tháng 8 28, 2009

ÔN và CHÁU


gởi Nì, kỷ niệm Hè 2009

đêm qua Nì ngủ với ôn
bên thì ngáy sấm bên choài đạp hung
đầu hôm đằm thắm quá chừng
sáng ra đã thấy không đừng giận nhau
một chân cháu gác tới đầu
một chân đè cái bụng bầu của ôn !
cháu ơi lỡ ngáy chút thôi
nghe qua rồi bỏ giận ôn làm gì !


sáng nay ôn ở với Nì
ôn thì lên .net cháu thì chơi game
trong ni ôn lướt âm thầm
ngoài kia cháu nhủi cháu trằn thấy ghê
hai tay bấm loạn bấm mê
ôn nhìn ra thấy mà ê ẩm người
bấm chi bấm loạn vậy trời
đêm qua chân đạp bây giờ tay rung !

vậy mà ôn lại rất ưng
cháu vui ôn cũng thấy mừng cho ôn
hồi xưa trạc tuổi bằng con
miếng no đói đã giết mòn tuổi thơ
đêm nằm thui thủi mồ côi
có ai đâu để đạp choài sướng chân
ôn từ thân tự lập thân
mấy mươi năm chỉ có ngần ấy thôi !

đêm câu cá trên cầu Oceanside Beach
sáng Ôn và cháu
28/08/09

NHATRANG NGÀY EM NỮ HỌC


anh về nhatrang ngồi với em thôi
em cũng nói ngồi với anh thôi ngồi với
bãi biển chiều xưa sóng dồn chưa tới
chỗ hai mình ngồi nói chuyện tình yêu

em ơi tình yêu mình nhỏ giọt lêu bêu
anh mới ra đời chưa quen sóng gió
em mảnh khảnh áo trắng trường lớp nhỏ
tương lai còn níu riết tuổi học trò

quá yêu em nụ hôn ghì thương nhớ
tới nỗi vòng ôm cũng bỏ rớt sách đèn
anh về thăm em trời lạ người quen
mùi biển mặn níu giữ tình anh lại

cũng làm dáng là người thương biển cát
thương nắng có mùi thơm ngát gợi tình
biển nhatrang một triền cát hai mình
con dã tràng chạy ngả nghiêng tìm bạn

cơn gió trùng khơi mát lòng nắng hạn
anh mát lòng thương nhớ buổi về thăm
cát trắng nghiêng tay rớt nhớ âm thầm
mai anh xa em trở về Phố Núi

cô học trò cũng đừng buồn đừng tủi
chia tay em anh bỏ biển về núi đồi
nếu hỏi chỗ nào cho anh nỗi nhớ
là buổi em ngồi mát biển nhatrang !

tháng 8 25, 2009

XA BIỆT NGHÌN TRÙNG


Tưởng nhớ anh Võ Công Đẩu

anh vừa mới ra đi
tha thiết lòng em thương nhớ Huế
năm ngoái em về cầm tay anh nồng ấm
anh nói cậu về tôi không ngồi được
chỉ nằm thôi, nói chuyện, cậu đừng buồn
có buồn chi anh cho thêm sầu thêm muộn
gặp lại nhau hôm nay là vui
là Huế rải lòng nhau anh giữa cơn đau
chia sớt tình anh khi em ghé Huế

đêm lau giọt mồ hôi cho anh, Huế ơi là Huế
tội tình chi mà anh ngó không ra
cười mộng mị nói răng mà mát rứa !
ngó xa thẳm nói cậu về thăm Huế
mạ mi đâu lấy ghế cậu ngồi
em đang ngồi đây ngồi gần bên anh
hai mươi năm cứ tưởng chừng đâu đây
giờ bàn tay nắm lấy bàn tay, đau

khi xa Huế anh đã nằm không dậy
gọi cách chi cũng đêm vắng gọi đò
bến sông xưa vừa chia tay anh đó
nay hóa nghìn trùng mờ mịt phôi pha
rứa là anh đi rồi anh về phương lạ
em ở phương này lạc buổi Huế xưa
Huế năm ngoái em về năm ba bữa
ngồi bên anh, thương quá, chỉ khóc thầm

còn có bàn tay nào cho em được nắm lâu
khi em với Huế với anh rức lòng không nỡ…..

Calif 22/08/09
ngày nhận tin anh mất

tháng 8 21, 2009

THƠ TÌNH GIÓ CHƯỚNG


em đọc thơ tôi biết có “cảm” không
hay chỉ tò mò đọc qua rồi bỏ
đọc cho thấy viết (lách) gì trong đó
hồi chưa quen em tôi lang bạt kỳ hồ
cù-bất-cù-bơ rày đây mai đó
miếng sáng mây bay miếng chiều mây đổ
miếng nửa khuya ray rứt những câu thơ
tôi sống bảnh hôm qua hôm nay ná thở
ngó tương lai như vần điệu bài thơ
thơ vần điệu rập khuôn nhàm chán
tôi vốn không ưng như tôi ưng em
như đời tôi lang bạt đã từng quen
phá khổ trích ngang xô nghiêng vần điệu

có đôi khi, lang bạt, viết liêu xiêu
thơ lại có điệu có vần có niêm có luật

em có đọc nhưng một điều trật lất
là đọc thơ ( tôi) đâu có đọc tôi đâu !
tôi vẫn bên em từ thuở vặn đèn dầu
cho tới văn minh đèn treo cao vẫn sáng
đâu có dầu (trơn) nhưng thiếu gì lãng mạn
huống nữa bây giờ tôi vẫn (cứ) làm thơ
những tay làm thơ hồn rất ngu ngơ
dạy cách mấy hắn cũng thằng phải gió
gió bấc lạnh lùng gió nồm nóng bạo
tôi mùa nào cũng gió chướng thì thôi!
gió tình yêu hay gió tự lòng tôi
em nhắc khéo phải bốn mùa đúng hẹn
khi nắng ráo là mùa Xuân mùa Hạ đến
khi lạnh se là mùa Thu mùa Đông sang

sao tôi vẫn đi những bước chân lạng quạng
giữ cách gì cũng không đúng lời em

có lẽ thuở giờ nề nếp chưa quen
trước lúc yêu em tôi là thằng lang bạt
con ngựa chứng bất kham con chim trời phiêu giạt
cánh chim mỏi gian nan chiều gió bấc
vó ngựa chồn khô kiệt gió nồm nam
trải cuộc đời qua vạn dặm quan san
tôi mặn muối cay tiêu thương hải tang điền
em đôi mắt xưa vẫn còn lúng liếng
tôi vẫn làm thơ như thuở mới quen em
từ mới quen cho tận lúc quen thêm
tôi vẫn mãi(chưa)là người tình đúng điệu
vẫn lơ mơ và vẫn cứ lêu bêu
không biết lâu này em đọc bao nhiêu

duy có một điều xin em ráng chịu
tôi làm thơ tình dẻo như kẹo quéo….

tháng 8 08, 2009

CÂU CHỮ THỜI GIAN


“ Thời gian đi qua rồi không cách chi mà níu lại được..”
Ôn ngồi rung đùi uống rượu, giọng khinh thế ngạo vật, cố hữu : “ Mi nói rứa cũng đúng nhưng tao thì cho là không đúng”.
Chai rượu đã vơi gần nửa. Ly rượu chờ rót thêm.
Không biết rượu nói hay ôn nói đây ! Nghe tiếng ôn cười sảng khoái : “ Mi tưởng rượu nói đó hỉ, cái thằng việt kiều kia !. Tao nói có sách mách có chứng, đâu có nói hồ đồ. Để rồi mi coi…”. Ôn day người phía cửa bếp, lớn giọng : “ Mạ mi ơi ! Làm chi bỏ đó, ra ngồi đây chứng nhận giùm coi. Ra đây”. Mệ giao chảo thịt xào hành, món nhậu, cho dì Hương Giang, vội vàng chạy ra ngồi bên ôn. Quá là gia trưởng !.
Nghĩa thầm nóng mặt, khó chịu. Thấy mệ vẫn vui vẻ. Thấy ôn vẫn bình thường :“ Mạ mi hồi nảy ở trong bếp không nghe hắn nói...” Ôn ngó chai rượu, liếc ly rượu : “ Í, rót rượu đã rồi nói thêm.Cũng ké một miếng đi, giải mỏi.”. Mệ rụt rè nhìn chai rượu chính gốc xứ Huê Kỳ mà thằng cháu đem về làm quà. Cầm cách nào đây cho đúng điệu văn minh . Không lẻ cứ nắm đại rồi rót vô ly. Mấy cái ly cũng đem về biếu. Ly pha lê trong suốt, vẻ dáng tân kỳ. Ngại tay quá.
Nghĩa biết ý, vội cầm chai rượu rót vô ly cho ôn. Ngấn rượu trong ly chỉ nhích hơn một nửa. Tiện tay, anh cầm cái ly bên cạnh, rót một ly đầy. Mệ thoáng nhìn anh, rất nhanh, mà anh giả lơ.
Anh không quên được là mệ có ăn trầu nhả bã hút thuốc phà hơi. Mệ ăn trầu tới nỗi chai môi. Thuốc Cẩm Lệ khói bay, dù tản mạn, cũng quá nặng mùi. Lâu lâu cũng có lén ôn, làm một ly rượu trắng.
Nay sẵn dịp ôn đưa lời thì cứ, cố tình, rót đầy ly cho mệ uống công khai. Uống rứa mới sướng, mới đã.
Đón ly rượu từ tay anh, mệ cười hể hả tới nỗi anh cũng thấy vui trong lòng. Mệ nhìn anh, dù rất thoáng, nhưng sao thấy ánh mắt long lanh tươi trẻ như hồi còn con gái.
Mệ làm ngọt hết ly, lim dim. Anh bỗng dưng thấy mình lú lẫn sao không biếu riêng mệ một chai để mệ lim dim một mình. Một mình lim dim mới thoải mái, mới đã đời. Mai thế nào cũng ra phố, tìm chai cho mệ.
Rót thêm ly đầy nữa.
Mệ nhìn anh, trong ánh mắt nhìn có lời cảm ơn. Anh lại cố tình giả lơ, mà thấy thầm vui trong bụng.
Ngó ôn. Gần mười lăm năm đi biệt nay liếc thầm ôn, thấy già dễ sợ.
Hôm qua trong buổi cúng giỗ, ôn ngồi trốc, ngó nhìn xuống bàn tiệc họ hàng làm cho đám trai tráng thuộc hàng con cháu nhột vía cầm chừng mấy chai Heineken, Huda thầm lặng không dám hò dô ta trăm phần trăm. Buổi cúng giỗ giập đầu bái kiến tổ tiên rồi vái xin trước cúng sau cấp cho con cháu gầy bữa tiệc linh đình mừng có cơ hội tìm thấy gặp nhau đã rất êm đềm không có gì đáng tiếc xảy ra.
Ôn nói : ” Ở nơi hương trầm nhang khói là phải giữ cho hương trầm thơm nhang khói thơm. Ôn không làm khác được đâu con.”
Rồi chiều nay, ôn nói : “Hôm qua biếu Ôn chai rượu thì khui ra uống . Hương trầm nhang khói đã bay xa rồi, giờ ôn ngồi đây bụi bặm hơi hám đời thường hưởng chút hương hoa thế giới coi có giống vị quê hương “.
Ôn ngồi trầm ngâm bên chai rượu quê người. Nghĩa thấy ôn già theo thời gian. Thương lắm mà không ưng trong bụng khi nghe ôn nói điều nghịch lý là thời gian làm con người trẻ lại. Khó tin chuyện đó. Vậy mà ôn nói có rồi còn kêu mệ ra chứng minh.
Mệ ra ngồi chờ nhưng chưa chứng minh điều chi hết, đang chứng nhận ly rượu ngoại đầy tự lòng thảo thơm của thằng cháu ngoại cố tình quá tay rót, thiếu điều tràn mé.
Mệ uống một hơi quên cả ngó ngàng, ý tứ. Đây có lẽ là ly rượu, đầu tiên, có sự đồng tình ưng thuận, có niêm thuế rõ ràng chớ không là rượu lậu. Bởi thấy đôi mắt mệ không nhìn ngang ngó dọc, chỉ lim dim tận hưởng. Sảng khoái vô cùng, vô tận.
Chờ mệ lim dim đúng độ, nhẹ nhàng đặt ly rượu không xuống bàn, Nghĩa vội vàng rót thêm…Ly thứ ba. Ly nào cũng cố tình đầy đặn.
Ôn tằng hắng khiến cho mệ rụt tay nâng làm ly rượu sóng sánh. Nghĩa nhìn mệ thầm khuyến khích. Ưng mệ uống ngọt thêm ly nữa cho “đã nưa” nhưng mệ chỉ thầm lặng nhìn ly rượu, chờ ôn .
Chờ ôn nói về câu chuyện thời gian đang dỡ dang.
Nghĩa cũng đang chờ, nóng lòng chờ.
Ôn cầm ly rượu, điệu nghệ, đưa ngang tầm nhìn của mệ, rồi ngưng lại như có ý mời. Nghĩa chưa kịp “ nhắc tuồng” thì đã thấy mệ vội vàng cầm ly rồi nốc cạn. Nhanh nhẹn, gọn gàng tới nỗi Nghĩa cũng phải giựt mình.
Ôn thì chỉ nhấp một ngụm sành điệu rồi đặt ly xuống, tằng hắng lấy giọng , hình như là nói với Mệ :
- Ôn cháu tui đang bàn chuyện thời gian.Cái thằng cháu ni hắn nói thời gian qua đi không níu lại được. Tui thì nói được, níu được chớ sao không?. Rõ ràng mạ mi thấy đó, mới đây thôi, con Hương Bình hắn về thăm mà tui ngó không ra….
Nghĩa giật mình khi ôn nhắc tới dì Hương Bình…

***

Đây là câu chữ thời gian Nghĩa viết riêng về Dì…
….Dượng qua mỹ đã mười năm. Hình như phong thổ ở miền quê mới không thích nghi nên Dượng vẫn in như ngày nào. Nhìn chung, Dượng chẳng có gì thay đổi. Dì thì ngược lại, béo tốt đẫy đà, trông trẻ lại cả gần mười năm. Lần đầu gặp Dì, tôi nhìn không ra. Bởi thấy Dượng, như gốc đào cằn khô, đứng bên người đàn bà phổng phao tươi mát.
Dượng nhào tới nắm tay tôi, mừng vui không dấu. Tôi thì không đủ nhiệt tình nắm trả vì trong bụng đang thầm trách Dượng sao nỡ qua sông đắm đò, đặng cá quên nơm !. Dượng vô tình đâu biết ý nghĩ của tôi, kéo người đàn bà tới, cười cười :
- Con biết ai đây không?. Dì của con đó !
Tôi ngượng nghịu gật đầu chào, xa lạ. Nghe tiếng người đàn bà cười giòn dã. Bàn tay mập ú vỗ vai tôi đau điếng :
- Ối trời ơi, cái thằng này!. Không còn nhận ra Dì nữa sao ?.
Tôi giật thót người. Tiếng nói rõ ràng là của Dì, không nhầm lẩn được. Tôi cười ngượng nghịu, chống chế :
- Nãy giờ con nhìn không ra, tưởng là..cô nào. Dạo này Dì trẻ, đẹp quá chừng !
Dì cười thoải mái, buông gọn một tiếng “ Thank you”. Rồi tự nhiên, thân mật quàng tay qua vai tôi, vào nhà. Tôi đi mà gần như phải chạy theo độ nương đẩy của Dì. Dượng lẻo đẽo theo sau. Phải qua một khoảnh sân rộng tươi mát màu cỏ xanh trải thảm. Mấy chậu Hồng nhung đủ màu đang độ mãn khai, thoảng mùi hương dịu nhẹ.
Nỗi thẩn thờ từ sự đổi thay của Dì sau hơn mười năm gặp lại vẫn còn nặng trĩu trong lòng…
Giữa hai hình ảnh ngày xưa và hôm nay hoàn toàn khác biệt.
Tôi nghiêng đầu, lén nhìn xuống bàn tay Dì đang ghì chặt lấy vai tôi. Bàn tay mập mạp đỏ hồng, những ngón tay tròn núc, móng sơn màu đỏ chói. Sao lòng tôi tự nhiên thoáng có chút gì buồn buồn, xa vắng !. Tôi nhớ bàn tay cầm chén chè đậu Ván, Dì đưa tôi mỗi lần Dì cháu gặp nhau ở khu chợ Chiều xóm nhỏ, nơi Dì vẫn thường ngồi với ganh chè nuôi sống cả gia đình. Bàn tay gầy guộc in nổi những đường gân xanh chằn chịt khiến tôi chạnh lòng, ngập ngừng không muốn nhận. Hai Dì cháu nhìn nhau thoáng nhanh, dù không nói, nhưng cũng cảm nhận chung một nỗi đắng cay chất chồng từ cuộc sống. Tôi có mặc cảm ăn chén chè của Dì là tôi ăn bớt vô phần thu nhập nhỏ nhoi của một gia đình trong thời buổi gạo châu củi quế. Nhưng nếu từ chối thì Dì buồn và tủi thân…
Mười năm!. Khoảng thời gian chưa đủ dài và cũng không hẳn là ngắn. Chỉ khi nhìn lại Dì tôi mới thấy rõ là khoảng thời gian đó quả có dài. Dài quá cho một sự đổi thay đến choáng ngợp. Từ nét mặt, sống mũi, gò má cho đến cả nhân dáng, cung cách, điệu bộ….
Với cuộc sống văn minh phương tiện, con người có thể đổi thay tất cả. Khoa học kỷ thuật tân tiến không ngừng phát triển để làm nên những trò ảo thuật. Dì quay vòng trong quỷ đạo của trò ảo thuật nôn náo kéo ngược thời gian, tìm lại dáng đứng của mình, bù lổ những năm tháng cơ cực đến phờ phạc, héo hắt cả con người.
Phải nói rằng tôi không được thoải mái, tự nhiên khi gặp lại Dì. Từ nơi Dì, tất cả đã đổi thay. Biết đâu chừng và cũng có thể, cả sự đổi thay về nếp suy nghĩ tình cảm mà Dì, cháu vẫn dành cho nhau!. Tốt hơn hết là nên, rất nên, giữ một khoảng cách thăm dò để khỏi rơi vào tâm trạng hụt hẫng, buồn.
Vào tới phòng khách mát rượi, Dì ấn tôi ngồi xuống bộ sofa rộng rinh rồi hối Dượng đi lấy nước cam. Dượng mới vừa ngồi xuống đã vội đứng lên đi qua phòng bên, dáng đi nhẫn nhục lặng thầm. Tôi nhìn theo và ngỡ ngàng khám phá là Dượng có phần teo tóp hơn xưa. Cái khoảng mười-năm-thời-gian đã phủ phàng đẩy Dượng ngã chúi về phía trước trong khi đó lại kéo ngược Dì trở lại phía sau.
Khi Dượng trở lại với mấy ly cam vắt thì Dì nói với tôi :
-Thôi, hai dượng cháu ngồi nói chuyện. Dì phải đi đây chút.
Day sang Dượng, Dì dặn dò :
- Đồ ăn còn trong tủ nhiều lắm nghen. Đừng có la cà ra quán, tốn tiền.
Rồi Dì vào phòng riêng.
Phút giây hội ngộ mười năm chỉ có vậy !. May mà tôi đã chuẩn bị tâm lý ngay từ đầu nên còn giữ được nụ cười gượng gạo. Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, Dượng nói như là lời an ủi :
- Dì con vậy đó, đừng buồn. Mặc kệ Bà, Dượng cháu mình ngồi đây nói chuyện quê nhà cho vui.
Buồn vui sao thì chưa biết, nhưng hiện giờ tôi cảm thấy buồn tủi trong lòng. Nỗi háo hức chỉ vừa mới đây thôi, đã xẹp như cái bong bóng xì hơi.
Có tiếng máy xe nổ, tiếng cửa garage mở lên rồi đóng xuống chậm đều. Dì đã đi.
Tôi nhìn ra bầu trời chiều vàng vọt những tia nắng chia đều trên một góc sân cỏ mượt. Những ngọn cỏ ngợp nắng vàng rưng, gợi thoáng nỗi buồn xa vắng sao thấy quen quen. Phải rồi ! Màu vàng chiều nắng của một góc sân quen quê nhà, nơi tôi đã sống những tháng ngày vàng vọt sau cuộc đổi đời. Màu nắng vàng gợi nhớ những khuôn mặt thân quen một thời chung niềm cơ cực. Hình ảnh Dì đậm nét trong tôi từ những năm, tháng đó. Tôi vẫn còn hình dung được những buổi sáng khi tôi đạp chiếc xe cà-tàng xuống con dốc Ngô Quyền vội vã đến hợp tác xã xây dựng, nơi tôi làm việc đã thấy Dì với gánh chè trên vai nặng trĩu. Hai Dì cháu chỉ kịp nhìn nhau cười. Vì chiếc xe không có thắng, tôi phải rà bàn chân vô bánh sau hãm đà xe đang lao xuống dốc, vượt qua trước ánh mắt lo âu nhìn theo của Dì.
Buổi chiều trở về, đôi lúc gặp Dì ngay đầu con dốc chợ Chiều thì thế nào tôi cũng được một chén chè đậu Ván. Tôi ăn mà không thấy vị ngọt, nghèn ngẹn vị đắng cay. Nhất là khi lén nhìn nồi chè chưa vơi hết nửa. Chừng như cũng đoán được ý nghĩ thầm kín của tôi, Dì mĩm cười khỏa lấp : “ Liệu mà sắm cái thắng xe đi!. Thấy con lao xuống dốc Dì muốn đứng tim luôn”. Tôi cũng cố cười khỏa lấp không khí ngượng nghịu, nói câu khôi hài : “ Thắng chi nữa, Dì. Tuột dốc quá chừng rồi, thắng cách chi cho lại!”. Hai Dì cháu cùng cười. Chuyện cái thắng xe, mỗi lần gặp lại, Dì cứ nhắc. Dì không nghĩ xa xôi chuyện tuột dốc đổi đời mà chỉ lo là tôi có ngày nằm chổng cẳng dưới con dốc thì không có ai cùng chia gánh nặng áo cơm với gia đình trong thời buổi khó khăn cùng cực.
Từ nơi Dì, tôi vẫn giữ lại chén chè đậu Ván cho dù sau này Dì Dượng được anh Mạnh, người con trai độc nhất, bảo lảnh ra đi. Gánh chè nhượng lại cho thím Nguyện, người bạn thời con gái, của Dì.
Ngày tiễn đưa, tôi giữ thêm một hình ảnh nữa, về Dì. Hình ảnh của người Dì gầy guộc, cử chỉ và lời nói lúc nào cũng chậm chạp đắn đo. Nhìn Dì, tôi cứ ái ngại với ý nghĩ rồi sẽ thế nào khi qua vùng đất mới. Ở đất nước văn minh phương tiện, cuộc sống sôi động, rập khuôn, máy móc chắc là Dì sẽ cảm thấy lạc lõng cô đơn. Làm sao Dì có thể thích nghi với đời sống mới !. Ý nghĩ này cứ giữ mãi trong tôi qua bao năm, tháng kéo theo nỗi xót xa thương cảm khi mỗi lần chợt nhớ tới Dì.
Để rồi khi gặp lại, nỗi xót xa thương cảm mang nặng bao năm bỗng dưng tan biến nhường cho nỗi buồn tủi choáng ngợp cả lòng! Sự đổi thay tàn nhẫn đã thật sự làm thương tổn tình cảm thầm kín dịu dàng có được từ những năm, tháng khi Dì cháu còn ở quê nhà…
Như vậy là chén chè đậu Ván của những cơ cực long đong đã đi lạc đường dâu bể rớt xuống chỗ phồn hoa ! Có còn giữ được vị ngọt thanh cảnh ! Có còn giữ được ấm nồng hay cũng tàn nhẫn đổi thay….

***

Đây là câu chữ thời gian Nghĩa viết riêng cho ôn…
Ôn nhắc tới dì Hương Bình với nụ cười sảng khoái. Mệ cũng cười như chưa bao giờ cười bởi năm ly đầy rồi chớ ít ỏi chi!. Ôn mệ với chai rượu hùa nhau làm cho Nghĩa không còn lý lẽ. Thời gian đi qua thì cứ đi qua. Dì Hương Bình níu lại thì cứ níu. Rõ ràng đâu còn chối cãi!. Ôn nhìn không ra, Nghĩa cũng nhìn không ra khi gặp dì. Cái nhìn-không-ra chẳng phải là vì, theo thời gian, già nua thảm hại mà ngược lại, trẻ trung tươi mát hơn xưa.
Vậy là ôn không vì rượu mà vì hình ảnh dì Hương Bình để nói ngược chuyện thời gian…
Tháng rồi cậu Ngự về thăm, khi trở lại có ghé qua nhà đưa lá thư dài của dì Hương Giang. Nghĩa rất cảm động vì đây là chuyện lạ. Trong cuộc sống bộn bề chắc chắn là dì không có chỗ dung chứa hình ảnh của những đứa cháu. Tính dì thầm lặng ít nói, khó cười. Dì ở vậy để phụng dưỡng ôn mệ. Nghĩa với anh chị em con cậu, dì thỉnh thoảng có về thăm cũng chỉ được chuyện trò với dì giây lát. Sau vài câu thăm hỏi cần thiết là dì cố tình chấm dứt câu chuyện rồi lảng đi. Gần gụi thân thiết với dì là căn phòng ngủ riêng tư xinh xắn bày biện những con thú nhồi bông và góc bếp sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, nồi chảo sáng loáng.
Hóa ra thư dì viết đề cập tới câu chuyện níu kéo thời gian mà có lần Nghĩa về ngồi hầu chuyện cùng ôn ( và ngó mệ được dịp uống rượu thoải mái !). Chuyện lâu rồi, tưởng quên, dì lại nhắc. Thư viết dài dòng triết lý về hai chữ thời gian. Nói chung là mênh mông chữ nghĩa.
Cuối cùng, dì kết luận vấn đề…
“…Rứa đó. Hồi đó dì đứng sau cửa bếp hóng chuyện( ác nhơn quá trời, chảo thịt xào khô cháy, dì phải mau mau giú ngoài sân sau sợ mệ biết. Xào chảo khác, hết thịt bò, phải lấy thịt heo nạc. Ôn ăn thì biết là thịt heo còn mệ thì nói thịt bò răng mà mềm như thịt heo rứa. Dì nói tránh là thịt bò tơ đó, mạ ơi. Rứa mà mệ cũng tin là vì răng con biết không?.Năm ly rồi đó!).
Hồi nghe câu chuyện, dì đứng về phía ôn. Cứ coi như ôn với dì một phe đi. Còn mệ thì dì không dám quyết vì thấy mệ cứ cười hoài, gật gù hoài. E "đã" rượu rồi!.
Theo phe ôn là đúng thôi vì rõ ràng khi dì Hương Bình của con về thăm, dì có thấy thời gian bám víu nặng nề chi đâu !. Trẻ trung, tươi mát gấp vàn lần khi còn ở nhà. Tưởng như thời còn con gái. Dì Bình của con níu được thời gian làm cho dì cũng ganh tị mà thầm ao ước. Phải chi dì cũng níu được thời gian như rứa để mỗi lúc nhìn mình trong gương không thấy những vết nhăn báo tuổi về chiều. Hắn, những vết nhăn phiền dỗi đáng ghét đó, khiến cho dì buồn tủi.
Bây chừ thì Dì không theo phe ôn nữa!. Theo phe con. Dì tin là thời gian đi qua rồi thì không cách mà níu lại cho được.Con có biết tại sao không?.
Cũng tại vì dì Bình của con đó !
Cách nay không lâu, dì về thăm. Cả nhà ngó không ra ! Đâu phải vì dì Bình trẻ trung tươi mát thêm hơn mà, con biết không, nhăn nhíu rã rệu ngó thấy già nua bợt bã không cách chi mà nói cho được. Chỉ mới có vài năm không gặp lại mà tưởng như là mấy mươi năm!. Không thể nào tưởng tượng nổi…
Ôn hối dì viết thư cho con xin lại những lời ôn nói ngày nào.Ôn nhắc dì cứ nhắn cho thiệt lòng ôn là cứ coi như,hồi đó, rượu nói chớ ôn không nói….”

Tháng 8/2009

tháng 8 07, 2009

VỀ NGÓ THĂNG TRẦM


năm ngoái, tháng Tám, về thăm Huế
năm ni, tháng Tám, viết thơ thương
không biết thương ai nơi xứ Huế
nghĩ hoài không nhớ được ai thương !

chỉ có buổi chiều mưa Vỷ Dạ
mà thương e nước ngợp sông Hương
o Huế ngược xuôi qua mấy ngả
có ngả mô dành người viễn phương !

có ly cà phê đen mờ sáng
chờ nghe Huế thức dậy sau đêm
hồi nớ nên thơ và tĩnh lặng
răng chừ xao xác dữ ri hè !

có đứng bờ sông thương nhớ núi
bến sông Hương nhớ núi Ngự Bình
nỗi nhớ hồi xưa huynh-nhớ-muội
bây chừ nỗi nhớ chỉ riêng mình !

có đi một đỗi đường phố Huế
áo tím mô rồi tìm không ra
chiếc nón bài thơ đôi guốc Huế
bỏ lạc đâu nơi chốn quê nhà !

về Huế là gởi tình cho Huế
té ra gởi trượt xuống thăng trầm
hèn chi buổi sáng mình xa Huế
mưa buồn đưa tiễn dạ buồn căm….

Hiên Trăng 08/09

tháng 8 03, 2009

KỶ NIỆM


hình như là, tháng Tám, trời mưa...

anh đến thăm em chiều mưa mau
cái giậu mồng-tơi xanh đẫm nước
con quạ đen ngòm tìm nơi chốn đậu
chiều quê trầm thấp sát mặt đường

chùm bắp khô treo giàn mù hóng
củi bằng-lăng vần đượm nồi cơm
con cá vặn người trong lòng chảo nóng
em giảu môi chờ đợi nụ hôn

khi ngoài kia trời vẫn mưa mau
nụ hôn lâu cho đầy thương nhớ
con cá chiên chịu đời không thấu
rúm người thở khét nỗi cô đơn !

buổi cơm chiều trời vẫn mưa mau
chia miếng cá đen nhìn nhau cười mỉm
sớt chén cơm khê mỗi người một nửa
tại nụ hôn lâu, đâu phải tại "Mình" !

con cá nỗi gì khô vi khét vảy !
nồi cơm nỗi gì khê đắng não nề !
anh nỗi gì cho em vụng dại !
ơi chiều mưa, nhớ quá một trời quê...

MÙA TRĂNG KỶ NIỆM



ở phương trời xa cố quận, em ơi!
Trăng xuống phố nhạt nhòa theo ánh điện
những dãy nhà cao che trời kỷ niệm
anh làm sao thấy Tháng Tám Trăng Rằm
làm sao thấy tóc em vàng tơ lụa
chảy thành Thơ lãng mạn một mùaTrăng!

làm sao thấy cô học trò áo trắng
dưới đường Trăng lạc lối vàng Thu xưa...

hương tóc rối để cứ hoài nỗi nhớ
em giú tình tôi từ một đêm Trăng
đường xóm nhỏ giữa đất trời thầm lặng
ta bên nhau từ ấy đến bây giờ
Trăng khuyết Trăng tròn, bao mùa lá đổ
chuyện-đêm-trăng giờ đã chuyện ngày xưa
áo trắng học trò lạc giữa nắng mưa
chỉ còn lại một Mùa Trăng Kỷ Niệm
và mùa Thu vàng lạnh lá thu rơi...

dẫu tháng, năm xa vẫn hoài thương nhớ
lối Trăng về trời cố quận, em ơi!...

Hiên Trăng Brookhurt

THÁNG TÁM, MÙA TRĂNG KỶ NIỆM


gởi Trí Quyên

nỗi lòng
(trăm chữ)
Bà nói ngày mai sinh nhật con Ba. Ông ngồi nơi bàn viết, không viết, ngó mông lung thấy đứa con gái mình ngồi ở cầu thang chợ Mới. Chiếc áo laine rách lòi cùi chỏ. Mắt nhìn quanh. Tay cầm chiếc đèn ngôi sao giữa dòng người qua lại. Chiếc đèn cứ thầm lặng giữ níu bàn tay bé nhỏ vì không người mua. Đường về Xóm nhỏ chiếc đèn múa theo nhịp đạp rã rời. Trăng dọi trong sáng tiếng con cười…Dâu bể nổi trôi, cô bé ngày xưa trong lòng ông, vẫn chưa từng dâu bể…

…hơn hai-mươi-năm rồi cứ giữ mãi hình ảnh đó…chiếc cầu nối khu Hòa Bình xuống dãy Chợ(mới) Đàlạt…chiếc áo laine rách lòi cùi chỏ nối liền ngày tháng lành lặn ấm no hôm nay…chiếc đèn ông sao dịp Rằm(Trung Thu) tháng Tám không có người mua, ngơ ngẩn muộn phiền, trong bàn tay bé nhỏ…đường về xóm (cũng) nhỏ trong nỗi buồn choáng ngợp lớn lao khi nghĩ đến đêm Rằm Trung thu sẽ không có bánh trái để bày cỗ trông Trăng, đón rước chị Hằng, cười vui cùng chú Cuội…vui thấy con háo hức cầm đèn cười nói hồn nhiên theo các bạn lên, xuống con đường xóm nhỏ…( con đường Ngô Quyền xóm nhỏ của một thời nước lớn nước ròng!!!), rước đèn xong là về ngủ thôi con !...không có bánh trái để bày cỗ trông Trăng bởi số đèn làm bán dịp Trung thu đã không bán được…đêm xóm nhỏ âm thầm, sâu lắng theo con lịm dần trong giấc ngủ và cả trong giấc mơ ngọt thơm mùi bánh…Trăng vẫn còn thức…Ba vẫn còn thao thức…giận mình và giận buổi đổi đời…
Ngày xưa đã có những mùa tết Trung thu thầm lặng ngó suông trăng Rằm, như thế đó !
Nay con đã lớn khôn rồi!. Ba thì không lớn thêm hơn, chỉ chờ hóa lão !
Tháng Tám, bất chợt, một khoảnh khắc nào đó nhìn thấy Trăng treo trên trời quê mới, con còn có nhớ lại những mùa Trăng xưa !
Còn nhớ những chiếc đèn ông sao mà ba (mẹ,cùng các con) đã chuẩn bị khung tre từ mấy tháng trước, chờ gần Trung thu là phất giấy để kịp thời gian bán dịp đêm Rằm.
Lo làm đèn đem bán không phải chụp giựt cơ hội để kiếm cơm qua ngày tháng đói mà chỉ để cầu một đêm Rằm Trung thu các con có bánh trái bày cỗ trông Trăng, vui chơi cùng các bạn.
Vậy mà cũng chỉ đủ mua cho(mỗi đứa) một bánh(nướng)heo(nhưn đậu xanh) nhỏ, vừa, khiêm nhượng!.
Cũng đã phải rảo qua mấy gian hàng để coi giá cả mà cân lường nặng nhẹ túi tiền !
Có cả một bầy heo con(dễ cũng mười-hai cô chú) với heo mẹ vàng lườm úc núc nhưng cứ,đành thôi, giả bộ(mà ước thầm) ngó lơ không thèm đứng lại. Đứng lại là phải so đo tính toán xu hào nặng nhẹ. Quay đi thì nghe xót xa…
Xóm nhỏ ngày xưa đã cưu mang không biết bao nhiêu là kỷ niệm những mùa Trăng Rằm Tháng Tám. Để tới bây giờ, ngoái nhìn trở lại, còn thấy bâng khuâng …

Ngày đó..rước đèn xong là về ngủ thôi con..
Không biết bây giờ cô(và chú) còn nhớ không !!!

đêm vườn Trăng tháng 8/2009