tháng 6 30, 2012

VẺ DÁNG THỜI GIAN


loay hoay tháng Sáu qua rồi
thời gian đi thiệt quá trời là mau
mới vừa dứt lạnh chơ đâu
đã ùa cơn nóng xém râu xói đầu
ngày vui mới đó chưa lâu
ngoảnh qua ngó lại đã đâu mất rồi
chiều lưa ta một chỗ ngồi
cái hiên trước cái ghế trồi nước sơn
bong ra từng mảng giận hờn
lớp rơi xuống lớp vẫn còn bám đeo
bám đeo thì cứ bám theo
ta thường ngồi với dẻo keo dáng chiều
ngó bao nhiêu nhớ bao nhiêu
dưng không lòng cũng ít nhiều mây trôi
dáng mây chiều lặng chiều đời
trống hoang giữa đất với trời gần nhau
nói gần mà có gần đâu
ngày qua mau tháng qua mau mất hồn
ngày chưa kịp tiễn chiều hôm
đã ùa bóng xuống tối om mất rồi
chỗ riêng ta một dáng ngồi
thời gian trôi giữa đất trời ngẩn ngơ….


30/06/2012

tháng 6 28, 2012

DÁNG QUÊ XƯA

Anh Lượm, người cùng Xóm quê tôi.
Tình cờ, thiệt là tình cờ, anh em gặp nhau nơi xứ lạ quê người. Tôi chắc chắn nhìn anh không ra nhưng ( theo như lời anh ) thì nhìn tôi rất rõ. Anh nói :
- Có một lần đọc được câu chuyện kể về Xóm Đình mình, sau đó còn đọc thêm nhiều Truyện và Thơ cũng cùng tác giả, viết về chuyện xóm quê với nhiều kỷ niệm y như ngày xưa anh từng sống và trải qua. Dù tác giả cố tình đổi tên nhân vật nhưng những chuyện xưa nhắc lại không thể nào mà không nhận ra. Anh chắc chắn tác giả cũng là người cùng Xóm quê xưa nhưng không biết là con cái nhà ai trong Xóm. Nay gặp chú, tình cờ quá.
Anh em tôi gặp nhau trong buổi ra mắt tác phẩm của một người bạn Thơ của tôi , không phải là của anh. Anh chỉ là một trong những nhà bảo trợ tài chánh cho buổi ra mắt sách.
Tôi ngạc nhiên, hỏi anh :
- Yêu Thơ Văn tự hồi nào, ông anh ?. Nhớ hồi xưa đục bào cưa xẻ nhuần nhuyễn chớ có Thơ Văn gì đâu !. Đi theo chị Huê muốn rặn ra một câu huê tình cũng không ra nổi.
Anh xua tay, cười mắc cở :
- Cũng tại chú thôi !.Đi tìm chú là phải đi tới mấy chỗ Thơ Văn mới may ra tìm gặp. Nay gặp rồi, biết rồi, anh thiệt là mừng quá đỗi.
Anh đưa tôi về gặp chị. Chị Huê.
Tôi giật mình ngó sửng! Có phải là chị Huê không ?.
Chị của một thời tôi ngưỡng mộ hình dong qua bài nhạc “ Nắng Chiều” của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn :
“ Anh ( Lượm) nhớ trước đây dáng em ( Huê ) gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương đồi
Má em màu ngà tóc thề nhẹ bay… “

Chị hồi đó thiệt đúng là có dáng gầy thon thả, có tóc thề nhẹ bay.
Tôi không thèm nhớ mà cũng không muốn nhớ những buổi nắng chiều chị gánh củi từ suối Cam Ly về ngồi nghỉ mệt thở trên Đồi Trọc xóm quê tôi.
Có nắng vương đồi nhưng chắc chắn là không có má em màu ngà mà màu đỏ hồng ( vì mệt thở không ra hơi ). Tóc thề tuy là cũng có nhưng không , dù là nhẹ, bay ( bởi mồ hôi mồ kê dính tóc, gió nào thổi nổi cho bay).
Còn có những buổi chiều khác, không là những buổi chiều gánh củi, thì chị thiệt đúng là hình ảnh người em gái của ông Lê Trọng Nguyễn.
Cũng là của anh Lượm (đã đổi tên mới, Tommy Tran. Bây giờ có ai kêu tên Lượm là anh giả lơ, cứ coi như là không phải gọi mình ).
Và của tôi.
Bởi tôi thương một mái tóc thề. Thương thêm cái nét dịu hiền tới nổi nắng chiều phải ngừng trôi như ông Nguyễn đã “…nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…”
Đó là những buổi chiều quê an bình trên ngọn đồi Trọc sau Xóm.
Gọi là đồi Trọc vì chỉ có những lùm bụi Sim dại, bụi cây Mua rừng, Dâu Da và rãi rác đâu đó những cây củ Dẻo. Bọn trẻ trang lứa tôi mỗi chiều thường kéo nhau lên đó thả diều bắt bướm. Mua rừng, Dâu da, Sim dại đang ra hoa chưa kết trái. Chỉ riêng có củ Dẻo là bốn mùa thu hoạch. Củ chỉ bằng ngón tay út, mùa đông. Ngón tay cái, mùa Hạ.
Mùa Hạ mùa thả diều bắt bướm cũng là mùa đào củ Dẻo. Nhai củ Dẻo cảm giác dòn, nhớt sau đó thấm vị ngọt, bùi, thơm mùi hoa đồng cỏ nội . Mê mệt bằng ngang với thú thả diều.
Thấy các anh, chị lớn cũng chiều chiều nhởn nhơ lên đồi Trọc. Không thả diều, không đào củ Dẻo mà cứ thấy lớp thì tụm năm tụm ba cười nói huyên thuyên, lớp thì đi lang thang quanh Đồi, trò chuyện.
Chị Huê không ngồi tụm năm tụm ba cười nói mà thường đi lang thang, một mình, ngó mây trời.
Những chiều và nhiều những buổi chiều, tuổi thơ tôi in dấu hình ảnh chị dáng gầy gầy, trên khu đồi Trọc của một thuở nào …

*
Nắng chiều của một thời Xóm xưa, giờ đây, đã lịm rồi !. Lịm tắt !.
Tôi được biết, qua lời chị, là đang trong thời gian quyết tâm kiêng cử ăn, cả uống nữa, để cho xuống cân.
Anh, và chị, không nghĩ là tôi buồn hụt hẫng tới cỡ nào khi mình đã đánh mất đi rồi hình ảnh chị xưa trên ngọn đồi Trọc một thuở quê nhà…
Buồn thì buồn riêng vậy nhưng cũng phải cố cười (to tiếng) vui (rộn ràng) khi gặp lại.
Tha hương ngộ cố nhân...

tháng 6 27, 2012

THÁNG SÁU MÁT TÌNH

ngẫu hứng ở sân nhà, nắng.

tháng Sáu con chim khát rã họng
nắng rát đầu mây trốn mất tiêu
gió cũng trốn theo chơi chi nghiệt
bỏ ta đứng trụi một mình đây
trời cao lồng lộng làm chi vậy
xúi nắng rát khô cho nẻ đất
đất rộng mênh mang chơi chi ngặt
không dung ta mé một bóng râm
té ra ta thiệt bé-cái-lầm
đất trời đâu có thương gì nhau
lâu nay cứ tưởng là yêu dấu
hèn chi cứ gọi trời-đất-ơi !

không thèm gọi đất không gọi trời
gọi tiếng em-ơi cho dịu mát…

ngày nắng rát
06/2012

tháng 6 23, 2012

HÌNH ẢNH

Những món ăn một thời nhớ mãi thèm hoài...
(sưu tập)

Món " Xấp Xấp" : đu đủ bào sợi, thịt bò khô xấp xấp mỏng, gan cháy, nước nắm chua ngọt, ớt tương cay...
Hình như có cái bàn bào nước đá nhận xi rô xanh đỏ tím vàng...


Chuối bọc nếp, nướng. Xoài làm gỏi chua ngọt cay. Có gói gì như là ô mai chua ngọt rệu nước miếng....


Phá lấu. Tương đen. Tương đỏ.Luôn giữ độ ấm trên lò. Món ăn khuya, hết xảy...Lại rẻ tiền, thấy đang đếm tiền cắc, không xòe tiền giấy !.


Bò Bía!. Bò Bía. Cũng tương đen tương đỏ. Củ sắn đậu bào sợi, hấp chín. Lạp xường sắc mỏng. Rau sà-lách. Đơn giản dễ làm. Là món ngon danh bất hư truyền !.


Nước mía. Tân thời !. Không ép mía bằng máy quay tay mà bằng máy điện.


Mực nướng. Tương đen. Tương đỏ. Trái cóc ngâm cam thảo... Nhem thèm !!!


Bánh Căn!. Bánh Căn !. Món chủ trị mùa mưa lạnh....


Bắp nướng thoa mỡ hành nóng hổi.


Món này thì xếp vào loại cậu Ấm cô Chiêu, chỉ ở nhà hàng, không ở vĩa hè. Cũng là món ngon một thời nhớ mãi...


Còn món này thì đưa cay chút chút cho thêm ngon những món ăn trên. Đưa chút chút vừa đủ độ cay thôi nghen, bà con...





CHIA TAY TÌNH HOA BƯỚM


chia tay nhau ở ngả ba Thành
ly nước dừa chia em một nửa
tôi đón xe lên vùng Phố Lạnh
em tìm về Phố Bụi ngày xưa

xưa một thời tôi cùng sách vở
cùng em, hai đứa học khác Trường
chung cùng nỗi nhớ chia nỗi nhớ
thầm lặng tình nhau một quảng đường

Phố Bụi dạo này trời trở gió
mây bay vần vụ chớm mùa mưa
tôi đi bỏ lại buồn sách vở
gởi lại cho em ngày tháng xưa

em giữ giùm nghen đừng bỏ rớt
coi như tôi gởi chút quà tình
dẫu biết thời gian rồi phai bợt
em sẽ rồi quên thuở chúng mình

thôi uống đi em đừng buồn nữa
ly nước chia nhau rồi chia xa
em cứ về Phố Bụi ngày xưa
để mặc tôi sông hồ muôn ngả

lát nữa lên xe đừng quày lại
đừng ngó tôi như buổi ban đầu
để mặc tôi sông hồ muôn ngả
em cứ về Phố Bụi ngày xưa….

06/2012





tháng 6 22, 2012

CHIỀU, EM VỀ XÓM NGHÈO


chia nhau năm tháng quê người
em xưa vẫn cứ dáng thời quê xưa
lâu rồi gột nắng đầm mưa
nhớ y chang nhớ chiều đưa em về
Xóm nghèo giữ riết mùa quê
mùa hoa Cúc nắng theo về gió lay
bến xe Lam chặng cuối ngày
lên xe mau kẻo Mạ ngầy lời đau
em về anh cứ nhìn lâu
chiều hôm xưa đó chiều nhau nhớ hoài
giờ mình lưu lạc Đông Đoài
trong Thơ anh cứ nhớ hoài dáng em
chiều nghiêng xuống phố chiều quen
áo em trắng tóc em nghiêng gió mùa
nụ cười em gói, rồi đưa
anh còn giữ tới bao mùa xa quê
hẹn chi rồi tiễn nhau về
lung lay cái nhớ nặng nề cái thương….

06/2012

NỖI NHỚ CHƯA BƯA


tôi làm Thơ từ hồi còn sách vở
thơ chỉ viết tay màu mực tím học trò
giờ lớn tới cỡ này tôi vẫn làm Thơ
dẫu mực tím phai mùa tình lãng mạn

Thơ vẫn ngày nào chỉ người Thơ lạng quạng
em đọc bất ưng như thuở ban đầu
bởi Thơ tôi nhuộm năm, tháng bể dâu
đã mất học trò nhường cay đắng trộn đau

cũng phải đành thôi, em ơi, có gì đâu
khi trái tim đau không dành cho lãng mạn
khi sách vở qua rồi tới thời khổ nạn
tôi dìu em chạy trốn một quê hương

Thơ trở mùa theo năm, tháng tang thương
đâu còn tình nhau như hồi sách vở
câu chữ trong Thơ có bao điều tan vỡ
nhưng tình yêu tôi vẫn giữ, ngày xưa

vẫn nhắc chừng nhau ngày nắng ngày mưa
con phố từng quen hẹn hò đưa đón
nhớ lại hồi xưa thương ngày tháng mỏn
một bến xe Lam em về lại Xóm nghèo

một nửa tình tôi gởi nhớ đem theo
em giữ ép trang xưa đời tình ái
lâu lắm rồi em nhớ rồi nay nói lại
trong dòng Thơ tôi, em đọc, có ngậm ngùi !...

6/2012



BÀI THƠ SÁU CHỮ CHO NHAU


tháng Năm qua rồi tháng Sáu
cây Cam cây Quít sân nhà
cỏ hoa bên thềm lang chạ
sân sau đất nẻ khô giòn

tôi ngồi nắng chiều đỏ ngọn
ráng chiều ánh một dề sân
mây bay dồn theo mấy ngấn
đuổi nhau tận tuyệt góc trời

chỉ tôi riêng một mé đời
ngó tìm chi trong nỗi nhớ
còn gì để viết trong Thơ
có gì cho ngày tháng mỏn

có em chiều về nắng ngọn
lặng yên dè xẻn nụ cười
lặng yên tôi tình tiếc nuối
đâu rồi ngày xửa ngày xưa

đã cùng đằm nắng chan mưa
áo cơm chia nhau mặn lạt
ngó em bây giờ có khác
không thèm tôi đứng nắng mưa

miếng đời chia nhau xé nửa
miếng tình giữ miết không chia
chiều về nắng giọt bên kia
bên này mình tôi thầm lặng

ghém miếng tình xưa ngọt mặn
đã thôi mặn ngọt mất rồi
chút nữa là trời sẽ tối
em ơi!. Chút-nữa-muộn-màng…

6/2012

tháng 6 21, 2012

MỊT MỜ DÁNG HUẾ


tháng Sáu sửng ngó em sao thấy trẻ
tóc tháng Năm sưa tóc tháng Sáu dài
mới một tháng mần chi mà quá lẹ
ngó một đỗi rồi cứ tưởng ngó lầm ai

em hồi nớ tóc thề xa tới Huế
áo trắng màu mây lụa nõn đèo Hải Vân
có phải Đồng Khánh đâu chỉ là trường Nữ Học
nón bài thơ đi dưới nắng Nhatrang

cũng dáng Huế mà pha mùi Biển mặn
hèn chi ngó hoài ngờ ngợ kẻ tha hương
qua ải qua truông đường xa vạn dặm
tô cơm Hến bỏ quên dĩa bánh Bèo lạc hướng

theo Mạ theo Ba đi một đổi vòng quanh
có nhớ cách chi cũng đem theo không hết
tóc một thời hương Bồ kết hương Chanh
nay có gội hương xưa vẫn mùi nắng khét

tôi cũng Huế như em đường xa vạn dặm
cũng sửng người gói Mè Xửng bỏ quên
hai đứa mình có thương nhau cho lắm
cũng chỉ là thương ngoài Huế đó thôi !

nói ngoài Huế là ở ngoài xứ Huế
có sông Hương qua mấy nhịp Trường Tiền
mình ở Huế hồi mô mà thương nhau ngoài Huế
nói nghe chi mà ốt dột rứa tề !....

06/12


tháng 6 20, 2012

THẦM LẶNG MỘT CHIỀU


khi nắng chiều rớt xuống chỗ hôm qua
sao không thấy ai thường ngồi ngó nắng
chỉ khoảnh gió chỉ mảng mây thầm lặng
cây lá cũng rồi thè thẹ chờ đêm

ta chiều nay dưng bỏ lửng thói quen
không dáng ngồi chiều chan tình với nắng
chiều lảng đảng níu mây buồn rũ dáng
trôi giạt đêm hụt hẫng một chỗ ngồi

nếu không dáng ngồi nắng đừng thèm đợi
gió cũng dịu dàng đừng nổi xôn xao
chiều lặng đứng giữa mây trời nhốn nháo
ngó ngoảnh làm chi một dáng chiều ngồi !

có ngồi đây cũng sầu lắng chiều đời
ta giả làm lơ không ngồi thêm nữa
cứ bỏ mặc cho dáng chiều lần lựa
trôi lửng qua như ngày tháng rồi qua !

dáng chiều trời dáng chiều đời quen, lạ
chẳng lạ gì đâu quen một dáng chiều
mây giạt về non nắng rồi tắt điếng
đêm mù mịt trời đời mịt mù đêm !

quen lắm rồi lần lựa cũng thành quen
dáng chiều trời dáng chiều đời, y vậy
vẫn một dáng chiều ngồi ngắm trời mây
mây cuộn chiều trời mây cuộn phù vân !...

06/2012



LỜI NHẮN MÙA GIĂNG LỀU NHÓM LỬA



bầy Sóc giờ này chắc cũng đang mong
cây rừng khô da đang chờ đang đợi
tháng Sáu rồi ngóng hoài không thấy tới
lều trại không giăng củi lửa im re !

ông già Làng năm nay sao không ghé
dắt bầy đoàn như năm ngoái về đây
lều trại đông vui củi lửa xum vầy
có gì không hay đã sụm-bà-chè !

rừng núi muôn năm vẫn còn cứ trẻ
ông đời người trẻ một đoạn rồi thôi
mổi tháng Sáu về vẫn chờ vẫn đợi
ông dẫn bầy đoàn lều trại đông vui !

miếng sườn nướng qua năm rồi chưa nguội
tiếng cười vui còn vọng lại núi rừng
giữa bầy đoàn ông vẫn còn dáng đứng
không lẽ năm nay ông đứng đâu rồi !

đứng ở đâu rồi giữa chiều sụp tối
không thấy lều giăng đốt lửa cời than
không thấy ông núi rừng buồn vô hạn
núi rừng buồn bầy Sóc cũng buồn lây !....

06/2012
nhớ mùa, năm ngoái, giăng lều đốt lửa


Lời nhắn :

ta vẫn còn đây mạnh khỏe phố phường
đang nhóm lò gaz thơm mùi thịt nướng....

tháng 6 17, 2012

HAPPY FATHER'S DAY

Năm ngoái, giờ này, cả đại gia đình đang giăng lều nhóm lửa ở Dixon Lake.
Năm nay thì ở nhà, không đi đâu cả….
Chú Tư Arizona bận mùa thi không về.
Cô Ngân Chiacago đang chờ vào mùa thực tập không về.
Cô Út Pomona thì đang lo xa lo ra…
Thôi thì ở nhà quây quần bún-thịt-nướng...


Ông bố già với hai ông bố sồn sồn.


Cả nhà ra Mirama Lake hít tràn không khí trong lành, nhả mùi hương bún thịt nướng.

Ngày Father's Day năm này, là như vậy đó!....

Happy Father's Day....

tháng 6 15, 2012

CÁCH XƯNG HÔ TRONG TIẾNG VIỆT


(tình cờ "thấy lại" bài viết này trên Bán nguyệt san XÂY DỰNG, chủ nhiệm kiêm chủ bút: Giáo sĩ Mai Biên. Ban biên tập : Nguyễn hữu Của, Võ ngọc Tây,Phạm hồng Ân,Hàng ly Hương... )


CÁCH XƯNG HÔ TRONG TIẾNG VIỆT


Người Việt chúng ta có truyền thống lâu đời về lễ phép và lịch sự trong cách xưng hô.
Ngay trong gia đình, câu dạy nằm lòng cho con cháu vẫn là “ Đi thưa về trình. Gọi dạ bảo vâng “.
Trong học đường, câu nhắc nhở thường xuyên vẫn là :” Tiên học Lễ. Hậu học Văn”. Ngoài xã hội, qua giao tiếp hàng ngày, chúng ta vẫn có câu tục ngữ dặn dò :” Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”.
Không tránh được cái nhíu mày và một chút gì đó, không vui trong lòng, khi ra đường gặp đám con cháu chào mừng “Hi, Bác”. “Hi, Chú”. Rồi You, Me suốt trong câu chuyện hỏi thăm, trao đổi. Nghe thiệt là chướng tai. Thế nhưng, vẫn cứ (đành) chậc lưỡi, lắc đầu khỏa lấp bằng một câu “Nhập gia tùy tục”.
Cách xa một lũy tre làng, phong tục tập quán cũng đã có sự khác biệt rồi, huống chi...
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cũng chạnh lòng. “Đất lề quê thói”. Nhắc nhở đám con cháu hiểu, biết và làm quen với cách xưng hô trong tiếng Việt cũng là góp một phần trong việc bảo tồn nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Bởi vì, cách xưng hô trong tiếng Việt rất là phong phú, có tôn ti trật tự và thể hiện sự văn minh.
Trong hạn hẹp bài viết này, chúng ta tìm hiểu sự liên hệ trong cách xưng hô cho đúng.

I. CÁCH XƯNG HÔ TRONG GIA ĐÌNH
( Tổ tiên, Kỵ, Cụ, Ông Bà, Cha Mẹ, Con, Cháu, Chắt, Chút,Chít)
Người sinh ra ta gọi là Cha Mẹ.
Cha Mẹ của Cha Mẹ, Cô, Dì, Chú, Bác của ta gọi chung là Ông Bà.
Cha Mẹ của Ông Bà gọi là Cụ (Cố).
Cha Mẹ của Cụ (Cố) gọi là Kỵ.
Cha Mẹ đời trước nữa (nói chung) gọi là Tổ tiên.
Hay nói rõ hơn, ngay từ thế hệ chúng ta, thì :
- Chúng ta sinh ra các con (trai, gái) thì chúng ta được gọi là Cha Mẹ.
- Con của các con chúng ta gọi chúng ta là Ông Bà
Nếu là con của con gái chúng ta thì gọi chúng ta là Ông (Bà) Ngoại hay gọi tắt là Ngoại (bên Ngoại).
Nếu là con của con trai chúng ta thì gọi chúng ta là Ông(Bà) Nội hay gọi tắt là Nội (bên Nội).
- Con của các Cháu chúng ta gọi chúng ta là Cụ (Cố) (xưng là chắt)
- Con của các Chắt chúng ta gọi chúng ta là Kỵ (xưng là chít)
- Con của Chít chúng ta gọi chúng ta là Tổ tiên
II. XƯNG HÔ ANH,CHỊ,EM CỦA ÔNG BÀ
Anh trai của Ông Nội, chúng ta gọi là Ông (và Bà Bác)
Em trai của Ông Nội, chúng ta gọi là Ông Chú (và Bà Thím).
Chị gái, em gái của Ông Nội, chúng ta gọi là Bà O hay Bà Cô (và Ông Dượng).
Anh trai của Bà Ngoại, chúng ta gọi là Ông Bác, có nơi gọi là Ông Cậu (và Bà Bác hay Bà Mợ).
Em trai của Bà Ngoại, chúng ta gọi là Ông Cậu (và Bà Mợ).
Chị gái, em gái của Bà Ngoại, chúng ta gọi là Bà Dì (và Ông Dượng).
Tuy nhiên, trong cách xưng hô hàng ngày, người ta vẫn thường gọi giản tiện là Ông Bà (có nơi gọi là Ôn, Mệ)
III. XƯNG HÔ VỚI ANH,CHỊ,EM CỦA CHA MẸ
- Anh trai của Cha, chúng ta gọi là Bác (Bác trai, Bác gái).
- Em trai của Cha, chúng ta gọi là Chú (vợ của Chú, gọi là Thím).
- Anh trai của Mẹ, chúng ta gọi là Bác, có nơi gọi là Cậu (vợ của Bác, Cậu gọi là Bác gái hay Mợ)
- Em trai của Mẹ, chúng ta gọi là Cậu (vợ của Cậu, gọi là Mợ).
- Chị gái, của Cha, chúng ta gọi là Cô, (có nơi gọi là O) (chồng của O hay Cô gọi là Dượng)
- Chị gái, em gái của Mẹ, chúng ta gọi là Dì (chồng của Dì gọi là Dượng).
IV. XƯNG HÔ VỚI ANH, CHỊ, EM
Người sinh trước chúng ta được chúng ta gọi là Anh hay Chị. Sinh sau thì gọi là Em.
Anh chị em : tiếng dùng để gọi các con trong gia đình.
Anh chị em, nói chung, gồm có ;
- Anh chị em con Chú con Bác (anh em thúc bá) là các con trai, gái của Anh hay Em trai của Cha. Nếu là con của Bác, ta gọi là Anh, Chị(mặc dù có những anh, chị nhỏ tuổi hơn chúng ta). Nếu là con của Chú, ta gọi là em( dù em có lớn hơn chúng ta nhiều tuổi, em cũng không được gọi vô lễ kiểu mày-tao-chi-tớ vượt ra ngoài vòng lễ giáo).
- Anh chị em Cô, Cậu là con trai, con gái của em trai Cha và em gái của Mẹ.
- Anh chị em bạn Dì là con trai, con gái của Chị và Em gái Mẹ.
Ngoài ra chúng ta còn có cách xưng hô phân biệt về anh, chị em :
-Anh rể : chồng của chị mình.
-Em rể : chồng của em mình
-Chị dâu : vợ của anh mình
-Em dâu : vợ của em mình.
V. ĐẶC TÍNH TRONG CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT
Có nhận xét cho rằng việc xưng hô trong tiếng Việt quá phức tạp. Thật ra, không phải là như thế. Trái lại, rất phong phú, rõ ràng, có tôn ti trật tự.
Người Việt vốn có truyền thống lâu đời về lễ phép và lịch sự trong cách xưng hô. Hơn nữa được sự giáo dục, uốn nắn từ đời này qua đời khác đã trở thành nề nếp.
Các con, cháu có lễ phép và có giáo dục thường biết đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng chứ không bao giờ nói trống không với người trên, hay là muốn đi, về tùy tiện.Tiếng Thưa, tiếng Dạ thường dùng trước khi xưng hô với người ở vai trên của ta.
“ Thưa Ba con đi học. Thưa Mẹ, con đi học về. Thưa Ông Bà đến chơi ạ”.
Khi Mẹ gọi con :” An ơi” thì người con phải thưa :”Dạ”.
Nếu người Mẹ nói tiếp :”Con nhớ về sớm nhé” người con phải nói “Vâng”(người Bắc) hay Dạ (người Nam).
Người ta còn dùng chữ “ạ” ở cuối câu để tỏ ra kính trọng và lễ phép. “Chào Bác ạ. Vâng ạ”.
Đối với người ở vai trên của ta, ta không bao giờ được gọi tên tục (tức là tên Cha, Mẹ đặt cho) cuả Ông Bà, Cha Mẹ, Cô Cậu, Dì Dượng, Chú Bác. Chỉ được xưng hô bằng danh xưng ngôi thứ trong gia đình mà thôi. “Mời Ông Bà, mời Ba Mẹ, mời Cô Chú…”.
Đối với người trên, ta cũng không được dùng tiếng “cái gì” để hỏi vì nghe có vẻ vô lễ. Người ta thường thay thế từ “cái gì” bằng “điều chi” cho lịch sự và lễ độ. Thay vi hỏi “ Ba (hay Mẹ) bảo con cái gì?” thì ta phải hỏi “ Ba (hay Mẹ) bảo con điều chi ạ?”. Từ “ cái gì “ chỉ sử dụng với người ngang hàng mà thôi.
Xưng hô với anh chị em, ta dùng từ anh, chị, em trước tên hay ngôi thứ. “Anh Tuấn đi làm, chị Quyên đi học, em Uyên đang đánh đàn…”. Không được phép gọi anh, chị bằng tên trống không. Tuy nhiên anh, chị có thể gọi em bằng tên trống không hay thêm từ em vào trước tên để gọi. “ Đào, ra chị bảo cái nầy. Em Linh, lấy cho chị cái khăn”.
Anh chị em trong một gia đình có giáo dục không gọi nhau bằng mày và xưng tao. Những người con gọi nhau bằng mày và xưng tao là do lỗi của Cha, Mẹ không biết dạy dỗ các con ngay từ khi chúng còn nhỏ. Các con gọi nhau bằng mày, tao mãi rồi thành thói quen không thể nào sửa đổi được.
Khi có bà con thân thuộc đến chơi nhà, Cha Mẹ phải giới thiệu họ với các con mình và nhắc chúng cách chào hỏi.
Những người ở vai trên hay thứ bậc trên phải được giới thiệu trước.
Nếu các con mình đang chơi ở ngoài sân hay ở trong phòng khi có thân nhân đến chơi nhà, Cha Mẹ phải gọi nó ra chào bà con cho đúng phép.
Khi Cha Mẹ đến chơi nhà con cái, nếu trong nhà đang có khách, các con phải giới thiệu Cha Mẹ với khách và ngược lại. Có như thế việc xưng hô trong câu chuyện mới được tự nhiên và thân mật.
Đối với trẻ, bổn phận làm Cha Mẹ như chúng ta là phải thường xuyên nhắc nhỡ, khuyến khích chúng trong việc chào hỏi, xưng hô. Việc nhắc nhở, lập đi lập lại nhiều lần là cách ôn tập thường xuyên để chúng trở thành một thói quen tốt.
Điều quan trọng là Cha Mẹ dạy dỗ, uốn nắn thế nào để chúng có thể xưng hô, chào hỏi một cách tự nhiên chứ không ngượng miệng.
Thiết nghĩ, ở vùng đất lạ xa quê này, khi bước ra ngoài đường gặp đám trẻ nhỏ, vòng tay lễ phép :”Chào Bác ạ”. “Chào Chú ạ”.Thiệt là cảm động đến rưng rưng. Sung sướng đến nghẹn ngào. Thấy lại cả một trời quê quen thuộc trên đất trời xa lạ này. Thầm cảm phục các Anh, Chị nào đó đã khéo giáo dục đàn con trẻ theo đúng câu tục ngữ Ông Bà ta xưa để lại “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Ở xứ người, vẫn luôn giữ : " Đất lề quê thói ".

Hiên Trăng Brookhurst, 1999.
TRẦN HUY SAO

Sách tham khảo:
-Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam,Từ Bản Thân Đến Gia Đình, Saigòn, 1969
-ThanhNghị,ViệtNamTânTựĐiển,ThờiThế,Sàigòn 1952
- Cách Xưng Hô…, Khải Chính Phạm Kim Thư

NHẬT KÝ MỘT NGÀY


gởi Út của Ba,
vẫn bình thường thôi con, một ngày như mọi ngày, cầu có được bình an là quý, bên con vẫn mãi vẫn còn những bình an luôn chia xớt với con. Ba vẫn làm Thơ. Bởi có gì đâu!. Chuyện bình thường mà... Con vẫn đi làm, ý quên, vẫn đang đi thực tập lấy giờ. Vậy đó, sinh hoạt vẫn bình thường... Mọi việc rồi bình,ổn, như sắp đặt của Ơn Trên.

hiên nắng
chiều khô nắng giọt hiên nhà
ra ngồi không kịp nắng phà qua luôn
qua chi để lại hiên buồn
cái hơi nóng cũng giạt luồng nhớ theo

bông nụ
hình như búp nụ hồi hôm
tới trưa nay cũng hoàn hồn nụ hôn
nụ chưa mảy vẫn nụ tròn
tới mai không biết có còn nụ hôm !

lá quít

lá xanh không ít lá vàng
hay là nắng trượt bò càng lá xanh
xưa nay lá níu tình cành
lá xanh ở đó lá vàng ở đi !

con chim
“chim bay về tổ, chiều rồi
Ôn mau về ổ cho rồi, Ôn ơi ”
hai câu Thơ của một thời
bây giờ cháu đã quên rồi !.Quên Ôn !

cây ớt phụng
trái chưa chín đã no tròn
mai đây trổ dáng đỏ hơn ráng chiều
ngó thôi ăn chẳng dám nhiều
chỉ trồng ớt cảnh mĩ miều Phụng Uyên.

gió chiều
gió chiều tìm rớt bông Chanh
cây nghiêng cản gió lá quành lối đi
hương thoang thoảng nhớ hương gì
hình như hương tóc thầm thì gọi xưa !

ghế bàn
ghế bàn bày biện hiên sau
em siêng nhớ ghé ra đây gọi tình
có hương chanh gọi quê mình
có ngồi chung một tấm hình, cười chung.

phòng văn

bây giờ ngồi chỗ ưng ngồi
ngày đi qua lúc mây trời rù nhau
một mình thôi!. Có ai đâu !
câu Thơ giữ lại dáng ngày phù vân….

Phòng Văn, 14/06/2012
ngày của Út, lưu niệm…

tháng 6 14, 2012

MỘT THUỞ ĐÓI TÌNH


Ảnh xưa : Thung Lũng Tình Yêu (Đàlạt)1994

lúc nhường nhau chỗ hiên mưa
bỗng dưng nhớ lại ngày xưa...chúng mình...


hồi đó bon chen áo cơm tất bật
hai đứa, thiệt lòng, quên bén tình yêu
em bục giảng về, chiều, dáng liêu xiêu
tôi rã rời về, lục nồi cơm nguội

tối giăng mùng nằm bên nhau, bại xuội
bên ngáy đã đời, bên thở bụi phấn bay
trút nhọc nhằn ngày cho giấc ngủ say
mai còn sức kiếm miếng ăn cứu mạng

đời đói quá không no tình lãng mạng
bởi tháng ngày cứ tìm khát miếng ăn
miếng chật vật trải muôn vàn cay đắng
còn miếng nào cho ngọt mật tình nhau !

còn miếng nào cho em thuở ban đầu
khi dâu bể chưa vướng đời thương hải
tôi nắm tay em khẽ khàng nắm lại
bàn tay no tình một thuở tìm nhau

giạt buổi đổi dời thương hải bể dâu
tình yêu cũng xô theo đời tất bật
miếng đói miếng no giữa đời mạt vận
lo vực đời no rồi bỏ đói tình yêu

mình sống đời nhau phỏng có bao nhiêu
sao để tình yêu lâm vòng khổ nạn
cơm áo ngược xuôi một thời khô hạn
đã qua rồi đủ để gọi : Ngày xưa…

ngày xưa !. Em nhớ !. Gội nắng dằm mưa
tôi dắt em đi trú mưa tránh nắng
bao nhiêu năm rồi nắng-mưa-mưa-nắng
có (nắng) phỏng da (mưa) ướt lạnh không ?..

6/2012
Ngõ trú mưa tránh nắng : (San Diego)2010

tháng 6 10, 2012

THÁNG SÁU QUÀY NGÓ LẠI


tháng Sáu Cúc vườn nhà chưa nở
con chim tiếng hót vẫn chưa trong
se lạnh nương về theo với gió
bầu trời còn giữ dáng mùa Đông

nắng ở ngoài hiên chưa đủ nắng
chẳng biết bao giờ mới gọi Hè
mây trôi hướng núi buồn thầm lặng
ngày cũng lặng thầm trả bóng đêm

đời sống cũng bình bồng trôi nổi
ngày qua như nhật nguyệt rồi qua
tháng Năm vừa đi tháng Sáu tới
vẫn một mình ngồi trước hiên nhà

ngó quanh tới lúc trời xập tối
ngó quẩn thôi đâu thấy ngó gì
vẫn mây giang hồ trôi lạc lối
vẫn thời gian mỏn cánh chim di

vẫn ta một nửa đời mòn dép
cơn ho sù sụ báo tuổi mòn
mơi còn đi đứng chiều nằm mẹp
đêm nằm tới sáng lại qua cơn

vậy đó tháng ngày qua thấp thoáng
mới tờ lịch rớt lại tờ rời
ở đây sao thấy trời lạng quạng
ngày lên chưa thỏa đã đêm rồi !

nhớ lại chuyện vui chưa kịp mỏn
Thơ còn đang viết vẫn chưa vơi
ngó lịch đã rơi tờ giấy nõn
tháng Năm mau quá tháng năm ơi !

bây giờ tháng Sáu quày ngó lại
chỉ thấy mình ai một dáng ngồi….

tháng 6/2012





tháng 6 08, 2012

VĂN CHƯƠNG LỘNG GIÓ




Buổi họp mặt đông vui anh tình nguyện mở màn buổi văn nghệ bỏ túi nắm tay chị lên cái khoảng trống-không-rộng chỉ vừa đủ một khoảnh coi như là sân khấu chung cho buổi trình diễn văn nghệ giúp buổi tiệc vui nhậu mừng anh chị ba-mươi-năm về ở với nhau.
Ba mươi năm trói buộc đời nhau tình nhau mà giờ đây còn như thời trai trẻ nắm tay nhau lên (tạm gọi là) sân khấu để trình diễn một màn gì gì đó ( chưa biết ) để giúp vui là coi như còn phong độ, còn sung lắm. Cả phòng tiệc vỗ tay.
Hóa ra không hát tình ca như mọi người đinh ninh mong đợi mà ngâm một bài Thơ. Mọi người đều háo hức, chờ.
Hát một bản nhạc thì có-thể-có song ca, tam ca, tứ ca rồi hợp ca nhưng giới thiệu là ngâm một bài Thơ mà có hai người cùng song ngâm là điều hiếm có, hiếm thấy. Chỉ là hiếm thôi chứ không phải là không có.
Hay là anh chị sẽ diễn một màn kịch thơ !.
Không phải. Chỉ một bài Thơ thôi. Anh ngâm trước, giọng thổ. Chị ngâm sau, giọng kim.
Cuối cùng, anh giải thích, chỉ một bài Thơ thôi mà hai người đồng điệu, đồng cảm, đồng tình, đồng bước lên sân khấu ( có tiếng vỗ tay vang ) thì thưa quý anh chị, ba mươi năm ngắn ngủi có nghĩa gì đâu. Còn hơn thế nữa nếu Ông Trời cho phép.
Anh nói bài Thơ này là của tôi. Viết về tình yêu, không riêng, mà chung cho cả mọi người. Rồi anh quay qua chị, khẽ cúi đầu, nói cám ơn em. Chị cười mím nụ quày quả trở về chỗ ngồi, anh khẽ khàng theo sau.
Vợ chồng đồng cam cọng khổ lại đồng điệu đồng tình như vậy đó thiệt là quý hiếm.
Mọi người trong bàn tiệc đều vỗ tay tán thưởng nhưng Huy thì ngỡ ngàng quên cả vỗ tay theo. Đang choáng ngợp vì không ngờ, bất ngờ quá vui sướng quá, bài Thơ đó là của anh. Bài Thơ này( và nhiều bài thơ ) của tác giả ( nay mới biết là anh ) Huy trân trọng dành riêng một góc. Lâu lâu mở ra đọc để chiêm nghiệm tình yêu sắn khoai bắp đậu nước mắm xì dầu cá thịt chanh đường tỏi ớt mà lãng mạn gắn bó tình yêu. Tác giả không hề dệt gấm thêu hoa, chẳng trau chuốt mỹ miều đánh bóng câu chữ, chỉ chân chất thật thà sử dụng những câu Thơ kể chuyện rất đời thường mà lại gây nhiều cảm xúc. Huy cũng mê Thơ và có làm Thơ nên học hỏi tác giả ( là anh, bây giờ mới biết ) rất nhiều. Đọc Thơ anh, công nhận, thấy thấm. Biết chắc anh là người cùng xóm quê vì trong Thơ có gợi nhắc nhiều địa danh riêng quen thuộc, nếu là phơn phớt không rặt người Xóm quê thì không thể nào nhắc nhớ tường tận đến vậy !
Càng thấy thấm hơn.
Chắc chắn anh ( và chị ) là người cùng xóm, lớn hơn Huy nhiều tuổi. Lớp đàn anh đàn chị thường thì không thèm nhớ, mà có nhớ rồi cũng dễ quên, lớp trẻ nít . Xóm quê xưa nghèo đói cơm lạt muối nên lớp đàn anh, có cả lớp đàn chị, với lớp trẻ nít đã từng một thời cùng nhau đi mò Rạm (có họ hàng với loài Cua nhưng hình dáng nhỏ hơn nhiều ),bắt cá Tràu (hình dáng in như là cá Lóc, nhưng mà to lớn lắm cũng chỉ bằng ngón tay cái ), xúc Hến ở suối Cam Ly hạ. Cứu đói !.
( Có chữ hạ do bởi suối khởi đầu nguồn là một cái thác có tên là Cam Ly. Đầu nguồn gọi là thượng : Cam Ly thượng. Giữa nguồn hay cuối nguồn gọi là hạ : Cam Ly hạ. Không có tên gọi Cam Ly trung. Xóm quê của Huy ở suối Cam Ly lưng chừng giữa nên thường gọi quen là Cam Ly hạ. Nếu gọi cho đúng thì phải gọi là Cam Ly trung bởi vì, chưa là hạ, suối còn miên man chảy suốt dọc dài tới cuối nguồn để nhập vào dòng Krông Ana cuồng cuộn về hướng Pleiku- Kontum… )
Kỷ niệm với nhau về Xóm quê thì nhiều không kể xiết e là phải viết truyện dài-mấy-tập dầy cui mới tạm chấm hết.
Mà cũng chỉ tạm chấm thôi chớ chưa hết, không hết.
Bằng cớ là rất đỗi tình cờ gặp anh chị khi theo chân vợ chồng thằng bạn thời trung học ( tiểu học thì còn học ở Xóm quê nhưng khi lên trung học do hoàn cảnh gia đình Huy học nhờ nơi khác, coi như là đi học xa nhà) lên tham dự buổi ra mắt tuyển tập thơ văn của thằng bạn hồi cùng chung một lớp, ngồi chung cùng bàn.
Đường xa lại gặp nạn kẹt xe kinh khủng nên tới địa điểm thì cũng vừa kịp. Vừa kịp lúc vãn tuồng, bà con đang lục tục tiễn nhau ra về !. Thằng bạn, lâu ngày gặp lại mà thấy vẫn còn dễ thương, an ủi :” Có lên là quý lắm rồi. Bây giờ lo phụ dọn dẹp Hội Trường . Đêm nay có màn văn nghệ đặc biệt.”.
Buổi văn nghệ đúng nghĩa đặc biệt vì chỉ có anh và chị lên trình diễn phần văn nghệ giúp vui rồi sau đó không có màn diễn nào khác. Chỉ ngồi hàn huyên.
Huy bất ngờ choáng ngợp hương hoa tình làng xóm khi anh chị đến thẳng chỗ Huy ngồi. Chưa hình dung nổi, anh và chị, là ai trong những người anh người chị, ngày xưa.
Cái bắt tay chắc nụi đến nhói đau với tiếng cười sảng khoái, thêm, cái vỗ vai muốn oằn cả người :
- Đọc thơ chú hoài mà nay mới gặp được người thơ, quá đã quá đã.
Rồi anh day qua chị, hỏi :
- Sao em ?. Có nhận ra tay này không?.
Huy vội vàng đứng lên chào chị. Thấy chị nhìn sững một hồi rồi lắc đầu ngượng nghịu :
- Thiệt là nhìn không ra. Nhìn hoài mà không hình dung ra nổi !.
Lại nghe tiếng anh sôi nổi :
- Nhìn không ra là đúng rồi!. Hồi đó tay này còn nhỏ chút mà em thì lớn xộn đâu có thèm nhìn ngó tới mà giờ lại nói ra với không ra.
Cả bàn tiệc cười ồ. Chị hốt hoảng nắm bàn tay anh giựt giựt rồi ghé tai nói nhỏ gì đó. Chỉ thấy anh gật gật đầu, cười như mếu. Rồi chị nắm tay Huy, nói :
- Thôi để dành lát nữa rồi chị em mình nói chuyện sau nghen.
Lại nghe tiếng anh :
- Đúng đó. Để chốn quê xưa người quê xưa nói chuyện sau còn bây giờ anh với chú nói chuyện trước.
Thấy chị háy anh một cái dài ngoằng rồi đi về phía cuối bàn nơi tóc dài áo dài đang nói cười rộn rả.
Thằng bạn dễ thương, hơn bốn mươi năm rồi mà hắn vẫn cứ còn dễ thương chi lạ, vội vàng lo chạy đi chỗ khác nhường ghế cho anh.
Hai anh em ngồi cụng ly cái đốp, cạn ráo. Rót thêm. Huy ngờ ngợ nhìn anh, hỏi thăm dò :
- Nói thiệt nghen anh. Nãy giờ em cũng nhìn anh không ra!. So lớp tuổi anh thì cũng bằng anh Liêu, anh Tính, anh Nho, anh Phước, anh Nhi, anh Xuân rồi còn nhiều anh nữa. Mấy anh đó thì em có nhớ, chắc chắn là nhớ khi gặp nhau. Còn anh thì chịu thua, cứ cố nhớ hoài mà không nhớ ra nổi…
Nghe tiếng anh cười sảng khoái, cụng cái cốp ly beer, cười :
- Aí dà, mày, ý quên, chú nhớ làm chi cho mệt. Tao, ai dà dà lại quên nữa xin lỗi xin lỗi , anh đâu phải là người xóm quê của chú. Anh vốn người vùng rặt quê Nam bộ !. Thương yêu chị của chú là anh thương lúc gặp nhau lúc hai đứa ly hương biệt xứ. Anh đâu có biết cái Xóm nhỏ của chị với lại của chú em nó khúc ngắn khúc dài khúc nạt khúc mỡ gì đâu !.
Huy ngỡ ngàng :
- Uả, nhưng em đọc thơ anh thấy cả một trời xóm quê mình mà !.
Anh bật cười, lại thêm cái vỗ vai đau điếng :
- Thấy cái con khỉ. Là chị của chú với chú thấy chớ anh có thấy gì đâu.
Huy lại càng thêm ngỡ ngàng, hỏi lại :
- Nói vậy là sao đây, ông anh ?.Vậy là Thơ của chị mà lấy tên anh!. Sao mà lạ vậy!.
Thấy anh lắc đầu quầy quậy lại muốn vỗ vai nhưng Huy kịp né, mấy cái vỗ vừa rồi đủ rồi, đau điếng :
- Không phải đâu là không phải đâu. Thơ tao (ý quên) là anh làm đó. Chị của chú có biết làm Thơ đâu !. Làm nũng thì có.
Huy vẫn còn ngờ ngợ :
- Anh nói vậy là sao ?. Đâu có phải dễ dàng bịa ra khung cảnh để người quê xưa tìm lại nơi chốn của mình. Rồi những cảm xúc từ những kỷ niệm chan hòa vô đó làm sao có được khi không là người trong cảnh sống. Thơ mà không có cảm xúc thật lòng thì không, sẽ không có, những câu Thơ làm cho người cùng quê đọc về chốn quê mình rung động. Vậy anh đâu phải là…
Anh vội vàng đưa tay vỗ vai làm Huy né không kịp. Cũng may cái vỗ này chỉ nhẹ như là cái xoa vai, nhẹ hều. Nghe tiếng anh lắng xuống không vồn vã sôi động :
- Chú phân giải vậy nghe cũng được nhưng mà chỉ được có một nửa thôi còn nửa kia thì chú ngó lại, ngó kỹ anh coi. Chấp chú nhìn tới nhìn lui nhìn muốn đui con mắt chắc cũng không nhận ra anh là anh nào đây trong cái Xóm xưa của chú.
Rồi anh cười ngất, thêm một ngụm :
- Tao, ý quên, anh chỉ là thằng rể của Xóm quê chú thôi !.
Thấy Huy vẫn đang còn ngỡ ngàng nhìn, anh vội xích ghế lại gần, khẽ cụng ly rồi tự uống, khà một tiếng thoải mái :
- Nhân nói về chuyện ở rể, có lần lên mạng, anh đọc được một truyện ngắn trong đó có hai câu Thơ. “ Cho anh ở rể nhà em. Cùng mâm cùng chiếu cùng đêm cùng ngày”. Chỉ hai câu thôi mà tâm đắc in như nói rước lòng mình. Rồi cứ nương thơ mà in lòng nhớ là phải thương yêu người mình yêu khi về ở rể. Có một lần anh đọc hai câu Thơ này cho chị. Thấy chị cười nhìn anh tình tứ quá chừng chừng. Anh có nói với chị phải như anh thì anh muốn được đổi một chữ, chỉ một chữ thôi, trong câu đầu. Chị hỏi anh muốn đổi chữ nào đây?.
Nói tới đây anh ngừng, tự rót thêm vẫn đang còn nửa ly, đầy tràn bọt :
- Anh nói với chị là anh sẽ đổi “ Cho anh ở rể Xóm em. “. Chỉ nghe vậy thôi mà nụ cười tức thời tắt ngấm, mặt mày đang tươi rói bỗng sa sầm. Chị đứng lên rồi chạy te xuống bếp. Anh ngỡ ngàng chạy theo. Cầm tay, chị phủi. Vuốt vai, chị oằn người né tránh. Ngồi xích gần, chị xích ra xa. Hai đứa ngồi một đỗi lâu, cũng lâu lắm là lâu. Liếc qua rồi liếc lại. Liếc lại rồi liếc qua. Cuối cùng rồi cũng mấp mé được ngón tay rồi khẽ tìm nắm được bàn tay. Đôi mắt liếc đã không còn dị biệt. Đã nhìn chung, nhìn nhau. Hòa nhau rồi. Tới lúc đó chị mới nói nguyên do. Anh giật mình toát môi hôi hột. Thì ra !.Chị nói là sai một ly đi một dặm. Ông nhà thơ nói ở rể nhà em là ông nói chí tình. Ông nhà mình nói ở rể Xóm em là nói cho phỉ tình. Ở Xóm em có nhiều-em-như-em. Ở nhà em chỉ-có-em. Anh lại xin cho được ở rể Xóm em là ý anh muốn tòm tem hết mấy cô trong Xóm chớ gì. Anh chịu thua không dám đổi qua đổi lại, cứ nhà em mà ở rể cho chắc ăn.
Lại rót thêm, tràn bọt :
- Nói vậy là ý anh muốn nói chị của chú đâu có biết làm Thơ nhưng mà thích đọc Thơ, cảm nhận nhạy bén từng câu từng chữ. Nói thiệt lòng tao, ý quên, anh cũng đuối hơi mà cũng phải ráng sức.
- Anh nói nghe lạ !. Thơ mà phải ráng sức…
Anh vội xua tay lia lịa :
- Không phải. Không phải anh ý nói vậy đâu. Ráng sức đây là ráng sức theo ý của chỉ…
Huy lắc đầu, thiệt tình không hiểu nổi :
- Này ông anh ơi!. Mới hai chai mà nhớ lạc tới đâu rồi!. Ráng sức hay không ráng sức theo ý chị là chuyện thầm kín riêng tư đâu có dính dự gì chuyện mình đang nói.
Thấy anh vỗ đùi, cười thoải mái :
- Rồi !.Biết mà !. Biết mà !. Chú mầy cũng hiểu lầm y chang như mấy thằng bạn của anh khi mới nghe.
Anh nhướng người, nhìn quanh. Thấy chị đang ngồi nói chuyện với bạn ở cách mấy bàn, anh đưa ta vẫy vẫy. Rồi anh ghé sát tai Huy, nói nhỏ :
- Thôi, để chị mày, ý quên, chị chú nói cho nghe. Chỉ đang tới đó.
Chị cũng vừa kịp tới, tay cầm(ối trời) không phải ly nước ngọt, cũng không phải ly beer, mà là nguyên chai beer đang còn lưng nửa. Nghe tiếng chị rổn rảng, với anh :
- Kêu em tới chi đây?. Phải in như hồi anh Hoàng, anh Tấn đó không ?.
Anh làm điệu bộ nhún vai, đưa hai tay ngang, lắc đầu :
- Y chang ! Thôi, em ngồi nói cho chú biết. Chị em lâu ngày gặp, sẵn nói chuyện xóm làng…
Anh cầm ly beer, đứng lên :
- Nè, cụng với anh hết ly này đi. Lát nữa anh em mình ngồi lại. Vui mà, một đêm vui.
Chị ngồi xuống chỗ anh. Hai chị em nhìn nhau, im lặng. Huy cố hình dung những khuôn mặt của lớp đàn chị một thời Xóm quê mà không hình dung ra nổi. Một đỗi lâu, thấy chị cười tủm tỉm, nói :
- Ồ, hình như là chị nhớ ra em rồi…
Huy nhìn chị, ngượng nghịu :
- Nhưng em thì, xin lỗi chị, cố nhớ hoài mà không nhớ ra nỗi. Chắc thế nào rồi em cũng nhớ được nhưng không phải lúc này, bất ngờ quá, không sắp xếp được cái khoản nhớ, quên trong đầu mình. Tuổi lớn rồi, nhiều lúc…
Thấy chị cười, thoải mái :
- Có sao đâu em !. Nỗi nhớ lớn trong đời là ra đi rồi, xa cách rồi mà còn quày nhớ lại nơi chốn chôn nhau cắt rún. Em còn nhớ được, lại còn viết được trong Thơ là đã nhớ lắm rồi. Chị có đọc nhiều bài Thơ em nhắc nhớ về Xóm quê mình, chị thích lắm, cứ tìm đọc hoài. Bữa ni may gặp tác giả…
Chị hào hứng nâng chai beer, uống ngọt :
- Té ra hắn là ai hè ?. Là thằng Cu trọc răng sún hồi xưa của Xóm quê mình…
Huy thật lòng choáng ngợp phút giây hào hứng của chị, lại, nghe chị hào hứng :
- Khui cho chị thêm chai nữa, thằng Cu trọc…
Huy luống cuống khui thêm chai, đưa chị, lòng cũng áy náy :
- Nhắm chừng có qua được không chị ?. Là thêm một chai, một chai nữa đó nghen…
Chị cười ngất, cầm chai beer :
- Cái thằng ni !. Chị có uống nữa đâu !. Chỉ cầm chai cho vui câu chuyện. Chai beer ni là dành phần thưởng cho chú đó, thưởng những bài Thơ của chú nói về Xóm quê mình…
Huy chợt hiểu, cười ngượng :
- Té ra là vậy ! Tưởng chị…Nhưng có điều em thấy ngại không dám nhận phần thưởng vì so bì với nỗi nhớ niềm thương trong Thơ anh về Xóm quê mình thì em chẳng đủ độ nhắc nhớ chia xẻ ấm nồng, còn thua xa. Nhưng có điều em ngưỡng mộ là anh đâu phải là người Xóm quê mình sao lại có những lời Thơ gợi nhớ đến não lòng như vậy !. Chai beer này nên dành cho anh, không dành cho em…
Chị lại cười, hỏi Huy :
- Em còn nhớ Ôn Huế không ?.
Câu hỏi của chị dịu dàng gợi nhắc nhưng trong lòng Huy bỗng dào dạt nỗi nhớ về Ôn Huế.
( đoạn trích ngang, một bài viết của một tác giả cũng là người Xóm quê, viết về nhân vật : Ôn Huế )
…nghe xầm xì Ôn từ Huế lưu lạc vô tới. Ôn mướn một góc riêng ở nhà Mệ
Ngự. Ôn ăn mặc suốt ngày suốt tháng suốt năm trắng toát .Ôn ăn Trầu, hút thuốc Cẩm Lệ, uống rượu thuốc màu đậm mận. Buổi sáng Ôn ra Chợ Xóm mua vài món nấu ăn trong ngày, mấy miếng tàu-hủ một lạng thịt heo nửa bó Hẹ lâu lâu mua thêm vài con tôm vài lát cá mà đặc biệt là ngày nào cũng mua ớt-chỉ-thiên cay xé lưỡi. Dân Xóm gặp Ôn, cúi đầu chào. Ôn cúi đầu, chào lại. Nói chung là cúi đầu chào nhau, bên thì hiếu khách, bên thì hiểu tình. Thêm nữa nghe. Đêm đêm Ôn đốt trầm hương ngồi gảy đàn tì bà điệu nhạc cung đình nghe choáng tai choáng óc mà tình thì ôi chao loạn là tình. Mệ Nghệ không cản nỗi mới ưng mới oằn lòng theo Ôn. Góc phòng riêng, phá.
Căn phòng, phá thoáng, thành chung nhà.
Ôn với Mệ chung hồi nào không biết nữa !
Hỏi Mệ, Mệ cười vui.
Hỏi Ôn, còn lâu mới hỏi được ! Ôn cung Nội tới Xóm quê tá túc, cung đình Ôn còn khệ nệ giữ gìn. Coi như là bí mật Hoàng Cung dân dã làm chi dám hỏi ! Đừng hỏi.
Chỉ biết là Xóm quê có Ôn, có thêm nghề mới !
Ai đau đầu xổ mũi, cảm mạo phong hàn, ho khan nhức mỏi thì có lá thuốc lá rau quanh vườn cứ việc hái vô nấu nồi xông, chầm chỗ đau, rịt chỗ mỏi.
Thậm chí còn dùng kim lể huyệt, còn giác hơi… đại khái cho được thân tâm thường an lạc.
Nhưng có ngặt một điều thân tâm thường an lạc mà tâm hồn không được an lạc thì biết nơi đâu, tìm đâu !. Cứ tìm tới Ôn : Ôn Huế.
Ôn thực tài phun-châu-nhả-ngọc. Nói nôm na là Ôn chữ nghỉa rộng bồ mà sức thì giết gà không chết nên ( ông, không phải gà ) sống với nghề viết mướn. ( nôm na là viết thay cho những-người-muốn-viết-mà-không-viết-được ).
Chỉ là giấy trắng mực trơn nhưng Ôn mà sử dụng giấy trắng mực trơn là mọi điều, hầu như là, ổn.
Xóm quê nghèo, hồi đó, quanh năm suốt tháng bám đất kiếm miếng ăn, có chữ nghỉa gì đâu !. Nhờ Ôn mà nên chữ nghỉa.
Đơn từ xin nhập cư xuất cư, xin lấy lại rẻo đất bị người hàng xóm xâm phạm, xin cho con cho cháu có đủ điều kiện lên Tỉnh học, xin giảm thuế má do trời hành đất hạ thất bát mùa màng…Đại khái là xin đủ thứ hầm-bà-làng nếu ai có nhờ tới. Đơn viết thấu tình đạt lý. Quan cũng mủi lòng. Dân cũng mủi tình.
Gía cả phải chăng.
Niềm tin đặt để nơi Ôn quả là vô hạn.
Nghề, tức cảnh sinh tình phát sinh, lâu quá thành quen [hay vờ quên] để kiếm thêm không biết !. Ôn có thêm nghề nối-bút-sinh-tình.
Nghề này xưa nay hiếm ! Rất là quý hiếm !
Vợ chồng hục hặc xa nhau!
Tới Ôn. Một bức thư tình lâm ly bi đát, e chừng đọc mới nửa trang, là lo khăn gói trở về thương nhau.
Trai gái giận hờn xa nhau!
Tới Ôn. Vé xe, vé tàu lửa có lên giá gấp đôi cũng nhín ăn, mau mau trở lại với nhau e không kịp e sợ là giận ngược lại. Hết tình !.
Gìa khú già đui cũng bày đặt cơm-không-lành-canh-không-ngọt. Mạnh ông ông chết mạnh tui tui chết!
Tới Ôn. Đọc bức thư tình của Ôn là lo tìm gậy chống gậy mau về bên nhau nguyện cùng chết chùm bên nhau!
Chỉ cần khổ chủ tìm tới Ôn giải bày khúc mắc tâm trạng là Ôn tùy-gia-phong-kiệm lựa tình lựa cảnh lựa lời cho cái thằng (hay cái con) phải gió chết tiệt kia biết thế nào là tình yêu, tình nghĩa, tình đời.
Không biết Xóm quê nghèo nào ở quê tôi có Ôn nào như Ôn Huế !.
Khi xa quê có học được gì không ?. Sao thấy tình cảnh bên này ( quê mới ) vợ chồng lại ly dị nhau. Không còn nhớ ngày đói rau lạt muối, muổi đốt, ruồi bâu,bíu nhau mà sống.
Ôn Huế mất rồi!. Ôn không viết lời Thơ hàn gắn được ! “
( hết trích)
Huy ngậm ngùi nói với chị :
- Hồi em vào đời khôn lớn thì Ôn Huế vẫn còn nhưng Ôn tuổi già lú lẩn không làm nghề xưa. Huyền thoại về Ôn em còn giữ nhớ hoài.
- Qua tới đây rồi nhiều lúc nhớ quê chị cũng thường tâm sự chia xớt với Ôn Huế…
Huy giật mình, ngơ ngác :
- Ủa, chị nói gì đây?. Ôn Huế nào nữa ?.
Chị bỗng vỗ vai Huy,cười híp mắt,chỉ tay về phía anh đang nói cười sôi nổi :
- Đó, Ôn Huế đó!. Nhưng mà qua đây, đổi tên rồi. Là Ông Nam bộ….

Hiên Trăng, tháng 6/2012