tháng 1 31, 2012

CÂU CHUYỆN QUA GIÊNG


gởi Út

Ngày đó có anh Tư Đào cùng đi. Có cái tủ lạnh to đùng nhà chị Ba Quyên phế thải còn xài được bỏ uổng để cho người (nào đó không biết) tới chở không không về xài, cũng thấy tiếc. Nghĩ lạ!. Của mình bỏ không xài nữa thì người ta đem về xài mà còn thấy tiếc là tiếc cái khoản nào đây !.Uả, mà nói nghe cũng ngược !. Của mình hồi nào mà nhận ẩu vậy. Của chị Ba mà !. Còn thấy tiếc thì chị có tiếc hay không sao mình biết được. Thấy chị để bụi bám lâu nay trước nhà…
Nói người(nào đó không biết) tới chở không không đem về xài là mình chớ ai mà nói không biết.
Vậy mà gần hai năm kể từ ngày cái tủ lạnh của chị Ba được chở (từ San Diego lên tới Pomona cách hơn hai tiếng đồng hồ lái xe) rồi chuyển vô (từ dưới sân lên lầu) phòng trọ cho những tháng, năm đi học xa nhà. Anh Tư Đào, anh Phụng có Ba nữa, gắng sức cùng nhau cố hết sức đưa lên. Mình đứng dưới nhìn hết sức xót xa...
Mỗi lần mở tủ lại nhớ nhà…Nhớ quá...
Lần chuyển phòng trọ năm này thì anh Tư Đào học xa không cùng đi phụ giúp. Cái tủ lạnh to đùng cũng đành rao bán. Thời gian tới phải đi thực tập nhiều nơi phải di chuyển nhiều nơi nên không thể, không xuể…
Vậy là qua sở hữu gần hai năm bây giờ mới mạnh miệng để nói là của mình và thấy tiếc rồi…(nhớ !)…
Lần chở Ba (và Mẹ) lên phụ dọn phòng cũ nhân tiện coi phòng mới Ba ngồi bên khơi chuyện nói chuyện kể chuyện không ngớt. Ba sợ mình lái xe đường xa ngủ gục bất chừng. Trong nhiều câu chuyện suốt chặng đường dài có nhiều điều thú vị .
Tiếc cái tủ lạnh của mình lại nhớ Ba nói, đại khái : “ Tiền có thể mua được cái giường sang trọng êm ái nhưng không mua được giấc ngủ say nồng. Có thể mua được cái nhà to lớn đầy đủ tiện nghi nhưng không mua được mái ấm gia đình”.
À, đúng rồi !. Với cái tủ lạnh to đùng của chị Ba, mình có thể nói câu này, được không !
“ Tiền có thể mua được cái tủ lạnh đời mới nhất, nho nhỏ (để cho gọn chỗ trong phòng trọ), xinh xắn ( ý nói là đẹp, con gái mà !) nhưng không mua được mỗi lần mở tủ lại nhớ nhà ”.

Ngày cuối Giêng ra Hai 2012

tháng 1 30, 2012

NỖI BUỒN HẾT TẾT !


hết Tết hạ màn ai về nhà nấy
con thưa Ba Mẹ cháu thưa Ôn Mệ,về
ta cũng cúng đưa Ông Bà đưa Ba Mạ,về
vàng bạc hóa còn thoảng mùi hương Tết

nói là hết mà cứ mong chưa hết
bánh mứt còn thơm hoa đang còn tươi
hiền nội chưa, chưa bợt màu son môi
ta bài Thơ Xuân chưa vội vào đoạn cuối

phong bao lì xì các cháu cầm chưa nguội
lời chúc các con vẫn còn đang nóng
ngày ra Giêng mới mấy ngày rất mỏng
đã vòng tay thưa Ôn (Ba) Mệ (Mẹ),về

ừ thì về đi con về đi cháu,về nghe
hết Tết rồi mà ai về nhà nấy
để Ba Mẹ ngồi đây Ôn Mệ ngồi đây
ngó quạnh trước sau mạnh ai nấy thấy !

hiền nội thấy sao thì ta thấy vậy
bởi trái tim lâu rồi hòa chung nhịp đập
con cháu về bỏ nỗi buồn tràn ngập
ta cũng ghé hùa cho buồn vỡ đê luôn….

Hiên Trăng khuya 30/01/2012
(mồng Tám Nhâm Thìn )

tháng 1 27, 2012

LỤC BÁT RA GIÊNG


khi anh lục-bát-ra-giêng
em đang lục-bát-triền-miên giấc nồng
khuya rồi khuya tận se lòng
nhạt mùi hương Tết theo dòng ra Giêng
ra Giêng còn lại niềm riêng
theo em lục-bát-triền-miên níu tình…

27/01/2012

tháng 1 26, 2012

RA GIÊNG


ra Giêng là hết Tết
son phấn cũng rồi phai
cố quay nhìn ngó lại
có thấy gì đâu em !

sáng vẫn là đường quen
hai đứa mình ngược hướng
giữa dòng xe lũ lượt
cơm áo chuyện đời thường

em áo phấn môi hường
cũng nhường đèn xanh đỏ
anh thơ tình giấy nõn
cũng chờ bật đèn xanh !

đi hết đời loanh quanh
mỏn tháng ngày tất bật
mùa Xuân như chớp giật
mới đó mà vòng quay

chỉ còn lại quanh đây
vương vương mùi hương Tết
áo cơm đời thấm mệt
một ngày như mọi ngày

chiều nay nhìn mây bay
qua ngả tư đèn đỏ
ngẫu hứng mấy câu thơ
chờ đèn xanh nháy sáng

giữa ánh điện hiu vàng
soi dáng buồn phố vắng
Thơ vẫn còn lãng mạn
như thuở nào yêu em…

tháng 1 24, 2012

GỞI NHỚ CHO CON


gởi cô ba

sáng nay con vào bệnh viện
Ba không thể bỏ việc làm
lòng thiệt là buồn, buồn lắm
không chia nỗi đau cùng con

Mẹ thì cả đêm thấp thỏm
anh Hai cũng chẳng hơn gì
chú Tư cũng chẳng hơn chi
cô Út e còn tệ nữa !

cái nếp nhà mình như rứa
một người đau cả nhà đau
đi đâu rồi ở nơi đâu
cũng cứ nương nhau mà sống

dẫu có nhà cao cửa rộng
cũng chừa chái bếp mưa lòn
cũng chừa lòng Ba thương con
như ngày chén cơm lạt muối

ngày nào nhà mình cơm nguội
nay chén cơm nóng cơm thơm
tình Ba có gì thêm hơn
chỉ thèm vùa cơm ghé mắm

vẫn cứ thương con thương lắm
dẫu con ra đời bỏ lại
vùa cơm ghé mắm cho Ba
Ba cứ giữ hoài không nhả

chiều nay nói chi cho ngạ
ghé miếng thương con hôn con
nhớ ơi cái mùi thơm nõn
như ngày con nằm trong nôi…

chiều tháng 1 ngày 24 năm 2012
Phòng Văn 12 giờ khuya mồng Hai Tết Nhâm Dần 2012

tháng 1 23, 2012

THƯƠNG NHỚ CHIỀU-BA-MƯƠI


gởi Út

chiều-ba-mươi con lại đường xa
cho kịp ngày mai vào lớp học
bao lì xì thế nào cũng đọc
những lời Ba chúc con Năm Mới

lát anh Hai chị Ba ghé tới
phụ Ba bày cỗ rước Ông Bà
Mẹ cuối năm bận bịu liền tay
nấu nướng chiên xào không kịp thở

chiều ba mươi anh Đào chắc nhớ
gọi điện về chúc Tết gia đình
anh học xa chỉ có một mình
con cũng xa nhà xa Ba Mẹ

cùng nỗi nhớ gia đình ngày Tết
hai anh em sớt nhớ cho Ba
cứ bỏ trong Thơ nhiều không ngạ
để dành e cũng tới ra Giêng

để dành thầm lặng nỗi niềm riêng
nhớ hai con đi học xa nhà
Ba viết câu Thơ …mưa quá xá
chú Tư cô Út đừng cười nghe….

khai bút đầu năm
mồng một Nhâm Thìn 2012, trời cũng đang quá xá mưa…

tháng 1 22, 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI


NĂM MỚI NHÂM THÌN 2012
KÍNH CHÚC QUÝ VĂN THI HỮU
QUÝ BẠN ĐỌC
AN KHANG & THỊNH VƯỢNG

Đúng giờ phút Giao Thừa Tân Mão 2011 qua Nhâm Thìn 2012

NGƯỜI CÙNG XÓM ĐÌNH


Chị Hẹ cầm tay tôi, nài nỉ :
- Em tới đó, gặp riêng anh Tấn...
Chị nhìn quanh quất rồi ghé sát tai tôi, nói nhỏ :
- ...nói với anh Tấn là ra chỗ cũ, chị muốn gặp.
Thấy tôi còn ngần ngừ chưa hiểu, chị dặn thêm :
- Thì cứ nói ra chỗ cũ là anh biết liền. Nói chừng nớ thôi nghe. Mà nhớ đừng có cho ai biết là chị nhắn.
Tôi nhìn chị, thắc mắc :
- Nhưng mà anh Tấn là ai, em có biết đâu !
Chị Hẹ ngẩn người một thoáng rồi nhìn tôi cười :
- Ừ hỉ? Chị quên. Là anh Lượm đó. Em biết rõ quá mà !
Tôi không dấu nổi vẻ ngạc nhiên :
- Ủa, anh Lượm là anh Tấn đó hả ? Tên chi mà lạ hoắc, ai biết.
- Thì tên trong giấy tờ khai sanh đó. Mai mốt anh “ ra ràng” rồi, bộ cứ gọi tên cũ hoài, dị chết. Như chị đây cũng rứa. Chị...mà thôi, em đi đi. Trăng lên cao rồi, sợ khuya. Nhớ là đừng nói với ai nghe, giú kín cho chị.
Rồi thấy tôi còn đứng tần ngần, chị hiểu ý, dỗ dành :
- Mai ra quán, chị để dành cho hai tán đường.
Tôi kèo nài :
- Bữa trước hai tán, bây chừ phải thêm một nữa là ba. Mà đường đen hay đường vàng đây chị ?
Chị Hẹ “xì” một tiếng nhẹ, đẩy vai tôi, hối thúc :
- Cái thằng ni ! Thôi, đi đi cho mau. Ba bốn chi cũng được. Đừơng vàng đó, chịu chưa ?
Tôi cười, gật đầu rồi chạy vòng qua đầu con dốc.
Trăng sáng vằng vặc, trải ánh vàng trên con đường xóm nhỏ. Cảnh vật thanh vắng, nghe rõ tiếng dế kêu trăng hai bên đường. Tôi nhắm hướng có ánh đèn manchon từ xóm dưới. Anh Lượm ( í quên, anh Tấn) đang sinh hoạt thanh niên thanh nữ ở đó. Cả tuần nay, mấy anh mấy chị lo tập dượt văn nghệ ráo riết để chuẩn bị tổ chức buổi lễ đưa tiễn đám thanh niên trong xóm lên đường thi hành Quân dịch. Làng trên xóm dưới, đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện tòng quân, nhất là mấy anh thanh niên vào độ tuổi. Vừa rồi chị Hẹ nói anh Lượm ( í, lại quên nữa, anh Tấn) “ra ràng” là vậy đó. Tại vì Ba của chị chuyên nuôi bồ câu. Ông có tới bốn cái chuồng cao nghệu đặt ở bốn góc nhà. Chuồng nào cũng được sơn phết màu mè sặc sở. Bồ cầu bay lượn từng đàn tấp nập suốt ngày. Ông thích thú và tự hào có đàn bồ câu mà theo Ông thường nói là đông đảo không chỗ nào sánh bằng. Một số đông người trong Xóm cũng lấy làm thích thú lắm. Nhưng mà không đủ can đảm để tự hào vì lẽ thường rình bắn bồ câu ăn thịt thì tự hào cái nỗi gì ! Chị Hẹ bắt chước Cha, nói gì cũng nhớ tới mấy con bồ câu. Nhiều chữ chị nói nghe lạ tai nhưng mà cũng có lý. Chim đủ lông đủ cánh rời khỏi tổ tự kiếm ăn gọi là ra ràng. Anh Tấn bây giờ cũng đã đủ sức lớn khôn để rời bỏ cái xóm nhỏ mà đi thì cũng giống như con chim bồ câu ra ràng chớ khác gì!
Anh vốn không phải là người trong Xóm. Trước sau anh cũng chỉ là người ăn nhờ ở đậu. Tôi nghe những người lớn kể lại, anh được chú Hai Mộc đem về nhà khi anh còn rất nhỏ, đâu khoảng một hai tháng tuổi gì đó. Chú giải thích với mọi người là lượm được anh bên cạnh đường khi chú trở về sau một chuyến làm ăn xa. Chú không đành tâm đi thẳng nên đem anh về nhà. Lời giải thích còn có nhiều nghi vấn, nhất là đối với thím Hai, người vợ đanh đá chua ngoa của chú. Trong một khoảng thời gian khá lâu, thím làm hành làm tỏi chú đủ điều. Chú chịu không nổi nên có ý định đem thằng bé gởi cho Bà Sơ nuôi nấng giùm. Một buổi sáng, chú bọc thằng nhỏ trong chiếc áo len, quày quả ra đi. Vừa đi vừa khóc. Lên tới ngọn đồi nơi có ngôi nhà thờ lớn thì thím Hai rượt theo níu lại. Hai vợ chồng giằng co thằng bé một đỗi lâu. Cuối cùng chú đành để cho thím đem nó về. Từ đó, chuyện xưa thím không hề nhắc tới.
Anh Tấn ở với chú thím cho đến mười lăm tuổi thì chú, rồi sau đó tới thím, lần lượt qua đời. Anh trở thành đứa con chung của Xóm. Nay nhà này, mai nhà kia quanh năm suốt tháng. Miếng cơm đổi lấy từ những công việc nặng nhọc của một người ở mướn làm thuê. Như loài cỏ hoang trên đồi Trọc rừng Ngo, tự định đoạt lấy đời sống của mình.. Tính tình anh vui vẻ hoạt bát. Hình dong coi cũng ưa nhìn. Chị Hẹ ngó bộ ưa nhìn anh nhất. Không chừng anh chị có tình ý với nhau cũng tựa như con chim bồ câu trống với con chim bồ câu mái “gù” nhau. Tôi bật cười với sự so sánh ngộ nghĩnh này, suýt nữa táng đầu vô cái cổng đình.
Anh Tấn đang bận sắm vai diễn trong một vở kịch, tôi phải đứng chờ. Vở diễn cảnh người con trai lên đường thi hành Quân dịch, người con gái bịn rịn tiễn bước chân đi. Vai nữ là chị Bưởi. Hai người đang diễn cảnh bịn rịn cầm tay nhau mà thề non hẹn biển. Có anh Trai đứng phía sau nhắc tuồng. Những câu hẹn thề mùi mẫn với lại cái cảnh cầm tay nhau thân mật, tôi thấy nó ...động trời quá ! Chuyện trai gái của hai người sao lại đem bêu riếu cho mọi người cùng biết ?. Chị Bưởi lại lớn hơn anh Tấn 5, 6 tuổi, đã có chồng con. Chồng chị là anh Thuận thợ mộc. Lấy nhau do hẹn ước của hai gia đình từ khi anh chị còn nhỏ. Lời thề hẹn đá vàng không được thốt ra từ tình yêu trai gái mà từ tách trà chung rượu bằng hữu chi giao. Chị ngồi xuống nơi cha mẹ chỉ với tấm lòng hiếu thảo chớ thiệt tình trái tim chị chưa một lần biết rung động trước tình yêu. Thời con gái chưa một lần e lệ cúi đầu che dấu nỗi thẹn thùng từ một ánh nhìn của người khác phái. Rồi những đứa con ra đời như là chất keo gắn chặt thêm tình nghĩa theo năm tháng dần qua, kéo theo tuổi đời an phận.
Chị tham gia đoàn văn nghệ do lời tha thiết yêu cầu của anh Trai. Điểm chính là không có cô gái nào trong xóm chịu đóng vai nữ trong vở kịch nòng cốt cho buổi lễ sắp được tổ chức nay mai. Vở diễn do anh Trai, trưởng đoàn thanh niên thanh nữ, tự soạn và tự đặt lời. Công khó của anh đã thức liền mấy đêm đỏ lừ con mắt để “nặn” cho ra chữ, sắp xếp lớp lang cho thiệt mùi mẫn với lời thề non hẹn biển hợp với cảnh tiễn đưa. Nhất định là phải có chiếc khăn tay vẫy vẫy, có lệ rơi, có cầm tay bịn rịn không rời...Vậy mà, không có ai chịu nhập vai hết. Mấy chị thanh nữ vừa mới nghe anh Trai diễn tả sơ qua đã đỏ mặt ngượng ngùng, lắc đầu le lưỡi. Miệng đâu mà nói những lời ngọt ngào tình tứ như vậy. Lại còn cái cảnh nắm tay bịn rịn thì thiệt là muốn chọc cho thiên hạ đàm tiếu, dị nghị. Đến như đã là vợ chồng rồi mà khi ra đường cứ việc chồng đi trước, vợ theo sau. Đi như kiểu nhà binh, hàng một. Đừng nói chi tới mấy bà trong Xóm, chụp được cơ hội này thì đố có tha. Đầu trên xóm dưới, tụm năm tụm bảy nói cho mà nhức óc. Cho nên mấy chị, mặc dầu trong bụng cũng ưng, nhưng mà đẩy không nổi bức tường thành kiên cố của thói cũ lề xưa...
Anh Trai bực mình lắm nhưng anh quyết định không chịu thua.. Là người đã từng có một thời gian lưu lạc kiếm sống qua những vùng đất xa lạ, tầm nhìn của anh vượt quá lũy tre làng. Khi mệt mỏi trở về, anh đã đem về bao nhiêu điều mới lạ. Điều mới lạ trước tiên là mái tóc anh lúc nào cũng láng mướt, chải tém đít vịt gọn gàng. Cái lược nhựa lúc nào cũng giắt ở túi áo trước. Chỉ chừng đó thôi mà ai cũng nhìn anh lạ lẫm. Lời khen tiếng chê dồn đống, anh vẫn tỉnh bơ. Riết rồi thấy hay hay, đám thanh niên lần hồi bắt chước. Mấy cái đầu trọc, đấu húi hai phân lần hồi biến dạng thành đầu tóc đen dài, láng coóng, tém đít vịt y theo một kiểu. Chiều chiều, thấy “ mấy con vịt” lạc đàn, đi lên đi xuống con đường chính của xóm nhỏ, mắt dáo dác nhìn quanh...
Nói tóm lại, anh Trai là người của thị thành. Chị Bưởi là người phụ nữ, tuy là hương-đồng-cỏ-nội, nhưng có đầu óc cách tân. Thêm anh Tấn là người thường khi trở chứng ngang tàng bướng bỉnh, không chịu trói buộc bởi lề thói khắt khe ngàn đời không thay đổi. Ba người gặp nhau thiệt là tâm đắc. Có anh Trai nhắc tuồng, chị Bưởi và anh Tấn nhập vai mùi mẫn như thiệt. Thiệt đến nỗi mà tôi cứ đứng nhìn mê mẩn. Cho đến lúc anh Tấn làm điệu bộ bước lên xe (chiếc xe tưởng tượng). Chị Bưởi đưa chiếc khăn tay lên vẫy vẫy tôi mới giật mình hoảng hốt. Cứ tưởng anh sẽ đi, tôi vội vàng chạy đến nắm tay anh giật giật :
- Khoan, khoan đi đã anh ơi !
Anh Tấn khựng người, ngạc nhiên nhìn tôi trong khi chị Bưởi với anh Trai phá lên cười ngặt ngoẻo. Tôi ngượng ngùng đỏ mặt. Anh Tấn cũng cười, đẩy nhẹ tôi một cái :
- Cái thằng này ! Ở đâu mà xuất hiện kịp thời vậy ?
Rồi anh ghé sát tai tôi, thì thầm :
- Sao ?. Có người nhắn nhe gì phải không ?
Tôi nhớ mấy tán đường. Tôi nhớ lời chị Hẹ dặn phải giữ kín cho chị. Kéo anh ra góc sân, tôi nói nhỏ :
- Là chị Hẹ nhắn anh ra chỗ cũ, chị muốn gặp.
Thấy anh ngần ngừ rồi lầm bầm :” Lại làm hành làm tỏi gì nữa đây, trời !...”.Tôi níu tay anh, giục :
- Anh phải ra đó nghe. Nếu như anh không ra là em mất ba tán đường !...
Anh Tấn im lặng. Không nói gì.
Đêm đó, anh và anh Trai đưa chị Bưởi về dưới đường trăng thanh vắng. Tôi lẽo đẽo theo sau. Khi chia tay hai người ở hai con dốc, anh quày quả một mình trở về nhà. Vậy là anh không đến nơi chị Hẹ nhắn. Tôi ngồi sụp xuống vạt cỏ ướt sương đêm, ngẩn ngơ tiếc nuối ba tán đường đã vuột khỏi tầm tay. Và tôi khóc, ngon lành...

Sân đình đêm nay như ngày vô hội kỳ yên. Bà con làng trên xóm dưới lũ lượt kéo về tụ tập trước cái sân khấu lộ thiên. Tiếng trống giòn giả làm nôn nao cả lòng người. Đêm văn nghệ tiễn đưa đám thanh niên hai xóm Đa Cát và Đa Trung lên đường thi hành Quân dịch vinh dự đón tiếp các vị chức sắc từ trên Thị xã xuống. Đoàn văn nghệ của xóm Đa Trung (là xóm trên) cùng với xóm Đa Cát (là xóm dưới) đang bận bịu tới tấp ở hậu trường. Tiếng là văn nghệ giúp vui nhưng bên trong vẫn có sự ngấm ngầm ganh đua quyết liệt. Xóm nào cũng muốn cho đội văn nghệ của mình vượt trội. Bởi vậy, dưới hàng khán giả, vô hình trung đã có sự phân chia hai nhóm rõ rệt. Tiếng la ó, vỗ tay ủng hộ “gà nhà” vang trời dậy đất. Khí thế sôi nổi làm cho mấy diễn viên trong hai dội văn nghệ lên tinh thần. Thấy anh Trai lúc nào cũng cười nói, đi lên đi xuống, chạy qua chạy lại dặn dò phân công từng tiết mục cho từng người. Anh rất tin tưởng vào vở kịch nòng cốt của chương trình. Nhất định sẽ làm cho mọi người rơi lệ. Sẽ làm cho mấy anh con trai tới độ tuổi tự hào vì được là người lên đường. Sẽ làm cho mấy cô có người yêu (hay không có người yêu, cũng vậy) cảm thấy mình được chia phần vinh dự có người yêu bỏ cày bỏ cuốc, đáp lời sông núi, mà xông pha giữa lằn tên mũi đạn sa trường. Dám không chừng mấy tay trốn Quân dịch cũng phải hết sức hối hận vì đã lỡ dại dột làm cái chuyện đáng ra không nên làm.
Chú Vạy trưởng Xóm, người to lớn dềnh dàng, chống cây ba toong đi lên đi xuống cười nói hễ hả. Gặp anh Trai, chú cười hết cỡ, nói “Très bien”...”Très bien”...
Sau màn vũ khúc “Giã Gạo Đêm Trăng”, tiếng trống bất ngờ nổi lên dồn dập. Anh Trai lẹ làng nhảy lên sân khấu, điệu bộ màu mè chụp lấy cái micro giới thiệu vở kịch then chốt của đêm văn nghệ. Vì đã có sự dặn dò xếp đặt trước nên tiếng vỗ tay nổi lên đồng loạt, tiếng la hét muốn khản cổ của đám khán giả gà nhà làm rung động cả một góc trời. Đèn sân khấu được mấy tay chạy màn cố tình che lại cho trở nên mờ mờ ảo ảo.Có tiếng hát cũng cố tình ghìm giọng như từ xa vọng lại nghe như người nghẹt mũi :
“Vài hàng gởi anh trìu mến. Vừa rồi Làng có truyền tin. Nói rằng nước non đang mong. Đi Quân dịch là thương nòi giống...”.
Tiếng hát nhỏ dần, nhỏ dần rồi lịm tắt. Đèn lóe sáng. Từ hậu trường có chàng thanh niên xách chiếc va li thiếc bước ra. Đám con nít tức thì la ré lên :” Anh Lượm. Anh Lượm đó, bây ơi !...”.Tiếng cười bỗng rộ lên đồng loạt làm anh Tấn (là anh Lượm đó) khựng lại, hơi bối rối. Cố giữ dáng điệu, anh bước ra vài bước, nhìn ngó bầu trời rồi làm vẻ mặt buồn ngoái lại phía sau. Ý là biểu lộ sự bịn rịn không rời nơi làng quê xóm cũ khi phải lên đường tòng quân. Vừa lúc đó, cũng từ phía hậu trường bên phải, một người thiếu nữ bước ra. Đám con nít cùng ré lên : “Chị Bưởi. Chị Bưởi đó...” Không có tiếng cười, nhưng có tiếng anh Trai nhắc tuồng nghe rõ mồn một “ Chạy lên. Chạy lên. Kêu tên. Kêu tên “. Tức thì chị Bưởi sửa dáng, lấy đà lúp xúp chạy về phía người thanh niên đang ở tư thế dợm bước. Chị kêu lên : “Anh Tấn! Anh Tấn!”.Úi trời. Tiếng kêu cố tình hụt hơi đứt đoạn nghe thiệt khá não nùng. Có tiếng xì xầm ở dưới hàng khán giả rồi một khoảng thinh lặng kéo dài đờ đẫn khi hai người trao đổi với nhau những lời thề nguyền lâm ly bi đát. Ngay cả đám con nít cũng nín thở, trố mắt nhìn một màn diễn quá bất ngờ táo bạo chưa từng thấy. Không khí bỗng trầm lặng hẳn. Chỉ còn nghe tiếng, khi thì nức nở bi thương, khi thì dịu dàng âu yếm của cặp trai gái trước giờ phút chia ly. Rõ ràng anh Tấn và chị Bưởi đã nhập vai thiệt là xuất thần. Anh Trai ngồi chùm hum giấu người ở góc hậu trường, ngạc nhiên đến độ ngẩn ngơ quên cả nhiệm vụ nhắc tuồng của mình. Đám thiếu nữ không còn giữ gìn e lệ, cứ nhăn mặt nhíu mày lòng dạ trải dài xót xa quặn thắt theo từng cảnh diễn, từng lời nói của đôi nam nữ. Đám thanh niên thì hả lòng hả dạ. Trời ơi là trời! Những lời nói yêu thương nhắn nhủ như rót mật vô lòng. Giá như bom đạn có cày bừa nát ngướu tấm thân cũng thấy không có gì là tiếc nuối.
Sân đình trở nên thinh lặng. Bao cặp mắt đổ dồn, theo dõi từng diễn tiến. Tôi đứng gần sân khấu, thấy chị Bưởi nước mắt đầm đìa. Chị khóc thiệt tình làm cho vai diễn càng thêm sống động. Tự nhiên, tôi cũng cảm thấy nghèn nghẹn. Nếu như hai người thương nhau mà phải xa nhau, họ sẽ nói những lời buồn nẫu cả người như vậy hay sao ?. Nếu vậy thì xa nhau làm gì ! Thương nhau làm gì ! Mà chị Bưởi có thương anh Tấn thiệt không đó. Sao thấy chị khóc ngon khóc lành vậy chớ ! Không có ai trả lời giùm tôi. Mọi người đang say mê theo dõi. Trên sân khấu, anh Tấn quay người định bước lên xe(chiếc xe tượng trưng là chiếc ghế dài che phủ lá cây). Chị Bưởi vội chạy theo nắm lấy tay anh Tấn. Đoạn này mùi mẫn nhất. Hai người nắm lấy tay nhau. Anh nhìn chị. Chị nhìn anh. Đắm đuối...Đắm đuối...
Bỗng nhiên, mọi người nghe một tiếng thét xé trời. Từ dưới sân đình, một bóng người nhảy chồm lên sân khấu, tay cầm khúc mía chạy ào tới chỗ anh Tấn và chị Bưởi. Tôi giật bắn người, kịp nhận ra là chị Hẹ. Vừa khi khúc mía nhắm ngay đầu anh Tấn vụt tới. Rất may là anh Tấn, khi nghe tiếng hét, giật mình làm chiếc ghế lật nghiêng hất anh ngã xuống. Cú đánh như trời giáng trượt qua đầu khi anh vừa ngã ngưã về phía sau. Chị Hẹ cũng mất đà ngã nhào theo. Hậu trường nhốn nháo, tiếng la hét ồn ào. Rồi thấy anh Tấn vụt chạy bương qua hàng rào nhà ông Thưởng, đuổi bén gót theo sau là chị Hẹ. Khúc mía đưa cao nhấp nhô theo đà nhún nhảy rồi mất mất hút vào khoảng tối mịt mù phía trước...
Sự việc xảy ra bất ngờ làm bà con bán tín bán nghi. Không lẽ vở diễn kết thúc như vậy sao ? Thấy chú Vạy chống cây ba toong chạy lên tìm anh Trai. Chú giận tím mặt, la lối om sòm :” Cái thằng trời đánh !.Kết cục như rứa là ý nghĩa gì đây ! Trời ơi mi giết tau rồi, Trai ơi!”. Anh Trai, cũng đang giận sôi lên, nói xẵng :” Trai gái với lại cục hòn chi đây chú! Cái con giặc cái đó tự nhiên ở đâu nhảy lên làm bể dĩa hết trơn “. Rồi anh day sang phía anh Đực đang trố mắt nhìn, nạt lớn :” Nhìn cái gì nữa. Kéo màn. Kéo màn”.
Chỉ có mình tôi là hiểu thấu sự tình. Ăn đường của chị Hẹ nhiều lần quá mà, làm sao tôi không hiểu thấu cho được !
Rốt cục rồi mọi người cũng vỡ lẽ. Thì ra, nói theo kiểu chị Hẹ, là anh Tấn với chị “gù” nhau .
Chuyện xảy ra từ cái đêm văn nghệ đó là đề tài bàn tán xôn xao làng trên xóm dưới. Búa rìu dư luận theo nề nếp cổ xưa, đuổi xô chị Hẹ về phía cô đơn. Anh Tấn đã “ra ràng” rồi! Chỉ còn chị vẫn còn náu lại trong cái xóm nhỏ tựa cái chuồng bồ câu dần bạc màu sắc theo thời gian. Tội nghiệp. Mỗi lần ra đường, mọi người đều nhìn chị với ánh mắt khác lạ. Nhất là mấy bà ngồi lê đôi mách, họ thêu dệt về chị theo đà câu chuyện để mua vui trong giờ rảnh rỗi. Đám trai làng e dè ra mặt. Chỉ còn có tôi. Nói cho đúng nghĩa hơn là những-tán-đường-của-chị còn có tôi. Rồi cũng phải nói thêm cho thật lòng, dù ăn miếng đường ngọt ngào thanh cảnh của chị nhưng sao tôi vẫn cảm thấy không gần gụi chị được như ngày nào. Cú đánh trời giáng của chị đã gây ấn tượng mạnh trong tôi. Nó chì chiết trầy trụa tình cảm của tôi về chị đến nỗi tôi đã mất dần cảm giác thèm vị ngọt ngào như tôi vẫn thèm. Và rồi, tôi dần xa chị hồi nào không hay. Mỗi lần có việc qua quán nhà chị, tôi cố tình rão bước. Đôi lần bắt gặp ánh nhìn của chị, tôi cúi đầu lảng tránh.
Thời gian cứ lần lựa trôi qua. Hết hạn ba năm, chẳng thấy anh Tấn trở về như những chàng trai cùng xóm. Rồi đáo hạn kỳ lần nữa, thêm lần nữa, anh Tấn cũng biền biệt phương trời. Chị Hẹ vẫn ngồi nơi quán nhỏ mà lòng trải rộng cả phương trời. Chị gầy ốm, teo tóp rồi lạc tuổi thanh xuân. Nghe đâu trong thời gian qua cũng đã có nhiều đám gần xa mai mối, nhưng chị vẫn không chịu “ra ràng”. Chị như con chim vẫn ngày ngày giam mình trong cái chuồng chim bạc màu son để nhìn ngắm khoảng trời xanh vô tận, tìm kiếm một bóng chim quen.
Con chim lẻ bạn chắc là buồn. Chị Hẹ lẻ loi tình anh Tấn, chắc chị buồn thấm tận tim gan...
Chị Hẹ ơi ! Giờ đây em không còn trách chị như ngày xưa còn bé.
Sự đời vốn nhiều đa đoan. Sự tình cũng có nhiều cớ sự. Khi người ta yêu nhau thì chỉ thấy có mỗi người mình yêu. Và dễ thương (hay dễ ghét) hơn nữa, chỉ muốn người mình thương là của riêng mình.
Em cũng hiểu khúc mía chị dành riêng cho anh Tấn nó đầy đặn ngọt ngào tình yêu thương chớ đâu có phải hận thù. Giá như khúc mía được chia đôi cắn nửa thì tình tự biết bao nhiêu. Nhưng ác thay khúc mía lại làm nên cú đánh như trời giáng để cho anh Tấn hồn bất phụ thể mà lú lẫn cả đường về !. Khi yêu nhau người ta vẫn làm những điều khôn, điều dại cũng chỉ vì người mình thương.
Em cũng hiểu thấu nỗi buồn da diết qua tháng năm chị chờ đợi anh Tấn trở về...
Lý lẽ này tôi tìm kiếm được là lúc tôi lớn khôn. Biết soi gương làm dáng. Biết trái tim có hai dòng đập. Một cho nhịp sống đời thường. Và một cho nhịp slow, tango, bebop hay cha cha cha tùy thuộc hoàn toàn theo đối tượng mình thương.

Chiếc Honda vượt khỏi con đường đất đỏ hai bên là rừng cao su bạt ngàn, dừng lại ở đường quốc lộ. Anh Hường, phụ huynh của học trò tôi, vừa dựng xe vừa nói :
- Thôi, Thầy về ăn Tết vui vẻ nghe. Thầy quyết định về quê ăn Tết tụi tui cũng thấy mừng. Ở đây buồn lắm Thầy ơi !
Buồn hay vui, không phải là nguyên do để tôi đột ngột quyết định phải về nhà ăn Tết. Chỉ vì nhớ.
Tình cờ, sáng nay, khi vừa thức dậy nghe tiếng hát từ chiếc radio ở nhà bên cạnh :
“...Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai. Sẽ mang về cho quần áo mới. Ba ngày Xuân đi khoe xóm làng...”. (*)
Lời hát làm cho tôi nhớ đến xót xa những ngày Tết quê nhà. Tôi nhớ những đêm cùng các em thức canh nồi bánh Tết, lòng nôn nao nghe tiếng pháo vọng xa trong màn đêm tĩnh mịch. Những ngày Tết rộn ràng xôn xao câu chúc tụng trên con đường xóm nhỏ dập dìu người qua kẻ lại. Tôi nhớ không khí ấm nồng của những ngày Xuân chan hòa tình làng nghĩa xóm.
Và tôi quyết định phải về, dù hôm nay đã là ngày 30 Tết.
Tốt nghiệp ra trường rồi thuyên chuyển về vùng đất mưa bùn nắng bụi, heo hút bạt ngàn rừng núi này. Đây cũng là cái Tết đầu tiên xa nhà. Tôi muốn trải nếm cảm giác của lòng người xa xứ. Vậy mà, cuối cùng, vẫn không chịu được. Mới hay là nơi chôn-nhao-cắt-rún mãi mãi là nơi chốn phải quay về.
Có chuyến xe hàng ở đầu con dốc. Anh Hường mau mắn đưa tay vẫy chặn. Trong xe thưa thớt chỉ vài người khách, có lẽ cũng về quê ăn Tết muộn như tôi. Bác tài vừa sang số xe, vừa nói :
- Xe về tới Dục Mỹ thôi, thầy Hai. Tới đó, Thầy liệu đường mà bương tiếp...
Tôi không nói gì. Định bụng là đến Dục Mỹ sẽ đón xe về tới ngã ba Thành. Từ đó, đón tiếp xe lên Đàlạt. Chậm lắm là khoảng 11 giờ đêm sẽ có mặt tại thành phố sương mù. Hy vọng còn kịp giờ đón Giao thừa.
Bắt đầu qua dèo M’Drăk, xe ngừng lại đón thêm một người khách. Anh ta vứt cái bao đồ khá lớn ở cuối xe rồi nhìn quanh tìm chỗ ngồi. Trong xe cũng còn quá nhiều chỗ trống. Anh đứng tần ngần một thoáng rồi đến ngồi bên cạnh tôi :
- Chào anh. Ngồi đây cho có bạn chuyện trò đường xa.
Tôi cười gật đầu chào xả giao
- Vâng, chào anh. Anh cũng về Dục Mỹ à ?
- Không, tôi chỉ đến Khánh Dương.
Rồi anh che tay, ngáp, ngon lành. Tôi lén nhìn anh, quan sát. Bộ râu quai nón rậm rì lốm đốm nhiều sợi bạc. Mái tóc lâu ngày không cắt tỉa phủ xuống quá gáy. Da mặt sạm đen vì nắng gió. Nhìn vẻ dáng thật phong trần. Tôi cứ ngờ ngợ như là đã gặp anh đâu đó một đôi lần. Tôi đem ý nghĩ này nói với anh. Anh cười, hàng răng trắng đều giữa hàm râu rậm :
- Vậy hả ?. Cũng có thể là đã gặp đâu đó. Tôi vẫn qua lại vùng này thường lắm
Qua lại thường ở vùng này thì chắc thế nào anh cũng đến Phước An, nơi tôi làm việc. Có thể là gặp anh một đôi lần nơi đó. Tôi hỏi :
- Nhưng có khi nào anh đến Phước An ?
- Có chứ, một đôi lần. Nhưng hơn năm nay, tôi không ghé. Chẳng có gì phải ghé.
Tôi ngạc nhiên :
- Có gì là có gì, anh ?
Anh lại cười :
- Thì đại khái là kim loại, đồng, thau, vàng, bạc, các loại đồ cổ. Mua bán có, trao đổi có. Nhưng tôi thường đến các buôn bản Thượng. Họ có những món đồ cổ, quý hiếm. Thuận thì trao vừa thì đổi, chẳng ai ép ai. Người Thượng họ thật thà chất phác, gần gụi họ mình cảm thấy cuộc đời phẳng lặng hơn. Anh thấy tôi đầu tóc râu ria giống họ không ? Cố tình đó.
Rồi anh huyên thuyên kể chuyện vui về việc mua bán trao đổi với người Thượng từ các buôn bản xa xôi hẻo lánh. Anh có lối kể chuyện thu hút người nghe và đặc biệt là không ngừng nghỉ. Một mẫu người vui tính và dễ thân thiện, tôi thầm nhận xét. Kể lể một thôi một hồi, bỗng anh khựng người nhìn tôi, cười :
- Thiệt là vô tâm. Nãy giờ ham chuyện quên hỏi chú em. Í, mà gọi chú em được chớ?. Ngó bộ dạng trẻ quá mà. Sao? Về quê ăn Tết hay là đang đi kiếm ăn đây ?
- Kiếm chác gì đâu anh ! Tôi làm việc ở vùng này. Về quê ăn Tết đó.
Anh cười, phụ họa :
- Thiệt là bươn chải đường xa, tới ba ngày Tết cũng kiếm đường về. Mà về đâu đây, chú em ?
Tôi đáp gọn :
- Đàlạt
Anh “Hả” lên một tiếng, gương mặt có vẻ ngạc nhiên. Tôi vẫn vô tình :
- Anh lưu lạc nhiều nơi, chắc cũng có dịp về qua Đàlạt.
Gương mặt anh trở nên tư lự. Anh khẽ thở dài :
- Ghé qua sao được. Có thời gian anh ở đó rồi. Mà không lâu.
Tôi cười vui vẻ :
- Vậy là gặp người cùng quê rồi. Anh ở vùng nào vậy ?
Anh im lặng, nhìn ra cửa xe, như đang suy nghĩ điều gì. Rồi anh thở dài :
- Ở không lâu mà đi xa cũng nhớ mới kỳ. Hồi đó anh ở vùng Trại Mát.
- Tôi thì ở số 4, là xóm Đa Cát đó. Trại Mát nơi anh ở họ trồng rau nhiều lắm. Đặc biệt, anh biết có gì không ? Đá gà. Nhứt là mùa Tết , cá độ gà đá dữ dằn lắm. Để coi ,ở Xóm tôi cũng có nhiều tay mê đá gà nặng. Sống bằng nghề đó luôn. Có Ôn Tôn Lạc, có chú Cử, chú Phú xe Lam nè. Lớp sau này có anh Trai, anh Đát con rể của ôn Cai Hoành…
Tôi đang ngập ngừng cố nhớ thêm vài tay mê đá gà nữa thì nghe anh nói, giọng có vẻ hốt hoảng :
- Aí chà, thôi chú em ngồi nghe. Anh xuống coi cái bao đồ không chừng mấy tay lơ xe moi móc...
Rồi không chờ tôi trả lời, anh hối hả đứng lên đi thẳng. Tôi mất hứng ngồi yên.
Khá lâu không thấy anh trở lại. Tôi ngoái nhìn, thấy anh ngồi khuất ở băng ghế cuối, đang loay hoay làm gì đó.
Xe chạy một đoạn dài, tôi vẫn có ý chờ anh trở lại để tiếp câu chuyện đang còn hứng thú. Vừa lúc đó nghe tiếng bác tài xế rổn rảng :
- Khánh Dương. Ai Khánh Dương chuẩn bị xuống nghe.
Xe bắt đầu hãm thắng, chậm dần. Tôi quay lại, cũng vừa lúc anh vội vàng đi lên.Bàn tay anh bóp mạnh lấy vai tôi, đau nhói. Tôi nghe anh nói, giọng có vẻ xúc động :
- Nhớ tìm anh nghe.
Rồi anh lẹ làng nhét một mảnh giấy nhỏ vào túi áo trên của tôi, quay người đi vội xuống cửa sau, chụp bao đồ nhảy xuống khi xe chưa ngừng hẳn. Tôi nhoài người ra cửa hông, thấy anh đứng bên lề đường đưa tay vẫy vẫy.
Xe qua khỏi Khánh Dương một đoạn, tôi chợt nhớ tờ giấy anh nhét vào túi áo. Đó là tờ giấy bao vỏ thuốc Capstan, trên có ghi địa chỉ nhà anh và ở dưới có dòng chữ viết vội :
“ Chú Trọng
Về quê ăn Tết vui vẻ nghe. Biết chú không có thì giờ thôi thì để ra Giêng tìm tới anh. Có nhiều chuyện muốn hỏi chú.
Anh, Tấn
Người cùng Xóm Đình “



Hiên Trăng mùa Xuân
(*)(Xuân Này Con Không Về - Trịnh Lâm Ngân )

tháng 1 21, 2012

TẾT QUÊ NHÀ


(bài đăng lại theo yêu cầu )


Gởi người Xóm đình Đa Cát ( Cây số 4 Đàlạt )


Đã có từng cơn gió chướng tràn về từ hướng núi. Trời trở lạnh và khô. Hoa Quỳ hương nở rộ hai bên đường, vàng óng.
Bác Hai Mộc đã...qui cố hương . Thím Ba Hồng cũng…hồi cố quận . Anh Tư Quân cũng… xếp tàn y về nơi cố thổ. Đó là cách nói thời thượng mang nặng tính võ hiệp giang hồ của anh Kiệt, nghe riết cũng thấy hay hay lại có văn vẻ cho nên ai cũng cố tình bắt chước. Sức học anh thì chưa tính được bao nhiêu nhưng sức đọc của anh thì tính tới bao, bồ mà đựng. Anh đọc truyện tới nỗi quên ăn quên ngủ. Tòan là chuyện kiếm hiệp. Đọc đến nỗi nhập tâm. Có Bác Hai Luân bị “dị ứng” về lối nói năng nặng mùi kiếm hiệp của anh Kiệt. Bác cứ lầm bầm “ Qui cố hương, hồi cố quận hay có về nơi cố thổ thì cứ nói rẹt một tiếng về cho nó gọn. Bày đặt…”.
Mà cũng bày đặt thiệt !
Tết thì về quê ăn Tết chớ bày đặt chuyện qui, hồi cố hương cố quận cố thổ chọc giận nhau làm chi !
Hàng Mai già dọc đường dốc đất bên cạnh Chùa Linh Quang đã kết nụ rồi, sắp nở rồi. Bụi Quỳ hương ở hục Bà Sơ sau lưng chợ Chiều chỉ còn thưa thớt mấy cái bông vàng rực . Vàng rực hết sức để chờ tàn, chờ rụng . Bởi, khi hoa Quỳ hương tàn rụng là lót đường cho mùa Xuân mạnh đường đi tới. Tiếng heo kêu ở nhà thím Hiếu làm nôn nao mấy củ hành ngâm giấm đã trở màu hồng đậm trong hủ thủy tinh. Trở màu là đã “ chín mùi ” vị ngọt chua, thanh cảnh .Gắp ra dĩa, để ghém với miếng thịt heo được rồi ! Mà tiếng heo kêu giờ này nghe tràn đầy nội lực chớ không eo éo như thường ngày vẫn kêu . Như vậy là đã đúng lứa, sắp vô nồi ! Mà nồi chung chớ không phải nồi riêng của gia đình nào.
Chuyện nuôi heo ăn Tết thì hầu như ở Xóm nghèo quê tôi đã quen thành lệ. Cứ năm ba gia đình chung vốn mua heo rồi giao trọng trách cho một người mát tay nhất trong nhóm nuôi vỗ chờ Tết ngả thịt, chia đều. Tính tóan, thỏa thuận rất sòng phẳng để không ai phải bị thiệt thòi.
Thuận buồm xuơi gió thì mùa Tết có thịt để mà rộn ràng bận rộn với nồi niêu xoong chảo . Bằng như…nửa đường đứt gánh thì coi như phủi tay, coi như là chỉ ăn Tết có một nửa, mất vui.
Còn về chuyện thịt gà ! Tuy là không chung vốn mà phải tự lo liệu nhưng cũng phải chuẩn bị kỹ càng. Tháng Tư ta là lo đem gà trống còn non tơ ra chợ tìm ông thợ thiến gà. Lo đóng chuồng. Vật liệu sơ sài cũng được nhưng phải bảo đảm là mỗi chú gà một chuồng riêng vừa đủ đứng, nằm chớ không có khoảng rộng để đi tới đi lui.
Nếu …thuận buồm xuôi gió, thì khoảng tháng mười-hai-ta, lứa gà thiến thịt thà đã nặng chình chịch, lông lá đã trổ màu sắc rực rỡ. Mỗi chú trọng lượng cũng cỡ chừng bốn tới năm ký. Nhà nuôi chừng hai, ba con thì tha hồ mà ăn Tết.
Nhưng mà cũng khó lắm. Bắt đầu từ tháng-mười-chưa-cười-đã-tối cho tới đầu tháng mười-hai-rét-ngọt thì cái nạn dịch gà khó cản. Qua được cửa ải này thì nồi niêu mới có dịp khua ran để mà ăn Tết. Thường thì khó vượt qua…
Còn cái khoản thịt bò thì quá đỗi xa vời, không cách gì với tới. Chỉ có trong dịp hội Làng. Mà nhắc tới Làng Nước thì bao la quá. Nhất là miếng thịt của Làng thì cũng quá là nhiêu khê! Chi bằng trở về lại một mái nhà với miếng thịt tự cung tự cầu, mà cũng… tự nhiên hơn, để hưởng ba ngày Tết.
Chỉ có thịt heo, thịt gà là gần gụi với tầm tay. Và cũng chỉ có chú Quý là người gần gụi và thân tình với bà con hơn hết, nhất là thời gian cận kề Tết. Bởi chú là tay đồ tể, nếu nói theo cách nói của anh Kiệt, là vào bậc thượng thừa. Tôi còn nhớ như in hình ảnh của chú. To lớn dềnh dàng, dáng đi khật khưởng. Gương mặt to ngang với đôi mắt xếch và cặp lông mày rậm đen. Nhìn chú thì thấy dữ dằn nhưng chú hiền lắm, lúc nào cũng cười. Ai nói gì cũng cười, nụ cười tươi vui, đôn hậu trái hẳn với vẻ hung hãn, dữ dằn của chú.
Cũng không biết do từ đâu mà ai gặp cũng gọi chú là Tiết Nhơn Quý, một nhân vật trong truyện Tàu, riết rồi chết tên luôn.
Chắc tại vì tướng tá to lớn dềnh dàng với lại sẵn chú tên Quý. Hay cũng từ anh Kiệt…
Thường ngày, chú rất chậm chạp trong công việc nhưng khi nhập vai đồ tể, chú nhanh nhẹn vô cùng. Từ lúc lùa heo ra cửa chuồng cho tới lúc xả thịt chia chác đồng đều cho các sướng (chớ không phải khổ) chủ, mọi động tác đều chính xác, gọn gàng. Ai nấy nhận phần thảy đều vui lòng hễ hả. Với đôi tay thiện nghệ và dưới mắt nhìn ước lượng cân đo của chú, xác suất trọng lượng phần thịt chia chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh. Ngày Tết mà! Giành nhau tiếng cười vui chớ giành nhau chi thêm mấy miếng thịt chưa đủ giắt răng. Thảo nào anh Kiệt nói chú là tay đồ tể thượng thừa kể cũng không ngoa. Dễ chi kiếm được người thứ hai.
Công cán thì chú chỉ nhận đúng nửa ký thịt đùi và một lít rượu, vậy thôi. Thêm cũng không chịu. Bớt cũng không chịu. Ngang bằng sòng phẳng. Rồi chú qua nhà khác cho kịp giờ.
Mùa Tết là mùa làm ăn sung mãn của chú. Mùa Tết cũng là mùa chạy marathon của lũ trẻ chúng tôi. Cứ nghe tiếng heo kêu dậy trời dậy đất là tụi tôi tranh nhau rượt chạy cho kịp thời coi ông Tiết Nhơn Quý sát trư. Có khi một ngày chạy hai ba lần…
Sau này, có thêm chú Thứ nhà gần Hục Bà Sơ nhưng tay nghề không so kịp bằng chú Quý.

Mùa Tết cũng là mùa hoa. Ba ngày Tết mà trong nhà không có màu sắc của hoa thì còn có ý nghĩa gì!
Nhà nào cũng có một cành Mai hồng thắm. Mà đâu phải bỏ tiền mua. Chỉ cần bỏ công nửa ngày, vào rừng. Xóm với rừng gần nhau, đi thì chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ, nhưng phải bỏ công nửa ngày là để chọn lựa một cành Mai ưng ý.
Mai mọc bạt rừng, bạt núi thậm chí tràn vô tới Xóm. Hầu như nhà nào cũng có trồng một cây Mai trước ngõ.
Tháng mười-hai, Mai nhà đã nụ hồng. Có nhà thì hoa đã rộ nở.
Tôi còn nhớ, con đường mà tôi thích nhất là con đường hẻm dài một hàng Mai tươi tốt, từ nhà bác Nghi qua nhà ôn mệ Lào, rồi chấm dứt ở nhà ôn Cai Tư. Một khoảng đường rất ngắn nhưng giữ mãi trong tôi êm đềm cái cảm giác râm mát bóng cây của tháng Hè và nôn nao những bông Mai hồng thắm của ngày Xuân. Tôi thường đi, về trên con đường đất gập ghềnh này trong suốt thời gian học ở trường Tiểu học Bạch Đằng, nằm cheo leo trên ngọn đồi Cao Thắng. Con đường hẻm đất đá có hàng Mai rợp bóng là một trong những kỷ niệm tôi giữ hòai về chốn quê. Nhất là những ngày Xuân, nhìn hoa Mai rộ nở, lòng cứ nôn nao hòa nhập trong những nôn nao có quần áo mới, có tiền lì xì, có pháo đốt thả giàn, có những trò vui chơi trong ngày Hội Làng…Cho đến bây giờ, vẫn cứ còn giữ mãi độ ấm nồng ngầy ngật mỗi độ Xuân về. Ấm nồng ngầy ngật bởi lẽ, duyên nợ trăm năm đã gắn bó đời tôi với tà áo tiểu thư ở một trong những ngôi nhà trên khoảng đường rất ngắn, của ngày xưa, đó…
Những ngày cuối Chạp, đứng ở Xóm mà nhìn về hướng núi là cả một thảm hoa hồng thắm chạy dài từ Cam Ly Hạ ngược lên Dốc Trời ngút ngàn vô sâu tận Rừng Dẻ. Tầm nhìn tuổi thơ chỉ chừng giới hạn nhưng trí tưởng tượng thì dặm dài xa ngất. Tôi nghĩ rừng Mai chắc vô cùng tận, không chỉ ngừng ở Rừng Dẻ vốn đã là quá xa, chắc còn sâu còn xa hơn nữa. Ở chỗ núi mờ xanh thẳm mịt mùng…
Mấy anh trai Xóm thì nghĩ ngợi gần hơn.
Đâu cần phải xanh thẳm mịt mùng làm chi cho mệt. Chỉ cần vào khu rừng Mai Cam Ly Hạ mà đem hương sắc mùa Xuân về trang hòang nhà cửa.
Buổi sớm mai dằn mấy chén cơm cho chắc bụng rồi sẵn sàng dao, rựa rủ nhau đông đảo tới rừng Mai. Khi chọn cành Mai ưng ý là đã đắn đo ước lượng khoảnh rộng hẹp của phòng khách, nơi sẽ được chưng bày cành Mai giữ hương sắc mùa Xuân, cũng chính là nơi làm rạng nét nhà. Phòng khách rộng mà cành Mai nhỏ thì bất xứng, lại bị thầm chê là hòan tòan không có khiếu về mỹ thuật. Cành Mai to đùng mà chưng ở phòng khách quá nhỏ thì có vẻ như là khoe khoang, giựt nổi. Rồi cũng phải tính tóan khít khao làm sao hoa sẽ nở rộ vào đúng những ngày Tết. Nụ nhiều quá thì không tốt mà nở sớm quá thì cũng không tốt luôn.
Đến chúc Tết nhà, việc đầu tiên là liếc thầm một cái về phía cành Mai được trang hòang trong phòng khách, để đánh giá và so sánh. Đánh giá trình độ nghệ thuật của chủ nhà và sẵn đó, so sánh cành Mai của nhà chủ với nhà mình. Chủ và khách, rất nhanh, bắt gặp ánh mắt nhau ở cái liếc thầm này trước khi bắt tay nhau. Sự ganh đua, so sánh không hề to tiếng, chỉ lén thầm nhưng đã thành ước lệ. Thầm nhận biết mình thua hay tự hào mình hơn cũng chỉ là cảm giác buồn, vui nhỏ như tiếng pháo chuột so với tiếng pháo cối, vậy thôi. Nhưng mà cũng phải liếc chớ, thiếu đâu có được!.
Vô hình trung, đã thành một tục lệ âm thầm, ở Xóm quê tôi. Cho nên nhiệm vụ của mấy anh đi chặt cành Mai chưng bày đón Tết là đi mang sứ mạng trong người, có phải chơi đâu…
Ngòai cành Mai là tiêu biểu lớn, còn có hoa Vạn Thọ, hoa Cúc và cao sang quyền quý yểu điệu thục nữ quân tử háo cầu là hoa Lan.
HoaVạn Thọ, Cúc đơn, Cúc đại đóa thì hầu như, ít nhiều, nhà nào cũng rộ. Trồng trong chậu để cầu kỳ dành riêng cho ba ngày Tết . Trồng trước sân nhà làm cây cảnh tự nhiên.
Riêng về cái khoảng hoa Lan thì khó cầu nên chi rất hiếm. Cũng muốn có một chậu Lan để khi người đến chúc Tết , cố theo dõi cái liếc thầm của khách, mà thấy sướng vui trong bụng.
Nhưng mà đâu có dễ bởi vì hoa Lan thiệt như là đứa con cầu tự, khó nuôi khó dưỡng. Nắng thì bất ưng lạnh thì bất ổn. Phải dành một khu đất riêng có giàn rào che chắn gió, có mái chống nắng tránh mưa. Công sức và tiền của bỏ vô đó cũng bộn bề. Chưa nói tới chuyện phải tìm tòi học hỏi trao đổi về kỹ thuật qua sách vở, qua thực tế kinh nghiệm. Phải đong đo cân đếm khí hậu thời tiết thay đổi từng mùa mà liệu chừng tìm phương cách cưng chiều chăm chút thúc ép cho hoa nở đúng thời. Nở sớm quá thì mất duyên. Nở trễ quá thì…hết Tết rồi, nở làm gì nữa !
Miếng bỏ bụng đói no ngày tháng còn chưa lo tới được nói chi chuyện chăm lo cho đời sống cao sang của lòai hoa vương giả. Và, nói cho cuối cùng, cũng chỉ nhằm để thỏa mãn, đắc ý cho một cái liếc thầm của khách. Cao xa quá! Nhiêu khê quá! Làm sao mà liếc cho tới đây ! Thôi thì cứ liếc thầm một cành Mai chưng Tết, đủ rồi !

Tết cũng là dịp để vui chơi sau một năm dài cực khổ trong việc mưu sinh. Cũng là dịp để gia đình đòan tụ. Đồng tiền chắt bóp, dành dụm được trong năm đổ dồn cho ba ngày Tết. Mang công mắc nợ ai thì lo thanh tóan sòng phẳng trước khi bước qua năm mới. Cố dọn dẹp thu vén cho lòng dạ nhẹ nhàng không còn cứ đeo nặng những rủi, buồn năm cũ để chuẩn bị sẵn sàng tống-cựu-nghinh-tân. Đón năm mới với tấm lòng bao dung hương trầm, ngọt ngào dẻo thơm miếng mứt. Và, tận hưởng ba ngày Tết cho giòn dã như pháo…
Tiếng là nói vui chơi ba ngày Tết nhưng có chừng mực như vậy đâu!. Có nơi vui chơi từ mồng-một cho tới mồng-mười. Qua ngày mười-một tháng Giêng thì không nghe ai nói mà cũng không có tự điển nào ghi là mồng-mười-một. Như vậy, có nghĩa là, hết mồng, hết chơi !
Có nơi vui chơi thả giàn tới cuối tháng Giêng.
Nói chung, Tết là không có ai làm mà chỉ chơi. Cũng không có ai buồn mà chỉ vui. Nhưng mà có gì để chơi cho vui đây?.
Thì có Hội Làng Mùa Xuân đó !
Hội Làng Mùa Xuân, nói gọn nhẹ là Hội Tết, ở quê tôi Làng nào mà không có.
Tuổi thơ tôi rưng rức những kỷ niệm mang vẻ dáng mộc mạc chân quê, đầy đặn sắc thái và đặc thù tính dân tộc của Hội Làng Tết. Ngầy ngật cho tới cả bây giờ.
Tiếng chiêng trống vang lừng và tiếng pháo nổ dòn tang báo giờ khai Hội của một buổi sáng Mồng Một Tết năm nào, và cả nhiều năm sau đó trong tuổi thơ, còn đọng lại đâu đây. Bà con lũ lượt về hướng sân Đình chờ giờ mở Hội khai Xuân.
Tôi thấy cả một bức tranh quê sống động.
Thấy chú Tiết Nhơn Quý ôm chai rượu đi ngang giữa đường Làng, gặp ai chú cũng cười. Một tiếng cười là thêm một ngụm rượu. Ba ngày Tết chú cứ đi ngang, không thèm đi thẳng.
Thấy mọi người mặc quần áo mới, nói cười hễ hả. Gặp nhau và chúc tụng nhau.
Thấy Ba tôi, ôn Cai Hòanh, khăn đóng áo dài đang giục giã ba hồi trống lệnh. Bên kia, bác Ba Cận, tiếp chiêu với ba hồi chiêng vang lừng.
Thấy anh Bé, trưởng tràng nhóm Lễ sinh, hai tay trịnh trọng nâng cây đèn sáp đi từng bước theo nhịp trống. Những bước chân bài bản, nhấc cao lên rồi hạ xuống, vững chắc nhịp nhàng. Anh dừng lại trước tràng pháo dài được treo từ cây nêu cao ngất. Tiếng trống, từ nhịp khoan thai, trở điệu liên hồi gióng giả hòa với tiếng chiêng nghe rộn cả lòng. Ngọn lửa được châm vào ngòi pháo báo giờ khai Hội ngày Xuân. Anh lạng người chạy lẹ, tránh pháo. Đám trẻ tụi tôi thì tranh nhau nhào tới để giành giựt những chiếc pháo xì. Bà con xoa tay hớn hở, tìm chỗ vui Xuân.
Đầu tiên là phải tới thăm đám bầu-cua-cá-cọp hay mấy tay tráo bài ba lá. Văn nhân thì khai bút đầu năm. Thường nhân thì đâu có tài nhả ngọc phun châu, bút mực đâu mà khai! Khai bạc đầu năm để thử thời vận cũng tốt. Có người thì chừng mực. Có người thì quyết đấu!. Nếu thử thời vận thì chỉ một hai ván cho biết chừng số đỏ, số đen đầu năm rồi lo kiếm đường qua trò chơi khác. Ăn bạc thì mừng rơn vì tin là năm tới mình sẽ phát tài. Thua bạc thì buồn trong bụng vì nghĩ là năm tới số mình đen vận. Nhưng dẫu sao cũng cố vớt vát được vì sực nhớ còn có câu “đen bạc đỏ tình”. Câu nói thiệt như là lời an ủi cho vận hạn rủi may. Năm mới không có bạc nhưng có tình thì cũng coi như là, không đỏ, mà hồng. Hồng tất nhiên là phải tốt hơn đen.
Rồi nghĩ cho cùng, cũng thấy kẹt. Với mấy tay còn độc thân vui ( hay khó ) tính mà được tình thì coi như buồn ngủ gặp chiếu manh, như mèo thấy mỡ. Mấy tay vợ con đùm đề mà được tình thì chắc là lụy.
Còn tính chuyện quyết đấu thì chẳng khác gì đem đồng tiền làm lụng cả năm trời mà lì xì mừng Tết cho mấy sòng bầu-cua-cá-cọp hay mấy đám bài ba lá.
Không tin ngó anh Cu Lập, con thím Nghi, ngồi ở góc sân nhà chú Thưởng uống rượu tì tì. Ai cũng lấy làm lạ, bởi hồi nào tới giờ anh có uống rượu đâu! Uống trà đậm còn say mà! Hỏi ra mới biết tại vì anh thua tới cháy túi vì sòng bầu-cua-cá-cọp nên uống rượu tiêu sầu ! Sầu thì không (hay chưa) tiêu mà chỉ thấy khiêng anh về nhà nằm rẹp thẳng cẳng, chẳng thèm dậy ăn Tết.
Rồi còn chú Tư Lãm đi lên đi xuống ở đường Làng, mặt mày ngơ ngác dáo dác tìm quanh. Ngày Xuân mà gặp ai chú cũng không có lời chúc Tết mà như có ai chúc Tết, chú cũng cứ bỏ ngơ. Hỏi ra mới biết chú vừa bị mấy đám bài…ba láp nó …táp hết tiền rồi!
Đi lên đi xuống dáo dác nhìn quanh là đi tìm lại tiền đó mà! Chắc là thua đậm mới lậm hồn vía tới tầm cỡ đó !.
Khai bạc đầu năm chi mà quá bất nhẩn vậy trời !
Đồng tiền được lì xì đầu năm mới thì thể nào tôi cũng mua một con gà đất của một ông nào lạ hoắc, không phải dân miền tôi ở. Tiếng nói ông lơ lớ, da màu nâu sẫm, tóc hơi xoắn. Tôi “ngửi” ông có mùi biển mặn. Chắc là ông từ miệt Tháp Chàm, Phan Rang, Phan Rí. Gà được bày hàng trên chiếc chiếu lớn. Đám con nít bu quanh tranh nhau lì xì tiền cho ông. Có qua có lại , ông cũng lì xì gà đất không hở tay. Mỗi ngày ông bán hết một vuông chiếu lớn gà rồi ngày sau gà lại nở ra thêm một vuông chiếu lớn nữa. Gà đất mà đắt như tôm tươi bởi đám nhỏ tụi tôi mê mệt con gà đất này quá sức. Nó thiệt ngộ nghĩnh về hình dáng, màu sắc mà còn biết gáy nữa.Đầu với đuôi được nối bằng lớp giấy rất dày. Hai tay cầm đầu cầm đuôi rồi đẩy tới đẩy lui, nó gáy nghe rất lạ. Nếu không muốn cầm mà đẩy thì ở cuối đuôi có khoét một lỗ nhỏ, tròn. Kê miệng vô mà thổi, lực hơi đẩy mạnh cái đầu nó nhỏm tới, nó cũng gáy nghe rất khoái. Nó được làm bằng đất nung. Chắc chắn là được đúc khuôn rời từng mảnh rồi gắn với nhau bằng lớp keo dính vì thấy đầu đuôi cũng y dạng. Toàn thân sơn màu đất đỏ rồi được phết sơ sài chiếu lệ một lớp dầu bóng. Mấy nét vẽ vội vàng chủ yếu là phân biệt đầu với đuôi. Đầu thì có hai con mắt với lại mấy nét vẽ phết xuống tượng hình là lông gà. Đuôi thì ngòai cái lỗ nhỏ khoét sẵn, thêm vài nét vẽ phết ngược lên tượng hình là cái đuôi. Lớp giấy dày nối đầu và đuôi làm thân gà thì không vẽ vời lông lá gì cả mà loang vết dầu chắc là có dụng ý giữ cho giấy có độ dai để chịu đựng lực kéo. Nhìn chung thì nó cũng chỉ phảng phất hình dáng con gà. Tiếng gáy thì cũng chỉ nghe “ót, ót” chớ đâu có trầm bổng gì đâu. Mấy nét vẽ sơ sài trên phần đầu tròn vo với phần đuôi cũng tròn vo y dạng không phân biệt được gà mái hay gà cồ. Thật ra, cũng chỉ tự lòng ham thích đồ chơi lạ và trí tưởng tượng phong phú mà nó đã là con gà đất hằn dấu trong kỷ niệm ấu thơ để mà giữ mãi trong đời. Còn chuyện gà trống hay gà mái thì có gì mà bận tâm. Gà trống cũng được. Gà mái cũng được. Miễn là có con gà đất biết gáy để chơi ba ngày Tết là cũng được quá rồi!
Lại có thêm một ông nữa, bán heo đất. Đất nung và cũng được đúc khuôn rời hai mảnh rồi gắn lại với nhau bằng lớp keo dính. Hình dáng khá rõ ràng là một chú heo mập ú. Có đôi mắt được vẽ xếch ngược lên, nhìn như đang cười. Có cả hai cái tai nhỏ xíu . Có chùm lông đuôi đen nhánh ở cuối cái đuôi được đúc nổi cộm. Có bốn cái chân ngắn củn, mập tròn. Điểm chính yếu và quan trọng nhất để nó trở thành con heo đất là một rảnh nhỏ, dài đủ để bỏ tiền lọt vô trong cái bụng to bành. Tiền giấy thì xếp làm tư, nhét xuống. Tiền cắc thì cứ thả vô tự nhiên. Heo đất giữ lâu hơn, có thể giáp năm, để giữ tiền dành dụm. Nó cũng cất giữ cho tôi nỗi buồn vui. Cất giữ luôn tiếng khóc tiếng cười. Và, cũng giữ cho tôi quá nhiều kỷ niệm...
Con heo đất được cất giữ ở một nơi kín đáo thường là dưới gậm giường ở chỗ tối nhất. Mỗi lần có tiền để bỏ vô bụng heo mặc dù không có ai nhưng cứ nhìn quanh dáo dác. Tiền cắc bỏ vô nghe cái “rẻng”, sướng rêm. Tiền giấy xếp tư nhét xuống nghe tiếng giấy cạ vào thành lỗ “rẹt,rẹt” lại càng sướng hung. Lâu lâu, lại dáo dác nhìn quanh, lấy con heo đất ra cầm trên tay ướm chừng độ nặng, nhẹ. Thể nào cũng phải lắc lắc vài cái để nghe tiền cắc đánh nhau trong đó rổn rảng, tiền giấy đẩy nhau trong đó sột soạt. Thời điểm để khui heo đất là dịp cuối năm.
Nói là khui heo đất, thật ra, thì không đúng. Phải nói là đập heo đất nghe đúng nghĩa hơn. Cầm con heo đất mà xáng xuống nền nhà nghe một tiếng ”bộp”. Cầm cái búa hay cục đá, hòn gạch đập mạnh vào con heo đất nghe một tiếng “bụp”. Dù cho “bộp” hay “bụp” thì cũng cảm thấy sướng tay. Cảm giác sau đó là “đã” con mắt khi thấy tiền lâu ngày kìm hãm được dịp túa ra. Tiền giấy ôm tiền cắc sõng sòai la liệt. Cảm giác cuối cùng sau khi đã sướng tay mãn nhãn là nỗi buồn vui lẫn lộn. Vui là vì cứ nghĩ là lâu nay mình bỏ tiền vô ít mà bây giờ sao mà ùa té ra nhiều dữ vậy! Buồn là vì cứ đinh ninh mình bỏ tiền vô nhiều mà sao giờ nhảy ra có chút đỉnh ! Buồn với vui cũng chỉ là cảm giác bất chợt rồi qua đi như tiếng “bộp” hay tiếng “bụp” thôi! Điều đáng nói lâu dài là có mớ bạc giắt lưng để rong chơi ba ngày Tết.
Khi đã có mớ tiền rủng rỉnh thì cũng tính chuyện tiêu pha nhưng phải nhớ là mua một con heo đất khác để cuối năm còn có dịp mà “bộp” hay “bụp” một cái cho buồn vui lẫn lộn.
Cũng đừng quên là có gian hàng mới lạ, mang vẻ dáng văn minh thành phố mà lâu nay làng quê chợ xóm không thể nào có được.
Đó là gian hàng nước đá nhận xi rô. Không kể đám con nít tụi tôi mà cả nam phụ lão đều đứng đông nghẹt để chờ nắm cho được cục nước đá có màu xi rô xanh, đỏ,tím,vàng mà mút chùn chụt.
Đám con nít tụi tôi cầm cục đá nhận xi rô mà mút kiểu đó thì là chuyện bình thường, có khi còn thấy dễ thương. Tầm cỡ như bô lão, phụ lão, thanh niên, thiếu nữ mà mút, cũng chỉ là kiểu đó thôi, thì coi đã không bình thường mà thiệt là dễ nực.
Có mấy ông, chắc cũng tại vì răng cỏ lung lay chịu không siết hơi đá lạnh, nhịp mút không được sung. Nước đá quyện với nước xi rô chảy dính râu tèm nhẹp. Có mấy chị, chắc vì khóai khẩu mùi vị thơm ngọt của nước xi rô lại thêm hơi mát lạnh của cục đá nhận, cứ ngẩng đầu lên mút cố mạng. Vừa đi vừa mút đụng ai nấy chịu.
Mà cũng đúng thôi!
Thuở nào tới giờ ở Xóm quê làm gì có cục nước đá mát lạnh! Đã vậy lại còn có cả nước xi rô, tìm ở đâu cho ra mà hưởng! Nay, vừa có đá lạnh vừa có nước xi rô thì bu đông đen tìm của lạ là đúng ! Còn mút cỡ nào miễn tận hưởng cho tới bến là được rồi.
Buôn một lời năm, mười chớ đâu phải chơi đâu! Cục nước đá được bào nhuyễn rớt xuống cái ly đầy vun. Nghĩ thì đầy vun hào sảng vậy đó chớ khi nén xuống, nó chỉ còn có tới gần nửa ly thôi. Có thêm tiết mục hỏi khách hàng ưng ý xi rô màu gì?. Xanh đỏ tím vàng tùy theo ý thích, mà nếu ưng có nửa màu này nửa màu kia cho lạ mắt thì cũng được, không phiền hà gì. Cầm chai xi rô xịt vô rồi lật ngược cái ly thổ nhẹ. Cục đá tẩm màu rớt ra, cứng ngắt. Một tay đưa cho khách một tay lấy tiền bỏ hộc. Tòan tay trần năm ngón, không có ly dĩa giấy lót rườm rà. Cái thú của món đá nhận xi rô là cầm vừa mát tay mút vừa mát miệng lại mát cả lòng.
Trước sau cũng chỉ tòan là nước, vậy mà bà con cứ đứng xếp hàng đóng tiền vui vẻ, thoải mái.
Tôi rõ chuyện này lắm vì ông chủ gian hàng bán nước đá nhận xi rô có phải ai đâu xa lạ, là ông chú họ của tôi mà. Chú Thành đó.
Chú đứng tên xin Ban Hương Chức Làng một lô đất để bán nước giải khát . Làng thì không thắc mắc miễn có xin phép, có đóng tiền mua lô, có đóng thêm một vài khỏan tiền qui định là được.
Nhưng mà Thím tôi thì thắc mắc, cứ gặn hỏi chú hoài. Khi biết được cái tên nước giải khát gì mà lạ, trước giờ chưa nghe, thì thím ngồi buồn xo như chiều ba-mươi-tết. Thím làm mình làm mẩy không chịu gói bánh, không thèm làm mứt. Thím đình công luôn cái vụ mặc áo đẹp, nhồi phấn thoa son cho chú nhìn ngắm ba ngày Tết.
Lý do mà thím giận thím hờn cũng thiệt là đúng. Ai đời cái xóm đèn dầu quanh năm suốt tháng, nhà nào sang cả lắm thì cũng chỉ một cây đèn manchon, cũng được bơm và thắp sáng bằng dầu, mà tính chi tới chuyện xa vời khó tưởng. Nước suối nước sông thì có chớ nước đá, tìm đâu! Rồi còn cái nước xi rô xi ra đỏ tím xanh vàng chi đó, là cái nước chi?. Chắc là ông qua bên Tây, bên Mỹ ông kiếm đưa về. Thím trách chú là mộng tưởng xa vời, ngồi thắp cây đèn dầu mà đòi uống nước đá “giận” với “xi rồ”( chắc là ý của Thím muốn nói khéo là thím giận chú điên rồ!).
Chú giải thích, phân tích mấy thím cũng không nghe. Năn nỉ quá chừng, cuối cùng, thím chịu theo chú tới gặp Ba tôi để bàn chuyện phải trái nên hư. Nghe qua lời Thím phân trần, cuối cùng, Ba tôi phán :”Thím yên tâm về gói bánh, làm thêm mứt món ăn mừng. Chuyện này để chú nó lo”. Thím liếc Ba tôi một cái, nhưng mà không dám bén, như khi liếc một cái cho chú. Bởi vì, Ba tôi là kẻ lớn trong Họ, lời nói phải nặng cỡ bao tạ. Thím là vai em, là dâu về gởi Họ, khó cãi lời. Về thôi !
Ba tôi mạnh miệng là vì ông biết quá rành về chú . Chú đã từng theo học nghề của Ba tôi mấy năm mà chậm lụt không ra gì, cuối cùng thì có ý lơ là bỏ cuộc. Bù lại, chú có đầu óc kinh doanh, nắm bắt thời cơ rất nhạy. Dám đi buôn bò ở tận miệt Gia Lai xa tít cả năm mười ngày rồi lùa bò về. Lặn lội lên tới miệt Suối Vàng vô các làng Thượng trao đổi heo, gà, đồ đồng, đồ cổ các loại. Bươn chải tới miệt Phan Rang, Phan Rí buôn vịt con, chum, vại, đồ đất, đồ đồng…Nói chung,việc gì nhắm có ra hơi tiền là chú nhào vô kiếm chác. Không có lần nào thua hết. Thiệt đúng như lời anh Kiệt nói là “độc cô cầu bại”. Nay vợ chồng cùng tìm tới vấn kế làm ăn thì phán một câu như vậy là đúng sách. Tay này thì đâu có phải vừa, trước khi tới thì đã có vạch sẵn kế hoạch làm ăn, tính tóan lỗ lời rồi. Chẳng qua tới để tìm đồng minh đó thôi !
Phần chú, được lời của Ba tôi, chú làm liền. Nước đá thì đâu có khó khăn gì. Hợp đồng( giá hợp đồng nhẹ hơn nhiều lần so với giá mua lẻ) với hãng nước đá ngòai phố. Chỉ cần nhân sự và xe đạp thồ về. Có đá là phải nghĩ tới biện pháp giữ cho lâu tan, cũng không khó. Trước tiên là đóng một cái thùng gỗ thật lớn trét dầu bên trong cho kín hơi. Sau là tìm trấu và mạt cưa để ủ đá trong thùng giữ độ lạnh. Tòan đồ phế thải vừa bán vừa cho cũng không thèm đau lòng. Trấu thì phải xuống tận vùng Đức Trọng tốn chút tiền xe chuyên chở. Mạt cưa thì xuống trại cưa Ngọc Dung gần phố, thồ về. Việc quan trọng, cuối cùng, là đặt làm một cái bàn bào nước đá. Bàn bào bằng gỗ thì đã có bác Hai Mộc vừa…qui cố hương đó, chỉ hì hục vài tiếng đồng hồ là xong. Lưỡi bào bằng thép thì tới chú Tùng thợ rèn, hì hục lắm thì cũng mau hơn hay lâu hơn bác Hai Mộc vài phút, cũng là xong.
Tính tới giai đoạn hai là nước xi rô xanh đỏ tím vàng. Đi qua Tây qua Mỹ làm chi, chỉ cần đích thân chú tôi nhảy lên xe đò Minh Tâm về gặp mấy chú ba ở Chợ Lớn. Ở đó thì xanh đỏ tím vàng đủ hạng. Hạng nhứt . Hạng nhì . Hạng ba . Muốn bao nhiêu cũng có. Mua nhiều thì tính giá sỉ, xoa bụng cười hề hề, tặng thêm một chai níu khách.
Tính ra, chịu khó bôn ba xoay trở rồi bỏ ít vốn vô đó mà lời khẳm ghe. Nói theo lời anh Kiệt, chú quả là tay hảo thủ, bất ngờ trở cú tuyệt chiêu hoàn tòan mới lạ để bà con tranh nhau đóng tiền cho chú thả được một cặp heo vô chuồng, gầy thêm hai cặp gà, mua tặng cho thím một chai nước hoa Bông Hồng, hai cái lược ngà ( một cái răng sưa để chải tóc, một cái răng sít để chải chí), một chai dầu gội đầu Bồ Kết, một đôi guốc gỗ sơn bóng có in chìm hoa Sen. Quan trọng nhứt là một gói giấy cho thím bỏ lẹ vô tủ khóa cẩn thận. Tới lúc này thì thím cười. Chú giả bộ hỏi thím còn chê đá “giận” với “ xi rồ” không?. Thím háy chú một cái rồi giả lơ làm như là không nghe. Thiệt là! Đàn bà là chúa giả lơ. Đàn ông là vua giả bộ.
Tôi thì không giả lơ mà cũng không thèm giả bộ, cứ giả thiệt đứng xớ rớ chờ ở gian hàng của chú. Cứ đứng chình ình trước mặt chú thì chú không thể nào giả bộ không thấy được cho nên chú phải nhận cho một cục nước đá đậm màu xi rô đưa tận tay. Giả bộ cười vui và cũng giả bộ quên lấy tiền bỏ vô hộc. Bề nào cũng phải nể tình Ba tôi, người đã nói một câu nói lót đường cho chú hốt bạc. Tính ra một ngày tôi giả thiệt cũng tới bốn năm lần. Lần nào chú cũng “tiếp chiêu” gọn, đẹp. Thiệt, đúng là tay hảo thủ!
Vừa mút đá nhận, vừa coi đá gà. Hết một độ gà thì lại vội vàng chạy qua gian hàng chú mà giả thiệt đứng sớ rớ. Khi chú giả bộ cười vui đưa cục nước đá nhận là vòng ngược lại qua sân gà cho kịp độ mới.
Sôi động, hào hứng nhất Hội Làng là sân đá gà. Anh hùng tứ chiếng khắp mọi miền nườm nượp kéo về, tay ôm con gà dị tướng, lông lá trụi lủi mà da dẻ thì đỏ ngầu. Ở xa tít dưới vùng Trạm Hành, Đơn Dương, Đức Trọng cũng lặn lội tìm lên. Ở mút tận Lạc Dương cũng tìm xuống. Bà con bu đông như kiến, la ó cãi vã nhau om sòm. Mấy tay chuyên nghề cá độ thì coi như ăn ở tại chỗ, bám sân từ sáng cho cho tới giờ mản cuộc. Quần áo xốc xếch, tóc tai bờm xờm thiệt chẳng giống ai.
Ở Xóm nghèo quê tôi, nuôi gà đá truyền đời là phải kể tới ôn Tôn Lạc. Sống gần như nghề độ nhật là chú Sáu Cử, chú Phú. Sau này, lớp hậu duệ, có dượng Đát là tay nuôi gà đá bài bản, có nghiên cứu sách vở. Đã từng chiếm giải nhiều độ gà suốt mấy Hội Làng Xuân. Lớp đàn em nữa, có ông bạn Cu Lu ( là tên thường quen gọi ở Xóm chớ ra khỏi lằn ranh Xóm nhỏ là Hồ Ngọc Sơn chớ không có lu, vại gì nữa). Có chú em Tôn Thất Thuận (con của ôn Tôn Lạc, rể của võ sư Sáu Trọng). Gà của chú thì tôi chưa coi được trận nào nhưng có nhiều lần đi coi chú thượng đài tỉ võ nhiều trận ở sân vận động Thị xã.
Cũng còn mấy tay nữa nhưng mà thuộc loại nuôi gà tài tử.
Hội Làng Xuân mà không có sân đá gà thì đâu có ý nghĩa gì! Tôi cũng góp mặt cho vui vậy thôi chớ không đành lòng nhìn cảnh bại vong của mấy con gà xoải cánh, quỵ chân, lê lếch, máu me nhầy nhụa...Thắng thua hào hứng là từ những đồng tiền cá độ của những tay chuyên nghề và cả những tay ăn theo. Tôi có đứng đó chẳng qua là vì sân gà gần kế bên gian hàng đá nhận xi rô. Chạy qua , chạy lại cho tới lúc mút đá đã thèm là tìm đường đi qua gian hàng khác…
Hội Làng chỉ đúng ba ngày rồi im ắng nhưng vẫn còn giữ mãi hình ảnh vui nhộn cho hết tháng Giêng.
Đến bây giờ, tôi cũng không nhớ vào khoảng thời gian nào, không khí sôi nổi rộn ràng của Hội Làng Xuân chìm khuất và mất dấu trong những ngày Tết.
Có lẽ là từ ngày cuộc sống làng quê đã dần thay đổi theo đà văn minh tiến bộ. Những con đường đất gập ghềnh đã được san bằng, trải nhựa. Ánh điện đã tràn tới đuổi xua những ngọn đèn dầu leo lét. Cục đá nhận xi rô đã đi vào quên lảng. Đã có nước đá cục trong những chiếc ly thủy tinh khi uống beer nhãn hiệu con Cọp hay nước ngọt hiệu Vina, Phương Tòan. Trống chiêng cũng thưa thớt dần không đủ sức kéo ùa theo không khí Tết. Chú Tiết Nhơn Quý đã đổi “gu” màu rượu trắng ra màu nâu đậm của các vị thuốc Bắc phương. Bộ quần áo bà ba đen bạc cũng mất dấu để nhường cho cho bộ quần áo mang dáng vẻ Tây phương.
Con gà đất đâu rồi trên vuông chiếu lớn!
Con heo đất cũng lần hồi biến dạng. Dáng vẻ tân kỳ, màu mè sặc sỡ hơn, trơn láng hơn, to nhỏ đủ hạng . Cuối cùng rồi cũng bỏ đi đâu, tìm không ra!
Tôi cũng đi, không về Xóm nhỏ. Hàng xóm láng giềng lớp còn ở lại, lớp bỏ ra đi. Đi về đâu không biết trong cuộc bể dâu...
Hàng năm, những ngày Tết, tôi chỉ còn lại trên vuông chiếu đời của một thời thơ ấu, những hình ảnh gìn giữ cả một trời quê quyện ngát hương trầm và mùi pháo Tết.
Tháng Giêng, Hai ở đây thì quê nhà đã là cuối Chạp, chuẩn bị sẵn sàng để tống cựu nghinh tân.
Rừng Mai hồng giữ vẻ dáng mùa Xuân níu kéo những cái liếc thầm mang ước lệ của Xóm quê xưa, nay đã không còn…
Nhưng vẫn còn trong tôi, vẫn còn, trong lòng những người cùng chung Xóm cũ hình ảnh rộn rịp đông vui khi tiếng pháo khai hội ngày Xuân nổ giòn níu kéo thân tình cho nhau suốt ba ngày Tết.
Những người xưa cũ nay đâu ! Có còn giữ lại mùa Xuân như tôi đang giữ hay là như con heo đất nghe “bộp” hay “bụp” một tiếng thiệt quá đã mà không thấy đồng tiền nào túa ra…Bởi có dành dụm gì đâu ! Hay có dành dụm nhưng cứ móc dần ra tiêu pha ngày tháng mất rồi !
Cuối cùng, chỉ là trống vắng…

Hiên Trăng, những ngày Tết quê xa

tháng 1 18, 2012

HƯƠNG XUÂN


gởi những ngày Tết hồi quê nhà

nhang khói quê xa chiều ba-mươi-tết
có quyện vòng thơm tới chốn quê nhà !
mười mấy năm rồi biền biệt Xuân xa
cội Mai cổ trước sân còn đó !

hiên đất còn tươi dáng bông vạn-thọ
hồ cá vàng còn dáng vẻ ngày xưa !
cụm Mãn Đình Hồng hoa vừa trổ lứa
ôm nắng hanh óng mượt chiều-ba-mươi !

hủ rượu Dâu ngâm từ đầu tháng Mười
cuối tháng Chạp đã trở màu dâu đậm !
con gà thiến nhốt chuồng từ tháng Sáu
đã nặng cân bữa cỗ đón ngày Xuân !

em dọn cười bỏ hết nỗi bâng khuâng
anh xóa vội những lo toan tất bật
giờ phút Giao Thừa nói lời chân thật
là nụ hôn còn nhớ tới bây giờ !

em còn giữ như tình anh giữ nhớ
buổi đói cơm lạt muối mình thương nhau
có gì đâu em ! Chẳng có gì đâu
chỉ là nụ hôn-giao-thừa nhớ mãi !

nay ở quê xa bồi hồi thương lại
hỏi em thèm hôn-miếng-giao-thừa xưa
riêng tận lòng anh thiệt mấy chưa bưa
thêm miếng nữa cho gừng-cay-muối-mặn

cho tình anh áo cơm đời lận đận
chỉ còn riêng một khoảng ngắn đêm về
Thơ anh viết là câu dành câu để
riêng tình em từ buổi nắm tay em

từ dạo hoa Mai rực nắng bên thềm
em son phấn ngạo dương gian ngày Tết
khiến lòng anh đuổi miết tình mê mệt
cứ níu chừng theo tà áo giai nhân

bấy nhiêu năm cứ gần lại xa gần
không biết bao giờ mới gần hơn nữa
đất quê người cứ tháng ngày lần lựa
bỏ quên đau ngày tháng gọi tình nhau

tình một thời loạn lạc đời bể dâu
nay khói hương níu chiều-ba-mươi-tết
chốn quê xa trầm hương bay khói quyện
có quyện tới không, một thuở, quê nhà !....

Hiên Trăng những ngày chờ Tết

tháng 1 17, 2012

LY HƯƠNG


ông Hạ Tri Chương về xóm cũ
lũ trẻ bên đường chẳng biết ai
giú nỗi niềm riêng chưa thấy đủ
ngẫu hứng bài thơ này để lại :

“thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
hương âm vô cải mấn mao tồi
nhi đồng tương kiến bất tương thức
tiếu vấn khách tùng hà xứ lai ”(*)


xóm ông Chương ở thời an lạc
xóm quê ta thời loạn nhiễu nhương
ông về xa lạ buồn man mác
ta về thay đổi buồn héo luôn

thôi ông có về ta không về
cứ nghĩ xóm quê như ngày ấy
chưa nhuốm tang thương đời dâu bể
chiều chiều khói bếp nhẹ vờn bay

đêm Trăng vẫn sáng sân Đình cũ
ngày mưa ngày nắng mái tranh quê
buồn vui chia sớt đời lam lũ
có muốn đi đâu mà hẹn về !

ông có quê ông tự xa quê
đến khi lão đại thì quày lại
ta có quê mà đành xa quê
quày lại quê nhà còn xa ngái…

01/2012
(*) Hồi Hương Ngẫu Thư – Hạ Tri Chương

Đời Đường Trung Tông, Hạ Tri Chương đỗ tiến sĩ vào năm 684, được bổ làm Thái thường bác sĩ. Trong thời Khai nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, ông làm Lễ bộ thị lang kiêm Tập hiền viện học sĩ, đổi làm Thái tử tân khách, rồi Bí thư giám. Đầu đời Thiên Bảo, ông xin từ quan về làm đạo sĩ.Ông cùng với Trương Húc, Trương Nhược Hư, Bao Dung được người đương thời gọi là Ngô trung tứ sĩ (Bốn danh sĩ đất Ngô). Trong quyển Thơ Đường, Trần Trọng San cho biết: "Ở vào thời Sơ Đường, thơ của Ngô trung tứ sĩ không nhiều thì ít đều kế tục di phong phù mỹ của thời Lục Triều, nên được xếp vào phái thơ Ỷ mỹ phái.". Ông là bạn vong niên với Lý Bạch, từng gọi Lý Bạch là "trích tiên" (tiên bị đày). Hạ Tri Chương thích uống rượu, tính tình hào phóng. Ông còn để lại 20 bài thơ, trong đó bài Hồi hương ngẫu thư là nổi tiếng nhất.

tháng 1 15, 2012

ĐÊM CÚNG ĐƯA HAI ÔN VỚI MỆ TÁO


tới giờ rồi hai Ôn với Mệ ơi
nhớ gói chè xôi phòng bị dọc đường
trời lạnh quá hai Ôn chia chút rượu
đường trường xa cho đở cóng cặp đùi

Mệ có ưng thì một ly cho vui
ngày Tết tới nên cay cay chút đỉnh
đừng sợ đường xa hai Ôn say sỉn
sương sương thôi còn để con hưởng sái

vậy là mai củi lửa, ý quên, lò gaz còn ở lại
nấu nướng ngại ngùng thôi cứ food-to-go
cứ dật dờ qua bữa đói bữa no
hai Ôn với Mệ đi rồi đành cơm hàng cháo chợ

bánh Tét bánh Chưng chợ nào cũng có
lại chào hàng thêm món cơm chỉ tha hồ
ngấy chán rồi thì đổi món Mc Donald
cho Đông Tây trộn đều không khí Tết

ngại đường xa hai Ôn với Mệ cùng thấm mệt
báo chuyện dương gian e nhớ trước quên sau
riêng chuyện nhà con đã thầm cầu khấn
hai Ôn nhớ không hay Mệ cũng quên rồi

từ buổi áo cơm dặm trường trôi nổi
bao năm nhờ hai Ôn với Mệ chuyện đói no
nhìn trước ngó sau đời cũng vuông tròn
con cháu bầy đoàn dâu hiền rể thảo

nay cầu xin cho bằng an gia đạo
sức khỏe dồi dào chỉ bấy nhiêu thôi
trời khuya rồi cơn gió mùa đang tới
hai Ôn đi nghen Mệ đi nghen. Bảo trọng…

Đêm cúng đưa

tháng 1 11, 2012

MÙI HƯƠNG TẾT


qua hết con Trăng là Nguyên Đán
hoa Đào trổ nụ hoa Mai nở
mùa này mùa Tết ta làm Thơ
em không làm Thơ em làm mứt

chim Én bầy đàn bay náo nức
quê nhà đang dịp vào cuối Đông
chẳng biết bây giờ có còn không
thức trắng đêm canh nồi bánh Tết

đi lâu rồi nhớ lâu không hết
cứ mùi hương Tết bám theo hoài
mổi độ Xuân đi Xuân về lại
vẫn cứ làm Thơ cho đỡ buồn

em vẫn chờ chảo mứt tới đường
thơm lựng ngạt ngào mùi hương Tết
đâu có như ta ngồi thấm mệt
tìm mùi hương Tết vẫn chưa ra

không lẽ vì quê nhà quá xa
hương đưa nỗi nhớ chưa kịp về
có thể Thơ ta làm quá tệ
nên chưa đủ nóng để…tới đường

em ơi mùa Tết nhớ mùi hương
ta bỏ trong Thơ tìm không thấy
chờ tới khi nào tìm thấy lại
thôi ghé cùng em miếng mứt gừng…

01/2012

GIÓ ĐÔNG


hót làm chi nữa chim ơi
đã sang mùa đã lạnh rồi lạnh căm
cỏ hoa héo rũ lặng thầm
đêm sương rớt hột ướt đằm Hiên Trăng
lắng nghe gió hú dặm ngàn
câu Thơ trở lạnh ngỡ ngàng lập đông…

Hiên Trăng, 01/2012

tháng 1 10, 2012

VẠT NẮNG QUÊ NHÀ


ta chiều nay cảm thấy không vui
ra vườn sau ngó trời ngó đất
con chim nhỏ bay xà xuống thấp
rau cỏ vườn héo lạnh mùa sang

ngày giá rét về qua rất lặng
mây viễn phương còn mãi lang thang
gió se khô vạt nắng hanh vàng
sao thấy mênh mang trời cố hương

ta giang hồ thời buổi nhiễu nhương
lạc tận tới đây rồi ở lại
quê nhà giờ đã đường xa ngái
dâu bể tang thương xóa lối về

vạt nắng hanh vàng chiều rất nhẹ
gió se lòng chạnh nhớ chiều xưa
nỗi nhớ chia đời ra hai nửa
nửa ở quê xa nửa quê nhà

chỉ nắng chiều thôi sao nhớ quá
dẫu là trời đất cũng như nhau
có phải ta còn đang cất giấu
hồn quê trong lòng người chân quê !

01/2012

tháng 1 05, 2012

TÌNH ÁI MÙA ĐÔNG


hai con đi rồi còn em với anh
ngó tới ngó lui chỉ mình hai đứa
nghĩ cũng đúng thôi có còn ai nữa
con chim ra ràng con lớn ra riêng

anh với em giờ như vạt nắng nghiêng
buổi chiều đời ghé hai mùa ấm lạnh
níu tựa tình nhau cho không cô quạnh
còn có hai mình là còn có nhau

còn có nhau qua thương hải bể dâu
tự thuở ban đầu tới thời ban cuối
mấy mươi năm rồi lửa tình chưa nguội
vẫn cứ hai mình nhen nhúm trăm năm

vẫn còn bàn tay chai sần em nắm
nắm như thưở nào anh nắm tay em
lời nói yêu xưa ngượng lắm chưa quen
sống với nhau lâu quen hơi hết ngượng

dẫu có khi đòi ngọt muối mặn đường
hai đứa ngoảnh nhìn Đông Tây bất kể
người như bà Chằng người như ông Kẹ
cuối cùng rồi cũng nắm lấy tay nhau

nắm tay nhau để ngấm thú-thương-đau
để biết tình yêu cũng thất tình lục dục
có Khổ Đau mới nâng niu Hạnh Phúc
có giận hờn mới quý lúc làm lành

hai đứa mình cứ vậy cứ loanh quanh
thiệt chẳng khác chi như trời mưa nắng
khi cả hai cùng chia chung vắng lặng
mưa nắng chi rồi cũng xích lại gần nhau

với lại bây giờ nhà có ai đâu
chỉ có mùa Đông hùa theo giá lạnh
chỉ có hai mình đời chiều hiu quạnh
xích lại gần nhau cho hiu quạnh xa đi…

01/2012

tháng 1 04, 2012

BÀI ĐẦU NĂM


bài đầu năm viết nhớ tới hai con
trở lại Trường đang cơn ho sù sụ
cô Út Linh ho coi như tạm đủ
chỉ chú Tư Đào đang cao sốt cơn ho !

Mẹ hối hả nấu một nồi xông to
Ba ra xe cứ xót quày vướng lại
lát nữa đây chú vượt đường xa ngái
San Diego xông hơi Arizona

con nói con lớn rồi Ba lo chi Ba
gượng cười ôm con ôi chao sốt quá
hơi nóng chuyền xát lòng Ba chi lạ
tự lái đường xa con chịu nổi không !

nói ốt dột nghen nước mắt lưng tròng
sang số xe rồi muốn ghìm quày lại
muốn quày lại ôm con thời thơ dại
Ba dẫn con lên trường mẫu giáo Xóm xưa !

con nói con lớn rồi Ba lo chi nữa
chỉ ấm đầu thôi chỉ cơn ho thôi
đường đời dặm xa con còn vươn tới
xá gì San Diego – Arizona !

biết tính con rồi thôi thì đường xa
con cứ đi đi dặm trường xuôi ngược
chỉ thầm ước cơn đau mà sớt được
Ba sẽ xí phần giành hết cho Ba…

02/01/2012