tháng 2 27, 2010

MẸ , CHIỀU MƯA POMONA


con gởi bài Thơ này cho mẹ
ngày con lên Pomona


Pomona, ngày con về thăm Mẹ
Còn ngày Xuân mừng chúc Mẹ đầu năm
Cầu Mẹ khỏe là con mừng vui lắm
Pomona cuối chiều mù cơn mưa !

Mẹ ra đón con nỗi mừng thì chưa
Trời se lạnh đã run tay Mẹ nắm
Con níu lấy mà lòng con buồn lắm
Mẹ bây giờ như sớm nắng chiều mưa !

Mẹ bây giờ con thấy khác ngày xưa
Mưa với nắng Mẹ khô giòn dễ vỡ
Nắm tay Mẹ sao lòng con bở ngỡ
Có nỗi buồn chen lấn hết ngày Xuân !

Lời đầu năm con dành lại bâng khuâng
Nhìn thấy Mẹ mà con rưng nước mắt
Mẹ vô tình vẫn cười vui quay quắt
Mừng con xa về thăm Mẹ ngày Xuân

Mẹ biết không?. Lòng con thấy bâng khuâng
Bởi tay Mẹ đã run run cầm, nắm
Dẫu Mẹ cười Mẹ vui con biết lắm
Nhưng nỗi buồn, con buồn lắm, Mẹ ơi !

Mẹ giờ đây như gợn sóng nổi trôi
Không biết lúc nào lặng thầm dưới sóng
Dưới sóng biển là xa rồi biển rộng
Là cõi mù khơi tăm cá mịt mùng !

Pomona con về lại rưng rưng
Nắm tay Mẹ chiều cũng rưng mưa lạnh
Quày ngó lại Mẹ bên hiên cô quạnh
Lòng con e không tạnh nỗi cơn mưa....

Pomona chiều 27/02/2010

POMONA, HIÊN MƯA


gởi Nghiêm Đức

mấy năm rồi trở lại Pomona
sao lại thấy đường xa hơn ngày ấy
ngôi nhà lâu năm trước giờ vẫn vậy
chỉ bạn lâu năm ngó khác xưa nhiều
ngồi hiên sau nghĩa tình nhau một điếu
chưa hết câu đã húng hắng ho khan
trời dịu ngọt đâu thấy gì là lạnh
bạn co ro kéo áo ngó mây trời
mây ngày xưa là lảng đãng mây trôi
chỉ có đời mình mây trôi mây nổi
xưa dọc ngang một thời chưa biết mỏi
tới cùng trời riêng cõi đã chồn chân

chiều bâng khuâng ôi chiều đời bâng khuâng
ta với bạn ngồi cuối ngày đêm xuống !

hôm nay nắng ngày mai cơn mưa muộn
trời cũng trái mùa đời cũng trở cơn
bao năm rồi ngó lại có gì hơn
giữa đất quê xa áo cơm tất bật
bạn coi bộ cũng xang-bang-xất-bất
ta có khác gì cũng xất-bất-xang-bang
từ dạo tụi mình bỏ bến sang ngang
(nghe có vẻ “cải lương” mà phát ngán)
nói đúng ra là từ buổi sang trang
hai đứa lật đắng-cay-chua đời mới
bạn từ chỗ độn sắn-cơm vươn tới
ta cũng hồi cơm-độn-sắn vươn lên
tháng năm xưa nhắc lại vẫn chưa quên
bạn ho khan khiến chuyện đời dang dở
gặp lại nhau nói chưa tân chưa cổ
câu chuyện bên hiên chưa châm ngòi nổ
bạn ho dài hơn gió tốc từng cơn
gió ngược mùa trở se làm gió chướng
bạn ngược đời dị ứng với phong sương
khiến lòng ta mất hứng chuyện hồi xưa

Pomona ta về lại chiều mưa
không biết gặp chưa,hay chưa,gặp bạn !!!


Pomona, 27/02/2010

tháng 2 22, 2010

PHONG BAO LÌ XÌ TẾT


Tôi ngó thấy hắn ở hiên nhà Ôn.
Bà con tụ tập về đông tới nỗi phải xếp hàng để chờ tới phiên gia đình mình vô cái cửa rộng, có ôn mệ ngồi trong đó, để nhận phong bao “lì xì” ngày Tết, theo lệ hàng năm.
Thấy chú Cận, con cả của ôn, đang chạy tới chạy lui sắp xếp thứ tự từng gia đình. Sự sắp xếp của chú, tôi để bụng ghét lắm vì thấy không công bằng.
Đáng ra, gia đình o Cháu phải xếp hàng đầu vì o là hàng chị cả trong các o, chú. Rứa mà chú hối o ra đứng hàng sau, sau nữa, sau gia đình chú Bá là lớp em gần như út ít của o.
Cũng chỉ vì o nghèo, dượng mãn phần sớm, nhà chỉ còn có o với (theo vai vế, tôi kêu là) anh Phụng. Hai mạ con đơn chiếc ở chái nhà tranh cuối con đường đất gập ghềnh mà ôn mệ đã ,gọi là, " dành phần cho gia đình hắn".
Ba của o là anh của ôn. Chú Cận kêu o là chị. Tới hàng tụi tôi kêu o là o lớn. Vì o lớn hơn hết trong mấy o.
Anh Phụng là anh vì anh là lớn nhứt trong các anh chị.
Chẳng may, ôn Cả, là ba của o mất sớm. Mệ buồn sầu cũng theo ôn, sau đó. Nhà đơn chiếc chỉ có mình o với anh Phụng, theo ôn mệ ( là ôn với mệ đang ngồi trong căn phòng rộng tới tới nỗi phát lạnh lùng )vô vùng đất mới này để lập nghiệp.
Ôn đây là em thứ hai, nhanh chân bỏ làng quê cũ đói nghèo cạp đất mà ăn để tìm đường vô đây. Đất rộng, người thưa lại có lòng đãi ngộ người phương xa tìm tới. Ôn phất lên không kịp nên phải kêu gọi họ hàng nhanh chân vô mà giúp ôn hưởng sái. Sái nhì sái ba chi cũng đủ dư sức làm nên cơ nghiệp.
Lần hồi bà con quy tụ thành họ lớn. Ôn khoán thầu một vùng khai thác lâm nghiệp kiêm làm đường, xây cầu mở rộng vùng đất mới.
Hồi đó, tôi còn nhớ, dượng Chiếu lái cái xe hiệu GMC International to đùng. Ôn ngồi chiếc Simca trắng toát ngày ngày dạo qua hai cái xưởng cưa gỗ rồi vô tới cái đồn điền cà phê bát ngát. Đi một vòng rồi về nhà, ngồi hút thuốc Cẫm Lệ, uống trà mạn sen.
Chiều tới, có anh thư ký ôm cuốn sổ bìa dày không ngồi chung mà chỉ đứng, tường trình chi thu trong ngày. Ôn, ngày xưa ít học( mà có từng học ở đâu đâu) cầm lấy lệ cuốn sổ, nghe báo chữ số chi thu, tính nhẩm trong đầu. Cọng, trừ, nhân, chia đúng phóc, không cấn máy tính.
Lâu lâu, thay đổi không khí sinh hoạt nhàm chán, ngồi chiếc Land Rover mui trần để hưởng thú đi săn.
Một chuyến đi săn kéo dài mấy ngày. Thịt rừng vừa ăn vừa phân phát cả họ hàng dễ tới cả tuần chưa hết. Rừng núi hoang vu, thú rừng, nhất là Nai, nhiều vô số kể.
O Ba tôi vô sau này. O làm nghề may nệm. Người ta nằm giường song gỗ lót chiếu lâu ngày thấy rêm lưng, muốn nằm nệm cho êm. O đáp ứng liền. Mà chỉ một mình O thôi vì Dượng tôi đã chẳng may, vắn số. Cuộc sống dù không là gọi là giàu có nhưng cũng được. Cũng phong lưu qua ngày.
Do vì cũng được coi là phong lưu cho nên, dù là vai em, lại được đứng xếp hàng chờ lảnh phong bao lì xì trên gia đình o Cháu.
Cái tội của o Cháu là lớn lắm,vì o nghèo.
O làm nghề nấu rượu lậu đi bỏ hàng quán, bỏ các tiệm thuốc Bắc để ngâm thuốc uống trị bệnh, uống đã cơn nghiền hay trộn thuốc để bó sưng gân, trật khớp..
Anh Phụng thì không đủ tài sức mánh mung qua mặt các tay kiểm soát để giao rượu đúng kỳ đúng hạn cho các mối. Anh chỉ giỏi việc học. Học quên ăn. Mà khổ quá, o tôi lại chật vật miếng ăn cho anh ăn để học.
Thời may, có thằng Chắc con o Ba. Từ khi hắn theo o Ba tôi vô nhập họ hàng dưới trướng ôn thì o Cháu bất ngờ có tay trợ thủ đắc lực. Hắn lảnh phần giao mối rượu cho O.
Vậy là hắn gánh phần nặng nề cho anh Phụng để anh có thời giờ và không còn bận tâm để lo việc học.
Chuyện khởi đầu, không ai biết, nhưng lâu dần thấy lộ ra. Người trong họ thì nghĩ là có chia chát gì đó để thằng Chắc gánh vác chuyện-bao-đồng.
Ba tôi, một lần, nhận được phần thịt mà ôn vừa mới đi săn về, nói với tôi :
- Con đem phần thịt này xuống cho o Cháu. Nói với o là Ba nói O đừng bán, xào cho thằng Phụng ăn. Cứ nói in lời là Ba con nói như rứa.
Tôi đem phần thịt xuống thì đụng độ hắn.
Hai anh em gặp nhau mà làm mặt lạ. Tôi nghĩ nó là thằng ở đâu mới tới thì nó phải mở lời trước, không phải là tôi. Vậy mà nó cứ tỉnh bơ.
Khi nó đặt miếng thịt gói lá Vã lên bàn, rồi nói gì đó với o, là nó đi. Tôi cũng đưa miếng thịt, nói y lời Ba tôi, rồi hỏi :
- Thằng mô hồi nảy rứa O ?
O cười :
- Anh em hết. Hắn là thằng Chắc con o Ba đó.
Thằng Chắc thì tôi có nghe, bây giờ mới thấy. Miếng thịt nó để phần, nằm đó, tôi cảm nhận có một điều gì, gần gụi thân thương tình nghĩa..

Nay xếp hàng chờ “ân sũng” của đấng bề trên, tôi lại gặp hắn.
- Mi là thằng Chắc con của o Ba phải không ?
Hắn nhìn tôi, cười :
- Em biết anh là con của cậu Cai. Có điều, em biết nữa, là anh không biết em là ai.
Tôi ngạc nhiên, trố mắt :
- Cái thằng mi sao ăn nói ngược đời. Không biết mi sao tao gọi đúng tên. Không lẻ mi không là con o Ba ?
Hắn cười ngất (làm tôi phát bực) rồi vỗ vai tôi :
- Rứa thì em xin được tự giới thiệu. Em là em Chắc con cô Ba đây. Còn anh thì em biết anh là con của cậu Cai. Là anh của em, sao gọi là mi, tao. Không lễ phép là không lễ phép !.
Tôi ngớ người, sừng sộ :
- Rứa là mi nói tao....
Hắn vội đưa ngón tay trỏ lên môi, suỵt suỵt, rồi nói nhanh :
- Đừng anh. Đừng vội giận anh...( rồi chỉ về phía sau)... Thấy không?. Anh Phụng còn đứng phần sau rốt.
Tôi thật tình không hiểu, không biết, ý hắn muốn nói gì.

Lớp người dồn lên theo tiếng xướng gọi, tôi buộc phải dồn lên, không kịp hỏi. Nhận bao lì xì rồi lại phải vội vả quay ra.
Và tới phiên hắn nhận bao lì xì. Một lát sau, không thấy hắn mà chỉ thấy o quay ra nhập vào đám đông ở sân trước. Để rồi lại phải chờ nữa, chờ tới giờ để vô gian nhà dưới dự bữa tiệc tân niên ôn mệ đãi. Sau bữa tiệc no nê là mỗi gia đình còn có phần bánh, thịt mang về ăn Tết.
Cho nên phải đứng chờ, không thể không chờ.
Khi O đứng trong sân khoảng đâu chừng năm phút thì bất ngờ tôi thấy ôn hối hả đi ra trước hiên nhìn dáo dác.
Rồi ôn bước xuống mất bậc tam cấp đi vội vàng về phía cuối sân, nơi o Cháu và anh Phụng tôi đang đứng chờ. Một tay ôn cầm tay o, một tay ôn cầm tay anh Phụng dẫn đi vô.
Không phải vô gian nhà trước mà vòng qua mé sân, vô gian nhà dưới, nơi có cỗ bàn tân niên đang bày sẵn. Họ hàng trong sân nhốn nháo không biết chuyện gì nhưng yên tâm vì thấy ôn cười nói gì đó với o rồi nghe tiếng chú Cận, o Thương mời họ hàng vô nhập tiệc.
Trẻ nít trang lứa tôi thì có bày mấy bàn riêng dưới gốc Vã, cạnh bếp nấu.
Trong mấy bàn trẻ nít buổi tiệc tân niên năm đó không có anh Phụng với thằng Chắc. Bởi vì ở bàn tiệc gian trong, dành cho người lớn, đã kê thêm hai cái ghế có chân cao hơn một chút, gần bên ôn mệ.

Năm sau và những năm sau nữa, o Cháu là người được lảnh phong bao lì xì ngày Tết đầu tiên. Sau đó, là tuần tự xếp hàng theo thứ bậc, trên dưới phân miên.
Mấy bàn trẻ nít buổi tiệc tân niên thì không trống chỗ, vẫn có anh Phụng và thằng Chắc. Vẫn bình thường.
Điều không bình thường là sự thay đổi làm cho cả họ hàng giật mình nhìn ngó lại gia phả, thấy lại giềng mối kỷ cương để biết kính nhường nhau không phải vì bạc tiền cuộc sống xa hoa mà chính vì lễ nghĩa.
Có thêm một điều gọi là bất bình thường là nhân vật kịp thời xây lại cái nền móng lễ nghĩa đã chớm rệu rã của một dòng tộc lại là thằng em-cô-cậu.

Từ ấy, bao năm, hắn không hề nhắc mà tôi cũng như những người trong tộc không dám hỏi là hắn đã nói với ôn, mệ điều gì mà kịp thời níu lại cái gốc rễ đã muốn lung lay rời bỏ cội nguồn.
Ngày đó, chỉ có ba người trong căn phòng rộng. Ôn Mệ thì không thể nói ra lời. Hắn thì không hề nhắc tới.
Nay thì đã hạc nội mây ngàn. Đã là người trăm năm cũ....
Em Chắc thì đã mất rồi. Anh Phụng thì giờ đây lưu lạc phương nào, không biết nữa...
Chỉ còn phong bao lì xì ngày tết truyền nối bao đời không hề thay đổi cho dù dâu bể tang thương lạc tận xứ người. Gốc ngọn quê nhà vẫn nhớ. Tục lệ ngày xưa vẫn cứ duy trì gìn giữ.
Phong bao lì xì ngày tết hôm nay, tự nhiên lại nhớ, phong bao lì xì ngày tết mấy chục năm xưa...
Thôi thì cứ coi như đây là câu chuyện được dàn dựng cho một truyện ngắn. Khai bút đầu năm !
Phong bao lì xì ngày Tết thì còn đây. May quá,còn gìn giữ được. Dù hình dạng , màu sắc có nhiều thay đổi. Dù ở nơi xứ lạ quê người. Dù không đúng ngày, đúng tháng Tết.
Nhưng, vẫn cứ còn giữ được lề thói quê hương...

Sáng Mồng Một Canh Dần 2010

tháng 2 18, 2010

MÙA ĐỐT GIẤY


Một góc đời là đây, các cháu
Để ôn nhìn thấy lại quê hương
Khói tro bay mười phương tám hướng
Lòng rưng xao động một phương này

Ôn thương nhớ lắm mùa đốt giấy
Chiều ba mươi hương khói giao mùa
Giấy thả dè chừng khơi đốm lửa
Sợ rồi giấy hết để tàn tro

Lửa lúc bùng lên rồi lửa nhỏ
Tranh nhau thả tiếp kẻo lửa tàn
Giành qua giựt lại rồi sinh giận
Phụng phịu đòi thả trước thả sau

Ông Cố giục hoài mau, lửa tắt
Ôn thì chưa tắt hết giận hờn
Giấy vẫn ôm hoài khi lửa lớn
Tới lúc tàn tro giấy vẫn ôm

Để mùa đốt giấy vàng không trọn
Bạc cũng phai màu bạc hết trơn
Sau mấy mươi năm đời khôn lớn
Vẫn nhớ mùa đốt giấy xưa, xa !

Chiều nay bày cỗ rước ông bà
Là mùa đốt giấy giống hồi xưa
Ông Cố giờ đây đâu còn nữa
Chỉ ôn canh đốt giấy bạc vàng

Các cháu bây giờ ngoan, ngoan lắm
Nhường nhau thả đốt giấy, lửa vần
Không giựt không giành không hờn giận
Khiến ôn ốt dột quá, ngày xưa...

Chiều 30 Tết Sửu 2009
cúng rước ông bà về đón Năm Mới Canh Dần 2010

tháng 2 17, 2010

KHAI BÚT ĐẦU NĂM : HƯƠNG XUÂN


nhang khói quê xa chiều ba-mươi-tết
có quyện vòng thơm tới chốn quê nhà !
mười mấy năm rồi biền biệt Xuân xa
cội Mai cổ trước sân nhà còn đó !

hiên đất còn tươi dáng bông vạn-thọ
hồ cá vàng còn dáng vẻ ngày xưa !
cụm Mãn Đình Hồng hoa vừa trổ lứa
ôm nắng hanh óng mượt chiều-ba-mươi !

hủ rượu Dâu ngâm từ đầu tháng Mười
cuối tháng Chạp đã chín màu dâu đậm !
con gà thiến nhốt chuồng từ tháng Sáu
đã nặng cân bữa cỗ đón ngày Xuân !

em dọn cười bỏ hết nỗi bâng khuâng
anh lau vội những lo toan tất bật
giờ phút Giao Thừa nói lời chân thật
là nụ hôn còn nhớ tới bây giờ !

em còn giữ như tình anh giữ nhớ
buổi đói cơm lạt muối mình thương nhau
có gì đâu em ! Chẳng có gì đâu
chỉ là nụ hôn-giao-thừa nhớ mãi !

nay ở quê xa bồi hồi thương lại
hỏi em thèm hôn-miếng-giao-thừa xưa
riêng tận lòng anh thiệt mấy chưa bưa
thêm miếng nữa cho gừng-cay-muối-mặn

cho tình anh áo cơm đời lận đận
chỉ còn riêng một khoảng ngắn đêm về
Thơ anh viết là câu dành câu để
riêng tình em từ buổi nắm tay em

từ dạo hoa Mai rực nắng bên thềm
em son phấn ngạo dương gian ngày Tết
khiến lòng anh đuổi miết tình mê mệt
cứ níu chừng theo tà áo giai nhân

bấy nhiêu năm cứ gần lại xa gần
không biết bao giờ mới gần hơn nữa
đất quê người cứ tháng ngày lần lựa
bỏ quên đau ngày tháng gọi tình nhau

tình một thời loạn lạc đời bể dâu
nay khói hương níu chiều-ba-mươi-tết
chốn quê xa trầm hương bay khói quyện
có quyện tới không, một thuở, quê nhà !....

Hiên Trăng Brookhurst, San Diego
sáng mồng-một-tết
Canh Dần 2010

tháng 2 16, 2010

KHAI BÚT ĐẦU NĂM


đón mừng Năm Mới
đại gia đình Trần
sức khoẻ dồi dào
mọi điều như ý
ăn ngon ngủ ngon
cuộc sống bình an
gia đình hạnh phúc
các con hiếu thảo
các cháu hiền ngoan
ôn làm Thơ hay
bà luôn sức khỏe
mỗi tuần vui vẻ
tìm tới bên nhau
miếng thịt miếng rau
chia nhau hưởng đủ
càng lâu càng giữ
nền nếp quê nhà
dù ở quê xa
cũng đừng quên vội
miếng no miếng đói
chia sớt nhau cùng
chim đã xa rừng
người xa cố quận
một thời lận đận
đã qua rồi qua
quen chốn xa hoa
đừng quên một thuở
đừng quên phải nhớ
những ngày mắm quẹt
đậu phụng kho queo
dẫu khó dẫu nghèo
nương nhau mà sống...
nương nhau...nương nhau...

mồng Một Tết
Canh Dần 2010

tháng 2 14, 2010

HÌNH ẢNH


...và buổi đoàn viên đại gia đình bên mâm cỗ quê hương với lời ước nguyện hạnh phúc-an khang-thịnh vượng. Ly(và nhiều ly) rượu mừng Xuân...
Một ngày đầu Năm Mới 2010 đã thấy tràn đầy hạnh phúc.

HÌNH ẢNH


Trưa Mồng Một Tết, đại gia đình xin Lộc đầu năm.

HÌNH ẢNH


Sáng Mồng Một Tết xếp hàng nhận phong bao lì xì.

HÌNH ẢNH


Chiều 30 Tết cúng rước Ông Bà.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2010

tháng 2 09, 2010

PHO HIEU NHA-THO PHO HIEU


Xin diễn nghĩa lại cho thật đúng là :
Phổ Hiếu | Nhà-Thờ | Phổ Hiếu
Tấm hình này là tấm hình muôn dặm biệt ly, nay rất tình cờ, tìm lại được. Đây là một trong những hình ảnh nặng lòng thương nhớ về Xóm nghèo quê tôi: xóm đình Đa Cát, nơi tôi sinh ra, lớn lên và xa biệt.
Nhìn tấm hình mà xúc động bồi hồi, nhớ lại một thời xưa....
Tôi cứ nhìn tấm hình” muôn năm cũ” mà tưởng tượng ra một điều rất ngộ.
Những đám cỏ xanh là thế hệ đàn anh đàn chị, và cả thế hệ tôi đang bám víu vào chân tường rêu phong là biểu tượng của thế hệ cha ông. Vượt qua lớp rào chắn là thế hệ của bậc trưởng thượng khói nhang hàng năm vọng tưởng.
Nhìn qua chính diện, thì bồi hồi xúc động những hoài niệm, ngày xưa.
Nhìn kỹ hậu diện, thì cảm giác, như là có điều gì, không ổn !
Không ổn vì không đúng là hình ảnh nguyên dạng, ngày xưa !
Làm gì có bức tường cao, bên trái.
Cũng không hề có hai mái nhà cao tầng phía sau.
Cũng không thấy cột điện và dây nhợ giăng mắc.
Hai cái loa phóng thanh lại càng không thể.
Mặt tiền bên phải, thêm bức tượng được che bởi cái dù ( chớ không lá cái lọng) vẻ dáng tân thời.
Trước thềm lại có chiếc dream ( hay là cánh én cánh chim) lại càng thêm xa lạ, ngày nào...
Như vậy là tấm hình mới gần đây thôi.
Chỉ có cái hàng rào vẻ dáng canh tân nhưng rêu phong ngày tháng cũ vẫn còn lưu dấu trên những kẻ đá, chân rào mà chạnh lòng gợi nhớ....
Đây không là Đền, Miếu thờ tự chung của Xóm, Làng. Chỉ là nhà thờ Họ Tộc.
Xóm thì có ngôi đình bề thế khang trang ( có cái sân rộng nhập với con đường chính của Làng mang tên là đường Ngô Quyền) ở cạnh nhà chú Thưởng (bên trái) và cạnh dãy nhà đạo của bà sơ Vincent (bên phải). Gọi là xóm Đình Đa Cát (là một Xóm thuộc Làng Đệ Nhị gồm các xóm Đa Thuận, Đa Cát, Đa Trung). Sau này, không gọi ( hay ít khi gọi ) là làng Đệ Nhị mà chỉ quen gọi là Cây số Bốn vì Làng ở cách trung tâm thành phố Đàlạt (tính từ địa điểm cây xăng Kim Cúc) 4 cây số.
Làng thì có ngôi cơ ngơi rộng rãi trên một ngọn đồi thuộc Xóm Đa Trung. Xuân, Thu nhị kỳ hay ba năm vô Hội Kỳ Yên, ba Xóm đều hội về. Thông lệ hàng năm có tổ chức Hội Làng rất lớn, trong ba ngày Tết. Sau này, dời về cuộc đất ở gần Trường Tiểu Học Đa Nghĩa, cạnh bên trụ sở, không còn gọi là Làng mà lạ hoắc cái tên Phường Đệ Nhị. Ngôi đình của Làng cũng đã đổi dáng tân kỳ, không lân long qui phụng và cũng thiệt đau lòng là không còn, không thấy, không tìm đâu ra được dáng cổ kính phong rêu của một thời khăn đóng áo dài đôi guốc mộc !. Dù cũng là khăn đóng đó, áo dài đó, chỉ thay đôi guốc mộc bằng đôi giày hạ tân kỳ. Nhưng cái hồn quê bao năm cũ, đã theo đời cách tân mà nhạt hương trầm khói quyện, nhạt không khí một thời hưng, bái trống chiêng...
Cuối cùng, bể dâu thương hải, gọi là Phường 6. Tới cái Phường này là xa thiệt rồi, thiệt là xa mất dấu cái Làng Đệ Nhị, cái Phường Đệ Nhị...của ngày xưa...
Phổ Hiếu- Nhà Thờ - Phổ Hiếu là ngôi nhà thờ họ tộc nằm chung trong khu đất nhà của chú Nhì thợ mộc. Hàng năm, vào dịp Tết, cửa ngỏ ngày đêm mở rộng đón người cùng quê cùng cảnh tha hương về thắp nén nhang vọng tưởng ông bà. Thấy người vô ra cũng khá đông, hương trầm thơm ngào ngạt.
Khi chú đi đứng khó khăn mà phải nằm ghế phơi nắng, thở hít khí trời để may ra kéo dài tuổi thọ thì giao việc gánh vác nhà thờ họ cho người con lớn. Là anh Chương (cũng) thợ mộc. Anh là chồng của chị Huế bán bánh bèo ngon nổi tiếng ở Xóm tôi. Anh cũng là bạn cùng trang lứa với anh Phước, anh tôi. Anh Liêu, anh vợ. Anh Tính (tên gọi trong nhà là Bê), gia sư Pháp văn khi tôi vừa vào lớp Đệ Lục trường Trung Học Trần Hưng Đạo. Anh Vĩnh Nhi ( con mệ Bửu Thực ), anh Cu Lập( con của thím [quên tên] em của bác Nghi), anh chi mà đang làm xếp bẻ ghi xe lửa, bỏ ngang về học chữ lại, rồi vô trường Võ Bị làm quan to [quên tên] con bác Cữu Xứng, anh Xuân con chú thợ hồ ( thợ đây không phải là thợ hồ xây dựng mà là thợ phết hồ dán giấy vàng bạc làm xe, làm ngựa...nói chung là làm đồ mả cho người...vừa nằm xuống !). Còn nhiều anh nữa muốn nhớ mà, lâu quá, quên !. Có ai cùng Xóm, nhân đọc bài viết này, xin bổ xung thêm.
Nói rõ như vậy để biết là mình cùng chung một Xóm. Không trật đường nào !
Nếu đã không trật đường, thì mạnh dạn, viết thêm....
Sau gian thờ tự xây gạch là tiếp nối một phòng dài, rộng mái tôn vách ván. Sức chứa ước chừng cả trên trăm người !.
Tôi giữ cái phòng dài, rộng này để mênh mang một trời tâm sự...
(còn tiếp)

tháng 2 06, 2010

DĨA ĐU ĐỦ SỢI& KHÔ BÒ (XẤP XẤP)


Gọi nôm na, gọn nhẹ, là món “xấp xấp”.
Xuất xứ : phía bên phải rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp( Đàlạt), kế bên tiệm mì Khu Hưng.
Nhận dạng : một tủ kính đặt trên chiếc xe đẩy. Trong tủ có một ngăn lớn là đu đủ sắt sợi nhỏ. Bên cạnh có hai ngăn. Một ngăn là đầy ắp những miếng bò khô dát mỏng. Một ngăn nhỏ cũng đầy ắp những miềng gan bò sấy vàng đen óng mỡ.
Bên trên tủ kính, phía bên phải, có một hộc nhỏ sắp đầy dĩa nhựa loại nhỏ, bên cạnh là một ngăn hộc sâu dựng đũa tre.
Phía bên trái lại có một hộc đựng hai chai. Một chai màu đen xì dầu pha mặn ngọt. Một chai giấm màu đỏ ớt pha đường.
Bên dưới cùng có một chậu nước để, không phải rửa, mà chỉ nhúng sơ những chiếc dĩa và đôi đũa đã “xong phận sự”.
Và một chiếc khăn lau dĩa, đũa vừa mới tráng(sơ) để tiếp tục đón chào khách mới!!!
Chủ nhân : ông người Tàu chỉ độ trung niên, ốm người, ít nói. Nếu là ông (cũng) Tàu mà mập, dù cũng là ít nói mà xe không ở ngay vị trí kế bên tiệm mì Khu Hưng là “dỗm”. Dỗm có nghĩa là không xịn. Không có xịn là không có ngon cả hai nghĩa : ăn đã không ngon mà chọn chỗ lại không đúng là người sành điệu (ăn) !
Món này người mình gọi là gỏi đu đủ. Gặp ông Tàu thì ngôn ngữ bất đồng. Xí xô xí xa chi thì cũng bỏ đu đủ vô dĩa, cầm miếng bò khô tay trái, tay phải cầm cái kéo xấp xấp, những miếng bò khô nhỏ, dài đếu đặn kích thước rớt vô dĩa. Rồi cũng tay trái, cầm miếng gan bò sấy, tay phải lại xấp xấp mấy miếng khiêm nhường rớt vô dĩa. Tới công đoạn cuối thì cả hai tay. Một tay cầm chai đen xì dầu một tay cầm chai giấm pha ớt đỏ, chụm đầu chai, nhanh lẹ xịt vô dĩa gỏi. Nửa bên trọng, nửa bên khinh. Bên khinh là xì dầu gạn đúng phần một. Bên trọng là giấm ớt gạn đúng phần hai. Hài hòa mặn, ngọt, chua,cay. Lại còn nhanh, rất nhanh (mà không lanh chanh) nhón tay cầm cọng rau quế, lại “xấp xấp” vô dĩa. Những sợi rau đều đặn như nhau!
Khách nhận dĩa, ngó ướm chừng, thấy dĩa nào cũng y dĩa nấy. Thiệt ra thì cũng có nhỉnh hơn vài cọng đu đủ, vài sợi rau, chút nước xì dầu, giấm ớt. Nhưng chỉ ngó bằng sự thèm thuồng hưởng thụ chớ đâu ngó bằng con mắt đong đo.
Tiếng là một dĩa nhưng khi nhúng ướt nước xì dầu thêm nước giấm chua ngọt thì eo sèo chỉ còn đâu hơn một gắp đũa. Một đũa thôi, cũng đủ nhớ đời, bởi vì quá chừng là ngon. Ngon không thể diễn tả bằng lời. Nam nhi chi chí chắc là phải là năm dĩa. Nữ nhi nhỏ nhẻ mang tiếng như là mèo ăn, chắc cũng là... ba dĩa mới ( chỉ vừa) tới bến !
Bởi vì, nói thiệt, là quá ngon.

Ai đã từng ở Đàlạt là đã từng qua một dĩa “xấp xấp”. Nếu ngơ ngác hỏi “xấp xấp” là cái gì thì đâu phải là dân Đàlạt.
Ủa, mà “xấp xấp” là món chi, tên nghe lạ !
Tò mò hỏi đây là món gì. Ông Tàu ổng nói, ông diễn nghĩa bằng tiếng Tàu, mình có hiểu thấu đáo gì đâu ! Chỉ khi ngồi chờ thấy ông tay trái cầm miếng bò khô, tay phải cầm cái kéo xấp xấp. Rồi tay trái(cũng) cầm miếng gan bò chấy, tay phải (lại) cầm cái kéo xấp xấp. Thịt bò khô, gan chấy khô rớt vô cái dĩa để thành món ăn ghiền tới nỗi thành kỷ niệm. Thành gọn nhẹ một tên gọi gợi hình là món-xấp-xấp.
Vậy thôi !
Chỉ cần gọi xấp xấp là nhớ liền, một món ăn, theo từng hoàn cảnh, điều kiện, thời gian, để trở thành kỷ niệm khó phai nhòa...
Kỷ niệm đáng nhớ của gia đình tôi là món xấp xấp, một ngày, ở Hội Hoa Xuân.
Đó là những ngày tháng đổi đời, đói cơm lạt muối. Ngày Xuân, dành hết những đồng tiền dành dụm trong năm, chỉ đủ để vợ chồng con cái sảng khoái hưởng được nỗi thèm thuồng, mỗi người một dĩa, xấp xấp. Húp tới tận cùng miếng nước giấm chua ngọt . Dĩa sạch láng ! Buồn ghê !
Dễ cũng mười mấy năm xa, lâu lâu nhớ, vẫn làm món xấp xấp để tìm lại ngày nào. Dù cố pha trộn đủ mùi hương cũ, vẫn chưa tìm ra chưa thấy được hương xưa.
Giờ đây, ngồi viết bài viết này, bụng đang còn no ( căng) vì món xấp xấp tự làm lấy, hồi chiều.
Nguyên do có món xấp xấp bất ngờ là tại vì cô Út lên Santa Ana, khi về mua cho ba mẹ, anh Hai, chị Ba mỗi gia đình hai gói khô bò. Ngồi ăn vã khô bò lại nhớ món xấp xấp.
Vậy thì làm món xấp-xấp.
Gần cả tiếng đồng hồ đong-đo-cân-nếm(chớ không phải đếm) ,thêm vận dụng cảm giác hồi tưởng ngày xưa để quyết tâm làm cho được nước chan giống như ông Tàu. Cũng một tô( chứ không phải chai) xì dầu pha đường cho dịu mặn, một tô giấm pha đường ớt. Nêm và nếm. Nếm và nêm. Cuối cùng, cũng tạm coi như là thành công. Chỉ “tạm coi” thôi, chứ chưa chắc...Còn phải chờ...
Gắp đũa đầu tiên, bà xã gật gù khen :” Ngon! Giống món xấp-xấp của ông Tàu hồi đó”. Tới luôn hai dĩa.
Lát sau chú Tư và cô Út về. Gắp đũa đầu tiên cũng suýt xoa : “ Ngon quá!”.Chỉ nói ngon quá thôi không nói giống món xấp xấp của ông Tàu ngày đó!. Ngày tới với món xấp xấp cô chú còn quá nhỏ nên hoài niệm chưa đủ độ cay chua mặn ngọt để giữ lâu.
Tôi thì giữ, không những lâu, mà còn rất kỹ. Nếu không giữ lâu, giữ kỹ thì món nước chua ngọt đã không mang hương vị ngày xưa. Để khi gắp đũa đầu tiên lại nhớ về hình ảnh một một chiều, những buổi chiều, đứng chờ đợi dĩa xấp xấp ở khu rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp....
Tha hương ngộ cố hương...Xa quê gặp lại mùi hương xưa....


Chiều xấp xấp, 02/2010