tháng 12 31, 2009

CHIỀU CUỐI NĂM


vạt nắng vàng cuối năm se lạnh
ngồi dưới Hiên Trăng chiều lặng thầm
ngày cuối năm rồi mai đầu năm
lại thêm một tuổi đời lưu lạc
nhánh rong phiêu theo dòng trôi giạt
nhớ quê nhà hoa Mai hoa Đào
đêm rộn rã gần xa tiếng pháo
đón Giao thừa hái lộc đầu năm
gió trở mùa mát dịu ngày Xuân
rét lạnh bỏ đi từ cuối Chạp
nắng gọi mây lang thang dừng lại
người gọi người xuống phố mừng Xuân

ở nơi này gọi nỗi bâng khuâng
mai ra Giêng vẫn còn rét ngọt

phố sẽ buồn dưới trời ủ dột
nắng buồn cho mây buồn lang thang
ta cũng lây buồn ngày qua năm
ngồi ngó quanh giữa chiều se lạnh
thấy ngày cứ lần hồi mỏng nhánh
đời cũng rồi khánh tận quê xa
ngồi bắt mỏi giữa trời sương giá
vẫn không tìm thấy dáng ngày Xuân
mây bỏ phố giạt về xanh thẳm
nắng bợt màu hòa nhập dáng đêm
ta bỏ tình xuống nỗi nhớ quên
em lượm được xin đừng cất giữ

giữ làm chi nỗi tình xa xứ
để muộn sầu hơn cả chiều Đông...


31/12/2009

tháng 12 28, 2009

ĐÀLẠT CHỈ CÒN TRONG HOÀI NIỆM...



Ðà Lạt, thành phố hoa không còn thơ mộng


Chúng tôi đến Ðà Lạt sau khi cơn bão số 9 tràn vào Việt Nam. Thành phố tuy không có những ngôi nhà bị tốc mái, không có gia đình nào bị cơn bão quái ác gây ra cảnh màn trời chiếu đất, nhưng đâu đó trên đường thuộc khu Hòa Bình vẫn thấp thoáng một vài người sắc tộc thiểu số co ro trong chiếc mền dầy đang ngửa tay chờ mong lòng thương của người qua đường. Trên đường Trần Hưng Ðạo, vài ba cây thông bị đổ như cho thấy sự tàn khốc của bão. Buổi tối, thành phố này thật thanh bình với những quán café ven bờ hồ, đối diện với chợ Ðà Lạt thấp thoáng trên đường vài ba đôi tình nhân khoác vai nhau trong không khí se lạnh.
Ðã từ lâu, sương mù đã trở thành thứ gì đó hơi quý hiếm của Ðà Lạt, người dân ở đây không còn được đón nhận nó thường xuyên như trước đây, họ chỉ nhìn thấy nó vào những lúc nửa đêm về sáng nhưng chỉ vào những ngày trời vào Ðông.
Sự huyền ảo của thành phố trong sương đã nhạt dần trong suy nghĩ của ngay cả những người dân bản địa. Nhà cửa của người dân từ nơi khác đến sau năm 1975 đã chiếm dần những đồi thông, họ chặt thông để làm nhà, xây khách sạn, đất canh tác...
Ngay mới đây thôi, một vài khách sạn còn trang bị cả máy lạnh trong phòng vì nhiệt độ vùng này đã tăng lên quá cao. Tuy thế, thành phố này vẫn còn thu hút được những du khách thập phương vì dẫu sao nơi đây vẫn còn lạnh hơn những nơi khác như Sài Gòn và khu vực Nam Trung Bộ vào những tháng nóng. Bên cạnh đó, hoa quả, danh tiếng của Ðà Lạt vẫn còn thu hút được du khách qua những bài hát, câu thơ mà họ đã được nghe.
Sự xuống cấp của Ðà Lạt đã không còn là sự cảnh báo mà nó đang từng ngày bị hủy hoại. Trước đây, khi nói đến Ðà Lạt người ta lại nghĩ ngay đến thác Camly như là một nơi mà ai đã đến Ðà Lạt cũng cần phái ghé thăm. Nhưng giờ đây, địa danh này đã không còn nằm trong danh mục tham quan của tất cả các công ty kinh doanh lữ hành vì độ ô nhiễm kinh khủng của nó.
Ðạo đức kinh doanh của người dân Ðà Lạt cũng là một đề tài làm cho nhiều du khách ngao ngán. Một món hàng thường được nâng giá cao đến gấp 2-3 lần. Phải chăng vì thế mà trong chợ Ðà Lạt có những tấm biển “Thực hiện văn minh thương mại - Không nói thách” treo đầy khắp ngõ đi vào các gian hành kinh doanh trong chợ Ðà Lạt. Trong những mùa du lịch ở Ðà Lạt, giá phòng cao gấp 2-3 có khi cao đến gấp 4 lần ngày thường. Họ đang cố muốn tận thu triệt để từ những con bò sữa béo tốt là du khách nhưng họ có biết đâu cứ với lối kinh doanh như thế sẽ có một ngày chẳng còn con bò nào để cho họ làm thịt.
Du khách sau khi đã tham quan Ðà Lạt khi trở về đều mang cho những bịch hồng giòn, dâu, mứt, rượu... đó là những thứ đặc sản của Ðà Lạt để về làm quà cho bạn bè, người thân ở quê, nếu không tỉnh táo để cảnh giác thì du khách dễ bị lừa bởi những người bán hàng, họ tráo những hộp dâu hư, hoặc phủ trên hộp dâu là những trái ngon, còn phía dưới thì hỏng cả.
Ðến Ðà Lạt, có một thứ bình dân nhưng lại được khá nhiều du khách muốn thưởng thức đó là đi uống sữa đậu nành ở bờ hồ Xuân Hương, khu chợ Hòa Bình. Cái cảm giác lành lạnh của vùng đất cao nguyên, trên tay cầm ly sữa đậu nành xoa qua xoa lại cho bớt lạnh tạo cho nhiều du khách cảm giác thích thú.
Thế nhưng, ngay cả những người bán sữa cũng đang dần dần thay đổi phương thức kinh doanh hoặc họ dùng việc bán sữa để ngụy trang cho một chiêu thức kinh doanh mới: Tiếp thị gái cho những quý ông ham vui tìm của lạ bằng những câu mời chào rất hấp dẫn từ những người bán sữa hay từ những người chạy xe ôm mà loại này có nhan nhản khắp bờ hồ như: “Chỉ cần ngồi uống café giá mười ngàn là có mấy em sinh viên Ðà Lạt xinh đẹp hay đến Ðà Lạt mà không thưởng thức gái Ðà Lạt thì coi như chưa đến.”
Nhiều du khách bị làm phiền bởi những tên ma cô, cò mồi này. Chúng hoạt động khắp khu Hòa Bình nhưng chủ yếu là xung quanh khu vực hồ Xuân Hương, chúng chạy theo chèo kéo, mời mọc làm cho nhiều du khách muốn cuốc bộ thong thả quanh bờ hồ buổi tối nhưng chẳng dám.
Ðối với những ai yêu Ðà Lạt, đã từng sống ở Ðà Lạt khi quay lại thành phố này chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán vì sự thơ mộng, nét đáng yêu, quyến rũ chỉ còn lại trong thi ca mà thôi. Ðà Lạt đang từng giờ, từng ngày chết dần chính bởi sự quản lý yếu kém thiếu trình độ của các quan chức địa phương. Họ chỉ muốn tận dụng, khai thác triệt để nhưng chẳng màng đến việc tôn tạo, tu bổ cho nó. Lối suy nghĩ ăn xổi ở thì không chỉ có ở trong đám quan chức mà còn đến cả những người dân. Nếu một ngày, Ðà Lạt không còn là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương nữa thì đó cũng là điều không lạ.

Friday,December 04/2009
Phương Thảo/Người Việt

Tình cờ, đọc được bài viết này mà buồn, buồn thêm !
Tôi sinh ra và lớn lên ở Đàlạt. Tự hào là dân Đàlạt.
Tôi quen thuộc ( tới nỗi, bây giờ vẫn còn nhớ, như in) những con đường, những góc phố, từng viên gạch rong rêu đóng bám, từng vết lở chân chim trên cầu thang Chợ Mới, cây Phượng Tím ở quán cà phê Hạnh Tâm trên đường từ bờ hồ Xuân Hương vào bùng binh Chợ, hàng Mai Anh Đào dọc dường dốc Thành Thái, quán Phở Ngọc Lan danh bất hư truyền (tái ngầu nạm thêm một chén mỡ hành trần béo ngậy nóng sốt) ở bên cạnh ấp Ánh Sáng khi còn có một khoảng rộng làm bến xe Đàlạt liên tỉnh( hầu như độc quyền là hãng xe Minh Tâm), quán mì quảng đặc biệt tô “xe lửa” ( to chưa từng thấy to so với những quán mì Quảng Đàlạt) chiêu khách thêm là những lát chả lụa xắt mỏng và một hủ ( cũng quá chừng to) củ hành ngâm giấm. Khách hàng cứ thoải mái gắp bỏ vô tô bao nhiêu cũng được, không giới hạn, không nói lời hành tỏi và không hề , dù chỉ một giây phút, dòm ngó canh chừng). Quán nằm ở trước bến xe Lam, sau lưng nhà thuốc tây Hoàng Hy Tuần( nghe nói mà cũng chính xác, là thân phụ của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn), ngó qua bên phải là cà phê Tùng.. Là dân Đàlạt hay là chỉ ghé lên đổi gió ( nói là đổi gió cũng chỉ là cách nói quen, thật ra là lên để hưởng cái lạnh se và ngắm nhìn sương mù lung linh huyền ảo núi đồi phố xá) ai mà không có một lần ghé tới cà phê Tùng. Nhất là mấy anh sinh viên sĩ quan Võ Bị Đàlạt( với mấy chàng trai này thì phải gọi là cà phê Tuần[thay vì cà phê Tùng]). Đi tới một khoảng là vừa nhà hàng vừa quán cà phê Chic Shangai. Đi tới nữa, vượt qua đầu dốc Minh Mạng là lò bánh mì Wĩnh Chấn, ngược xuống dốc Duy Tân một đoạn rất ngắn, rẽ trái, là khu Đoàn thị Điểm chuyên bán chè ngọt. Ai đó, đã có một thời, có dắt người mình yêu tới quán chè Kê Bánh Tráng Mè của mệ Xứng không ?. Rồi, ngày mưa, ghé qua đường Tăng Bạt Hổ mà ngồi chờ cái bánh Xèo giòn rụm ghém rau cải non (mới đúng điệu chớ rau sà-lách của Tây bỏ giống lại thì chưa thiệt là bánh Xèo Đalạt quê tôi). Rồi, có qua quán Mai Hường múc muỗng nhỏ( nhỏ thôi, muỗng to là phủi lòng Đàlạt ) chén chè bông cau. Rồi, có lên đầu dốc Minh Mạng uống ly(cũng ly nhỏ thôi, ly vừa thì cũng coi là tạm được, nhưng ly lớn thì e là làm khó cho Đàlạt mắc cở chuyện lấy hương lấy hoa) trà Sâm ngọt ngào thanh cảnh. Rồi, có xuống khu Ngọc Hiệp (vì có rạp hát Ngọc Hiệp nên gọi thành quen) ghé vô xe mì sợi của ông Tàu Ngọc Hiệp ( tô lớn cũng không, tô nhỏ cũng không, chỉ tô vừa vừa). Để sau này, khi dời xa, cũng vừa vừa thương vừa vừa nhớ cái ngọt dịu đầm thấm của hương vị “nước lèo” trong như nước lã mà ngọt dịu, đậm đà không tìm nơi nào có được. Nhớ ghé quán phở Ngọc Hiệp, mà phải chịu khó chờ để giành cho bằng được chỗ ngồi kế bên lò lửa, vừa xít xoa vừa xoa tay xua không khí rét lạnh trời đêm để đón nhận cái nóng ấm của lò than rực hồng đang làm sôi nồi nước phở. Ngồi ăn tô phở nóng bên lò than rực hồng giữa trời rét lạnh, thiệt không có thú nào bằng. Ngó xéo qua bên phải, ngày xưa khi tôi còn là chú học sinh lớp Đệ Lục trường Trung học công lập Trần Hưng Đạo, có dịp được đi ăn cháo và xôi vịt ở quán Như Tĩnh. Bên hông quán có con đường hẻm dẫn vào quán Mì Quảng một thời nổi tiếng. Tô mì , nhỏ thôi, nhưng hương vị đặc biệt khó đâu sánh bằng. Mỗi lần ghé lại, hầu như khách hàng ai cũng “làm tới” hai tô, mới đã đời !. Sau này, tiệm cháo vịt không còn nhưng quán mì Quảng thì cứ vẫn còn bám trụ. Tôi có lần ghé và “làm tới” hai tô trước lúc rời xa quê hương Đàlạt. Nghe nói, bây giờ, quán vẫn còn...
Đó là (chỉ nói sơ qua ) nên còn thiếu sót rất nhiều nơi chốn, phồn hoa đô hội. Còn chỗ thôn quê dân dã thì tôi từng ghé qua không biết bao nhiêu lần. Đặc biệt, ở Xóm tôi có quán phở Vịt một thời vang dội tiếng tăm cây-số-bốn. Hai ngày cuối tuần, hàng xe nối dài dọc góc đường Hai Bà Trưng&La Sơn Phu Tử chỉ để chờ tới phiên được ngồi trước tô phở vịt. Tô phở bình dân chỉ với nước trong, vài miếng thịt vịt, nhúm hành ngò nhưng khi nếm vào mới thấm đậm hương vị khó mà diễn tả. Chỉ một lần thưởng thức là ghiền...tới trăm năm !
Tiếng gọi là quán nhưng chỉ che tấm vải bạt che nắng và khoảng trên mười chiếc ghế đẩu. Mỗi lượt người ăn xong đứng lên là đợt người sau nhích tới...Chủ quán , dù là người cùng Phường cùng Xóm, nhưng mọi người không biết tên ông nên chỉ gọi thành quen là ông Ba Vịt. Sau này lang bạt kỳ hồ, dù rất cố công tìm kiếm nhưng không nơi chốn nào tôi tìm thấy tô phở vịt. Vậy là phở vịt,duy nhất, chỉ có ở Xóm quê tôi. Ai đã từng ăn qua tô phở vịt chắc là không quên một thời đã chờ chực tới phiên mình được ngồi trước tô phở vịt giá rất bình dân, nóng hổi thơm lừng, ở cây số Bốn thành phố Đàlạt.
Món phở vịt giờ đã thất truyền từ ngày bác Ba Vịt nằm xuống. Không biết chị Vi có được Ba của chị truyền nghề lại không !
Rồi còn trái bắp nướng thoa mỡ hành béo ngậy rải rác bày bán ở các ngả tư đường trong mùa rét lạnh. Tụ tập đông vui nhất là ở trước rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp cuối dốc Minh Mạng.
Gói đậu phụng mặn ngọt nóng hổi của ông Tàu dáng người dong dỏng luôn mặc bộ quần áo trắng, đầu cũng đội chiếc mủ trắng, dắt chiếc xe đạp, phía sau có hai thùng đậu phụng rang nóng dòn, đi lên đi xuống ở dốc đường Minh Mạng. Gói đậu phụng đã , một thời, làm thêm duyên dáng mặn mà cho những cặp tình nhân, cũng, dưới tiết trời se lạnh về đêm Đàlạt.
Đàlạt, những tháng ngày xưa có biết bao thi vị viết hoài không hết .Cho dù đi xa góc biển chân trời vẫn cứ giữ gìn nỗi nhớ khôn nguôi.
Người Đàlạt vốn hiền hòa.
Vậy mà sao bây giờ lại phũ phàng đến vậy !

Cuối năm 2009, viết bâng khuâng !

tháng 12 15, 2009

GÓC ĐỜI THƠ


về nhà mới ta xí phần một góc
bày ghế bàn để tiếp tục làm Thơ
dẫu Thơ ta mấy ai mà thèm đọc
cũng cứ rườm rà bày vẻ, vậy thôi !

có thấy tay nào làm Thơ mà đứng
xệ tới đâu cũng có ghế có bàn
có một chỗ trầm ngâm tìm thi hứng
biết đâu chừng cuộc sống bớt khô khan

ngày rượt đuổi chuyện áo cơm mệt đuối
đêm ngồi lì vay mượn chuyện dương gian
cái thú đau thương dứt tình không nổi
thì cứ đeo cho chai sạn gian nan

ai biểu trộn Thơ vô vòng cơm áo
để hồn thơ ngầy ngật dáng phong trần
khiến câu Thơ khi khô rồi khi nhão
đừng đổ thừa sao đời cứ lang man !

ta cũng từng làm thơ tình lãng mạn
ngặt nỗi trong Thơ có cảnh đời thường
giữa tình thơ với tình đời lạng quạng
không biết tình nào dễ ghét dễ thương !

nay ta về bày vẽ góc nhiễu nhương
em có ghé vô ngồi chơi chốc lát
góc đời thường vẫn còn đang vay mượn
góc đời thơ này xí được phần ta...

12/2009

tháng 12 12, 2009

MƯA !!!



mưa dột vô lòng mình thấm lạnh
nhớ cái lò than ở Xóm nghèo
nhớ chén bánh Căn tô bánh Xèo
có hột mưa chan nhòa trong đó...


Món chủ trị cái lạnh lùng mưa gió lê thê là món bánh Căn bánh Xèo. Món ăn bình dân cho cả mọi nhà. Ngó trời mưa ước chừng lâu tạnh, lo ngâm gạo để chuẩn bị đổ bánh Căn hay bánh Xèo. Ra lò bún đứng sắp hàng chờ tới phiên mình xay bột bởi vì nhà nào trong Xóm cũng có ý nghĩ giống nhau từ một cơn mưa dai dẳng, có thể tới vài ngày.
Không hiểu vì sao lại gọi là bánh Căn. Có thể gọi đúng là bánh căng bởi khi bánh chín, căng phồng lên. Hay là căn là tiếng địa phương, có một ý nghĩa riêng nào đó, của vùng xuất xứ loại bánh này. Nghĩa hình tượng rõ nét nhất là món ăn mộc mạc chân quê này có một hương vị riêng để mỗi khi ngồi xà xuống quanh lò bánh là cứ muốn ngồi hoài. Chỉ chịu đứng lên khi bụng đã căng no.
Bánh Căn là bạn đường dài của giới lao động nghèo vì nguyên liệu rất đơn giản.
Điều quyết định trước tiên là nhà phải có cái lò để đổ bánh Căn. Lò làm bằng đất nung hình tròn mặt, đáy bầu dục. Bề mặt lò khóet mười lỗ tròn đều để đặt mười chén đất có nắp đậy. Thân lò là lớp than hồng có cửa thông gió, ngăn cách với đáy lò là tấm vĩ có đục lỗ để tro than rơi xuống. Từ mặt lò, chén, nắp, vĩ lót đều hoàn toàn bằng đất nung. Lò đổ bánh Căn thì hầu như nhà nào cũng có. Đây là kinh nghiệm trải qua bao nhiêu mùa mưa gió để mọi nhà đều phải lo thủ sẵn một cái lò bánh Căn.
Ở xóm quê tôi, mùa mưa, đúng là mưa dầm gió dãi tối đất tối trời. Đôi ba ngày là ít, có khi kéo dài cả tuần. Nhà không có lò, phải đi mượn, thiệt là vất vả nhiêu khê. Đội mưa gió tới nhà người để mượn, thoang thoảng bên thềm nhà, dậy thơm mùi bánh Căn là biết mình đi không nhằm lúc. Âm thầm trở về mà trong bụng cứ nôn nao nhớ mùi vị của cái bánh trị gió mưa. Cũng có lúc tới nhà không nghe mùi bánh, lòng đã thầm vui. Để rồi xìu xuống, khi biết mình là kẻ tới sau...
Vui, buồn của ngày gió mưa đi mượn lò đã là kinh nghiệm để không ngại ngần sắm một cái lò riêng.
Có lò riêng rồi thì chỉ cần ngâm gạo để xay thành bột, mớ hành, hẹ, ớt, chanh trồng sau vườn, ghé quán nào đó trong Xóm mua xị dầu phụng, xị nước mắm và ít đường. Cả nhà ngồi quây quần bên lò than nóng để rồi cũng nóng lòng chờ từng chiếc bánh giòn dưới đáy, xốp có lỗ bọt li ti trên mặt bánh, trét qua chút hành, hẹ dầu béo ngậy rồi chấm ngập vào chén nước mắm pha đường có vị nồng cay ớt trái.
Bánh ăn khi còn nóng hổi mới-ra-lò mới ngon.
Có một nguyên nhân làm cho bánh ngon thêm là nỗi háo hức chờ đợi tới phiên mình .
Bánh Căn xóm quê tôi chỉ dung dị chừng đó nguyên liệu nhưng ấp ủ mặn nồng tình cảm gia đình trong những ngày mưa gió.
Không thấy, và ít thấy, nhà nào ăn bánh Căn trong mùa nắng ấm.
Sau này, cái bánh Căn đã trở dáng tân kỳ cùng với nguyên liệu phong phú dồi dào hơn cái hồi đi chân trần bám đất. Món hành hẹ đã có thêm tóp mỡ giòn rụm. Nước chấm cầu kỳ đường cát trắng tinh hay có khi dùng nước cá. Không còn là cái bánh bột chay trần mà tráng đều trên mặt là lớp trứng đánh nhuyển hay một hai con mực ống tươi loại nhỏ. Bánh không ăn trần với nước chấm mà còn ghém thêm xà-lách, khế lát, rau thơm, rau húng, rau răm...
Dẫu có đi hay có về trăm ngả đổi thay nhưng sao tôi vẫn cứ còn hương vị đầm ấm của cái bánh Căn ngày gió mưa Xóm cũ...

( đoạn này trích lại từ một bài viết về bánh Xèo )

Món ngăn mưa đuổi gió là món bánh Xèo.
Trong nắng ngoài mưa. Có nghĩa là ngoài trời dẫu có mưa gió lạnh lùng thì trong nhà vẫn nắng nóng.
Thử tưởng tượng cả nhà xúm xít quây quần trong gian nhà bếp, trong khi bốn cái lò lửa cháy đều, trong khi cầm dĩa để chờ. Ở trong nhà bếp vì ngoài trời đang mưa gió sụt sùi, ra ngoài làm chi. Lò lửa cháy đều là đang trong lúc bận bịu với mấy chảo bánh xèo chờ hồi chín tới. Cầm dĩa để chờ, là chờ, trong nhà, trong khi bánh vừa chín tới để tới phiên mình được bỏ bánh xèo vô dĩa (của mình).
Ăn bánh xèo để đạt tới cái “đã”, cái khoái, cái thú vị , theo tôi nghĩ, cũng phải hội đủ ba điều kiện thiên thời địa lợi nhân hòa !!!
Thiên thời là ngoài trời phải càng mưa càng gió càng lạnh lùng tê tái. Cái thú ăn bánh xèo, đặc biệt, thêm cảm giác ngon và khoái khẩu khi ngoài trời đang mưa đang gió.( Bánh xèo còn được gọi là bánh Khoái hay là bánh Khói. Có phải vì bánh nóng bốc khói, hay chỗ đang đỗ bánh lúc nào cũng khói mịt mùng. Có phải vì ăn miếng bánh nóng dòn khi ngoài trời mưa gió lạnh lùng, cảm thấy khoan khoái và khoái khẩu !Có phải vì chữ khói, người Huế, phát âm là khoái. Ở Huế cũng có loại bánh Khoái (happy pancake), tương tự như bánh Xèo mà không hẳn là bánh xèo, đổ trên chảo nhỏ, đáy không sâu mà bằng. Bánh nhỏ hơn bánh Xèo trong Nam, tất nhiên là nhưn nhị ít hơn vì Huế chủ trương ăn lấy hương lấy hoa với lại có thể là vì miền đất không được phong phú của cải thiên nhiên như ở miền Nam ! Ui dà, chuyện bánh Xèo thì viết hoài không hết !)
Địa lợi là phải có chỗ khơi lửa, gọi chính danh là bếp, cho kín đáo không phải bị mưa tạt gió lùa.
Nhân hòa là có đông người để được cái nôn nóng chờ tới phiên mình có bánh mà ăn. Chờ đợi trong …vòng trật tự. Không giành dân(nhau)lấn đất (bánh).Nói chung là trên thuận dưới hòa trong khi chờ bánh tới phiên , cho dù bụng đói tay run, mắt mờ, môi giựt…..
Miếng gợi nhớ quê hương trong mùa mưa gió bão bùng lạnh lùng thê thiết, tưởng nghĩ, không chi bằng món bánh xèo. Mùa nắng mà ăn bánh xèo thì e là lạc điệu.
Đâu chỉ để thỏa mãn cái bụng mà còn ấm cả lòng vì có dịp được quây quần trong không khí gia đình đầm ấm đông vui. Có dịp mà ôn cố tri tân tha hồ tâm sự để thấy được niềm hạnh phúc mà mỗi thành viên trong gia đình đang được, có dù qua bao nhiêu là năm, tháng vật đổi sao dời. Còn có bên nhau đông đủ để chia nhau cái nồng ấm của tiếng “ xèo…xèo” trên chảo nóng…
Không khí gia đình đầm ấm đông vui là hình ảnh quí hiếm, không dễ kiếm được trên đất người.
Buổi đông vui, nhân lúc chờ bánh Xèo chín tới, tôi nói chuyện xưa nay về bánh Xèo. Chỉ nói tới cái bánh Xèo thôi, cũng đã thấy mênh mang cả một trời tâm sự !
Bánh bây giờ có đầy đủ nhưn nhị nào thịt nào tôm nào mực rồi rau các loại xanh tươi, nước chấm được pha chế từ những đặc sản mang nhãn hiệu xuất khẩu ( xuất khẩu là phải ưu tiên chất lượng kiểu nhịn miệng đãi khách hay nói rõ hơn là ngự thiện để chiếm lỉnh và tìm đất đứng ở thị trường, tất nhiên, là thị trường xuất khẩu ). Ăn miếng bánh bây giờ cũng thấy bình thường thôi, qua cơn đói. Điều chính yếu là tìm cái no nê không khí xum họp đông vui gia đình. Cái không khí, do từng hoàn cảnh gia đình, không dễ tìm lại được !
Bánh Xèo của tháng ngày quê nhà thì sao ?
Xin được trích đoạn lời tựa của tập Thơ “ Nhật Thi”. Tập thơ viết tay khi còn ở quê nhà ghi lại những chuyện buồn vui ngày tháng dưới dạng, phần nhiều, là lục bát, chỉ bốn câu :
“ Các con của Ba,
Đừng quên khu xóm đính Đa Cát. Đừng bao giờ quên ngôi nhà mái lợp giấy dầu, vách đóng bìa gỗ ngo mà Ôn Nội đã chắt chiu chọn lựa từng tấm ván bìa, từng dấu đinh, mũi đục để dựng nên. Ôn Nội đã bỏ hết công sức và coi đó là một công trình cuối đời hành nghề thầu khoán của mình. Điều đáng nhớ là các con đã sinh ra và lớn lên, Ba Mẹ cũng đã để lại tuổi thanh xuân của mình từ nơi đó.
Gia đình mình đã quây quần với nhau từ những ngày tháng khổ, qua những ngày mưa nắng khắc nghiệt của Đời. Các con cứ theo dòng chảy thời gian mà lớn lên. Dù trong cảnh cơ hàn nhưng cứ đầy ắp và giàu có những tình cảm dành dụm cho nhau từ miếng cơm manh áo, từ tiếng nói giọng cười cho cả những khi buồn và cả những lúc vui. Làm sao có thể quên những chiều đạp xe trở về sau một ngày mệt mỏi vì công việc, các con đã vui mừng tíu tít đón Ba từ ngoài cổng nhà. Bữa cơm chiều đạm bạc với những câu chuyện kể trong ngày đã làm ấm lên không khí gia đình. Chỉ là những bữa cơm vỏn vẹn có nước- mắm-kho-quẹt hay đậu-phụng-kho-queo !. Vậy mà cứ vui, cứ đầm ấm, cứ đầy thi vị….”

Trong tập Nhật Thi thấy có bài Thơ…dính dầu mỡ bánh Xèo :
chiều về vừa mới dựng xe
đã nghe trong bếp “ xèo…xèo..” vui sao
ui chao, cái bụng cồn cào
chắc là đang đổ bánh Xèo, phải không?

chiều Mẹ đổ bánh Xèo
16/6/1988
Buổi bánh Xèo, tôi còn nhớ chiều hôm đó, thiệt là căng bụng và ấm cả lòng.
Cái bánh Xèo ngày xưa mang mang vẻ dáng gạo-châu-củi-quế cho nên hoàn toàn không có thịt ( dẫu chỉ là một rẻo nhỏ xíu nhỏ xiu ), không có tôm, không có mực. Chỉ có ít ỏi chút dầu trơn mặt chảo, mấy lá hành xắc nhỏ và nấm Mối.
Bánh Xèo nấm Mối !
Chưa ăn qua chưa biết. Có ăn rồi mới thấy ngon hơn cả thịt,tôm,mực gộp lại. Chất dinh dưỡng cao hơn thịt. Là món kiêng khem tối ưu cho những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cao mỡ máu mà lại thích ăn bánh Xèo.
Bánh Xèo nấm Mối, giờ đây, là món ăn thời thượng..Lấn lướt thêm, có bánh Xèo bột trộn trứng và nhưn bánh là thịt Đà Điểu !
Chỉ vì ngày đó, tìm(tiền) đâu ra thịt ! Cho nên phải đi tìm nấm Mối.
Mùa mưa ẩm thấp, nấm Mối mọc rải rác trên các triền đồi. Món ăn mà thiên nhiên ưu đãi cho người nghèo đói ăn ! Chỉ có mỗi một việc là đi “thu hoạch” của Trời cho !
Bên cạnh dĩa nước-mắm-kho-quẹt có thêm dĩa nấm Mối xào rau cải nhà trồng, cũng mang vẻ dáng cao sang. Không (cả hai nghĩa) xót ruột!
Nếu đổ bánh Xèo mà không tìm(tiền) đâu ra chút thịt thì có nấm Mối thế thân. Cũng ngon ngọt đâu có thua gì !
Rau ghém bánh Xèo cũng chỉ là mớ cải non trồng ở sau vườn. Muốn thêm cay nồng góp phần chống lạnh ngoài trời mưa gió, có đám ớt, cũng sau vườn nhà. Ớt đỏ ớt xanh tùy ý chọn.
Nước chấm thì chắc chắn là không có nước mắm nhĩ( đã đi vào huyền thoại) mắm loại nhất( chỉ nghe là có nhưng kông hề không từng thấy) loại hai ( không có tiêu chuẩn mua) loại ba ( chưa tới phiên) chỉ còn loại nước mắm tiêu chuẩn tem phiếu gọi là loại bét hạng. Có chút màu và có chút mặn để không lầm lẩn với nước muối. Thôi thì cũng được. Có còn hơn không !
Bánh Xèo mà phải ăn lạt thì…bèo quá ! Bèo xèo!!!
Ăn, là nhu cầu cần thiết không thể phủ nhận, dù xưa hay nay. Hưởng thụ món ăn thì còn phải tùy theo hoàn cảnh, điều kiện không gian và thời gian.
Riêng cái khoản bánh Xèo thì xưa nay nhà mình đâu có chi đổi khác. Vẫn quây quần xum họp như ngày xưa. Có khác chăng là cái bánh Xèo thêm quá nhiều nhưn nhị đến thừa mứa. Có khác, thêm nữa, là cảnh gia đình xum họp hôm nay không chỉ là sáu mống như ngày xưa mà đông lên con số gấp đôi.
Mưa, gió, lạnh ngoài trời thì bất cứ nơi chốn nào trên trái đất này, ngày xưa hay hôm nay cũng giống nhau thôi !
Chỉ có không khí ấm nồng là khác biệt. Khác biệt buồn hiu khi cắn miếng bánh xèo dòn tang nóng sốt mà nhìn quanh thân chỉ thấy có hai mình thui thủi. Ngoài trời lại mưa gió sụt sùi!
Cảnh tình này, ở quê người, không thiếu chi !
Cám ơn anh Hai Samath Trí nghen. Món bánh Xèo mà anh thích, Mẹ vẫn nhớ. Mỗi cuối tuần mưa-gió-lạnh Mẹ thường nghĩ đến anh và món bánh Xèo.
Thế là phone cầm lên, réo gọi. Cả nhà lại quây quần đông đủ.
Ba lại có dịp đứng ở cửa chờ ôm hôn từng đứa cháu. Dù biết là các cháu chưa có gì sâu đậm với bánh Xèo, chỉ ham vui vì được gặp mặt nhau sau một tuần vắng bặt.
Nhưng có lo gì ! Ngày dài tháng rộng, các cháu sẽ cảm nhận được khi có tiếng “xèo” của chiếc bánh Xèo thơm lừng trên chảo nóng là dịp gia đình họp mặt đông đủ bên nhau. Sẽ ghiền và nhớ không khí bánh Xèo thôi chứ chắc gì nhớ bánh Xèo hơn nhớ Pizza !
Gia đình, nếu có điều kiện và hoàn cảnh, cứ giữ thói quen quây quần họp mặt, khi ngoài trời mưa gió lạnh lùng.
Vẫn tiếng “xèo” phát ra từ chảo nóng….
Cũng cám ơn cô Ba Tuấn Quyên, hồi xưa đó, ngày mưa gió cô xách xô gạo tới nhà bà Bún để chờ xay bột về đổ bánh Xèo. Qua chiếc cầu ván mương nước trước sân nhà chắc là phải vận mười thành công lực để níu giữ cái xô bột quá nặng so với sức vóc của cô…

*

Cuộc sống rồi sẽ đổi thay theo thời gian nhưng gió mưa vẫn muôn đời không đổi....

tháng 12 10, 2009

MƯỜI HAI RÉT NGỌT


Tháng mười-hai về rồi đó em
Mây xám lạc đường bay cuối nẻo
Cơn gió hanh khô rồi cũng đến
Thể nào rét lạnh cũng ùa theo

Thể nào tôi cũng tìm câu, chữ
Ghép một bài Thơ gởi gió Đông
Cơn gió nhiều năm xa cố xứ
Vẫn giữ tình tôi độ ấm nồng

Vẫn giữ áo em về ngõ Phố
Đôi tà quấn níu bước chân quen
Bàn tay nắm lấy bàn tay nhỏ
Hanh khô cơn gió Lập Đông về

Em chắc còn thêm những vấn vương
Phố Núi mù sương về Xóm nhỏ
Bụi phấn Thông rơi đường Hải Thượng
Tiếng guốc nghe quen buổi hẹn hò

Thuở viết thơ tình loang mực tím
Nắn nót từng câu, chữ học trò
Lời yêu như trái Hồng mùa chín
Ngọt mát lòng nhau đến ngẩn ngơ

Ơi tháng mười-hai chia rét lạnh
Chia chén chè Kê bánh tráng giòn
Phố xưa ánh điện vàng hiu quạnh
Giữ lòng thiếu nữ ấm môi hôn

Tôi sẽ về từ những câu Thơ
Tìm chút hanh se mùa rét ngọt
Cơn gió một thời qua ngõ Phố
Có còn giữ ấm cuộc tình tôi !

Hay đã khô dòng đau dâu bể
Bỏ lạnh tình tôi theo gió Đông
Nếu như có thật là như thế
E chắc là tôi cũng héo lòng !

Bây giờ tôi ở phương trời lạ
Gió về thương nhớ tháng mười-hai
Sông biển chập chùng xa xôi quá
Thơ viết đầy trang gởi gió, bay...

tháng 12 02, 2009

NGỒI DƯỚI HIÊN TRĂNG


ngồi thầm lặng dưới Hiên Trăng
ngôi nhà xưa cũng lặng thầm với ta
tưởng như xa lắm lại gần
buổi nay ngồi lại ngắm vầng Trăng xưa
Hiên Trăng dọi nắng dầm mưa
đợi vần Thơ đã bao mùa lảng quên
ngỡ là đi biệt không về
bỏ Trăng buồn ngó mái hiên lặng sầu
bỏ tình đọng giọt sương đau
bỏ câu Thơ lạc bể dâu thăng trầm

nay về trầm mặc Hiên Trăng
tiếp vần Thơ buổi dở dang thuở nào...

Hiên Trăng Brookhurst
02/12/2009

MÙA ĐÔNG


gởi mùa Đông xóm nghèo

mùa Đông. Tôi lạc tận quê người
thương quá mùi thơm lừng bắp nướng
nhớ quá, khói chiều cay đôi mắt
em về tóc đẫm ướt hơi sương
tôi về vàng rộ ngõ quỳ hương
xóm nhỏ, mùa Đông, buồn rũ rượi
đất trời trĩu nặng cả hồn người...

...những tháng, năm đời đem khốn khó
chia đôi cắn nửa những phiền lo
miếng cơm không đủ dằn cơn đói
rét lạnh trời cho thắt cả người
bếp lửa nhỏ nhoi chiều đạm bạc
rau dưa qua bữa sống qua ngày
để thương yêu cho trọn kiếp này
nghèo đói có nhau là hạnh phúc
đời sống dẫu thêm nhiều cơ cực
cũng không bớt xén được tình yêu
em về sương rớt hột bên hiên
tôi về khói bếp rủ chiều nghiêng
nồi cơm độn nửa phần khoai sắn
dĩa rau thơm thảo những buồn vui
gió rét theo về từ hướng núi
khẽ khàng chừa lại chỗ hai ta
một chỗ tình yêu làm nắng ấm
đến nỗi mùa Đông cũng lạc loài....

nơi chốn tình yêu còn dành lại
là xóm nghèo trải nắng đầm sương
là quê hương trong một quê hương
núi cách sông ngăn dài biển rộng
đời của hai ta là cơn sóng
vỗ hoài vòng nhật nguyệt vần xoay
đến nỗi chi mà lạc tới đây!....

mùa Đông 2001
nhớ Phố Mù Sương