tháng 3 23, 2010

VỀ TỚI ĐÂY RỒI !


thôi, ở đây, ở lì không đi nữa
đã mỏn đời rồi đi mỏi làm chi
tới chỗ nào cũng cuối cuộc phân ly
đời hữu hạn né tránh gì cũng gặp

thời may bây giờ còn đôi còn cặp
ngày ra vô vẫn thấy được lòng nhau
ta ở trước sân gọi ới vườn sau
em vội vã níu tình ta cho kịp

hoa Mai nở trước hiên nhà đúng dịp
cải vườn sau đã vừa lứa ghém chưa
để còn liệu đãi đằng nhau một bữa
món tôm chua bánh tráng cuốn rau nhà

qua tới bên này bao nhiêu món lạ
vẫn cứ thèm da diếc món chân quê
trách cá kho rim tô canh lá Hẹ
mùi mắm kho bay quyện giữa chiều mưa

ơi tháng ngày xưa mặn chát muối dưa
nồi cơm độn quá nửa phần khoai sắn
em vẫn bên ta buồn vui thầm lặng
miếng lòng no miếng lòng đói chia đều

ta nửa đời trôi giạt nhánh rong phiêu
em con nước lớn ròng theo năm tháng
về tới đây rồi cuối đời chạng vạng
hai đứa mình chung dáng đứng phù vân...

Hiên Trăng nhà cũ
3/2010

tháng 3 12, 2010

KHI VỀ QUA CHỐN CŨ


tôi nhớ ngày xưa em rải ô quan
chia sớt đều tay những viên đá cuội
tôi ngày đó, thấy lạ lùng, ghé tới
ngó ngẩn sân si những ngón búp măng

bàn tay em rạng rỡ dưới vầng Trăng
đôi ngón tay thon rải từng viên sỏi
đêm giữa sân Đình, Trăng soi vời vợi
tôi tối trời ngơ ngẩn một bàn tay

em hồi nhỏ đã rưng lòng tôi vậy
buổi chia xa rứt mấy cũng không rời
đi khắp nẻo sông hồ chưa với tới
một bàn tay Trăng dọi Xóm Đình xưa

nào phải tình tôi sớm nắng chiều mưa
khi về lại Xóm xưa nhìn xưa cũ
em hồi đó theo thời gian mưa lũ
đã lâu rồi không dịp rải ô quan

bàn tay đã nhăn khô theo ngày tháng
chuyện ngày xa cũng lần lựa phai rồi
viên đá cuội buồn ô quan trơ trọi
bên chồng con mờ nhạt bóng Trăng xưa....

tháng 3 10, 2010

TẢN MẠN CHÂN GÀ



Bài viết này gởi tặng cháu Kuno của Ôn

Đây là bài viết về chân gà, không phải là chân giò.
Bài viết đang còn phưởng phất hương vị ngày Tết lảng đãng khói trầm hương đón rước Ông Bà rồi tiễn Ông Bà. Cúng tất niên rồi cúng tân niên.
Buổi cúng giỗ nào cũng có chân giò, có chân gà nhưng đặc biệt là chân gà thì mất dấu trong buổi cúng tân niên.
Bởi buổi cúng tân niên, cặp chân gà mang trọng trách lớn.
Do vì mang trọng trách lớn nên buổi cúng tân niên không một thành viên nào trong gia đình được “gặm” cặp chân gà.
Chuyện là như vầy ( do ôn chứng kiến rất nhiều năm, nay kể lại cho Kuno nghe chơi )...
Hồi xưa đó, bởi vì so thời gian bây giờ thì chuyện ôn kể là chuyện hồi xưa ( chưa lâu lắm để thành chuyện ngày xưa), dịp cúng tân niên là dịp để cầu xin gia đạo an vui, cuộc sống an bình, ôn Cố dành cặp chân gà để xem bói, gọi là bói chân gà hay nói gọn là bói gà để đoán việc cát, hung cho năm mới.
Chân gà không được luộc quá chín sợ bị bung gân, phá cách hay gọi là “phá quan” thì đoán không được. Do vậy, ôn Cố lấy sợi dây buộc hai chân gà, chờ lúc nước luộc gà sôi cuộn, nhẹ thả cặp chân gà vô nồi. Canh vừa đúng thì lại vội ấy ra, xem mấy ngón chân gà vừa co quắp, da chân gà vừa nổi bóng, là được.
Nếu để quá thì, da nứt, gân bong, mấy ngón chân co ( co không phải co quắp mà co quíu tới nỗi lòi gân, bè móng) là coi như cặp giò đã phá cách. Phá cách là không coi bói được, chỉ còn còn có nước coi lại chai rượu có đầy (vơi) không để mà lượng tính chuyện lai rai.
Lai rai cặp chân gà mà buồn buồn vì hung, cát năm tới không biết thế nào.
Nói buồn buồn là vì tục lệ coi chân gà đầu năm đã gần như là thế giới tâm linh được rất nhiều người tin tưởng. Ôn Cố là một trong những-nhiều-người đó.
Cho nên, giây phút( chỉ là giây phù du phút thôi, không thể kéo dài) ôn Cố cầm sợi dây buộc cặp chân gà chuẩn bị nhúng xuống nồi nước đang sôi, là giây phút rất là trân trọng.
Nhúng xuống một lần, vội rút lên, ý là để cặp chân lạnh chạm vào nước nóng vừa đủ để làn da quen độ co giản. Sau đó, lại nhúng xuống, thời gian rất ngắn lại rút lên, nhìn ngắm coi làn da đã căng bóng chưa, mấy ngón chân đã co rút vừa độ chưa. Lại nhúng thêm một lần nữa, thời gian lâu hay mau, tùy theo cảm nhận của mình. Thường, chỉ ba lần, nhất quá tam.
Cặp chân vừa độ co giản đúng cách được trân trọng giữ riêng, sau đó, ngâm vào ly rượu trắng. Nồng độ rượu sẽ giữ được màu da, giữ được vẻ dáng co quắp của từng ngón chân và cái chính là cặp chân gà vẫn dạng nguyên thủy, không khô, không trở màu.
Cứ bỏ ly rượu ngâm chân gà đó để lo ăn uống vui chơi thả giàn ngày Tết. Ra Giêng, hay dịp nào thuận tiện, đưa đến ông Thầy bói chân gà để giải đoán kiết, hung. Lạ một điều, ở những làng quê xưa, thầy bói chân gà hầu như làng quê nào cũng có không phải tìm kiếm nhiêu khê.
Xóm quê của ôn ngày đó, có ôn Lý Trạm, là thầy-coi-chân-gà, quanh năm cuộc sống phong lưu tài tử.
Không lẽ tới nhờ Thầy coi rồi lại mạng trơn đi về mà không gởi lại Thầy chút gì thơm thảo !
Huống nữa, tập tục coi chân gà đâu có chỉ dành riêng cho ngày đầu năm mà ngay cả trong năm, khi có việc cần cầu khẩn điều cát, hung cũng cúng xin rồi ngâm cặp chân gà đến nhờ Thầy !
Phong lưu, Thầy hưởng suốt năm, là vậy.
Thấy tập tục làng quê bao đời vẫn giữ cho nên ôn cũng có nghiên cứu và tìm tòi sách vở mở rộng thêm kiến thức về thuật bói chân gà.
Nhìn vào cặp chân gà, nhìn da gà, nhìn đường gân xanh, sợi máu, nhìn dáng co quắp của các ngón chân để giải đoán cát, hung. Ôn Cố, ngày đó, có giải thích thêm cho ôn biết ngón chân nhỏ nhất khi co lại chỉ vào đâu. Chỉ vào mỗi ngón thì có lời giải đoán riêng.
Nếu chỉ vào khe giữa, không nhằm vào ngón nào hết, thì coi như không ứng nghiệm điềm cát, hung.
Rồi còn coi phần thịt giữa bàn chân dày mỏng thể nào. Coi màu sắc hồng nhuận hay u ám. Coi hình dáng no đầy hay khuyết khảm, teo tóp....
Chỉ có cặp chân gà mà Thầy cứ cầm xoay qua xoay lại, nhìn gần nhìn xa rồi lý giải cả tiếng đồng hồ chưa hết lý.
Hóa ra môn bói chân gà cũng lưu truyền sách vở để hậu thế dày công nghiên cứu...

bên trái là công-chúa-trái-cây Jasmine, bên phải là Kuno'chicken feet

Thôi, bây giờ trở lại chuyện chân gà, thực tế hơn, là để... nhâm nhi.
Hồi đó, ăn chân gà là phải ăn cả cặp. Ăn một cái thì tay sẽ run !.Không biết có đúng vậy không sao nghe mơ hồ quá!. Ăn chân mà tay run ! Nếu như chỉ ăn một cái cánh (gà) thì sao !. Chắc là ( không phải tay, mà) chân run !.
Lại nhắc tới mấy tay thường ngồi lai rai ba sợi thì thích đầu-cổ-cánh (không thấy nhắc chân).
Rồi lại nghe có câu truyền tụng : nhất phao câu, nhì cổ cánh ( cũng không nghe nhắc tới chân mà lại bỏ mất cái đầu!)
Qua tới vùng đất mới này thì cái chân hoàn toàn mất dấu (đã đành) lây lan tới cả cái đầu !. Họa hoằn lắm mới thấy cái cổ (nhưng đã tuốt hết da) bọc trong dĩa bày bán lưa thưa. Chân mất, đầu lìa, cổ tuốt chỉ còn lại cái cánh là đắc địa hoạnh phát hoạnh tài ở vùng đất mới. Đi đâu cũng gặp, tới đâu cũng thấy.
Vậy thì cái chân (gà) còn đâu nữa ở đây mà ôn tản mạn chân gà !
Nói ra thì dài dòng chuyện di tản rồi tới chuyện di dân.
Ôn chỉ ngắn gọn là cái chân gà nay đã thấy được bày bán đầy dẫy trong những siêu thị Á Đông. Là một món ăn ngon trong những món ngon ở những nhà hàng “tỉm sấm” của người Tàu.
Nó cũng đang bắt đầu nở da, bung gân trong nồi mà ôn đang canh chừng ngọn lửa (gaz) riu riu cho kịp thời mềm, kịp thời thắm thía gia vị để con thưởng thức tài nấu nướng của ôn về món chân gà mà con rất thích.
Vì gọi là cái chân nên nó phải đi, đi theo lũ lượt người di dân Á Châu để tìm lại chỗ đứng. Để không hề mất dấu mà còn đắc địa hoạnh tài hoạnh phát, gần bằng ngang, cái cánh gà.
Con vốn sinh ra và rồi lớn lên trên vùng đất mới mà sao lại ưng thích cái món ăn xưa cũ của quê mình !.Ôn biết, có quá nhiều người bằng tuổi con hay lớn nhiều tuổi hơn con, nhìn thấy món chân gà đã lắc đầu le lưỡi, nói chi tới chuyện cầm nắm nhâm nhi say mê tới hai, ba dĩa, như con. Nói đâu xa, cậu Đào với dì Út của con đó, chớ hề mà đụng tới ! Mẹ con thì cũng có tham gia trong hội gặm chân gà của đại gia đình mình nhưng không nhiệt tình như con.
Hồi đó, bằng tuổi con rồi lớn lên, ôn cũng thích gặm chân gà. Có điều, chỉ là cặp chân gà luộc. Chỉ là một cặp chân thôi, không có nhiều !
Nay tới đời con thì sung túc hơn, dư thừa hơn. Món chân gà không chỉ đơn thuần là luộc chín mà có thêm gia vị, chưng nấu công phu nhiều cặp ( không phải duy nhất một cặp) chân gà mập ú no tròn ( đâu có phải gầy guộc da xương) để cho con có món ngon mà tận hưởng.
Vậy là Ôn với con tâm đắc cái món gặm chân gà !
Đã coi như là người tâm đắc thì ôn phải trọn tình cho xứng.
Món chân gà này ôn đã dày công nghiên cứu sách vở, ra công thực hiện nhiều lần tới nỗi bỏng cả da, tê cả lưỡi. Cuối cùng, đã thành công.
Dịp cuối tuần, cả mấy gia đình tụ họp đông đủ, ôn có dành riêng cho con món chân gà. Mắt con sáng rỡ, miệng con cười vui, tay con (không run nghe) cầm cái chân gà, gặm rất ngon lành...
Ngon lắm hay sao mà chúm miệng mút tới từng miếng xương nhỏ. Chắc là gia vị đã thấm đậm rồi đó !
Có món chân gà được mọi người trong nhà công nhận đã thành công không thua nhà hàng rồi thì con đừng có mè nheo mẹ dẫn ra nhà hàng làm chi cho tốn hao. Cứ tới đây .
Tới đây, hai ôn cháu mình tâm đắc, gặm...
Chiều nay, bà Ngoại đưa một dĩa chân gà ú nụ ( do tự tay ông nấu, tay bà chỉ đưa thôi) cho mẹ Kuno, dặn dò khi muốn ăn phải hấp lại, đừng đun nóng microway.
Ra cửa, Kuno ôm hôn ôn, rồi quay qua hỏi mẹ :” Có chân gà không?”.
Ôn nghe ra, thấm ý, bỗng bật cười Kiều Phong. Tâm đắc. Ha ha ha. Thiệt là tâm đắc!.

Do từ câu hỏi mẹ mà ôn ngẫu hứng!
Đêm khuya, ngồi viết một mạch tản mạn chân gà....

Hiên Trăng xưa
Đêm 07/03/10

tháng 3 05, 2010

CHUYỆN XÓM QUÊ


Xóm nghèo mình xưa thôi xin đừng về
về lại buồn thêm trong Thơ, Văn anh
anh tả cảnh Xóm Làng mình muôn vẻ
khiến lòng em đau xót quá chừng chừng

Xóm bây giờ em cứ tưởng người dưng
bởi thoáng đó đã hóa thành xa lạ
người Xóm cũ đã lạc đường muôn ngã
để người xa tìm tới ở...buồn ghê !

em ở lại đây chỉ nói anh nghe
không có ai buồn hơn em nữa đó !
bởi anh biết khi ngày xưa ngày nhỏ
em lớn lên thì Xóm đã mồ côi !

nhà em ở cũng mồ côi thấy tội
bởi chung quanh nhà gạch ngói xây lầu
nghĩa hàng xóm đã ngăn che phên giậu
đâu như hồi nào nương dựa tình nhau

có phải không anh, từ cuộc bể dâu
nên Xóm cũ cũng thay hình đổi dạng
lớp trẻ ra đi lớp già chạng vạng
rủ nhau nương hương khói sầu nhiễu nhương

đọc thơ văn anh em quá đỗi buồn
tha thiết một thời tình Làng nghĩa Xóm
chuyện anh kể lúc em chưa kịp lớn
nay lớn rồi thương lắm chuyện hồi xưa...

mấy ngả đường bùn trơn đâu còn nữa
sân đình xưa Trăng sáng cũng lạc rồi
nay phố thị mọc lên giành mất lối
anh có về chắc không nhận ra nhau

anh có về cũng người xa mất dấu
lại phụ phàng câu chữ với thơ văn
thôi đừng về để anh còn sâu đậm
trong thơ văn kể chuyện Xóm quê mình...

03/2010

SON PHẤN RA GIÊNG


ra Giêng rồi tôi vẫn cảm chưa bưa
em son phấn thơm lừng hương ngày Tết
khiến đời tôi cứ giữ làm kỷ niệm
lâu hung rồi soi lại thấy ưng ghê

cái nét duyên mát lòng tôi muốn ghé
có chìu tôi hay tình ngoảnh mặt lơ
đừng để tôi ngày tháng hóa ngu ngơ
vời áo giai nhân chín mùi nỗi nhớ

thương tôi chắc tình yêu em không nỡ
thêm hồn tôi gởi hết ở trong Thơ
em của hồi xưa áo trắng mộng mơ
đến với tôi từ câu Thơ dẫn lối

Thơ tôi viết cũng như thay lời nói
em đọc Thơ tôi thầm nói thay lời
câu nói tình yêu đời thường bối rối
nhờ lời Thơ mà ghé được hôm mai

ghé lại thôi vậy mà thèm ở mãi
để rồi thương với nhớ trộn đều nhau
như áo bay ngày nào đó qua cầu
lời em nói hay lời ca dao nói

ra Giêng rồi mắt tình tôi chưa mỏi
ngó em hoài cứ ngó miết trăm năm
em giai nhân đâu dựa màu son phấn
chỉ dựa tình tôi từ buổi tình cờ

chỉ tình cờ như là một câu Thơ
bất chợt đến rồi ở hoài ở mãi
ra Giêng rồi mà muốn còn ở lại
để được nhìn em buổi sáng đầu năm...

mùa Giêng 2010

tháng 3 02, 2010

HÌNH ẢNH


( bên trái ) là cô Út. ( bên phải ) là cô Ba.
cũng là con của Ba. một nhà là một nhà.
( tự nhiên, bỗng nhớ, hai con. Ba lên Hình Ảnh, để ngồi ngó hai đứa bây [giữa đêm khuya, phòng Văn ngồi viết truyện, thơ một mình ]. Nếu không ưng thì mai Ba đề-lét. Có sao đâu !