tháng 12 31, 2009

CHIỀU CUỐI NĂM


vạt nắng vàng cuối năm se lạnh
ngồi dưới Hiên Trăng chiều lặng thầm
ngày cuối năm rồi mai đầu năm
lại thêm một tuổi đời lưu lạc
nhánh rong phiêu theo dòng trôi giạt
nhớ quê nhà hoa Mai hoa Đào
đêm rộn rã gần xa tiếng pháo
đón Giao thừa hái lộc đầu năm
gió trở mùa mát dịu ngày Xuân
rét lạnh bỏ đi từ cuối Chạp
nắng gọi mây lang thang dừng lại
người gọi người xuống phố mừng Xuân

ở nơi này gọi nỗi bâng khuâng
mai ra Giêng vẫn còn rét ngọt

phố sẽ buồn dưới trời ủ dột
nắng buồn cho mây buồn lang thang
ta cũng lây buồn ngày qua năm
ngồi ngó quanh giữa chiều se lạnh
thấy ngày cứ lần hồi mỏng nhánh
đời cũng rồi khánh tận quê xa
ngồi bắt mỏi giữa trời sương giá
vẫn không tìm thấy dáng ngày Xuân
mây bỏ phố giạt về xanh thẳm
nắng bợt màu hòa nhập dáng đêm
ta bỏ tình xuống nỗi nhớ quên
em lượm được xin đừng cất giữ

giữ làm chi nỗi tình xa xứ
để muộn sầu hơn cả chiều Đông...


31/12/2009

tháng 12 28, 2009

ĐÀLẠT CHỈ CÒN TRONG HOÀI NIỆM...



Ðà Lạt, thành phố hoa không còn thơ mộng


Chúng tôi đến Ðà Lạt sau khi cơn bão số 9 tràn vào Việt Nam. Thành phố tuy không có những ngôi nhà bị tốc mái, không có gia đình nào bị cơn bão quái ác gây ra cảnh màn trời chiếu đất, nhưng đâu đó trên đường thuộc khu Hòa Bình vẫn thấp thoáng một vài người sắc tộc thiểu số co ro trong chiếc mền dầy đang ngửa tay chờ mong lòng thương của người qua đường. Trên đường Trần Hưng Ðạo, vài ba cây thông bị đổ như cho thấy sự tàn khốc của bão. Buổi tối, thành phố này thật thanh bình với những quán café ven bờ hồ, đối diện với chợ Ðà Lạt thấp thoáng trên đường vài ba đôi tình nhân khoác vai nhau trong không khí se lạnh.
Ðã từ lâu, sương mù đã trở thành thứ gì đó hơi quý hiếm của Ðà Lạt, người dân ở đây không còn được đón nhận nó thường xuyên như trước đây, họ chỉ nhìn thấy nó vào những lúc nửa đêm về sáng nhưng chỉ vào những ngày trời vào Ðông.
Sự huyền ảo của thành phố trong sương đã nhạt dần trong suy nghĩ của ngay cả những người dân bản địa. Nhà cửa của người dân từ nơi khác đến sau năm 1975 đã chiếm dần những đồi thông, họ chặt thông để làm nhà, xây khách sạn, đất canh tác...
Ngay mới đây thôi, một vài khách sạn còn trang bị cả máy lạnh trong phòng vì nhiệt độ vùng này đã tăng lên quá cao. Tuy thế, thành phố này vẫn còn thu hút được những du khách thập phương vì dẫu sao nơi đây vẫn còn lạnh hơn những nơi khác như Sài Gòn và khu vực Nam Trung Bộ vào những tháng nóng. Bên cạnh đó, hoa quả, danh tiếng của Ðà Lạt vẫn còn thu hút được du khách qua những bài hát, câu thơ mà họ đã được nghe.
Sự xuống cấp của Ðà Lạt đã không còn là sự cảnh báo mà nó đang từng ngày bị hủy hoại. Trước đây, khi nói đến Ðà Lạt người ta lại nghĩ ngay đến thác Camly như là một nơi mà ai đã đến Ðà Lạt cũng cần phái ghé thăm. Nhưng giờ đây, địa danh này đã không còn nằm trong danh mục tham quan của tất cả các công ty kinh doanh lữ hành vì độ ô nhiễm kinh khủng của nó.
Ðạo đức kinh doanh của người dân Ðà Lạt cũng là một đề tài làm cho nhiều du khách ngao ngán. Một món hàng thường được nâng giá cao đến gấp 2-3 lần. Phải chăng vì thế mà trong chợ Ðà Lạt có những tấm biển “Thực hiện văn minh thương mại - Không nói thách” treo đầy khắp ngõ đi vào các gian hành kinh doanh trong chợ Ðà Lạt. Trong những mùa du lịch ở Ðà Lạt, giá phòng cao gấp 2-3 có khi cao đến gấp 4 lần ngày thường. Họ đang cố muốn tận thu triệt để từ những con bò sữa béo tốt là du khách nhưng họ có biết đâu cứ với lối kinh doanh như thế sẽ có một ngày chẳng còn con bò nào để cho họ làm thịt.
Du khách sau khi đã tham quan Ðà Lạt khi trở về đều mang cho những bịch hồng giòn, dâu, mứt, rượu... đó là những thứ đặc sản của Ðà Lạt để về làm quà cho bạn bè, người thân ở quê, nếu không tỉnh táo để cảnh giác thì du khách dễ bị lừa bởi những người bán hàng, họ tráo những hộp dâu hư, hoặc phủ trên hộp dâu là những trái ngon, còn phía dưới thì hỏng cả.
Ðến Ðà Lạt, có một thứ bình dân nhưng lại được khá nhiều du khách muốn thưởng thức đó là đi uống sữa đậu nành ở bờ hồ Xuân Hương, khu chợ Hòa Bình. Cái cảm giác lành lạnh của vùng đất cao nguyên, trên tay cầm ly sữa đậu nành xoa qua xoa lại cho bớt lạnh tạo cho nhiều du khách cảm giác thích thú.
Thế nhưng, ngay cả những người bán sữa cũng đang dần dần thay đổi phương thức kinh doanh hoặc họ dùng việc bán sữa để ngụy trang cho một chiêu thức kinh doanh mới: Tiếp thị gái cho những quý ông ham vui tìm của lạ bằng những câu mời chào rất hấp dẫn từ những người bán sữa hay từ những người chạy xe ôm mà loại này có nhan nhản khắp bờ hồ như: “Chỉ cần ngồi uống café giá mười ngàn là có mấy em sinh viên Ðà Lạt xinh đẹp hay đến Ðà Lạt mà không thưởng thức gái Ðà Lạt thì coi như chưa đến.”
Nhiều du khách bị làm phiền bởi những tên ma cô, cò mồi này. Chúng hoạt động khắp khu Hòa Bình nhưng chủ yếu là xung quanh khu vực hồ Xuân Hương, chúng chạy theo chèo kéo, mời mọc làm cho nhiều du khách muốn cuốc bộ thong thả quanh bờ hồ buổi tối nhưng chẳng dám.
Ðối với những ai yêu Ðà Lạt, đã từng sống ở Ðà Lạt khi quay lại thành phố này chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán vì sự thơ mộng, nét đáng yêu, quyến rũ chỉ còn lại trong thi ca mà thôi. Ðà Lạt đang từng giờ, từng ngày chết dần chính bởi sự quản lý yếu kém thiếu trình độ của các quan chức địa phương. Họ chỉ muốn tận dụng, khai thác triệt để nhưng chẳng màng đến việc tôn tạo, tu bổ cho nó. Lối suy nghĩ ăn xổi ở thì không chỉ có ở trong đám quan chức mà còn đến cả những người dân. Nếu một ngày, Ðà Lạt không còn là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương nữa thì đó cũng là điều không lạ.

Friday,December 04/2009
Phương Thảo/Người Việt

Tình cờ, đọc được bài viết này mà buồn, buồn thêm !
Tôi sinh ra và lớn lên ở Đàlạt. Tự hào là dân Đàlạt.
Tôi quen thuộc ( tới nỗi, bây giờ vẫn còn nhớ, như in) những con đường, những góc phố, từng viên gạch rong rêu đóng bám, từng vết lở chân chim trên cầu thang Chợ Mới, cây Phượng Tím ở quán cà phê Hạnh Tâm trên đường từ bờ hồ Xuân Hương vào bùng binh Chợ, hàng Mai Anh Đào dọc dường dốc Thành Thái, quán Phở Ngọc Lan danh bất hư truyền (tái ngầu nạm thêm một chén mỡ hành trần béo ngậy nóng sốt) ở bên cạnh ấp Ánh Sáng khi còn có một khoảng rộng làm bến xe Đàlạt liên tỉnh( hầu như độc quyền là hãng xe Minh Tâm), quán mì quảng đặc biệt tô “xe lửa” ( to chưa từng thấy to so với những quán mì Quảng Đàlạt) chiêu khách thêm là những lát chả lụa xắt mỏng và một hủ ( cũng quá chừng to) củ hành ngâm giấm. Khách hàng cứ thoải mái gắp bỏ vô tô bao nhiêu cũng được, không giới hạn, không nói lời hành tỏi và không hề , dù chỉ một giây phút, dòm ngó canh chừng). Quán nằm ở trước bến xe Lam, sau lưng nhà thuốc tây Hoàng Hy Tuần( nghe nói mà cũng chính xác, là thân phụ của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn), ngó qua bên phải là cà phê Tùng.. Là dân Đàlạt hay là chỉ ghé lên đổi gió ( nói là đổi gió cũng chỉ là cách nói quen, thật ra là lên để hưởng cái lạnh se và ngắm nhìn sương mù lung linh huyền ảo núi đồi phố xá) ai mà không có một lần ghé tới cà phê Tùng. Nhất là mấy anh sinh viên sĩ quan Võ Bị Đàlạt( với mấy chàng trai này thì phải gọi là cà phê Tuần[thay vì cà phê Tùng]). Đi tới một khoảng là vừa nhà hàng vừa quán cà phê Chic Shangai. Đi tới nữa, vượt qua đầu dốc Minh Mạng là lò bánh mì Wĩnh Chấn, ngược xuống dốc Duy Tân một đoạn rất ngắn, rẽ trái, là khu Đoàn thị Điểm chuyên bán chè ngọt. Ai đó, đã có một thời, có dắt người mình yêu tới quán chè Kê Bánh Tráng Mè của mệ Xứng không ?. Rồi, ngày mưa, ghé qua đường Tăng Bạt Hổ mà ngồi chờ cái bánh Xèo giòn rụm ghém rau cải non (mới đúng điệu chớ rau sà-lách của Tây bỏ giống lại thì chưa thiệt là bánh Xèo Đalạt quê tôi). Rồi, có qua quán Mai Hường múc muỗng nhỏ( nhỏ thôi, muỗng to là phủi lòng Đàlạt ) chén chè bông cau. Rồi, có lên đầu dốc Minh Mạng uống ly(cũng ly nhỏ thôi, ly vừa thì cũng coi là tạm được, nhưng ly lớn thì e là làm khó cho Đàlạt mắc cở chuyện lấy hương lấy hoa) trà Sâm ngọt ngào thanh cảnh. Rồi, có xuống khu Ngọc Hiệp (vì có rạp hát Ngọc Hiệp nên gọi thành quen) ghé vô xe mì sợi của ông Tàu Ngọc Hiệp ( tô lớn cũng không, tô nhỏ cũng không, chỉ tô vừa vừa). Để sau này, khi dời xa, cũng vừa vừa thương vừa vừa nhớ cái ngọt dịu đầm thấm của hương vị “nước lèo” trong như nước lã mà ngọt dịu, đậm đà không tìm nơi nào có được. Nhớ ghé quán phở Ngọc Hiệp, mà phải chịu khó chờ để giành cho bằng được chỗ ngồi kế bên lò lửa, vừa xít xoa vừa xoa tay xua không khí rét lạnh trời đêm để đón nhận cái nóng ấm của lò than rực hồng đang làm sôi nồi nước phở. Ngồi ăn tô phở nóng bên lò than rực hồng giữa trời rét lạnh, thiệt không có thú nào bằng. Ngó xéo qua bên phải, ngày xưa khi tôi còn là chú học sinh lớp Đệ Lục trường Trung học công lập Trần Hưng Đạo, có dịp được đi ăn cháo và xôi vịt ở quán Như Tĩnh. Bên hông quán có con đường hẻm dẫn vào quán Mì Quảng một thời nổi tiếng. Tô mì , nhỏ thôi, nhưng hương vị đặc biệt khó đâu sánh bằng. Mỗi lần ghé lại, hầu như khách hàng ai cũng “làm tới” hai tô, mới đã đời !. Sau này, tiệm cháo vịt không còn nhưng quán mì Quảng thì cứ vẫn còn bám trụ. Tôi có lần ghé và “làm tới” hai tô trước lúc rời xa quê hương Đàlạt. Nghe nói, bây giờ, quán vẫn còn...
Đó là (chỉ nói sơ qua ) nên còn thiếu sót rất nhiều nơi chốn, phồn hoa đô hội. Còn chỗ thôn quê dân dã thì tôi từng ghé qua không biết bao nhiêu lần. Đặc biệt, ở Xóm tôi có quán phở Vịt một thời vang dội tiếng tăm cây-số-bốn. Hai ngày cuối tuần, hàng xe nối dài dọc góc đường Hai Bà Trưng&La Sơn Phu Tử chỉ để chờ tới phiên được ngồi trước tô phở vịt. Tô phở bình dân chỉ với nước trong, vài miếng thịt vịt, nhúm hành ngò nhưng khi nếm vào mới thấm đậm hương vị khó mà diễn tả. Chỉ một lần thưởng thức là ghiền...tới trăm năm !
Tiếng gọi là quán nhưng chỉ che tấm vải bạt che nắng và khoảng trên mười chiếc ghế đẩu. Mỗi lượt người ăn xong đứng lên là đợt người sau nhích tới...Chủ quán , dù là người cùng Phường cùng Xóm, nhưng mọi người không biết tên ông nên chỉ gọi thành quen là ông Ba Vịt. Sau này lang bạt kỳ hồ, dù rất cố công tìm kiếm nhưng không nơi chốn nào tôi tìm thấy tô phở vịt. Vậy là phở vịt,duy nhất, chỉ có ở Xóm quê tôi. Ai đã từng ăn qua tô phở vịt chắc là không quên một thời đã chờ chực tới phiên mình được ngồi trước tô phở vịt giá rất bình dân, nóng hổi thơm lừng, ở cây số Bốn thành phố Đàlạt.
Món phở vịt giờ đã thất truyền từ ngày bác Ba Vịt nằm xuống. Không biết chị Vi có được Ba của chị truyền nghề lại không !
Rồi còn trái bắp nướng thoa mỡ hành béo ngậy rải rác bày bán ở các ngả tư đường trong mùa rét lạnh. Tụ tập đông vui nhất là ở trước rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp cuối dốc Minh Mạng.
Gói đậu phụng mặn ngọt nóng hổi của ông Tàu dáng người dong dỏng luôn mặc bộ quần áo trắng, đầu cũng đội chiếc mủ trắng, dắt chiếc xe đạp, phía sau có hai thùng đậu phụng rang nóng dòn, đi lên đi xuống ở dốc đường Minh Mạng. Gói đậu phụng đã , một thời, làm thêm duyên dáng mặn mà cho những cặp tình nhân, cũng, dưới tiết trời se lạnh về đêm Đàlạt.
Đàlạt, những tháng ngày xưa có biết bao thi vị viết hoài không hết .Cho dù đi xa góc biển chân trời vẫn cứ giữ gìn nỗi nhớ khôn nguôi.
Người Đàlạt vốn hiền hòa.
Vậy mà sao bây giờ lại phũ phàng đến vậy !

Cuối năm 2009, viết bâng khuâng !

tháng 12 15, 2009

GÓC ĐỜI THƠ


về nhà mới ta xí phần một góc
bày ghế bàn để tiếp tục làm Thơ
dẫu Thơ ta mấy ai mà thèm đọc
cũng cứ rườm rà bày vẻ, vậy thôi !

có thấy tay nào làm Thơ mà đứng
xệ tới đâu cũng có ghế có bàn
có một chỗ trầm ngâm tìm thi hứng
biết đâu chừng cuộc sống bớt khô khan

ngày rượt đuổi chuyện áo cơm mệt đuối
đêm ngồi lì vay mượn chuyện dương gian
cái thú đau thương dứt tình không nổi
thì cứ đeo cho chai sạn gian nan

ai biểu trộn Thơ vô vòng cơm áo
để hồn thơ ngầy ngật dáng phong trần
khiến câu Thơ khi khô rồi khi nhão
đừng đổ thừa sao đời cứ lang man !

ta cũng từng làm thơ tình lãng mạn
ngặt nỗi trong Thơ có cảnh đời thường
giữa tình thơ với tình đời lạng quạng
không biết tình nào dễ ghét dễ thương !

nay ta về bày vẽ góc nhiễu nhương
em có ghé vô ngồi chơi chốc lát
góc đời thường vẫn còn đang vay mượn
góc đời thơ này xí được phần ta...

12/2009

tháng 12 12, 2009

MƯA !!!



mưa dột vô lòng mình thấm lạnh
nhớ cái lò than ở Xóm nghèo
nhớ chén bánh Căn tô bánh Xèo
có hột mưa chan nhòa trong đó...


Món chủ trị cái lạnh lùng mưa gió lê thê là món bánh Căn bánh Xèo. Món ăn bình dân cho cả mọi nhà. Ngó trời mưa ước chừng lâu tạnh, lo ngâm gạo để chuẩn bị đổ bánh Căn hay bánh Xèo. Ra lò bún đứng sắp hàng chờ tới phiên mình xay bột bởi vì nhà nào trong Xóm cũng có ý nghĩ giống nhau từ một cơn mưa dai dẳng, có thể tới vài ngày.
Không hiểu vì sao lại gọi là bánh Căn. Có thể gọi đúng là bánh căng bởi khi bánh chín, căng phồng lên. Hay là căn là tiếng địa phương, có một ý nghĩa riêng nào đó, của vùng xuất xứ loại bánh này. Nghĩa hình tượng rõ nét nhất là món ăn mộc mạc chân quê này có một hương vị riêng để mỗi khi ngồi xà xuống quanh lò bánh là cứ muốn ngồi hoài. Chỉ chịu đứng lên khi bụng đã căng no.
Bánh Căn là bạn đường dài của giới lao động nghèo vì nguyên liệu rất đơn giản.
Điều quyết định trước tiên là nhà phải có cái lò để đổ bánh Căn. Lò làm bằng đất nung hình tròn mặt, đáy bầu dục. Bề mặt lò khóet mười lỗ tròn đều để đặt mười chén đất có nắp đậy. Thân lò là lớp than hồng có cửa thông gió, ngăn cách với đáy lò là tấm vĩ có đục lỗ để tro than rơi xuống. Từ mặt lò, chén, nắp, vĩ lót đều hoàn toàn bằng đất nung. Lò đổ bánh Căn thì hầu như nhà nào cũng có. Đây là kinh nghiệm trải qua bao nhiêu mùa mưa gió để mọi nhà đều phải lo thủ sẵn một cái lò bánh Căn.
Ở xóm quê tôi, mùa mưa, đúng là mưa dầm gió dãi tối đất tối trời. Đôi ba ngày là ít, có khi kéo dài cả tuần. Nhà không có lò, phải đi mượn, thiệt là vất vả nhiêu khê. Đội mưa gió tới nhà người để mượn, thoang thoảng bên thềm nhà, dậy thơm mùi bánh Căn là biết mình đi không nhằm lúc. Âm thầm trở về mà trong bụng cứ nôn nao nhớ mùi vị của cái bánh trị gió mưa. Cũng có lúc tới nhà không nghe mùi bánh, lòng đã thầm vui. Để rồi xìu xuống, khi biết mình là kẻ tới sau...
Vui, buồn của ngày gió mưa đi mượn lò đã là kinh nghiệm để không ngại ngần sắm một cái lò riêng.
Có lò riêng rồi thì chỉ cần ngâm gạo để xay thành bột, mớ hành, hẹ, ớt, chanh trồng sau vườn, ghé quán nào đó trong Xóm mua xị dầu phụng, xị nước mắm và ít đường. Cả nhà ngồi quây quần bên lò than nóng để rồi cũng nóng lòng chờ từng chiếc bánh giòn dưới đáy, xốp có lỗ bọt li ti trên mặt bánh, trét qua chút hành, hẹ dầu béo ngậy rồi chấm ngập vào chén nước mắm pha đường có vị nồng cay ớt trái.
Bánh ăn khi còn nóng hổi mới-ra-lò mới ngon.
Có một nguyên nhân làm cho bánh ngon thêm là nỗi háo hức chờ đợi tới phiên mình .
Bánh Căn xóm quê tôi chỉ dung dị chừng đó nguyên liệu nhưng ấp ủ mặn nồng tình cảm gia đình trong những ngày mưa gió.
Không thấy, và ít thấy, nhà nào ăn bánh Căn trong mùa nắng ấm.
Sau này, cái bánh Căn đã trở dáng tân kỳ cùng với nguyên liệu phong phú dồi dào hơn cái hồi đi chân trần bám đất. Món hành hẹ đã có thêm tóp mỡ giòn rụm. Nước chấm cầu kỳ đường cát trắng tinh hay có khi dùng nước cá. Không còn là cái bánh bột chay trần mà tráng đều trên mặt là lớp trứng đánh nhuyển hay một hai con mực ống tươi loại nhỏ. Bánh không ăn trần với nước chấm mà còn ghém thêm xà-lách, khế lát, rau thơm, rau húng, rau răm...
Dẫu có đi hay có về trăm ngả đổi thay nhưng sao tôi vẫn cứ còn hương vị đầm ấm của cái bánh Căn ngày gió mưa Xóm cũ...

( đoạn này trích lại từ một bài viết về bánh Xèo )

Món ngăn mưa đuổi gió là món bánh Xèo.
Trong nắng ngoài mưa. Có nghĩa là ngoài trời dẫu có mưa gió lạnh lùng thì trong nhà vẫn nắng nóng.
Thử tưởng tượng cả nhà xúm xít quây quần trong gian nhà bếp, trong khi bốn cái lò lửa cháy đều, trong khi cầm dĩa để chờ. Ở trong nhà bếp vì ngoài trời đang mưa gió sụt sùi, ra ngoài làm chi. Lò lửa cháy đều là đang trong lúc bận bịu với mấy chảo bánh xèo chờ hồi chín tới. Cầm dĩa để chờ, là chờ, trong nhà, trong khi bánh vừa chín tới để tới phiên mình được bỏ bánh xèo vô dĩa (của mình).
Ăn bánh xèo để đạt tới cái “đã”, cái khoái, cái thú vị , theo tôi nghĩ, cũng phải hội đủ ba điều kiện thiên thời địa lợi nhân hòa !!!
Thiên thời là ngoài trời phải càng mưa càng gió càng lạnh lùng tê tái. Cái thú ăn bánh xèo, đặc biệt, thêm cảm giác ngon và khoái khẩu khi ngoài trời đang mưa đang gió.( Bánh xèo còn được gọi là bánh Khoái hay là bánh Khói. Có phải vì bánh nóng bốc khói, hay chỗ đang đỗ bánh lúc nào cũng khói mịt mùng. Có phải vì ăn miếng bánh nóng dòn khi ngoài trời mưa gió lạnh lùng, cảm thấy khoan khoái và khoái khẩu !Có phải vì chữ khói, người Huế, phát âm là khoái. Ở Huế cũng có loại bánh Khoái (happy pancake), tương tự như bánh Xèo mà không hẳn là bánh xèo, đổ trên chảo nhỏ, đáy không sâu mà bằng. Bánh nhỏ hơn bánh Xèo trong Nam, tất nhiên là nhưn nhị ít hơn vì Huế chủ trương ăn lấy hương lấy hoa với lại có thể là vì miền đất không được phong phú của cải thiên nhiên như ở miền Nam ! Ui dà, chuyện bánh Xèo thì viết hoài không hết !)
Địa lợi là phải có chỗ khơi lửa, gọi chính danh là bếp, cho kín đáo không phải bị mưa tạt gió lùa.
Nhân hòa là có đông người để được cái nôn nóng chờ tới phiên mình có bánh mà ăn. Chờ đợi trong …vòng trật tự. Không giành dân(nhau)lấn đất (bánh).Nói chung là trên thuận dưới hòa trong khi chờ bánh tới phiên , cho dù bụng đói tay run, mắt mờ, môi giựt…..
Miếng gợi nhớ quê hương trong mùa mưa gió bão bùng lạnh lùng thê thiết, tưởng nghĩ, không chi bằng món bánh xèo. Mùa nắng mà ăn bánh xèo thì e là lạc điệu.
Đâu chỉ để thỏa mãn cái bụng mà còn ấm cả lòng vì có dịp được quây quần trong không khí gia đình đầm ấm đông vui. Có dịp mà ôn cố tri tân tha hồ tâm sự để thấy được niềm hạnh phúc mà mỗi thành viên trong gia đình đang được, có dù qua bao nhiêu là năm, tháng vật đổi sao dời. Còn có bên nhau đông đủ để chia nhau cái nồng ấm của tiếng “ xèo…xèo” trên chảo nóng…
Không khí gia đình đầm ấm đông vui là hình ảnh quí hiếm, không dễ kiếm được trên đất người.
Buổi đông vui, nhân lúc chờ bánh Xèo chín tới, tôi nói chuyện xưa nay về bánh Xèo. Chỉ nói tới cái bánh Xèo thôi, cũng đã thấy mênh mang cả một trời tâm sự !
Bánh bây giờ có đầy đủ nhưn nhị nào thịt nào tôm nào mực rồi rau các loại xanh tươi, nước chấm được pha chế từ những đặc sản mang nhãn hiệu xuất khẩu ( xuất khẩu là phải ưu tiên chất lượng kiểu nhịn miệng đãi khách hay nói rõ hơn là ngự thiện để chiếm lỉnh và tìm đất đứng ở thị trường, tất nhiên, là thị trường xuất khẩu ). Ăn miếng bánh bây giờ cũng thấy bình thường thôi, qua cơn đói. Điều chính yếu là tìm cái no nê không khí xum họp đông vui gia đình. Cái không khí, do từng hoàn cảnh gia đình, không dễ tìm lại được !
Bánh Xèo của tháng ngày quê nhà thì sao ?
Xin được trích đoạn lời tựa của tập Thơ “ Nhật Thi”. Tập thơ viết tay khi còn ở quê nhà ghi lại những chuyện buồn vui ngày tháng dưới dạng, phần nhiều, là lục bát, chỉ bốn câu :
“ Các con của Ba,
Đừng quên khu xóm đính Đa Cát. Đừng bao giờ quên ngôi nhà mái lợp giấy dầu, vách đóng bìa gỗ ngo mà Ôn Nội đã chắt chiu chọn lựa từng tấm ván bìa, từng dấu đinh, mũi đục để dựng nên. Ôn Nội đã bỏ hết công sức và coi đó là một công trình cuối đời hành nghề thầu khoán của mình. Điều đáng nhớ là các con đã sinh ra và lớn lên, Ba Mẹ cũng đã để lại tuổi thanh xuân của mình từ nơi đó.
Gia đình mình đã quây quần với nhau từ những ngày tháng khổ, qua những ngày mưa nắng khắc nghiệt của Đời. Các con cứ theo dòng chảy thời gian mà lớn lên. Dù trong cảnh cơ hàn nhưng cứ đầy ắp và giàu có những tình cảm dành dụm cho nhau từ miếng cơm manh áo, từ tiếng nói giọng cười cho cả những khi buồn và cả những lúc vui. Làm sao có thể quên những chiều đạp xe trở về sau một ngày mệt mỏi vì công việc, các con đã vui mừng tíu tít đón Ba từ ngoài cổng nhà. Bữa cơm chiều đạm bạc với những câu chuyện kể trong ngày đã làm ấm lên không khí gia đình. Chỉ là những bữa cơm vỏn vẹn có nước- mắm-kho-quẹt hay đậu-phụng-kho-queo !. Vậy mà cứ vui, cứ đầm ấm, cứ đầy thi vị….”

Trong tập Nhật Thi thấy có bài Thơ…dính dầu mỡ bánh Xèo :
chiều về vừa mới dựng xe
đã nghe trong bếp “ xèo…xèo..” vui sao
ui chao, cái bụng cồn cào
chắc là đang đổ bánh Xèo, phải không?

chiều Mẹ đổ bánh Xèo
16/6/1988
Buổi bánh Xèo, tôi còn nhớ chiều hôm đó, thiệt là căng bụng và ấm cả lòng.
Cái bánh Xèo ngày xưa mang mang vẻ dáng gạo-châu-củi-quế cho nên hoàn toàn không có thịt ( dẫu chỉ là một rẻo nhỏ xíu nhỏ xiu ), không có tôm, không có mực. Chỉ có ít ỏi chút dầu trơn mặt chảo, mấy lá hành xắc nhỏ và nấm Mối.
Bánh Xèo nấm Mối !
Chưa ăn qua chưa biết. Có ăn rồi mới thấy ngon hơn cả thịt,tôm,mực gộp lại. Chất dinh dưỡng cao hơn thịt. Là món kiêng khem tối ưu cho những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cao mỡ máu mà lại thích ăn bánh Xèo.
Bánh Xèo nấm Mối, giờ đây, là món ăn thời thượng..Lấn lướt thêm, có bánh Xèo bột trộn trứng và nhưn bánh là thịt Đà Điểu !
Chỉ vì ngày đó, tìm(tiền) đâu ra thịt ! Cho nên phải đi tìm nấm Mối.
Mùa mưa ẩm thấp, nấm Mối mọc rải rác trên các triền đồi. Món ăn mà thiên nhiên ưu đãi cho người nghèo đói ăn ! Chỉ có mỗi một việc là đi “thu hoạch” của Trời cho !
Bên cạnh dĩa nước-mắm-kho-quẹt có thêm dĩa nấm Mối xào rau cải nhà trồng, cũng mang vẻ dáng cao sang. Không (cả hai nghĩa) xót ruột!
Nếu đổ bánh Xèo mà không tìm(tiền) đâu ra chút thịt thì có nấm Mối thế thân. Cũng ngon ngọt đâu có thua gì !
Rau ghém bánh Xèo cũng chỉ là mớ cải non trồng ở sau vườn. Muốn thêm cay nồng góp phần chống lạnh ngoài trời mưa gió, có đám ớt, cũng sau vườn nhà. Ớt đỏ ớt xanh tùy ý chọn.
Nước chấm thì chắc chắn là không có nước mắm nhĩ( đã đi vào huyền thoại) mắm loại nhất( chỉ nghe là có nhưng kông hề không từng thấy) loại hai ( không có tiêu chuẩn mua) loại ba ( chưa tới phiên) chỉ còn loại nước mắm tiêu chuẩn tem phiếu gọi là loại bét hạng. Có chút màu và có chút mặn để không lầm lẩn với nước muối. Thôi thì cũng được. Có còn hơn không !
Bánh Xèo mà phải ăn lạt thì…bèo quá ! Bèo xèo!!!
Ăn, là nhu cầu cần thiết không thể phủ nhận, dù xưa hay nay. Hưởng thụ món ăn thì còn phải tùy theo hoàn cảnh, điều kiện không gian và thời gian.
Riêng cái khoản bánh Xèo thì xưa nay nhà mình đâu có chi đổi khác. Vẫn quây quần xum họp như ngày xưa. Có khác chăng là cái bánh Xèo thêm quá nhiều nhưn nhị đến thừa mứa. Có khác, thêm nữa, là cảnh gia đình xum họp hôm nay không chỉ là sáu mống như ngày xưa mà đông lên con số gấp đôi.
Mưa, gió, lạnh ngoài trời thì bất cứ nơi chốn nào trên trái đất này, ngày xưa hay hôm nay cũng giống nhau thôi !
Chỉ có không khí ấm nồng là khác biệt. Khác biệt buồn hiu khi cắn miếng bánh xèo dòn tang nóng sốt mà nhìn quanh thân chỉ thấy có hai mình thui thủi. Ngoài trời lại mưa gió sụt sùi!
Cảnh tình này, ở quê người, không thiếu chi !
Cám ơn anh Hai Samath Trí nghen. Món bánh Xèo mà anh thích, Mẹ vẫn nhớ. Mỗi cuối tuần mưa-gió-lạnh Mẹ thường nghĩ đến anh và món bánh Xèo.
Thế là phone cầm lên, réo gọi. Cả nhà lại quây quần đông đủ.
Ba lại có dịp đứng ở cửa chờ ôm hôn từng đứa cháu. Dù biết là các cháu chưa có gì sâu đậm với bánh Xèo, chỉ ham vui vì được gặp mặt nhau sau một tuần vắng bặt.
Nhưng có lo gì ! Ngày dài tháng rộng, các cháu sẽ cảm nhận được khi có tiếng “xèo” của chiếc bánh Xèo thơm lừng trên chảo nóng là dịp gia đình họp mặt đông đủ bên nhau. Sẽ ghiền và nhớ không khí bánh Xèo thôi chứ chắc gì nhớ bánh Xèo hơn nhớ Pizza !
Gia đình, nếu có điều kiện và hoàn cảnh, cứ giữ thói quen quây quần họp mặt, khi ngoài trời mưa gió lạnh lùng.
Vẫn tiếng “xèo” phát ra từ chảo nóng….
Cũng cám ơn cô Ba Tuấn Quyên, hồi xưa đó, ngày mưa gió cô xách xô gạo tới nhà bà Bún để chờ xay bột về đổ bánh Xèo. Qua chiếc cầu ván mương nước trước sân nhà chắc là phải vận mười thành công lực để níu giữ cái xô bột quá nặng so với sức vóc của cô…

*

Cuộc sống rồi sẽ đổi thay theo thời gian nhưng gió mưa vẫn muôn đời không đổi....

tháng 12 10, 2009

MƯỜI HAI RÉT NGỌT


Tháng mười-hai về rồi đó em
Mây xám lạc đường bay cuối nẻo
Cơn gió hanh khô rồi cũng đến
Thể nào rét lạnh cũng ùa theo

Thể nào tôi cũng tìm câu, chữ
Ghép một bài Thơ gởi gió Đông
Cơn gió nhiều năm xa cố xứ
Vẫn giữ tình tôi độ ấm nồng

Vẫn giữ áo em về ngõ Phố
Đôi tà quấn níu bước chân quen
Bàn tay nắm lấy bàn tay nhỏ
Hanh khô cơn gió Lập Đông về

Em chắc còn thêm những vấn vương
Phố Núi mù sương về Xóm nhỏ
Bụi phấn Thông rơi đường Hải Thượng
Tiếng guốc nghe quen buổi hẹn hò

Thuở viết thơ tình loang mực tím
Nắn nót từng câu, chữ học trò
Lời yêu như trái Hồng mùa chín
Ngọt mát lòng nhau đến ngẩn ngơ

Ơi tháng mười-hai chia rét lạnh
Chia chén chè Kê bánh tráng giòn
Phố xưa ánh điện vàng hiu quạnh
Giữ lòng thiếu nữ ấm môi hôn

Tôi sẽ về từ những câu Thơ
Tìm chút hanh se mùa rét ngọt
Cơn gió một thời qua ngõ Phố
Có còn giữ ấm cuộc tình tôi !

Hay đã khô dòng đau dâu bể
Bỏ lạnh tình tôi theo gió Đông
Nếu như có thật là như thế
E chắc là tôi cũng héo lòng !

Bây giờ tôi ở phương trời lạ
Gió về thương nhớ tháng mười-hai
Sông biển chập chùng xa xôi quá
Thơ viết đầy trang gởi gió, bay...

tháng 12 02, 2009

NGỒI DƯỚI HIÊN TRĂNG


ngồi thầm lặng dưới Hiên Trăng
ngôi nhà xưa cũng lặng thầm với ta
tưởng như xa lắm lại gần
buổi nay ngồi lại ngắm vầng Trăng xưa
Hiên Trăng dọi nắng dầm mưa
đợi vần Thơ đã bao mùa lảng quên
ngỡ là đi biệt không về
bỏ Trăng buồn ngó mái hiên lặng sầu
bỏ tình đọng giọt sương đau
bỏ câu Thơ lạc bể dâu thăng trầm

nay về trầm mặc Hiên Trăng
tiếp vần Thơ buổi dở dang thuở nào...

Hiên Trăng Brookhurst
02/12/2009

MÙA ĐÔNG


gởi mùa Đông xóm nghèo

mùa Đông. Tôi lạc tận quê người
thương quá mùi thơm lừng bắp nướng
nhớ quá, khói chiều cay đôi mắt
em về tóc đẫm ướt hơi sương
tôi về vàng rộ ngõ quỳ hương
xóm nhỏ, mùa Đông, buồn rũ rượi
đất trời trĩu nặng cả hồn người...

...những tháng, năm đời đem khốn khó
chia đôi cắn nửa những phiền lo
miếng cơm không đủ dằn cơn đói
rét lạnh trời cho thắt cả người
bếp lửa nhỏ nhoi chiều đạm bạc
rau dưa qua bữa sống qua ngày
để thương yêu cho trọn kiếp này
nghèo đói có nhau là hạnh phúc
đời sống dẫu thêm nhiều cơ cực
cũng không bớt xén được tình yêu
em về sương rớt hột bên hiên
tôi về khói bếp rủ chiều nghiêng
nồi cơm độn nửa phần khoai sắn
dĩa rau thơm thảo những buồn vui
gió rét theo về từ hướng núi
khẽ khàng chừa lại chỗ hai ta
một chỗ tình yêu làm nắng ấm
đến nỗi mùa Đông cũng lạc loài....

nơi chốn tình yêu còn dành lại
là xóm nghèo trải nắng đầm sương
là quê hương trong một quê hương
núi cách sông ngăn dài biển rộng
đời của hai ta là cơn sóng
vỗ hoài vòng nhật nguyệt vần xoay
đến nỗi chi mà lạc tới đây!....

mùa Đông 2001
nhớ Phố Mù Sương

tháng 11 26, 2009

TẠ ƠN ĐỜI TẠ ƠN NGƯỜI


Mùa Lễ Tạ Ơn 2009

LỜI CỦA GIÀ LÀNG

cảm ơn Đời cảm ơn Người
cám ơn buổi tối tháng Mười-Một tây
mười-lăm năm về lại đây
quây quần xum họp như ngày mới qua
ngày nào ngơ ngác Đông Tây
lạ nơi phong thổ trắng tay xứ người
níu nhau đi giữa cuộc đời
đói no cùng chịu vui buồn cùng chan
ngày nào lưu lạc không nhà
ngày nay có cái Nhà Làng rồi đây
có thêm con cháu xum vầy
ta lên tới chức Già Làng, sướng hung....

Mùa Lễ Tạ Ơn
viết tại Nhà Làng, đêm xum họp
26/11/2009

tháng 11 25, 2009

VỀ LẠI HIÊN TRĂNG


Mùa Thanksgiving 2009

nay quày về chung thủy với Hiên Trăng
cây quýt ngọt trước sân vàng trĩu trái
chậu quỳnh bên hiên nhú bông trở lại
ta hồi xưa đi nay về tóc bạc
dễ cũng đã gần bảy năm lang bạt
sống rày đây mai đó ghé hiên người
Hiên Trăng xưa đau xót bỏ bên đời
đâu ngờ được có ngày quày trở lại
lòng chếnh choáng sau thời gian xa ngái
khi trở về mừng tủi ngó Hiên Trăng
hơn nữa đời chia cay đắng thăng trầm
buổi gặp lại khó nén lòng thương cảm
thôi cứ ở đây dừng chân cõi tạm
vó ngựa tang bồng hồ thỉ ngày xưa
tóc nhuốm bạc theo tháng năm lần lựa
đời cũng từng dâu bể nhánh rong phiêu

khi ra đi bỏ sót lại bao nhiêu
nay về lại gom tìm từng kỷ niệm

con dế kêu sương dưới vầng Trăng khuyết
để câu Thơ buồn níu gọi Trăng Rằm
giọt sương rớt bên hiên khuya thầm lặng
bỗng thấy đời trầm mặc cõi sắc,không
thương dòng Trăng bao mùa vẫn đợi mong
là bấy nhiêu mùa Hiên Trăng níu gọi
ta về đây áo cơm đời mệt mỏi
nhưng hồn Thơ vẫn phong độ ngày nào
vẫn vết mực loang trên tờ giấy nõn
Thơ viết đầy trang tắm đời khô hạn
vẫn chờ Trăng lên chờ dưới Hiên Trăng
một thuở ta đi bỏ tình bụi bám
dẫu bụi thời gian vô tình tàn nhẩn
vẫn còn nương một lối nhỏ ta về
về nhớ lại thời nhiễu nhương dâu bể
nơi chốn này từng bảo bọc nương thân

ta lại viết những bài Thơ lãng mạn
ngồi dưới Hiên Trăng như tự thuở nào....

Hiên Trăng Brookhurst
24/11/2009


[nhớ lại bài Thơ khi rời xa Hiên Trăng]
GIÃ TỪ HIÊN TRĂNG BROOHURST
mai này ta sẽ xa đi
đường Trăng xưa có gởi gì cho ta !


Ta đi nhé ! Hiên Trăng Brookhurst !
Gởi những Mùa Trăng vắng bóng người
Con Dế kêu đêm buồn rã rượi
Giọt sương thầm lặng mái hiên khuya

Dòng Trăng chảy mượt trời hiu quạnh
Ngỡ ngàng không thấy dáng người xưa !
Phòng Văn giờ cũng đâu còn nữa
Vầng Trăng cũng lạc mất vần Thơ !

Dễ đã chín năm dài gắn bó
Ta với Trăng cùng trọ mái hiên
Ta với Trăng khi tròn khi khuyết
Khi đầy vơi theo với dòng đời !

Buổi ta ở, Hiên Trăng vời vợi
Nay ta đi hiên lạnh Trăng mờ
Đèn lụn bấc nhòe câu Thơ cổ
Đường Trăng xưa lạc dấu Người Thơ !

Sao cứ mãi ôm hoài nỗi nhớ
Những Mùa-Trăng-Kỷ-Niệm còn đâu
Ở nơi chốn đã là yêu dấu
Nay xa đi, buồn lặng nỗi buồn !

Ta đi nhé ! Hiên Trăng Brookhurst !
Níu dòng Trăng tiễn biệt người xa
Chân bước đi lòng còn ngoảnh lại
Mười phương Trăng chỉ nhớ phương này...

Trăng Escondido nhớ về Hiên Trăng Brookhurst
03/2003


[Hiên Trăng của ngôi nhà một thời nương náu khi cả gia đình bơ vơ ngơ ngác qua đất người theo dòng nhiễu nhương dâu bể..."nay quày về chung thủy với Hiên Trăng" để " ta lại viết những bài Thơ lãng mạn. Ngồi dưới Hiên Trăng như tự thuở nào..."
Sẽ không còn đi đâu nữa khi đã gọi là chung thủy. Ngôi nhà xưa và những kỷ niệm ngày xưa nay đã là của mình.
Nỗi buồn nhớ, ray rứt của một buổi nào khi phải dời xa để rày đây mai đó, ghé trọ hiên nhà người..."dễ cũng đã gần bảy năm lưu lạc"...
Nỗi vui mừng khi trở lại Hiên Trăng xưa..." buổi gặp lại khó nén lòng thương cảm" bởi vì " khi trở về mừng tủi ngó Hiên Trăng"...
Tâm trạng nhớ thương ray rức khi rời xa với thương cảm mừng tủi khi trở lại nơi xưa chuyên chở cả một đoạn đường dài tháng,năm lưu lạc.
Không còn như ngày nào !
Giờ đây, những đứa con nay đã trường thành, đã có cơ ngơi và cuộc sống riêng lẻ.
Đã tạo điều kiện để Ba trở về lại Hiên Trăng, nơi chính ngôi nhà xưa, một thời gia đình mình nương náu.
Vui nào hơn khi tuổi đã về chiều có một cơ ngơi để không phải rày đây mai đó ở ghé nhà người !
Về thôi ! Về chung thủy với Hiên Trăng...
Ngôi nhà này sẽ là ngôi Nhà Làng cho những lúc đông vui xum họp cuối tuần hay là những ngày lễ hội ở đất người.
Tháng, năm qua đã từng lên chức Nội,Ngoại nay lại thêm chức Già Làng. Sướng hung...]

tháng 11 13, 2009

BÂNG KHUÂNG, NHỚ CHUYỆN QUÊ NHÀ


Chiều nay nhận được email, đọc, mà phát buồn, rồi cười !. (chớ không phải là buồn cười). Chắc chắn đây là người cùng Xóm đình chớ không chạy trật !.
Nội dung :
“...mi con cháu nhà ai mà viết ngang viết dọc về cái xóm quê mình để tao đọc mà mất ngủ mấy đêm. Mất ngủ vì nhớ lại cái hồi xưa. Tao nhờ thằng cháu lên gô gồ tìm tên tác giả để đọc cho đã cái bài Xóm Đình Đa Cát mà tụi nhỏ nói là có ông mô đó viết về xóm quê mình sao mà buồn ray rứt. Tao có đọc. Cái đoạn mi nói bị con chó cắn rồi về xức mồ hóng. Con chó của nhà chú Ba Cận chớ mô.. Còn Phạm Lạc thì tao nhớ, Phạm Đông tao cũng nhớ. Cả hai là con của chú Hương kiểm Lào gần nhà chú Nghi. So trong truyện mi là bạn của thằng Đông, rứa là đàn em xa so với tao rồi. Tao lứa tuổi với Phạm Liêu là anh của Phạm Lạc, Phạm Đông. Hồi nhỏ còn chơi với nhau cứ gọi là mày, tao mà nhiều khi đánh nhau hung lắm. Sau này Liêu về Xóm đã là thầy giáo mà nghiêm nghị chững chạc cho nên tao khó gọi lại mày tao quá. Cứ gọi nhau là ông với tôi cho dễ chuyện trò với nhau. Vậy chớ mi con cháu nhà nào trong Xóm....”
Meo qua meo lại hóa ra anh là người cùng xóm. Anh đang ở quê nhà và cũng đang ở nhà trông coi cháu nội, ngoại đầy đàn. Có một đoạn email, anh nói “ Mù cha tam đợi ! Mấy đứa con tao răng mà hắn soàn soạt mỗi năm mỗi đứa làm cho tao với chị hùn sức nhau trông coi mấy đứa cháu cũng thấy ngất ngư con tàu đưa. Nói chơi vui là chắc trời lạnh tụi hắn ngủ sớm...”.
Thú thật, tôi không hình dung ra anh là ai, dù biết nhà anh cách nhà tôi một đoạn đường dài gần gần như là Xóm trên Xóm dưới.
Sau này, do anh nói, là chồng của chị Huê, tôi mới giật mình nhớ lại anh là tài tử, chị Huê là giai nhân của Xóm tôi. Té ra anh là con của bác Cứ, chị là con của chú Tường. Rồi khi biết tôi là con của ôn Cai Hoành anh nói : “ hèn chi mi viết văn làm thơ bởi hồi đó chú Cai cũng thơ văn giắt đầy mình đi tới đâu cũng nói chuyện thơ văn mặc dầu chú là thợ mộc dùi đục chan chát suốt ngày. Sau này chú lên chưn làm thầu khoán đi suốt năm suốt tháng. Lâu lâu về nhà thắp cây đèn “măng sông” ( manchon) sáng rỡ. Hồi đó xóm mình chỉ có đèn dầu. Đêm tối có việc ra ngoài thì đốt đuốc...”
Anh vốn tên là Địa.
Sau này, có một khỏang thời gian dài, lang bạt kỳ hồ xuống tận miền Nam kỳ lục tỉnh. Có qua Cao Miên( có qua không, không biết, chỉ nghe nói, nghe tin đồn !).
Cuối cùng về lại Xóm quê.
Ai lâu ngày gặp gọi mừng tên Địa (cúng cơm) là anh giả lơ như không nghe không thấy. Ngày nào bác Cứ cũng có người tới nhà “mắng vốn”, có nghỉa là phàn nàn hay nặng hơn là phiền trách, về thái độ của anh với bà con làng xóm.
Bác, trước tiên là xin lỗi rồi sau đó mới giải thích nguyên do. Hóa ra là cái tên Địa (cúng cơm) bây giờ đã đổi là Đại. Trần Quang Đại thay vì Trần Địa như ngày nào. Chuyện này có Hộ Lại của Làng ( là chú Lại) thay mặt chính quyền viết lên giấy trắng ( không trắng lắm, chỉ ngà ngà) chuyển đổi tên cũ qua tên mới trên tờ Giấy Khai Sinh. Bên dưới có chữ ký của ông Xã Lùn( xin lỗi ôn, bởi ai cũng gọi vậy, nên gọi quen) với dấu mộc màu xanh đen ( sau này dấu mộc đổi tông màu đỏ chói ) . Ai dám không tin!
Sau một khoảng thời gian trường trải quê xa học đòi bao điều mới lạ, anh về lại Xóm cũ,phong cách coi như là “ hương đồng gió nội bay đi khá nhiều” nên Trần Quang Đại như là một biểu tượng cách tân và mau chóng trở thành thần tượng của lớp thanh niên Làng Xóm quanh năm đèn dầu le lói đêm ra đường thắp đuốc đuổi bóng đêm.
Đầu tiên là cái đầu trọc bao đời gìn giữ nay đã chuyển hóa ra đầu tóc dài chải tém, láng mướt dầu dừa. Mấy anh trai làng ( có nhiều anh đẹp trai dễ sợ mà cũng có nhiều anh, cũng trai, mà xấu trai thấy ớn ) đã thầm lén đua nhau ( nhìn nhau tranh nhau ) dưỡng nuôi mái tóc dài. Để tha hồ mà chải tém !
Quần cụt áo thun hay thuở giờ trần sì quần cụt áo da tứ thời, nay đua đòi nhau lên "mốt" quần tây, áo tây tay dài cổ bẻ. Quần thì bốn nếp li, hai túi trước hai túi sau. Áo cần (rất cần) có một túi( bên trái nghe, bên phải là trật-cùi-chìa, thấy mà dị hợm ) để bỏ cái lược ( nhỏ ) lâu lâu làm dáng, lấy ra, chải ngược mái tóc gió bay.
Chân trần thuở giờ mưa nắng hai mùa, hay dẫu cho có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông cũng trần chân lội đạp. Nay đã kịp thời trang “ôm” đôi dép cao su đủ màu xanh đỏ tím vàng.
Nếu không điều kiện để đua đòi thời trang thì cứ chơi ngang đôi guốc vông. Cũng vậy thôi ! Guốc với dép, nói tận cùng, cũng chỉ là một nghỉa ( cử ) như nhau. Cũng chỉ là ôm đôi chân trần đừng cho đạp đất như đã từng đạp bao năm .
Duy có điều, so với thời trang, đôi dép thanh tân vẫn có tranh phần thời thượng !
Thử tưởng tượng coi !. Mặc quần tây áo tây mà đi đôi guốc vông thì đúng là choài đạp xỉa xói nhau hung bạo tới cùng!. Thiếu điều mắc cở !!!
Nhưng mà thôi !
Nhắc chuyện hồi xưa mà đem so lòng toan tính theo tình cảnh ngày nay thì nhắc nhớ làm chi ! Ngày xưa nó vậy mà ! Cứ để yên ngày xưa là như vậy trên trang đời hoài niệm!.
Nói cho cùng, cũng chỉ tại vì nhớ tới anh Địa bỗng dưng là anh Đại.
Anh Địa (tên cúng cơm) rồi anh Đại !. Nghĩ cho cùng,cũng cùng vậy thôi !. Địa với Đại chỉ là chia nỗi nhớ như nhau. Cũng chỉ là vòng ôm kỷ niệm viết về một làng quê. Viết hoài không hết những trăn trở vui buồn....
Lớp thanh niên, ngày đó, có theo anh làm thay đổi lớn lao khuôn mặt Xóm Làng nhưng không theo nổi anh tiếng đàn và lời ca bạt ngàn trời đất phương Nam. Cái đó là của phần anh, đi một ngày đàng học một sàng khôn, không ai níu với được.
Khi anh dạo tiếng đàn cò-bay-thẳng-cánh ruộng lúa phương Nam và cất lời ca Nam Bộ, chính thống giọng Nam, không hề pha trại giọng người tứ xứ về hội tụ lại làm nên Xóm Làng tôi. Một Xóm Làng quê nằm cuối trời phong thổ, chưa từng có nóng chỉ có lạnh và se lạnh, vùng cao.
Xóm quê tôi đêm thắp đèn dầu âm thầm lặng lẻ trong sinh hoạt gia đình. Có những đêm Trăng, bất chợt hữu tình, người người rủ nhau ra tụ họp ở sân Đình coi như mái nhà chung để để tận hưởng thời gian quý báu Trăng về làm ấm làm vui. Được có hiếm hoi để vui đùa cho lảng quên những lặng thầm sinh hoạt gia đình khép kín. Quên những ngày Trăng, có lên, mà tức tưởi giú mình trong mây. Quên đi những ngày mưa dài lê thê và những ngày tiết trời se sắt lạnh...
Tiếng đàn và giọng hát phương Nam của anh theo với dòng Trăng đã như níu nắng ấm bỏ vô tình Làng nghĩa Xóm.
Anh là tài tử của Xóm quê tôi.

(còn tiếp, khi có thời giờ buồn nhớ bâng khuâng...)

HOA CÚC


em đi tình Cúc bợt vàng
tiễn đưa là biết ngỡ ngàng xa nhau
đâu còn ngõ trước hiên sau
nắm tay như thuở ban đầu ghé đau
ấy tình quân tử háo cầu
níu lòng thục nữ lạc sầu chớm Thu
dưng không mà lặng sương mù
dưng không mà đứng hiên Thu ngậm ngùi
tiếng là đáng mặt trượng phu
lạc đường tình ái lại ngu ngơ tình
phận mình như đám lục bình
trôi sông lạc biển biết tình về đâu
về đâu lường được sông sâu
về đâu thương hải biển dâu tang điền
thiệt ưng cái nết dịu hiền
dựa bên dáng Cúc dỗi phiền lòng tôi
lòng tôi mây nổi mây trôi
gió nghiêng cũng xụi nắng soi cũng xàu
bởi chưng quân tử háo cầu
tình tôi sớm đánh tối đầu vì em
trước làm mặt lạ sau quen
quen lâu rồi hóa quen mềm tới xương
khó lời nói đặng tiếng thương
nên chi đời vẫn cứ tương tư hoài
em ra đứng ở hiên ngoài
tôi ra theo để cứ nhoài nhớ mong
em trốn nắng vào hiên trong
tôi theo vô để níu lòng theo em

hóa ra hạt nắng bên thềm
ngó nghiêng hoa Cúc trải mềm dáng Thu

10/2009

PHỐ ĐÊM


tôi về nhánh lá thơm Thu
phố hiu quạnh phố mịt mù dáng đêm
không em chỉ có ánh đèn
níu tôi ngả bóng theo triền dốc sương
lạnh từng bước nhẹ thoảng hương
Thu vàng đem nhớ trộn thương ngậm ngùi...
10/2009

tháng 11 09, 2009

MÙA HƯƠNG BẮP


Buổi chiều, sau giờ tan sở, tôi ghé chợ Lucky Seafood ( vốn là chợ 79 cũ, nay đổi tên theo trào lưu hòa nhập đất người) tìm cho được mấy trái bắp mang nhãn hiệu quê nhà. Trời cuối năm lành lạnh, muốn được tìm lại hương quê qua mấy trái bắp( thay vì luộc chín trong nồi) cứ đưa vào microwave oven với khoảng thời giờ vừa phải cũng hâm nóng được tình ly xứ.
Đang đứng chọn lựa những bị bắp (đông lạnh) hạt phải nở đều, thân trái phải tròn trịa theo yêu cầu (tưởng tượng) về những trái bắp nếp quê nhà đã một thời nhức nhối đam mê theo từng kỷ niệm. Vừa lúc đó, anh đến. Anh cũng đứng tần ngần, cầm lên, bỏ xuống những bị bắp đông lạnh. Những bị bắp anh vừa cầm lên, bỏ xuống cũng chính là những bị bắp tôi cũng vừa bỏ xuống, cầm lên. Cả anh và tôi cùng đứng tần ngần, nhìn ngắm, thầm chọn lựa. Cuối cùng, anh bỏ đi. Và tôi, cũng bỏ đi.
Đúng là lượt bắp xuất khẩu, hay nói đúng hơn, đợt bắp nhận hàng của Chợ đã không đúng “tiêu chuẩn” chọn lựa của khách hàng. Là tôi và anh.
Bản tính tôi vốn cầu kỳ, hương hoa chuyện ăn uống nhất là từ lúc gia đình được đến định cư vùng-đất-hứa. Đã là vùng-đất-hứa, vấn đề đói no cơm áo hàng ngày không còn là vấn đề ưu tư dằn vặt. Sau thời giờ của một ngày rượt đuổi cuộc mưu sinh để được sống còn, cũng muốn có một khoảnh thời gian dành cho những chọn lựa kiểu cách, thi vị riêng tư. Một dĩa bắp luộc bày ra bàn để vợ chồng con cái cùng chia sẻ miếng ngon và nhắc nhớ những mùa bắp khi còn ở quê nhà, cũng là sự chọn lựa thi vị để chấm dứt một ngày tất bật. Vùng đất này quả thật là một vùng đất kỳ hoa dị thảo và những món ngon vật lạ không phải chờ đợi theo mùa.
Nói đâu xa, ở quê nhà, muốn ăn miếng dưa hấu xanh-vỏ-đỏ-lòng cũng phải đành chờ tới dịp Tết. Nơi đây thì hình như dưa hấu có quanh năm. Hoặc giả, khi tình quê nung nấu, muốn thưởng thức những cây trái ngọt ngào hương kỷ niệm bốn mùa xưa?. Xin cứ vào những khu Chợ Việt Nam, tìm tới gian hàng đông lạnh. Cây trái bốn mùa của quê hương nằm chen lấn trong đó. Tuy là đông lạnh nhưng vẻ dáng và hương vị cũng còn ít nhiều phảng phất hương quê !
Tìm lại một món ăn mang đầy đặn tính quê cũng phải đắn đo suy nghĩ. Không phải vì tiếc tiền nhưng mà tiếc khoảng thời gian để chọn lựa. Và càng ngẩn ngơ , hụt hẫng khi sự chọn lựa của mình đã nhầm lẫn, đã không gợi được tình quê vốn nặng lòng kỷ niệm. Cũng mặt hàng như thế nhưng mang nhãn hiệu của những nước bạn láng giềng. Cảm giác thi vị sẽ không sâu lắng mặn mòi khi nghĩ những loại cây trái đó không hề mang nặng hơi hướm của mùi đất quê hương. Không được lớn lên, trở mình huê dạng ở ngay mảnh đất, mà khi xa đi, tâm tình và cảm xúc vẫn cứ thèm hai tiếng thương yêu : Quê Mẹ !
Món ngon vật lạ thiếu gì vậy mà cháu Út Nhã Uyên, lâu lâu cứ vòi Mẹ cho được ăn cơm với cá khô chiên giòn. Ngồi riêng ở một góc bàn, nhìn cháu Út mê mải với dĩa cơm và mấy miếng cá khô, tôi cảm thấy ấm lòng. Nhiều năm rồi, hòa nhập vào quê hương mới, nhưng cứ vẫn giữ được tấm lòng chân quê !
Lòng vòng tâm sự, xin trở lại câu chuyện dở dang.
Tôi vòng qua dãy bày bán khoai lang dẻo, món mà tôi rất thích. Khi còn ở quê nhà, có thể vì chủ quan và còn mang nặng tính địa phương, tôi cho rằng khoai lang dẻo không đâu sánh bằng đặc sản của Ấp Sầm Sơn ( thuộc Khóm An Lạc, Thành phố Đàlạt). Những lát khoai vàng lườm óng mật sắp xếp mỹ thuật trong từng túi nilon, được bày hàng trong trong Khu Chợ Mới Đàlạt là món hàng chiêu dụ khách du lịch nhiều nhất. Dân địa phương thì không cần thiết chuyện màu mè, chỉ mua cân ký và biết chọn khoai của từng vùng đất. Khoai mật vùng Định An ( Quận Đức Trọng, Đàlạt) cũng ngọt, dẽo . Nhưng dẫu sao, sành điệu, vẫn là khoai lang mật đất Sầm Sơn.
Ở đây thì mất quyền lựa chọn vì mặt hàng xuất khẩu đa dạng.
Những lát khoai bày biện khá mỹ thuật trong những bao nilon đủ màu sắc và được giới thiệu là sản phẩm của những địa danh trong nước. Có những địa danh tôi nghe rất lạ, cứ hoài nghi và không nghĩ là nơi đó có thể sản xuất khoai lang mật đạt vào hàng xuất khẩu. Rõ ràng là lộng-giả-thành-chân. Đa số được khéo léo tẩm mật đường và pha chút phẩm màu vẻ dáng. Cả một dãy hàng, tôi và anh cứ nhích ngang từng bước, cầm lên rồi bỏ xuống. Cuối cùng, tôi ( và anh) bỏ cuộc.
Không tìm được hương vị quê hương, chiều hôm đó, nhưng tôi tìm được nhân dáng quê hương qua câu chuyện làm quen với anh. Thì ra anh cũng là dân Đàlạt, lại là người đồng điệu với món bắp nếp, khoai lang dẻo với tôi.
Ngạc nhiên và hết sức thú vị khi anh cho biết, anh chính là dân gốc Ấp Sầm Sơn ngọt mật khoai lang, xanh mát những luống rau tươi góp phần làm nổi danh Thành Phố Mù Sương. Anh phải chọn lựa đắn đo những món ăn ruột thịt là chính vì như thế. Tôi đồng tình với anh.
Cũng như, khi còn ở quê hương, muốn thưởng thức hương vị ngọt ngào thanh cảnh của những trái Mận vàng ( hay đỏ) tươi, thì phải là Mận vùng Trại Hầm. Còn muốn cắn ngập, giòn tan để lắng lòng trong hương thơm chất ngất của những trái Hồng no tròn thì không thể quên giống Hồng độc nhất vô nhị của Ấp Đa Phú. Muốn tìm hương vị chua ( thanh) ngọt (lịm) hương vị Dâu Tây thì chắc chắn phải là những trái Dâu đẫy đà, no chắc của vùng Ấp Hà Đông. Cầu kỳ những món ăn đặc sản được chế biến từ các loại rau cải thì đừng quên những sản phẩm của vùng đất Ấp Tây Hồ, Sào Nam( nói chung là vùng Trại Mát) hay là khu Thánh Mẫu (Ấp Đa Thành). Bởi chưng, đặc sản của mỗi vùng có những vẻ dáng và hương vị riêng, góp phần, làm nên nét đặc trưng Đàlạt.
Khi về qua Đàlạt, nghe danh là Thành Phố Hoa Nở Bốn Mùa, cũng muốn nhìn cho thỏa. Đâu phải chỉ ngắm hoa là cứ vào Vườn Hoa Thành Phố ! Sao không ghé về vùng đất Ấp Thái Phiên. Dẫu là nơi đây, hoa chỉ trồng nhắm mục đích kinh doanh gây lợi nhuận, nhưng cứ hãy tìm đến nhìn ngắm cho thỏa lòng. Đứng trên đồi cao nhìn xuống thung lũng bạt ngàn những luống hoa đang sắp vào mùa thu hoạch. Hoa nở rộ đủ màu sắc rực rỡ, cứ tưởng như là một tấm thảm hoa trải dài. Nhất là giữa ánh nắng chiều vàng tơ nhung lụa chìm lắng trong không gian yên ắng, lòng bỗng nhiên tĩnh mặc, hòa nhập với thiên nhiên...
Hay là ngại đường xa, thì cứ việc thảnh thơi dạo qua những đường phố . Phải nói là, Đàlạt, con đường nào cũng có hoa – theo cả bốn mùa .
Kể cả mùa Đông giá lạnh, những con đường Đàlạt vẫn cứ rực rỡ vàng tươi màu sắc hoa. Riêng có một loài hoa rộ sắc giữa mùa Đông giá lạnh để tiếp nối cho đầy đặn câu chữ hoa-nở-bốn-mùa của thành phố quê tôi.
Đó là hoa Quỳ Hương ( Quỳ Hương là theo tên gọi cho có văn thơ của tôi thôi, chứ dân Đàlạt thì vẫn cứ thường gọi quen là hoa Quỳ) . Hoa hoang dại tự mọc tự tàn, đâu có ai thèm trồng nên cũng không thèm chăm sóc !. Cứ mỗi độ Đông về lạnh giá thì dáng hoa vàng rộ kiêu sa giữa nắng chiều vàng trên những con đường Đàlạt. Hoa chỉ rộ nở theo mùa Đông để rồi tàn theo mùa Xuân! Thân phận Quỳ Hương là tiếp nối cho đầy đặn danh xưng thành phố hoa-nở-bốn-mùa !
Với dân Đàlạt, nếu gợi nhắc tới hoa Quỳ Hương( hoa Quỳ) mà cứ ngẩn ngơ (dù chỉ một thoáng) thì thiệt là, xin lỗi, đâu phải là dân Đàlạt.
Tôi có nói với anh bạn cùng quê là tôi rất yêu và nhớ Quỳ Hương(của tôi nhưng của anh là hoa Quỳ) bởi vì tôi có rất nhiều kỷ niệm với loài hoa hoang dại này. Anh thật lòng hưởng ứng và chia sẻ cùng tôi cảm nhận riêng.
Theo anh, thì anh yêu hoa Quỳ nhất. Yêu, không chỉ vì gắn bó nhiều kỷ niệm mà yêu vì hợp tâm tính của anh. Muà Đông giá lạnh, khắt khe đến như thế mà tại sao hoa vẫn cứ nở, sung mãn. Hoa cứ rực óng một màu vàng thách thức với màu trời ảm đạm thê lương!
Và, một điều nữa, anh tâm sự . Đàlạt những ngày Đông giá lạnh, sao lạ, lại có những chiều nắng hanh vàng ! Màu nắng hanh vàng dịu nhẹ hoà nhập vào màu vàng rực rỡ hoa Quỳ tạo một không gian chìm lắng, sâu thẳm nhưng lại tràn đầy sức sống.
Màu nắng hanh vàng trải dài đồi núi hoà nhập vào màu hoa vàng rực rỡ dọc bên đường gợi lòng hun hút những suy tư, tầm mặc!.
Anh yêu những ngày Đông Đàlạt, không chỉ vì cái lạnh lùng se thắt để được ấm nồng bên lò than hồng . Nhưng, yêu, vì khi nhìn thấy những cụm hoa Quỳ rộ nở dọc dài theo những con đường đất làng quê giữa chiều Đông mượt nắng hanh vàng.
Những chiều như thế, anh thích được đi lang thang qua con đường gập ghềnh trong Xóm. Nhìn sắc hoa vàng óng và màu nắng vàng quyện lòng nhau, sao cảm thấy chính lòng mình cũng thanh thản, nhẹ nhàng...
Chiều nhạt nắng ở quê xa chẳng có gì thi vị. Nắng góc phố bên kia đường, mới vừa đó, lại nhạt nhòa bóng tối bên này. Đèn đường bật sáng. Buổi chiều như vậy đã gọi là qua, chấm dứt một ngày mỏi rời chuyện cơm áo đời thường.
Chiều, dù có nắng hanh vàng hay mưa rơi nhè nhẹ cũng chẳng gợi được điều gì.
Con người vô tình đã là cái máy tính thời gian qua những lần bật nhóa của chiếc đồng hồ dạ quang trước tay lái.
Như nếu chiều nay nắng không hanh vàng mà lại mưa, dù chỉ là cơn mưa dịu nhẹ gợi tình, trong lòng cũng trống trơn ngoài một ý nghĩ là đường sẽ kẹt xe. Lại phải gọi điện tin cho nhà biết khoảng thời gian ước lượng sẽ về được tới nhà. Gọi trước 9 giờ tối, cell phone vẫn đều tay chém. Tính toán chi li như thế thì còn đâu là nắng hanh vàng, là mưa bay dịu nhẹ, là Quỳ Hương( hay là hoa Quỳ). !
Anh cười ngất, khen tôi có tính hào sảng với đời thường cơm áo mà chi li với góc nhỏ của đời riêng. Ý anh nói là tôi có nhiều hội nhập sẽ rất mau là tên mỹ-da-vàng.
Anh ghi vội cho tôi địa chỉ nhà, hẹn một ngày gặp lại.
Khi vòng ra Exit để nhập dòng xa lộ, quả nhiên, dòng xe bắt đầu dồn lại chậm rì. Nhích đo từng thước đường xe kẹt, tôi có thời gian nhớ lại giây phút gặp gỡ tình cờ hi hữu vừa qua.
Và, giật mình, khi biết mình đã quên không ghi số điện thoại nhà cho anh.

Nay viết câu chuyện này vì tình cờ tìm thấy được mẫu giấy nhỏ, nhân lúc sắp xếp cho ngăn nắp hộc (trong nhiều hộc ) của cái bàn văn vốn rất là bừa bộn .
Mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ nhà ( không thấy ghi số điện thoại).
Suy nghĩ mãi, cuối cùng, chợt nhớ một buổi chiều nào, cách đây đã gần một năm, gặp anh trong khu chợ Á Đông. Hương-bắp-nếp rồi cả dáng Quỳ Hương chợt ùa về để cảm thấy mình có lỗi.
Tôi tìm anh theo địa chỉ đã ghi gần một năm trước. Chỉ để có lời xin lỗi anh chỉ vì cuộc sống giành miếng-ăn-chật-chội trên đất người xa lạ mà có khi quên lẫn miếng-da-vàng cần thiết gần gụi nhau.
Khu chung cư ồn ào náo động hò reo sôi nổi trận đá bóng giữa đường phố.
Lời ca vọng cổ vang vang từ một vở tuồng cải lương đuổi dài theo con đường hẽm tìm nhà anh.
Ánh mắt nhìn nửa thân thiện, nửa nghi ngờ của cư dân ( ngồi hóng gió trước sân ) khi thấy có người lạ mắt nhìn ngó láo liêng. Cũng nên cảnh giác và dò chừng.
Tôi tìm đúng số nhà trên mảnh giấy vàng phai năm, tháng. Gõ cửa và mong thấy lại anh.
Người mở cửa là một người nữ. Cô đã chịu đựng lời trần tình thiết tha về, một buổi chiều, gặp mặt người đã thèm hương bắp nếp thương nhớ hoa Quỳ để trở thành người bạn. Nay tìm tới thăm. Tôi chìa mảnh giấy vàng ố có ghi tên và địa chỉ nhưng cô đã không nhìn mảnh giấy lại nhìn tôi lạ lẫm !. Chỉ với mùi hương bắp! Vì một vẻ dáng quỳ hương ! Vì một buổi chiều gặp nhau mà đã là bạn để tới tìm nhau ! Chuyện lạ !.
Cô dứt khoát vói tay cầm nắm cửa, ngắn gọn một câu : ‘ Xin lỗi, ông đã nhầm nhà rồi!”.
Cửa đóng sầm và then gài lách cách.

11/2009

tháng 11 04, 2009

KỶ NIỆM (trăm chữ)


Còn nhớ đàn cá vàng trong hồ cây cảnh Ba xây
theo ý thích của con?.Nhớ cây đàn theo con mỗi
sáng Chủ Nhật qua Cung Thiếu Nhi...
Ngày xa quê, bỏ lại, để chỉ còn là kỷ niệm !.
Tuổi thơ đã qua nay đã trưởng thành có thể con
quên nhưng Ba thì luôn nhớ. Kỷ niệm của Ba về
mỗi đứa con là tình yêu thương gắn bó, Ba giữ
hoài...
Sinh nhật con, Ba chia lại một chút làm quà.
Cất giữ cho Ba nghe.
Khi vào đời đừng quên mang theo quà Ba dành tặng...

04/11/2009

HÌNH ẢNH


( Ủa, cái áo xanh ngày nào sao bây giờ mặc vừa y vậy !)

HAI BÀI THƠ HỒI NHỎ


( Nhatrang, trước ngày xa quê)

không qua Mẫu giáo
chữ viết chậm rì
ngó chẳng ra chi
là trò Minh Đạo

tiếp thu rất mau
phát biểu rất tốt
thông minh nhất lớp
cũng trò Minh Đạo

có điều...hơi nhão
mau khóc hay hờn
vui buồn có cơn
cũng trò Minh Đạo

quyền cước rất bạo
nằm,đứng,ngồi,quỳ
ngó như con khỉ
cũng là Minh Đạo

tánh khí ồn ào
chưa đi đã...rượt
chưa nói đã cười
cũng là Minh Đạo

Ba Mẹ hỏi nhau
"Cái thằng thiệt lạ
mười-hai-con-giáp
nó giống con nào !"


tháng 8/1989


kẻng Trường rộn rã
học trò đã về
mũ len đội lệch
cặp đeo trên vai
áo quần xộc xệch
mặt mũi đỏ lừ
mồ hôi nhễ nhại
bước nhảy chân sáo
miệng hát bi bô
từ cổng bước vô
chưa kịp thưa Ba
đã kêu :" Đói! Đói "

học mới một gói
mà ăn sạch bồ
sạch quánh sạch nồi
thôi đi...ông Tướng !

tháng 5/1989


( trích Nhật Thi, thơ Trần Huy Sao, 1990 )

tháng 11 03, 2009

NGƯỜI BẠN CŨ


gởi nhớ bạn : Bình An, San José

buổi em lên thăm người bạn học ngày xưa
sóng biển Nhatrang lá-me-trưa làm hành lý
trường Nữ học em chèn thêm rất kỹ
ngại giữa đường kỷ niệm lạc trời xa
ta vốn một thời phiêu giạt phong ba
đi tận trời xa bạn bè nắng hạn
rất ngưỡng mộ em chỉ vì tình bạn
áo cơm đời vay mượn cố tìm nhau
bạn ngày xưa thấy lại lòng thêm đau
ôm không hết vòng tay thời Nữ học
nắng Nhatrang chạnh lòng nhau muốn khóc
bạn ngày xưa nay đã giạt phong trần
căn gác nhỏ áo cơm đời lận đận
tuổi thanh xuân nay tàn úa quê người
miếng đói no cứ mỗi ngày tất tưởi
chỉ tự mình lo sớm nắng chiều mưa

nắm xôi dành cho buổi ăn trưa
bạn chia sớt bởi chẳng còn gì chia với

em ngó nắm xôi nghe lòng đau nhói
cắn dè chừng e bạn đói ngày sau
dành bớt nỗi buồn sớt cả nỗi đau
thương tóc bạn đã ngả màu cô quạnh
không biết giữa đời nắng khô mưa tạnh
bạn níu gì đây cho vợi nỗi sầu
chỉ một mình thôi nào có ai đâu
ngoài trống vắng giữa căn phòng trống trải
buổi sáng ra đi buổi chiều về lại
ngó quanh thân cũng chỉ thấy riêng mình
riêng mình thôi hiu hắt bóng hình
gầy guộc tháng năm tuổi đời mòn mỏi
đêm hai đứa ngồi nhìn nhau không nói
sóng biển Nhatrang mặn muối nỗi lòng
đường lá me bay gió trời lồng lộng
để tóc thề thả rối giờ ra chơi
tuổi thơ ngây bỏ sót lại bên trời
nay gọi nhớ để thương tà áo trắng
tà áo xưa là muối mặn Nhatrang
cũng lần lựa đổ xô vào kỷ niệm
nhắc để nhớ hay để lòng đau nghiến
thương quá một thời nữ học Nhatrang !

em kể chuyện mấy ngày lên thăm bạn
ta nghe qua mà mất ngủ một đêm

thương nắm xôi bạn chia sớt cùng em
giữa căn phòng né nhường nhau chỗ ngủ
khi chia tay níu tình nhau chưa đủ
bạn rớt lòng tay em giọt nước mắt....
Buồn !!!!

San Diego,11/2009

tháng 10 27, 2009

SINH NHẬT VUI VẺ

MỪNG SINH NHẬT CÔ ÚT (trăm chữ)


Wow....

" Qua đường, lẹ lên con. Nắm tay Ba, nắm chắc.".
Hồi mới qua vùng đất mới, dắt con với anh Đào đi chợ.
Ba cha con ngớ ngẩn ở cửa ra, vào. Đứng chờ vào ở cửa
ra, chờ ra ở cửa vào. Qua ngã tư, con níu Ba, tay đẵm
mồ hôi vì sợ. Nay con đã lớn khôn để tự đi vào đường
đời không cần tay Ba nắm. Con hãy bước đi, vững vàng
trên chặng đường một thời Ba từng đi.Không nắm tay
con nhưng Ba vẫn nhìn theo từng bước con đi vào Đời..."

27/10/2009

BÀI THƠ HỒI NHỎ


( Nha Trang 1994. Cô Út ngồi bên anh Đào, bên phải. Nhỏ chút xíu, là hồi đó, chớ bây giờ...wow!!!)

gởi Út để chia hồi nhỏ

hai chiếc nơ xinh xắn
như đôi bướm tung tăng
trong vườn-hoa-tóc-bé
thơm ngát một mùi hương

cô bé nào xinh quá
hai má phính hồng hào
mắt tròn đen lay láy
bé tên gì, bé ngoan ?

" trước tiên là Maika
rồi nô tỳ Asaura
tên Anqua-Bala
là sau này Ba đặt
còn nếu như tên thật
Nhã Uyên đó nghen
mà tên gọi thường quen
Út Linh, Út Sún
khi nào bé làm nũng
thì Ba gọi Năm Nhè
khi nào nói không nghe
thì Ba kêu Vằn Hổ
mỗi khi ai có hỏi
thì Ba gọi Phục Linh
chắc là tại bé xinh
mới có nhiều tên vậy!..."


ồ, cô bé của Ba
bé là vườn hoa nhỏ
có hoa thì màu đỏ
có hoa lại màu hồng
mỗi loài hoa mỗi vẻ
người đặt mỗi tên riêng

bé như những bông hoa
mỗi ngày trông mỗi vẻ
khi thì Hoa Khóc Nhè
khi thì Hoa Làm Nũng
có khi cười : Hoa Sún
có lúc Hoa Ăn Hàng
tùy loài hoa Ba đặt
cho mỗi một tên riêng
đừng phiền nghe, cô bé !!!...

Xóm Nghèo,12/02/1990
trước hòn Non Bộ ngồi chơi bán hàng
với bé Út.

( trích Nhật Thi, thơ Trần Huy Sao,1990)

tháng 10 23, 2009

LẠI CHUYỆN LÀNG CHUYỆN XÓM


Xóm quê tôi “tối lửa tắt đèn” nhà ai nấy ở, đường vắng teo. Lệ Làng quy định gần mười giờ là có chú A, nhà ở cuối dốc giếng Hai Vòi, đeo cái mõ cầm cái dùi, đi hết làng trên xóm dưới.
Chú vừa gõ mõ vừa ê a bài học-thuộc-lòng nhắc nhở mọi nhà coi chừng lửa bếp, coi chừng cửa nẻo, coi chừng...ngủ sớm để mai có sức ra làm công việc nương rẫy, làm thợ làm thầy.
Nói chung, khi tiếng mõ đã gióng lên từ làng trên xóm dưới là mọi người dân xóm đều biết đó là giờ giới nghiêm. Nhà ai nấy ở nội bất xuất ngoại bất nhập.
Tráng đinh trong làng sẽ đi tuần rỏn để giữ gìn an ninh trật tự cho bà con có giấc ngủ đầy.
Người lớn ai cũng gọi chú A là “thằng mõ”. !
Tôi nghe mà trong lòng cứ chộn rộn xốn xang nỗi bất bình. Chú lớn tuổi rồi, có đông con và cũng bắt đầu lai rai có vài đứa cháu nội ngoại. Vậy sao gọi là “thằng”?.
Tôi có đi dò hỏi quý đàn anh đàn chị, có vòng tay xin Cha tôi giải thích về danh xưng “thằng” riêng đối với chú A (Nguyễn văn).
Các anh, chị lớn không giải thích nổi vì mỗi lần gặp chú thảy đều vòng tay cúi đấu thưa chào phải phép. Đâu có dám gọi “thằng"!
Cha tôi thì không nói rõ hết ngọn ngành, chỉ nhắc chừng con có gặp chú thì phải chào hỏi lễ phép “tiên học lễ hậu học văn”. Chú cũng là dân xóm làng mình. Ai cũng có phần việc riêng để chung lo chuyện xóm làng.
Hàng năm xuân thu nhị kỳ hay ba năm Làng vô hội kỳ yên thấy chú chạy trong, ngoài mệt nghỉ theo lệnh sai bảo của quý vị chức sắc hội tề. Chú tất bật luôn tay và cười vui luôn miệng. Chẳng khác chi là người ăn kẻ ở cuả xóm làng. Tôi thiệt lòng thấy bất nhẩn bất ưng !
Thương chú những đêm Đông trời lạnh giá vẫn nghe tiếng mõ và tiếng chú ê a kéo dài lúc to lúc nhỏ hòa theo tiếng gió hú ngược ngàn thung xanh về ngang qua Xóm.
Một thời gian sau này, lâu mau tôi không nhớ được, tiếng mõ tự nhiên tan biến, đã không còn đêm đêm.
Thời thế đổi thay. Xóm làng cũng theo dòng thay đổi. Lớp tráng đinh lần lượt bỏ làng bỏ xóm lên đường thi hành quân dịch,kỳ hạn ba năm.
Lúc nào không hay, đêm đêm làng xóm không còn có tiếng mõ cầm canh với lời nhắc nhở. Quán mụ Đối vẫn đèn(dầu)khuya đối bóng mấy anh trai làng nhậu nhẹt thâu đêm.
Đường xóm khuya vẫn còn mấy chị thanh nữ hẹn hò tình yêu về muộn.
Lớp trẻ tụi tôi thả giàn những đêm Trăng sáng sân Đình. Tha hồ mà bày vẻ những trò chơi tới hồi khuya lơ khuya lắc.
Coi như cái thời xa xưa đã vào cải cách giai đoạn mới.
Miếng đầu làng to hơn sàng bếp đã đi vào thực tế,là không nên cần thiết. Bởi có to mà không no thì thôi,xin đừng to theo kiểu no hơi danh lợi phù vân mây nổi mây trôi...
Ôn cai Tư, là hương sư của nhiều thế hệ.
Tới thế hệ tôi, ôn trở dáng chiều đời không còn nhanh nhẹn đi đứng. Không nhặm lẹ nói năng bác vật bởi mắc chứng lảng quên tuổi già.
Không trách. Chỉ trách con gà dĩa xôi cúng thầy buổi khai tâm đã không chút sơ múi cho thằng học trò trỏ mắt nhịn thèm. Khi ngồi xếp bằng bên cạnh đồng môn, nước miếng thèm ăn làm lạc giọng ê a bài học ..tử con tôn cháu lục sáu tam ba gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau...
Khi tôi vào trường tiểu học Đa Nghĩa thì nhường cái-nhịn-thèm cho lớp đàn em trong Xóm. Ba tôi lại thêm một con gà và dĩa xôi cho em tôi. Em Tuyết. Nay em không còn nữa !
Những cái-nhịn-thèm cứ tiếp nối cho kỷ niệm xóm làng về một người Thầy, không chỉ là đáng kính, mà đáng yêu trong suốt dòng chảy tuổi thơ.
Bọn trẻ xóm tôi không hề gọi là Thầy mà chỉ gọi là ôn. Tiếng gọi níu thân thương do từ tình Làng nghĩa Xóm.
Bởi khi gọi tiếng Thầy, nghe sao mà xa lạ không còn Xóm còn Làng. Vấp váp xa lạ và không thể gần gụi thân thương bằng tiếng ôn.
Tiếng "Thầy" chỉ để rồi dần quen khi vào dòng học chính thống ở trường Tiểu Học,nơi có hệ thống cải tiến theo tân học tựa như con đường quê đất đá qua con đường trải nhựa phẳng phiu !.Có Thầy(Cô Hiệu Trưởng).Có ông(bà)Trưởng Ty Tiểu Học !
Tiếng gọi hương sư đã dần đi vào quên lảng.
Riêng hương-sư-Ôn-cai-Tư, mãi mãi muôn đời, là ôn Thầy của bao thế hệ đàn anh đàn chị ( đàn tôi) đàn em của riêng cái xóm nghèo (trong muôn vạn xóm nghèo) quê tôi.
Ôn đã khai tâm cho nhiều thế hệ, sau này vào đời, đã có nhiều thành đạt.
Khi trở lại Làng quê Xóm cũ, quý vị giáo sư (đã và đang dạy học trò),quý vị đã bỏ bút nghiên theo việc kiếm cung nhân khi nhắc lại thầy xưa, vẫn cứ gọi là ôn.
Ôn của một thời đèn dầu khô bấc.
Ôn của một thời sân Làng vang lừng chiêng trống hội kỳ yên.
Một thời có “thằng mõ” đêm đêm nhắc nhở mọi nhà củi lửa coi chừng vạ lây trăm họ.
Ôn của tuổi khai tâm con gà dĩa xôi dọn đường chữ nghỉa vào đời khôn lớn.
( Anh Vĩnh Nghi ( con của “mệ” Bửu Thực) thủ khoa khóa 17 Võ Bị Quốc Gia Đàlạt , khi về lại xóm nhỏ, xoa đầu tụi tôi nói các em gắng lên để cái sàng bếp xóm mình to ngang bằng, và sánh ngang bằng cái đầu nước, chớ không phải( và đừng phải) cái đầu làng. Anh hồi nớ cũng có ôn cai Tư khai tâm như lớp trẻ tụi em. Cũng có cái nhịn thèm miếng thịt gà miếng xôi có khác chi đâu !)
Tụi trẻ xóm tôi ngưỡng mộ gương mẫu của anh, gắng giành nhau vượt khó để sớt cái đầu làng mà lên cái đầu nước. Khi tụi tôi bắt đầu vào đời với các chuyên khoa Đại Học, nao nức vào quân trường thì Thiếu tá Vĩnh Nghi ngả xuống trong trận chiến Mậu Thân 1968 !).
( Anh Phạm Liêu (con của ôn Phạm Lào) giáo sư trường Võ Tánh Nha Trang cũng có về qua Xóm. Tính ông ít nói ít cười( chỉ hiếm hoi cười trong niên học là vào dịp tất niên “đãi” học trò về ăn Tết và dịp hết niên học “tiễn” học trò lên lớp trên).Coi như một năm chỉ có hai nụ cười!.Tôi gọi ông là anh, không là Thầy, vì ông là anh vợ, tôi lại không là học trò Võ Tánh Nha Trang.
Ông nghiêm nghị cỡ nào thì quý anh một thời võ-tánh-nha-trang[nếu tình cờ đọc bài viết này]khắc biết. Không chừng góp thêm cho tôi vài “giai thoại” về tính nghiêm nghị của ông.)

Khi anh về xóm nhỏ, nhắc chuyện khai tâm, anh vẫn gọi thân thương là ôn cai Tư của Xóm mình.
Còn nhiều, nhiều lắm, những anh những chị đã một thời ...lục sáu tam ba gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau.. đã vào đời, đã nên danh nên phận từ buổi khai tâm con- gà-dĩa-xôi với ôn cai Tư của Xóm quê mình : xóm đình Đa Cát.
Chỉ nhắc tượng trưng hai anh gần gụi nhất ( anh Vĩnh Nghi gần nhà, anh Phạm Liêu thì gần bên vợ). Một bên văn một bên võ.
Nhắc cho nhói nỗi nhớ thương về một nơi chốn, khi ở thì thấy như là rất bình thường mà khi dứt bỏ ra đi lại ray rứt nhớ thương.
Anh Vĩnh Nghi đã thật sự đi xa rồi !
Anh Phạm Liêu, nay vẫn còn bám trụ ở Nha Trang, hưu trí. Mở một kệ sách cho thuê kiếm sống qua ngày thêm dặm vào đồng lương hưu ít ỏi cho một nhà giáo lưu dung....

(còn tiếp, khi có thời giờ buồn nhớ bâng khuâng...)

Tháng 09/2009

tháng 10 10, 2009

HÌNH ẢNH


Tiền vệ : Kenneth Truong (anh em song sinh với tiền đạo Kuno Rhinos)
Đặc điểm : Dễ tính (nhìn ảnh biết liền)
Chỉ chờ bóng xuống trúng chân thì đá. Bóng qua bên trái hay bên phải,cho qua luôn vì chuyện đó có thủ môn tự lo.
Cũng đang trong mùa thi đấu giành chức vô địch toàn vùng.

HÌNH ẢNH


Tiền đạo Kuno Rhinos
Đặc điểm : Rất khó tính (nhìn hình biết liền!)
Chỉ chờ banh chọn chân chứ không thèm chân chọn banh.
Có những cú...sút...thần sầu quỷ khấp làm rung rinh khung thành đội bạn vì bóng chỉ lướt sát khung thành chứ chưa bao giờ phá lưới!!!
Đang trong mùa chung kết để giành chức vô địch toàn vùng.
Sáng nay, 10/10/2009, có trận đấu quyết liệt. Đang chờ xem...

Thơ Langbian : SÓNG


gởi Hiền, Đại, Huy, Nhuận, Phúc
Minh Hiền, Lộc, Vân…và các bạn


Từng con sóng dập dồn
Cuốn xô ghềnh đá cũ
Chìm hoài trong hoàng hôn
Trong vực sâu quá khứ

Tình…giờ ngàn năm ngủ
Nhớ…giờ yên đáy mồ
Sóng xô…và sóng xô…
Miên man lời tâm sự

Như lời ai tình tự
Biết có còn ai nghe ?
Biết có ai còn về
Từng chiều nghe sóng hát

Dấu chân người trên cát
Đi đâu…và về đâu ?
Đời rồi như bể dâu
Bạc đầu con sóng nhớ !

Langbian
từ một lần về gặp lại…

tháng 10 08, 2009

LÁ THUỘC BÀI


(lớp tuổi trẻ sau này về thăm lại trường xưa. Không khác xưa, còn phong trần hơn xưa !!!) Bâng khuâng và ngỡ ngàng quá, phải không chú bạn nhỏ!!!

tôi gởi bài viết này cho các bạn ở trường Tiểu học Bạch Đằng(ngôi trường lộng gió)ở xóm đình Đa Cát( cây số 4 )thành phố Đà Lạt, của tụi mình.


Câu chuyện về chiếc lá-thuộc-bài gần như là truyền thuyết.
Không ai biết chiếc lá đó hình dạng ra sao, màu sắc thế nào.
Chỉ có những người tự đi tìm chiếc lá-thuộc-bài đó như trường hợp của trò Chuyên, trò Thiệt trong câu chuyện này là biết rõ. Nhưng tiếc thay, vẫn phải giữ im lặng và bí mật để cầu lấy sự linh nghiệm. Người viết câu chuyện này, trong thời gian còn là chú học trò bé nhỏ( và chắc chắn là cũng có nhiều những cô chú học trò bé nhỏ đồng thời ) đã có đi tìm chiếc lá-thuộc-bài. Nhưng vẫn phải theo nguyên tắc chung là sự im lặng và bí mật.



Cả lớp yên lặng, nín thở chăm chú theo dõi cây bút của thầy Điền rà dọc theo cuốn sổ điểm danh. Đây là giờ trả bài Học-thuộc-lòng và thầy Điền, đặc biệt, trong giờ này rất là nghiêm khắc.Thầy thường nhắc nhở với cả lớp :
- Các trò phải nhớ cho kỹ lời Thầy. Đã là học thuộc lòng là học thuộc nằm lòng, không có một lý do gì mà ngập ngừng. Ngập ngừng là không thuộc lòng. Không thuộc lòng thì...alê, hấp.
Thầy chỉ tay về phía góc lớp, cạnh cửa ra vào. Nơi đó là chỗ “nghỉ chân” của mấy trò không thuộc bài. Thầy nói : “A lê. Hấp “ có nghĩa là nếu không thuộc bài thì cứ tự nhiên tới đó, đứng day mặt vào tường khoảng nửa tiếng. Hình phạt, dù hình thức không nặng nhẹ gì cho lắm. Nhưng mà nặng là nặng cái hột vịt tròn vo nằm ở trong sổ điểm. Thầy Điền không nương tay bao giờ. Con số O Thầy viết quả có nặng tay, lún cả giấy. Một phần bực bội trong người vì có trò lại dám không nghe lời Thầy mà học cho thuộc, đọc cho trơn. Một phần cho hả bớt cơn giận.
Số O bao giờ cũng được viết bằng mực đỏ.
Đầu năm, cái góc lớp vào giờ Học thuộc lòng… đông khách lắm. Có hôm đứng choáng cả cửa ra vào. Trò này nhìn ót trò kia. Không có phân biệt trai, gái như khi sắp hàng vào lớp, nam tả nữ hữu đàng hoàng.
Đã không thuộc bài thì phân biệt cái nỗi gì ! Đứng dồn vô góc tuốt luốt !
Đông quá thì liệu mà đứng để không đạp nhằm chân nhau. In ít thì còn dễ thở hơn. Trò nào cũng khét nắng hôi chua. Gặp khi trời nóng, đứng đông quá, chịu đời không thấu !
Thầy Điền buồn lắm, nhất là lúc nhìn đám học trò đứng chật cứng ở góc lớp, lấm la lấm lét nhìn về phía Thầy. Thầy ngao ngán khi nhìn những con số O đỏ chói chiếm gần nửa cột giấy mà chóng mặt nhức đầu muốn hoa cả mắt. Nhưng không thể nào hơn ! Thầy phải kiên quyết.
Lần hồi, tình trạng có vẻ...thoáng mát hơn. Rồi qua nửa năm, cái góc lớp chỉ còn loe ngoe vài mống. Nhưng mà, phải công nhận, đáng nể nhất là trò Thiệt. Từ đầu năm cho tới giờ phút này, lần nào kêu lên trả bài Học-thuộc-lòng, trò cũng được tới “nghỉ chân” ở góc lớp không thiếu sót lần nào ! Riết rồi, tới giờ Học-thuộc-lòng, khi Thầy kêu tới tên Phạm Thiệt là y như học trò cả lớp đều không hẹn mà nhìn nhau lắc đầu le lưỡi.
Giờ thì cây bút Thầy đang rà dọc xuống, chầm chậm và ngừng lại .
- Phan Thành.
Cả lớp thở phào.. Thành là niềm tự hào của lớp, ít ra, là trong giờ Học-thuộc-lòng. Một cây trả bài đúng là thuộc nằm lòng như ý thầy Điền mong muốn. Mỗi lần kêu tới tên, hắn đứng lên chững chạc tự tin. Sau khi hai tay đưa cuốn vở cho Thầy chấm điểm viết, hắn quay mặt về phía lớp, vòng hai tay đứng ưỡn người,mắt thì nhắm tít lại. Và tiếng đọc bài rổn rảng, không vấp váp, không hề ngập ngừng dù bài dài hay ngắn. Dứt bài đọc, hắn mở bừng mắt, hai tay vẫn vòng trước ngực, đứng yên chờ đợi. Lần nào cũng thế, thầy Điền gật gù khoái chí, đưa trả cuốn vở cho hắn. Con số 10 mập ú bên cạnh chữ “Giỏi” no tròn. Thành từ tốn về lại chỗ ngồi trong ánh mắt nhìn thán phục của cả lớp.
Riêng có một ánh mắt nhìn chăm về phía thằng Thành, ngoài vẻ thán phục, còn có cả sự ao ước thèm thuồng không giấu giếm. Đó là trò Thiệt. Thật vậy, nó ao ước đến ngơ ngẩn thẫn thờ cái phút giây nhìn thấy thầy Điền gật gù khoái chí và khi đưa trả cuốn vở cho nó, có thêm con số 10 mập ú. Nhưng đó chỉ là ước mơ với hoài chưa tới. Bởi vì, cứ mỗi lần Thầy kêu lên trả bài là tự nhiên nó thấy người bủn rủn, nhớ trước quên sau. Cố gắng cho lắm thì cũng chỉ được vài câu rồi bắt đầu khựng lại. Những dòng chữ rõ ràng hồi sáng còn đọc trơn tru, bây giờ đi lạc đâu mất không chịu về ! Một cảm giác vừa buồn vừa giận ngập òa trong lòng nó. Càng cố nhớ lại càng quên. Mặt mày nó nhăn nhó thảm hại.
Thầy Điền khẽ thở dài ngao ngán, đặt cuốn vở của nó qua một bên. Và nó, tự biết ý, lủi thủi đi về góc lớp.
Cảnh đó đã trở thành quen thuộc đến độ nhàm chán.
Sáng nay, cây bút Thầy ngập ngừng ở tên Thiệt rồi không hiểu Thầy nghĩ thế nào, cho qua. Và do đó, cái góc lớp sáng nay cũng lặng buồn, không có...khách.

Anh Chính bỏ cây cuốc xuống gốc Sung, hỏi :
- Sao buồn vậy, chú em ?
Thiệt vẫn ngồi yên, không trả lời. Mọi lần gặp anh Chính, nó rất vui vì tính anh rất khôi hài, hay quan tâm đến người khác. Anh nói chuyện có lớp lang tuồng tích nghe rất khoái. Nhưng lần này thì đúng như anh Chính hỏi, nó buồn thật. Vừa ôm một cái trứng vịt tròn lại phải đứng ở góc lớp làm sao mà vui cho được ! Anh Chính đến gần bên, quàng tay qua vai nó, cười :
- Hồi trước, có anh chàng Tấn Lực, cỡ bằng tuổi em đây, thường ngồi buồn xo một mình nhìn trời nhìn đất. Có người hỏi : “Sao buồn dữ vậy ?”. Nó trả lời : “ Nhớ Mẹ “. Ừa, nhớ Mẹ là đúng rồi. Vì nó mồ côi mà ! Hồi này, thấy em cũng y dáng vậy, anh hỏi em, em không trả lời. Vậy là buồn hết cỡ rồi !. Người đời thường gọi cái buồn này là buồn câm nín .
Nếu như lần khác, nó sẽ cười vui vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của anh Chính. Nhưng lần này thì nó cười không nổi. Tự nhiên nó lại giận lây cả anh Chính nữa. Hất tay anh ra, nó vùng vằng :
- Thôi mà anh ! Em đang buồn thiệt mà .
Anh Chính vẫn cưồi, thích thú cái hất tay bực bội và cái vẻ vùng vằng của nó :
- Thì anh có nói em vui hồi nào đâu ?
Rồi anh giả lơ nhìn mây trời, nói trỏng :
- Mà cũng đáng buồn thiệt chớ. Mỏi cẳng quá chừng chừng lại còn bắt người ta ăn hoài mấy cái trứng vịt ớn tận cổ, nuốt không vô.
Thằng Thiệt giật thót người, quay nhìn anh Chính, ngạc nhiên :
- Ủa, sao anh biết ?
Anh Chính nhìn nó, cười ngất :
- Ủa, biết là biết chớ sao. Hỏi kỳ thiệt. Tới gần em nghe mùi vịt không à. Cái trứng vừa rồi chắc bị ung….
Lại cười ngất. Thằng Thiệt chịu không nổi, vùng vằng dợm đứng dậy. Vội vàng, anh Chính nắm tay nó kéo xuống :
- Ậy, ậy. Đừng nóng chú em ! Ngồi xuống đây anh nói đôi lời tâm sự đã. Chuyện nhỏ mà, có khó khăn gì đâu. Ngồi xuống, ngồi xuống…
Thiệt ngồi xuống. Anh Chính như được đà, nói tiếp :
- Ngày xưa, có ông Lưu Bị ba lần hạ cố thảo lư đặng mời cho được Khổng Minh Gia Cát...
Đến đây, thằng Thiệt xua tay như đuổi tà :
- Thôi, thôi. Ông Lưu Bị chỉ có ba lần còn anh thì nói có chục lần hơn cái chuyện này rồi. Nghe riết bắt thuộc nằm lòng…
Tức thì anh Chính cười, vỗ mạnh vào vai nó :
- Vậy hả ?. Vậy là thuộc nằm lòng thiệt sao ?
Rồi anh hắng giọng, đứng thẳng người, giả làm tiếng nói của thầy Điền :
- Các trò phải nhớ cho kỹ lời Thầy. Đã là học thuộc lòng là học thuộc nằm lòng, không có một lý do gì mà ngập ngừng. Ngập ngừng là không thuộc lòng. Không thuộc lòng là a lê...hấp...
Thằng Thiệt sững sờ nhìn anh, hỏi :
- Ủa, sao anh biết ?
Anh Chính lại cười :
- Ủa, biết là biết chớ sao ! Hỏi kỳ thiệt.
Rồi anh ngồi ghé xuống bên nó, giọng nhỏ nhẹ :
- Nói thiệt với em nghe. Chắc em biết con Chuyên chớ ?. Hồi đó (lại hồi đó) nó còn bết bát hơn em nhiều ! Rồi bây giờ em thấy nó sao ? Có phải là bảnh hơn em không ?. Cái góc lớp đó nó chê từ khuya rồi. Vậy mà sao em cứ bám đứng vô đó hoài !
Con Chuyên là em của anh Chính, nó biết chớ. Hồi đó, con nhỏ này với nó thi đua đứng hoài ở góc lớp có sót buổi nào đâu !. Rồi chỉ thời gian sau con nhỏ bỏ nó hồi nào không hay. Bỏ cái góc lớp ra đi mà oanh liệt lắm, tưởng như là một phép lạ. Phải là một bước thấu trời. Con nhỏ lần hồi trở thành niềm tự hào của đám học trò bên nữ. Giờ học thuộc lòng nào nó cũng chiếm điểm ưu hạng. Đúng là đọc thuộc nằm lòng như ý thầy Điền mong. Cả lớp ai cũng lấy làm lạ và hết sức ngưỡng mộ. Thầy Điền thì khỏi phải nói. Thầy khen nó không tiếc lời. Những lần nghe nó trả bài học thuộc lòng, Thầy khoái chí lim dim đôi mắt, gật gù. Cả lớp học thì cứ nhìn sững. Tưởng là ai chớ đâu phải trò Chuyên của ngày nào, cứ đứng lì ở góc lớp, đuổi hoài không chịu đi !
Anh Chính tự nhiên nhắc tới con nhỏ Chuyên làm cho thằng Thiệt càng thêm buồn tủi.Nó nói :
- Nhưng bây giờ thì nó khác rồi. Đâu có...
Anh Chính vội cướp lời :
- Thôi, chú em khỏi phải nhiều lời. Thì rõ ràng bây giờ nó đâu có như em nữa. Nó ở trên trời, em đứng dưới đất. Người ta gọi là một trời một vực đó.
Rồi anh ghé vào tai nó, nói nhỏ :
- Có khó gì đâu, em. Anh đây sẽ giúp em tận tình.
Thằng Thiệt ngạc nhiên, hỏi lại :
- Làm sao anh giúp được. Bộ anh học bài giùm em hả ?
Anh Chính không trả lời câu hỏi của nó, vẻ mặt anh trở nên nghiêm trọng :
- Chỉ cần em thành tâm và có niềm tin. Chỉ cần cái lá thuộc bài...
Thằng Thiệt ngơ ngẩn không biết anh Chính nói gì. Trong khi đó anh vẫn nhìn vào tận đâu đâu, miệng lẩm bẩm :
- Phải. Chỉ cần tìm cái lá thuộc bài là giúp đỡ chú em này được. Cái lá thuộc bài...
Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của anh Chính, thằng Thiệt đâm ra bối rối. Mọi ngày anh đâu có vậy ? Sao bây giờ nhắc tới cái lá thuộc bài gì đó, thấy anh có vẻ khác lạ. Nó nhè nhẹ đẩy vai anh Chính
- Anh Chính. Anh Chính. Anh đang nói gì vậy ?. Lá thuộc bài gì hả ?
Anh Chính quay lại nhìn nó, vẫn giữ vẻ nghiêm trọng :
- Là cái lá giúp em sẽ học thuộc bài. Ngày đó, con Chuyên đã tìm được cái lá thuộc bài này. Bây giờ anh muốn giúp em, chỉ sợ là em không đủ lòng tin và không làm đúng lời chỉ dạy.
Nhìn điệu bộ và lời nói của anh Chính, thằng Thiệt thấy rờn rợn. Chuyện có vẻ thần bí. Nhưng nghĩ tới con Chuyên trong lòng nó tự nhiên thấy háo hức. Một ngày nào đó, nếu nó tìm được cái lá thuộc bài như lời anh Chính vừa nói, nó cũng đâu có thua gì con Chuyên nữa. Sẽ một trời một vực. Nó giựt tay anh Chính, hối thúc :
- Vậy thì anh dạy em đi. Con Chuyên nó làm được thì em đây cũng làm được mà
Anh Chính cười có vẻ khoái chí. Vòng tay qua vai nó, anh nói :
- Chà, nói câu này nghe được. Phải, người ta làm được thì mình làm được. Không có chuyện gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Anh sẽ dạy cho em “bí kíp”…
Thằng Thiệt ngạc nhiên, vội hỏi :
- Anh nói gì ghê vậy. Bí kíp là gì mà nghe lạ hoắc
Anh Chính có vẻ bực mình, hơi xẵng :
- Chú em này hỏi nhiều quá chừng. Bây giờ anh hỏi nè. Có muốn học đâu nhớ đó. Đọc câu trước nhớ liền câu sau không ?
Anh Chính nói “ đọc câu trước nhớ liền câu sau “ nghe sao mà “đã” quá. Thằng Thiệt hăng hái :
- Có chớ.
Anh Chính lại tiếp :
- Hỏi thêm câu này nữa. Câu này quan trọng nè. Vậy em có lòng tin không ?
Thằng Thiệt trả lời không cần suy nghĩ :
- Có
Anh Chính có vẻ hài lòng :
- Vậy thì lắng nghe đây. Nghe cho kỹ. (Anh tằng hắng, lấy giọng ). Buổi sáng, em phải dậy thiệt sớm khi mà mặt trời chưa mọc, còn mù sương. Chỗ này quan trọng, em phải nhớ mà làm chớ để mặt trời lên rồi mới dậy thì vô phương. Dậy rồi, ra vườn bứt một cái lá. Lá nào cũng được, miễn lá còn đọng sương là tốt. Xong, đem vô ép trong cuốn vở mà em có bài đang học. Tiếp tới là ngồi đọc bài nhiều lần. Kỳ diệu lắm. Lúc đó em học tới đâu thuộc tới đó, ro ro.( Anh ghé vào tai nó, thì thầm ) Nhưng mà em phải hết sức bí mật, không tiết lộ cho ai biết. Nếu như có ai mà biết được thì coi như không “ép phê” gì nữa. À à, anh quên, không “ép phê” tức là không linh nghiệm nữa đó !
Gương mặt của thằng Thiệt cũng trở nên nghiêm trọng. Nó bị kích động mạnh vì những lời của anh Chính. Tìm cái lá thuộc bài như vậy thôi thì cũng dễ, khó gì. Nhưng mà kẹt một điều là làm sao mà dậy sớm cho được ! Nó là thằng ngủ mê ngủ muội thuở giờ. Sáng nào thức dậy mặt trời cũng đã lên cao. Có bữa chạy vắt giò không thôi trễ học. Chuyện này khó giải quyết dữ !
Thấy thằng Thiệt mặt mày nhăn nhó ra chiều khó nghĩ, anh Chính hỏi thăm dò :
- Sao? Nhắm được không ? Nói đại đi. Ngó cái mặt chú mày sao anh nghi quá ! Thôi, bỏ đi. Coi như anh chưa nói gì...
Thằng Thiệt nhìn anh Chính, cười ngượng nghịu :
- Không phải vậy đâu anh ơi ! Em làm được mà. Nhưng có điều em...em... mê ngủ thuở giờ, làm sao mà dậy sớm cho được.
Anh Chính cười ngất :
- Tưởng chuyện gì chớ chuyện đó khó gì. Em quên chị Thơm của em rồi sao ? Nhờ chỉ kêu giùm một tiếng là xong ngay.
Thằng Thiệt vẫn còn áy náy :
- Kêu thì chỉ kêu chớ. Nhưng anh có dặn là phải giữ bí mật mà !
Anh Chính vỗ nhẹ hai tay vào nhau ngửa mặt kêu trời :
- Trời ơi là trời ! Cái thằng này !.Anh có biểu em phải nói rõ lý do kêu dậy sớm với chị Thơm đâu. Cứ nhờ chỉ kêu một tiếng xong rồi việc ai nấy lo. Chị lo cơm nước ra đồng, em lo chuyện đó. Không lẽ chỉ đi rình em làm gì sao. Cùng lắm thì cứ nói kêu dậy sớm để học bài, khỏe re...
Thằng Thiệt cười, mặt mày tươi tĩnh.
Hai anh em chia tay
Trên đường về, thằng Thiệt đi mà như chạy. Đầu óc nó đang mơ tới một ngày sẽ như thằng Thành, như con nhỏ Chuyên. Nó sẽ giã từ cái góc lớp một cách oanh liệt. Sẽ được thầy Điền khen ngợi hết lời. Được đám bạn nhìn ngó tha hồ thán phục. Rồi đây nữa, điểm 10 cũng phải lấy thúng mà đựng không hết.
Về tới nhà, thấy chị Thơm đang quét sân, nó nói liền :
- Chị Hai ơi ! Sáng mai chị kêu em dậy sớm nghe. Nhớ là kêu dậy thiệt sớm nghe chị.
Chị Thơm đang thu dọn đống lá, nghe nó nói, chị ngừng chổi ngạc nhiên hết sức :
- Cái thằng này ! Sao tự nhiên lại bắt chị kêu dậy sớm ? Mà em dậy sớm làm gì ? Dậy sớm đi ăn trộm hả ?
Thằng Thiệt vùng vằng, làm đúng bài bản anh Chính dặn :
- Thì kêu dậy sớm học bài mà...
Chị Thơm ngẩn người vì câu nói của nó. Vừa lúc đó, có tiếng tằng hắng ngoài cổng. Chị Thơm nhìn ra, thấy anh Chính đứng lấp ló sau hàng bông Cẩn. Thấy chị, anh nháy nháy mắt, tay chỉ chỉ về phía thằng Thiệt, đầu gật gật.Chị Thơm hiểu ý, cười vui vẻ, nói với thằng Thiệt :
- Thôi được rồi. Để chị kêu em dậy trước lúc mặt trời mọc.

Vần xong nồi cơm, Thơm đến giường của thằng Thiệt. Thấy nó nằm trùm mền kín mít, co quắp thiệt tội. Một thoáng ngần ngừ, rồi chị dứt khoát :
- Thiệt ơi ! Dậy đi em. Dậy đi, sáng rồi.
Thằng Thiệt trở mình ú ớ. Chị Thơm lay mạnh người nó :
-Dậy đi mà ! Mặt trời lên rồi đó
Mấy tiếng “ mặt trời lên rồi đó” có tác dụng liền. Thằng Thiệt bật ngồi dậy, ngơ ngác nhìn quanh. Nó dụi mắt cho tĩnh ngủ. Ngoài ánh sáng vàng vọt của cây đèn dầu, mọi vật vẫn còn mờ tối. Chị Thơm thấy vẻ hoảng hốt của nó, không nín được cười :
- Em làm gì vậy, Thiệt ? Kêu rồi đó nghen. Giờ thì chị lo xuống coi cơm nước. Dậy liền đi. Đừng có nằm lại rồi ngủ quên.
Thằng Thiệt vẫn còn đang ngái ngủ, muốn nằm xuống trùm mền ấm, rồi tới đâu thì tới. Nhưng rồi nó chợt nhớ sáng nay có giờ Học Thuộc Lòng và cái góc lớp quen thuộc tới nổi phát ghét. Nhớ lời anh Chính về cái lá-thuộc-bài hôm qua. Rồi mặt mày hí hửng của con Chuyên...Nó bước xuống giường, quơ vội cái áo ấm rồi ra vườn.
Cảnh vật im ắng chìm trong màn sương. Có tiếng dế gáy say sưa ở cuối sân vườn. Tiếng sột soạt của bầy chim trên cành ổi Sẻ. Tiếng sương rơi nhẹ, đều, quanh vườn. Nó bước tới khóm hoa thược-dược cành lá um tùm mà nó đã có ý ngắm sẵn từ chiều hôm qua. Chọn một cái lá nhỏ đầu ngọn còn đẫm sương đêm, nhẹ tay bứt lấy bỏ trên lòng bàn tay rồi khúm núm đi vào nhà, vẻ mặt có vẻ nghiêm trọng. Sau khi ép chiếc lá còn đẫm sương vào cuốn vở Học Thuộc Lòng như lời dặn dò của anh Chính, nó bắt đầu ngồi học. Trời sớm mơi không khí trong lành, mát lạnh làm cho đầu óc sảng khoái, trong người cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái.Đọc đâu được vài lần, nó cảm thấy cái lá-thuộc-bài này linh nghiệm thiệt. Đọc đâu nhớ đó. Rõ ràng là chỉ đọc có mấy lần thôi mà nó thuộc ro. Gấp vở lại, nó nhắm mắt đọc thử. Thiệt là linh nghiệm. Không vấp váp, không bỏ sót chữ nào.. Trong lòng nó dậy lên niềm tin tưởng mãnh liệt.
Thời giờ để chờ đến sáng, chẳng biết làm gì, nó ngồi học mê mãi.

**

Cây bút của thầy Điền lại rà dọc xuống cuốn sổ điểm trong khi cả lớp nín thở chờ đợi. Rồi !. Đầu bút ngừng lại, nhịp nhịp vài cái nhẹ. Thầy hắng giọng, kêu :
- Phạm Thiệt…
Không phải kêu tên mình mà cả lớp, trò nào cũng giật thót người. Rồi sau đó, lén nhìn về phía trò Thiệt với ánh nhìn ái ngại. Riêng thằng Thiệt thì nó đã chờ đợi cái giây phút này lâu lắm rồi. Khi nghe kêu đến tên mình, nó cầm lấy cuốn vở đứng lên một cách mạnh dạn. Những bước chân vững, mạnh, không mau, không chậm. Gương mặt có vẻ bình thản và tự tin.
Đầu tiên là thầy Điền thoáng ngạc nhiên. Mắt chăm chú theo dõi từng cử chỉ khác lạ của thằng Thiệt nhưng tay thì vẫn theo thói quen, Thầy bỏ cây bút xanh cầm cây bút đỏ. Chắc chắn là cây bút đỏ này, chớ không có cây màu mè nào khác, sẽ vo tròn một con số O lún giấy.
Cả lớp xì sầm bàn tán rồi nhìn nhau dò hỏi. Thằng Thiệt vẫn giữ vẻ dáng tự tin, hai tay trao cuốn vở cho thầy Điền rồi quay xuống phía lớp. Nó bắt chước y điệu bộ của thằng Thành, hai tay vòng trước ngực, mắt nhắm tít và giọng đọc bắt đầu…
Ý trời đất ơi ! Giông bão có làm sập trường cũng không bằng cái cảnh động trời dậy đất xảy ra trước mặt. Cái giọng đọc bài rổn rảng của thằng Thiệt từ đầu cho tới cuối bài trơn tru liền lặn, không vấp váp, không bỏ sót một chữ nào.
Hết bài đọc, thằng Thiệt mở choàng mắt, vẫn vòng hai tay chờ đợi.
Thầy Điền trố mắt nhìn sững nó, vẻ ngạc nhiên không cần giấu diếm. Cặp kính cuả Thầy trễ nặng gần muốn rớt xuống mặt bàn mà Thầy cũng cứ để mặc. Cả lớp thì im lìm không một tiếng động. Khoảng thời gian im lặng kéo dài cho tới lúc thầy Điền thoáng giật mình buộc miệng một tiếng “Giỏi”. Tay Thầy lanh lẹ ghi con số 10 to tướng. Con số 10 màu đỏ chói thay vì màu xanh như thường lệ. Cả lớp, như con nước vỡ bờ, ồn ào náo động như cái chợ vỡ.
Thằng Thiệt sung sướng đến run cả người, nhận cuốn vở từ tay Thầy. Con số 10 no đầy đỏ chói làm cho nó muốn xây xẩm. Những bước chân nhẹ hẫng trong tiếng ồn ào và những ánh mắt nhìn ngạc nhiên thán phục của cả lớp.

**

Chị Thơm để chén chè đậu ván nước bốc khói nghi ngút lên bàn, trước mặt anh Chính.
- Chén chè này là để cám ơn anh đã giúp em Thiệt
Anh Chính mát lòng mát dạ, vui quá chừng. Không phải vì cái chuyện giúp thằng Thiệt mà là vì chén chè được chính tay người đẹp mang tới mời mọc tận tay. Đi hết làng trên xóm dưới thiệt khó có cô gái nào qua mặt được cô Thơm về cái nết dịu dàng hiền hậu. Lại siêng năng cần mẫn, giỏi việc nhà, việc đồng áng. Nói năng thì dám ngọt hơn chén chè này nữa chớ phải chơi. Anh Chính ưng bụng từ lâu.
Nói cho cùng, chị Thơm cũng có cảm tình với anh Chính. Bởi thấy anh ăn nói thông kim bác cổ. Bụng dạ thánh hiền. Anh hay quan tâm và giúp đỡ mọi người đâu có hề nghĩ tới chuyện đền ơn đáp nghĩa. Chén chè này tuy gọi là đền ơn nhưng thiệt ra trong bụng có ý tứ kín đáo hơn. Chị muốn gặp anh Chính. Gặp để mà gặp vậy thôi chớ đâu có chuyện gì để nói.Không lẽ nói chuyện thầm kín trong bụng mình, mắc cở bỏ đâu cho hết!
Anh Chính cũng có ý nghĩ vậy. Được nhắn, anh mừng quá, bỏ ngang công việc tới liền. Chén chè ơn nghĩa của chị Thơm làm anh ngượng ngịu :
- Chuyện nhỏ mà, cô Thơm. Cô làm vầy tui thấy ngượng quá !
Chị Thơm nhìn cái mặt đỏ rần của anh Chính, cười :
- Tại vì anh nghĩ là nó nhỏ chớ thiệt ra là chuyện lớn đó anh. Thằng Thiệt thuở giờ mê ăn mê ngủ chớ có đâu như bây giờ, siêng năng cần mẫn. Ba em, ổng khen anh hoài…
Được lời như cởi tấm lòng. Anh Chính trở nên mạnh dạn , hoạt bát :
- Chuyện nhỏ mà, cô Thơm. Thiệt tình mà nói, khi Cô mở lời nhờ cậy chuyện giúp đỡ em Thiệt, tui cũng đã bàn tính trong bụng rồi. Nó mê ngủ thì mình tính chuyện cho nó hết mê ngủ. Nó không có lòng tự tin thì mình tạo cho nó niềm tin. Cái này thuộc về tâm lý mà cô Thơm. Với lại, khi con người đã có lòng tin rồi thì đâu có việc gì là khó khăn.
Rồi anh cười thoải mái, nói tiếp :
- Với lại cô Thơm tính coi. Dậy sớm quá chừng, thời gian còn lại để chờ giờ đi học thì làm gì hơn là học bài. Đọc tới, đọc lui như tụng kinh thì cái bài học thuộc lòng ngắn củn đó có khó gì đâu mà không thuộc.
Chị Thơm phục anh Chính về chuyện thằng Thiệt từ lâu. Nay nghe anh nói áp dụng phương pháp tâm lý gì gì đó, rồi nghe anh phân tích ngọn ngành hợp lý mới thấy anh tuy là chân lấm tay bùn, nhưng vượt trội hơn người. Chị có cảm giác yên tâm và tin tưởng ở người bạn trai này. Cầm chén chè lên, chị dịu dàng :
- Thôi, anh Chính ăn đi. Để nguội mất ngon.
Rồi nhìn anh, mỉm cười ranh mãnh :
- Hồi nãy anh Chính nói phương pháp tâm lý gì đó. Vậy chớ, em hỏi anh nghen. Anh có lòng tin không ?
Anh Chính đang cầm chén chè, nghe hỏi, hơi khựng người một thoáng. Rồi khi anh nhìn thấy nụ cười của Thơm, thấy ánh mắt nhìn anh kín đáo, dịu dàng. Anh cười, đáp lại :
- Sao cô Thơm lại còn hỏi ? Ăn chén chè ngọt đây rồi, tui có lòng tin dữ lắm chớ...

San Diego, mùa hoa Phượng tím