tháng 2 04, 2008



MẬU TÝ 2008
Mến chúc
quý độc giả và bằng hữu
một năm
tràn đầy sức khỏe,
cuộc sống được bình an,
trọn vẹn mọi điều mong ước






gởi đến quý vị món quà đầu năm mới
qua những dòng thơ văn gọi ngày xuân
quê nhà

ĐÓN XUÂN




ly rượu mừng Xuân mới
xin chia cùng bạn bè
xin chia cùng hiền nội
xin chia người xa quê

chia ké nỗi nhớ về
đau lòng người ly xứ
cũng tại đời dâu bể
mượn tình quê theo Thơ

trăm sầu theo nỗi nhớ
không khí Tết quê nhà
giữa lạc đường cơ nhỡ
chỉ còn là xót xa

sáng nay, rớt, cành hoa
ngó theo mà bỡ ngỡ
đâu phải cánh hoa Mai
có một thời thương nhớ !

một thời đi không nỡ
một thời nhớ không phai
dẫu lâu rồi vẫn ngỡ
như là mới quanh đây !

quê nhà, ôi, tháng Chạp
chờ đợi đón giao thừa
quê người qua Giêng, Hai
vẫn nhập dòng xa lộ…

Escondido, đêm cuối năm

THƠ XUÂN GỞI BẠN


gởi Hà Mai Khuê :
từ dạo bạn về Đình Đa Cát
đến nổi chi gió trượt mây ngàn !
Trăng vẫn còn Trăng, đêm Đà Lạt
Oceanside, gần đó, mà xa.......





Bạn ngồi đây, mình kể chuyện đời
Phòng Văn thắp nến cho lãng mạn
hiền nội đun nước pha trà mới
đãi bạn chồng, ngày Xuân, ghé thăm

gởi lại nụ cười tươi roi rói
hai tách trà giữ níu thảo thơm
xin mời bạn nhấp hương đồng nội
trà quê nhà đó ! Bạn hiền ơi !

chỗ ta sương giá Hiên Trăng lạnh
Phòng Văn không thấy dáng Mai, Ðào
Hương Xuân gởi lại trời cố quận
nơi này, đất khách, chỉ qua loa

Bạn đến cùng ta chia nỗi nhớ
nửa phương lưu lạc, nửa quê nhà
trắng đêm tâm sự mừng Xuân mới
giật mình nghe thoáng tiếng gà xa...

bỗng thấy tình Xuân nồng ấm lại
ngỡ như còn ở chốn quê xưa
tiếng gà lạc lõng trời phương lạ
hai ta lạc bước nẻo phong trần !...

Hiên Trăng Brookhurst
mùa Xuân 2002

TÌNH TỰ NGÀY XUÂN




ngày Xuân ta còn ở với Đời
còn miếng thơm lừng hương vị Tết
còn có bên em xin chia với
miếng tận cùng bỏ Chạp qua Giêng

mồng Một nhìn em với dáng riêng
vẻ dáng ngày xưa còn giữ lại
dẫu có Xuân thăm rồi Hạ viếng
Thu vàng Đông lạnh vẫn tình nhau

mồng Hai em nhìn tôi đắm đuối
gừng cay muối mặn giữ nghìn sau
không phải ánh nhìn như hôm mới
mà nét nhìn riêng nghĩa bạc đầu

mồng Ba em nhìn tôi tân khách
như lần chia đuối nụ hôn đầu
em nồng ấm phả đời tôi lạnh
mình níu lòng nhau cuộc bể dâu

từ đó, ôi thiệt thương, từ đó
em miết lòng tôi nghiệt phong trần
nếu thú-đau-thương như mà có
tôi xin là kẻ chấp phù vân

phù vân ! Phù vân ! Đời hữu hạn
cứ chan chung thủy gọi ân tình
đi hết sông mòn rồi biển cạn
vẫn hoài lý lẽ một con tim !

vẫn tìm nhau, đắm đuối, theo nhau
em thèm dĩa gừng-cay-muối-mặn
như buổi mơi nắng no lòng đậu
như buổi chiều mây đón dòng Trăng

như lòng tôi xin em Biển rộng
sóng xô bờ bãi cát vàng em
khi sóng giận gọi mùa gió động
lòng tôi, em giữ nhé ! Bình yên….

Xóm Cát, đêm mồng Một tết Bính Tuất 2006
Đúng 10 giờ 25 phút

ĐÓN XUÂN




miếng mứt không thơm như ngày xưa
hai đứa nhìn nhau cười không muốn nổi
rét ngọt tháng Giêng lén lùa vô cửa
em rùng mình dựa sát vào vai tôi

ngồi vọng giao-thừa quê nhà xa ngái
đường quanh co sông biển nối chập chùng
trái đất tròn vo nỗi buồn xoắn lại
nghĩ nhớ hoài mà không thấy quê chung

chỉ thấy nét riêng em buồn chi lạ
và tôi đây thỉ có khác gì đâu !
con mắt đỏ hoe khiến lòng ẻo lả
mùa Xuân vui ai lại nỡ héo xàu…

dẫu biết vậy mà sao không thể dấu
cữ kiêng chi ba ngày Tết nơi này
cứ để nỗi buồn đầu năm xông đất
đất nhà mình đau phải ở nơi đây !

ở cuối chân mây ngóng hoài mỏi cổ
thương đến não lòng, nhớ đến xót xa
mới đây thôi, giờ đã là hương cố
nghe thảm thương phiền dỗi đến cỡ nào !

em biết không, bên nhà, giờ cuối Chạp
Trời dợm mình thè thẹ bước qua Xuân
Mình ở đây dường như con Én lạc
Chưa lượn vòng đã mỏn Giêng – Hai !...

XUÂN NÀY DỌC LẠI BÀI THƠ CŨ


gởi Bồ Câu Trắng

tình cờ lật lại trang thơ cũ
giấy lỏng bìa quăn theo tháng năm
nét chữ học trò phai dấu mực
bài Thơ tôi viết dịp đầu Xuân

bài Thơ viết tặng em, ngày ấy
từ một mùa Xuân tuổi học trò
dẫu chỉ mấy câu thôi, rất ngắn
mà sao đọc mãi vẫn chưa xong !

mỗi câu như kéo thời gian lại
lòng cứ bâng khuâng gởi nhớ về
chút tình lãng mạn thời thơ dại
lần lựa theo cùng nỗi nhớ em

tôi nhớ, như in, đường xóm nhỏ
có gốc Mai gà cỗi tháng, năm
mỗi độ Xuân về hoa rộ nở
xôn xao cánh Én đã gọi bầy

quỳ hương cuối Chạp chưa tàn hết
vàng lối về qua dốc Tuệ Quang
cái nắng hanh se mang hương Tết
trải dài theo đồi cỏ Mai Anh

nhà em, hồi đó, đầu con dốc
đối diện hàng Mai cuối sân Chùa
cạnh con đường dốc vào núi Trọc
gần bên bãi đậu bến xe Lam

tôi viết bài Thơ này, tôi nhớ
năm em còn học Bùi thị Xuân
hai đứa cùng chung đường Xóm nhỏ
chung cái nôn nao, cái liếc thầm

buổi hẹn đầu tiên đường Hải Thượng
đông vui vào dịp đón Xuân về
thiên hạ đổ dồn ra phố lớn
tụi mình thầm lặng một trời riêng

tà áo xanh giữa mùa Xuân thắm
quấn quít đùa theo gió Đồi Cù
tiếng pháo rộn ràng khu Mả Thánh
miếng mứt gừng cay ngọt cắn đôi

trầm hương khói quyện trời xanh ngắt
em đứng thành tâm khấn nguyện thầm
quẻ xăm Thượng Thượng chùa Linh Gíac
rộn tiếng cười vui ngày đầu năm

kịp lúc đưa em về Xóm nhỏ
chỉ còn đơn lẻ một mình tôi
đêm ấy, bên đèn khuya đối bóng
tôi viết bài Thơ, rất ngắn lời

là tình tôi đó, em yêu dấu
dẫu ngắn, dài chi cũng mặc lòng
bởi vì Thơ viết lời chân thật
bằng trái tim và, nỗi nhớ mong

bài Thơ tôi viết thời trai trẻ
lời thơ vụng dại tuổi học trò
cũng đủ cho lòng em xao xuyến
theo tôi từ ấy đến bây giờ

Xuân này, đọc lại bài Thơ cũ
ngỡ mình trở lại tuổi đôi mươi
dấu vết thời gian tràn mưa lũ
chuyện xưa mà tưởng mới đây thôi !

em ơi ! Ngày ấy bài Thơ ngắn
giờ đây tôi lại tiếp thêm vần
nối thêm kỷ niệm đời lưu lạc
vui buồn cùng đọc ngày đầu Xuân…

San Diego, đầu năm 2001

tháng 2 03, 2008

HƯƠNG XUÂN CÒN Ở CHƯA ĐI




con chim Én đã gọi bầy tha thiết
trời vào Xuân da diết nhớ thương quê
ở bên này đã mỏn hết tháng Giêng
khi ở quê nhà đang chờ đón Tết

trời rét ngọt y như là cuối Chạp
mình co ro đi giứa phố, thiệt buồn
con phố thường quen, giờ sao thấy lạ
hay tại đời mình quá đỗi nhiễu nhương !

sông nhánh nào chia nỗi buồn muôn dặm
để quê hương càng lúc lại càng xa
nghĩ tới Tết nên chi lòng nhớ lắm
cách gì đây mà níu lấy cho gần !

em cũng vậy, cũng buồn lây tháng Chạp
giú một mình không chia sớt cho tôi
con mắt đỏ hoe, nụ cười thấy lạ
để mùa Xuân xa lạc cả đất trời !

tháng Giêng đây mà quê nhà tháng Chạp
phải rồi em, tháng Chạp rộ quỳ hương
đường Xóm nhỏ giữ tình tôi níu lại
nay xa rồi càng nhớ, càng thương !

chẳng trách sao em nhớ một con đường
ba ngày Tết quyện theo từng bước nhỏ
tháng, năm xa hương Xuân còn thắm đượm
sợi khói tinh hun con mắt đỏ hoe !

về răng được bởi đường xa vạn dặm
tiếng chim kêu vượn hú đến não lòng
thôi, ở đây ngó đất trời xa lạ
ngó đời nhau cho nhẹ bớt nỗi buồn !...

THƠ BẠN QUÊ HƯƠNG


gởi Đạt, còn ở quê nhà

Ðạt vẫn còn ở lại quê nhà
vẫn cần cù ôm trời bám đất
hai mắt mờ từ cơn sốt vàng da
chân khập khiễng thuở phá rừng làm rẫy

còn người mẹ già mé bờ trăm tuổi
nằm cô đơn chờ đợi chuyến đi xa
“ thọ như Ðông Hải phước tợ Nam Sơn”
câu chúc tụng đã thuộc về dĩ vãng !

có người vợ là nữ sinh Ðồng Khánh
phải lòng anh lính trận Tết Mậu Thân
tóc thề xưa dâu bể lạc Hoàng thành
lòng Tôn nữ trải mưa dầm nắng hạn

hai đứa con lớn lên từ khoai sắn
theo nghề cha cũng bám đất ôm trời
chúng chưa thấu quê hương thời lửa đạn
chỉ thấy quê hương sao mãi đói nghèo !

Ðạt không nói về mình, không nói
buổi tan hàng đời ly loạn tứ phương
tình huynh đệ níu lòng nhau đau nhói
trời quê hương vần vũ cuộc nhiễu nhương

Ðạt ở lại ôm trời bám đất
về vùng cao cầu thoát-hiểm-mưu-sinh
nhát cuốc xắn đôi nỗi buồn chiến trận
lên vồng khoai như đắp mộ đời mình

chiều tím núi thường lai-rai-ba-sợi
bập điếu thuốc rê nhìn khói nhớ bạn bè
đứa ở phương Ðông đứa lạc phương Ðoài
đứa nằm xuống ngao du cùng giun dế !

biết lòng ta còn thơm mùi đồng nội
bạn gởi thư thăm và chúc mừng Xuân
chữ viết run run xem chừng đã oải
lòng ta đây bỗng chợt quá bâng khuâng

mấy mươi năm dâu bể lạc phong trần
ta với bạn lạc nhau từ dạo ấy
lỡ thời thế theo dòng trôi lận đận
khác chi nhau chỉ là kiếp trâu cày !

bạn cuốc đất thuê cuộc đời cơm áo
ta nhọc nhằn trang trải những tiện nghi
cuộc văn minh khiến đời thêm điên đảo
ghét cái câu “ăn theo thuở ở theo thì “

thương người bạn một thời chia lửa
và nưả đời sau cách núi ngăn sông
đọc dòng thơ sao mắt kính lại nhòa
lòng xơ xác giữa trời cao đất rộng !

Ðạt bây giờ còn ở quê nhà
uống rượu một mình nhớ người bạn cũ
nhả khói thuốc tựa phù vân lảng đảng
níu mùa Xuân tìm dấu vết ngày xưa...

những ngày chờ đón Tết 2004

XUÂN TÌNH





khi con Én đã gọi bầy
em son phấn cũng gọi ngày vào Xuân
bỏ mùa Đông lại bâng khuâng
ôm chầm hương Tết cho gần nhau thêm

đường chiều trải nắng em về
gót hài thêu rớt bên thềm rêu phong
kể từ buổi lạc theo dòng
bể dâu, em, cứ một lòng theo tôi

áo cơm vướng bận bên đời
em ngày xưa vẫn mặn lời yêu thương
như gừng cay đã tới đường
dẽo thơm hương Tết dặm trường nổi trôi

tới đây, cuối đất cùng trời
gừng cay muối mặn giữ lời ngày xưa…

11/06

MÙA XUÂN NHỚ VỀ



Nhủ lòng đừng nhớ đừng quên
Mà quên một nửa nhớ thêm một phần



mùa Xuân mình lại lạc phố đông
thành phố mù sương một thời son trẻ
Nắng, một thời, cũng tơ mềm dịu nhẹ
và Mây, một thời, nõn dấu hài thêu
con Én lượn theo đường bay yểu điệu
gọi mùa Xuân về cho tôi và em
cho buổi hẹn hò qua những lối quen
giữa phố đông vui người qua kẻ lại
Em son phấn mượt mà thời con gái
để lòng tôi ngơ ngẩn mấy ngày Xuân
miếng mứt gừng cay gợi nỗi bâng khuâng
hương tóc rối lạc gió chiều Ðàlạt
đường Xóm nhỏ quyện trầm hương thơm ngát
tiếng chuông khua trống rộn buổi Hội Ðình
mình tìm nhau đầu con dốc Hòa Bình
níu giữ đời nhau từ mùa Xuân đó...



Em Ðàlạt mắt hiền ngoan dáng nhỏ
gót hài thêu qua mấy nẻo xuân tình
tà áo xanh chia sợi nắng lung linh
Ðàlạt, nơi tôi có nhiều nỗi nhớ
nơi kỷ niệm hằn sâu từng dốc phố
giữ tình tôi nồng ấm những mùa Xuân



nay lạc phố đông xa trời cố quận
tháng Giêng Hai ôm cái rét quê người
những mùa Xuân còn giữ lại bên đời
không đủ ấm nỗi lòng người ly xứ
con Én lạc đường bay về chốn cũ
mình lạc đường mất dấu biết tìm đâu !
cách núi ngăn sông quá nửa địa cầu
đời vay mượn cho qua ngày đoạn tháng
tháng Giêng Hai giờ quê nhà cuối Chạp
đã màu mây hồng phấn nụ Mai, Ðào
đã rộn lòng chờ đón Tết nôn nao
chẳng phải như đây trời xa đất lạ
có gì đâu mà đợi đón mùa Xuân !
cũng chỉ mỗi ngày đuổi rượt thời gian
tận tuyệt một đời vẫn còn rượt đuổi

mai xuống phố đông người xuôi kẻ ngược
dành cho nhau hào phóng chút thời gian
dẫu ở bên này đã mỏn Giêng Hai
nhưng em ạ, quê nhà đang đón Tết...

tháng 2 02, 2008

ĐÊM TRỪ TỊCH
















lòng đau nhớ quê hương
đêm rực tình nhớ Tết
ngấn đèn cầy chưa hết
còn đọng dòng quê xa !

ngó mãi vẫn chưa ra
dấu quê nhà thăm thẳm
giá Đông dài muôn dặm
trải đường lá Phong rơi !

lon beer mùi quê mới
khói thuốc vòng quê xa
từ khăn gói gió đưa
lạc đường qua chốn lạ !

sớm, còn nơi chung chạ
chiều, lạc chốn lạ lùng
một đời còn lúng túng
chưa ấm chỗ nương thân !

nay, nói về mùa Xuân
thiệt, vô cùng bối rối
quê nhà ngày Tết tới
quê người lá Phong rơi !

đêm trải lòng mong đợi
nghe tiếng pháo giao thừa
chỉ nghe thêm, tiếng nữa
giọt sương dài, bên hiên !...

xóm Cát,Escondido tháng 12/05

TÌNH XUÂN THƠM DẼO NẾP QUÊ HƯƠNG



mai anh hẹn qua nhà em gói bánh
mượn ngày Xuân để nhìn ngắm Nàng Xuân
Cha cứ hỏi thăm dò lời quanh quẩn
anh trình thưa, qua gói bánh, vậy thôi !

ý lòng anh thương cả chỗ em ngồi
lá chuối xanh bọc trắng ngần hạt nếp
tình yêu anh thủy chung là như thế
một chỗ ngồi thầm nhìn, liếc, gởi trao…

em thẹn thùng quấn vòng từng sợi lạt
đường quanh co không ngay lối thẳng hàng
đòn bánh Tết vô tình không chắc, nạc
bởi tình em, sợi buộc riết, tình anh !

Cha nhìn, ngắm rồi chê từng đòn bánh
vo không đều không chắc, buộc không sâu
chỉ có Mẹ, thoáng nụ cười, che dấu
hiểu lòng em, Mẹ có nói gì đâu !

mượn ngày Xuân gói bánh để gần nhau
thương cái rét chiều Xóm nghèo cuối Chạp
thương đôi tay riết đều từng sợi lạt
và chỗ em ngồi, anh cũng thương luôn !

giữ đời nhau thơm dẽo nếp quê hương
bên bếp lửa đượm hương tình, chiều ấy
mỗi độ Xuân về cho anh tìm thấy
dáng quê nhà bình dị quá, ngày xưa !...

dẫu bây giờ đời gội nắng dầm mưa
đôi bàn tay đã nhăn nhầu nếp khổ
sợi lạt tháng ngày rã rời trăm nỗi
anh vẫn còn thương một chỗ em ngồi….

Mai nở Hiên Trăng, Mira Mesa

NGẮM XUÂN




hiên trước đóa Mai nở
ta ngồi ngắm tương tư
khói thuốc vờn tứ xứ
lòng trĩu nặng quê nhà

giú lòng nơi quê lạ
đời ta là viễn phương
sao vẫn còn cứ nương
trời quê hương yêu dấu !

lá rơi buồn mặt chậu
vàng lạnh màu hoa tươi
đừng để mùa Xuân đợi
mênh mang trời quê xa

đời lạc lòng trăm ngả
em níu giùm ngày Xuân
đừng xa nguồn mất dấu
rót thêm một nụ cười !

cảm ơn em, vì Đời
chịu tô-hồng-chuốc-lục
cố khơi trong gạn đục
dành cho ta – ngắm Xuân…

đầu năm Ất Dậu 2005
hiên Trăng Escondido

CHƯA CÓ MÙA XUÂN



Năm nay trời thật lạ. Vừa cúng đưa Ông Táo về trời, Ông Trời lại làm mặt giận. Đang nắng đó bỗng rồi vần vũ mây đen, mưa hạt đều từ buổi sáng kéo dài tới trưa. Điệu này còn có thể kéo dài thêm tới chiều, tới tối và cả ngày mai.

Sáng sớm, dì Ba Thanh Hồng của tôi lo điểm phấn tô son. Dì tô đôi môi đỏ chót, kẽ đôi mắt xanh lè. Tiếng nói cuả Dì không còn chua như giấm, đổi tông, ngọt lịm như đường phèn. Nhưng khi đứng ở cửa sổ nhìn ra bầu trời vần vũ mây đen, nghe tiếng mưa bắt đầu nặng hạt trên mái, Dì không nén được, xỉa xói Ông Trời một thôi một đỗi. Phút giây đó, cái nét dịu dàng của người đàn bà biến mất, lại hiện nguyên hình “con hồ ly tinh”, ‘bà chằn lửa”. Đó là những biệt danh mà dì Tư Thanh Cẩm thường gọi dì Ba Thanh Hồng chứ tôi thì làm gì mà dám. Có cho ăn kẹo chocolat hay là xí-muội-muối-đường ( là những món mà tôi rất thích ) tôi cũng chẳng ham. Dì mà nghe được thì chỉ có mà trốn biệt. Dì sẽ ngắt, sẽ véo đau thấu trời xanh. Nhìn mấy móng tay đỏ chói, nhọn hoắt của Dì, tôi muốn phát sốt gây cả người.

Ông bà Ngoại tôi có ba người con gái. Người nào cũng sắc nước hương trời, thiệt là mỗi người mỗi vẻ. Mẹ tôi là chị đầu, mọi người thường gọi là Cô Hai. Cô Hai từ ngày lấy chồng , xuống hạng là Cô Năm, vì Ba tôi là thứ bậc Năm trong gia đình bên Nội. Nhưng mà chỉ xuống hạng thôi chớ mọi thứ đều “có hạng” cả. Vừa đẹp người lại đẹp nết. Hồi nhỏ lễ phép với hết làng, hết xóm. Lớn lên, phong cách sống rất được lòng mọi người. Ăn nói có chừng mực, biết phẩy, biết chấm. Có nghĩa là biết khi nào ngừng, lúc nào phải nói để không phải mếch lòng ai. Đi đứng khoan hòa không vấp phải đá, không quàng phải dây hồi nào. Nói chung, là một người con gái hiền ngoan, sau này cũng vẫn là một người đàn bà đoan trang chừng mực. Nồi nào úp vung đó. Gặp Ba tôi, cũng coi như là xứng đôi vừa lứa. Có điều tính Ông thì nói hơi nhiều, lại ưa pha trò đùa cợt. Ông nhìn cuộc đời với con mắt lạc quan và tấm lòng độ lượng, không muốn vướng bận những lụy phiền. Ông người miền Nam, lưu lạc và sống nhiều năm tại Sàigòn. Ở cái Thôn hẻo lánh miền cao này, ai gặp Ông cũng gọi là ông Năm Sàigòn. Lại ngược đời, gọi Mẹ tôi là Bà Năm Huế ! Nghề chính của Ông từ ngày chưa về ở rể nhà Ông bà Ngoại tôi là đi buôn thuốc Tây. Đủ loại thuốc. Từ nhức đầu sổ mũi cho tới thương hàn nhập lý, sốt rét vàng da, nhác ăn biếng ngủ, cường dương tráng thận v..v..Nửa tháng Ông ghé một lần, giao thuốc, bán thuốc rồi nhận lời ủy thác của mấy gia đình có bệnh nhân nằm chờ thuốc quanh năm suốt tháng. Ông giành giựt thiệt sôi nổi hào hứng với ông Thầy Tàu thường ghé qua bán rao thuốc Bắc, với cả mấy tay giang hồ mãi võ lâu lâu ghé lại chiêng trống ầm trời, nội ngoại công phu đạt tới mức...thượng thừa! Nhưng mà Ông chẳng mất lòng, chẳng gây hận thù vì chuyện làm ăn với đồng nghiệp. Tại vì Ông hiền lắm lại giống Mẹ tôi ở chỗ biết phẩy biết chấm. Lúc nào cần lấn tới, lúc nào phải nhượng bộ. Mà tính Ông hiền thiệt. Củ khoai mà nói củ sắn Ông cũng cười giả lả, không tranh cãi, không đôi co. Nhưng mà nếu tờ giấy bạc mà nói là tờ giấy trơn thì nhất định Ông không chịu, thậm chí còn có phản ứng. Chẳng phải vì Ông mê tiền nhưng chắc là vì thói quen nghề nghiệp. Vả lại, vốn lăn lộn từ hồi nhỏ, cực khổ trăm đường để kiếm sống. Đồng tiền kiếm ra có mồ hôi nước mắt pha chung, nỡ nào mà nói là tờ giấy trơn cho được !...

Từ ngày gặp Mẹ tôi, Ông về ở rể rồi bỏ luôn nghề buôn thuốc, nhận công việc mới Ông bà Ngoại tôi giao. Đó là chăm sóc một vườn hoa Hồng và trông coi một hồ cá rô Phi .Công việc nhàn hạ lại trói buộc bước chân giang hồ có làm cho Ông buồn bực, ít nói hơn, lại không có dịp pha trò đùa cợt cho vui với ai ngoài mấy con cá cứ lượn lờ chờ ăn suốt ngày. Rõ ràng, đôi mắt
giai nhân đã lụy bước anh hùng.Con chim đã vô lồng, con cá đã vào rọ. Mẹ tôi không có lòng chật hẹp, đâu muốn kềm hãm bước chân ai mà tại vì Ông tình nguyện đó thôi!...

Rồi nói tới Dì Tư Thanh Cẩm (còn chuyện dì Ba Thanh Hồng xin tạm gác, nói sau). Chuyện về dì Tư Thanh Cẩm là thể loại chuyện ngắn không phải là chuyện đăng từng kỳ, tràng giang đại hải. Bởi vì cuộc đời của Dì đơn giản, đóng khung lộng kính treo tường ngắm nghía cho qua. Có nghĩa là cuộc đời của Dì không có chi sôi nổi. Điệu này, cũng chỉ rơi vào cái lịch trình soạn sẵn cho một người con gái bình thường. Sinh ra, lớn lên, đi học, biết yêu, lấy chồng, sinh con đẻ cái, già xụ rồi nhắm mắt xuôi tay. Kể ra thì cũng đẹp, cũng là ước mơ chung của người phụ nữ. Nhưng mà, phẳng lặng và bình thản quá cũng... buồn.

Dì ước mơ sau này sẽ là một cô giáo cho nên đang ngồi năm thứ hai Sư Phạm. Mỗi năm về thăm nhà hai lần. Một vào lúc nghỉ Hè và một vào dịp Tết. Tính Dì không giống Mẹ tôi lại càng không giống dì Ba Thanh Hồng. Ai nói sao cũng được, Dì không tranh cãi đôi co. Tròn thì cứ cho nó tròn. Méo thì cứ cho nó méo. Có mất mát gì đâu! Tròn hay méo thì chính tự nó cũng đã có sự thể hiện rồi, tranh cãi làm gì..
Nhưng có một điều hết sức đi ngược với tính tình của Dì.

Ra ngoài thì sao tôi không biết nhưng về tới nhà là giữa Dì Ba và Dì Tư luôn có sự bất đồng. Hai Dì cứ cãi vã nhau từ những chuyện không đâu ra đâu. Nhất là chuyện tình yêu đôi lứa thì như là lửa nước gặp nhau. Một bên thì muốn được hiền hòa phẳng lặng như nước hồ Thu. Một bên thì cứ muốn dậy sóng ba đào, như biển động sông tràn. Mẹ tôi là người ở giữa, cũng đã hết lời can gián, răn đe. Nhưng mà tình yêu thì làm sao mà giải cho ra. Con tim có tiếng nói và có lý lẽ riêng. Tiếng nói của Mẹ tôi cũng chỉ là tiếng kêu đò bến vắng. Mà có tới mười hai bến nước trong nhờ đục chịu chớ có phải ít đâu! Dì Hai( hay là cô Năm Huế ) có nói chi cũng chỉ hoài công, lại mang tiếng khắt khe đa sự....

Được cái dì Tư Thanh Cẩm của tôi rất tốt bụng. Dì ưa giúp đỡ mọi người, thích làm việc xã hội. Vậy mà trong quá khứ có hai lần ốm tương tư phải uống thuốc trợ tim với lại thuốc ngủ. Cũng chẳng phải phẳng lặng như nước hồ Thu đâu! Dậy sóng lắm chớ. Những đợt sóng thầm lặng chết người! Cả hai lần Dì đều bị dì Ba Thanh Hồng tôi sỉ vả đủ điều. Dì Tư cúi đầu lặng thinh không nói một lời. Dì khóc. Càng khóc thì lại càng bị sỉ vả dữ dằn hơn. Rồi cũng xong, cả hai lần đều không vật ngã được Dì. Dì lại đứng lên, tươi cười, ráo hoảnh. Mẹ tôi khen, không phải khen Dì Tư Thanh Cẩm, mà khen dì Ba Thanh Hồng :”Cái con nớ mà hay, hắn dựng đứng mi dậy thiệt là gọn. Ôi chao là tình, phát sợ !”.


Ôi chao là tình, phát sợ! Đó là nói với ai kia, chớ với dì Ba Thanh Hồng của tôi thì thiệt là vô nghĩa. Có chăng là con mắt đa tình của Dì, phát sợ thì có!

Tôi nhớ, hồi đó có chú Quốc Việt năng lui tới nhà.Chú đẹp trai, ăn nói có duyên lại con nhà dư dả. Chú đến nhà để học cách ghép Hồng với Ba tôi. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Mục đích chính là chú thiết tha mong muốn được ghép đời chú vào đời của dì Ba Thanh Hồng. Hồng nào thì cũng là hồng. Đẹp mà lại có gai nữa. Chú biết vậy mà chú không sợ, một phần ỷ lại vào tài ăn nói có duyên và gia đình bạc tiền rủng rỉnh.. Chú siêng học hỏi lắm tới nỗi Ba tôi phát phiền, phát bực. Đi học ghép cây ngồi lê ngồi lết dưới vườn suốt buổi vậy mà chú ăn mặc bảnh bao lại còn xức dầu thơm lựng. Không chịu chăm chú vào mấy cây Hồng mà con mắt cứ láo liêng. Có lần, Ba tôi giận quá, Ông cằn nhằn :” Chú mầy sao mà tối dạ quá chừng vậy? Qua đã chỉ tới cả chục lần là vạt mặt chậu cho khít khao mối ghép mà làm hoài không xong!Chú ý nè, qua dạy một lần nữa nghen. Làm không xong thì đi luôn đừng ghé nữa. Mắc công quá mà!” Sau lần đó, Ba tôi có ý phàn nàn với Mẹ tôi. Bà cười ngất rồi nhỏ to với Ông điều gì đó. Ông khựng người một thoáng rồi cũng cười theo:”Thiệt vậy sao?. Chuyện này nghe cũng ngộ. Thôi, để tui giúp nó một tay. Tui không giận nó nữa Biết lòng dạ nó rồi, ai mà nỡ!”.Nhưng dì Ba Thanh Hồng của tôi không nghĩ vậy. Biết lòng dạ chú Việt rồi mà Dì cứ hành hạ đủ điều. Đụng mặt nhau bất ngờ, mặt Dì lạnh tanh, phớt tỉnh. Dì bắn tiếng, chê chú không hết lời. Thậm chí mỗi lần phải đi ngang qua chỗ chú làm, Dì ngúng ngoảy, vùng vằng khó chịu. Mỗi lần như vậy, chú Việt buồn lắm, ngồi thừ một chỗ không nói, không cười. Ba tôi phải dỗ dành chú như đứa con nít. Dì xé nát trái tim chú ra làm trăm mảnh vá khâu không kịp. Đến nỗi chú phát bịnh, xin phép Ba tôi nghỉ dài hạn, không hẹn ngày “đáo lai nhiệm sở”! Ba tôi buồn, hụt hẩng, ngẩn ngơ. Mẹ tôi buồn, tiếc. Chỉ mấy ngày chú vắng mặt, vườn Hồng xụi lơ, vắng tanh vắng ngắt. Cho tới một lần, tôi ngỡ ngàng hết sức khi nhìn thấy cảnh dì Ba Thanh Hồng ngồi bệt dưới thảm cỏ, khóc muồi mẫn. Mẹ tôi, có vẻ giận, ánh nhìn nghiêm khắc, nói với Dì :”Như vậy chẳng khác gì mi đuổi hắn đi. Mà thiệt, hắn đi rồi đó. Bây chừ có khóc lóc thì giữ được cái chi. Sao hồi nớ mi đanh đá, chanh chua, dữ dằn rứa? Sao không rớt một giọt nước mắt cho mượt mà tươi mát lòng hắn. Để hắn khô héo mỏi mòn. Hắn sợ, hắn bỏ đi là đúng. Thương người ta kiểu nớ là thương ác, chớ thương chi mà thương, cái con chằn lửa”.Rồi nhận thấy mình hơi quá đáng, Mẹ tôi dỗ dành Dì : ” Thôi, nín đi rồi tính liệu trì kéo hắn về. Tình cảm con người cũng rắc rối lắm. Chắc là phải nhờ anh Hai bắn tiếng cho hắn tới. Lần ni, nếu mà hắn có tới thì em phải bấu cho chặt vô đó! Con chằn...”Mẹ tôi ngưng kịp ở chữ cuối. Tôi biết là bà giận lắm nhưng không nỡ nói nặng lời. Chằn lửa hay chằn tinh chi rồi cũng phải lụy tình. Trái tim vẫn còn trần tục. Con mắt vẫn cứ liếc tình. Dì Ba ơi là Dì Ba!

Bẵng đi một thời gian không thấy chú Quốc Việt tới lui chi nữa. Chú đi rồi, mang mối tình thiên thu mà bỏ đi trước khi Ba tôi tới ngỏ lời. Nghe đâu chú bỏ vô Sàigòn chữa cơn bịnh trầm kha rồi mất biệt từ đó. Dương gian chừng quá rộng, mắt lệ giai nhân không níu được bước chân người. Laiï là người mang bệnh tình si. Con chim một lần đau sợ ná. Con cá một lần mắc câu, sợ điếng cái dây. Chắc là chú Việt sợ rằng, nếu một lần trở lại, gặp tính nết trái gió trở trời của Dì tôi lại lậm thêm một lần đau, chắc khó thoát nẻo hồng trần!

Dì Ba tôi thời gian biếng lười son phấn. Biếng nói biếng cười. Ngồi đâu ngồi lì như cục đất. Đứng đâu đứng sững như trời trồng. Nanh vuốt chằn tinh, chằn lửa chi đó hết muốn vồ chụp tới ai. Trạng thái Dì như người bị nhồi máu cơ tim, nhói đau từng chập. Dì rã rời thân xác một thời gian không lâu như mọi người(hay nói cho đúng, như tôi) nghĩ. Lại bắt đầu vươn mình sau giấc ngủ tình si. Giọng nói bắt đầu đổi tông, chanh chua đanh đá. Tiếng cười đã cao cung, rộn rã. Dì lại tươi tắn như hoa. Lại mặn mòi như trách cá bống kho tiêu. Thiệt lạ!

Tôi nhớ, có chú Chung, là sinh viên Văn Khoa, hát hay đờn giỏi. Có tài làm Thơ nên lấy bút hiệu là Quế Sơn. Quế Sơn là một địa danh ở quê chú. Nhưng mà muốn nghĩ là cây quế ở trên núi(hay rừng) như tôi thường hỏi chú, cũng được. Tính chú trầm lặng, có chiều sâu.

Dịp Hè năm đó, chú theo Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện về xây dựng trường lớp ở Thôn tôi. Đoàn chia làm năm nhóm, được phân về ở các nhà trong xóm. Các cô, chú làm việc không có lương bỗng, chỉ có một tấm lòng. Ban ngày quần quật ngoài sân trường. Ban đêm lại tổ chức văn nghệ giúp vui bà con trong xóm. Cây đàn ghi ta cũ mèm và giọng hát truyền cảm của chú Chung đã chinh phục được lòng người. Giấc chiều, cả xóm lao xao. Không ai dặn ai, đều lo cơm nước sớm để kịp ra sân trường coi văn nghệ. Sân khấu lộ thiên trời là mái, đất là sàn. Dàn nhạc chỉ độc một cây đàn của chú Chung. Hai cái muỗng nhôm gõ nhịp theo điệu nhạc của chú Tiến. Hai cái nắp nồi cũ mèm móp méo lấy từ hai cái nồi của Dì Tư cho mượn để Đoàn nấu cơm kho cá hàng ngày. Cái thôn xóm vốn hẻo lánh buồn hiu quanh năm suốt tháng trên miệt rẻo cao đã được đánh thức bởi không khí sinh động của những đêm văn nghệ. Có nhiều lý do để bà con tìm tới. Lý do rõ nhất là không biết làm gì trong khoảng thời gian từ khi mặt trời khuất núi cho tới lúc leo lên giường, phủi cẳng, đánh một giấc đầy đặn để lấy sức ngày mai ra vườn, ra ruộng, ra ao cá,ra đồi trà. Đám thanh niên thanh nữ thì nhất định không chịu bỏ qua giờ phút bằng vàng. Có cô lại thầm son phấn chút đỉnh. Có anh lén chải đầu láng mướt. Đi tìm tình yêu mà! Đâu có thể hời hợt, qua loa được.

Phải công nhận là chú Chung có nhiều tài. Chú hát hay, đàn giỏi, ngâm thơ rất truyền cảm lại ăn nói có duyên. Trong chú, hình như có hai con người trái ngược. Ban ngày, chú thầm lặng ít nói ít cười chỉ lo công việc. Nhưng khi màn đêm buông xuống và khi bước lên sân khấu phục vụ giúp vui bà con, chú hóa thân thành một con người khác. Linh hoạt, nói năng lưu loát, trơn lu như da cá trê. Dưới ánh đèn sân khấu và trong ánh mắt ngưỡng mộ của bà con, chú vươn lên, biến dạng thành một...siêu sao. Tiết mục nào cũng được bà con tán thưởng, vỗ tay la hét om sòm. Và rồi đâm ghiền cái không khí văn nghệ hằng đêm đó! Đến như Ông bà Ngoại tôi sau giờ cơm nước buổi chiều cũng níu tay nhau ra sân trường, sợ trễ. Chỉ có dì Ba Thanh Hồng tôi là vẫn bình thản. Dì lại chê chú Chung đủ điều làm tôi thầm bất mãn. Dì ví chú như một tên hề hạng bét, nói năng chọc cười thiên hạ thiệt vô duyên. Người ta cười là cười cái vô duyên đó chớ có phải cười tán thưởng đâu. Giọng hát chú ngọt ngào như có chất đường mía lau, thanh tao như múi bưởi Thanh Trà vậy mà Dì nỡ chê bai là như vịt đực kêu bầy, chó tru ngựa hí. Dì còn chê chú nhiều điểm nữa và tất nhiên không bao giờ tới sân trường. Mỗi đêm cả nhà chuẩn bị đi coi văn nghệ, Dì rút vô phòng. Có lần Mẹ tôi rủ Dì đi xem thử cho biết, Dì trề môi ngúng nguẩy, lại thốt lời chê bai. Tôi đâm giận và tự nhiên ghét Dì hết sức!

Rồi cũng tới lúc công việc xây dựng trường lớp hoàn tất. Chuyện chia ly đã tới cận kề. Đêm cuối cùng trình diễn văn nghệ để ngày mai Đoàn lên đường về lại Sàigòn, bà con nườm nượp kéo tới sân trường đông như ngày hội. Hai tiếng chia ly đã là một động lực vô hình để mọi người cùng xích lại gần nhau. Đêm đó, chú Chung đã để lại trong lòng bà con một niềm cảm xúc dạt dào. Tiếng đàn như nức nở nghẹn ngào. Tiếng hát như có một âm điệu ray rức xốn xang. Tôi buồn lắm.

Đêm văn nghệ đã chấm dứt một đỗi lâu, bà con lục đục kéo nhau ra về, tôi vẫn còn ngẩn ngơ đứng lại. Tự nhiên tôi muốn gặp chú Chung. Muốn nói với chú một lời dẫu ngắn để mai chú về lại Sàigòn xa tít tắp, chú còn giữ lại chút gì để nhớ đến tôi, thằng bé đầu trần chân đất trong cái xóm hẻo lánh miệt cao này. Vậy là tôi quyết định một mình đến nơi chú ở trọ.
Qua khỏi đồi trà của Ông bà Ngoại bắt đầu rẽ vào con đường nhỏ um tùm những bụi sim dại, tôi bỗng nghe tiếng nói thầm thì, rồi có tiếng khóc. Động tính hiếu kỳ, tôi khom người len lén đi về hướng có những lùm bụi um tùm nhất. Dưới ánh trăng mờ nhạt, tôi giật thót người khi thấy chú Chung. Đúng là chú Chung. Chú đang ngồi yên lặng trầm ngâm, tay chú cầm cuốn sách, tay kia chú vòng qua ôm vai một người con gái, đang gục đầu vào vai chú. Tim tôi đập thình thịch, cố rúm người cho nhỏ hơn, hai mắt nhìn chăm chăm vào người con gái đang gục đầu trên vai chú. Tiếng khóc đè nén như tiếng người nấc cục, rồi tôi nghe tiếng nói :” Mai anh về lo xong việc nhớ trở lại thăm em.Đừng bắt em chờ, em .....”. Tôi giật bắn người, ngã ngửa về phía sau. Mồ hôi tự nhiên toát ra, nóng ran cả người. Không còn kịp suy nghĩ, tôi cố sức ngồi bật dậy rồi vọt thẳng ra con đường lớn phía trước. Tiếng nói đó cứ đuổi quấn chân tôi, loạng choạng theo những bước chạy ngả nghiêng xiêu vẹo. Không, tôi không thể nghe lầm được. Chắc chắn là tôi không nghe lầm. Đó chính là giọng nói của Dì Ba. Dì Ba Thanh Hồng của tôi đó....

Buổi sáng Đoàn lên đường thật sớm. Xế chiều, anh Tư Sa chuyên nghề đi buôn trà chuyến trở về, vô tình thuật lại một chuyện rất thương tâm. Có chiếc xe đò xuống đèo Chuối, do vì bánh trước nổ bất ngờ, tài xế mất bình tỉnh không kềm được tay lái nên chiếc xe đã lao xuống vực sâu. Trên xe có một số hành khách và Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện vừa xong công tác trở về. Bà con ngơ ngác, xôn xao bàn tán. Tin tức loan truyền nhanh từ đầu trên xóm dưới. Tôi nghe choáng váng. Dì Ba Thanh Hồng thì ngả người, bất tỉnh.

Dì hoảng loạn tinh thần, rũ buồn, ngơ ngác. Mặt phấn môi son trở màu xanh lét. Ông bà Ngoại tôi lo lắng, thuốc thang chạy chữa cho Dì. Nhưng chỉ có mình tôi biết chắc là chẳng có thuốc nào mà chạy chữa cho được căn bệnh trầm kha đó. Chỉ còn nước chờ thời gian.

Mà thiệt. Chỉ một thời gian cũng không lâu lắm, Dì lấy lại được tiếng cười. Như loài gấu ngủ đông trở mình thức giấc khi mùa Xuân ấm áp trở về, Dì trở lại hồng hào tươi tắn. Lại tô son nhồi phấn. Lại vẫn cứ là dì Ba Thanh Hồng!


Và Dì Ba của tôi cứ chơi vơi trong những cuộc tình lãng đãng không biết cho tới lúc nào!

Sáng nay, Dì đi ra, đi vô, đứng lên, ngồi xuống. Mưa ngoài trời hạt đều, trắng xóa đồi trà, ướt đẫm mấy cụm cúc đơn đang nụ trước sân nhà. Tôi ngồi thu người trong góc sofa, cầm cuốn sách hình chăm chú. Nhưng thật ra, tôi có thấy gì đâu! Tôi đang lén theo dõi từng cử động của Dì. Dì đi quanh phòng dễ cũng mâý mươi lượt. Những bước chân khi thì nhẹ nhàng, êm ái. Khi thì cuồng nộ hung hăng như muốn chụp vồ, băm vằm xé vụn ai đó, nếu mà vô phúc Dì chụp được. Những lúc đó, tôi nín thở, cố thu người cho thiệt nhỏ lại. Rõ ràng là Dì có vụt đi qua trước mặt tôi rất nhiều lần, như bão như dông, nhưng mà Dì không biết, không thấy, không nghe. Khuôn mặt Dì diễn tả hết tình cảm hỉ, nộ, ái, ố qua từng bước chân mau, chậm, nhẹ nhàng. Cuối cùng, Dì ra đứng bên cửa sổ, mơ màng nhìn ra màn mưa. Những giọt mưa trái mùa đan chéo như chừng muốn kéo ngược thời gian trở lại mùa mưa dai dẳng thảm sầu vừa mới qua đi. Qua từ khi con én gọi bầy. Mùa Xuân đã dợm bước xuống dương gian đem sức sống tràn đầy cho cỏ cây hoa lá và cho cả con người. Vậy mà cơn mưa trái trời chi mà ác, để tội Dì Ba tôi đi đứng không yên, bồn chồn ray rức. Tôi biết Dì đang đợi một người : chú Đông. Trọng Đông. Người-tình-trăm-năm của Dì. Đó là lời Mẹ tôi thường nói đùa mỗi khi nhắc tới chú Đông trước mặt Dì và khi Dì đang vui. Cuộc đời tình ái của Dì đúng như lời ông thầy bói mù thường ghé qua xóm, tiên đoán là gian truân khổ nạn. Dì nhứt định không tin điều đó và ghét cay ghét đắng ông thầy bói mù. Tôi biết, đó chẳng qua chỉ là một sự phản kháng che lấp sự tin tưởng của mình. Sau cái vụ chú Chung, tưởng là trái tim nóng bỏng của Dì trúng nước, lạnh lẽo để rồi nằm yên thoi thóp cầm chừng. Nhưng không, vẫn âm ỉ nóng ran, vẫn giữ đều nhịp đập theo những cuộc tình, thiệt đúng như lời ông thầy bói mù tiên đoán, đầy khổ nạn. Tôi nhớ tới chú Hành, chú Nam rồi chú Tính. Mỗi người một vẻ dáng riêng, đi vào đời Dì mà không hề ngừng lại. Ở mỗi người, Dì đã rớt nhiều nước mắt và gởi lại nhiều thương đau. Dì quỵ xuống nhiều lần thê thảm rồi lại đứng lên nhiều lần để tiếp tục những bước đi cho trọn đời con gái. Ở mỗi bước đi còn giữ lại nhiều nếp nhăn hằn sâu cằn cỗi. Cho tới lúc Dì Tư Thanh Cẩm của tôi đã có chồng con thì Dì Ba tôi cảm thấy mình quá chậm. Như con rùa, thua chị thua em. Thầm kín trong lòng người con gái nào chẳng mong ước có một bến nước, cho dù là trong đục. Bây giờ, rõ ràng Dì không còn hơi sức đâu mà cãi tay đôi với dì Ba Thanh Cẩm tôi về chuyện tình yêu nữa! Chắc là mệt mỏi và đuối lắm rồi! Và, Dì chọn chú Đông. Ông bà Ngoại tôi có ý không ưng, chê chú làm nghề thợ may suốt đời ngồi ăn vải. Con mắt suốt ngày nhìn đường kim mũi chỉ, e lòng dạ cũng nhỏ nhoi vậy thôi! Nhưng mà Dì đã chọn chú Đông rồi, có đưa chú Xuân hay chú Hạ, chú Thu thì Dì cũng bĩu môi.

Mà cũng tại vì cơn mưa trái trời mà chú Đông bị Dì tôi rủa tơi bời! Tới khi Dì quyết định không đi tới đi lui đi qua đi lại nữa, ngúng ngoảy xuống bếp xắn tay phụ với Mẹ tôi và dì Tư Thanh Cẩm làm mứt món, thì ông Trời đổi sắc. Tiếng mưa thưa dần rồi ngưng đành đoạn. Nắng hửng lên, bất ngờ, như là trò ảo thuật. Nắng trải thảm, vàng hoe dọc cả đồi trà. Mây đen rã đám trôi giạt về hướng núi. Trời ráo hoảnh, trong xanh. Dì vừa cầm con dao định băm vằm mấy củ cải làm dưa món cho hả cơn nóng giận, bỗng khựng lại, lắng nghe.Rồi Dì nghiêng người nhìn qua cửa sổ, gương mặt rạng rỡ nụ cười. Bỏ vội con dao lăn lóc tội nghiệp trên bàn, Dì vội vã đi lên phòng khách. Nỗi háo hức, chờ mong không che dấu của Dì làm cho tôi thấy thương cảm thật lòng. Tôi biết, sâu lắng trong lòng, Dì không dấu được những đợt sóng tình cuồn cuộng và háo hức một nơi chốn tìm về bến đổ. Dì đâu còn trẻ nữa! Đâu còn sức chịu đựng những nghiệt ngã của định mệnh cứ dồn dập ập lên đời Dì. Đã bắt đầu quơ quào bắt với một điểm nương tựa cho yên thân đời con gái. Và Dì túm được chú Đông. Có mà Trời gầm, cũng không nhả!

Con én lượn vòng gọi Xuân dưới trời nắng ráo, Dì khe khẽ hát. Có tiếng con chim sẻ nhảy chuyền líu lo phụ họa. Mùa Xuân đã về rồi, giữa đất trời bao la và trong cả lòng Dì. Dì chăm chú sửa lại bình hoa trên bàn, cao hứng hát thêm một đoạn nhạc Xuân. Vẫn không quay người lại, Dì nói, như đang nói vơí mấy đóa hoa hồng :
- Thôi, đủ rồi nghe con! Đứng lên rồi đi đâu đó giùm một chút. Biết lát nữa Dì có khách không? Cứ ngồi đó dòm ngó hoài không biết dị
Tôi giật nẩy người, vội đứng lên, chuồn lẹ xuống bếp.

Cả nhà đang quây quần lo nấu nướng chuẩn bị tất niên. Năm nào cũng vậy, cứ sau khi đưa Ông Táo về Trời, Ông bà Ngoại tôi vẫn cúng tất niên sớm hơn mọi nhà. Không khí Xuân làm rộn ràng lòng người. Cả nhà đều hội về đông đủ, tiếng nói cười, đùa giỡn náo nhiệt hẳn lên. Thiếu tiếng cười của Dì Ba Thanh Hồng. Nhưng tôi biết, lát nữa đây khi chú Trọng Đông tới, tiếng cười của Dì rồi sẽ át cả tiếng cười của mọi người.
Rõ ràng, chú Đông là mùa Xuân của Dì.

Trời gần xế chiều, khi cả nhà đã chuẩn bị xong mọi việc, Dì Ba tôi bắt đầu mất bình tỉnh. Tiếng hát ngưng ngang. Cả nhà biết ý, cố đi đứng nhẹ nhàng, nói thì thầm, cười nén tiếng. Đám con nít bị xua ra vườn sau.

Bỗng nhiên có tiếng rộn ràng ngoài cổng. Mọi người nhìn ra thấy anh Tân, người làm công cho ông bà Ngoại tôi, mặt mày hớt hơ hớt hãi chạy tuốt vô sân nhà. Dì Ba tôi vội vàng mở cửa phòng khách vụt ùa ra. Hai người trao đổi với nhau điều gì đó,rồi tôi thấy Dì Ba chạy ra cổng. Dì vấp té nhiều lần rồi cố gượng đứng lên, loạng choạng chạy tiếp.

Cả nhà vội xúm quanh anh Tân, rụng rời khi biết chú Đông vừa được đưa vào bệnh viện cấp cứu.Do trời mưa đường trơn trợt, chiếc Honda khi xuống dốc bị đưa ngang, quăng chú ngả dập đầu xuống mặt đường, bất tỉnh...

Từ ngày chú Đông xuất viện, chú trở nên ngơ ngẩn thất thần, khi tĩnh khi mơ. Dì tôi tình nguyện rước chú về nhà để chăm sóc. Dì tự coi đó là trách nhiệm và bổn phận.
Cuộc sống của Dì cũng đột nhiên thay đổi hoàn toàn. Dì trở nên nghiêm trang, thầm lặng như một cái bóng. Biếng nói, biếng cười và chẳng màng se sua chải chuốt. Dì đã tự nguyện đem cuộc đời mình vào nếp sống khổ hạnh. Lo làm việc xã hội và thường giúp đỡ mọi người. Trái tim Dì đã không còn háo hức, vồ vập cho riêng mình những đam mê khát vọng mà dàn trải cho hết thảy mọi người. Dì vẫn còn nét đẹp não nùng để còn có nhiều Dượng phải lụy tình, nhưng Dì đâu có đoái hoài và tơ tưởng gì nữa ! Hàng năm, Dì có năm ngày để cúng giỗ, không hề xao lãng. Mỗi lần như vậy, Dì ngồi thầm lặng trong khói hương lảng đãng, lặng lẽ để cho những giọt nước mắt tha hồ rơi ướt đầm những cuộc tình và những khuôn mặt người tình bất hạnh đã từng ngừng lại, đi qua trong đời Dì… Sau đó, Dì dành nhiều thời giờ để chăm sóc chú Đông, coi như đó là niềm vui trong cuộc sống.
Chú Đông suốt ngày đi thơ thẩn trong vườn, nói năng lảm nhảm. Có một điều rất lạ là chú thương thừa lúc Dì bận rộn công chuyện, lén bỏ nhà đi dọc theo con đường cũ. Chú vừa đi vừa mếu máo như đứa con nít. Mắt láo liêng tìm kiếm hai bên đường, chẳng thèm để ý đến xe cộ hay người qua kẻ lại. Mỗi lần đi tìm chú, đem chú về thiệt là khổ. Chú trì kéo, nhất định không chịu về, mắt cứ nhìn quanh, tay chỉ trỏ lung tung, miệng lảm nhảm những điều gì đó, không ai nghe rõ. Anh Tân, có lần, sực nhớ, nói với Dì tôi : “Cô Ba, như vậy là Cậu đi tìm bó hoa Hồng đó ! Tui nhớ, lúc đó có một bó hoa Hồng lớn lắm. Nó nằm bên lề đường, cạnh chiếc Honda. Chắc là Cậu mua bó hoa đó để dành tặng cô Ba…” Câu nói vô tình của anh Tân làm Dì Ba tôi bật khóc muồi mẫn.
Rồi mùa Xuân năm đó, trước khi gia đình tôi rời Xóm nhỏ….Cũng vào những ngày giáp Tết, mấy người đi bán hàng chợ sớm trở về thấy chú Đông nằm bên lề đường, ngay nơi xảy ra tai nạn năm nào. Chú nằm như yên ngủ, người đã lạnh cứng….

Hiên Trăng Brookhurst, Mira Mesa.

MƯỜI HAI THÁNG THĂNG TRẦM




GIÊNG
qua Giêng phố vẫn đông người phấn son níu giữ nụ cười hương xuân én bay nô nức xa gần giữ ngày xuân kẻo vội vàng qua mau

HAI
từ hai ta giạt phong trần trời quê hương cũng lạc trầm bể dâu bàn tay vẫn níu bàn tay dắt nhau đi giữa dặm dài phù vân

BA
trải lòng cố quận mù tăm nhớ vườn cải Mẹ gian truân lặng thầm tháng Ba hoa trổ nụ vàng thương con bướm lượn bên hàng giậu thưa


để từ khăn gói gió đưa dòng đời gội nắng dầm mưa xứ người kể chi hết chuyện đổi dời tang thương ngẫu lục bời bời thêm ra !

NĂM
đường trần dẫu mấy phong ba buồn vui chia với người xa kẻ gần đã từng núi cách sông ngăn lòng quê còn lại chút ngần ấy thôi !

SÁU
xót xa giọt ngắn lưng trời giọt dài rớt đọng bên đời phố xưa trời mưa tháng Sáu trời mưa đẫm câu Thơ lạc giữa mùa nhớ thương

BẢY
đất trời thơm lựng trầm hương người đi kẻ ở dặm trường biệt ly biệt ly dài nối biệt ly mưa mùa Ngâu cũng sầu bi nỗi buồn

TÁM
vầng Trăng xưa cũng lạc nguồn dãy nhà cao khuất nẻo đường Trăng soi bao mùa Thu giữa xứ ngườichỉ nghe tiếng lá Phong rơi lạc loài

CHÍN
nắng mưa để lại bên trời chỉ đem theo một nửa đời quá giang từ khi xẻ nghé tan đàn đông-tây-nam-bắc ngỡ ngàng lạc nhau !

MƯỜI
cứ chi ngày ngắn đêm dài chỉ lo tháng tận năm tàn đó thôi quẩn quanh đã mỏn năm rồi thời gian đâu có mĩm cười với ai !

MƯỜI MỘT
ngụp chìm theo cuộc bể dâu từ khi khăn gói gió đưa xứ người tới nơi cuối đất cùng trời tiêu pha dè xẻn nửa đời phù vân

CHẠP
bây giờ tháng Chạp – Mười Hai quê nhà đang níu mùa Xuân tới gần đất trời hòa quyện hương trầm lòng quê cũng đã rộn ràng hương xưa….

Lập Đông 2003

HUẾ, MÙA XUÂN và MẠ. EM ƠI !




dịu dàng thôi nhé mùa Xuân ơi !
đến chi mà sớm lạ ri hè !
lăng tẩm còn chưa trang điểm mới
u hoài còn nặng nỗi sầu tê

Huế của bây chừ đau xót lắm
rêu phong trăm lớp đổ đầu tằm
núi nhớ sông, đau đời mặn nhạt
một đi mà “dớ” tới trăm năm...

Mạ có qua đò sông An Cựu
nhớ lại chàng trai Bác Vọng Tây
tiếng hò ngọt lịm dài sông nước
té ra duyên phận hẹn nhau đây !

buổi ấy xa rồi, xa quá đỗi
e là cũng mấy chục Xuân qua
núi sông bồi lấp, đời trôi nổi
Huế vẫn muôn niên đứng lặng thầm

Huế của mùa Xuân hay mùa Hạ
mà răng lòng Huế rất thâm trầm
tiễn con phiêu giạt đi trăm ngả
mà lòng Mạ & Huế khác chi nhau !

e rằng có những mùa Xuân tới
chắc con không dịp về thăm mô
Mạ ơi, đừng có hoài mong đợi
ốt dột lòng con, Mạ biết không !

con nhớ bên trời Xuân, có Huế
có sông Hương thương nhịp Trường Tiền
có núi Ngự giú buồn trăm năm cũ
dõi hồi chuông Thiên Mụ gọi chiều

con biết rứa, răng con chẳng thể
về nương quê, về Huế, Mạ ơi !
trăm nỗi nhớ cứ một lòng với Huế
Huế muôn đời và, Huế muôn nơi

Huế lòng con là thơ là mộng
là răng, ri, tê, rứa rất gần
là tiếng “ Mạ “ nghe ra rất rộng
rất thân thương và, rất bâng khuâng

con gởi Mạ mùa Xuân của Huế
Mạ giùm con chia sớt ngọt ngào
răng lạ rứa, chiều ni, buồn-rất-huế
giữa đất trời rét ngọt tháng Giêng, Hai...

1/1995

CHIỀU BA MƯƠI TẾT




chiều ba-mươi đi giữa phố đông nơi chốn xa xôi đâu phải quê nhà chợt thấy buồn ghê giữa trời đất rộng và nhớ trời ơi nhớ xót xa...

trời nắng hanh vàng theo gió nhẹ lòng tôi gió nổi cuộn trời xa nhớ lắm quê hương ngày giáp Tết cũng gió hiu hiu nắng hanh vàng !

nhưng ở đây nào thấy hoa Mai chỉ lá Phong rơi đỏ mặt đường và bóng tôi nghiêng trời xa lạ nỗi lòng riêng nghĩ đến cố hương.

con Én cô đơn trời viễn xứ lạc cả đường bay lạ tháng ngày tôi cũng chung thân trời vay mượn có gì đâu để gọi Mùa Xuân !

ai thấu lòng người xa cố quận chiều ba-mươi đi giữa phố buồn quanh thân chỉ thấy toàn xa lạ quạnh hiu nỗi nhớ đến não lòng !

bạn bè dăm đứa giờ xa biệt tiếng cười cao ngạo lạc trời xa đứa mất đứa còn nào ai biết quan san muôn dặm lắm thăng trầm.

con phố ngày Xuân xưa mất dấu để nắng vàng thương nhớ dáng ai em đi từ ấy xa từ ấy mùa Xuân còn lại nỗi u hoài.

và cả con đường qua xóm nhỏ có còn giữ lại chuyện ngày xưa hay đã phong rêu xanh lối cỏ từ ngày hai đứa lạc trời xa...

trời xa ừ nhỉ trời xa quá với hoài không níu được ngày xưa thôi đành cứ để ngày trôi giạt để tháng năm vùi dập bể dâu.

chỉ có tôi chiều ba-mươi Tết nhìn bóng mình nghiêng lạc rã rời ngỡ mất dấu bao năm biền biệt nay nhìn ra chưa đến nổi nhạt nhòa...

San Diego, chiều ba-mươi-tết Tân Tỵ

tháng 2 01, 2008

CHIỀU CUỐI NĂM



bạn đến thăm chiều ba-mươi-tết
sợ là mồng-một lắm cử kiêng
ly xứ lâu rồi mà hay thế
đất-lề-quê-thói vẫn mang theo !

ngồi đây. Bạn hãy ngồi đây đã
chờ xong tuần rượu rước Ông Bà
trầm hương khói quyện đường xa ngái
chuyến bay có kịp chiều cuối năm !

uống ké Ông Bà dăm ly rượu
gọi là đón Tết với vui Xuân
nhân tiện mừng nhau thêm một tuổi
lại thêm một dấu ấn phong trần

mình chưa đi trọn đường lưu lạc
mỗi độ Xuân về đời chớm Thu
run run ly rượu cùng nhau cạn
trời quê năm tháng cứ mịt mù !

bạn tới chia cùng ta nỗi nhớ
một góc đời riêng chiều cuối năm
hiên nắng xôn xao vờn cơn gió
lá rơi cứ ngỡ dáng Mai, Ðào !

ngặt nỗi hương Xuân chừng xa lạ
rượu không thơm vị nếp quê nhà
bánh Tết nhạt mùi hương của lá
thịt kho đông lạnh chẳng đậm đà

chỉ có bạn đây là đậm nét
tiếng cười lối nói vẫn ngày xưa
ly xứ lâu rồi mà hay thế
cứ là chắc nịch dáng quê nhà

nhìn nhau thấy cả trời xa nhớ
ấm nồng chia sớt chuyện ngày Xuân
lát nữa chia tay về viễn phố
chở đầy kỷ niệm chiều cuối năm...

Escondido, mùa Tết
sân trước nhành Mai

MÙA CHẠP




Mùa Chạp giữ thơm hương vị Tết
Lá xanh ôm riết hạt nếp ngần
Cội Mai đã trở mùa hương phấn
Miếng gừng lịm ngất đường mía lau
Em về tha thướt dáng bông Cau
Sao nỡ hồn tôi em cất giấu
Mai nữa qua Xuân lòng ngơ ngẫn
Biết tình em có trả về tôi
Hay chỉ còn tôi con Én lượn
Mỗi mình không giữ được mùa Xuân !

Chỉ có lòng vương nỗi bâng khuâng
Hòa quyện nắng hanh vàng Mùa Chạp
Cơn gió se khô buồn ngơ ngác
Trượt sầu qua những bụi Quỳ Hương
Em có còn chia lại nhớ thương
Trên những con đường về xóm nhỏ
Có đứng bên thềm hoang dấu cỏ
Nói vọng lời yêu như thuở nào
Thuở tình yêu còn dáng xanh xao
Chưa thấu tỏ lòng gương ý lược
Chưa hảo ý tô hồng chuốc lục
Chỉ mắt nhìn giữ ấm tình nhau
Buổi em về trắng muốt bông Cau
Ðôi tà níu hồn tôi ngơ ngẩn
Từ dạo đó lòng tôi vướng bận
Gỡ không ra tà áo tiểu thư
Thôi cứ tình tôi em cất giữ
Bỏ thêm kỷ niệm để hương nồng
Hai ta có đất trời lồng lộng
Và cả một đời chia sớt nhau
Dẫu tình yêu lạc xuống bể dâu
Vẫn nhớ những ngày thương-để-bụng
Nhớ nụ-hôn-nhau dù rất vụng
Mà rộn ràng hơn pháo giao thừa !

Mùa Chạp trải dòng Thơ tình tự
Xin lòng em chớ vội ra Giêng
Hãy cứ nhìn tôi con Én liệng
Gọi mùa Xuân kỷ niệm xưa về...

XUÂN MẬU TÝ 2008