tháng 11 21, 2008

VỀ QUA BANMÊTHUỘT




tới banmêthuột trời mưa rớt hột
buổi giang hồ gặp nước núi buồn tênh
ta nửa đời hư cứ mãi chông chênh
khi nắng khi mưa trở trời bất chợt
lòng cố quận cứ mải hoài chới với
mười mấy năm xa mờ mịt lối về
chợt thấy đường quen dấu buồn lặng lẻ
chốn bình yên nào cho ta gặp em
có lối nào mình gọi là đường quen
bông Sứ rụng hiên nhà ai trắng muốt
nhớ dáng em về mỗi chiều tan học
níu lòng nhau nghiêng xuống mấy câu thơ

ta nửa đời sau phiêu bạt giang hồ
về thấy không em cười vui dạo đó

từ dạo trời mưa phiền căn gác nhỏ
môi học trò ôm tóc mượt dáng Thơ
em đến rồi đi như buồn gọi nhớ
như buổi ta về trời dỗ cơn mưa
mưa rất là mưa mờ mịt đường xưa
chợt ngó lại thấy đời mình hoang dại
như buổi ra đi lòng không quày lại
để xót tình pha phấn bợt môi nhòa
để nhìn thấy em gần đó mà xa
banmêthuột đã gọi buồn muôn thuở !
dẫu níu lòng nhau buổi về cơ nhở
nhìn không ra kỷ niệm một con đường
một con đường một dáng vẻ yêu thương
đã mất dấu tìm đâu còn có nữa !
Phố Bụi ơi! Tuyết sương đời lần lựa
cũng bợt màu xưa trắng xóa lối về !

để khi ta tìm ghé lại trời quê
em bỏ trời quê ghé trời quê khác !!!

trần huy sao
( đoàn trưởng
thi văn đoàn Sao Dị Hình Banmêthuột
1963-1966)
các bạn đoàn viên,
nếu còn nhớ xin liên lạc, tìm về nguồn xưa.

tháng 11 14, 2008

VỀ QUA BAN MÊ THUỘT



gởi anh Phước và buônmathuột
tưởng nhớ anh Hàm và Buôn Trấp


Cả nhà đứng chờ khi xe vừa ngừng lại. Cháu Nhân cháu Hiền ùa ra phụ đở cho em Đào em Út Linh mấy cái valise to tướng, không kịp chào Chú. Tôi nhìn thấy anh đứng trong nhà, chị đứng ngoài hiên.
Banmêthuột thì đứng ngoài đường chờ tôi xuống xe, thanh toán tiền bạc, sửa lại dáng đi để đưa tôi vào lại ngôi nhà, mười-bốn-năm trước tôi đã chia xa, bây giờ trở lại.
Chị ôm choàng lấy tôi, mừng tủi. Anh xúc động nhưng vẫn cố giữ dáng bình tĩnh, cười, không phải với tôi mà với hai cháu :
- Út Linh đây hả ? Cu Đào đây hả ? Bác ngó không ra…
Tôi cũng ngó không ra dáng anh ngồi đó nói, cười vui vẻ. Cứ ngỡ với căn bệnh kéo dài từ bao năm, anh tàn tạ và sa sút nhiều ! Anh hồng hào và đẫy đà hơn xưa. Chỉ có giọng nói đôi khi hơi ngượng nghịu. Cử động tay chân vẫn có giới hạn, không lanh lẹ như ngày nào.
Khi tôi ồn ào chuyện trò cùng chị và hai cháu, tôi biết, anh vẫn đứng lặng thầm nhìn tôi. Mười bốn năm xa giờ trở lại gặp nhau trong hoàn cảnh và điều kiện không như ngày nào chia tay tay nhau cũng tại ngôi nhà này.
Ngôi nhà xưa xập xệ dang dở tường gạch, ván liền chung nay đã khang trang năm tầng lầu cao ngất. Đứng trên sân thượng nhìn ngó cả một vùng rộng lớn gần như là toàn cảnh thị xã Banmêthuột.
Anh xưa nhanh nhẹn nói cười nay cũng cười nói như xưa nhưng có nhiều giới hạn từ căn bệnh kéo dài nhiều năm không liệt giường liệt chiếu nhờ thuốc men đều đặn và nghị lực phi thường. Cả Thị xã vẫn nhìn thấy mỗi chiều, trong công viên, một người già lê từng bước khó nhọc dưới sự nâng đỡ của người con. Và nhiều tháng sau, những bước lê khó nhọc không còn có sự nâng đỡ khi người con vẫn ngồi trên một ghế đá công viên chăm chú theo dõi từng bước chân của người cha đầy nghị lực.
Rồi nhiều tháng sau, người con đã không cần phải ngồi ở ghế đá công viên chăm chú theo dõi những bước chân người cha bởi biết là cha đã làm chủ được những bước chân mình. Chỉ cần đón cha về khi cha đã quyết định giờ giấc.
Tháng đầu, đón sớm.
Vài tháng sau, đón trễ.
Và vài tháng nữa, sau đón trễ, là không cần phải đón. Bởi cha có thể, nhẩn nha, tự đi về một mình.
Khi tôi về thăm anh lịch trình sinh hoạt hằng ngày của anh đã, từ lâu, đi vào nề nếp bất di bất dịch.
Buổi sáng thức dậy( muộn)vì căn bệnh đã kéo ngược thời gian sinh hoạt. Đêm, anh không ngủ cho đến gần sáng. Ngày, thèm ngủ để trả giấc ban đêm.
Do đó đã quy định buổi sáng coi cháu nội cho bà và ba mẹ cháu quán xuyến lo liệu chuyện làm ăn liên doanh với tổng công ty cung cấp dầu ăn cho toàn thị xã và các tỉnh lân cận. Buổi trưa, chị lo miếng kiêng khem cho anh bỏ bụng. Sau đó, lên phòng riêng yên tĩnh, làm một giấc cho tới gần bốn giờ là ra công viên đi bộ giáp mấy vòng rồi tà tà trở về. Tắm rửa. Cơm chiều. Lên phòng đọc sách bốn bể năm châu vô hình trung trở thành nhà bác vật ( có nghĩa mọi vật cũng tạm được gọi là thông ). Cũng có nghĩa là nghe ai nói chi đó, một điều, thì cũng có khả năng bác vật diễn nghĩa thêm một(vài)điều(do đọc quá nhiều sách)bổ sung.
Cuộc sống của anh bây giờ chỉ có thuốc men hàng ngày. Sách đọc hàng đêm. Và ngày tháng mong chờ chú em sớm về gặp mặt kẻo mà không kịp !
Trước ngày dời xa quê hương, tôi có lên thăm anh chị và các cháu nhân tiện tìm chia tay bạn bè năm tháng thời trung học. Cũng nhìn ngó lần cuối bamêthuột. Đêm họp mặt cuối cùng ở nhà anh có những người bạn còn sót lại sau cuộc bể dâu. Hồ việt Thống, Hoàng văn Đức, Nguyễn Châu và chú em Phùng ngọc Cữu . Lê huy Yết, Lê ngọc Lâm bận bịu chuyện nhà không về phó hội. Phù tường Mậu thì không phải chờ vì chắc là không đến !
Khi đã chếnh choáng men say nửa đêm thị xã ánh điện vàng mờ đục hơi sương anh hào hứng mở tủ lấy chai rượu quý cất giữ từ bao năm để , tuyên bố mở đầu màn hai, tiễn chú lên đường. Cả bọn nhìn nhau lắc đầu le lưỡi e sợ lên đường không nổi. Tôi cầm chai rượu xin hẹn anh sẽ cạn cho một lần về hội ngộ, cũng tại ngôi nhà này.
Chai rượu được cất giữ từ rất nhiều năm để chờ ngày hội ngộ.
Hình ảnh đêm chia tay trước sân nhà dưới ánh điện vàng khuya thị xã vẫn còn cất giữ rất lâu và rất mãi trong đời.
Những người bạn nắm tay tôi tiễn biệt trong đêm khuya thị xã ngày nào đã không thể, không còn giữ được độ ấm nồng ! Tôi thì chỉ đi xa, xa quá nửa địa cầu. Hồ việt Thống, Hoàng văn Đức, Nguyễn Châu thì lại đi xa, xa quá, để chẳng bao giờ còn được gặp nhau !
Phùng ngọc Cữu thì lưu lạc về xứ Sàigòn với các con và các cháu. Chú em ngày xưa nay đã lên hàm ông ngoại.
Ngôi nhà xưa đã là ngày nay, cao ngất bề thế , nhìn không ra.
Banmêthuột đã thay hình đổi dạng.
Chỉ còn anh và tôi [ cũng tại ngôi nhà này].
Cái còn lại gặp lại nhau , theo thời gian, cũng có nhiều mất mát.
Anh bệnh hoạn, xuống sức trẻ đêm khuya nào hào hứng mở tủ lấy chai rượu tuyên bố mở đầu màn hai.
Tôi chưa ( sẽ ) bệnh hoạn nhưng thời gian cũng đủ để run tay cầm chai rượu đêm khuya nào xin hẹn anh sẽ cạn cho một lần về hội ngộ.
Chai rượu, đêm khuya của năm xưa, cứ vẫn còn nguyên dáng, đợi chờ !
Buổi cơm chiều hội ngộ sau mười bốn năm chia xa anh trân trọng lấy chai rượu và nhắc lại chuyện năm xưa cho cả nhà cùng nghe.
Chuyện xưa tích cũ bao giờ cũng hay bởi vì tự nó đã có những tình tiết hấp dẫn để tô bồi nên câu chuyện. Rằng thì là ngày xưa có bạn hữu đông vui của chú hẹn ngày tái ngộ cạn chai tương phùng. Nay thì bạn hữu người thì đi quá là xa, người thì đi xa, người thì ở gần mà xa. Ai chuốc rượu cùng ai cho cạn chén tương phùng!
Phút giây hội ngộ, cuối cùng, chỉ còn có hai anh em người thì bệnh hoạn kiêng khem đủ thứ trên đời người thì sồn sồn ngó bộ, giỏi lắm, cũng chỉ cạn được một ly hay , giỏi quá quá giỏi, hai ly qua ly thứ ba chắc nằm chơi mệt nghỉ(thở).
Cả nhà hào hứng nghe mà cũng náo nức lo khi anh tuyên bố khui chai mừng hội ngộ, có nói thêm là, đoàn viên.
Tiếng cười anh rộn rã, tiếng nói hào sảng khi anh cầm chai rượu run run . Không ai nỡ nói lời ngăn cản trong phút giây anh đang vui mừng. Cả nhà thầm lặng nhìn tôi, chờ đợi…
Anh đã chờ đợi tôi mười năm như lời hẹn ước bên thềm nhà cũ một đêm nào. Tôi đã không tròn lời hẹn ước lại trễ thêm bốn năm. Bốn năm là khoảng thời gian không dài nhưng chậm quá rồi, cho những ước mơ xưa! Nếu tôi về đúng dịp mười năm như ước hẹn thì chai rượu sẽ cạn cho đầy ý nghĩa buổi đoàn viên. Dẫu không còn có bạn bè như năm xưa nhưng vẫn còn có anh, có thêm anh Hàm đang ở vùng kinh tế mới cách thị xã Banmêthuột không xa. Gọi ới nhau chưa đầy nửa tiếng đường xe. Ba anh em sẽ ngồi lại bên nhau suốt một đêm dài…
Nhưng đã muộn rồi! Anh vừa mới ngã bệnh khoảng thời gian hơn ba năm. Anh Hàm thì vừa mới ra đi năm ngoái. Tôi thì chỉ mới vừa về!. Chai rượu mười năm chờ đợi đã hóa nỗi đau dằn xé trong lòng tôi và anh. Dù ngoài mặt nói cười hào sảng hẹn nhau cạn chén tương phùng nhưng vẫn cứ giấu trong lòng một sự thật đắng cay còn hơn chất rượu. Anh bây giờ một ly cũng gắng gượng tôi giỏi hai ly cũng đủ đoạn trường. Thời gian đã bào mòn sức lực và lấy đi hình dáng trẻ đêm xưa bên thềm nhà cũ. Banmêthuột ngày tôi về lại, đã hoàn toàn thay đổi không còn nhận được nét quen xưa. Anh ngày tôi về cũng đã…
Thôi thì cạn một ly tương ngộ. Một ly thôi cho chai rượu mười-bốn-năm chờ đợi không còn buồn tủi. Ngấn còn lại xin dành để cho anh Hàm. Ngày mai hai anh em vào thăm sẽ dành ưu tiên cho anh ấy cạn chai. Kẻ đi xa bao giờ cũng được phần hơn. Hồi còn nhỏ bữa cơm nào có người vì lý do nào đó không kịp về thì thường được dành phần cơm nhiều hơn, thức ăn chọn lựa. Coi như là phần ưu tiên cho người đi xa. Bây giờ anh Hàm đã đúng nghĩa đi xa, phần ưu tiên xin cứ đúng lệ nhà, dành hết cho anh ấy.
Cả nhà nhẹ nhỏm khi nghe anh tuyên bố :
- Cũng được. Làm một ly hội ngộ.
Mấy cháu lăng xăng lấy hai cái ly nhỏ để lên bàn. Anh không chịu, đòi ly lớn. Cháu Nhân nói :
- Ba muốn uống ly lớn là phải pha soda mới đúng điệu. Để con đi lấy soda.
Tôi ngại một điều là lấy ly lớn mà anh lại đổi ý không chịu đúng điệu thì chắc là không phải là ly lớn mà là chuyện lớn nên năn nỉ :
- Thôi mà anh ! Đã gọi là ly rượu mừng hội ngộ mà pha soda loãng ra thì đâu có còn ý nghĩa. Làm một ly nhỏ mà nguyên chất cho nó đậm đà. Nguyên chất đi !
Anh nhìn tôi một thoáng, rồi nói :
- Cái thằng ni ! Nói nhiều quá! Thôi, rót rượu. Rót đầy.
Tôi có được phút giây hạnh phúc uống cùng anh ly rượu hội ngộ là vào buổi chiều tháng 8 khi Banmêthuột đang bước vào mùa mưa tại căn nhà một thời tôi đã sống suốt tháng, năm dài thời trung học. Thời gian đẹp nhất của tuổi học trò.
Trở về Banmêthuột là trở về tìm lại những ngày xưa. Trở về níu giựt thời gian để gặp lại anh sợ là không kịp như đã không còn kịp để gặp lại anh Hàm.
Với anh thì còn kịp, được gặp anh rồi, được cùng uống với nhau ly rượu mừng vui hội ngộ.

Với anh Hàm, tôi chỉ còn có nỗi ngậm ngùi ! Xin được, nhân chuyến về thăm này, gởi đến anh Hàm những điều tôi viết về anh mà chưa kịp gởi…


Tấm ảnh chụp khoảng thời gian anh đi vùng kinh tế mới, đứng trước ngôi nhà tranh vách đất. Mảnh ruộng trước sân nhà vừa nhú mạ non. Mấy cây bơ, chùm ruột, xoài, mít Tố Nữ trồng quanh sân chỉ vừa mới bám rễ. Anh mơ ước mai này tụi nó lớn khôn cho anh trái ngọt lại còn chia cho cả gia đình bóng mát. Chiều chiều ra ngồi dưới gốc nhâm nhi xị rượu, rít mấy hơi thuốc lào, nhìn ngắm cơ ngơi của mình mà say! Không phải cái say của rượu, của thuốc lào! Cái say của khát vọng khởi lên từ cuộc sống trên vùng đất kinh tế mới còn hoang sơ chưa đậm dấu chân người. Cái say này mới thiệt là hung bạo. Nó làm cho anh râu tóc dã nhân, hình hài khô cá mắm. Sức trai bỏ xuống ruộng nương cho mầm xanh vươn lên lớn mạnh. Bắt anh tráo trở hình hài lọc lừa sức lực để gìa trước tuổi. Khi trái gió trở trời thường hay rêm nhức và khó tìm giấc ngủ.Vợ con anh cũng nhập vòng xoay đến mắt mờ da xanh tái. Đời sống nghiêng chéo những lo toan tính toán.
Tấm ảnh này anh chụp lại hình dong của năm thứ hai khi vào vùng kinh tế mới. Đó là những năm, tháng đã qua . Như mầm mạ non nhú xanh trở mình thành cây lúa mang nặng những hạt thì con gái.
Khi tôi lên thăm anh đã vào vụ lúa của năm thứ năm. Vụ bắp và đậu nhỏ thua hai tuổi. Tấm ảnh xưa đã được giữ làm kỷ niệm đánh dấu một chặng đường đời. Bây giờ nhìn anh với người trong ảnh thấy xa, đã đành, mà thấy lạ quá nhìn không ra. Cảnh nhà cũng khác. Đám ruộng trước nhà không còn. Thay vào đó là một khoảng sân đất rộng dành để phơi đậu ,bắp và lúa theo từng mùa. Hàng cây ăn trái đã xanh, cao, có bóng mát và có trái.
Chiều chiều anh đâu có ngồi dưới bóng cây như ngày nào mơ ước.
Anh ngồi trong gian nhà giữa, có bộ bàn ghế được đóng bằng loại gỗ quý, bóng lưỡng. Có tủ trà đồ sộ, chạm long lân quy phụng. Tầng trên làm bàn thờ .Tầng giữa là tủ kính chưng bày đủ thứ. Từ bộ bình, tách trà men sứ trắng đến những con thú nhồi bông đủ màu sắc, quá độ thời gian, đã chớm ngả màu. Anh vẫn cứ thường ngồi đó, mỗi chiều nhâm nhi xị đế hút miếng thuốc lào nhả khói trầm tư mà nhìn lại những năm tháng cơ cực để có được ngày hôm nay. Từ mảnh đất cằn khô và đôi bàn tay chưa một lần chai sạn để rồi có được cơ ngơi bề thế hôm nay. Mảnh vườn cây trái sum xuê. Bốn sào ruộng cấy gặt đều đặn theo mùa. Một mẫu đất rẫy nương chia thời điểm để trồng đậu, trồng bắp. Hai con bò cày chăm chỉ sớm hôm. Đàn gà tranh ăn không đếm xuể. Cái cặp-táp nặng giấy tờ mỗi lần lên họp hành trên Ủy ban nông nhiệp Thị trấn bàn kế hoạch thi đua cho hợp tác xã. Miếng rau dưa xưa đã có chen thêm nồi thịt, cá. Thịt thì nhà tự cung tự cầu. Cá thì có từ nguồn sông Krông Nô. Anh chỉ thiếu có tình anh em lâu ngày không tìm thấy được. Cứ khoảng vài ba năm, tôi lại lên thăm anh dẫu đường rất xa, phải đi qua nhiều chặng. Bởi vì anh ở vùng cao, vùng xa. Tôi thường cứ văn chương lộng gió gọi nơi chốn anh an cư lập nghiệp là Thị trấn vùng cao.
Muốn tới thăm anh tôi phải về vùng Biển nắng rồi từ đó ngược lên vùng cao ngất núi đồi bụi mù đất đỏ. Lại còn thêm một đoạn đường gập ghềnh nhiêu khê để tới với anh. Nắm được bàn tay anh không phải là dễ dàng nhưng vì tình thương nhớ mà phải bôn ba. Thường thì khi nắm được bàn tay nhau, tôi mệt nhừ mệt đuối vì đường xa quá là xa. Anh ở chi xa quá, anh Hàm. Nếu không thương anh chắc là, thôi, bỏ cuộc.
Có điều an ủi là khi đến thăm anh là phải về vùng biển nắng Nhatrang , có dịp gặp O Vân Dượng Phú, Nhà Tôi lại có dịp gặp anh Năm Liêu.
Vượt lên vùng cao bụi mù đất đỏ Banmêthuột có dịp gặp anh chị Phước, gặp lại bạn bè một thời trung học.
Rồi từ đó khởi đi là gặp anh chị và các cháu. Cơm ngày ba bữa theo cung cách nhà nông. Rượu uống từ chiều tới tối theo cung cách hảo hớn Võ Tòng Lương Sơn Bạc. Có nghe cải lương, có nghe tân nhạc. Mà nhạc sống hẳn hòi vì thị trấn chưa hề có điện. Trong nhà thắp đèn dầu leo lét. Ra đường thắp đuốc bập bùng. Mấy tay nhậu tự biên tự diễn. Cải lương thì Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Đời Cô Lựu, Tình Anh Bán Chiếu…. Tân nhạc thì không có nhạc mang hơi hướm cao sang ướt át xa lạ cảnh đời lam lũ, chỉ nhạc lính, nhạc tình cảm nông thôn thôi. Đại khái như là… tôi ở miền xa trời quen đất lạ nhiều đông lắm hạ nối tiếp đi qua thiếu bóng đàn bà…mười năm lính khổ…viết bởi…hay là …em ơi nếu mộng không thành thì sao…non cao đất rộng biết đâu mà tìm…
Duy Khánh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền cũng kéo vô bàn nhậu. Tùng Lâm cũng vô luôn, cho tới khuya…
Những đêm tưng bừng anh mời bạn bè tới chia vui cốt chỉ giới thiệu chú em vừa lên thăm ( bên cạnh đó) cũng có ý nhắc chừng với cư dân là anh lên tới chốn này không phải là kẻ lạc chợ trôi sông, cô thân ly xứ mà còn có gia phả, gốc gác họ hàng, có người thân lui tới.
Thường thì anh em vẫn thầm lặng ngồi bên nhau hay nói đúng hơn là ngồi bên ly rượu với nhau. Tôi thích ngồi ở góc sân nhỏ sau nhà gần chái bếp khói um thân mật, có cái giếng nước chân quê, có mấy đám rau húng rau răm rau ngò gai rau tía tô với giàn mồng tơi xanh mướt. Có đám gà lau nhau chạy qua chạy lại giành ăn. Lâu lâu có con chim sà xuống cây chùm ruột rồi bay đậu cây xoài hót tiếng nghe hương-đồng-gió-nội. Thấy chị đang rộn ràng lo chiên xào đồ nhậu cho anh và chú mà nghe lòng đằm thắm tình thân. Chị luôn luôn có sẵn, khi chú lên thăm, là một nồi bắp luộc vì biết chú rất thích . Nếu lên trái mùa bắp thì, thay vào đó, có nồi đậu phọng luộc.
Chị còn chưa biết là tôi còn khoái món khoai lang nhưng không phải luộc, mà lùi.
Khoai lang lùi.
Vùng đất Krông Ana nơi anh ở, tôi không thấy rộ mùa khoai lang. Chỉ có mùa lúa. Mùa bắp. Mùa đậu xanh. Mùa khoai mì.
Khoai lang thì không thấy có mùa thu hoạch nhưng thay vào đó là mùa nhậu.
Trúng mùa thì nhậu. Trúng đậu thì cũng nhậu. Trúng bắp thì cũng nhậu luôn. Bởi có gì đâu! Đời sống vùng cao chỉ có bấy nhiêu thôi! Không điện thì không đài không văn minh phương tiện truyền hình vi đê ô ka rô kê chỉ có vô vô ( trăm phần trăm ) cho qua hoàng hôn, qua đêm tối quá dài.
Cái thú vui khỏa lấp cho những khoảng thời giờ rảnh rỗi là ngồi bên nhau, giữ nhau, níu nhau, cần thiết có nhau là chia nhau ly rượu, miếng mồi đặc sản và hơi thuốc đẫy đà. Chị thì chỉ ngồi ngồi bên anh và chú để góp chuyện đời ôn-cố-tri-tân. Nhưng cũng có nhiều buổi họp họp đơng vui hàng xóm, tôi rất ngỡ ngàng, thấy mấy chị ngồi bên góp chuyện mà có thêm ly rượu chia phần ! Trăm phần trăm cũng chia tới luôn !
Thỉnh thoảng anh dẫn tôi lên chợ thị trấn để tìm món đặc sản. Anh nói ở đây có món nai đồng quê tuyệt chiêu nhưng anh em mình không thể. Còn có thêm món cá sông Nô và món tiết canh, cháo lòng heo Thượng. Cá sông Nô thì ngon ngọt theo mùa. Heo Thượng thì phải vào tận buôn bản để mua ( hay đổi lúa, bắp, muối ) nguyên con và phải chính tay mình chế biến mới ngon, người Thượng họ không làm được. Ra quán thì cũng có nhưng heo người Thượng mà nuôi ở nhà người Kinh thì không còn giữ được hương vị đặc sản.
Cũng như bắp rẫy khi đã qua suối qua sông thì giảm đi rất nhiều vị ngọt ban đầu !
Ngọt bắp ban đầu với ngọt qua suối qua sông tôi thấy không có gì khác. Chỉ khác là bắp từ rẫy nương thì tươi nguyên roi rói, còn bắp qua sông qua suối thì…trong héo mà ngoài tươi !
Heo Thượng nuôi ở Buôn Làng thì thả rong suốt ngày, miếng ăn phải tự kiếm. Không có chuồng trại cũng không cả nề nếp khẩu phần đúng giờ đúng bữa. Cứ suốt ngày nhởn nhơ giữa thiên nhiên khoáng đạt, đói kiếm miếng nhai, khát tìm miếng uống như câu hỏi và câu trả lời khôi hài : “ Con cóc cụt đuôi. Ai nuôi mày lớn. Dạ, thưa Bà. Con lớn mình con!”.
Cũng như con cá khi đang dãy dụa trong lưới giăng vẫn ngọt thịt thơm hương hơn là con cá bơi lội trong thau bán giữa chợ. Là tươi là sống cả nhưng cái tươi sống giữa thiên nhiên nó đã khác xa cái tươi sống của thị thành !.
Chai rượu chưng cất ở nhà đậm nồng hương vị hơn là mua ở quán. Cũng là rượu nhưng miếng rượu chưng cất ở nhà tình nghĩa hơn là miếng rượu quán chia chung chia chạ, ai mua cũng được, mua lúc nào cũng có. Rượu nhà cầu kỳ và nhiêu khê hơn. Chưng cất cầu kỳ và nhiêu khê nên rất là chừng mực đâu phải lúc nào cũng có! Lại không phải mua bán đong đếm lỗ lời ! Rượu cho không uống không nhưng trả bằng tình bằng nghĩa. Mỗi lần tôi lên thăm, được uống chai rượu nghĩa tình anh tự tay chưng cất để cứ mãi vương hương cho những ngày xa cách.
Thường trên đường từ chợ Thị trấn về, hai anh em thể nào cũng không quên ghé vào quán anh Thủy. Quán nhỏ bên đường nhưng chiều nào cũng đông khách vì có món nai đồng quê danh trấn giang hồ. Vào chỉ để cầu được uống ly rượu nếp than, không ngó ngàng chi món nhậu. Rượu này không bày bán vì cũng đã thuộc vào loại rượu cho không uống không nhưng trả bằng tình nghĩa.
Mỗi lần thấy ông anh kết nghĩa, ngả nghiêng, đi vào quán là anh vội vàng giao hết công việc bận rộn cho vợ con để tiếp đón. Nhà ở phía sau quán, cách một khoảnh sân đất phẳng lì dùng để phơi lúa, bắp. Phòng khách cũng có bộ bàn ghế được đóng bằng loại gỗ quý, bóng lưỡng. Có tủ trà đồ sộ, chạm long lân quy phụng. Tầng trên làm bàn thờ .Tầng giữa là tủ kính chưng bày đủ thứ. Một mốt thời trang chung ở Thị trấn dành cho những gia đình làm ăn đang hồi khấm khá. Không có những con thú nhồi bông mang vẻ dáng thành phố văn minh như nhà anh nhưng có chưng một bình rượu nếp than bề thế. Màu rượu đã ngả ra nâu vàng trong như hổ phách. Đáy bình đọng dày một lớp bột nếp mịn màng ngả màu hoàng yến. Hai chiếc ly nhỏ thủy tinh mỏng nhánh, trong suốt đặt cạnh hai bên bình rượu.
Ly rượu nghĩa tình tương kính mời nhau trong thầm lặng và chỉ mỗi người một ly để thưởng thức trong không khí hoàn toàn im ắng. Bình rượu lại được trân trọng để vào chỗ cũ cho thời gian dậy thêm hương vị đậm đà mang danh giá của loại rượu cất giấu lâu năm.
Rượu lâu năm dậy hương cũng giống như tình nghĩa thảo thơm lâu năm mà không có chi không có lý do nào để, một sớm một chiều, làm nên sứt mẻ.
Buổi nhậu hào hứng ồn ào sôi nổi khác với buổi nhậu lặng thầm.
Uống ly rượu lặng thầm lại càng khác xa với những ly rượu trăm-phần-trăm.
Cuộc đời vốn sôi nổi và, rất cần sôi nổi, để quên đi những chặng đường gian khổ trong những tháng, năm dài buộc phải tiếp nối dòng sống trong cuộc bể dâu. Nhưng sau phần sôi nổi, chuyện đời thường đi đến đâu làm sao biết được!
Cũng như sau một buổi nhậu ồn ào náo nhiệt. Rượu chắc chắn trăm phần trăm là có đầy và có vơi nhưng chung cuộc mới thấy được rượu đời thường vẫn có nhiều ngộ nhận riêng tư từ hỉ-nộ-ái-ố. Để dễ xa nhau và để tìm nhau. Thường thì rất dễ xa nhau và nếu tìm nhau được thì cũng là tìm nhau mà không thấy nhau!
Có thể là anh đã từng cay đắng ngọt bùi nếm trải nên, bên cạnh những sôi nổi ồn ào, còn tìm lại những thầm lặng để vực mình đứng dậy đi tiếp phần đời còn lại. Để thấy mình còn có chỗ nương thân và thấy được mình còn có ý nghĩa khi bên cạnh mình còn có ly rượu lặng thầm. Không hề sôi nổi. Chỉ lặng thầm khi rót rượu. Lặng thầm khi mời nhau. Lặng thầm là không nói ra lời nhưng chính cái lặng thầm không nói, vốn là, đã nói nhiều trong cuộc sống.
Tôi nhiều năm cứ suy nghĩ và không hiểu nổi sự lặng thầm của các anh. Ở cái xứ giang hồ tứ xứ tranh bá đồ vương, giành giựt nhau tranh sống, sôi nổi ồn ào từ bàn nhậu ra tới cả cảnh đời thường, các anh vẫn hòa nhập những ồn ào sôi nổi theo dòng. Nhưng, vẫn giữ được cái lặng thầm đáng nể. Uống ly rượu lặng thầm và chia tay lặng thầm. Một triết lý sống trên vùng đất hoang dã tình đời và hời hợt tình người đó chăng ?.
Trong hoàn cảnh và điều kiện nghiệt ngả ở vùng đất chưa có trật tự ngăn nắp của nếp sống văn minh, tôi vẫn tìm lên thăm anh. Hai anh em có những ngày hiếm hoi bên nhau để chia xớt rất nhiều kỷ niệm.
Hồi xưa, là khi hồi nhỏ đó mà, anh em mình tranh nhau hái những trái thù lù vàng óng chín muồi mọc bên cạnh mộ Mạ. Anh luôn hái đều tay và nhiều hơn, em không chịu và khóc. Anh phải dỗ dành chia lại phần anh, em chưa chịu, lại càng phụng phịu dỗi hờn. Cuối cùng, phần anh hái được bao nhiêu, em dần dần ăn hết. Coi như là 10 phần trăm, anh chỉ còn lại, tính theo thực tiễn khô khan tình cảm của thằng em tham ăn và đầy nước mắt. Giờ nghỉ lại, thấy rưng lòng muốn khóc. Biết lòng anh hồi đó thương em…
Bây giờ, qua con đường trơn trượt chằng chịt những dấu chân trâu chân bò sau cơn mưa chiều hôm qua để anh, một tay, nắm tay tôi sợ chú em không quen đường đi, mà ngả trượt. Một tay ôm khư khư chai rượu dành cho chú em vui với anh suốt một đêm này, hội ngộ. Đường chiều nhá nhem nhìn không thấy rõ mặt đường. Nghe tiếng ễnh ương, tiếng dế gọi đêm trường và tiếng cười của anh khi thấy chú em nghiêng ngả trên mô đất bùn trơn ướt, hốt hoảng chụp níu vai anh.
Đêm giữa dòng Trăng và có khi đêm đen thăm thẳm, đêm lất phất mưa mùa, anh em vẫn ngồi bên nhau chia những giờ phút hội ngộ. Sợ mai này chia xa, khó có dịp nào ngồi lại bên nhau. Nõ thuốc chuyền cho nhau hơi ấm. Ly rượu chuyền cho nhau những tháng năm anh em mình gắn bó…
Tôi nhớ quá, những tháng ngày qua đi, còn giữ lại những hình ảnh khắn khít tình anh em.
Ngày tháng khi anh trấn nhậm ở vùng Pleiku, tôi lặn lội tìm thăm anh chị ở khu gia binh. Muốn mua miếng thịt để anh em ngồi lai rai cũng phải mất cả nửa buổi đường xa vất vả. Anh đã chia cái mỏi mệt đường xa đó để chỉ níu lấy một tối ngồi với nhau tâm sự vơi đầy…
Ngày tháng khi anh chị ở túp lều nhỏ dưới chân đồi Trọc xóm quê mình. Tôi vẫn thường ghé qua rau dưa đạm bạc những bữa cơm chiều. Hồi đó, cháu Thùy Anh còn rất nhỏ…
Ngày tháng khi anh chị dọn về thuê căn phòng nhỏ ở đường Cường Để, gần khách sạn Mai Anh Đào, tôi thường xuyên ghé lại chăm lo cho các cháu. Cháu Kinh Hùng, Tuấn Kiệt cứ đòi chú kể chuyện đời xưa…
Ngày tháng anh dời đổi về Nhatrang, tôi cũng lặn lội tìm về. Những bữa cơm gia đình có mùi biển mặn tôm cua cá mực. Có cả cậu Hào và, có đôi lần, gặp anh Thích cũng về thăm.
Ngày tháng anh về vùng kinh tế mới Krông-Ana, tôi cũng lặn lội nhiêu khê suốt chặng đường dài mịt mù đồi núi hoang sơ, để tìm gặp anh. Có dịp để đưa cả gia đình lên hưởng thú đồng quê. Cu Trí bé Quyên tha hồ ăn bắp nếp. Sau vài năm, lại thêm Cu Đào, bé Út lên đòi bác nấu bắp, luộc gà để đã thèm cơn đói trong thời buổi gạo châu củi quế. Bắp nhà bác trồng bạt ngàn đồi núi. Gà bác nuôi chen lấn đầy sân. Bác còn lặn lội ra ngoài thị trấn tìm mua cá sông Nô. Cá chiên vàng rộm. Cá nướng se da. Các cháu tha hồ vả đói. Tiếng là đi thăm nhưng thiệt tình là đi tìm cơn dã đói. Đó là những tháng năm lấy nông thôn bao vây thành thị. Bác giải vây cơn đói khát cho các cháu từ những miếng ăn mang hương đồng gió nội. Không như thành thị, khó tìm. Ở đồng quê, mọi thứ đều có sẵn. Cá lấy từ dòng sông Krông Nô. Thịt lấy từ sân vườn. Bắp đậu lấy từ nương rẫy. Gạo từ ruộng nhà. Phần riêng cho ba của các cháu : rượu tự chưng tự cất bằng lúa gạo làm ra. Nếu muốn thưởng thức loại rượu Cần, đặc sản của miền rừng núi Tây Nguyên, thì tìm tới các Buôn Làng Krông Ana. Một cặp gà đổi lấy bình rượu Cần, loại nhỏ. Nhỏ, nhưng mà uống vô thì, không chừng, say to.
Ngày tháng anh về ở nhà O Dượng Phú, chia ngọt vị rượu nồng cay Xóm Mới. Ăn miếng cá thơm lừng, miếng mực tươi ngọt lịm ghém với miếng rau thơm vườn nhà O Vân mà giữ hoài hương ngát biển mặn Đồng Đế, Ba Làng. Và tắm biển, ngắm biển…
Ngày tháng quê nhà còn lại bên anh quá nhiều kỷ niệm.
Lần cuối cùng gặp anh là…
Tháng-Mười-Hai ở vùng núi, lạnh khô và trời trong xanh. Buồn rưng trong cái tĩnh lặng của buổi đầu ngày.Có con chim mang tiếng hót hay vừa xà xuống cây Chùm Ruột, rồi bay lên, đổi hướng về phía rẫy Bắp rũ rượi ngả nghiêng sau mùa thu hoạch. Tiếng hót như có nỗi đau lạc bầy, nghe hay mà buồn buồn.
Mà buồn thiệt !
Thấy anh đang ngồi ngắt từng đọt rau Răm ở mảnh vườn nhỏ dưới giàn Mồng Tơi xanh um lá, để chuẩn bị cho dĩa gà xé phay đãi chú em ngày hội ngộ lần cuối, trước khi chú dời xa quê hương, cũng đủ để rưng lòng. Dáng anh gầy khô chắc là vì miếng đói miếng no hành khốn đốn hèn chi anh trông dáng phong trần! Dễ cũng đã gần năm năm, gặp lại, tôi thấy anh già hơn xưa nhưng tâm hồn thì như xưa, cũng mừng.
Anh em ngồi với nhau ở sau góc vườn nhà. Đây là ngôi nhà mới, không là ngôi nhà cũ ngày nào tôi lên thăm. Ngôi nhà cũ, nằm sâu trong vùng bắp rẫy, nhường lại cho vợ chồng cháu Tuấn Kiệt. Ngôi nhà mới nằm bên đường quốc lộ giờ chỉ có mình anh chị với cháu Kinh Hùng và Kim Phượng. Các khác cháu đã ra riêng. Thùy Anh có chồng con ngoài Thị xã. Thùy Dung theo chồng lên Thị trấn.
Lần lên thăm này đã có nhiều thay đổi. Vẻ dáng chân quê đã lần lựa phai nhòe. Điện đường đã có. Phương tiện giao thông cũng bớt nhiêu khê. Nhà đã có Tivi và đầu máy Samsung đời mới.
Anh với tôi ngồi uống rượu không ở gian phòng có tủ trà đồ sộ. Ngồi ở góc hiên sau gần giếng nước, gần vườn rau xanh um, gần chái bếp khói um và thoảng mùi dầu mỡ. Anh cố tình ngồi đó để nhớ lại ngày nào khi các cháu còn nhỏ, còn quây quần hôm sớm bên nhau. Không khí ngày xưa sẽ còn, không mất, khi anh bỏ miếng xương xuống nền thì có bầy gà tranh nhau tìm tới.
Khi anh cầm ly rượu đưa lên thì có mấy chú (thím) gà ngẩng cao đầu ngóng đợi. Bây giờ thì khác hết rồi. Bầy trẻ trong nhà ngày nào đã đủ lông đủ cánh bay xa. Bầy gà bây giờ cũng chỉ thưa thớt vài chú ( thím ) lượn lờ qua lại lượm cơm thừa. Cảnh nhà đìu hiu. Cảnh già buồn hiu.
Tôi nói em lên đây thăm anh chị và các cháu rồi em đi, khó ngày gặp lại. Anh cười, ngấn mắt rưng rưng nói, thôi chú đừng nhắc chi, uống với anh ly rượu này cho vui. Rồi anh kêu chị, để đó đi đừng làm chi nữa, tới ngồi bên anh.
Anh chị và tôi ngồi bên nhau, ngày đó, dễ cũng đã hơn mười-bốn-năm rồi ! Đó là hình ảnh cuối khi tôi cùng anh ngồi bên nhau ở góc bếp sau nhà có giếng nước có vườn rau có tiếng chim kêu giữa tiết trời quê núi lành lạnh. Anh bỏ vào chén tôi cái đùi gà và chăm chú lựa mấy vọng rau thơm, nhẹ nhàng rất nhẹ nhàng, bỏ cạnh. Rồi anh nâng ly mời chú, mừng chú. Ly rượu anh uống mừng mà y như là có pha có trộn nỗi buồn. Ly rượu đã run tay khi để xuống bàn, tôi biết là anh cố đè nén xúc động. Chưa bao giờ tôi uống ly rượu mà thấy đắng cay như, chiều ngày đó!
Hình ảnh nữa, còn giữ lại, là khi anh nắm chặt tay tôi khi tôi lên xe rời xa thị trấn Krông Ana, thị xã Banmêthuột, tỉnh Đăklăk. Một buổi chiều khó có buổi chiều nào, buồn hơn !
Tôi hẹn ra đi mười năm rồi trở lại. Quá mười năm, tôi chưa dịp trở về !
Tôi chưa kịp về thăm quê, thăm anh thì anh đã sớm về !
Vậy là chia tay sao !
Lần chia tay, ngày nào, chưa là nước mắt vì hẹn nhau là sẽ tìm lại nhau. Nhưng lần chia tay này thì, buồn quá, nước mắt lại rơi đầy !. Còn có bao giờ gặp lại nhau!. Còn có bao giờ nắm được tay nhau !
Mai nữa, em có về, chỉ ôm vòng mộ đất. Đâu còn có ấm nồng như những năm tháng anh em mình chuyền hơi ấm cho nhau !
Cố dặn lòng thôi đừng khóc nữa mà sao nước mắt cứ nhòa. Viết những dòng chữ này ở một miền xa, rất xa, nhưng lòng tôi cứ tưởng gần, rất gần, bên anh. Vậy là chia tay sao, anh ?
Không, cho em gởi tình đau ruột thịt :

BUỒN CHIỀU THỊ TRẤN
gởi anh Hàm, chiều thị trấn Krông Ana.

trưa nay cây Cải về trời
nửa vòng trái đất nghẹn lời rau Răm
Quyên Trần


Em ở đây ôm rét lạnh quê người
Thương cái lạnh của miền quê anh ở
Nhớ buổi em về chia thương chia nhớ
Đứng ôm nhau nghèn nghẹn nỗi mừng vui

Thị trấn chiều về mây bay buồn hiu
Cơn mưa chắn ngõ vào Thôn ngấn nước
Đường đất nhão bùn đi mau muốn trượt
May có anh để níu, giựt giữ thăng bằng !

Ngọn đèn dầu khiến cảnh nhà thêm lặng
Đêm miền cao thăm thẳm phát rợn người
Gặp lại nhau nơi cuối đất cùng trời
Chia chén rượu để tiễn người ly xứ !

Ly xứ gì anh ! Chỉ đời vay mượn
Sao bằng bên nhau nồng ấm tình quê
Mai em có đi thì cũng có về
Đừng nói tiễn đưa cho lòng thêm nặng

Rồi từ đó em dặm dài mưa nắng
Buồn lá thu vàng buồn nhánh sầu đông
Đời tất bật giữa đất người xao động
Mười mấy năm quên lú cả lối về !

Anh mỏi mòn níu gọi lời chân quê
Sao chú không về để đi đường trơn trượt
Để ngồi cùng anh chia nhau chén rượu
Lỡ mai kia mốt nọ, e muộn màng !

Anh ơi! Đất người nắng mưa ngày tháng
Trời quê hương em vẫn giữ trong lòng
Như giữ tình anh hẹn buổi tương phùng
Nhưng giờ đã muộn màng rồi ! Qúa muộn…

Không còn giữ, níu anh qua đường trơn ướt
Không còn ngồi bên nhau trời quê xưa
Không còn nắm tay anh chiều giăng mưa…
Thị trấn quê hương và đất người…Thăm thẳm….

Ngày nhận được tin em ngoái nhìn cố quận
Chỉ thấy mịt mờ cuộn dáng mây bay
Núi cách sông ngăn, em tìm không thấy
Chỉ thấy buồn thương nước mắt hai hàng..

Muộn màng rồi anh ! Quá đỗi muộn màng
Lời thơ em cũng quặn lòng se thắt….
Nước mắt rơi chỉ từ hai con mắt
Lời thơ rơi từ cùng tận nỗi buồn đau….

ngày nhận được tin anh mất 15/11/07
Mira Mesa 12:15 đêm. Lạnh.
(

…..và, ngày hôm sau, mười-bốn-năm, tôi đã được "gặp" anh Hàm. Không là chiều giăng mưa như những ngày xa xưa tôi tìm tới thăm anh. Hôm nay gặp lại, là buổi trưa thị trấn trời báo cơn mưa. Ly rượu được rót ra từ chai rượu mười-bốn-năm cũng đã kịp cùng nhau xớt ngọt, có thêm anh Phước, chia đều…)

…chai rượu mười bốn năm cất giú, nay đã thỏa lòng.

Và giai thoại về cái áo-lộn-cổ cũng được thỏa lòng luôn.

…cả nhà đang chuyện trò vui vẻ nhắc nhớ ngày xưa thì anh vỗ vai tôi, giọng anh hào hứng :
- Nì, mi còn nhớ cái áo của ai đây không ?
Tôi quay lại, nhìn thấy anh đang mặc chiếc áo chemise vải trắng, mỏng, có sọc dài màu xanh nhạt. Thoáng nhìn phút giây, tôi nhớ ra liền…
Cái áo liền thân suốt một khoảng thời gian khá dài, thời khốn khó, làm sao quên ! Nhà Tôi đã mua từ sạp quần áo cũ ở chợ Trời cầu thang Chợ Đàlạt. Ngoài bộ vest màu xanh đậm ( chưa nỡ hay chưa tới hồi ) đem bán chợ Trời để đổi cơm gạo nuôi con, tôi còn được sắm thêm cái áo trắng sọc xanh này. Tôi nghĩ là Nhà Tôi không nỡ, vì bộ vest đã có nhiều kỷ niệm thuở về-với-nhau . Cũng không nỡ để tôi mặc áo vest mà trong thì trần sì cái…áo da ! Cho nên sắm thêm cái áo này để gọi là liền bộ. Ngoài thì áo vest, trong thì có áo chemise. Dẫu không là áo trắng cho hợp thời trang nhưng cũng nhờ nhợ màu trắng, dẫu có thêm mấy sọc xanh thì cũng cứ coi như là kiểu cách tân trong thời buổi gạo châu củi quế. Không có cái ăn nhưng cũng tạm thời có cái mặc tạm gọi là tươm tất để lễ-nghĩa với đời. Mà đúng thiệt ! Đi tới chỗ làng nước, họ hàng có thêm bộ cánh cũng thấy mình trân trọng mình mà mọi người cũng vui lòng vì thấy mình được trân trọng. Dẫu chỉ là hình thức nhưng lễ nghĩa bao đời vẫn giữ. Giấy rách vẫn giữ lấy lề mà ! Kẹt nỗi, không lẽ cứ diện bộ cánh quanh năm ! Chỉ có dịp cưới hỏi mới lên bộ. Cúng giỗ, thôi nôi, bạn lâu ngày tới thăm, ông bà nhạc tới nhà, tiếp khách lạ, quen.... Đại khái,những ngày có những sự kiện khác hơn ngày thường là phải buộc lòng tươm tất chút đỉnh.
Tươm tất có nghĩa là vượt hơn thêm cái không tươm tất hàng ngày. Không thể đóng bộ để làm cho nhau ngượng ngùng vì lễ nghĩa quá đáng thành ra lúng túng. Chỉ cần tươm tất hơn mọi ngày.
Vì vậy mà cái áo màu nhờ nhợ trắng có sọc xanh dài là cái áo liền thân trong suốt, suốt, chiều dài thời gian khốn khó. Nó không liền đôi liền cánh ( hay chỉ rất là thi thoảng ) với với bộ vest màu xanh đậm mà Nhà Tôi không nỡ bán. Nó thiệt sự liền (da)thân với tôi trong những lúc cần nên tươm tất. Thậm chí, có những lúc ngồi một mình uống ly cà phê, thưởng thức tách trà, nhâm nhi ly rượu cũng mặc áo để..tìm hương phong nhụy ngày nào !
Lấn lướt thời gian, chiếc áo đã không làm nên phong nhụy mà trở phong sương làm nên tiều tụy ! Lớp vải vốn mỏng, đã mỏng thêm ! Màu trắng nhờ vốn có đã nhờ nhạt thêm ! Sọc xanh xưa xanh đậm rỡ ràng đã ngả màu nhàn nhạt phong sương !
Và thê thảm quá chừng đổi là cổ áo, lâu ngày không nổi chịu, đã sờn ! Sờn, không hẳn nghĩa là rách. Chỉ là tưa, là sưa, là lưa thưa vải không níu tới sợi.
Nhà tôi đã có sáng kiến thần sầu là kéo ngược thời gian làm mới cái cổ áo sờn.
Tháo chỉ ra, trở ngược cổ áo từ sau đàng trước, may liền lại. Thiệt như trò ảo thuật !.
Cái cổ áo sờn tưa đã liền da thắm thịt, mới toanh.. Nhà Tôi, bằng vào sự khéo léo nữ-công-gia-chánh-công-dung-ngôn-hạnh, đã lật cổ áo cũ để làm nên cổ áo mới. Nhưng nếu lật ngược lên, nhìn phía sau, thì thấy những rõ vết sờn hằn đau xưa, cũ. Mỗi khi tôi mặc, vẫn thấy rất là tươm tất.
Vào khoảng thời gian tôi không còn dịp để tươm tất ở quê nhà nên đem lên gởi ( hay cho, hay biếu ! ) anh. Thời buổi bấy giờ miếng no chưa có miếng ấm chưa có chia sẻ với nhau là lòng lớn hơn trời rộng. Anh giữ cái áo và tôi giữ niềm vui khi anh cười đón nhận. Cái áo, vậy là, đã chuyền tay cùng với khoảng thời gian tôi lên thăm anh lần cuối trước lúc chia xa…
Như một món quà, để, anh giữ làm kỷ niệm.
Mười-bốn-năm tôi về lại. Anh mặc cái áo năm xưa hỏi tôi là áo của ai ! Tôi nhận biết liền và không tránh được niềm cảm xúc. Cái áo vẫn như ngày nào chứng tỏ anh không thường mặc, anh chỉ giữ gìn. Chỉ giữ gìn thôi, như đã giữ gìn mọi điều tốt đẹp, sức khỏe và thời gian để chỉ mong được gặp lại em một lần sau một lần xa .
Và anh em mình đã gặp lại nhau.
Xin anh, cứ giữ mãi cái áo này.
(…trong xúc động nghẹn ngào tôi không nén được cười khi anh nói : “ mi nói chi thì nói. Tau chỉ nói, đây, là cái áo lộn cổ”. )


***

Về qua Ban Mê Thuột chỉ vỏn vẹn hai ngày. Không đủ thời gian để dàn trải nổi lòng người xa.
Chỉ kịp ghé thăm trường cũ.
Anh xe thồ hỏi tôi thời gian bao lâu để trở lại đón. Bao năm anh về chắc là có nhiều điều cần biết, nhiều người cần gặp. Anh cứ tự nhiên, tôi sẽ chờ.
Tôi nói anh chỉ chờ tôi một chút thôi rồi tôi đi.
Cổng trường xưa đã giấu, mất dấu ( nghe từa tựa như là yêu dấu, nhưng không, nghĩa ở đây là mất dấu, là không còn )
Dãy phòng học ngày xưa thay đổi ( nghe mường tượng như là thay lòng đổi dạ ).
Sân trường xưa đã mất ( tiếng, mất, thường mang tâm trạng xót, đau )
Nói chung, khi về nhìn lại trường cũ, lòng không được thanh thản và buồn. Đã hoàn toàn thay đổi.
Tôi yêu cầu anh chở tôi về quán Đô Thành, tất nhiên là tên quán ngày xưa, ở ngả tư đường Quang Trung & Y Jut. Tôi tâm sự với anh, lâu lắm rồi, tôi về lại chốn xưa uống ly cà phê đen và nhìn phố cũ. Anh xe thồ nhìn tôi một thoáng, im lặng thở dài. Xe ngừng lại ở nơi cần đến. Quán Đô Thành đã không còn, nay là nhà Ngân Hàng Nông Nghiệp rộng lớn. Nhìn qua rạp hát Lô Đô, nay là một bãi ủi đất bằng chờ xây dựng. Nhìn chéo qua khu đất đang san bằng ngổn ngang đá, gạch. Giật mình nhớ lại, đây nơi xưa là trường tiểu học Nguyễn Công Trứ ! Bây giờ …! Tôi thẩn thờ nhìn qua phía bên kia đường ( Phan Bội Châu cũ). Ngôi đình Lạc Giao vẫn còn nhưng bé nhỏ lạc loài giữa những dãy lầu cao.
Tôi cũng cảm thấy lạc loài bơ vơ giữa buổi chiều thị xã trời vần vụ mây đen!.
Cũng là trời mây của những buổi chiều thị xã vào mùa mưa như ngày nào nhưng cảnh quang giờ đây đã hoàn toàn thay đổi!.
Nhìn không ra cái ngả tư Phan Bội Châu – Tôn Thất Thuyết ( nay là Lê Hồng Phong ).
Cái ngả tư gởi nhiều kỷ niệm những đêm khuya nhóm bạn ( Hồ việt Thống, Đoàn văn Trường, Phùng ngọc Long, Hùynh bá Phẩm, Phạm phú Thái… ) ngồi học bài thi dưới ánh đèn đường . Nhà Hồ việt Thống ở quá ngả tư vài chục bước nên được chọn là tụ điểm để hàng đêm nhóm bạn đến ôn bài. Cả bọn thường ra ngồi dưới cột điện ở ngả tư để dùi mài kinh sử. Thường thì nửa đêm, có khi về nhà Hồ việt Thống, có khi chị Ngọc Anh mang nồi cháo trắng ra ngả tư này để cả bọn giành nhau la hét cãi cọ um sùm chén to chén nhỏ, múc ít múc nhiều. Chữ, nuốt, thì chưa biết được bao nhiêu trong bụng nhưng cháo khuya thì đứa nào cũng ( hay cũng vừa, đủ ) cành hông.
Giành nhau miếng cháo khuya ngày đó thì cứ coi như là đứa nào cũng đồng đều, ấm bụng. Giành khoa bảng để dọn đường sau này cho có cảnh ông Trạng vinh qui thì , ngày đó, chỉ có Phùng ngọc Long, Đoàn văn Trường bỏ cuộc . Hai đứa bạn của tôi đã vào đời ( rồi cũng bỏ đời! )sớm nhất trong lớp bạn cùng trang lứa.
Chị Ngọc Anh không biết bây giờ ở nơi đâu?. Tình cờ có đọc những dòng chữ này, nhớ tìm thăm…
Đó là mới chỉ nhìn thấy một con đường thôi, đã bồi hồi nhớ nhiều kỷ niệm đủ để ngậm ngùi. Đi cho hết những con đường thị xã, kỷ niệm xưa hành hạ chắc là ngậm ngùi không nổi chịu…
Có tìm thăm Hoàng văn Đức. Hai đứa ngồi nhìn nhau, thầm lặng. Tấm ảnh thờ ngó trẻ trung lành lặn đâu có phong sương phờ phạc như ngày gặp nhau lần cuối !
Dòng đời cứ trôi đi…Con đường đất đá gồ ghề um tùm cây cỏ dẫn xuống khu Trần Hưng Đạo, nhà bạn tôi, ngày nào bây giờ khang trang rộng lớn vẻ dáng tươi mát tân kỳ nhìn không ra xưa cũ. Cháu Nhân chở tôi đi vòng vo quanh quẩn gần cả tiếng đồng hồ, hỏi thăm người trong xóm, ai cũng lắc đầu không biết!. Hóa ra là người xóm cũ đã đi xa, người xa lạ thì về xóm cũ. Cuối cùng, tưởng là bỏ cuộc lại may mắn hỏi được một người cũ chưa đi xa. Lại hỏi trúng ngay nhà bạn. Tôi ngỡ ngàng. Căn phòng cũ, gần sát hàng rào, nơi hai đứa ngày nào thức trắng đêm chuyện trò nay là phòng khách khang trang . Bạn tôi vẫn ngồi đó, tính ra, cũng gần mười-ba năm rồi ! Ngồi một mình ngó cái bát nhang rồi ngóng bạn bè! Nay có bạn chí cốt về thăm, thấy bạn xưa vẫn còn trẻ trung lành lặn, chỉ có điều sao thầm lặng quá! Ngày xưa, gặp nhau ồn ào, sôi nổi…
Giữa mùi khói nhang quyện nỗi buồn hiu. Gặp nhau chiều hôm đó, trời thị xã dọa đổ cơn mưa, mây vần vũ xám ngắt. Ngồi lại với nhau một lát thôi, rồi lại chia tay. Hồi đó chia tay, bắt tay. Chiều nay, chia tay, không còn có bàn tay của mày cho tao nắm bắt, cho tao chia ấm nồng tình bạn. Chỉ có ánh mắt nhìn…
Không ghé thăm Hồ việt Thống được vì nó ở Phước An, xa. Nó cũng đang ngồi một mình ngó bát nhang rồi ngóng bạn bè!. Thời gian hạn hẹp quá ! Vỏn vẹn chỉ có hai ngày ở Ban Mê Thuột !.
Không ghé Suối Đốc Học thăm Phùng ngọc Long vì chú em Phùng ngọc Cửu đã đưa nó về Sàigòn. Biết là nó cũng đang ngồi một mình ngó bát nhang rồi ngóng bạn bè nhưng cách chi còn có thì giờ để tìm thăm !
Chỉ còn lại, ngày xưa, là quán phở Tân Hiên. Quán cũng như tên, ngày nào, vẫn không thay đổi. Vậy mà cũng không có thì giờ để vào tìm lại hương vị bát phở ngày xưa !...

***


Tôi rời xa Ban mê thuột vào buổi tối trời mưa như thác. Cháu Lễ lái xe vòng vo qua những con đường ý chừng như để cho chú nhìn lại những hình ảnh ngày xưa. Loáng thoáng những ánh điện mịt mờ dưới làn mưa trắng xóa, có nhìn thấy gì đâu, thị xã của ngày chia xa và ngày trở lại !
Phi trường Phụng Dực cũng đổi dáng, nhìn không ra.
Chỉ có ngày xưa còn giữ lại khi hai chú cháu ôm nhau nghẹn ngào lời chia tay. Tình cảm thương yêu vẫn như ngày nào…Ngày nào, cháu còn bé tí nay đã cao lớn , vẻ dáng phong trần. Nhìn cháu lại nhớ, cũng ở Phi Trường Phụng Dực, lần chú tuổi thanh xuân, chia tay Ban mê thuột để nhập cuộc vào đời…
Tuổi thanh xuân đã một lần chia xa. Tuổi cuối chiều thêm một lần chia xa.
Có khoảng thời gian nào để hẹn lần, nữa, về qua Ban mê thuột !

Về qua Ban mê thuột
tháng 8/08

CHIỀU NHẬN ĐƯỢC TIN THƯ BẠN


tặng Hồ việt Thống, Hoàng văn Đức
chiều mưa chia tay quán cóc ngả tư
Lê văn Duyệt- Phan Bội Châu thị xã Ban mê Thuột


tao về thị xã chiều hôm đó
ba đứa ngồi nhìn mưa bên hiên
ly beer đọng giọt mừng tri ngộ
mai mốt mỗi thằng đi mỗi nơi !

nhắc nhau chuyện cũ, nhớ chuyện cũ
mấy lượt người xa, mấy lượt về
nhẩm lại trên tay còn mấy đứa
ngồi lại nhìn nhau !. Buồn hay vui !

uống cạn đôi ba ngày gặp lại
nuốt nghẹn thời gian về lối xưa
bao năm biền biệt tìm nhau mãi
nay gặp nhau rồi, cứ níu nhau

chiều đi nghiêng ngả, chiều mưa bay
đường xưa ngập nước phố xưa đây
bao năm biền biệt về dưng lạ
lạ cả đường quen góc quán này !

mới biết tháng, năm tàn nhẫn quá
chẳng đợi người đi đón kẻ về
tang thương thế sự dìm dâu bể
vô tình đâu nghĩ đến lòng đau !

mai tao đi tụi mày ở lại
quê hương có xót dạ xé lòng
hay có đắng cay tràn thị xã
tụi mày cứ giữ lấy chiều nay !

giữ lấy mà thương từng kỷ niệm
trường xưa lớp cũ tháng, năm xa
cái thuở tóc xanh hồn dạng trẻ
ôm thời hoa-mộng-tuổi-học-trò !

bây giờ tóc đã nhàu phiêu giạt
đời đã phong trần sương gió phai
gặp nhau chiều ấy ngồi rưng lại
nhớ, quên cũng quá nửa địa cầu !

chiều nay nhận được tin thư bạn
lòng kẻ xa quê thiệt nỗi buồn
bỗng dưng nhớ lại chiều mưa ấy
thị xã ngày xưa lạc nhiễu nhương !...

2/1966
và sau đó nhận được tin Hồ việt Thống
mất tháng 6/1966, Hoàng văn Đức mất 8/9/1966