tháng 3 27, 2009

GÓC THƯ GIÃN


Leonardo da Vinci vẽ bức "Bữa ăn chiều cuối cùng" (The last supper) mất bảy năm liền. Đó là bức tranh vẽ Đức chúa trời và mười hai vị tông đồ trong bữa ăn cuối cùng trước khi Chúa bị Judas phản bội.
Leonardo tìm người mẫu rất công phu. Giữa hàng ngàn thanh niên, ông chọn được một chàng trai 19 tuổi có gương mặt thánh thiện, một nhân cách tinh khiết tuyệt đối để làm mẫu vẽ Chúa Jesus. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt sáu tháng trước chàng trai, và hình ảnh Chúa Jesus được hiện trên bức vẽ.
Sáu năm tiếp theo ông lần lượt vẽ xong 12 vị tông đồ, chỉ còn có Judas, vị môn đồ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc, tương đương 16.96 đô la Mỹ và tương đương 254.400 đồng Việt Nam.
Hoạ sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ tàn ác. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đứng người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình...
Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất, Vinci đều thấy rằng chưa đủ để bộ lộ cái ác của Judas. Một hôm, Vinci được thông báo rằng có một kẻ mà ngoại hình có thể đáp ứng được yêu cầu của ông. Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Roma, bị kết án tử hình vì giết người và phạm rất nhiều tội ác tày trời khác.
Da Vinci lập tức lên đường đến Roma. Trước mắt ông là một gã đàn ông nước da đen sậm với mái tóc dài bẩn thỉu phủ xoà xuống mặt, một khuôn mặt xấu xa, độc ác tự nó nói lên nhân cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hoá. Đúng, đây là Judas!
Được sự cho phép đặc biệt của Đức Vua, người tù được đưa tới Milan nơi bức tranh đang được vẽ dở. Mỗi ngày, tên tù im lặng ngồi trước Da Vinci và hoạ sĩ thiên tài cần mẫn với công viêc truyền tải vào bức tranh diện mạo của kẻ phản phúc.
Khi nét vẽ cuối cùng hoàn thành, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo lính gác "Các ngươi đem hắn đi đi...". Lính canh túm lấy kẻ tử tù, nhưng hắn đột nhiên vùng ra và lao đến quì xuống bên chân Da Vanci, khóc nấc lên: "Ôi, ngài Da Vinci! Hãy nhìn con! Ngài không nhận ra con ư?"
Da Vinci quan sát kẻ mà suốt sáu tháng qua ông đã liên tục nhìn mặt. Cuối cùng ông đáp: "Không, ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi được đưa đến cho ta từ hầm ngục ở Roma...". Tên tử tù kêu lên "Ngài Vinci... Hãy nhìn kỹ lại tôi! Tôi chính là người mà bảy năm trước ông đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Trời..."
Câu chuyện này có thật, như bức tranh "Bữa ăn chiều cuối cùng" là có thật. Chàng trai đã từng được chọn làm hình mẫu của Chúa Trời chỉ sau hơn hai ngàn ngày, đã tự biến mình thành hình tượng hoàn hảo của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử.

The future is not set. There is not fate but what we make for ourselves.
Tương lai không định trước, không có số phận, trừ những thứ chúng ta đem lại cho chính cuộc đời mình.

(sưu tầm)

tháng 3 23, 2009

XA HUẾ


gởi chị Ng.

mai em đi rồi xa Huế. chị cười nước mắt rưng rưng. răng đang vui mà đã khựng. em làm cho chị khó bề. chuyện dài tới nổi cơm khê. xới cơm mà lòng ốt dột. ngó em ngó hoài không rớt. rứa là mai em ra đi. rứa là nói chuyện chia ly. khi em mới về một nửa. một nửa là đôi ba bữa. chị chưa ưng bụng chút mô. chị chưa đổi nồi cơm khô. đãi em miếng tình thương nhớ. chị đang nói lời dang dỡ.răng em nói chuyện chia lìa. mưa là mưa Huế hôm kia. bây chừ trời đang ráo nắng.em rứt lòng chi cho đặng.về qua mấy bữa rồi đi.Huế có chi làm em dị. để em bỏ đoạn bỏ đành.chị vẫn cơm ngọt cá lành.dỗ em miếng lừng xứ Huế. dỗ em mà rưng mắt lệ.chị thầm giú sợ em cười.em đi xa biệt xứ người.nay về chị mừng mà khóc.em có trời ngang bể dọc.cũng là em của chị thôi.chị lòng nhớ sẻ chia đôi.em giữ để còn nhớ chị.

bây giờ chị tiễn em đi. quay vô chị chùi nước mắt!.....

Huế, ngày chia xa
07/08/08

tháng 3 19, 2009

BÔNG SỨ


Nhạc sĩ Trầm Nguyên phổ nhạc
Ca sĩ Yến Thanh (Hoài Điệp Hạ Phương)trình bày
Trần Huy Sao với bài viết " Dòng Sông Có Nhánh Rong Phiêu" về bài thơ Bông Sứ sẽ được gởi đến bạn đọc trong thời gian tới.


bông Sứ trắng lòng em cũng trắng
để tôi về xanh lá tương tư
trường lớp cũ chở lòng tôi nặng
em về đâu lồng lộng bốn phương !

người em gái một thời sách vở
giữ giùm tôi bông Sứ ngày xưa
trang lưu bút còn câu Thơ dạo đó
hay đã mờ theo nắng theo mưa !

và lòng em có còn giữ lại
chút bâng khuâng đứng đợi nhau về
bông Sứ rụng mưa trời lất phất
mắt em buồn dưới nón nghiêng che !

sao lòng tôi cũng buồn rất nhẹ
mưa ngoài trời mưa lạnh đời nhau
giọt vắn dài giọt mưa đan chéo
giọt sầu tôi thầm lặng tình đầu !

rồi từ đó tình vào khuây lảng
giọt mưa ơi! Bông Sứ ngần ơi !
phải hồi đó một lời dầu ngắn
thì có đâu hai đứa lạc phương trời !

tôi gọi em và bông Sứ chiều mưa
những yêu dấu một thời dĩ vãng
dẫu năm, tháng mịt mờ chi nữa
vẫn nhớ hoài bông Sứ rụng đời nhau !...

Phố Bụi nhớ về
10/1997

tháng 3 17, 2009

MÙA ĐÔNG


gởi mùa Đông xóm nghèo

mùa Đông. Tôi lạc tận quê người
thương quá mùi thơm lừng bắp nướng
nhớ quá, khói chiều cay đôi mắt
em về tóc đẫm ướt hơi sương
tôi về vàng rộ ngõ quỳ hương
xóm nhỏ, mùa Đông, buồn rũ rượi
đất trời trĩu nặng cả hồn người...

...những tháng, năm đời đem khốn khó
chia đôi cắn nửa những phiền lo
miếng cơm không đủ dằn cơn đói
rét lạnh trời cho thắt cả người
bếp lửa nhỏ nhoi chiều đạm bạc
rau dưa qua bữa sống qua ngày
để thương yêu cho trọn kiếp này
nghèo đói có nhau là hạnh phúc
đời sống dẫu thêm nhiều cơ cực
cũng không bớt xén được tình yêu
em về sương rớt hột bên hiên
tôi về khói bếp rủ chiều nghiêng
nồi cơm độn nửa phần khoai sắn
dĩa rau thơm thảo những buồn vui
gió rét theo về từ hướng núi
khẽ khàng chừa lại chỗ hai ta
một chỗ tình yêu làm nắng ấm
đến nỗi mùa Đông cũng lạc loài....


nơi chốn tình yêu còn dành lại
là xóm nghèo trải nắng đầm sương
là quê hương trong một quê hương
núi cách sông ngăn dài biển rộng
đời của hai ta là cơn sóng
vỗ hoài vòng nhật nguyệt vần xoay
đến nỗi chi mà lạc tới đây!....

mùa Đông 2001
nhớ Phố Mù Sương

TẢN MẠN NGÀY XUÂN


bài viết gởi Minh Đạo và Nhã Uyên

Bài Tản Mạn Ngày Xuân (phần 1) được viết từ những ngày háo hức chờ Tết (ta).
Giờ, viết tiếp trong khoảng thời gian giao hòa Đông-Xuân ở quê người. Mùa Xuân ở quê nhà thì còn đang rộ nở nhưng ngày Xuân thì đi qua từ khi đã mỏn ra Giêng để lấn tháng Hai :
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô…
Đại khái là ra Giêng rồi, không còn ăn chơi nữa mà bắt đầu làm ăn.
Vì vậy bài viết tiếp cũng viết về mùa Xuân nhưng là mùa Xuân mới bắt đầu ở quê người.
Quê người, thực tiễn hơn, bởi vì khi Mùa Xuân đến có bàn tay con người góp phần tham dự qua phần việc đổi giờ cho phù hợp với sinh hoạt hàng ngày.
Chúa Nhật, ngày 08/03/09, chúng ta (phải) có quyền thay tạo hóa chỉnh lại đồng hồ lùi lại một tiếng đồng hồ để đón Mùa Xuân. Tham dự muộn màng hay là không tham dự đó là quyền tự do riêng tư không ai bắt buộc. Nhưng nếu ngày hôm sau đi làm trễ muộn tới một tiếng đồng hồ thì tạo hóa không có can thiệp trong chuyện này. Chỉ có con người can thiệp và cư xử với nhau. Ở đất nước thì giờ là vàng bạc là chuẩn mực đong đo cân đếm trong giao tiếp, sinh hoạt, mà bỏ mất đi tới cả tiếng đồng hồ của người ta là chuyện không phải nhỏ. Nhất là trong thời buổi kinh tế èo uột khó khăn, công ăn việc làm đứng đầu sóng ngọn gió, lật thuyền mất nồi gạo như chơi !
Có người chắc ăn, ngay từ chiều đã lo thay quyền tạo hóa (trộm) chỉnh giờ trước. Đi ngủ sớm trước một giờ. Thức dậy sớm trước một giờ. Và, tất nhiên là, đi làm đúng giờ mới. Vậy là tốt. Cẩn tắc vô…áy náy !
Và chỉ cần có vậy ! Không cầu chi Én lượn vòng báo hiệu mùa Xuân. Hoa Mai hoa Đào cũng chẳng cần phải nở. Chỉ cần đi làm đúng giờ ( nhớ dự tính khoảng thời gian kẹt xe ) vậy là cũng Xuân rồi !
Thời tiết bây giờ vẫn còn lạnh mặc dù ban ngày trời nắng , không còn có những cơn mưa bất thường. Trời đất ấm dần lên chút. Buổi chiều, có thể ngồi bên hiên nhà ngó nắng ươm vàng mấy khóm Trúc, mấy chậu cây cảnh…
Mùa cảm cúm cũng đi qua thầm lặng.
Và trong tôi, có giữ những kỷ niệm mùa Đông dẫu không nhiều nhưng cũng đủ có một chút gì luyến nhớ, để dành đó, làm chất liệu cho Thơ thêm phần sống thực. Thơ phải là trải nghiệm từ cuộc sống mượn thêm hư cấu từ mộng mơ.
Ở đây không nói chuyện Thơ mà tản mạn về ngày Xuân .
Phiền một nỗi là đang chuẩn bị chờ, để chỉnh giờ, qua Xuân. Chỉ mới qua Xuân thôi nên chưa kịp đủ không gian và thời gian tản mạn.
Bài viết này mang nhãn hiệu Ngày Xuân lại hóa ra viết về những ngày Đông.
Một năm có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Mùa nào cũng có vẻ dáng riêng.
Dợm bước qua Xuân, viết lại ngày Đông cũng chưa đến nổi lạc đề. Vả lại mùa Đông cũng có nhiều kỷ niệm cần ghi lại.
Vậy thì viết về mùa Đông để chờ Xuân .
Mai nữa viết về mùa Xuân để chờ mùa Hạ.
Mốt nữa viết về mùa Hạ để chờ mùa Thu…
Nói chung, còn có thời gian và điều kiện để viết cũng là một niềm vui.
Cậu Hai Minh Trí thì thích bánh Xèo. Cô Ba Thục Quyên khoái Phở. Cô Út Nhã Uyên ưng cá khô chiên dòn tang dòn rụm. Cậu Tư Minh Đạo, vốn tính xuề xòa, món nào cũng được, miễn là nóng sốt và đông vui.
Nóng sốt thì không thành vấn đề. Lò ga lò điện sẵn trong nhà. Nếu muốn lò than thì ra nhà sau, có mái che vách chắn, tha hồ cời than quạt lửa. Nếu để sưởi ấm thì hơ tay cho vừa lửa không thôi lại nóng, bỏng. Nếu để làm mấy món ăn chơi thì nhớ đừng quá lửa mà nóng, khét.
Đông vui thì phải hẹn nhau từ đầu tuần để liệu mà gạt hết những bận rộn riêng tư, dành thời gian về nhà Ba Mẹ trong ngày cuối tuần, cùng nhau hưởng thú ngày Đông.
Chỉ là những món ăn hương đồng cỏ nội thôi đâu cầu chi cao lương mỹ vị !

Món ngăn mưa đuổi gió là món bánh Xèo.
Trong nắng ngoài mưa. Có nghĩa là ngoài trời dẫu có mưa gió lạnh lùng thì trong nhà vẫn nắng nóng.
Thử tưởng tượng cả nhà xúm xít quây quần trong gian nhà bếp, trong khi bốn cái lò lửa cháy đều, trong khi cầm dĩa để chờ. Nhất định phải ở trong nhà bếp vì ngoài trời đang mưa gió sụt sùi, ra ngoài làm chi. Lò lửa cháy đều là đang lúc bận bịu với mấy chảo bánh xèo chờ hồi chín tới. Cầm dĩa để chờ, là chờ trong nhà, khi bánh vừa chín tới để tới phiên mình được bỏ bánh xèo vô dĩa (của mình).
Ăn bánh xèo để đạt tới “đã”, tới khoái, tới thú vị , theo tôi nghĩ, cũng phải hội đủ ba điều kiện thiên thời địa lợi nhân hòa !!!
Thiên thời là ngoài trời phải càng mưa càng gió càng lạnh lùng tê tái. Cái thú ăn bánh xèo, đặc biệt, thêm cảm giác ngon và khoái khẩu khi ngoài trời đang mưa đang gió.( Nhân tiện cũng bàn ngang chút đỉnh về món ăn " trong nắng ngoài mưa" này ! Bánh xèo còn được gọi là bánh Khoái hay là bánh Khói.
Có phải vì bánh nóng bốc khói, hay chỗ đang đỗ bánh lúc nào cũng um khói mịt mùng. Có phải vì ăn miếng bánh nóng dòn khi ngoài trời mưa gió lạnh lùng, cảm thấy khoan khoái và thiệt là khoái khẩu !
Có phải vì chữ khói, người Huế, phát âm là khoái !
Ở Huế cũng có loại bánh Khoái (happy pancake), tương tự như bánh Xèo mà không hẳn là bánh xèo, đổ trên chảo nhỏ, đáy không sâu mà bằng. Bánh nhỏ hơn bánh Xèo trong Nam, tất nhiên là nhưn nhị ít hơn vì Huế chủ trương ăn lấy hương lấy hoa với lại có thể là vì miền đất không được phong phú của cải thiên nhiên như ở miền Nam !
Tôi có tìm được cái bánh khoái này ở góc đường Minh Mạng&Tăng Bạt Hổ ( thành phố Đàlạt trước 1975). Quán che mái hiên sau dãy phố Tăng Bạt Hổ. Muốn được cắn miếng dòn tang mỏng nhánh của chiếc bánh từ ngoài rìa rồi tới khoái khẩu cái nhưn bánh ngọt ngào thanh cảnh tưởng chừng như ngậm mà nghe, thì phải chờ. Nỗi chờ đợi nhiêu khê nóng lòng còn hơn cả nóng lửa bánh xèo...xèo. Có phải vì chịu đựng cảnh chờ đợi cho nên khi tới quán bánh khoái này là phải đi có cặp có đôi ! Bởi trong khi chờ đợi thì có chuyện-chúng-mình khỏa lấp thời gian. Còn nếu như đến chỉ có một mình, thì thời gian chờ đợi bánh tới tay là khoảng thời gian ngậm ngùi chín nẫu nỗi cô đơn khi nhìn quanh thấy ai cũng có đôi có cặp...Bây giờ xa Đàlạt rồi, có cặp tình nhân nào còn nhớ quán xưa không ?. Nhất là những ngày mưa gió dầm dề Đàlạt....
( Ui dà, chuyện bánh Xèo thì viết hoài không hết !)
Địa lợi là phải có chỗ khơi lửa, gọi chính danh là bếp, cho kín đáo không phải bị mưa tạt gió lùa.
Nhân hòa là có đông người để được cái nôn nóng chờ tới phiên mình có bánh mà ăn. Chờ đợi trong …vòng trật tự. Không giành dân(nhau)lấn đất (bánh).Nói chung là trên thuận dưới hòa trong khi chờ bánh tới phiên , cho dù bụng đói tay run, mắt mờ, môi giựt…..
Miếng gợi nhớ quê hương trong mùa mưa gió bão bùng lạnh lùng thê thiết, tưởng nghĩ, không chi bằng món bánh xèo. Mùa nắng mà ăn bánh xèo thì e là lạc điệu.
Đâu chỉ để thỏa mãn cái bụng mà còn ấm cả lòng vì có dịp được quây quần trong không khí gia đình đầm ấm đông vui. Có dịp mà ôn cố tri tân tha hồ tâm sự để thấy được niềm hạnh phúc mà mỗi thành viên trong gia đình đang được có, dù qua bao nhiêu là năm, tháng vật đổi sao dời. Còn có bên nhau đông đủ để chia nhau cái nồng ấm của tiếng “ xèo…xèo” trên chảo nóng…
Không khí gia đình đầm ấm đông vui là hình ảnh quí hiếm, không dễ kiếm được trên đất người.
Buổi đông vui, nhân lúc chờ bánh Xèo chín tới, tôi nói chuyện xưa nay về bánh Xèo. Chỉ nói tới cái bánh Xèo thôi, cũng đã thấy mênh mang cả một trời tâm sự !
Bánh bây giờ có đầy đủ nhưn nhị nào thịt nào tôm nào mực rồi rau các loại xanh tươi, nước chấm được pha chế từ những đặc sản mang nhãn hiệu xuất khẩu ( xuất khẩu là phải ưu tiên chất lượng kiểu nhịn miệng đãi khách hay nói rõ hơn là ngự thiện để chiếm lỉnh và tìm đất đứng ở thị trường, tất nhiên, là thị trường xuất khẩu ).
Bây giờ, ăn miếng bánh cũng thấy bình thường thôi, qua cơn đói. Điều chính yếu là tìm no nê không khí xum họp đông vui gia đình. Không khí, do từng hoàn cảnh gia đình, đâu dễ tìm lại được !
Bánh Xèo của tháng ngày quê nhà thì sao ?
Xin được trích đoạn lời tựa của tập Thơ “ Nhật Thi”. Tập thơ viết tay khi còn ở quê nhà ghi lại những chuyện buồn vui ngày tháng dưới dạng, phần nhiều, là lục bát, chỉ bốn câu :
“ Các con của Ba,
Đừng quên khu xóm đính Đa Cát. Đừng bao giờ quên ngôi nhà mái lợp giấy dầu, vách đóng bìa gỗ ngo mà Ôn Nội đã chắt chiu chọn lựa từng tấm ván bìa, từng dấu đinh, mũi đục để dựng nên. Ôn Nội đã bỏ hết công sức và coi đó là một công trình cuối đời hành nghề thầu khoán của mình. Điều đáng nhớ là các con đã sinh ra và lớn lên, Ba Mẹ cũng đã để lại tuổi thanh xuân của mình từ nơi đó.
Gia đình mình đã quây quần với nhau từ những ngày tháng khổ, qua những ngày mưa nắng khắc nghiệt của Đời. Các con cứ theo dòng chảy thời gian mà lớn lên. Dù trong cảnh cơ hàn nhưng cứ đầy ắp và giàu có những tình cảm dành dụm cho nhau từ miếng cơm manh áo, từ tiếng nói giọng cười cho cả những khi buồn và cả những lúc vui. Làm sao có thể quên những chiều đạp xe trở về sau một ngày mệt mỏi vì công việc, các con đã vui mừng tíu tít đón Ba từ ngoài cổng nhà. Bữa cơm chiều đạm bạc với những câu chuyện kể trong ngày đã làm ấm lên không khí gia đình. Chỉ là những bữa cơm vỏn vẹn có nước- mắm-kho-quẹt hay đậu-phụng-kho-queo !. Vậy mà cứ vui, cứ đầm ấm, cứ đầy thi vị….”

Trong tập Nhật Thi thấy có bài Thơ…dính dầu mỡ bánh Xèo :
chiều về vừa mới dựng xe
đã nghe trong bếp “ xèo…xèo..” vui sao
ui chao, cái bụng cồn cào
chắc là đang đổ bánh Xèo, phải không?

chiều Mẹ đổ bánh Xèo
16/6/1988
Buổi bánh Xèo, tôi còn nhớ chiều hôm đó, thiệt là căng bụng và ấm cả lòng.
Cái bánh Xèo ngày xưa mang mang vẻ dáng gạo-châu-củi-quế cho nên hoàn toàn không có thịt ( dẫu chỉ là một rẻo nhỏ xíu nhỏ xiu ), không có tôm, không có mực. Chỉ có ít ỏi chút dầu trơn mặt chảo, mấy lá hành xắc nhỏ và nấm Mối.
Bánh Xèo nấm Mối !
Chưa ăn qua chưa biết. Có ăn rồi mới thấy ngon hơn cả thịt,tôm,mực gộp lại. Chất dinh dưỡng cao hơn thịt. Là món kiêng khem tối ưu cho những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cao mỡ máu mà lại thích ăn bánh Xèo.
Bánh Xèo nấm Mối, giờ đây, lại là món ăn thời thượng..Lấn lướt thêm, có bánh Xèo bột trộn trứng và nhưn bánh là thịt Đà Điểu !
Chỉ vì ngày đó, tìm(tiền) đâu ra thịt ! Cho nên phải đi tìm nấm Mối.
Mùa mưa ẩm thấp, nấm Mối mọc rải rác trên các triền đồi. Món ăn mà thiên nhiên ưu đãi cho người nghèo đói ăn ! Chỉ có mỗi một việc là đi “thu hoạch” của Trời cho !
Bên cạnh dĩa nước-mắm-kho-quẹt có thêm dĩa nấm Mối xào rau cải nhà trồng, cũng mang vẻ dáng cao sang. Không (cả hai nghĩa) xót ruột!
Nếu đổ bánh Xèo mà không tìm(tiền) đâu ra chút thịt thì có nấm Mối thế thân. Cũng ngon ngọt đâu có thua gì !
( Nhân đây cũng xin cám ơn khu đồi Trọc và rừng thông Cam Ly Hạ của xóm nghèo quê tôi, nơi đã cung cấp món nấm Mối cho cả ba xóm Đa Cát, Đa Trung, Đa Thuận qua cơn đói rã mùa Đông!)
Rau ghém bánh Xèo cũng chỉ là mớ cải non trồng ở sau vườn. Muốn thêm cay nồng góp phần chống lạnh ngoài trời mưa gió, có đám ớt, cũng sau vườn nhà. Ớt đỏ ớt xanh tùy ý chọn.
Nước chấm thì chắc chắn là không có nước mắm nhĩ( đã đi vào huyền thoại) mắm loại nhất( chỉ nghe là có nhưng không hề không từng thấy) loại hai ( không có tiêu chuẩn mua) loại ba ( chưa tới phiên) chỉ còn loại nước mắm tiêu chuẩn tem phiếu gọi là loại bét hạng. Có chút màu và có chút mặn để không lầm lẩn với nước muối. Thôi thì cũng được. Có còn hơn không !
Bánh Xèo mà phải ăn lạt thì…bèo quá !
Ăn, là nhu cầu cần thiết không thể phủ nhận,dù xưa hay nay.
Hưởng thụ món ăn thì còn phải tùy theo hoàn cảnh, điều kiện không gian và thời gian.
Riêng nói về cái khoản bánh Xèo thì xưa nay nhà mình đâu có chi đổi khác. Vẫn quây quần xum họp như xưa.
Có khác chăng là cái bánh Xèo thêm quá nhiều nhưn nhị đến thừa mứa.
Có khác, thêm nữa, là cảnh gia đình xum họp hôm nay không chỉ là sáu mống như xưa mà đông lên con số gấp đôi.
Mưa, gió, lạnh ngoài trời thì bất cứ nơi chốn nào trên trái đất này, ngày xưa hay hôm nay cũng giống nhau thôi !
Chỉ có không khí ấm nồng là khác biệt. Khác biệt buồn hiu khi cắn miếng bánh xèo dòn tang nóng sốt mà nhìn quanh thân chỉ thấy có hai mình thui thủi. Ngoài trời lại mưa gió sụt sùi! Cảnh tình này, ở quê người, không thiếu chi !
Cám ơn anh Hai Samath Trí nghen. Món bánh Xèo mà anh thích, Mẹ vẫn nhớ. Mỗi cuối tuần mưa-gió-lạnh Mẹ thường nghĩ đến anh và món bánh Xèo. Thế là phone cầm lên, réo gọi. Cả nhà lại quây quần đông đủ. Ba lại có dịp đứng ở cửa chờ ôm hôn từng đứa cháu. Dù biết là các cháu chưa có gì sâu đậm với bánh Xèo, chỉ ham vui vì được gặp mặt nhau sau một tuần vắng bặt. Nhưng có lo gì ! Ngày dài tháng rộng, các cháu sẽ cảm nhận được khi có tiếng “xèo” của chiếc bánh Xèo thơm lừng trên chảo nóng biết ngay đó là dịp gia đình họp mặt đông đủ bên nhau. Sẽ ghiền và nhớ-không-khí-bánh-Xèo thôi chứ chắc gì nhớ bánh Xèo hơn nhớ Pizza !
Gia đình, nếu có điều kiện và hoàn cảnh, cứ giữ thói quen quây quần họp mặt, khi ngoài trời mưa gió lạnh lùng.
Vẫn tiếng “xèo” phát ra từ chảo nóng….
Cũng cám ơn cô Ba Tuấn Quyên, hồi xưa đó, ngày mưa gió cô xách xô gạo tới nhà bà Bún để chờ xay bột về đổ bánh Xèo. Qua chiếc cầu ván mương nước trước sân nhà chắc là phải vận mười thành công lực để níu giữ cái xô bột quá nặng so với sức vóc của cô…

Cũng cám ơn chú Tư Minh Đạo và cô Út Nhã Uyên đã chiêu đãi Ba Mẹ một chuyến hưởng thú Đông ở Palm Springs. Ba rất vui mừng khi cô chú đã trưởng thành khi nắm tay Ba Mẹ dẫn lên chiếc xe treo vượt đường dốc thẳng đứng để lên tới đỉnh núi tuyết. Tuyết bạt ngàn trắng xóa. Tưởng như đã đi vào cảnh giới khác, xa cách cảnh đời thường…
Cũng khác xa cảnh đời thường khi Ba Mẹ , còn nhớ ngày nào, nắm tay cô chú vô cổng Hội Hoa Xuân, để hưởng thú Xuân, của một năm trước khi dời bỏ quê hương !
Cái nắm tay, theo thời gian theo dòng đời, đã thay.
Nhưng mà không có đổi.
Vẫn là những bàn tay quen thuộc đó thôi ! Của Ba Mẹ và của cô chú.
Có khác chăng là bàn tay nhỏ nhắn ngày nào nay đã đầy đặn rắn chắc nắm lại bàn tay, năm xưa, nay đã chớm nhuốm thời gian nhăn nheo trổ hạt đồi mồi…

Tháng 3/09
*** phần viết về cô Ba phở và cô Út cá khô mùa lạnh, xin hẹn đến lần sau, khi có dịp tản mạn.

tháng 3 12, 2009

HẸN CHỜ


mai kia Phố Núi trùng trùng
biết em có nỗi ngập ngừng như xưa
như hồi nhớ nắng thương mưa
tóc thề em bỏ buồn trưa phố dài
dáng chiều tôi ngó thương ai
chờ lâu buổi hẹn dẻo dai cứ chờ
cứ chờ rồi cứ ngẩn ngơ
buổi đau tình buổi dại khờ chớm yêu
em hình bóng cứ liêu xiêu
tôi đau nỗi nhớ bám rong rêu buồn
yêu người không hết nguồn cơn
mà sao nỡ để sầu trơn tuột hoài
góc buồn tôi đứng hiên ngoài
phố rưng ánh điện trời nhoài bóng đêm
tôi hoài chỉ một mình ên
ngó qua ánh điện ngó về đêm đen
ngó hoài mà chẳng thấy em
thấy tôi đứng giữa ướt nhèm sương khuya

biết em chỉ mới thương vừa
nên khi tôi hẹn em chừa tôi ra…

02/09

tháng 3 11, 2009

NHỚ HUẾ


gởi Trần Dzạ Lữ

chiều ni đọc thơ anh
nhớ Huế buồn chi lạ
khúc lòng đau trăm ngả
ngang mấy nhịp Trường Tiền

bởi khiến đời dâu biển
mà nghiến nỗi thương sâu
anh đi đâu về đâu
câu thơ buồn rất Huế

e lòng tôi quá tệ
khôn giữ níu niềm đau
nín nhịn đã từ lâu
anh nỡ chi quày lại !

tưởng đi là xa ngái
mà có ngái chi mô
chỉ đọc mấy câu Thơ
lòng đã mưa Thành Nội !

áo cơm đời lụt lội
phụ phàng nỗi thương quê
tưởng chiều hôm bóng xế
nguôi niềm nhớ quê nhà

anh lại gởi Đông Ba
ngang qua trời Vĩ Dạ
khiến lòng rưng rưng quá
Huế ơi ! Tình Huế ơi!...

03/09

MÙA LÁ


sáng nhìn hoa cúc nở
nhớ mùa thu lá bay
phố xưa lạc bóng mây
tình buồn xa mắt biếc

lời đau lòng tiễn biệt
nghiêng dáng tình phôi pha
em sầu rơi tiếng lá
rớt xuống đời mênh mang

mùa thu hoa cúc vàng
gió se trời ru lạnh
anh mưa tình chưa tạnh
giọt ngắn dài gọi nhau

thương em từ thương lâu
hồi xưa nghe đã nhớ
lòng anh xa không nỡ
mùa thu mùa lá đau

mùa lá níu lòng nhau
rơi xuống chìm hiu quạnh
em về đâu hoang lạnh
đường xưa đã vàng thu

anh nén lòng cất giú
những bước thầm bên nhau
em có nghe tình đau
đọc thơ người năm cũ

bao năm đời mưa lũ
có còn lại gì đây
mùa thu vàng lá bay
đã khô lòng dĩ vảng

anh níu dòng đã cạn
thơ níu vần phôi pha
đời rồi cũng đi qua
anh và em mùa lá….

qua Thu, 2008

KHI VỀ LẠI NHÀ XƯA


góc sân trước vẫn thường ngồi
ngắm Trăng nhân tiện ngó đời tha hương
từ khi bỏ chỗ ngồi thường
về thăm lại tưởng lạc đường quen xưa
góc sân rồi cũng nắng mưa
cỏ hoang lấn sáng chen trưa lấp đầy
bây giờ ngồi chỗ nào đây
để chờ Trăng gọi lại ngày tháng xưa…

chiều 21/02/09