chỉ trích đoạn chừng đó thôi cũng đủ cho anh thấy là tôi bối rối tới cỡ nào! Bao nhiêu là tài tử văn nhân, qua lại dập dìu như trong Ngày Hội Làng của Buôn Bản chúng mình, sao anh lại níu tôi vào Phút Liêu Trai !

Vốn tính cẩn thận và để cho chắc ăn, tôi có hỏi anh về bài sẽ viết. Viết dưới hình thức Bài Tựa, Bài Bạt hay là một bài đóng góp thêm cho vui cùng với những bài viết của bạn bè về Lý Thảo Yên. Anh trả lời Bài Bạt đã có Thầy Thành, mẫu tranh bìa đã có anh Lê Đình Sinh. Tôi chỉ cần nối thêm một vài dòng cho đông vui.

Vậy là tôi yên tâm phóng bút ngẫu hứng sinh tình không phải đóng khuôn nội dung Phút Liêu Trai chọc giận bà con theo kiểu “ áo thụng vái nhau” qua những câu thơ trích ( đoạn) dẫn ( nhập) với những lời lẽ ( rập khuôn ) bay bổng tới nỗi làm cho chính tác giả cũng phải giật mình mà nổi giận. Rõ ràng ý tình của đoạn thơ ( được trích dẫn) của mình chỉ ngang tầm ở cõi đời cơm áo hay cao tầm hơn chút là cõi phù vân mây nổi mây trôi, thế thôi !
Vậy mà lời dẫn (thơ) nhập (bút) lại đưa mình lên tới, không phải cao tầm mà là, cao tầng đến chóng mặt.
Lời dẫn nhập đã vậy, lời bình thơ khi mới đọc qua thì cũng thấy …tê tê vì lời bình văn hoa bay bướm. Đọc kỹ lại mới giật mình nóng lạnh. Không biết thơ của mình hay thơ của ai đây?

Viết rập khuôn, cường điệu kiểu đó thì tôi đây xin chịu thua. Không chừng dễ xa nhau vì tôi biết tính anh bộc trực. Vào Liêu Trai, anh cũng chỉ vào một phút thôi chứ không như mấy anh chàng trong Liêu Trai Chí Dị dầm dề qua đêm. Tính anh dứt khoát, thẳng thừng như vậy cho nên tôi có viết về Thơ anh như đã nói phần trên thì thiệt đúng là dễ xa nhau. Chứ còn gì nữa !

Nhưng mà gần 40 năm rồi, kể từ ngày rời bỏ Trường Xưa nhập cuộc vào Đời, nhập dòng dâu bể nhiễu nhương qua vùng đất không còn là chỗ quê hương để dung thân kiếm sống ! Nay tìm và gặp lại thì dễ gì, mà đến nỗi gì, để phải xa nhau ! Anh tâm sự :
Xưa, nâng chén rượu tiễn quan san
Nửa đời, nay cạn chén tương phùng
Đất khách, hề, anh hùng tri ngộ
Tưởng còn đây, thời ngang dọc vẫy vùng…

( Phút Liêu Trai -Chén Tương Phùng trang 67 )
mấy câu thơ không cần thiết phải diễn đạt cho thiệt cao tầng ( mà cũng dễ “tức cảnh sinh tầng” lắm, vì có rượu tiễn quan san, có hề, anh hùng tri ngộ,thời ngang dọc vẫy vùng mang vẻ dáng ngất trời hào khí ). Thôi thì chỉ cứ xin rất đỗi đời thường, chỉ cần ngang tầm (ngồi) quanh bàn tiệc trong đêm Tiền Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Trường Trung Học Ban Mê Thuột ( 1955-2005) tại nhà Trần văn Chính& Vân Anh ở thành phố Biển San Diego.

Anh từ Đại Vực về thăm Biển, Biển gọi anh hay tình bạn gọi anh?. Chắc chắn là tình bạn sau nửa đời “ hương (bay) phấn ( bợt) “ có một dịp vô cùng quý hiếm, tìm và gặp để chỉ cùng nhau cạn chén tương phùng. Cho nên anh phải về.
Ngồi gần, xa và quanh anh là những bạn hữu Trường Xưa.
Anh Đoàn Đình Nga phơ phơ bạc trắng mái đầu, anh Phạm Công Lạc phương phi như Lão Ngoan Đồng, anh Y Cao Nguyên vẫn giữ vẻ dáng thư sinh nho nhã, anh Lê Xuân Roãn dáng đi lúc nào cũng như điệu múa Hội Bản Làng, anh Lê văn Thể ( khi làm thơ tình, viết văn, hát giọng tenor là Vi Thể, khi nhập bàn tiệc ( kể cả khi làm Thơ tếu) gọi là Thè Lè, anh Y Bo Ya thơm lừng mùi bắp rẫy nương. Thêm mấy thằng bạn một thời chọc trời khuấy nước Tiêu Phong Nguyễn Quang Trúc, Tạ văn Lực, tay nhạc (văn,thi)sĩ Phan Ni Tấn (ND),có bản nhạc “ Đi Về Phía Ngôi Trường” làm “nền” chính cho Ngày Đại Hội, tay Trần văn Chính nội lực thâm hậu gồng mình tổ chức đêm Tiền Đại Hội tại nhà riêng (của Vân Anh?).
Bên ngoài thì cạn chén tương phùng, bên trong thì tràn lời tương ngộ dưới sự điều khiển chương trình của cô bạn dịu dàng hết biết Tuyết Nga đến từ vùng Biển Nắng Florida. Lớp đàn em thì có Phạm Đạt, Trần Thanh Xuân, Trần thị Thơm, Như Thương…Và nhiều quá, những khuôn mặt bạn bè xưa nhớ chưa ra nổi để mà nhắc tên cho đều, khắp.
Đây là lần đầu tiên tôi được gặp dù có biết anh qua thi tập Yêu Hết Một Đời được ra mắt thời gian trước đó.Buổi cạn chén tương phùng anh có đọc thơ. Dẫu chỉ đọc vài câu ngắn để… đưa mồi câu chuyện văn chương thi phú. Anh đâu có biết là anh đã đưa tôi vạn dặm tìm về những kỷ niệm năm tháng học trò trong khung cảnh đêm hôm đó, tuy đã xa rồi hương cố quận, mà vẫn còn tràn ngập tình nghĩa Thầy, Cô, bạn cũ Trường Xưa…
Tháng Tư hoa cà phê nở rộ
Trắng cả không gian rộn rã mùa Hè
Cổng Số Một hương lừng trong gió thoảng
Ta cùng em vừa cạn hết đam mê

( Phút Liêu Trai – Ba Mê trang 55 )
Phố Bamê có thiếu gì nơi chốn tình yêu ghé bến. Đi đâu mà xa dữ ! Ồ, Cổng Số Một! Tôi nhớ ra rồi ! Nơi đó có rừng cà phê um tùm che kín dễ …đam mê, lại có hương rừng trong gió thoảng ! Có không gian rộn rã mùa Hè.Thì ra là vậy ! Thi sĩ, vào cõi Thơ thì hào phóng ngôn từ. Vào cõi Đời thì, ngược lại, đố tay nào qua mặt ! Bái phục ! Bái phục !
Giả dụ như, nếu mà, ta cùng em…vào quán Chi Cao ( ở góc đường Quang Trung- Lý Thường Kiệt) thì phải tính toán hầu bao của anh chàng thư sinh mặt (hay tay) trắng, chi trả cho em một cốc kem ( cốc lớn à nghen, cốc nhỏ em sẽ là chê vì không “phê” không “đã” ). Và để giữ dáng phong trần ( hay phong độ ) kêu thêm ( không phải cho em mà cho anh ) một chai beer 33 ( beer 33 bé bé xinh xinh lại có vẻ tay chơi thứ thiệt, chai beer con Cọp lớn quá xá lớn sợ say xỉn sớm, xệ, xìu…). Thêm nữa, bắt phong trần phải phong trần (chưa) cho phong lưu mới ( nhỏ mà bày đặt ) được phần phong lưu, kẹp điếu Bastos Xanh. Phải là Bastos Xanh. ( Đỏ, thì chê chưa đủ dáng phong trần. Capstan hả ! Thiệt chỉ một phường thơm lừng mùi công tử bột ).
Thế cho nên đi vào với cảnh sắc thiên nhiên thì đâu cần phải tính toán chi li, lại có phần tự nhiên bày tỏ tình yêu
Em hồn nhiên ngà ngọc Thác Nhà Đèn
Đồi núi cao, bỗng rợn nét thanh tân
Chim ngừng hót, trời cũng hờn mây trắng

Nghe trong tim niềm rạo rực êm đềm…

( Phút Liêu Trai – Ba Mê trang 55 )
Thác Nhà Đèn quả nhiên thì cũng có đồi núi cao, có chim rừng, có mây núi, có cây cỏ um tùm lại có nước non lai láng dễ tức cảnh sinh tình nhưng mà kẹt một điều lỡ thằng Trúc Nhà Đèn ( qua bên này nó là Mây Hải Đảo, thành đạt trong cuộc đời cho nên mới có điều kiện sinh hoạt cộng đồng hăng say và làm thơ hăng quá tới nỗi Florida bão lụt triền miên ! ) . Ngày xưa nó lừng danh thiên hạ ( đệ nhất quái) vì thích bày trò nghịch phá đố tay nào bằng. Nó mà bắt gặp thì đúng y boong như lời nhà Thơ đã giải bày tâm sự :
Ta nằm bệnh suốt tuần mưa
Hôn mê lửa cháy đốt tòa thiên cung…

( Phút Liêu Trai, Tuần Bệnh trang 25 )
cơ sự gì mà đến nỗi hôn mê lửa cháy là sốt cao lắm rồi đó nghe. Cũng may mà nhà thơ còn gượng được…
Anh đi làm chi tới những chốn xa !
Sao không về ngõ phố quen xưa mà dìu nhau đi trên một con đường tình rợp mát bóng cây. Mùa Xuân có chim hót. Mùa Hạ có Phượng đỏ,ve ran. Mùa Thu có lá vàng rơi lãng mạn. Mùa Đông có gió lạnh đầy. Con đường này, ngày xưa tụi mình, ai chẳng từng đi. Đi một mình. Đi hai mình. Đi cả nhóm nghênh ngang chọc phá. Đi thất tha thất thểu thất tình. Đi hớt hơ hớt hãi sợ ma, ma men, ma mảnh. Đi theo đuôi( đuổi theo rồi đui theo) tà áo giai nhân. Đi thơ thẩn để tìm thi hứng. Đi như chạy như bay quá giờ, trễ học…Nói chung, là những dáng đi tĩnh lặng ồn ào đã một thời “đi” vào kỷ niệm vào thơ văn .
Vào kỷ niệm thì hầu hết bạn bè ngày xưa ai cũng có một lần đi (qua) cho dù mỗi người mỗi dáng đi riêng tự biết.
Vào thơ văn thì thảy đều có cùng một dáng đi chung (đôi) chỉ khác nhau ở thời điểm Xuân Hạ Thu Đông, buổi chiều (mưa nắng) hay buổi tối (đen trăng sao). Mấy tay văn thơ chất ngất của xứ Buồn Muôn Thuở đâu có chịu bỏ quên con đường này. Nhà thơ Chinh Nguyên đã từng đi qua với Lời Tình Buồn. Nhà thơ Y Cao Nguyên cũng tới mà Tìm Lại Thương Yêu. Đó là chưa nhắc thêm các bậc đàn anh đàn chị Trần Quán Niệm, Thiện Ý Nguyễn văn Thắng, Lê Thiệp, Nguyễn Quyết Thắng, Vi Thể, Thương Thương, Huỳnh thị Tâm, Hoàng Minh Châu… hay trạc bằng tuổi tôi Lê Hữu, Phan Ni Tấn(ND), Mây Hải Đảo, Phạm Hữu Linh…. Lớp đàn em còn có Trần Châu, Phạm Đạt, Ngữ Nguyện, Phùng Ngọc Cữu, Như Thương….
Con đường này khởi đi từ ngã Sáu có ngôi nhà Thờ Lớn (thuở tụi mình đi học còn có bến xe liên tỉnh), chạy dài qua Bưu Điện Thành phố qua Biệt Điện của vị Vua cuối đời nhà Nguyễn rồi chấm dứt ở công viên rộng lớn.
Thương hải tang điền, đường xưa nay có đổi tên hay vẫn là chưa đổi, chỉ đổi thay thôi! Khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Mà đâu cần gì phải gọi đúng tên ! Chỉ cần nói là con-đường-tình-ba-mê là ôm cả một trời tình tự là nhớ tới một con đường, không thể nào nhầm lẩn bởi một con đường khác, đã hóa tâm hồn, đã khắc sâu hằn tình sử, đã thành kỷ niệm trong đời.
Tôi cố tình tìm trong Phút Liêu Trai nhưng tìm không ra con-đường-tình-ba-mê hay là thấp thoáng đâu đó mà tôi chưa bắt gặp….
Lẽo đẽo theo đuôi suốt mấy ngày
Yêu thì yêu (mà) giận quá đi thôi

(Phút Liêu Trai – Giận Hờn trang 57 )
có thể là nhà thơ theo đuôi ( đuổi theo rồi đui theo) tà áo giai nhân trên con-đường-tình-ba-mê này nhưng mà cũng không chắc lắm vì đoạn thơ chỉ nói là theo đuôi suốt mấy ngày (mệt đuối) mà giận quá đi thôi! Không thấy tả cảnh con đường nên chưa dám chắc…Chưa dám chắc nên phải ngưng ngang, chưa dám lạm bàn.

Thôi thì về lại Cõi Thơ. Có Trần Huy Sao đây ngẫu hứng sinh tình, viết với một tấm lòng cố nhân cố quận như anh đã từng viết qua hai tác phẩm .
T hầy cũ bạn xưa bao nhớ mong
R ạt rào thương mến buổi tương phùng
m như chợ vỡ câu tâm sự
N ổ tựa đạn bay giữa chiến trường
HUY hiệu đầu Voi xưa lẫm liệt
S ử xanh đất Lạc mãi kiêu hùng
A i khơi đau xót sầu xa xứ
O ai vị tiền nhân cũng chạnh lòng
( Phút Liêu Trai – Họp Mặt Trường Xưa trang 81 )
đêm xưa, hàn huyên tâm sự thâu đêm, anh nói là anh thích và sở trường về thể thơ Đường Luật.Tôi đọc tập thơ anh vừa ký tặng, nói ngược lời anh là tôi nhận thấy anh mặn mà hơn ở thể thơ lục bát. Tranh cãi một hồi mất thêm mấy chai beer của Trần văn Chính mà không tới Đại Vực cũng không tới Biển. Chỉ lưng chừng. Buổi chiều ngày Hậu Đại Hội, anh em họp mặt vườn sau nhà anh Y Cao Nguyên, có Thầy Trại, Thầy Dũng, có anh chị Song Kim (Kim Khoa&Kim Hồng), anh Nga, anh Lạc…Tôi có đưa anh mảnh giấy nhỏ ghi mấy câu lục bát của anh mà tôi rất tâm đắc, chỉ xin phép được sửa lại một chữ ( chỉ là một chữ thôi) cho có vẻ Lý Thảo Yên. Anh đọc và cười thoải mái, bỏ mảnh giấy vào túi áo. Không nói gì về Thơ nữa, nói chuyện Trường Xưa, cho đến khi từ giã.
Tuần sau, anh gởi email tặng tôi bài Thơ Đường Luật trên, coi như là một kỷ niệm lần gặp mặt. Tôi đọc từ những mẫu tự rời tiếp nối ra câu để cuối cùng đan kết thành bố cục chính là tên người nhận mà vẫn giữ được niêm luật và ý tình của bài Thơ, không gượng ép. Đúng là sở trường .
Không tranh cãi nhưng anh đã gởi cho tôi lời tranh cãi cuối.
Nhưng dẫu gì chăng nữa, tôi bắt gặp, anh vẫn đi những bước dịu dàng sáu-tám mở đầu cho cả hai tập Thơ. Những bước-tình-thơ thơm lựng tuổi học trò. Anh vẫn yêu thơ lục bát đó thôi!
Phố thị xưa dấu bụi mòn
Hanh hanh nắng đổ nghiêng con dốc già…

( Yêu Hết Một Đời – Dấu Ba Mê trang 15 )
Hôm qua bắt được nụ cười
Giấu vào tay nải lên đồi mở xem..

( Phút Liêu Trai- Phút Liêu Trai trang 14 )
đêm nay, một mình đối bóng, đọc cả hai tập thơ của anh.Yêu Hết Một Đời đã xuất bản 2003 và Phút Liêu Trai ( đang còn trong dạng bản thảo ) anh vừa mới gởi qua để tôi đọc mà ngẫu hứng sinh tình viết đôi dòng cho tập Thơ như lời anh nói.
Đôi dòng sao được, anh ! Đã là ngẫu hứng thì chí ít cũng phải dài dòng. Nhất là tập Thơ có nhắc nhớ đến thời hoa mộng tuổi học trò. Ai chẳng có một thời rưng rưng nhớ. Một thời thôi là đủ để buồn vui.
Chắc chắn là Thầy Thành và các bạn văn của anh sẽ viết rõ hơn về thi phẩm Phút Liêu Trai, tác giả Lý Thảo Yên.
Còn tôi,viết bài ngẫu hứng sinh tình này là hoàn toàn ghé mượn những bài thơ về Ban Mê Thuột của anh Nguyễn Thế Hùng để trải lòng thương nhớ chốn xưa…Viết với chút vui nhộn nghịch đùa như hồi còn tuổi học trò, để các bạn Trường Xưa cùng đọc cho bớt buồn, đời ly xứ.
Nói như thế có nghĩa là Phút Liêu Trai của tác giả Lý Thảo Yên sẽ ra mắt bạn đọc trong những ngày sắp tới là một đóng góp nhỏ phần mình cho nền Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại. Là nói chung.
Còn những bài Thơ dáng dấp Ban Mê, có, trong thi phẩm Phút Liêu Trai của tác giả Lý Thảo Yên là đóng góp dành cho Buôn Bản, sẽ đến cùng các Y’ và các H’ với cả một nỗi lòng cố quận. Là nói riêng.
Mai này, khi thi phẩm Phút Liêu Trai được xuất bản, đương nhiên là tôi sẽ đọc với cương vị của một độc giả đến với tác phẩm và tác giả. Có sự khen chê rất lẽ thường của người đọc.
Và qua 50 bài trong thi tập, tìm ra, dẫu chỉ có một đôi bài viết về Ban Mê Thuột. Tôi sẽ đọc những bài Thơ này, nhưng đặc biệt hơn, với cả một tấm lòng. Có thể bài Thơ chưa đủ làm rung động nhưng mà có nhắc nhớ những hình ảnh xa xưa là ,đủ lắm rồi, để mềm lòng thương nhớ . Nó không còn là lẽ thường khi nhận định về bài Thơ mà rất đỗi bất thường làm cho xốn xang, nhức nhối xáo động cả nhịp đời cơm áo xa quê :
Hồi hộp mãi chờ trống Trường tan Lớp
Chân cuống cuồng, ai rảo bước đằng sau
Gió mùa Thu hoa Sứ rụng ven đường….

( Phút Liêu Trai-Ngày Xưa Vụng Dại, trang 30 )
hình ảnh đó, hỏi em và xin hỏi cả anh : nay-em-còn-nhớ-hay-quên-anh-đã-quên-hay-vẫn-còn-cứ-nhớ!!!
Giữa “nói chung” với “nói riêng” tôi đã chọn điều nói riêng cho mình và, giùm, cho cả các anh chị niên trưởng, bạn bè cùng trang lứa ( và lớp dưới lứa ) đã có một thời cùng chung dưới mái Trường Xưa.
Tôi thật là ngưỡng mộ, tháng ngày rượt đuổi áo cơm mệt đuối, anh còn dành được giờ phút đêm đêm đối bóng hòa nhập bóng mình trong bóng đời dâu bể nhiễu nhương mà viết những dòng Thơ về Mẹ, về bằng hữu, về những kỷ niệm xa xưa và tự họa chân dung của chính mình để gởi lại cho đời thi phẩm Phút Liêu Trai.
Đậm nét trong tôi là ( dẫu tìm, chỉ có) một vài bài Thơ anh viết về Ban Mê Thuột, nơi chốn anh và tôi và bạn bè đã một thời gắn bó. Nơi chốn khi tôi còn nương náu là Bụi Mù Trời, khi tôi xa đi là Buồn Muôn Thuở và trong cõi-thơ-tôi là Phố Bụi ! Phố Bụi có những bài tình thơ giữ lại! Bông cà phê trắng nõn buổi ban đầu. Sao đoạn cuối lại giọt màu đen đắng. Em Phố Bụi của một thời áo trắng. Mà giờ đây loạn lạc tận phố nào!
Phố nào đây trên khắp Phố Đời loạn lạc!
Mất dấu rồi ! Tìm chẳng thấy ra. Chỉ còn lại trên dòng văn, tôi thiết tha gợi nhắn bạn bè :
“…Năm, tháng dần qua, lớp bạn bè ngày xưa, nay, đã vào tuổi vàng thu đông lạnh. Có dịp nào được kề cận bên nhau, xin cứ tìm nhau và cứ đến với nhau. Đừng để nắng sớm mưa chiều khi nghìn trùng xa cách có gọi ới tới nhau thì lá đã rơi về cội, nắng đã nhạt cuối đồi ! Hoa chỉ có một thời rộ sắc. Trăng chỉ có một khoảnh trời riêng. Xuân Hạ Thu Đông cũng chỉ giữ một thời khắc ngắn. Đời người cũng chỉ hạn hẹp phù vân.
Phố Bụi một thời giữ tình tôi nắng Hạ. Khi xa quê Phố Bụi rớt xuống đời tôi những lá vàng Thu. Rồi mai đây tuổi vào Đông giá, khi nhớ về Ban Mê Thuột – Bụi Mù Trời – Buồn Muôn Thuở, tôi còn ai chia sẻ những ngậm ngùi…
Bạn bè Trường Lớp cũ ơi ! Những năm tháng Trường Xưa ơi ! Hạ vẫn hồng. Phượng vẫn đỏ. Qua mấy mươi năm biền biệt phương trời, cũng có thể, bợt màu…
Nhưng mà chỉ bợt màu thôi, chứ-làm-sao-mà-nhạt-nhòa cho được !....”

(trích “Cho Một Lần Về Ban Mê Thuột “,THS,trang 99, Đặc san&Kỷ Yếu TH/BMT)
Xin cho tôi với, phút-liêu-trai, đã lạc đường về Buôn Bản…
Cũng chỉ tại vì anh đó thôi, anh Lý Thảo Yên. Thi tập Phút Liêu Trai có bài Thơ anh dẫn đường về để cho tôi ngẫu hứng sinh tình…
Đêm, giữa dòng Trăng vùng Biển San Diego, tôi nhớ về Đại Vực là ray rứt nhớ đêm nào anh em mình cùng với bạn bè xưa ngồi sát bên nhau cạn chén tương phùng. Thằng say ngồi dựa thằng không tĩnh. Cứ tạm coi như buổi tan trường. Bốn phương tám hướng trời vô định. Gởi lại chiều nay, mai viễn phương…
Viễn phương có nghĩa là phương xa chớ gì ! Như tôi ở đây anh ở kia, xa lắc, là viễn phương. Như là đang đọc thơ của anh đây mà tôi lại lan man tới bên kia trời cố quận.
Cũng là đây cũng là kia mà đâu có viễn phương ! Vẫn thấy gần gụi nồng ấm thân quen.
Vẫn thấy cổng Trường Xưa đứng đợi những người đi xa giạt phương trời về góp mặt đông vui như thuở nào tóc xanh hồn dạng trẻ…
Cám ơn anh đã cho tôi dựa vào Phút Liêu Trai để có dịp được nhắc và nhớ tới bạn bè với những ngày tháng xưa, ngẫu hứng từ bài thơ anh viết về một nơi chốn có-bụi-mù-trời-có-buồn-muôn-thuở…
Nói cho vui câu chữ vậy thôi, chứ trong lòng của những trò xưa, cứ mãi mãi gọi thầm là Ban Mê Thuột….


Đêm, giữa dòng Trăng
Mira Mesa, San Diego tháng 9/2007


Tài liệu tham khảo thêm : Đặc San&Kỷ Yếu Trung Học Ban Mê Thuột 2005
Yêu Hết Một Đời ( thơ Lý Thảo Yên, 2003 )