tháng 1 30, 2009


Sân đình đêm nay như ngày vô hội kỳ yên. Bà con làng trên xóm dưới lũ lượt kéo về tụ tập trước cái sân khấu lộ thiên. Tiếng trống giòn giả làm nôn nao cả lòng người. Ðêm văn nghệ tiễn đưa đám thanh niên hai xóm Ða Cát và Ða Trung lên đường thi hành Quân dịch vinh dự đón tiếp các vị chức sắc từ trên Thị xã xuống. Ðoàn văn nghệ của xóm Ða Trung (là xóm trên) cùng với xóm Ða Cát (là xóm dưới) đang bận bịu tới tấp ở hậu trường. Tiếng là văn nghệ giúp vui nhưng bên trong vẫn có sự ngấm ngầm ganh đua quyết liệt. Xóm nào cũng muốn cho đội văn nghệ của mình vượt trội. Bởi vậy, dưới hàng khán giả, vô hình trung đã có sự phân chia hai nhóm rõ rệt. Tiếng la ó, vỗ tay ủng hộ “gà nhà” vang trời dậy đất. Khí thế sôi nổi làm cho mấy diễn viên trong hai dội văn nghệ lên tinh thần. Thấy anh Trai lúc nào cũng cười nói, đi lên đi xuống, chạy qua chạy lại dặn dò phân công từng tiết mục cho từng người. Anh rất tin tưởng vào vở kịch nòng cốt của chương trình. Nhất định sẽ làm cho mọi người rơi lệ. Sẽ làm cho mấy anh con trai tới độ tuổi tự hào vì được là người lên đường. Sẽ làm cho mấy cô có người yêu (hay không có người yêu, cũng vậy) cảm thấy mình được chia phần vinh dự có người yêu bỏ cày bỏ cuốc, đáp lời sông núi, mà xông pha giữa lằn tên mũi đạn sa trường. Dám không chừng mấy tay trốn Quân dịch cũng phải hết sức hối hận vì đã lỡ dại dột làm cái chuyện đáng ra không nên làm.
Chú Vạy trưởng Xóm, người to lớn dềnh dàng, chống cây ba toong đi lên đi xuống cười nói hễ hả. Gặp anh Trai, chú cười hết cỡ, nói “Très bien”...”Très bien”...
Sau màn vũ khúc “Giã Gạo Ðêm Trăng”, tiếng trống bất ngờ nổi lên dồn dập. Anh Trai lẹ làng nhảy lên sân khấu, điệu bộ màu mè chụp lấy cái micro giới thiệu vở kịch then chốt của đêm văn nghệ. Vì đã có sự dặn dò xếp đặt trước nên tiếng vỗ tay nổi lên đồng loạt, tiếng la hét muốn khản cổ của đám khán giả gà nhà làm rung động cả một góc trời. Ðèn sân khấu được mấy tay chạy màn cố tình che lại cho trở nên mờ mờ ảo ảo. Có tiếng hát cũng cố tình ghìm giọng như từ xa vọng lại nghe như người nghẹt mũi :
“Vài hàng gởi anh trìu mến. Vừa rồi Làng có truyền tin. Nói rằng nước non đang mong. Ði Quân dịch là thương nòi giống...”. (*)
Tiếng hát nhỏ dần, nhỏ dần rồi lịm tắt. Ðèn lóe sáng. Từ hậu trường có chàng thanh niên xách chiếc va li thiếc bước ra. Ðám con nít tức thì la ré lên :” Anh Bòi anh. Anh Bòi anh đó, bây ơi !...”.Tiếng cười bỗng rộ lên đồng loạt làm anh Tấn (là anh Bòi anh đó) khựng lại, hơi bối rối. Cố giữ dáng điệu, anh bước ra vài bước, nhìn ngó bầu trời rồi làm vẻ mặt buồn ngoái lại phía sau. Ý là biểu lộ sự bịn rịn không rời nơi làng quê xóm cũ khi phải lên đường tòng quân. Vừa lúc đó, cũng từ phía hậu trường bên phải, một người thiếu nữ bước ra. Ðám con nít cùng ré lên : “Chị Bưởi. Chị Bưởi đó...” Không có tiếng cười, nhưng có tiếng anh Trai nhắc tuồng nghe rõ mồn một “ Chạy lên. Chạy lên. Kêu tên. Kêu tên “. Tức thì chị Bưởi sửa dáng, lấy đà lúp xúp chạy về phía người thanh niên đang ở tư thế dợm bước. Chị kêu lên : “Anh Tấn! Anh Tấn!”.Úi trời. Tiếng kêu cố tình hụt hơi đứt đoạn nghe thiệt khá não nùng. Có tiếng xì xầm ở dưới hàng khán giả rồi một khoảng thinh lặng kéo dài đờ đẫn khi hai người trao đổi với nhau những lời thề nguyền lâm ly bi đát. Ngay cả đám con nít cũng nín thở, trố mắt nhìn một màn diễn quá bất ngờ táo bạo chưa từng thấy. Không khí bỗng trầm lặng hẳn. Chỉ còn nghe tiếng, khi thì nức nở bi thương, khi thì dịu dàng âu yếm của cặp trai gái trước giờ phút chia ly. Rõ ràng anh Tấn và chị Bưởi đã nhập vai thiệt là xuất thần. Anh Trai ngồi chùm hum dấu người ở góc hậu trường, ngạc nhiên đến độ ngẩn ngơ quên cả nhiệm vụ nhắc tuồng của mình. Ðám thiếu nữ không còn giữ gìn e lệ, cứ nhăn mặt nhíu mày lòng dạ trải dài xót xa quặn thắt theo từng cảnh diễn, từng lời nói của đôi nam nữ. Ðám thanh niên thì hả lòng hả dạ. Trời ơi là trời! Những lời nói yêu thương nhắn nhủ như rót mật vô lòng. Giá như bom đạn có cày bừa nát ngướu tấm thân cũng thấy không có gì là tiếc nuối.
Sân đình trở nên thinh lặng. Bao cặp mắt đổ dồn, theo dõi từng diễn tiến. Tôi đứng gần sân khấu, thấy chị Bưởi nước mắt đầm đìa. Chị khóc thiệt tình làm cho vai diễn càng thêm sống động. Tự nhiên, tôi cũng cảm thấy nghèn nghẹn. Nếu như hai người thương nhau mà phải xa nhau, họ sẽ nói những lời buồn nẫu cả người như vậy hay sao ?. Nếu vậy thì xa nhau làm gì ! Thương nhau làm gì ! Mà chị Bưởi có thương anh Tấn thiệt không đó. Sao thấy chị khóc ngon khóc lành vậy chớ ! Không có ai trả lời giùm tôi. Mọi người đang say mê theo dõi. Trên sân khấu, anh Tấn quay người định bước lên xe(chiếc xe tượng trưng là chiếc ghế dài che phủ lá cây). Chị Bưởi vội chạy theo nắm lấy tay anh Tấn. Ðoạn này mùi mẫn nhất. Hai người nắm lấy tay nhau. Anh nhìn chị. Chị nhìn anh. Ðắm đuối...Ðắm đuối...
Bỗng nhiên, mọi người nghe một tiếng thét xé trời. Từ dưới sân đình, một bóng người nhảy chồm lên sân khấu, tay cầm khúc mía chạy ào tới chỗ anh Tấn và chị Bưởi. Tôi giật bắn người, kịp nhận ra là chị Hẹ. Vừa khi khúc mía nhắm ngay đầu anh Tấn vụt tới. Rất may là anh Tấn, khi nghe tiếng hét, giật mình làm chiếc ghế lật nghiêng hất anh ngã xuống. Cú đánh như trời giáng trượt qua đầu khi anh vừa ngã ngưã về phía sau. Chị Hẹ cũng mất đà ngã nhào theo. Hậu trường nhốn nháo, tiếng la hét ồn ào. Rồi thấy anh Tấn vụt chạy bương qua hàng rào nhà ông Thưởng, đuổi bén gót theo sau là chị Hẹ. Khúc mía đưa cao nhấp nhô theo đà nhún nhảy rồi mất mất hút vào khoảng tối mịt mù phía trước...
Sự việc xảy ra bất ngờ làm bà con bán tín bán nghi. Không lẽ vở diễn kết thúc như vậy sao ? Thấy chú Vạy chống cây ba toong chạy lên tìm anh Trai. Chú giận tím mặt, la lối om sòm :” Cái thằng trời đánh !.Kết cục như rứa là ý nghĩa gì đây ! Trời ơi mi giết tau rồi, Trai ơi!”. Anh Trai, cũng đang giận sôi lên, nói xẵng :” Trai gái với lại cục hòn chi đây chú! Cái con giặc cái đó tự nhiên ở đâu nhảy lên làm bể dĩa hết trơn “. Rồi anh day sang phía anh Rớt đang trố mắt nhìn, nạt lớn :” Nhìn cái gì nữa. Kéo màn. Kéo màn”.
Chỉ có mình tôi là hiểu thấu sự tình. Ăn đường của chị Hẹ nhiều lần quá mà, làm sao tôi không hiểu thấu cho được !
Rốt cục rồi mọi người cũng vỡ lẽ. Thì ra, nói theo kiểu chị Hẹ, là anh Tấn với chị “gù” nhau .
Chuyện xảy ra từ cái đêm văn nghệ đó là đề tài bàn tán xôn xao làng trên xóm dưới. Búa rìu dư luận theo nề nếp cổ xưa, đuổi xô chị Hẹ về phía cô đơn. Anh Tấn đã “ra ràng” rồi! Chỉ còn chị vẫn còn náu lại trong cái xóm nhỏ tựa cái chuồng bồ câu dần bạc màu sắc theo thời gian. Tội nghiệp. Mỗi lần ra đường, mọi người đều nhìn chị với ánh mắt khác lạ. Nhất là mấy bà ngồi lê đôi mách, họ thêu dệt về chị theo đà câu chuyện để mua vui trong giờ rảnh rỗi. Ðám trai làng e dè ra mặt. Chỉ còn có tôi. Nói cho đúng nghĩa hơn là những-tán-đường-của-chị còn có tôi. Rồi cũng phải nói thêm cho thật lòng, dù ăn miếng đường ngọt ngào thanh cảnh của chị nhưng sao tôi vẫn cảm thấy không gần gụi chị được như ngày nào. Cú đánh trời giáng của chị đã gây ấn tượng mạnh trong tôi. Nó chì chiết trầy trụa tình cảm của tôi về chị đến nỗi tôi đã mất dần cảm giác thèm vị ngọt ngào như tôi vẫn thèm. Và rồi, tôi dần xa chị hồi nào không hay. Mỗi lần có việc qua quán nhà chị, tôi cố tình rão bước. Ðôi lần bắt gặp ánh nhìn của chị, tôi cúi đầu lảng tránh.
Thời gian cứ lần lựa trôi qua. Hết hạn ba năm, chẳng thấy anh Tấn trở về như những chàng trai cùng xóm. Rồi đáo hạn kỳ lần nữa, thêm lần nữa, anh Tấn cũng biền biệt phương trời. Chị Hẹ vẫn ngồi nơi quán nhỏ mà lòng trải rộng cả phương trời. Chị gầy ốm, teo tóp rồi lạc tuổi thanh xuân. Nghe đâu trong thời gian qua cũng đã có nhiều đám gần xa mai mối, nhưng chị vẫn không chịu “ra ràng”. Chị như con chim vẫn ngày ngày giam mình trong cái chuồng chim bạc màu son để nhìn ngắm khoảng trời xanh vô tận, tìm kiếm một bóng chim quen.
Con chim lẻ bạn chắc là buồn. Chị Hẹ lẻ loi tình anh Tấn, chắc chị buồn thấm tận tim gan...
Chị Hẹ ơi ! Giờ đây em không còn trách chị như ngày xưa còn bé.
Sự đời vốn nhiều đa đoan. Sự tình cũng có nhiều cớ sự. Khi người ta yêu nhau thì chỉ thấy có mỗi người mình yêu. Và dễ thương (hay dễ ghét) hơn nữa, chỉ muốn người mình thương là của riêng mình.
Em cũng hiểu khúc mía chị dành riêng cho anh Tấn nó đầy đặn ngọt ngào tình yêu thương chớ đâu có phải hận thù. Giá như khúc mía được chia đôi cắn nửa thì tình tự biết bao nhiêu. Nhưng ác thay khúc mía lại làm nên cú đánh như trời giáng để cho anh Tấn hồn bất phụ thể mà lú lẫn cả đường về !. Khi yêu nhau người ta vẫn làm những điều khôn, điều dại cũng chỉ vì người mình thương.
Em cũng hiểu thấu nỗi buồn da diết qua tháng năm chị chờ đợi anh Tấn trở về...
Lý lẽ này tôi tìm kiếm được là lúc tôi lớn khôn. Biết soi gương làm dáng. Biết trái tim có hai dòng đập. Một cho nhịp sống đời thường. Và một cho nhịp slow, tango, bebop hay cha cha cha tùy thuộc hoàn toàn theo đối tượng mình thương.

Không có nhận xét nào: