tháng 11 26, 2009

TẠ ƠN ĐỜI TẠ ƠN NGƯỜI


Mùa Lễ Tạ Ơn 2009

LỜI CỦA GIÀ LÀNG

cảm ơn Đời cảm ơn Người
cám ơn buổi tối tháng Mười-Một tây
mười-lăm năm về lại đây
quây quần xum họp như ngày mới qua
ngày nào ngơ ngác Đông Tây
lạ nơi phong thổ trắng tay xứ người
níu nhau đi giữa cuộc đời
đói no cùng chịu vui buồn cùng chan
ngày nào lưu lạc không nhà
ngày nay có cái Nhà Làng rồi đây
có thêm con cháu xum vầy
ta lên tới chức Già Làng, sướng hung....

Mùa Lễ Tạ Ơn
viết tại Nhà Làng, đêm xum họp
26/11/2009

tháng 11 25, 2009

VỀ LẠI HIÊN TRĂNG


Mùa Thanksgiving 2009

nay quày về chung thủy với Hiên Trăng
cây quýt ngọt trước sân vàng trĩu trái
chậu quỳnh bên hiên nhú bông trở lại
ta hồi xưa đi nay về tóc bạc
dễ cũng đã gần bảy năm lang bạt
sống rày đây mai đó ghé hiên người
Hiên Trăng xưa đau xót bỏ bên đời
đâu ngờ được có ngày quày trở lại
lòng chếnh choáng sau thời gian xa ngái
khi trở về mừng tủi ngó Hiên Trăng
hơn nữa đời chia cay đắng thăng trầm
buổi gặp lại khó nén lòng thương cảm
thôi cứ ở đây dừng chân cõi tạm
vó ngựa tang bồng hồ thỉ ngày xưa
tóc nhuốm bạc theo tháng năm lần lựa
đời cũng từng dâu bể nhánh rong phiêu

khi ra đi bỏ sót lại bao nhiêu
nay về lại gom tìm từng kỷ niệm

con dế kêu sương dưới vầng Trăng khuyết
để câu Thơ buồn níu gọi Trăng Rằm
giọt sương rớt bên hiên khuya thầm lặng
bỗng thấy đời trầm mặc cõi sắc,không
thương dòng Trăng bao mùa vẫn đợi mong
là bấy nhiêu mùa Hiên Trăng níu gọi
ta về đây áo cơm đời mệt mỏi
nhưng hồn Thơ vẫn phong độ ngày nào
vẫn vết mực loang trên tờ giấy nõn
Thơ viết đầy trang tắm đời khô hạn
vẫn chờ Trăng lên chờ dưới Hiên Trăng
một thuở ta đi bỏ tình bụi bám
dẫu bụi thời gian vô tình tàn nhẩn
vẫn còn nương một lối nhỏ ta về
về nhớ lại thời nhiễu nhương dâu bể
nơi chốn này từng bảo bọc nương thân

ta lại viết những bài Thơ lãng mạn
ngồi dưới Hiên Trăng như tự thuở nào....

Hiên Trăng Brookhurst
24/11/2009


[nhớ lại bài Thơ khi rời xa Hiên Trăng]
GIÃ TỪ HIÊN TRĂNG BROOHURST
mai này ta sẽ xa đi
đường Trăng xưa có gởi gì cho ta !


Ta đi nhé ! Hiên Trăng Brookhurst !
Gởi những Mùa Trăng vắng bóng người
Con Dế kêu đêm buồn rã rượi
Giọt sương thầm lặng mái hiên khuya

Dòng Trăng chảy mượt trời hiu quạnh
Ngỡ ngàng không thấy dáng người xưa !
Phòng Văn giờ cũng đâu còn nữa
Vầng Trăng cũng lạc mất vần Thơ !

Dễ đã chín năm dài gắn bó
Ta với Trăng cùng trọ mái hiên
Ta với Trăng khi tròn khi khuyết
Khi đầy vơi theo với dòng đời !

Buổi ta ở, Hiên Trăng vời vợi
Nay ta đi hiên lạnh Trăng mờ
Đèn lụn bấc nhòe câu Thơ cổ
Đường Trăng xưa lạc dấu Người Thơ !

Sao cứ mãi ôm hoài nỗi nhớ
Những Mùa-Trăng-Kỷ-Niệm còn đâu
Ở nơi chốn đã là yêu dấu
Nay xa đi, buồn lặng nỗi buồn !

Ta đi nhé ! Hiên Trăng Brookhurst !
Níu dòng Trăng tiễn biệt người xa
Chân bước đi lòng còn ngoảnh lại
Mười phương Trăng chỉ nhớ phương này...

Trăng Escondido nhớ về Hiên Trăng Brookhurst
03/2003


[Hiên Trăng của ngôi nhà một thời nương náu khi cả gia đình bơ vơ ngơ ngác qua đất người theo dòng nhiễu nhương dâu bể..."nay quày về chung thủy với Hiên Trăng" để " ta lại viết những bài Thơ lãng mạn. Ngồi dưới Hiên Trăng như tự thuở nào..."
Sẽ không còn đi đâu nữa khi đã gọi là chung thủy. Ngôi nhà xưa và những kỷ niệm ngày xưa nay đã là của mình.
Nỗi buồn nhớ, ray rứt của một buổi nào khi phải dời xa để rày đây mai đó, ghé trọ hiên nhà người..."dễ cũng đã gần bảy năm lưu lạc"...
Nỗi vui mừng khi trở lại Hiên Trăng xưa..." buổi gặp lại khó nén lòng thương cảm" bởi vì " khi trở về mừng tủi ngó Hiên Trăng"...
Tâm trạng nhớ thương ray rức khi rời xa với thương cảm mừng tủi khi trở lại nơi xưa chuyên chở cả một đoạn đường dài tháng,năm lưu lạc.
Không còn như ngày nào !
Giờ đây, những đứa con nay đã trường thành, đã có cơ ngơi và cuộc sống riêng lẻ.
Đã tạo điều kiện để Ba trở về lại Hiên Trăng, nơi chính ngôi nhà xưa, một thời gia đình mình nương náu.
Vui nào hơn khi tuổi đã về chiều có một cơ ngơi để không phải rày đây mai đó ở ghé nhà người !
Về thôi ! Về chung thủy với Hiên Trăng...
Ngôi nhà này sẽ là ngôi Nhà Làng cho những lúc đông vui xum họp cuối tuần hay là những ngày lễ hội ở đất người.
Tháng, năm qua đã từng lên chức Nội,Ngoại nay lại thêm chức Già Làng. Sướng hung...]

tháng 11 13, 2009

BÂNG KHUÂNG, NHỚ CHUYỆN QUÊ NHÀ


Chiều nay nhận được email, đọc, mà phát buồn, rồi cười !. (chớ không phải là buồn cười). Chắc chắn đây là người cùng Xóm đình chớ không chạy trật !.
Nội dung :
“...mi con cháu nhà ai mà viết ngang viết dọc về cái xóm quê mình để tao đọc mà mất ngủ mấy đêm. Mất ngủ vì nhớ lại cái hồi xưa. Tao nhờ thằng cháu lên gô gồ tìm tên tác giả để đọc cho đã cái bài Xóm Đình Đa Cát mà tụi nhỏ nói là có ông mô đó viết về xóm quê mình sao mà buồn ray rứt. Tao có đọc. Cái đoạn mi nói bị con chó cắn rồi về xức mồ hóng. Con chó của nhà chú Ba Cận chớ mô.. Còn Phạm Lạc thì tao nhớ, Phạm Đông tao cũng nhớ. Cả hai là con của chú Hương kiểm Lào gần nhà chú Nghi. So trong truyện mi là bạn của thằng Đông, rứa là đàn em xa so với tao rồi. Tao lứa tuổi với Phạm Liêu là anh của Phạm Lạc, Phạm Đông. Hồi nhỏ còn chơi với nhau cứ gọi là mày, tao mà nhiều khi đánh nhau hung lắm. Sau này Liêu về Xóm đã là thầy giáo mà nghiêm nghị chững chạc cho nên tao khó gọi lại mày tao quá. Cứ gọi nhau là ông với tôi cho dễ chuyện trò với nhau. Vậy chớ mi con cháu nhà nào trong Xóm....”
Meo qua meo lại hóa ra anh là người cùng xóm. Anh đang ở quê nhà và cũng đang ở nhà trông coi cháu nội, ngoại đầy đàn. Có một đoạn email, anh nói “ Mù cha tam đợi ! Mấy đứa con tao răng mà hắn soàn soạt mỗi năm mỗi đứa làm cho tao với chị hùn sức nhau trông coi mấy đứa cháu cũng thấy ngất ngư con tàu đưa. Nói chơi vui là chắc trời lạnh tụi hắn ngủ sớm...”.
Thú thật, tôi không hình dung ra anh là ai, dù biết nhà anh cách nhà tôi một đoạn đường dài gần gần như là Xóm trên Xóm dưới.
Sau này, do anh nói, là chồng của chị Huê, tôi mới giật mình nhớ lại anh là tài tử, chị Huê là giai nhân của Xóm tôi. Té ra anh là con của bác Cứ, chị là con của chú Tường. Rồi khi biết tôi là con của ôn Cai Hoành anh nói : “ hèn chi mi viết văn làm thơ bởi hồi đó chú Cai cũng thơ văn giắt đầy mình đi tới đâu cũng nói chuyện thơ văn mặc dầu chú là thợ mộc dùi đục chan chát suốt ngày. Sau này chú lên chưn làm thầu khoán đi suốt năm suốt tháng. Lâu lâu về nhà thắp cây đèn “măng sông” ( manchon) sáng rỡ. Hồi đó xóm mình chỉ có đèn dầu. Đêm tối có việc ra ngoài thì đốt đuốc...”
Anh vốn tên là Địa.
Sau này, có một khỏang thời gian dài, lang bạt kỳ hồ xuống tận miền Nam kỳ lục tỉnh. Có qua Cao Miên( có qua không, không biết, chỉ nghe nói, nghe tin đồn !).
Cuối cùng về lại Xóm quê.
Ai lâu ngày gặp gọi mừng tên Địa (cúng cơm) là anh giả lơ như không nghe không thấy. Ngày nào bác Cứ cũng có người tới nhà “mắng vốn”, có nghỉa là phàn nàn hay nặng hơn là phiền trách, về thái độ của anh với bà con làng xóm.
Bác, trước tiên là xin lỗi rồi sau đó mới giải thích nguyên do. Hóa ra là cái tên Địa (cúng cơm) bây giờ đã đổi là Đại. Trần Quang Đại thay vì Trần Địa như ngày nào. Chuyện này có Hộ Lại của Làng ( là chú Lại) thay mặt chính quyền viết lên giấy trắng ( không trắng lắm, chỉ ngà ngà) chuyển đổi tên cũ qua tên mới trên tờ Giấy Khai Sinh. Bên dưới có chữ ký của ông Xã Lùn( xin lỗi ôn, bởi ai cũng gọi vậy, nên gọi quen) với dấu mộc màu xanh đen ( sau này dấu mộc đổi tông màu đỏ chói ) . Ai dám không tin!
Sau một khoảng thời gian trường trải quê xa học đòi bao điều mới lạ, anh về lại Xóm cũ,phong cách coi như là “ hương đồng gió nội bay đi khá nhiều” nên Trần Quang Đại như là một biểu tượng cách tân và mau chóng trở thành thần tượng của lớp thanh niên Làng Xóm quanh năm đèn dầu le lói đêm ra đường thắp đuốc đuổi bóng đêm.
Đầu tiên là cái đầu trọc bao đời gìn giữ nay đã chuyển hóa ra đầu tóc dài chải tém, láng mướt dầu dừa. Mấy anh trai làng ( có nhiều anh đẹp trai dễ sợ mà cũng có nhiều anh, cũng trai, mà xấu trai thấy ớn ) đã thầm lén đua nhau ( nhìn nhau tranh nhau ) dưỡng nuôi mái tóc dài. Để tha hồ mà chải tém !
Quần cụt áo thun hay thuở giờ trần sì quần cụt áo da tứ thời, nay đua đòi nhau lên "mốt" quần tây, áo tây tay dài cổ bẻ. Quần thì bốn nếp li, hai túi trước hai túi sau. Áo cần (rất cần) có một túi( bên trái nghe, bên phải là trật-cùi-chìa, thấy mà dị hợm ) để bỏ cái lược ( nhỏ ) lâu lâu làm dáng, lấy ra, chải ngược mái tóc gió bay.
Chân trần thuở giờ mưa nắng hai mùa, hay dẫu cho có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông cũng trần chân lội đạp. Nay đã kịp thời trang “ôm” đôi dép cao su đủ màu xanh đỏ tím vàng.
Nếu không điều kiện để đua đòi thời trang thì cứ chơi ngang đôi guốc vông. Cũng vậy thôi ! Guốc với dép, nói tận cùng, cũng chỉ là một nghỉa ( cử ) như nhau. Cũng chỉ là ôm đôi chân trần đừng cho đạp đất như đã từng đạp bao năm .
Duy có điều, so với thời trang, đôi dép thanh tân vẫn có tranh phần thời thượng !
Thử tưởng tượng coi !. Mặc quần tây áo tây mà đi đôi guốc vông thì đúng là choài đạp xỉa xói nhau hung bạo tới cùng!. Thiếu điều mắc cở !!!
Nhưng mà thôi !
Nhắc chuyện hồi xưa mà đem so lòng toan tính theo tình cảnh ngày nay thì nhắc nhớ làm chi ! Ngày xưa nó vậy mà ! Cứ để yên ngày xưa là như vậy trên trang đời hoài niệm!.
Nói cho cùng, cũng chỉ tại vì nhớ tới anh Địa bỗng dưng là anh Đại.
Anh Địa (tên cúng cơm) rồi anh Đại !. Nghĩ cho cùng,cũng cùng vậy thôi !. Địa với Đại chỉ là chia nỗi nhớ như nhau. Cũng chỉ là vòng ôm kỷ niệm viết về một làng quê. Viết hoài không hết những trăn trở vui buồn....
Lớp thanh niên, ngày đó, có theo anh làm thay đổi lớn lao khuôn mặt Xóm Làng nhưng không theo nổi anh tiếng đàn và lời ca bạt ngàn trời đất phương Nam. Cái đó là của phần anh, đi một ngày đàng học một sàng khôn, không ai níu với được.
Khi anh dạo tiếng đàn cò-bay-thẳng-cánh ruộng lúa phương Nam và cất lời ca Nam Bộ, chính thống giọng Nam, không hề pha trại giọng người tứ xứ về hội tụ lại làm nên Xóm Làng tôi. Một Xóm Làng quê nằm cuối trời phong thổ, chưa từng có nóng chỉ có lạnh và se lạnh, vùng cao.
Xóm quê tôi đêm thắp đèn dầu âm thầm lặng lẻ trong sinh hoạt gia đình. Có những đêm Trăng, bất chợt hữu tình, người người rủ nhau ra tụ họp ở sân Đình coi như mái nhà chung để để tận hưởng thời gian quý báu Trăng về làm ấm làm vui. Được có hiếm hoi để vui đùa cho lảng quên những lặng thầm sinh hoạt gia đình khép kín. Quên những ngày Trăng, có lên, mà tức tưởi giú mình trong mây. Quên đi những ngày mưa dài lê thê và những ngày tiết trời se sắt lạnh...
Tiếng đàn và giọng hát phương Nam của anh theo với dòng Trăng đã như níu nắng ấm bỏ vô tình Làng nghĩa Xóm.
Anh là tài tử của Xóm quê tôi.

(còn tiếp, khi có thời giờ buồn nhớ bâng khuâng...)

HOA CÚC


em đi tình Cúc bợt vàng
tiễn đưa là biết ngỡ ngàng xa nhau
đâu còn ngõ trước hiên sau
nắm tay như thuở ban đầu ghé đau
ấy tình quân tử háo cầu
níu lòng thục nữ lạc sầu chớm Thu
dưng không mà lặng sương mù
dưng không mà đứng hiên Thu ngậm ngùi
tiếng là đáng mặt trượng phu
lạc đường tình ái lại ngu ngơ tình
phận mình như đám lục bình
trôi sông lạc biển biết tình về đâu
về đâu lường được sông sâu
về đâu thương hải biển dâu tang điền
thiệt ưng cái nết dịu hiền
dựa bên dáng Cúc dỗi phiền lòng tôi
lòng tôi mây nổi mây trôi
gió nghiêng cũng xụi nắng soi cũng xàu
bởi chưng quân tử háo cầu
tình tôi sớm đánh tối đầu vì em
trước làm mặt lạ sau quen
quen lâu rồi hóa quen mềm tới xương
khó lời nói đặng tiếng thương
nên chi đời vẫn cứ tương tư hoài
em ra đứng ở hiên ngoài
tôi ra theo để cứ nhoài nhớ mong
em trốn nắng vào hiên trong
tôi theo vô để níu lòng theo em

hóa ra hạt nắng bên thềm
ngó nghiêng hoa Cúc trải mềm dáng Thu

10/2009

PHỐ ĐÊM


tôi về nhánh lá thơm Thu
phố hiu quạnh phố mịt mù dáng đêm
không em chỉ có ánh đèn
níu tôi ngả bóng theo triền dốc sương
lạnh từng bước nhẹ thoảng hương
Thu vàng đem nhớ trộn thương ngậm ngùi...
10/2009

tháng 11 09, 2009

MÙA HƯƠNG BẮP


Buổi chiều, sau giờ tan sở, tôi ghé chợ Lucky Seafood ( vốn là chợ 79 cũ, nay đổi tên theo trào lưu hòa nhập đất người) tìm cho được mấy trái bắp mang nhãn hiệu quê nhà. Trời cuối năm lành lạnh, muốn được tìm lại hương quê qua mấy trái bắp( thay vì luộc chín trong nồi) cứ đưa vào microwave oven với khoảng thời giờ vừa phải cũng hâm nóng được tình ly xứ.
Đang đứng chọn lựa những bị bắp (đông lạnh) hạt phải nở đều, thân trái phải tròn trịa theo yêu cầu (tưởng tượng) về những trái bắp nếp quê nhà đã một thời nhức nhối đam mê theo từng kỷ niệm. Vừa lúc đó, anh đến. Anh cũng đứng tần ngần, cầm lên, bỏ xuống những bị bắp đông lạnh. Những bị bắp anh vừa cầm lên, bỏ xuống cũng chính là những bị bắp tôi cũng vừa bỏ xuống, cầm lên. Cả anh và tôi cùng đứng tần ngần, nhìn ngắm, thầm chọn lựa. Cuối cùng, anh bỏ đi. Và tôi, cũng bỏ đi.
Đúng là lượt bắp xuất khẩu, hay nói đúng hơn, đợt bắp nhận hàng của Chợ đã không đúng “tiêu chuẩn” chọn lựa của khách hàng. Là tôi và anh.
Bản tính tôi vốn cầu kỳ, hương hoa chuyện ăn uống nhất là từ lúc gia đình được đến định cư vùng-đất-hứa. Đã là vùng-đất-hứa, vấn đề đói no cơm áo hàng ngày không còn là vấn đề ưu tư dằn vặt. Sau thời giờ của một ngày rượt đuổi cuộc mưu sinh để được sống còn, cũng muốn có một khoảnh thời gian dành cho những chọn lựa kiểu cách, thi vị riêng tư. Một dĩa bắp luộc bày ra bàn để vợ chồng con cái cùng chia sẻ miếng ngon và nhắc nhớ những mùa bắp khi còn ở quê nhà, cũng là sự chọn lựa thi vị để chấm dứt một ngày tất bật. Vùng đất này quả thật là một vùng đất kỳ hoa dị thảo và những món ngon vật lạ không phải chờ đợi theo mùa.
Nói đâu xa, ở quê nhà, muốn ăn miếng dưa hấu xanh-vỏ-đỏ-lòng cũng phải đành chờ tới dịp Tết. Nơi đây thì hình như dưa hấu có quanh năm. Hoặc giả, khi tình quê nung nấu, muốn thưởng thức những cây trái ngọt ngào hương kỷ niệm bốn mùa xưa?. Xin cứ vào những khu Chợ Việt Nam, tìm tới gian hàng đông lạnh. Cây trái bốn mùa của quê hương nằm chen lấn trong đó. Tuy là đông lạnh nhưng vẻ dáng và hương vị cũng còn ít nhiều phảng phất hương quê !
Tìm lại một món ăn mang đầy đặn tính quê cũng phải đắn đo suy nghĩ. Không phải vì tiếc tiền nhưng mà tiếc khoảng thời gian để chọn lựa. Và càng ngẩn ngơ , hụt hẫng khi sự chọn lựa của mình đã nhầm lẫn, đã không gợi được tình quê vốn nặng lòng kỷ niệm. Cũng mặt hàng như thế nhưng mang nhãn hiệu của những nước bạn láng giềng. Cảm giác thi vị sẽ không sâu lắng mặn mòi khi nghĩ những loại cây trái đó không hề mang nặng hơi hướm của mùi đất quê hương. Không được lớn lên, trở mình huê dạng ở ngay mảnh đất, mà khi xa đi, tâm tình và cảm xúc vẫn cứ thèm hai tiếng thương yêu : Quê Mẹ !
Món ngon vật lạ thiếu gì vậy mà cháu Út Nhã Uyên, lâu lâu cứ vòi Mẹ cho được ăn cơm với cá khô chiên giòn. Ngồi riêng ở một góc bàn, nhìn cháu Út mê mải với dĩa cơm và mấy miếng cá khô, tôi cảm thấy ấm lòng. Nhiều năm rồi, hòa nhập vào quê hương mới, nhưng cứ vẫn giữ được tấm lòng chân quê !
Lòng vòng tâm sự, xin trở lại câu chuyện dở dang.
Tôi vòng qua dãy bày bán khoai lang dẻo, món mà tôi rất thích. Khi còn ở quê nhà, có thể vì chủ quan và còn mang nặng tính địa phương, tôi cho rằng khoai lang dẻo không đâu sánh bằng đặc sản của Ấp Sầm Sơn ( thuộc Khóm An Lạc, Thành phố Đàlạt). Những lát khoai vàng lườm óng mật sắp xếp mỹ thuật trong từng túi nilon, được bày hàng trong trong Khu Chợ Mới Đàlạt là món hàng chiêu dụ khách du lịch nhiều nhất. Dân địa phương thì không cần thiết chuyện màu mè, chỉ mua cân ký và biết chọn khoai của từng vùng đất. Khoai mật vùng Định An ( Quận Đức Trọng, Đàlạt) cũng ngọt, dẽo . Nhưng dẫu sao, sành điệu, vẫn là khoai lang mật đất Sầm Sơn.
Ở đây thì mất quyền lựa chọn vì mặt hàng xuất khẩu đa dạng.
Những lát khoai bày biện khá mỹ thuật trong những bao nilon đủ màu sắc và được giới thiệu là sản phẩm của những địa danh trong nước. Có những địa danh tôi nghe rất lạ, cứ hoài nghi và không nghĩ là nơi đó có thể sản xuất khoai lang mật đạt vào hàng xuất khẩu. Rõ ràng là lộng-giả-thành-chân. Đa số được khéo léo tẩm mật đường và pha chút phẩm màu vẻ dáng. Cả một dãy hàng, tôi và anh cứ nhích ngang từng bước, cầm lên rồi bỏ xuống. Cuối cùng, tôi ( và anh) bỏ cuộc.
Không tìm được hương vị quê hương, chiều hôm đó, nhưng tôi tìm được nhân dáng quê hương qua câu chuyện làm quen với anh. Thì ra anh cũng là dân Đàlạt, lại là người đồng điệu với món bắp nếp, khoai lang dẻo với tôi.
Ngạc nhiên và hết sức thú vị khi anh cho biết, anh chính là dân gốc Ấp Sầm Sơn ngọt mật khoai lang, xanh mát những luống rau tươi góp phần làm nổi danh Thành Phố Mù Sương. Anh phải chọn lựa đắn đo những món ăn ruột thịt là chính vì như thế. Tôi đồng tình với anh.
Cũng như, khi còn ở quê hương, muốn thưởng thức hương vị ngọt ngào thanh cảnh của những trái Mận vàng ( hay đỏ) tươi, thì phải là Mận vùng Trại Hầm. Còn muốn cắn ngập, giòn tan để lắng lòng trong hương thơm chất ngất của những trái Hồng no tròn thì không thể quên giống Hồng độc nhất vô nhị của Ấp Đa Phú. Muốn tìm hương vị chua ( thanh) ngọt (lịm) hương vị Dâu Tây thì chắc chắn phải là những trái Dâu đẫy đà, no chắc của vùng Ấp Hà Đông. Cầu kỳ những món ăn đặc sản được chế biến từ các loại rau cải thì đừng quên những sản phẩm của vùng đất Ấp Tây Hồ, Sào Nam( nói chung là vùng Trại Mát) hay là khu Thánh Mẫu (Ấp Đa Thành). Bởi chưng, đặc sản của mỗi vùng có những vẻ dáng và hương vị riêng, góp phần, làm nên nét đặc trưng Đàlạt.
Khi về qua Đàlạt, nghe danh là Thành Phố Hoa Nở Bốn Mùa, cũng muốn nhìn cho thỏa. Đâu phải chỉ ngắm hoa là cứ vào Vườn Hoa Thành Phố ! Sao không ghé về vùng đất Ấp Thái Phiên. Dẫu là nơi đây, hoa chỉ trồng nhắm mục đích kinh doanh gây lợi nhuận, nhưng cứ hãy tìm đến nhìn ngắm cho thỏa lòng. Đứng trên đồi cao nhìn xuống thung lũng bạt ngàn những luống hoa đang sắp vào mùa thu hoạch. Hoa nở rộ đủ màu sắc rực rỡ, cứ tưởng như là một tấm thảm hoa trải dài. Nhất là giữa ánh nắng chiều vàng tơ nhung lụa chìm lắng trong không gian yên ắng, lòng bỗng nhiên tĩnh mặc, hòa nhập với thiên nhiên...
Hay là ngại đường xa, thì cứ việc thảnh thơi dạo qua những đường phố . Phải nói là, Đàlạt, con đường nào cũng có hoa – theo cả bốn mùa .
Kể cả mùa Đông giá lạnh, những con đường Đàlạt vẫn cứ rực rỡ vàng tươi màu sắc hoa. Riêng có một loài hoa rộ sắc giữa mùa Đông giá lạnh để tiếp nối cho đầy đặn câu chữ hoa-nở-bốn-mùa của thành phố quê tôi.
Đó là hoa Quỳ Hương ( Quỳ Hương là theo tên gọi cho có văn thơ của tôi thôi, chứ dân Đàlạt thì vẫn cứ thường gọi quen là hoa Quỳ) . Hoa hoang dại tự mọc tự tàn, đâu có ai thèm trồng nên cũng không thèm chăm sóc !. Cứ mỗi độ Đông về lạnh giá thì dáng hoa vàng rộ kiêu sa giữa nắng chiều vàng trên những con đường Đàlạt. Hoa chỉ rộ nở theo mùa Đông để rồi tàn theo mùa Xuân! Thân phận Quỳ Hương là tiếp nối cho đầy đặn danh xưng thành phố hoa-nở-bốn-mùa !
Với dân Đàlạt, nếu gợi nhắc tới hoa Quỳ Hương( hoa Quỳ) mà cứ ngẩn ngơ (dù chỉ một thoáng) thì thiệt là, xin lỗi, đâu phải là dân Đàlạt.
Tôi có nói với anh bạn cùng quê là tôi rất yêu và nhớ Quỳ Hương(của tôi nhưng của anh là hoa Quỳ) bởi vì tôi có rất nhiều kỷ niệm với loài hoa hoang dại này. Anh thật lòng hưởng ứng và chia sẻ cùng tôi cảm nhận riêng.
Theo anh, thì anh yêu hoa Quỳ nhất. Yêu, không chỉ vì gắn bó nhiều kỷ niệm mà yêu vì hợp tâm tính của anh. Muà Đông giá lạnh, khắt khe đến như thế mà tại sao hoa vẫn cứ nở, sung mãn. Hoa cứ rực óng một màu vàng thách thức với màu trời ảm đạm thê lương!
Và, một điều nữa, anh tâm sự . Đàlạt những ngày Đông giá lạnh, sao lạ, lại có những chiều nắng hanh vàng ! Màu nắng hanh vàng dịu nhẹ hoà nhập vào màu vàng rực rỡ hoa Quỳ tạo một không gian chìm lắng, sâu thẳm nhưng lại tràn đầy sức sống.
Màu nắng hanh vàng trải dài đồi núi hoà nhập vào màu hoa vàng rực rỡ dọc bên đường gợi lòng hun hút những suy tư, tầm mặc!.
Anh yêu những ngày Đông Đàlạt, không chỉ vì cái lạnh lùng se thắt để được ấm nồng bên lò than hồng . Nhưng, yêu, vì khi nhìn thấy những cụm hoa Quỳ rộ nở dọc dài theo những con đường đất làng quê giữa chiều Đông mượt nắng hanh vàng.
Những chiều như thế, anh thích được đi lang thang qua con đường gập ghềnh trong Xóm. Nhìn sắc hoa vàng óng và màu nắng vàng quyện lòng nhau, sao cảm thấy chính lòng mình cũng thanh thản, nhẹ nhàng...
Chiều nhạt nắng ở quê xa chẳng có gì thi vị. Nắng góc phố bên kia đường, mới vừa đó, lại nhạt nhòa bóng tối bên này. Đèn đường bật sáng. Buổi chiều như vậy đã gọi là qua, chấm dứt một ngày mỏi rời chuyện cơm áo đời thường.
Chiều, dù có nắng hanh vàng hay mưa rơi nhè nhẹ cũng chẳng gợi được điều gì.
Con người vô tình đã là cái máy tính thời gian qua những lần bật nhóa của chiếc đồng hồ dạ quang trước tay lái.
Như nếu chiều nay nắng không hanh vàng mà lại mưa, dù chỉ là cơn mưa dịu nhẹ gợi tình, trong lòng cũng trống trơn ngoài một ý nghĩ là đường sẽ kẹt xe. Lại phải gọi điện tin cho nhà biết khoảng thời gian ước lượng sẽ về được tới nhà. Gọi trước 9 giờ tối, cell phone vẫn đều tay chém. Tính toán chi li như thế thì còn đâu là nắng hanh vàng, là mưa bay dịu nhẹ, là Quỳ Hương( hay là hoa Quỳ). !
Anh cười ngất, khen tôi có tính hào sảng với đời thường cơm áo mà chi li với góc nhỏ của đời riêng. Ý anh nói là tôi có nhiều hội nhập sẽ rất mau là tên mỹ-da-vàng.
Anh ghi vội cho tôi địa chỉ nhà, hẹn một ngày gặp lại.
Khi vòng ra Exit để nhập dòng xa lộ, quả nhiên, dòng xe bắt đầu dồn lại chậm rì. Nhích đo từng thước đường xe kẹt, tôi có thời gian nhớ lại giây phút gặp gỡ tình cờ hi hữu vừa qua.
Và, giật mình, khi biết mình đã quên không ghi số điện thoại nhà cho anh.

Nay viết câu chuyện này vì tình cờ tìm thấy được mẫu giấy nhỏ, nhân lúc sắp xếp cho ngăn nắp hộc (trong nhiều hộc ) của cái bàn văn vốn rất là bừa bộn .
Mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ nhà ( không thấy ghi số điện thoại).
Suy nghĩ mãi, cuối cùng, chợt nhớ một buổi chiều nào, cách đây đã gần một năm, gặp anh trong khu chợ Á Đông. Hương-bắp-nếp rồi cả dáng Quỳ Hương chợt ùa về để cảm thấy mình có lỗi.
Tôi tìm anh theo địa chỉ đã ghi gần một năm trước. Chỉ để có lời xin lỗi anh chỉ vì cuộc sống giành miếng-ăn-chật-chội trên đất người xa lạ mà có khi quên lẫn miếng-da-vàng cần thiết gần gụi nhau.
Khu chung cư ồn ào náo động hò reo sôi nổi trận đá bóng giữa đường phố.
Lời ca vọng cổ vang vang từ một vở tuồng cải lương đuổi dài theo con đường hẽm tìm nhà anh.
Ánh mắt nhìn nửa thân thiện, nửa nghi ngờ của cư dân ( ngồi hóng gió trước sân ) khi thấy có người lạ mắt nhìn ngó láo liêng. Cũng nên cảnh giác và dò chừng.
Tôi tìm đúng số nhà trên mảnh giấy vàng phai năm, tháng. Gõ cửa và mong thấy lại anh.
Người mở cửa là một người nữ. Cô đã chịu đựng lời trần tình thiết tha về, một buổi chiều, gặp mặt người đã thèm hương bắp nếp thương nhớ hoa Quỳ để trở thành người bạn. Nay tìm tới thăm. Tôi chìa mảnh giấy vàng ố có ghi tên và địa chỉ nhưng cô đã không nhìn mảnh giấy lại nhìn tôi lạ lẫm !. Chỉ với mùi hương bắp! Vì một vẻ dáng quỳ hương ! Vì một buổi chiều gặp nhau mà đã là bạn để tới tìm nhau ! Chuyện lạ !.
Cô dứt khoát vói tay cầm nắm cửa, ngắn gọn một câu : ‘ Xin lỗi, ông đã nhầm nhà rồi!”.
Cửa đóng sầm và then gài lách cách.

11/2009

tháng 11 04, 2009

KỶ NIỆM (trăm chữ)


Còn nhớ đàn cá vàng trong hồ cây cảnh Ba xây
theo ý thích của con?.Nhớ cây đàn theo con mỗi
sáng Chủ Nhật qua Cung Thiếu Nhi...
Ngày xa quê, bỏ lại, để chỉ còn là kỷ niệm !.
Tuổi thơ đã qua nay đã trưởng thành có thể con
quên nhưng Ba thì luôn nhớ. Kỷ niệm của Ba về
mỗi đứa con là tình yêu thương gắn bó, Ba giữ
hoài...
Sinh nhật con, Ba chia lại một chút làm quà.
Cất giữ cho Ba nghe.
Khi vào đời đừng quên mang theo quà Ba dành tặng...

04/11/2009

HÌNH ẢNH


( Ủa, cái áo xanh ngày nào sao bây giờ mặc vừa y vậy !)

HAI BÀI THƠ HỒI NHỎ


( Nhatrang, trước ngày xa quê)

không qua Mẫu giáo
chữ viết chậm rì
ngó chẳng ra chi
là trò Minh Đạo

tiếp thu rất mau
phát biểu rất tốt
thông minh nhất lớp
cũng trò Minh Đạo

có điều...hơi nhão
mau khóc hay hờn
vui buồn có cơn
cũng trò Minh Đạo

quyền cước rất bạo
nằm,đứng,ngồi,quỳ
ngó như con khỉ
cũng là Minh Đạo

tánh khí ồn ào
chưa đi đã...rượt
chưa nói đã cười
cũng là Minh Đạo

Ba Mẹ hỏi nhau
"Cái thằng thiệt lạ
mười-hai-con-giáp
nó giống con nào !"


tháng 8/1989


kẻng Trường rộn rã
học trò đã về
mũ len đội lệch
cặp đeo trên vai
áo quần xộc xệch
mặt mũi đỏ lừ
mồ hôi nhễ nhại
bước nhảy chân sáo
miệng hát bi bô
từ cổng bước vô
chưa kịp thưa Ba
đã kêu :" Đói! Đói "

học mới một gói
mà ăn sạch bồ
sạch quánh sạch nồi
thôi đi...ông Tướng !

tháng 5/1989


( trích Nhật Thi, thơ Trần Huy Sao, 1990 )

tháng 11 03, 2009

NGƯỜI BẠN CŨ


gởi nhớ bạn : Bình An, San José

buổi em lên thăm người bạn học ngày xưa
sóng biển Nhatrang lá-me-trưa làm hành lý
trường Nữ học em chèn thêm rất kỹ
ngại giữa đường kỷ niệm lạc trời xa
ta vốn một thời phiêu giạt phong ba
đi tận trời xa bạn bè nắng hạn
rất ngưỡng mộ em chỉ vì tình bạn
áo cơm đời vay mượn cố tìm nhau
bạn ngày xưa thấy lại lòng thêm đau
ôm không hết vòng tay thời Nữ học
nắng Nhatrang chạnh lòng nhau muốn khóc
bạn ngày xưa nay đã giạt phong trần
căn gác nhỏ áo cơm đời lận đận
tuổi thanh xuân nay tàn úa quê người
miếng đói no cứ mỗi ngày tất tưởi
chỉ tự mình lo sớm nắng chiều mưa

nắm xôi dành cho buổi ăn trưa
bạn chia sớt bởi chẳng còn gì chia với

em ngó nắm xôi nghe lòng đau nhói
cắn dè chừng e bạn đói ngày sau
dành bớt nỗi buồn sớt cả nỗi đau
thương tóc bạn đã ngả màu cô quạnh
không biết giữa đời nắng khô mưa tạnh
bạn níu gì đây cho vợi nỗi sầu
chỉ một mình thôi nào có ai đâu
ngoài trống vắng giữa căn phòng trống trải
buổi sáng ra đi buổi chiều về lại
ngó quanh thân cũng chỉ thấy riêng mình
riêng mình thôi hiu hắt bóng hình
gầy guộc tháng năm tuổi đời mòn mỏi
đêm hai đứa ngồi nhìn nhau không nói
sóng biển Nhatrang mặn muối nỗi lòng
đường lá me bay gió trời lồng lộng
để tóc thề thả rối giờ ra chơi
tuổi thơ ngây bỏ sót lại bên trời
nay gọi nhớ để thương tà áo trắng
tà áo xưa là muối mặn Nhatrang
cũng lần lựa đổ xô vào kỷ niệm
nhắc để nhớ hay để lòng đau nghiến
thương quá một thời nữ học Nhatrang !

em kể chuyện mấy ngày lên thăm bạn
ta nghe qua mà mất ngủ một đêm

thương nắm xôi bạn chia sớt cùng em
giữa căn phòng né nhường nhau chỗ ngủ
khi chia tay níu tình nhau chưa đủ
bạn rớt lòng tay em giọt nước mắt....
Buồn !!!!

San Diego,11/2009