tháng 12 24, 2010

HÌNH ẢNH


Người từ Escondido xuống.

HÌNH ẢNH


Người từ Mira Mesa qua.

HÌNH ẢNH


Người từ Arizona và Chicago trở về.

HÌNH ẢNH


Người từ Pomona cũng vội vã trở về.

HÌNH ẢNH


Để chụp được tấm hình xum họp mùa Giáng Sinh 2010.

Già Làng (người thứ hai bên trái) ghi lại hình ảnh của nhà Làng ở Mira Mesa.

tháng 12 21, 2010

HÌNH ẢNH


Ngày đầu của mùa Đông

NGẪU HỨNG
trời như trời của quê xưa lạnh se cơn gió buồn đưa lối về một mình thinh lặng bốn bề quạnh hiu ôi nỗi buồn tê đắng lòng bốn mùa xuân-hạ-thu-đông ngày qua tháng lại theo dòng nổi trôi chiều về con phố buồn ơi thấy em đứng lạnh giữa trời lập-đông....

mùa đông 2010

tháng 12 19, 2010

THÁNG MƯỜI HAI


Tháng Mười Hai là tháng cuối năm cũng thường gọi là tháng Chạp.
Tháng Một là tháng đầu năm, cũng thường gọi là tháng Giêng.
Gọi quen thành lệ . Cuối Chạp ra Giêng. Nghe cũng hay hay mà gọn. Ít ai nói là cuối tháng Mười Hai ra tháng Một. Nghe dài thoòng lại không thấy gần gụi hương vị ba ngày Tết là thời điểm chấm dứt một năm, cuối Chạp. Bắt đầu một năm mới, ra Giêng.
( chữ Chạp bắt nguồn từ tập quán chạp( sửa sang) mộ ( mộ phần, mồ mả) [ sửa sang lại mộ phần của người đã khuất bóng]. Tháng cuối năm, tháng mười hai, là tháng để người sống lo sửa sang cho phần mộ người đã khuất, là cách để người đã khuất cũng được ăn Tết như người sống. Gọi là tháng Chạp Mộ. Gọi tắt là tháng Chạp )

Nói là ra Giêng có ba ngày vui chơi thoải mái là ngày mồng Một, mồng Hai, mồng Ba là hết Tết. Mà thật ra, có hết đâu, vẫn còn tới ngày mồng Mười.
(thật ra mỗi tháng đều có mười ngày được gọi là mồng ( mùng).. Mồng một tháng Hai, mồng Hai tháng Hai v..v…
Riêng tháng Giêng (?!), đặc biệt, là ngày đầu năm có ba ngày vui mừng đón Tết Nguyên Đán mồng 1, mồng 2, mồng 3. Trên thực tế là vui mừng tới hết ngày mồng ( mồng 10)..Sau này, khi nhắc tới chữ mồng, người đời thường nghĩ chữ mồng chỉ dành cho tháng Giêng vì đó là những ngày thật sự( mừng) vui (vui) chơi. Mồng, đọc trại là Mùng, đọc trại là mừng. Chỉ tháng Giêng là có những ngày Mùng, mừng. Các tháng khác tuy có ngày Mồng (mùng, đọc trại) nhưng không là những ngày mừng như tháng Giêng ( nghỉ ngơi, ăn chơi, đón Tết) mà phải làm việc ( tháng Hai trồng đậu tháng ba trồng cà…)


Qua ngày mồng Mười tưởng đã là chấm dứt. Mà cũng chưa, vẫn còn :
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu tháng Ba trồng cà…

( tháng Giêng=Riêng(! )mà không gọi là tháng Một !. Phải chăng đó là một tháng riêng, khác hẳn, trong những tháng phải tất bật làm ăn. Chỉ có tháng Riêng=Giêng(đọc trại) là tháng ăn- chơi-cho-bỏ những tháng phải làm lụng cực khổ ?.( Nghi vấn. Xin được bổ sung thêm ý kiến).

Chuyện dài dòng nói sao cho hết lý.
Thôi thì không gọi là tháng Chạp. Không gọi là tháng mười hai. Gọi là tháng cuối năm cho gọn.
Tháng cuối năm là tháng không còn ( mà cũng không muốn) làm gì khác, chỉ dành thời giờ trang hoàng nhà cửa, rửa mặt mũi tay chân, cạo râu hớt tóc, chuẩn bị chờ tới nôn nóng ngày hẹn tới chú Tấn thợ may lấy quần áo mới để mặc đẹp ba ngày Tết.
Mọi việc thành bại trong năm đã được tổng kết chi thu gia đình ngay từ tháng-mười-chưa-cười-đã-tối. Suốt năm mà ăn nên làm ra thì hứa hẹn một mùa Tết phong lưu nhàn nhã. Làm ăn thua lỗ thì cố mà liệu cơm gắp mắm.
Tháng mười một là lo thanh toán nợ nần của mình và của người cho được thanh thản mà chuẩn bị đón mừng năm mới.
Tháng cuối năm, tùy gia phong kiệm, nhà nhà tất bật lo liệu mọi thứ để chuẩn bị đón mừng năm mới. Cũng là tháng nhàn nhả vui chơi thoải mái…
Thoải mái nhất là quán mụ Nghệ rồi quán thím Lu, o Ngát, chị Cam. Chiều chiều, mấy anh trai Xóm ghé vô hào phóng kêu cả lít rượu gạo, kêu thêm vun dĩa mực, cá khô nướng có kèm thêm chén nước mắm chanh đường dằm ớt chỉ thiên. Mấy anh ngồi, ồn ào quá chừng, ba hoa chuyện trên trời dưới đất.
Mấy thím mấy o mấy chị chủ quán phục vụ tận tình vui vẻ hết mình vì cuộc nhậu cuối năm, theo định lệ là không được ghi sổ mà phải trả tiền mặt. Tiền mặt đó nghen,cho nên chủ quán cố tình vô ra cho có mặt để chìu đón khách.
Đôi khi và, thường khi, chủ quán được (ép) mời chia chung ly rượu kèm thêm một miếng mồi đưa cay. Thì cũng tới luôn !.Uống sặc sụa, uống hít hà chảy nước mắt mà cũng phải uống cho mát-trời-mây câu khuyến mải “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi “.
Có mụ Nghệ là không cần vui lòng khách vừa lòng khách chi cả !. Mụ ngồi chung bàn luôn, uống tới luôn !.Mụ hò câu Nam Bình, Nam Ai nghe rứt ruột. Mụ gởi lòng thương nhớ cố hương đã ngày tàn tháng tận mà chưa từng chưa có dịp về lại cố hương …cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…anh đi không kịp…
Tàn buổi nhậu cuối năm, mấy anh móc túi trên túi dưới, góp chung trả tiền. Tiền mặt à nghen. Mụ nhận tiền vui vẻ cám ơn, từ tốn, ân cần sớt lại một phần tiền vừa trả để gởi lại quý anh, coi như góp chung sòng phẳng phần của mình. Riêng phần đóng góp văn nghệ câu hò tiếng hát coi như mụ không tính thù lao.
Tình mà !. Cho không biếu không ! Hào phóng quá trời ơi người cố đô !…
Tôi hồi đó, còn nhỏ, biết gì!. Chỉ thấy Mụ, đờn bà mà uống rượu như đờn ông. Nghe anh Tống Hồ, tên Hiền ( đọc trọn gói là Tống Hồ Hiền) kể chuyện mụ uống rượu như Lổ Trí Thâm, tính tình bộc trực ngay thẳng như Lỗ Đạt. Tôi ngây ngô không biết hai ông họ Lỗ này có họ hàng gì với nhau không mà anh Tống Hồ tên Hiền đưa ngang bằng khí phách nam nhi chi chí. Sau này nghe chú ( Tiết Nhơn ) Quý, nằm dưới gốc Quỳ vì đang say rượu, diễn nghĩa chuyện ông Lỗ Trí Thâm cạo trọc đầu đi tu mà uống rượu như hủ chìm. Chú đâu có phải là nhân vật Tiết Nhơn Quý trong truyện Tàu. Chú chỉ là chú Quý của Xóm quê tôi, tên Quý. Tướng tá chú dềnh dàng to lớn, lại tên Quý, nên mọi người gọi là Tiết Nhơn Quý, vậy thôi.
Chú diễn nghĩa :
Lỗ Trí tên Thâm
thật là Lỗ Đạt,
làm chức Đề Hạt
ở tại Đông Kinh,
là người lực lưỡng
mình cao tám thước
vai rộng đầy ôm
mặt tròn tai lớn
mũi thẳng miệng vuông
hàm râu quai nón
sức khỏe muôn người
vì giết Trịnh Đồ
nên bị truy nã
cắt tóc đi tu
trên núi Ngũ Đài
xin làm môn đệ
trưởng lão Trí Chân…

Câu kệ còn dài nhưng tôi nhớ ông Lỗ Trí Thâm là ông Lỗ Đạt uống rượu như uống nước.
Muốn hỏi thêm thì chú (Tiết Nhơn ) Quý đã dựa gốc Quỳ, ngáy vang như sấm !
Tháng Mười Hai của những ngày thơ ấu, nhớ lại, viết lại, thiệt là quặn lòng …
Chân dung tôi hồi đó, tròn vo, đầu trọc, răng sún, đít có đinh không ngồi một chỗ, chưn có lò xo không đứng được lâu, cái đầu mới lớn cứ muốn nhét đầy chuyện kể, trái tim thì chay tịnh vẫn trống trơn, tâm hồn thì đang vơ vẩn vớ vẩn những câu Thơ.
Riêng phần cái bụng, xin thiệt thà nói, đói quá chừng ! Xóm nghèo tuy là có cơm ăn nhưng không có thức ăn. Chỉ mắm dưa, cá cơm khô, đậu phụng kho queo, nước mắm kho quẹt, cho qua ngày tháng ! Thèm. Thèm đủ thứ !
Mấy anh chơi chi sang cả giống như cao lầu. Chỉ buổi nhậu rượu thơm râu mà thấy ê hề rệu nước miếng mấy dĩa mực khô, cá khô, tôm khô…
Sang cả tới nỗi lớp ăn lớp bỏ .
Những buổi chiều tháng mười hai tôi thường đi rảo quanh Xóm tìm quý anh để chỉ rụt rè đứng bên ngoài nhìn vô ăn-ngó-theo mấy dĩa đưa cay hấp dẫn.. Con mắt cứ láo liêng, miệng thì rệu nước miếng, cái bụng cứ sôi rồn rột, thèm ăn…
Những buổi chiều tháng mười hai chị Bưởi kêu tôi, nói nhỏ : “ Em đi rảo quanh Xóm nếu như mà thấy anh Hiền ngồi quán thì nói với anh về nhà liền không thôi là chị giận. Nhớ nói nghe. Mấy viên kẹo Cau này chị cho em . Cầm đi em, mai mốt chị cho thêm ”. Tôi nhanh nhẩu ( không hẳn lắm, theo lời chị mà theo lời mấy viên kẹo Cau ) đi liền. Thấy anh đang cười nói huyên thuyên ở quán mụ Nghệ, tôi len lén đi vô nói nhỏ với anh : “ Chị Bưởi nhắn em là nếu thấy anh ngồi quán là vô nói với anh là chị giận. Giận dai dẳng khủng khiếp. Về đi anh ! ( mấy lời này là tôi nói thêm, chị Bưởi không có nói ).
Anh giật mình nhìn quanh tưởng như có chị đang đứng ngoài nhìn vô. Một thoáng lưỡng lự, anh kéo tôi ra sau quán, hỏi nhỏ : “ Chị Bưởi có đi theo em không?”. Tôi lắc đầu, lắc đầu. Anh cười : “ Vậy là không sao. Bây giờ em chạy ngược về nói với chị Bưởi là có thấy bàn nhậu mà không có anh. Nhớ phải nói rõ ràng là không thấy anh, thiệt là không thấy anh. Chạy u đi “. Thấy tôi còn đang ngần ngừ anh sực nhớ, cười giả lả : “ Quên. Quên. Muốn ăn mực khô, tôm khô hay cá khô đây !”. Tôi mau mắn : “ Cả ba món luôn !. Mỗi món một chút là em chạy u liền”.

Tháng mười hai có bao nhiêu chuyện kể hoài không hết !
Giờ ngồi nhớ chỉ kể nhín một vài chuyện cho vui.
Vậy thôi !

Hiên Trăng tháng 12
trời mưa gió lạnh

tháng 12 11, 2010

BUỔI GẶP TÌNH CỜ


bài Thơ này cho Chị

mai mốt chị về quê Đàlạt
em gởi riêng theo một tấm lòng
Xóm nhỏ ngày xưa thương nhớ lại
cách xa rồi ngàn dặm núi sông !

em đã bao năm đời lưu lạc
tình cờ gặp chị chốn quê xa
nắm lấy bàn tay thời khô hạn
lòng nhớ vô cùng, nhớ xót xa !

buổi đói no mình chung cảnh khổ
chén cơm đời chia sớt cho nhau
ân tình một thuở em còn nhớ
Xóm quê nghèo đạm bạc rau dưa !

chị ghé đôi ngày rồi lại đi
không biết bao giờ em gặp lại
năm tháng mịt mờ đường thiên lý
nào ai biết được chuyện ngày sau !

thôi nhé, chị về quê Xóm cũ
em ở nơi này trời viễn phương
gởi gắm tình em về cố xứ
chị đem theo đỡ nhớ dọc đường !

nhớ ngày bất ngờ gặp anh và chị
San Diego, CA tháng 12/2010

tháng 12 01, 2010

NỖI NHỚ LẶNG THẦM



đạm bạc cơm rau chiều rét lạnh
em với tôi ngồi ghé gần nhau
bàn rộng ghế nhiều mà cô quạnh
có ai ngồi ấm chiều nay đâu !

hai đứa con đi học xa nhà
hai đứa ở gần mà không ghé
buổi cơm chiều rồi cũng đi qua
nỗi quạnh hiu còn vương đáy chén !

em ngó tôi cười nụ rưng rưng
tôi cũng nụ cười vương đáy chén
giữ thầm lặng nói lời e ngượng
nỗi nhớ trong lòng khó nổi quên !

chiều rét ngọt hơn chiều hôm trước
nhớ quặn lòng hơn chiều hôm qua
nỗi nhớ cứ quẩn quanh xuôi ngược
quạnh hiu thêm trải thảm trong nhà

ngày tháng rồi quen như nỗi nhớ
quạnh hiu rồi cũng sẽ dần qua
nói nghe vậy mà lòng không nổi
mỗi chiều về cứ nhớ xót xa…

Hiên Trăng
chiều 01/12/2010

tháng 11 30, 2010

DẶM ĐƯỜNG XA NGÁI


Dẫu thế nào đi chăng nữa cũng xin nói thật lòng tạ ơn vùng quê mới.

1.
từ khi giạt bước phong vân
nhánh rong phiêu vượt biển vần sóng xô
nỗi đau vận nước khô bờ
góc hiu quạnh nhỏ bơ vơ không nhà

2.
lạc đường tới chốn quê xa
nhói đau thân phận người tha phương rồi
quê hương giú kín trong đời
miếng cơm manh áo hạ hồi nhớ sau !

3.
bơ vơ từ thuở ban đầu
nay thì cũng đã vào đâu đó rồi
cơm thì cũng đủ đầy nồi
áo thì nóng lạnh tứ thời cũng qua

4.
em còn nỗi nhớ xa nhà
đường muôn dặm đã nhạt nhòa dấu quen
chiều nghiêng vạt nắng bên thềm
ngó rưng mắt lệ lòng mềm quê xưa

5.
kể từ khăn gói gió đưa
hai ta lạc chốn nắng mưa trái trời
khi quê nhà trở sáng mơi
quê người sót nỗi đêm rơi đuổi chiều

6.
ta thường ngó nắng chiều riêng
ngó mây lang bạt sầu nghiêng nỗi sầu
mấy mùa phiền trược bể dâu
đời qua truông đã bợt màu tóc xanh

7.
tựa như lá úa bỏ cành
dấu xưa nay đã rêu quanh lối về
dặm trường xa lạc trời quê
Thu xưa hiu quạnh bốn bề lá rơi

8.
tạ ơn xin tạ ơn đời
tạ ơn người tạ ơn trời quê xa
nhớ xưa cơ nhở bầy đoàn
ơn người xóa nỗi cơ hàn cho ta

9.
chuyện lâu rồi chuyện đã qua
nay mường tượng lại tưởng xa mà gần
ơn người hạt gạo trắng ngần
đói cơm lạt muối đã lần lựa xa

10.
chiều ngồi hiên trước sân nhà
viết bài Thơ vội nhân Mùa Tạ Ơn
tạ ơn người tạ ơn Đời
tạ ơn cơ nhở một thời đã qua….

Hiên Trăng tháng 11/2010

tháng 11 25, 2010

BUỔI XA QUÊ



khi còn ở với bên nhà
miếng cay miếng đắng mặn mà miếng quê
tới hồi dâu biển xô về
tang thương ta liệu khó bề nương lâu
quê nhà giờ chốn quê đâu
ngoái thương cắt-rốn-chôn-nhau quê mình
buổi đời cuộn sóng bạc tình
ta đau xót bỏ quê mình, đi xa
đi xa ngày lại tháng qua
nửa đời nhìn lại xót xa quá chừng !
11/2010

CHUYỆN XƯA



Chị nói :
- Em có về nói với anh đừng bới cơm cho chị. Để chị chết đói cho anh thỏa lòng.
Tôi giật mình khi nghe câu nói của chị, ngó chị, thấy mặt đỏ môi mím, rõ ràng là đang giận, giận tới tím ruột tím gan.
Mà nhìn lâu, thiệt ra, cũng chưa thấu !
Té ra là quên nhìn đôi mắt chị. Đôi mắt dối lòng chị , đang long lanh giọt lệ chưa rơi!.
Chỉ mới long lanh ướt át vậy thôi chứ chưa rơi.
Chưa rơi là chưa dứt lòng riêng câu nói lòng mình.
Chỉ là giả bộ ( tự điển bách khoa ghi : giả bộ là làm dáng điệu như thiệt ).
Tôi chạy về chỗ anh đang cuốc đất lên vồng để dặm dây khoai .
Khi nghe tôi nói, và nhìn tôi làm điệu bộ y như chị, cho anh tin là chị đang giận .
Anh chống cuốc nhìn tôi, cười sảng khoái :
- Cho đói luôn tới chiều, tới tối, tới mai.
Rồi anh vuốt vai tôi, cười hiền :
- Em làm ơn chạy nói với chị lời anh vừa nói. Đừng bỏ sót chữ nào.
Tôi lại chạy ngược về chỗ chị nói y lời anh dặn dò.
Chị cúi đầu đỗi lâu :
- Chạy mau về nói với anh là nồi cá chị ướp muối mà quên rắc tiêu, làm ơn làm phước rắc tiêu nhiều nhiều chút.
Tôi chạy về chỗ anh, nói y lời chị.
Anh cười ngất vỗ vai tôi, đau điếng :
- Về nói với chị là muối chị ướp tới đâu thì anh sẵn sàng rắc tiêu tới đó, đừng lo.
Thấy tôi đang ngỡ ngàng chuyện muối tiêu tiêu muối, anh vỗ vai lại vuốt đầu tôi, giọng dịu ngọt :
- Chạy tới chạy lui thiệt tội cho em quá. Mà em không hiểu đâu !. Mặn muối cay tiêu là chuyện đời thường. Về nói với chị là tiêu anh đã rắc rồi, đừng làm bộ.
Tôi chạy ngược về nói y nguyên lời anh.
Thấy chị cười, giấu nụ.

Buổi chiều ngang qua nhà, thấy anh chị đang ngồi ăn cơm trước sân. Thoảng trong gió chiều mùi cá mặn kho tiêu, thơm lựng…

Vợ chồng đôi khi, thường khi, cũng tiêu cay muối mặn là chuyện rất đời thường.
Tôi già hơn nửa cuộc đời, chiêm nghiệm và hiểu thấu một thời chị thì muối mặn anh thì cay tiêu mà sao lại còn ngồi hiên trước đơm miếng cơm cho nhau, gắp miếng cá mặn kho tiêu cho nhau…

Nay anh với chị đã đi xa rồi !.
Tôi ‘ngộ” được tình anh thương chị và chị thương anh.
Vợ chồng mà !

Mùa Tạ Ơn
11/2010

TẠ ƠN ĐỜI



miếng đói no xưa đã là kỷ niệm
ân tình nồi cơm độn nửa sắn khoai
chén nước mắm để lâu ngày đọng muối
đời thèm ăn no suốt cả bốn mùa

mà có no đâu chỉ là dối bữa
chép miệng thòm thèm nhìn ngó nồi cơm
trưa lưng bụng chiều chỉ vừa no mỏn
buổi tối cồn cào bụng réo cơm sôi

nhà mấy miệng ăn no lòng khó nổi
nhín nhường nhau từng miếng cháy vét nồi
ơi ngày tháng cứ thèm no bụng đói
đã có nhau kỷ niệm níu đời nhau

tạ ơn đời miếng đói lạc bể dâu
qua đất mới có chén cơm đầy đặn
trưa no bụng chiều miếng ăn bỏ mứa
tối không cồn cào bụng réo cơm sôi

vái lạy tứ phương ta tạ ơn đời
năm, tháng dư thừa nơi phương trời lạ
buồn nỗi quê nhà bụng đời lép quá
đành phải tha phương tìm tới quê xa…

Ngày Lễ Tạ Ơn
25/11/2010

MIẾNG CƠM CHÁY, NGÀY XƯA !



bữa cơm ngày xưa đạm bạc quá chừng
cá cơm khô rang trộn đều nước mắm
có chút đường pha chanh cho bớt mặn
chiều quây quần khói bếp ấm lòng nhau
mẻ cháy đáy nồi nhìn nhau không giấu
cắn ngập miếng thèm nhai rụm giòn tang
cứ nhìn qua nhìn lại nhìn khô ran
biết phần ai được nhận thèm miếng cháy !
cơm thuở quê nhà rụt rè lắm vậy
buổi đói no nhín bụng trải lòng nhau
miếng cháy giòn tang một thời yêu dấu
vẫn nhớ mang theo tới tận quê người
thừa mứa miếng ăn ta lại kiệm lời
nhắc tới một thời đã thèm cơm cháy

thời đói cơm đói bụng đói từng ngày
đâu như bây giờ miếng ăn miếng bỏ

khi no đủ nhớ lại ngày đói khổ
miếng nhịn thèm đạm bạc một nồi cơm
lạt muối đói rau có nhau hôm sớm
vạt cháy cuối nồi chia sẻ giòn tang
thịt cá dư thừa dành kẻ giàu sang
ta chỉ thân thương một thời cơm cháy !
cảm ơn Đời đã qua rồi khổ nạn
mỗi chiều ran bếp lửa ở quê người
miếng khi đói đã than tro lạnh nguội
bỗng nhớ thèm miếng cơm cháy ngày xưa
ta ở nơi này ngày nắng ngày mưa
than củi đâu chỉ lò gaz nóng rát
nồi cơm sôi than đâu mà nhốt lửa
cơm cháy cuối nồi khó nổi, ngày xưa
xưa một nửa bây giờ ta một nửa
một nửa ghé người một nửa lụy quê

nồi cơm cạn, cứ cạn nguồn, quạnh quẻ
cơm cháy một thời đã lạc đường xa….

Hiên Trăng nhà cũ
ngày Lễ Tạ Ơn 25/11/2010

tháng 11 19, 2010

XÓM NGHÈO NỖI NHỚ TRĂNG



Tôi nhớ, rất nhớ, dù đã bao năm xa nhà xa quê xa những đêm Trăng vàng mượt xóm quê nghèo.
Quê tôi Đàlạt nhưng gốc ngọn chôn-nhau-cắt-rốn là xóm nghèo Đa Cát.
Xóm Đa Cát liên lụy cận thân với xóm Đa Thuận, xóm Đa Trung.
Ba Xóm gộp chung lại gọi là Đệ Nhị phường, sau này nữa đổi là Phường 6.
Hồi tôi răng sún trọc đầu trải nắng đầm mưa chân dẫm bùn quen thân với đất thì nghe gọi là xóm đình Đa Cát, xóm đình Đa Thuận, xóm đình Đa Trung bởi vì ở Xóm nào cũng có một ngôi Đình riêng.
Khi lớn trộng thêm một chút thì không còn nghe chữ Đình, chỉ đơn thân độc mả chữ Xóm.
Rồi lớn thêm hơn thì lại nghe ra là chữ Khóm !.
Danh xưng theo thời thế, đổi thay dù cuộc đất và con người vẫn không thay đổi.
Hồi xửa hồi xưa, khi tôi chưa ra đời hay ra đời rồi mà còn quá nhỏ, gọi là Thôn Đa Cát.
Nghe tiếng Thôn, tôi nuột cả lòng bởi thiệt quá thân tình đầm ấm.
Sau, nghe tiếng Xóm, coi như cũng còn não lòng dù sao cũng tình Làng nghĩa Xóm.
Tới thời nghe tiếng Khóm thì thiệt là lạc hồn quê, bởi đã đi vào thời hiện đại ngó nhau mà không thấy nhau, chỉ thấy trời cao đất rộng vượt ranh qua khỏi lũy tre làng. Là thời kỳ đổi mới, con người cũng đổi mới luôn !.

Nhắc tới chữ Thôn lại nhớ thiết tha đến mũi lòng khi nghe bài hát “ Nắng Chiều” của ông Lê Trọng Nguyễn :
" khi đến cuối Thôn chân bước không hồn. Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa..."
Ông thì về tới Thôn nhớ chỉ một người xưa còn tôi khi nghe bài hát này cũng nhớ Thôn xưa, nhớ những người xưa đã gắn bó đời sống nắng mưa( ở quê tôi, nắng thì chỉ đủ vừa vừa sưởi ấm, mưa thì bùn trơn nhão đi trên những con đường đất phải bấm mấy ngón chân cho không trơn trượt ).
Hai nỗi nhớ cùng gặp nhau khi trở về Thôn cũ.
Tôi, có về Thôn cũ, nhớ sao là nhớ những người ngày xưa.
Ông về Thôn cũ, nhớ sao là nhớ tới người ngày xưa. Đến nỗi chân bước không hồn !
Những người ngày xưa của tôi buồn vui lẫn lộn trong cuộc sống đời thường.
Người ngày xưa của ông, sao mà dịu hiền, thiệt tình tôi cũng ghé lòng yêu :
“ Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi …”

Tôi thiệt không giấu, quá lòng yêu người con gái có cái nết dịu hiền, đến nỗi nắng chiều cũng phải ngừng trôi.
Có không, có người em gái dịu hiền như vậy không ?.
Hay là ông đang nhớ người em gái dịu hiền, nhớ, nỗi nhớ thiết tha đến nỗi nắng chiều phải ngừng trôi !.
Dù thế nào chăng nữa, cũng phải nhận biết là cái nét dịu hiền của người phụ nữ, đá cũng phải mềm nói chi tới trái tim của người nam tử !

Đi lòng vòng ra khỏi Thôn rồi !
Quày trở lại thôi !. Để ngắm vầng Trăng xưa, nhớ những người xưa một thời đã thành câu chuyện kể. Ngày xưa…
Có những đêm Trăng rượt-bắt-cứu-tù
Thấy anh Lạc ôm hun chị Hẹ
Thấy mái Đình cong dáng buồn ủ rũ
Nhớ chiêng khua trống rộn buổi hội hè…

Những hình ảnh đó chỉ còn thấy trong hoài niệm, trong Thơ chớ có thấy đâu nữa rồi, ngày tháng cũ !
Ngôi Đình bề thế đã không còn. Những người xưa đã lang bạt tha hương đã yên ngủ rồi !
Lớp tuổi tôi, coi như là lớp trẻ hồi đó, còn nhận diện tháng ngày xưa thì cũng đã có đứa ra đi, có đứa còn ở lại chờ chuyến xe sau !.
Đã là tri thiên mệnh…
Buổi đêm nay ngồi Hiên Trăng ngắm Trăng mà rưng rưng nhớ…
Nhớ Xóm nghèo qua dâu bể tang thương đã mất dấu yêu xưa. Người xa lạ đâu về chen lấn…
Xóm Đình xưa, người ngày xưa đã lạc dòng dâu bể…

Hiên Trăng đêm 19/11/2010

tháng 11 18, 2010

TRĂNG VIỄN PHƯƠNG



khi em ngồi ngắm vầng Trăng
là ta đang mãi lang thang phố người
nỗi đau đổ vạ cho trời
niềm thương bỏ lại cho người ngắm Trăng

ở nơi xưa có đêm Rằm
còn nơi ta trú sáng giăng ánh đèn
nhiều đêm chợt nhớ đêm quen
ngẩn ngơ mái tóc mượt mềm dòng Trăng

từ ta lạc dặm xa ngàn
ngó mùa xưa dấu lại ràn rụa đau
chớm Thu trời lạ bợt màu
dòng Trăng xưa sớt nỗi sầu gọi nhau

nhìn Trăng thương nhớ em đâu
âm vang ngàn dặm lời đau nghìn trùng
bao mùa Trăng gió mịt mùng
ta xa rồi quá trùng trùng bể khơi

giờ đây cách biệt phương trời
quê hương trôi giạt nửa đời quê xa
em tình riêng với Trăng nhà
còn ta trầm lạc dặm ngàn Trăng xa …

11/2010

TRĂNG CÔ ĐƠN


Đàlạt là em

em biết người đi không quày lại
một lối đường Trăng cũng bỏ quên
quê nhà sương khói giờ xa ngái
tình giăng tơ nhện phủ lối về

níu xót mùa Thu hoa Cúc nở
bên thềm Trăng rớt ngọt dòng Trăng
người giữa đời em đau nỗi nhớ
thầm thương nhói quá mỗi đêm Rằm

người đi người đã đi rồi đó
có tìm người em dõi bóng Trăng
hiên xưa vành vạnh vầng Trăng tỏ
nay đã vàng phai đã lặng thầm

đã không là của mùa Trăng cũ
dặm đường xa ngái dặm đường xa
người đi lòng có còn thương giú
hay là bỏ rớt lại quê nhà

rớt lại mùa Trăng xưa thềm cũ
biết là thương nhớ chỉ thêm sầu
biền biệt bao năm đời mưa lũ
em mất người để được nỗi đau

nỗi đau ngồi với buồn hiu quạnh
Trăng cũng buồn lây níu gọi tình
người xưa thềm cũ giờ hoang lạnh
ngó sửng vầng Trăng nhớ một mình…

11/2010

GẶP NGƯỜI BẠN LÂU ĐỜI


…chớ không phải qua đời, xin nói rõ…

chiều rất đỗi tình cờ ta gặp bạn
ngó một hồi mới nhận mặt người xưa
cách một bữa là khác đi một bữa
huống chi lâu rồi không thấy lại nhau
bạn bây giờ cũng bày vẻ để râu
sợi thì muối sợi thì tiêu luộm thuộm
mắt kính không đeo cứ nhìn nhướng nhướng
may là ta chớ không phải thằng mô

nhìn kiểu đó nó “đục” cho phù mỏ
đừng nói là đang nhìn mặt họ hàng !

ta thiệt đau lòng lâu ngày gặp bạn
bạn cũng lòng đau khi gặp lại ta !
râu tóc xanh xưa bây giờ sương giá
tuổi thanh xuân bỏ rớt lạc tháng ngày
còn hút thuốc không thì liều-một-đám
bạn lắc đầu râu tóc lắc đầu theo
ly cà phê thêm nước ngó trong veo
bỏ muỗng đường cũng cân đo đong đếm
miếng ngọt đắng một thời từng trải nếm
nay rụt rè dè xẻn tới vậy sao ?
năm, tháng qua chắc bạn nhiều giông bão
những bất ưng hằn đậm nhác phong trần
tiếng cười xưa đã hết thời hào sảng
giọng nói xuống tông mềm bún yếu xìu

trời mới chớm Thu se lạnh đìu hiu
húng hắng ho khan run tay ly muỗng

là hết rồi, hết một thời ngất ngưỡng
rượu bidon khói thuốc mịt trời mây
thuở ngang dọc thời gian giành giựt lại
thối lại cho râu tóc bạc dòng đời
ta còn gượng suốt chặng đường đi mỏi
bạn ngó chừng thèm giấc ngủ trả rồi
gặp lại nhau không hẹn chỉ xin mời
uống với nhau ly cà phê đắng ngọt
lát nữa chia tay lặng thầm không nói
bàn tay này, khó lần nữa, nắm nhau !...

chiều Thu, đường phố Mira Mesa
17/11/2010

tháng 11 05, 2010

SINH NHẬT THI


gởi tặng chú Tư, Trần Minh Đạo

“ …Những bài trong Nhật Thi được viết về một khoảng thời gian không dài nhưng chính ngày tháng đó đã đánh dấu một đoạn đời đáng nhớ nhất về gia đình bé nhỏ của riêng Ba. Nơi đó, các con đã-lớn-lên trước tuổi,đã sống khổ, đã vui buồn để có nhiều kỷ niệm bên nhau mà giữ lại cho đời.
Tuổi thơ các con vẫn được nâng niu, giáo dục trong vòng tay Ba Mẹ. Gia đình mình, phải nói là, sống rất Thơ dù tận cùng đắng cay khổ cực như bao cảnh khổ trên đất quê sau cuộc đổi dời bể dâu thương hải…
Ba đã xoay trở đủ nghề trong cuộc mưu sinh đầy dẩy những phân biệt cũ mới cho các con còn có được tiếng cười trong sáng, còn dáng đứng Con Người để không thể và không bao giờ bị dày xéo, nhạt nhòa vào một xả hội nhốn nháo mà nơi đó trắng đen không phân định rõ, phải trái chẳng rạch ròi phân miên…
Không thể để các con hư theo thói đời mạnh được yếu thua. Không. Không bao giờ, và chẳng bao giờ, là như thế !
Dù Ba đã chịu trăm cay ngàn đắng khi được “sống” mà trở về với các con sau những tháng, năm dài “cải tạo”.
Dù cho cuộc áo cơm nghiệt ngã nhưng lúc nào cũng đứng thẳng làm người, vẫn an nhiên tự tại trong cảnh đời, trong Thơ.
Vẫn là Thơ cứ là Thơ trong dòng đời ngỡ sẽ là vùi dập tối tăm…
Từ một cuộc đổi đời đã làm cho bao gia đình ly tán, bao biệt ly nối tiếp biệt ly.
Vậy mà một góc đời riêng Ba vẫn giữ gìn trân trong hình ảnh Thơ về các con bên Ba Mẹ, trong mái nhà xưa vẫn cứ chiều về vương khói bếp, vẫn cứ sáng hồng nắng lung linh, vẫn là đêm đêm giấc ngủ tuổi thơ say nồng.
Và tháng ngày cứ vẫn là Thơ, cứ vẫn là tiếng cười xua đi chặng đường đời đau khổ…
Cảm ân Đời. Cám ơn những tháng ngày qua còn giữ lại cho Ba trọn vẹn thân thương, cho hồn thơ Ba trẻ mãi không già. Cho Thơ còn vút cao cung điệu mà không tủi thẹn với Đời khi các con còn nương dựa vào Ba Mẹ. Con ngoan. Những đứa con ngoan…


nhà mình sao thiệt là vui
gia đình xum họp mỗi chiều râm ran
chuyện xa rồi tới chuyện gần
quanh co cũng chuyện Tư Đào, Út Linh…
chiều 10/1988
hiên sau bếp củi ngo


“ A…a…Mẹ đã về rồi “
Út Linh đang mãi mê chơi đồ hàng
Tư Đào nhanh thiệt là nhanh
chạy ra ngoài ngõ lanh chanh xách đồ
vấp vào cục đá, bất ngờ
chỉ nghe cái “hụych” nằm bò giữa sân
cả nhà ôm bụng cười lăn
Tư Đào đau quá, mặt nhăn như mèo ***
ngày Mẹ đi chợ đãi cả nhà bánh Xèo
20/10/1988

***hai câu kết, ý và thơ của Minh Trí

những ngày mưa gió Ba đau
Tư Đào tội nghiệp vô, ra suốt ngày
mớm từng miếng cháo ân cần
rót từng ly nước để phần cho Ba
lại còn tay ngọc tay ngà
sờ lưng hết mỏi, sờ đầu hết đau
có gì đâu !. Có gì đâu
tình thương con hóa cơn đau dịu dần…
11/01/1988
từ K.60 ( Tà In) đãi vàng trở về, sốt rét.


hôm nay Đào đi học
cặp sách nặng trên lưng
diện áo quần mới cứng
đi, đứng ngó đàng hoàng
mới ngày nào ngỡ ngàng
với Thầy, Cô, lớp học
mà nay thì quá giỏi
đáng khen, ờ, đáng khen…
ngày tựu trường Tiểu học Lê Lợi
05/08/1989


kẻng Trường rộn rã
học trò đã về
mũ đen đội lệch
cặp đeo trên vai
áo quần xộc xệch
mặt mũi đỏ lừ
mồ hôi nhễ nhại
bước nhảy chân sáo
miệng hát bi bô
từ cổng bước vô
chưa kịp thưa Ba
đã kêu “ Đói ! Đói ”

học mới một gói
mà ăn sạch bồ
sạch quánh sạch nồi
thôi đi…ông Tướng !!!
05/1989
chiều tan Trường về, vô quán gặp Ba


ối trời ơi !. Mưa rơi !
ngáp dài một cái chơi !
15/04/1990
ngồi với Tư Đào, chiều mưa quán ế


Tựa và Thơ
trích Nhật Thi ( Thơ 1981- 1994) Trần Huy Sao )
lưu giữ trong Tủ Sách gia đình Trần

ngày riêng của Tư Đào
04/11/2010

tháng 11 04, 2010

NGỒI ĐỢI ĐÔNG VUI


gởi chú Tư Đào

chiều Glendal Ba về con ở lại
Arizona đường xa San Diego
con đứng bên hiên đưa tay vẫy vẫy
Ba ngoái nhìn lui mắt kính nhạt nhòa

trời nắng chói Ba nhìn con không rõ
con nhìn theo có thấy rõ Ba không ?
xe vội rẻ vòng qua khúc quanh co
nắng dọi xót xa ngả tư đường rộng

Ba về nghen, để Ba về thầm lặng
lại một mình hiên trước ngó mây bay
San Diego rủ ngày mưa ngày nắng
so lòng ra e nắng ít nhiều mưa!

chắc là chưa quen nên chi thấy thiếu
cuối mỗi ngày bên bếp lửa đông vui
nay con đi xa để lại mỗi chiều
chỉ Mẹ với Ba tháng ngày thui thủi !

cây Quít sân nhà vào mùa trái chín
về tìm quen hương ngọt dịu ngày xưa
hoa Cúc vàng đã rộ nở bên hiên
Ba chờ bước con rộn ràng trước cửa

cha con mình có dịp nắm tay nhau
cứ ngỡ như con ngày xưa bé nhỏ
nay đã lớn, lớn hơn thời yêu dấu
với tình Ba con vẫn cứ thuở giờ

vẫn ngày nào, con nón nghiêng sách lệch
chiều tan trường về vòng tay thưa Ba
mười mấy năm rồi đừng tưởng Ba quên
mỗi đứa con tình Ba còn giữ lại

những hình ảnh cứ ngỡ là rất nhỏ
lại chan hòa rộng lớn giữa dòng đời
có no đủ mới nhớ ngày đói khổ
có yêu thương mới giữ níu đầy vơi

mai con về thấy Ba ngồi hiên trước
là chờ con đâu phải ngồi nhớ con
khi hạnh phúc gần tầm tay níu được
Ba ôm con đầy đặn một vòng ôm…

Hiên Trăng Brookhurst 04/11/2010
ngày sinh nhật chú Tư Đào

tháng 11 03, 2010

SINH NHẬT TƯ ĐÀO



Cô Út mới vừa về, nhân ngày sinh nhật.
Mùi quê hương bánh Căn, Phan Rí Phan Rang Phan Thiết, dằm nước mắm chanh đường, ớt đỏ. Mùi bánh chuối nước cốt dừa. Mùi mực nướng chấm tương đen tương đỏ, còn vương đâu đây !
Hương đã phai đâu, vẫn thoảng hương mỗi chiều, ngồi hiên trước…

Nay lại thoáng, gần xa, mùi hương gọi nhớ tô mì Quảng đậm mùi hương quê Ngoại, tô bún thịt nướng giá sống rặt ruộng đồng Nam bộ quê hương,tô cơm Hến thấm đượm núi Ngự sông Hương quê Nội !
Mùi hương từ Đại Vực Arizona thầm nhắn về ngôi nhà một thời, rất lâu, chú còn nương náu. Nay chú đi học xa nhà. Những món ăn quê hương, khi chú còn ở cùng, rất ưng.

Vậy là, ngày mai, sinh nhật chú Tư Đào !
Phải qua hai tuần nữa, sau khi trả nợ sách đèn cho mùa học, chú mới có dịp được về thăm gia đình.
Cả nhà đang, háo hức, chờ, dẫu muộn màng ngày sinh nhật.
Món mì Quảng chú yêu cầu sẽ có ngay trong ngày vui hội ngộ.

Tôi vẫn quen, mỗi chiều, ngồi hiên trước ngắm mây bay, ngắm hoa rồi ngó lại mình.
Ngó lại mình một thằng tôi phong trần trôi nổi đi mỏi một đời mà nay ngồi hiên nhà vụn vặt nỗi nhớ thương.
Vụn vặt nỗi đời thường. Ngắm nhìn mây nổi mây trôi thương hải tang điền mà đậm lòng đau tre tàn măng mọc…lực bất tòng tâm...
Hiên trước, chiều nay, qua Thu rồi sao vẫn còn nắng, nóng.
Mây không cuộn trôi.
Trời không mau tối.
Chỉ chầm chậm buồn mây và đêm, hòa nhập, xóa nhòa….
Tôi, hiên trước, vẫn dõi lòng theo nỗi nhớ mong đứa con xa nhà….

Hiên Trăng Brookhurst
chiều 03/11/2010

tháng 10 31, 2010

HÌNH ẢNH


Tháng 10 các cháu vui ngày sinh nhật của cô(dì) Út.

TRẢI LÒNG NGÀY SINH NHẬT
Thơ viết rất nhanh nhân ngày sinh nhật Út
tặng cô Út của Ba


về đây khơi lửa đổ bánh Căn
Út ngồi mé gần Ba chút xíu
buổi sáng trời mưa giờ đã dịu
đâu lạnh nhưng ưng ngồi gần con

mẻ bánh vừa lóc khuôn thơm giòn
chén nước mắm dầm thêm trái ớt
trời se lạnh Hiên Trăng vui nhộn
ngồi gần nhau bên bếp lửa hồng

khói vần thơm miếng ngọt miếng ngon
miếng người xa dành riêng cho Út
cô về đây nhân ngày sinh nhựt
buổi đông vui chia đủ xớt đều

lò bánh Căn ém lửa liu riu
lát nửa có thêm màn chuối nướng
còn thêm mùi mực nướng sương sương
ly rượu thơm len mùi tương ớt !

lâu lắm nỗi vui Ba bỏ rớt
nay con về Ba lượm lên coi
hóa ra một nửa đời đi mỏi
Ba vẫn còn…còn đầy…con ơi !

cảm ân đời một thời đi mỏi
nay níu lòng nương dựa các con
đêm đông vui cắn miếng bánh giòn
giòn rụm tình Ba thời trai trẻ

Út về nhà không còn quạnh quẽ
Ba cũng quên ngồi ngó trời mây
chiều lặng thầm Ba đâu thèm thấy
Út đây rồi chỉ thấy Út thôi !

mẻ bánh Căn lửa vừa giòn tới
đêm chớm Thu ngồi lại quây quần
lò lửa than một thời lận đận
nay trở mùa than rực đời vui

con về chỉ đôi ngày ngắn ngủi
mai con đi trời trở gió buồn
hiên trước lại ngồi nhìn mây cuộn
nhớ thương con ray rức nỗi lòng...

Hiên Trăng Brookhurst
đêm đông vui 30/10/2010

bài Thơ ghi vội vàng sợ mất đêm vui...

tháng 10 28, 2010

LỜI CHÂN QUÊ


Ba dắt con đi, xa-quê-xa-nhà, khi con còn bé nhỏ. Quê nhà giờ thì bỏ lại theo thời gian con lớn khôn lên. Ba cũng bỏ lại quê nhà theo thời gian tuổi chớm về chiều…
Tuổi già thường hoài niệm dĩ vãng những năm, tháng đi qua.
Tuổi trẻ với bắt tương lai nương trớn năm, tháng đi qua mà bương trải.

Vốn liếng Ba dành cho con, ngày nào, chỉ là hình ảnh cô bé nhỏ nhoi, ngơ ngác, lạc loài trong sân trường Tiểu học.
Cô bé dị biệt da vàng không hòa lẫn được trong màu da trắng của những bạn cùng lớp. Buổi ăn trưa con khổ sở để chọn mùi vị thân quen, cứ chăm chút hoài cũng không tìm ra được mùi hương quen thuộc.
Ngôn ngữ bất đồng nên chỉ là ngôn ngữ cô đơn giữa giao tiếp hàng ngày trên đất nước mà con không thích nghi. Thậm chí, con không từng mong muốn.

Ngày đó, có lúc nào nhớ lại đi, con giận hờn Ba sao Ba đưa con tới, bắt con phải ở nơi chốn khó.
Ngày đó, Ba cũng không thể nói được gì với con bởi con còn quá nhỏ, có hiểu gì !.
Nay thì con lớn khôn, trưởng thành chính nơi-chốn- khó, con hiểu cớ làm sao Ba phải dắt con đi.

Chuyện qua rồi, xưa xa như là chuyện cổ tích !
Bây giờ, qua thời gian lâu giữa nơi chốn khó,Ba ngồi bên con chụp một tấm hình lưu niệm. Cô Út bé nhỏ ngày nào Ba vẫn thường sáng dắt tay dẫn con đi học, chiều dắt tay đưa con về nhà…

Nay thì con đâu cần Ba dắt tay con nữa. Con đang vững vàng,tự tin đi một mình..
Ừ, thì cứ vậy đi, con !...

San Diego, 27/09/2010

HÌNH ẢNH


Bánh Căn hiên sau sân nhà...

Bánh Căn trong nhà...

Hoa hiên trước sân nhà

Hoa trong nhà...

tháng 10 26, 2010

SINH NHẬT THI


gởi Út, ngày sinh nhật
Những mùa Trăng đã đi qua trong đời, không tĩnh lặng, vẫn
níu với những buồn vui để hóa thành kỷ niệm giữ mãi giữ hoài…
Mùa Trăng đêm nay sao tĩnh lặng sắc không khi nhìn lại một khoảng đời đi qua !
Ngồi một mình ở hiên trước mê mãi ngắm những cụm hoa Cúc vàng, có tin không (?), dễ cũng gần một-ngàn-nụ !. Chưa bao giờ và chưa từng nghĩ là có một lần ngồi ngắm nhìn hoa Cúc mùa Thu nhiều, quá nhiều, đến như vậy !
Qua mùa Trăng, hoa lần hồi nở rộ, vàng mượt hiên nhà… Câu Thơ rồi lại chất ngất mùa hoa mùa Thu vàng ươm kỷ niệm…
Giờ thì ngồi đây, một mình, ngắm hoa chờ Trăng lên…

Ngày mai là sinh nhật cô Út tự nhiên nhớ gì không nhớ, lại nhớ tháng ngày khi còn ở quê nhà…
Nhớ khoảnh sân trước xum xuê những khóm hoa Mãn Đình Hồng, có hồ cá với hòn non bộ. Có quán cà phê nhỏ cho cô giáo, vừa rời bục giảng bảng phấn, làm kế sinh nhai cầm hơi qua ngày tháng khó. Có ngôi nhà mái lợp giấy dầu vách đóng bìa ngo mưa dột gió lùa…
Có tình thương yêu chan đều muỗng canh rau muối, chia đều gắp đũa cá cơm kho.
Năm, tháng đói nhiều hơn no, nhưng mà chỉ đói cơm lạt muối thôi chớ tình thương yêu nhau thì no đầy, đầm ấm.
Cuộc sống cơ cực mà vẫn là Thơ. Thơ cơm-áo-đời-thường, không có Thơ tình yêu hoa bướm.
Thơ viết tay trên giấy vàng thô, nhám và giữ gìn trân trọng cho tới tận bây giờ…

Cô Út xa quê xa nhà khi còn rất nhỏ. Chắc chắn là kỷ niệm dẫu có nhiều nhưng không nhớ, không hình dung rõ nét. Bây giờ cô đã lớn hơn lên đã trưởng thành rồi. Có nhớ không ?. Có còn gì để nhớ không ?.
Nếu thật lòng không nhớ, thời may có đây, có Thơ !.
Thơ ghi lại như là nhật ký những tháng, năm qua trong đời. Ghi rất thật, rất đời thường để giữ ngày xưa cho hôm nay. Cho cô đó, cô bé nhỏ ngày nào !.
Hôm nay, có đọc lại, cũng không ngờ !

Sinh nhật năm nay cô đi học xa nhà.
Hôm qua, lên online, cô nói cô sẽ về với gia đình, về với ngày sinh nhật…
Cô thích được ngồi đổ bánh Căn, được ăn miếng bánh Xèo !
San Diego đã trở mùa. Có những cơn mưa ngày bất chợt, bất thường. Có những chiều nắng se vàng lãng mạn. Có những đêm sương giọt nặng như mưa. Nói chung, là đã vào se lạnh. Rồi sẽ, không se lạnh mà lạnh, suốt Thu Đông !.
Bánh Căn, bánh Xèo là còn gìn giữ được tình quê, còn thương giú hình ảnh gia đình trong lòng món ăn chủ trị mùa mưa mùa lạnh.
Cô còn thèm nhớ là còn quê cũ trong lòng quê hương mới.
Cứ tự nhiên thôi !.

Bánh Căn chấm dầm sâu, bánh Xèo chan vừa đằm nước mắm.
Đọc ghé thêm mấy bài Thơ một thuở nào cô ở quê nhà…

chiều nay gạo đã hết rồi
bài Thơ cũng đã nghẹn lời hụt hơi !
bên nồi cháo trắng vừa sôi
Út Linh cầm chén đứng ngồi không yên
chiều 04/05/1986

ngọt đường miếng bánh Tro thanh
chén chè Kê dĩa xôi xanh ngọt ngào
Út Linh giành với Tư Đào
giành qua giựt lại. Phần nào cho Ba ?!!!
Mồng 5 tháng 5/1988

chiều về vừa mới dựng xe
Tư Đào đã báo : “ Em lên viện rồi !”
tay chân bỗng thấy rã rời
lại quay xe, đạp giữa trời gió Đông
hoa Quỳ hương nở bâng khuâng
lòng Ba trăm nỗi lo toan trong đời
vòng xe đạp mãi rã rời
suốt ngày tất bật giữa thời bon chen

sáng nay, gió lạnh hơn nhiều
con vào Bện viện,Ba lên công trường…
Út lại vào Viện
10/12/1987


con lên nằm Viện, trời mưa
đất trời ảm đạm như xa như gần
núi đồi mù mịt trong mây
lòng Ba ngầy ngật như say thuốc lào…
sáng ngồi bên Út trong phòng bệnh số 12
11/12/1987


một ngày ba bộ áo Đầm
thay vô rồi lại cởi ra, suốt ngày
kiểu này đến khổ chị Ba
mỗi ngày giặt đúng một thau đứ đừ
Út Linh ngó vậy mà hư
chẳng thương ai hết, chỉ thương… áo Đầm
tháng 2/1990

em lên năm
đã sún rồi
ăn quá trời
ăn sập quán
ăn xả láng
ăn liên hồi
Ba đi rồi
ra xin Mẹ
ăn cho lẹ
kẻo Ba về
nghe tiếng xe
chun vô bếp
ăn cho hết
mới ló ra
“ Dạ, thưa Ba”
Ba gật gù :
“ Con ni giỏi”…
tháng 1/1990
nghe Mẹ “báo cáo”, cười


hôm nay Út đi học
lất phất trời mưa bay
bánh mì “bơ” cầm tay
cho ngọt ngào buổi học…
6/1991
( trích NHẬT THI, Thơ 1981- 1994, Trần Huy Sao
lưu giữ trong Tủ Sách Gia đình Trần )

Ngày riêng cho Út
27/10/2010

tháng 10 07, 2010

CHIỀU GLENDALE


gởi chú Đào

hai cha con mình ngồi hiên trước
lát nữa bắt tay rồi chia tay
Ba buồn lặng không kềm giữ được
giọt lệ rơi khô nắng hiên nhà

bàn tay nhỏ, hồi xưa, nhỏ xíu
dắt con đi xuôi ngược dòng đời
nay lớn khôn rồi con thấu hiểu
buồn chia xa tay níu không rời

chiều Glendale chiều quê xa
hiên trước nhìn nhau buồn giú mặt
tay nắm bàn tay hoài không thả
khó kịp nhìn xe quành khúc quanh !

lát nửa Ba về con ở lại
đường xa sẽ ngoái với tìm con
bên hiên dọi nắng chiều Glendale
dụi mắt ngó đau trời nắng, chói !...

Chiều Glendale, Arizona
03/10/2010

tháng 10 05, 2010

THƠ VIẾT TRÊN BỜ ĐẠI VỰC


lâu lắm rồi không có dịp đi xa
lên Đại Vực mới thấy trời thấy đất
trời nắng đỏ nướng trui ta váng vất
đất thẳm sâu nhìn thót ruột chùn chân

hơn nửa đời đôi chân đi tất bật
tới nơi đây chân bấm ngón giật lùi
nhích một bước thêm sợ rồi chúi nhủi
đầu đội trời chân đạp đất gì đâu !

đất ở nơi đây lòng dạ thâm sâu
không còn nghỉa là trời cao đất rộng
đi lạng quạng là đạp nhào khoảng trống
có khác chi diều lộng gió đứt dây !

đây mới thiệt là trời cao đất thẳm
đất thẳm trời cao lồng lộng níu nhau
đội đá nơi đâu vá trời nơi đâu
chớ có tới đây mà đòi chí cả !

đá Đại Vực ngàn vạn cân đá tảng
trời Arizona lò bát quái ngang bằng
ta bốn mùa vốn e mưa ngại nắng
chỉ ghé lên cho biết đó biết đây

bình thường thôi chỉ bình thường vậy
nắm tay em lưu niệm mấy tấm hình
đội đá vá trời thì ta chưa tính
mà e chừng cũng khó nổi, em ơi !...

Đại Vực Grand Canyon
Arizona,03/10/2010

tháng 10 04, 2010

NHỮNG ĐOẠN RỜI ĐƯỜNG XA, GHI VỘI


viết tặng chú Tư Đào

Nhân vật tôi, hình dung như, là hết thảy khuôn mặt rạng rỡ vui mừng, đi tham dự ngày vui của chú Tư mặc chiếc áo trắng vào đời. Chặng cuối cùng sau bao năm, tháng sách đèn lại mở đầu với nghi thức trân trọng white coat ceremony.
Nghi thức ước mơ của người cha, người mẹ khi nghĩ về tương lai của con mình.
Tôi là khuôn mặt lớn, to, bự, dẫn bầu đoàn thê, tử (và tôn) lên dự ngày vui của chú Tư.
Tận mút chỉ Arizona cách San Diego một chặng đường dài lái xe sáu-tiếng-đồng-hồ.
Chuyến đi không có gia đình cô Ba, bận bịu việc làm túi bụi. Không có cô Út, đèn sách đêm ngày không còn khoảng thời gian rảnh rổi.
Chỉ gia đình anh Hai.
Và tôi với em. Lên ôm thương nhớ thằng con rứt ruột !.
San Diego – Arizona buổi chiều mưa mịt mờ ra xa lộ…

Vòng ôm (tôi) tràn nước mắt chú đứng chờ trước căn nhà trọ.
Ái dà, chú vẫn ngày nào buổi trưa chia tay San Diego của những ngày chú còn trong vòng tay đùm bọc. Vậy là vui mừng lắm rồi và ngỡ ngàng lắm rồi khi chú đã tự vươn lên trong cuộc sống đơn phương tứ bề thọ địch.
Giống quá trời, ngày xưa, tôi một thời xưa đơn thương độc mã ra đời khi tuổi còn trẻ măng hơn chú.
Vậy là yên tâm !. Chú Tư Đào đã không còn trong nỗi xót xa lo lắng khi Ba Mẹ nghĩ về chú.
Nồi cháo gà làm cả nhà đều ngạc nhiên. Hồi nào tới giờ chú có khi nào rờ bếp lửa mà nay sao lửa bếp cũng giật mình.
Nồi cháo khuya no lòng để ( thầm lặng ) yên tâm cái bụng ( mình ), khi nghĩ về chú.

Buổi nghi thức long trọng đã cho tôi cái nhìn nóng ( hơn cả cái nóng bỏng Arizona ) nhìn chú khoác chiếc áo lương-y-như-từ-mẫu giữa Hội Trường rộng lớn đến choáng ngợp.
Đâu nghĩ có một ngày nhìn thấy.
Đâu có tưởng là có ngày hôm nay.
Anh Hai len lỏi giữa đám đông để tìm được tấm hình cho Ba Mẹ vui (thêm).
Giây phút bao năm mong ước gởi lại từ một cái bấm nhẹ tay : tấm hình giây phút chú mặc chiếc áo mà Ba Mẹ cứ hoài mong ước.

Ngày vui dài, sâu như Đại Vực . Ghé bàn tay nghe, chú. Đời sống và cuộc sống không chỉ là những ước mơ mà phải biến ước mơ thành hiện thực.
Cuộc đời tôi, thú thiệt, như đêm dài thao thức mơ có một ngày sáng hơn một ngày qua. Lăn lộn giữa đời rất sớm để với bắt tương lai. Khi sự nghiệp đã vào vòng ôm siết để chuẩn bị vươn lên thì thời thế đã vội sang trang.
Sự nghiệp chưa thành công danh chưa toại đã đổi đời.
Tôi kẻ lang thang giữa thời cơ nhở ngó lại mình chỉ còn lại bùn trơn, trơn tuột.
May có còn tiếp nối chặng đường con-hơn-cha-là-nhà-có-phước. Các con nay đã hơn cha rồi ân phước đã ghé phần các con.
Ba Mẹ chỉ còn nhìn tháng ngày qua cho tới ngày khô kiệt. Các con là dòng nước mát….

San Diego – Arizona
Chiều một mình hiên trước với khói thuốc và nỗi buồn chia xa.
Chú bước hiên nhà ghé ngồi bên, choàng tay bóp vai tôi ( vai Ba chưa gầy đâu, vẫn còn săn chắc ) mắt chú hình như ướt( phải không đó ) !
Hiên gác trọ nóng hầm sao thấy như là hiên mát !
Tôi thiệt lòng không mát, mà mưa !. Nước mắt lâu lắm rồi không vội tới mà sao, vội vã, chiều nay !
Một đời tôi chưa dễ khóc. Chiều nay, nắm tay nắm chắc tay chú, tôi đã, ốt dột quá chừng rồi, để nước mắt rớt khô hiên nóng Glendale…
Chú vô nhà đi, vô đi !
Vô phụ anh Hai đem đồ ra xe rồi mình chia xa. Cứ để Ba ngồi đây, một mình…
Đừng lo cho Ba vì Ba vốn quen, quá quen lì rồi, những nỗi buồn từ lúc bà Nội con mất khi Ba mới tròn ba-ngày-tuổi.
Nỗi buồn tôi, trường trải tới bây giờ, cũng như vùng Đại Vực. Rộng ngút ngàn sâu tận cùng nhưng vẫn cứ ngày ngày người tới gọi đông vui.
Nay, dù chẳng là đông vui, chỉ riêng có hiên gác trọ chú nắm bàn tay tôi, là đủ ấm nồng rồi !
Ấm nồng rồi.

Glendale, Arizona
chiều 03/10/2010

HÌNH ẢNH


cô Út nhè ngày nào ở Xóm quê nghèo, Ba Mẹ nhìn không ra !
Cô Ba có nhìn ra không?. Chắc cũng nhìn không ra !.
Pomona,CA 07/08/2010

HÌNH ẢNH


chú Tư ngày nào ở Xóm quê nghèo bây giờ Ba Mẹ nhìn không ra nữa !
Anh Hai có nhìn ra không?. Chắc là cũng, không !
Glendale,Arizona.
01/10/2010

HÌNH ẢNH


DAO M. TRAN
white coat ceremony
( Midwestern University,Osteopathic Medicine)
Glendale, AZ (USA)
October 1,2010

tháng 9 29, 2010

NỖI NHỚ MÙA THU


gởi con, Minh Đạo

mai lên vùng Đại Vực thăm con
nắm bàn tay con lâu rồi chưa nắm
từ buổi xa con Ba đời tĩnh lặng
cứ mỗi chiều ngồi hiên trước nhớ con
cứ nhìn mây bay lòng dạ héo mòn
hoa Cúc nở rồi mùa Thu ghé tới
mây nặng lòng bay giữa chiều mau tối
Ba không nổi rồi trời lạnh chớm Thu
con đi rồi buồn vui Ba cất giú
bỏ trong Thơ, không đủ, bỏ trong chiều
những chiều qua chiều vắng lạnh đìu hiu
Ba ngó mây bay nhớ vùng Đại Vực
nhớ con rứt lòng đêm nằm thao thức
đêm dài thêm nỗi nhớ lại dài hơn !

mai lên vùng Đại Vực thăm con
Ba nắm tay con, nắm hoài không thả…

Hiên Trăng
giữa đêm 29/09/2010

HÌNH ẢNH


Ngày mai Ba Mẹ lên vùng Đại Vực (Arizona) tham dự ngày con mặc áo Tuệ Tỉnh Thiền Sư Hoa Đà Biển Thước.
Nói theo phong cách nước người là ngày white coat ceremony là nghi thức mặc chiếc áo trắng nối nghiệp Hippocrates, ông tổ của ngành Y học.
Hai tháng trước, Ba Mẹ và gia đình chị Ba cũng đã lên Pomona để dự ngày white coat ceremony của em con, bé Út.
Ngày mai, Ba Mẹ ( được thêm một lần nữa )cùng gia đình anh Hai lên vùng Đại Vực Arizona để dự ngày vui của con.
Ba Mẹ không nghĩ và không thể nghĩ là có dịp được tham dự tới hai ngày vui trong đời mình !!!
Cám ơn hai con đã không phụ lòng Ba Mẹ…

(bài đọc mở mang thêm tri thức,đường xa, chờ giờ phút gặp con)
Hippocrates sống vào khoảng những năm 430-370 trước công nguyên, thời kỳ mà nền văn minh cổ Hy lạp phát triển rực rỡ nhất. Ông sinh ra và lớn lên trên hòn đảo Cos xinh đẹp của đất nước Hy lạp. Hippocrates học nghề y từ người cha Heracleides của mình và những người thày nổi tiếng thời bấy giờ.
Vào thời Hy lạp cổ những người bị ốm đau bệnh tật thường đến các ngôi đền để thờ cúng và cầu xin Asclepius, vị thần trị bệnh của Hy lạp.
Thời kỳ này y học vẫn gắn liền với tôn giáo và bệnh tật được giải thích bằng những hiện tượng siêu nhiên thần bí.
Chính Hippocrates là người đầu tiên đã coi y học là một ngành khoa học và cho rằng mỗi bệnh tật đều có những nguyên nhân tự nhiên riêng.
Ông đã nghiên cứu sinh lý học, giải phẫu, và tìm hiểu các nguyên nhân có chứng cớ, trực tiếp, và các nguyên nhân còn chưa rõ của bệnh tật. Ông cho rằng cơ thể con người có 4 khí chất: mật vàng, mật đen, đờm, máu. Chúng có cùng đặc tính khô, nóng, ướt và lạnh như 4 yếu tố khí, lửa, nước và đất. Bệnh tật là do mất cân bằng tỉ lệ dịch trong cơ thể gây ra.
Khoảng năm 400 năm trước công nguyên ông thành lập trường y ở Cos. Ông và các môn đồ của mình đã đưa ra phương pháp khoa học để khám và điều trị cho người bệnh. Người thầy thuốc phải trực tiếp khám xét người bệnh và tìm ra bệnh qua các triệu chứng biểu hiện, phải bốc thuốc kê đơn sau đó theo dõi để xem việc điều trị có kết quả hay không. Hippocrates khuyên các thầy thuốc ghi chép lại các phát hiện và các phương pháp điều trị của họ để truyền lại cho các thế hệ sau áp dụng. Một nguyên tắc y học nổi tiếng của ông là : “Trước tiên là không làm gì có hại” và “Y thuật thì dài còn cuộc đời lại ngắn ngủi”. Ngày nay người ta vẫn còn sử dụng những dấu hiệu, những dụng cụ mang tên Hippocrates vì ông được cho là người đầu tiên tìm ra như “bộ mặt hippocrates” (bộ mặt của người chết, người ốm lâu ngày, người bị đói...), “ngón tay hippocrates” (ngón tay hình dùi trống ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, bệnh phổi ...), “ghế hippocrates” (ghế dùng lực nén để cố định xương)....
Cuộc đời thật của Hippocrates ít được biết đến nhưng những thành tựu y học của ông đã được Plato và Aristotle thu thập lại. Những tác phẩm được coi là của ông gồm khoảng 60, 70 khái luận tập hợp thành Tuyển tập Hippocrates. Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của Hippocrates là Lời thề Hippocrates mà cho đến ngày nay người ta vẫn thường nhắc đến. Nó phản ánh ý tưởng cao đẹp của Hippocrates.
Bố cục của Lời thề chia làm hai phần rõ rệt. Phần đầu chỉ rõ nghĩa vụ của học trò với người thầy dạy họ y thuật và bổn phận truyền đạt kiến thức y học cho người khác.
Phần sau đưa ra yêu cầu về y đức bắt buộc người hành nghề y phải tuân theo. Vì phần sau của Lời thề trái ngược với các nguyên tắc và thực hành của Hippocrates nên người ta cho rằng nó không chỉ của Hippocrates mà có lẽ còn do các môn đồ của Pitago viết ra.
Mâu thuẫn rõ nhất là Lời thề cấm phá thai nhưng trong Tuyển tập Hippocrates có nói đến các phương pháp làm sẩy thai và sử dụng thuốc đặt âm đạo để tránh thai. Những cấm đoán này cũng không phản ánh những tình cảm chung của công chúng Hy lạp thời ấy. Ở một thế giới mà việc vứt đứa con mới đẻ ra đường được coi là hợp pháp thì việc phá thai khó có thể bị coi là tội lỗi.
Mâu thuẫn thứ 2 là việc cấm tự sát. Ở thời cổ đại tự sát không bị xã hội chê trách và tự sát để giải thoát khỏi bệnh tật được coi là hợp pháp. Các nhà cầm quyền ở một số nước còn công nhận đó là việc làm chính đáng. Không có tôn giáo cổ đại nào cấm việc tự sát. Luật pháp và tôn giáo để cho các thầy thuốc tự do làm những gì mà lương tâm họ cho phép.
Học thuyết Pitago là giáo lý duy nhất có thể giải thích cho những mâu thuẫn trên trong Lời thề Hippocrates. Trong tất cả các trường dạy triết học ở Hy lạp thời ấy, duy nhất chỉ có các môn đồ của Pitago là cấm tự sát và phá thai. Họ cấm tất cả các qui trình mổ xẻ và cấm làm chảy máu là nơi được cho là linh hồn trú ngụ. Hơn nữa trong Tuyển tập Hippocrates có nói chi tiết về các kỹ thuật mổ và các qui trình trong phòng mổ nên điều cấm mổ xẻ trong Lời thề không thể là của Hippocrates.
Thực tế cho thấy việc cấm phá thai và tự sát đã từng phù hợp với các nguyên tắc của Nhà thờ Cơ đốc giáo nên cũng có thể Lời thề đã đựơc sửa đổi để phục vụ cho các ý tưởng tôn giáo thời ấy.
Trải qua bao năm tháng và ở những xã hội, những nước khác nhau, một vài phần và vài từ của Lời thề đã bị thay đổi. Cho đến nay có nhiều dị bản nhưng hầu hết người ta không dùng nguyên bản cổ nữa vì nó ủng hộ việc chỉ truyền nghề cho đàn ông mà không truyền cho đàn bà và nó cấm mổ xẻ cũng như nạo phá thai.
Mặc dù có thể Lời thề đó không phải chỉ do Hippocrates viết và nhiều điều trong đó còn hạn chế, không còn phù hợp với thời đại ngày nay nhưng nó vẫn chứa đựng những ý tưởng cao đẹp về y đức, vẫn luôn là biểu tượng của lời cam kết mà những người sắp trở thành thầy thuốc cần tuân theo. Và Hippocrates, người đầu tiên đặt nền móng cho ngành y như một ngành khoa học, người đã tách y học ra khỏi tôn giáo, bác bỏ yếu tố thần bí, mê tín dị đoan trong y học cổ xưa được coi là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong ngành y ở mọi thời đại. Ông xứng đáng là “Ông tổ của ngành y”./.
Lời thề Hippocrates
Trước vị thần y Apollo, vị thần trị bệnh Aesculapius, vị Thần sức khoẻ và Đấng Vạn năng, trước tất cả các vị thần và các vị nữ thần tôi xin thề sẽ tuân theo lời thề này và quy định này theo khả năng và phán đoán của tôi :
Tôi sẽ coi người dạy tôi y thuật như cha mẹ tôi, nếu được yêu cầu tôi sẽ chia sẻ của cải của tôi cho họ, giúp họ giảm túng bấn, coi con cái của thày tôi như anh em của tôi và dạy họ y thuật nếu họ muốn mà không đòi hỏi tiền của hay bất cứ điều kiện nào.
Tôi sẽ truyền đạt kiến thức về y thuật bằng mọi hình thức cho các con trai tôi, cho các con trai của thầy tôi và cho các môn đệ chịu chấp nhận điều quy định và chấp nhận lời thề theo luật của nghề y mà không truyền cho ai khác.
Tôi sẽ theo khả năng và phán đoán của tôi áp dụng phương pháp điều trị mà tôi cho là có lợi cho người bệnh của tôi, tránh những gì có hại và nguy hiểm cho họ.
Tôi sẽ không đưa thuốc gây chết người cho bất cứ ai dù họ yêu cầu cũng như không đưa ra bất cứ lời đề nghị nào như vậy. Tôi sẽ không đưa thuốc đặt cho phụ nữ để làm sẩy thai.
Tôi sẽ sống và làm nghề y của mình với sự trong sạch và thánh thiện.
Tôi sẽ không dùng dao thậm chí cả khi bệnh nhân cần mổ xẻ mà để công việc đó cho những người chuyên làm việc này.
Bất cứ ngôi nhà nào tôi đến, tôi sẽ vào vì lợi ích của người bệnh và không cố ý gây ra những hành động xấu xa hoặc đồi bại, tôi sẽ tránh xa sự cám dỗ của cả đàn bà và đàn ông, cả của người tự do và những người nô lệ.
Tôi sẽ giữ kín, không tiết lộ những gì không được phép nói ra có liên quan hoặc không liên quan đến nghề của tôi mà tôi đã nhìn thấy hoặc nghe thấy trong cuộc sống của những người khác.
Nếu tôi tuân theo và không vi phạm lời thề này tôi sẽ được ban cho cuộc sống hạnh phúc và được hành nghề y, mãi mãi được mọi người tôn trọng. Nhưng nếu tôi làm sai và vi phạm lời thề, số phận của tôi sẽ bị trừng phạt./.

(sưu tầm)

tháng 9 22, 2010

HÌNH ẢNH

đang chờ, một trong, những tấm hình chú Hai gởi....Đang chờ.

THƠ DƯỚI DÒNG TRĂNG


TRĂNG NGŨ NGÔN

hiên trước Trăng lên cao
hiên sau mây trốn núi
ta giữa trời hư ảo
nhìn Trăng xiết ngậm ngùi

bao năm đời ly tán
Trăng Xóm nghèo sầu đơn
tình quê hương khô hạn
Trăng quê xưa mỏi mòn

trước sân hoa Cúc nở
vàng mượt dòng Trăng xa
hỏi ai lòng không nhớ
mùa Trăng xưa..quê nhà…


TRĂNG MUỘN

ta giờ mỏi ánh Trăng xa
em nghiêng Rằm mỏn cũng qua xuân thời
nắm tay đi lạc giữa đời
qua miền đất lạ ngoái trời thương Trăng
bao năm lưu lạc phong trần
dòng Trăng xưa cũng quan san dặm trường…

Hiên Trăng
đêm Rằm tháng 8/2010

tháng 9 03, 2010

ĐỜI NHƯ SƯƠNG KHÓI


...lại chuyện xóm làng quê...

Chị về lại Xóm nghèo cùng lúc với cơn gió chướng Đông và mây xám màu trời ảm đạm. Lạnh theo gió buồn theo màu trời nên người trong Xóm ai cũng co ro ngồi nhà sưởi ấm lò than.
Khi chị bất ngờ từ cửa bếp bước vô, cả nhà không kịp giựt mình nên chi thầm lặng, ngỡ ngàng, ngó. Chỉ có tôi vụt đứng dậy chạy ùa ôm chầm lấy chị.
Buổi chị về lại Xóm nghèo là vậy đó.
Nhà người đông mà cứ ngồi ngó thản nhiên khi chị nắm tay tôi, quen đường, dắt về phía căn phòng nhỏ của chị ngày nào. Căn phòng nay đã dành cho mấy đứa em gái từ sau ngày chị đi. Chị có nhà để về nhưng không còn có nơi để ở. Thoáng chút ngỡ ngàng nhìn ngó quanh rồi chị khựng lại, bàn tay chị níu chắc lấy tay tôi như là để đè nén cơn xúc động vỡ tràn. Rồi chị ngồi xuống trước cửa phòng, gục đầu, khóc ngất.
Cơn gió chướng ngoài sân ngoài đường ngoài Xóm hú dài thê thiết. Bàn tay tôi chị vẫn còn nắm chắc, úp lên đầu gối chị đè nặng dưới khuôn mặt chị đầm đìa nước mắt nóng ấm của chị. Tôi chưa đủ khôn để thấu lòng đau thắt buổi trở về. Tôi chỉ dại khờ ngô nghê nhìn hai vai chị rung theo tiếng nấc, nghe cảm giác ấm nồng từ dòng nước mắt đầm đìa tắm gội cả bàn tay.
Rồi bỗng nhiên có cảm giác hụt hẫng khi chị thả bàn tay tôi, vụt đứng lên. Dáng chị ngả nghiêng đổ nhào về hướng cửa bếp, nơi chị trở về bất chợt.
Và ra đi bất ngờ.

*
Buổi sáng ngồi ở hiên nhà ngó qua nhà chú Tánh, chưa hết hồn chuyện đêm qua chị về rồi vội ra đi, anh Thuận đã hối hả tìm tới. Anh nắm bàn tay tôi, hỏi dồn :
- Nói anh nghe, đừng giú. Có phải chị Liễu hôm qua có về, phải không ?. Đừng nói giú anh nghe, tội anh mà. Chị Liễu có về, phải không ?
Tôi nhìn gương mặt anh gần như khóc. Có một đêm Trăng ngày nào, tôi thấy anh cầm tay chị Liễu ở sân Đình. Tôi hiểu tình cảm anh dành cho chị từ lúc ấy. Lâu rồi, từ khi chị đi xa rồi trở về, chắc là tình xưa không nhạt, vẫn sáng trăng Rằm.
Chị vội về rồi lại vội đi tới nỗi tình tôi cũng hụt hẫng, thương chị, không biết chị lại đi đâu, về đâu !.
Hai anh em ngồi giữa sân, ngó nhau mà không thấy nhau, chỉ thấy nỗi muộn phiền chen giữa. Giữa tình yêu của anh và tình thương của tôi, về chị.
Nắng sớm mai chưa đủ xua đi rét lạnh. Anh đứng lên, cười ( chắc là chỉ gượng cười ), xoa đầu tôi :
- Em cũng không biết đâu. Thôi, để anh đi tìm chị…
Từ đó anh em mình xa nhau.
Xóm làng xa nhau thương hải tang điền…

*
Câu chuyện tình xóm làng quê ngày nào bỏ lại khi tôi vào đời rất sớm, sớm hơn những thằng bạn cùng trang lứa.
Giang hồ phiêu lảng đó đây tình cờ tôi gặp chị…
Một chiều chớm Thu ở một thị trấn quạnh hiu vùng núi trong góc quán lạnh gió bốn bề. Chai beer trần thân không ướp lạnh. Ly beer suông không lạnh đá và dĩa cơm sườn dè sẻn. Khoảnh nắng vàng trước sân khó xua tan được cái lạnh gió núi khe khẽ tràn về. Nhiều nơi chốn tôi đã từng qua nhưng chưa từng thấm nỗi buồn khi ngồi ở đây, góc quán chiều vàng nắng chớm Thu giữa thị trấn vùng cao.
Bỗng có bàn tay đặt nhẹ trên vai và giọng nói, dịu dàng :
- Chị nhận ra em rồi ! Cu Hưng. Ngó lại chị đi ! Chị Liễu đây em.
Tôi giật mình, lạnh toát bờ vai. Quay lại, ngước nhìn. Có giọt nước ấm nồng rơi trên má tôi, chảy dài xuống nỗi tình cờ quặn thắt.
Tôi thấy lại rồi ! Đôi mắt đầm đìa nước mắt ngày xưa khi chị về nhà cũ. Giọt rơi rụng ngày nào trên tay tôi khi chị ôm tôi vào lòng. Nay giọt rơi trên má tôi khi tôi ngước lên nhìn chị.
Là giọt nước mắt của chị Liễu, ngày nào.
Tôi cầm chắc bàn tay chị, lặng đắng nỗi buồn vui. Hơi ấm nồng của tháng ngày Xóm quê xưa, của một đêm Đông chị bất chợt trở về rồi vội vã ra đi…
Tôi vụt đứng lên, ôm choàng lấy chị….

*
Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, tình cờ, tôi lại gặp anh ở thị trấn Đức Lập, nơi các đơn vị dừng quân để chuẩn bị vào sâu chiến trường Quảng Đức.
Giữa dòng người nhốn nháo rời bỏ vùng Quảng Đức, Kiến Đức để tìm về thị xã Banmêthuột lánh nạn, tôi nhìn anh bước xuống chiếc xe Jeep nhà binh. Chắc là không nhầm lẩn bởi vẻ dáng thân quen bao năm Xóm cũ. Tôi vuột miệng kêu tên anh. Anh khựng lại, quay nhìn một đỗi, rồi cười vui :
- Ồ, thằng cu Hưng đây mà.
Hai anh em ôm choàng lấy nhau. Hình ảnh Xóm Làng xưa thoáng hiện về làm cay xè đôi mắt. Anh vỗ vỗ lưng tôi :
- Cẩn thận nghen em. Ở đây thì tạm ổn. Vô xa, vô sâu thì nóng lắm, phải hết sức cẩn thận…
Tôi cười :
- Em biết rồi. Thôi, chuyện nhà binh mình bỏ qua đi. Hỏi anh chuyện nhà. Chị và các cháu…
Anh vụt cười :
- Anh vẫn còn độc thân khó tính. Chị với cháu chi đâu mà chú hỏi thăm !. Hỏi lại chú thì đúng hơn.
Tôi làm bộ ngạc nhiên :
- Ủa, hồi đó anh nói anh đi tìm chị Liễu mà. Chị với anh sao rồi !. Có chi bất ổn?.
Anh khe khẽ lắc đầu, cười buồn :
- Bao năm rồi anh đi tìm chị mà có tìm ra đâu !.Suốt đời anh sẽ cứ tìm. Nếu gặp lại chị, biết chị yên bề gia thất thì anh sẽ vui. Nếu như chị vẫn còn không thì anh sẽ cố lựa lời để chị theo anh. Chú biết tính anh mà !. Ăn cục nói hòn thấy sao nói vậy e là chị có phật lòng điều chi không !.
Tôi mủn lòng cảm phục tình yêu của anh. Đời người hạn hẹp, từ ngày chia tay tới nay tình cờ gặp lại, đã bao nhiêu năm rồi mà tình anh vẫn tình Xóm cũ Làng xưa.
Thời gian gặp nhau ngắn ngủi, tôi chỉ kịp vui mừng kể lại cho anh nghe buổi tình cờ gặp chị ở thị trấn hiu quạnh vùng cao, ở quán nhỏ ven đường. Anh nên tìm tới đó để lựa lời dỗ ngọt tình yêu. Nhớ uống thêm cho tôi một chai beer chia vui ngày hạnh ngộ.
Từ đó hai anh em, thêm một lần nữa, chia xa.
Tôi vào vùng nóng bỏng. Anh về BTL/Quân Đoàn dưỡng quân vài ngày rồi lại ngược lên vùng chiến trường Tân Cảnh.
Sực nhớ khúc giữa đoạn đường lên Tân Cảnh là phải ghé qua thị trấn hiu quạnh, có quán nhỏ ven đường, có người xưa chờ đợi người xưa.
Thể nào anh cũng ghé.

*
Dễ cũng mấy mươi năm dâu bể tang thương, lại, tình cờ gặp anh chị.
Không là nơi chốn Làng quê Xóm cũ.
Không là nơi chốn mịt mờ lửa khói chiến tranh.
Nơi tình cờ gặp lại là nơi đất khách quê người, khu chung cư đông người Việt.
Anh già nua, còm cõi , gầy nhom ngồi chưa hết nửa vuông ghế nệm sofa phòng khách.
Chị thì trẻ trung, cười rạng rỡ trong khung hình, sau bát nhang đang nghi ngút khói hương thơm.
Khói nhang này là tôi vừa mới đốt để buồn vui ngày gặp lại…
Nghe anh kể…
“ Anh có tìm về thị trấn quạnh hiu có quán nhỏ ven đường. Chưa kịp lựa lời thì chị đã dọn đường cho anh đọc thuộc “đi đâu cho Thiếp theo cùng. Đói no Thiếp chịu lạnh lùng Thiếp cam”.
Đưa nàng về khu gia binh, chưa tập làm quen cuộc sống vợ chồng thì lại miệt mài chinh chiến triền miên cho tới ngày rã ngũ tan hàng.
Đưa nhau về Xóm cũ, chưa ổn định cuộc sống thì lại miệt mài tù “cải tạo”.
Mười năm khoai sắn trở về vừa lo chạy gạo để sống đời vừa lo thủ tục để được cầm tấm vé máy bay qua vùng Đất Hứa.
Anh thì ngồi bong gân nhức mỏi, mệt tim khó thở, oằn oại dạ dày cứ chờ trong uống ngoài thoa. Hậu quả của mười năm rừng thiêng nước độc…
Chỉ mình chị một tay bôn ba xoay trở. Tội quá chừng !
Qua tới đây rồi, chưa kịp quen ăn humburger, pizza. Chưa kịp dồi phấn tô son áo lượt quần là làm người phụ nữ, “giải phóng” những tháng năm làm kiếp trâu cày, thì đã nhắm mắt xuôi tay…”

Tôi thẩn thờ nghe anh nói, nhìn chị cười trong khung ảnh mà nước mắt chảy dài.
Nhớ quá. Giọt nước mắt ấm nồng của chị chảy trên tay, trên má tôi ngày nào…

San Diego, 09/2010

tháng 9 01, 2010

TRĂNG BẰNG HỮU


Có mỗi một lần về qua chốn cũ
Nhìn thấy bông Cau trắng muốt miệt vườn
Nhìn lá Me rơi chua những con đường
Nghe tiếng em cười ngọt thanh Xoài cát

Chiều giạt nắng gió ruộng đồng dịu mát
Ngồi vườn sau chờ mẻ cá nướng trui
Mấy thằng bạn đồng quê chưa thấy tới
Chỉ có mấy nàng chia lửa đông vui

Lát nửa đây mặt trời chun vô núi
Trăng lại lên soi rõ mặt bạn bè
Những người bạn giờ đây đâu còn trẻ
Đã chớm bợt màu râu tóc phong sương !

Ta viễn phương về ngó bông Cau rụng
Ngó lá Me rơi ngó Trăng đồng nội
Ngó cô em một thời trang tóc rối
Bao năm qua còn vẻ dáng tiểu thơ !

Bởi lâu lắm rồi giữa quên giữa nhớ
Ghé về đây mong tìm lại một thời
Em ruộng đồng cháy khô mùa tóc rối
Dáng tiểu thơ đã chân lấm tay bùn

Bông Cau rụng lá Me rồi rơi rụng
Người xưa đau lạc dấu người viễn phương
Em đón ta cười rớt nụ bên đường
Đôi mắt đỏ hoe giữa chiều giạt nắng

Buổi về đây chuốc rượu giữa đêm Trăng
Bạn bè đông vui níu thời trai trẻ
Em có vui không, tới đây, ngồi ghé
Không còn lớp Nam lớp Nữ ngày xưa

Cứ ghé bên nhau chia chung bếp lửa
Trăng cũng chia chung vạn dặm quê nhà
Đường xa rồi, ừ nhỉ, đường quá xa
Áo học trò đã phai mờ dấu mực

Bạn bè xưa cũng lạc dòng lưu bút
Ngồi bên nhau khi kẻ mất người còn
Ta muộn màng trở về rưng mắt nhớ
Buổi tan trường theo dâu bể nhiễu nhương

Ơi lá me rơi chua những con đường
Mẻ cá nướng trui thơm tình bằng hữu
Đêm chuốc rượu mùa Trăng về chốn cũ
Mai viễn phương ta sẽ nhớ đem theo…

tháng 8 30, 2010

HÌNH ẢNH : MÙA CÂU


trên cầu Oceanside, Mùa câu năm 2010.....

Mùa câu cá năm này, cô Út có về , chỉ riêng có chú Tư Đào không thể vì đường xa, quá xa.
Mùa cắm trại vừa ( mới ) qua thì có chú ( và cô, tương lai ).
Mùa câu năm nay thì cả Chú ( và Cô) đi học xa nhà nên không thể về .
Ba không có chú Tư Đào móc mồi câu, chỉ mình Ba trật lụi, nhá nhem con mắt nên chi móc mồi không đúng bài vở thuộc lòng, cá chê không ăn.
Cuối cùng, chỉ có, đâu khoảng mươi con chưa đủ một nồi kho rim.
Quá tệ !

Tệ tới nỗi Mẹ con cũng không thèm ngó. Đọc sách còn sướng hơn là coi ba-thằng-cu !!!câu cá!!!!

Nhưng, cũng vui, mùa câu năm nay cũng không đến nỗi đi không về không. Mấy chú nhóc còn nắm được con cá câu.
Cá này là Ba câu được đó.
Con cá câu đầu tiên mở màn cho mùa câu quá xệ của gia đình mình.

Mùa Câu(cá). 2010,
đêm 28/08.

tháng 8 27, 2010

QUÁN CHIỀU MƯA CỐ QUẬN


Tôi về ghé quán nghèo cuối phố
Ly cà phê rớt giọt đắng đời
Quán vắng chiều rưng mưa gọi nhớ
Em vô tình ly tách gọi mời !

Có biết tôi về chiều nay không ?
Ghé tới tìm nhau rất lặng thầm
Khói thuốc chao nghiêng lòng xao động
Em nhìn không ra chiều về thăm !

Đã bao năm lang bạt kỳ hồ
Dáng vẻ thư sinh trườn muôn dặm
Phong trần bôi xóa thời hoa mộng
Chẳng trách gì em nhìn không ra !

Tôi của ngày xưa theo bước em
Nhạt nắng tan trường Banmêthuột
Con đường tình một thuở trời quen
Níu tay tôi sợ rồi bay vuột !

Nay trở về ngó lạ cảnh xưa
Đường đã thay tên tình thương hải
Cốc cà phê dãi nắng dầm mưa
Cô quán vô tình đâu nhớ lại !

Buồn đắng chiều mưa trời cố quận
Tìm ngó nhau để chẳng nhận nhau
Nhấp ngụm cà phê lòng quặn thắt
Em cũng theo dòng lạc bể dâu !

Hai ta trải dặm tình muôn ngả
Tôi về mai lại vào viễn phương
Ngơ ngẩn bên hiên nhìn ngoái lại
Em ơi tình ái đã qua truông !

Lần đó về thăm Banmêthuột
Ghé người em một-thuở-ghé-nhau
Quán nhỏ chiều mưa riêng nỗi nhớ
Ly cà phê đắng xót bợt màu…

tháng 8 11, 2010

ĐỜI XÓT XA NHAU


tôi có một thời ở Banmêthuột
uống cà phê ăn bắp nếp đã đời
mùa nắng gió bụi mù không chịu nổi
mùa mưa dầm bùn bám dính hai chân
cứ nắng bụi rồi mưa bùn lẩn quẩn
riết rồi quen như hồi mới gặp em
buổi ban đầu đắng nghét cà phê đen
quen một đỗi mới dẻo mềm bắp nếp
em khuê các trâm anh gia phong nề nếp
tôi vốn nòi tình nghệ sĩ bụi đời
cũng may là xấu trai không đến nỗi
em thấy hoài thấy miết cũng thấy ưng
nhớ buổi chiều hai đứa mình ngó sửng
tôi nắm tay em tôn nữ lạc núi rừng

em cố đô tôi dân dã muối vừng
răng nắm tay tôi hoài không muốn thả !

những con đường tình đi hoài không ngạ
em lúc nào cũng níu nắm tay nhau
bàn tay no tròn bàn tay trắng phau
nắm dịu nhẹ e ngại mình phạm thượng
em ngúng ngoảy khiến lòng tôi phát ngượng
cứ riết tay cứ siết chặc không rời
những con đường tình Banmêthuột ơi !
cô tôn nữ xúi lòng tôi gió chướng
bông cà phê trắng muốt trên nương
tình tôi lũ tràn qua từng nẻo phố
hương bắp vướng những con đường dẻo kẹo
để cứ hoài thương nắng-bụi-mưa-bùn
buổi tôi về qua ngõ phố Quang Trung
em bán cà phê góc đường Y Jút
gặp lại nhau buồn ơi là mưa lụt
em ngủ vùi trên tình nhớ ngày xưa
còn đâu rồi những ngày nắng ngày mưa
đã phiêu giạt theo dòng đời thương hải !

nắm bàn tay nhau ngày xưa níu lại
giọt cà phê…giọt nước mắt đắng đời….

tháng 8 09, 2010

HÌNH ẢNH


( [ hình ảnh ] chú Tư Đào về thăm gia đình bác Phước [Buônmathuột, Dăklăk ] tháng 08/08/2008.


Thêm một nỗi vui nữa.
Hẹn ngày 01/10/2010 cả đại gia đình Trần lũ lượt kéo nhau qua Arizona vui dự ngày
white coat Ceremony của chú Tư Đào.
Hẹn gặp. Buổi đông vui...

tháng 8 08, 2010

THÁNG TÁM CÒN BÂNG KHUÂNG


Vẫn, hiên trước, ngồi lì lợm nỗi nhớ.
Sợ vô nhà lại, tránh mà vẫn cứ quen, nhìn phòng hai đứa trống vắng… Biết là nỗi nhớ rồi sẽ nguôi. Trống vắng rồi sẽ quen. Nhưng tới bao giờ rồi sẽ nguôi quen đây?. Không biết tới bao giờ !.
Hôm qua tình cờ gặp anh T.. Anh vỗ vai tôi, cười :
- Anh thường vô blogs của chú. Chúc mừng nghe. Mừng là mừng chú khóc hơi ít đó. Gặp anh, khóc tràn mưa lũ luôn…
Tôi thoáng ngỡ ngàng, anh lại vội vuốt vai tôi :
- Mừng là chú còn phong độ ngày nào, chưa nhão. Hồi xưa anh thường cứ tuyên bố là nước mắt đàn ông chảy ngược vô lòng. Nay thì anh phá mồi bữa nhậu, nói ngược mà cũng nói thiệt lòng mình. Nước mắt đàn ông cứ như bom rải thảm, không có vùng da beo da cọp…
Tôi vẫn ngỡ ngàng nhìn anh. Lâu lắm rồi gặp nhau, e anh có điều chi bất ổn ! Thấy anh cười, hiểu ý, vỗ vỗ vai tôi :
- Chú lại nghỉ ngợi xa hơn anh rồi !. Anh tới chặng đường này, vẫn bình thường, không có vấn đề gì đâu, chú đừng ngại. Có muốn anh nói rõ hơn không ?. Hay lại cứ như ngày xưa, cãi chày cãi cối…
Tôi giật mình nhớ lại. Hồi xưa, là hồi còn trai trẻ, anh em gặp nhau vẫn cứ trái ngược nhiều vấn đề trong cuộc sống. Anh, tự bên trong, rất điềm đạm chính chắn. Bề ngoài thì rất xã giao, vui tính, khôi hài.
Con cắc kè hóa màu xanh đỏ tím vàng theo từng hoàn cảnh sống không phải vì lòng dối trá lươn lẹo mà vì cuộc mưu sinh thoát hiểm.
Anh theo dòng đời đổi trắng thay đen nên chi cũng khi là trắng có lúc là đen để tồn tại sự hiện hữu của mình. Nguyên lý nhị nguyên có đen thì có trắng, có tìm thì gặp, có nhớ thì có quên …. Anh đạt tình thấu lý nhân sinh qua trải nghiệm cuộc đời .
Tôi hồi đó như ngựa non háu đá như cá chưa tới thời đã muốn vượt vũ môn…
Đời có dạy cho dại khôn nhiều hơn chút nhưng vẫn chưa thấy mình trường trải. Vẫn dạ ( thì không còn ) non mà lòng ( thì e chừng đã ) yếu …
Nghe anh nói :
- Ngày nào mình vẫn còn phong độ và nhiều hoài bão, chuyện buồn vui cuộc sống như nắng, mưa qua thường tình. Nước mắt hồi đó giú trong lòng. Chỉ có tiếng cười là hào sảng . Nay thì mãnh long quá giang ngó lại mình đã, hồi nào không biết, cứ nhừ nhuyễn câu lực bất tòng tâm. Muốn mà đâu có được..
Là anh đang nói gì đây, tôi chưa hiểu.
Thấy tôi có vẻ bất ưng xem chừng muốn cãi chày cãi cối, anh vuốt lưng tôi, cười, nụ cười giống một thời xưa :
- Cứ thư giản lòng mình theo cảm tính chớ đè nén, giữ gìn làm chi. Tuổi tụi mình đang ở khoảng thời gian oanh kích tự do không giới hạn. Buồn thì cứ thiệt là buồn, vui thì cứ thiệt là vui sẽ thấy lòng thơ thới hơn. Thôi, chú về đi. Về mà ngồi một góc hiên quen để buồn thoải mái cho khuây khỏa lòng mình…
Tới đây thì tôi hiểu. Ngỏ ý mời anh cùng tới một quán cà phê gần nhất, hai anh em ngồi tâm sự lâu ngày gặp lại. Anh lắc đầu :
- Thôi, bỏ đi. Nói thiệt với chú, bây giờ tôi đang vui mà chú thì đang buồn. Ngồi uống cà phê tâm sự thì chẳng khác chi nói chuyện tào lao, uổng phí thời giờ. Cái thằng đang có tâm trạng vui mà tâm sự chia xẻ với thằng có tâm sự buồn thì chẳng qua lời tâm sự cũng chỉ là lời giả ngôn, nói chỉ để cho qua lời nói. Chẳng khác chi ăn hamburger, thay vì thêm chút mặn Ketchup, lại chấm nước mắm quê nhà cho đồng điệu tình quê !. Thôi, chú về đi. Anh cũng đi về. Bữa khác nghe.
Anh lên xe, rồ máy, lả lướt một đường “de”, khựng một chút, rồi rấn tới nhẹ nhàng . Thiệt đúng là tâm trạng đang vui, lái xe cũng thấy thiệt là gọn, nhẹ.
Tôi trở về, lại góc hiên quen, bầm tím buổi chiều mây vần vũ để chiêm nghiệm lời anh, tuy có mích-lòng-nhau, nhưng mà đúng.
Ngồi một mình để tha hồ buồn nhớ. Dẫu nước mắt có rơi cũng chỉ một mình mình. Tính khí nam nhi, dẫu sao, vẫn còn giữ níu, dù ở tuổi đời lực bất tòng tâm.
Có ai thấy đâu ngoài mình thấy, giọt nước mắt rơi ở khoảng tuổi đời và thời gian oanh kích tự do, mà ốt dột !.
Vậy thì cứ thư giản, nỗi buồn….