tháng 4 30, 2017

Một Thuở Ái Tình

        















tôi với em cùng một xóm nhà quê
cùng chịu đời nhau đói nghèo cơ khổ
lớn phổng phao lên nhờ nồi Su Su luộc
ghém nồi Khoai trộn Sắn mót trên nương

đêm nhà đèn dầu ra đường thắp đuốc
mổi tháng đợi Trăng soi dáng sân Đình
lâu lắm rồi nhớ sực chuyện chúng mình
bắt ngọn từ những mùa Trăng xưa cũ

hồi em rải ô quan tôi rượt-bắt-cứu-tù
những trò chơi tưởng như hồi thơ trẻ
em có ngờ đâu ai đời tôi thè thẹ
ngó bàn tay tháp bút rồi ngẩn ngơ

từ đó tôi mơ sẽ biết làm Thơ
để tả bàn tay rải ô quan thon thả
nhân tiện tả(hai)chân cảnh tình rất lạ
cứ quíu  nhau không chạy kịp cứu tù

giờ nghĩ lại chê mình khờ nhừ tử
là móm mém hơi tình rồi đó chú em
mới bây tuổi đã rập rình tới bến
hèn chi tình cứ dong duổi dòng Thơ..

viết dưới hiên trăng 30/04/2017.

tháng 4 22, 2017

Một Đời Nhớ Lại






buổi tôi về tìm trú nhà xưa
em khóc in mưa trời Đà Lạt
mưa rơi nước ngọt mưa em mặn
mưa tôi thì mặn chát mặn chằn

khóc đã nưa rồi vui tới ngấn
lạ lùng nước mắt vẫn dòng trôi
ôm nhau mới thấu lòng nước mắt
buồn cũng rơi vui quá cũng rơi

từ đó hai mình giạt dòng trôi
níu thêm cay đắng ghé hiên đời
vẫn tình yêu trượt dài tới nỗi
có nhau bèo giạt vói hoa trôi

một thuở tôi lỡ thời trơ trọi
tìm em ghé mỏn chốn nương thân
cám ơn đời buồn vui khánh tận
vẫn chia nhau lạc bước phong trần

ở chốn khó dung thời lạc vận
thì thôi rượt đuổi nẻo sơn khê
em níu tình tôi từ dạo ấy
tới nay mờ mịt dấu đường quê

tháng Tư có lắm lời muốn kể
mà thôi chừng đó cũng cũng đủ rồi....

viết dưới hiên trăng 22/04/2014

Đà Lạt[in như] Đã Lạt



nhiều năm xa em về đà lạt
phố chợ ngày xưa có lạ nhìn
người thuở đi xa giờ quày lại
chỉ là du khách đến rồi đi

ánh nhìn như vậy không vui lắm
chẳng trách gì đâu cảnh đổi đời
người xưa về lại thành người lạ
đà lạt giờ đây đã lạt rồi

thôi em đừng nói chuyện thời gần
cứ nhắn thời xa cho tình tự
đà lạt có răng rồi cũng rứa
vẫn cắn tình nhau tới sật sừ

nói gần nói xa ra nói thiệt
hai mình vốn cùng làng cùng xóm
lên xuống gặp nhau rồi ôm riết
tận giờ vẫn miết chặt vòng ôm

em về đòi nợ trời đà lạt
trả lại cho anh lụy một thời
như hồi dạo phố đêm se lạnh
trái bắp nướng mỡ hành nóng hổi

như những chiều mưa giăng cố quận
quán bánh xèo ngồi ghé gần nhau
như đêm khuya về đường vắng lặng
ổ bánh mì wĩnh chấn giòn tan

như ngọt chén chè kê mệ Xứng
ngó em nheo mắt rồi liếc anh
ngó liếc một hồi làm phát ngượng
chén chè xưa quên nhớ để dành

còn biết bao quên rồi lại nhớ
một thời chốn cũ níu đời nhau
nay dịp trở về em gom gói
trả bớt cho anh cuộc bể dâu

lâu quá anh không về thăm lại
ai đời lại quá quắt đổi thay
dấu cũ như muôn trùng xa ngái
níu hoài cũng lỏng lẻo vòng tay

thôi thì em xong việc rồi đi
đừng ở lâu chi cho bi lụy
anh tự biết mình em yên chí
buồn vui cũng đủ ngấm  thịnh suy

quê xa rưng nhớ trời quê cũ
đau nhói lòng riêng nhớ vậy thôi
cám ơn em không thèm cất giú
nói thiệt lòng nhau buổi đổi đời

đà lạt chúng mình giờ đã lạc
em về ngơ ngác ngó dòng trôi
thì thôi ghé chút rồi thoái thác
về tìm nhau dẫu lạ phương trời

anh viết bài Thơ này rất thật
nói vói quê riêng của chúng mình
đà lạt hai mình giờ đã lạc
buồn vui không lẻ cứ mần thinh....

viết dưới hiên trăng 19/04/2017

Nhắn Vói Mùa Xưa














tôi không về cùng em
ghé làng xưa xóm cũ
nói thiệt lòng khó giú
vết đau xưa chưa lành

lá đau xót lìa cành
chim đau buồn lìa tổ
tôi y chang vậy đó
đau điếng nỗi xa quê

em về một mình nghen
lo hương phần Ba Mẹ
gởi nương lời kinh kệ
xa cảnh đời hổn mang

xóm làng giờ vướng mạng
lưới đổi thay bạo tàn
em về cho tường tận
đâu cần tôi nói ra

mấy mươi năm đi xa
ai mà không chột nhớ
nói thiệt thì không nỡ
nhín nói càng nhói đau

đổi thay hết còn đâu
đường tình xưa cũng xóa
dòng Trăng xưa cũng đọa
đày sân Đình đọa lây

em về mình em vậy
tôi chỉ nhắn trong Thơ
con đường tình ngày đó
còn nhớ tới tôi không....

viết dưới hiên trăng 18/04/2017

tháng 4 19, 2017

Tản Mạn Một Lần Về...


..












.không có cửa Địa Ngục
không có cửa Thiên Đàng
chỉ có một cửa Đời
rất thật...
...tháng Tư...

Hiền thê đương thân một mình bương chải về cố quận lo tro cốt người quá vãng gởi gắm vô cảnh tịnh yên (nghe nói là Linh Phong Tự) đặng có sớm hôm hương khói nương lời kinh kệ tiếp nối chặng đường vãng sanh miền Cực Lạc. Ý nguyện từ lâu hằng ấp ủ nay có dịp trùng tu. Vậy thì hiền thê cứ lên đàng lo toan nhiệm vụ. Hồi cha mẹ sanh tiền hai đứa còn xất-bất-xang-bang lo đời riêng trong hoàn cảnh(ngộ)bể dâu thương hải tất bật nồi cơm độn sắn khoai ngô còn lấy đường mô mà nói ưng thêm lời phụng dưỡng. Huống nữa tôi hồi đó từ rào kẽm trở về trầy xướt tâm hồn thân tàn ma dại nhờ đỡ hiền thê chia cho miếng ăn độn, hạt muối cũng cắn đôi, buồn vui cùng chia nửa...
Là chuyện xưa nối chặng đường đời đá cục đá hòn cỏ dại lấn chen tưởng như cùng đường nghẹt lối.
Tới nay thì ra xa lộ rồi. Cũng quá nhiêu khê mới ra tới đặng.
Nay hiền thê về lại cội nguồn lo liệu mọi đàng cho cha mẹ anh em đã không còn trên cõi đời này nữa, là chuyện đáng phải nên làm. Rất tiếc, tôi không cùng đi. Có những niềm riêng nín giú trong lòng không tiện nói ra lời. Quê hương nguồn cội ai mà không nhớ nhưng mà...
Thôi, đừng nói gắng gượng thêm chi nữa. Xếp lớp sắp tới là bốn-mươi-hai năm rồi từ ngày đó...
Chừng bấy nhiêu, hiền thê cũng thầm hiểu các con cũng thấu lòng Ba. Con người không có một tâm hồn chỉ là con người sáp. Không còn có tâm hồn là tự thân buông xuôi cho bèo giạt huê trôi tới đâu ghé đó miển có một nơi chốn nương nhờ buổi sa cơ lỡ vận. Đâu có mà an tâm an phận làm vậy !.
Nói gần xa là không về, không cùng về...
Nghe rồi thấy hình ảnh xóm cũ làng xưa đã thay hình đổi dạng là điều tất nhiên qua bao năm tháng, kể từ ngày đó. Có điều đổi thay quá nỗi thăng trầm. Người xóm xưa đã lạc tận Đông Đoài nay còn lại in chừng vài nóc gia lụp xụp giữa bốn bề cao ngất.
Nghe nói lại là gặp những người xưa chỉ lưa thưa mấy mống còn lưa ra là người mới lũ lượt kéo về đùm đề thê tử giành giựt cạn mòn ngày xưa.
Dốc La Sơn Phu Tử chạm dốc Ngô Quyền rấn xuống một khúc ngắn là gặp chợ Chiều, giờ đã xóa nhòa mất hết rồi. Hục Bà Sơ cũng nổi đình đám lô nhô nhà cao tầng màu mè chói mắt tới luôn cả đồi Trọc lấn chiếm cả rừng Ngo. Suối Cam Ly của ngày nào e cũng nín khe rồi khô dòng chảy bởi sự đổi thay lấn chiếm tằm ăn dâu. Về lại, thấy như vào cõi lạ.
Chuyện dài quá trời cho một lần về chạm mặt đổi thay không nhẹ nhàng chi mà thiệt là hung bạo đến sững sờ.
Người xưa thì không đổi thay nhưng đổi nơi, chỉ nhúm lưa thưa còn lưa ra là tản mác tứ tán phương đời. Kiểu dáng như bầy ong vỡ tổ. Hồn thiêng làng xóm là mái Đình cong dáng cổ xưa nay cũng đã mất dấu hết rồi. Mấy Ôn xưa chiêng trống khói nhang ngày lễ hội kỳ yên giờ cũng đi xa.
Con cháu dù có bỏ đi xa còn có lúc có dịp ghé về. Mấy Ôn đi xa thì không cách chi về được nữa!. Nhang tàn, khói lạnh làm buồn lây lòng dạ mấy Mệ...
Buồn não lòng con cháu khi còn, có, dịp về thăm lại.
Tôi không về, không cùng về nhưng thấu nỗi đau người ghé về thăm chốn cũ. Thay đổi là lẽ tất nhiên theo thời dòng đời thời gian nhưng nói thiệt, đổi thay quay quắt như vầy thiệt là không còn chốn nương thân, đừng nói khi trở về thăm mà cả khi tưởng tượng buổi về cũng lây lan cơn sốt cao độ : nỗi buồn lòng.
Hiền thê về thấy cảnh tình như vậy cũng thấm nỗi buồn lòng. Tôi không về, không cùng về nhưng nỗi buồn còn nặng ký hơn. Xóm cũ giờ, nếu nói đúng ý văn thơ y chang lời cảm nghĩ, đã là hoàn toàn xóm mới. Không còn dây mơ rễ má gì tới xóm làng xưa. Hai chữ diễn(rồi giải) nghỉa “hoàn toàn”, nghe ra cho tỏ tường, mới thiệt là ớn lạnh...
Lại thêm “xóm mới” (theo thời đổi đời). Thiệt muốn nổi da gà...
Hỏi nhỏ hiền thê là con dốc Ngô Quyền giờ còn(hay đã)thay tên. Có êm đềm như hồi xưa tình yêu lên(dốc)xuống(dốc)giữa mùa-trăng-kỷ-niệm vằng vặc dòng trôi êm đềm hai dãy nhà trầm mặc giú kín bao dung tình yêu hai đứa(mình). Câu trả lời là không có thay tên vẫn đường xưa lối cũ nhưng giờ nhà cao(thấp)tầng đã che khuất vầng Trăng soi với lại ồn ào chợ búa(tạ)làm sao có được lời tình tự với thêm lòng bao dung thầm kín như hồi...Giờ chụp giựt bon chen phát ngôn “nặng ký” e không chừng đau nhói tình xa...xưa... Trăng vốn xưa nay vẫn thủy chung êm đềm muôn đời soi dọi nhưng ở xóm mới này thì thôi !. Đường Trăng xưa nay đâu!.
Mới hỏi nhẹ một câu mà đã nghẹn lời bày tỏ. Thôi, hiền thê ơi, cứ giú trong lòng chuyện tình xưa ngày xưa cho văn(g) thơ tôi còn có mái che phên giậu khi nhắc nhớ một thời quấn quyện đời nhau trên dốc cũ. May là còn đó, chưa đổi tên.
Còn những người xưa ai đi xa ai còn ai mất hiền thê cứ nói rỏ cho ra nỗi thăng trầm. Câu trả lời là giờ hủ tro than gởi nương nhờ nơi thanh tịnh xa lánh cảnh tranh giành bát nháo còn ngoài ra có gặp lại ai đâu mà nói chuyện đổi thời đổi đời. Vậy là bù trất ngóng chuyện ngày xưa người xưa xóm xưa...
Về xóm cũ chạm xóm mới là nỗi bất ưng. Nghe chuyện kể hôm nay đặng so bì xóm xưa là điều bất khứng. Thôi, hiền thê cứ an tâm lo chuyện trên đầu trên cổ còn chuyện trong trái tim trong lòng thì xả bỏ, giùm.
Tôi thuở giờ Thơ kéo dài(như kéo kẹo kéo dài ngoằn)tới văn, viết chuyện đời thường không có văn hoa tình tự chải chuốt chi trơn. Có làm sao thì nói ra làm vậy. Có ôn mô(thiệt tình quên tên)cũng đồng tình là cứ có làm sao viết ra làm vậy. Thêm, là bậy. Bớt, là quá bậy. Thôi thà nói một lời không bậy không quá bậy là hiền thê về quê chuyến này cứ lo chuyện lớn còn râu ria hỏi thăm đời xưa đời nay là chuyện kể bên lề.
Xóm cũ xóm mới miển còn xóm là được. Còn hiếm hoi tìm gặp được dăm ba người  cư-trú-lì để hàn huyên dài ngắn cũng là niềm an ủi buổi về không đến nổi tưởng mình đi lạc vào cõi lạ. Thấy hình anh Huy chị Thêm nhỏ chị Thêm lớn cô Mai cô Hà chú Thành còn ngồi với hiền thê cười nói buổi về, là vui lây rồi. Coi thêm hình lớp bạn học của Minh Trí nhà mình ngày xưa Huy, Hà, Phúc(không thấy Thông, Hiền) lại thêm vui. Còn gặp được o Mộng Hà o Minh Thu bác Thích ở quán Mệ Cai Hoành, vui dài lâu hơn chút. Thêm, nêm thêm, các cháu của O của Dì xúm xít tình thân cứ hỏi răng Dượng không cùng về. Nói răng đây cho đủ. Dượng không về không ưng về là có cái răng riêng của Dượng. Các cháu hỏi  khó chi cho o dì không biết làm răng mà “noái” chuyện ra răng mà Dượng nỏ về....
Vậy là đi lên rồi đi xuống xóm xưa may còn gặp lại mấy người xưa an ủi đôi phần.
Hồi đó có ông Hạ Tri Chương trẻ xa quê già về chốn cũ. Lủ trẻ chạy theo hỏi lạ người đâu về đó vậy. Nay hiền thê cũng lạc bước xa quê  trở về, lủ trẻ đón ân cần vui mừng làm vậy, còn đòi chi. Mới hay tình nghĩa giáo khoa thư hồi đồng ấu vẫn nặng lòng theo cho tận buổi hồi hưu(hay hồi hương!).
Tháng Tư trời đất giao hòa trối Đông hàn qua Xuân ấm. Bồng ấm hơi cháu ngoại Teddy, ôn cháu ngồi ngó đàn cá bơi lội tung tăng hồn nhiên thoải mái. Cháu ham ngó cá bơi  ngạc nhiên thích thú. Ôn ham bận trầm ngâm dàn dựng chuyện tản mạn đời thường nhân buổi Mệ về quê cũ. Lát nữa vô phòng Văn chờ ru  cháu ngủ mới rảnh rang gỏ nên chữ nên câu nên bài lưu trữ dòng văn thơ.  Một ngày không có thơ văn thì Ôn khó thở. Một ngày cháu không có món cháo nhuyễn nhừ mẹ Út, Ba Út(bởi cả hai cùng là con út hai nhà)nấu thì cháu khó ở.
Ôn, tâm hồn thơ văn. Cháu, tâm hồn ăn uống . Nói chuyện huề vốn, mắc cười ...

Nay hiền thê vượt trùng dương đáo hồi vói níu quê xưa. Bảo trọng miếng nhai ăn miếng uống nước kẻo thân lại lụy thân thê thảm hơn thời cơm độn sắn ngô khoai!.
Suýt nữa rồi quên hỏi hiền thê là cơn ho dai dẵng giờ tới ngấn nào !. Có dấu hiệu hạ màn hay còn hung bạo(tàn canh) cho qua hết tháng Tư ?.
Ai biểu vốn xưa rồi tới nay cứ mãi ăn theo dân H.O khiến cho  mổi tháng Tư, trở chứng nhớ mùa xưa, ho khan ho thắt ho sặc sụa...
Thật tình đâu khứng làm ra vậy nhưng cứ thuở giờ mang  dáng  vẻ H.O.
Mới thành ra Ho.
Thôi thế thời thôi đành thế vậy. Hiền thê cứ ho cho đã nưa tháng Tư qua từng chặng đưởng đời ly xứ.
Về quê nhà...cứ....ho thêm...ho cho đã...cho quên....


viết dưới hiên trăng, tháng Tư mù hóng...

tháng 4 14, 2017

Tâm Sự Rất Thật Lời

Chợ Chiều ngày nay

là em nhắn khi về thăm xóm cũ
không còn hứng chi mết-sịt với còm-men
lạc mất hết rồi anh ơi những dấu thân quen
giờ về lại xóm xưa in như về cõi lạ

làng xóm giờ quặn lòng đau trăm ngả
không còn hồi xưa hai đứa ghé chợ Chiều
quạnh quán bún Bò níu gánh bún Riêu
hai đứa tranh nhau húp tràn lan tình ái

nói riêng anh nghe mà lòng em ái ngại
không dám không đành tả hết nỗi lạ lùng
sợ anh nghẹn lòng đau rồi anh trở chứng
chưởi đời đau đời nhục đời bể dâu

thiệt lòng em không muốn vậy đâu
nghiệt nỗi đổi thay khiến lòng chết sửng
về lại đây em liệt hạng người dưng
không rể mớ dây mơ chi một thời đã sống

hồi hai đứa lạc giữa đời tồng bộng
anh tù đày em vượt ải khổ sai
miếng đói no nhín nhường qua sớt lại
cho tới khi vượt cạn bến sông hồ

nay em về ghém lại dáng mồ côi
làng xóm ngày xưa đã không còn dấu cũ
người phương xa về giành nhau cát cứ
xua dấu yêu xưa lạc chợ trôi sông

em về xóm quê buồn tới bến nỗi lòng
không dám chia anh ngại anh buồn quá bến
câu chữ trong Thơ cũng nhói lòng hòa quyện
không có bài thơ tình nào cho em....

viết dưới hiên trăng 12/04/2017



tháng 4 09, 2017

Mưa Tím

Mưa tím


      Ảnh Dương Quốc Định

                       

              Ngày 18, tôi bỏ Huế, đi mạng không. Tới 26 tháng 3, ở Sài Gòn nghe tin Huế chết. Ngồi cà phê quán cóc trước Thư viện Quốc gia tự dưng nước mắt giọt ngắn giọt dài giữa trưa đứng gió. Ba hôm sau, Đà Nẵng mất. Ngày ám tối ấy được Luân Hoán khắc ghi trong 4 câu thơ:
“hăm chín tháng ba bảy lăm
chia tay nhau tại Ngã Năm dặn rằng:
thằng nào sống phải nhớ ăn
thêm tô mì Quảng cho thằng chết đi”.

Bạn tôi ai còn ai mất? Tôi không biết, tôi chạy xe về bên hông chợ Tân Định, ăn, và, lùa vô miệng đắng tô bún bò lưu lạc, nhai trái ớt hiểm rau ráu mà nước mắt thôi còn để chảy ra. Chỉ toát mồ hôi, ướt nghe ngói một chữ buồn. Buồn vô hậu. Một tháng sau, màu đỏ liền lạc suốt non sông.
Lại thất tán, lại đổ vỡ, lại thiếu hụt, lại tù tội, lại kẻ ở người đi. Sau bốn năm đầy tai ương, tôi chịu cúi đầu vĩnh viễn xa đất mẹ chưa phút giây nguôi hận thù. Lần này không nhớ tháng ngày, chỉ biết đêm không trăng sao, gió lạnh và sóng lớn. Thuyền nhỏ trôi hơn hai tuần thì đến được Hồng Kông, Hớn Cỏn, Hương Cảng, Cảng Thơm. Và một trang đời chính thức được lật qua. “Em về điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười”. Cười thì quả có cười thật, nhưng ngạo thì… dạ mô có. Em cũng biết thân biết phận chớ bộ, tại bây chừ lý lịch em mang: Vô tổ quốc.
Xa xứ, do đẩy đưa duyên phận, tôi quen được lắm anh chị đồng hương hoặc đôi người có cảm tình với Huế. Mới đây thì biết thêm anh Đỗ Xuân Tê viết văn, anh Trần Huy Sao làm thơ. Bàn viết lữ thứ (chữ của Mai Thảo) cả hai vị đều ở tận tiểu bang California, khác đất nước và địa lý thì xa muôn trùng nên chẳng thể sớm chiều hẹn hò tay bắt mặt mừng (bán trời có văn tự).
Anh Đỗ Xuân Tê chỉ là khách phương xa lỡ nặng lòng với đất Thuận Hoá. Để minh định anh trích dẫn thơ của Trần Kiêu Bạc trên bài tản mạn “10 năm biết Huế” :
“Mai mốt về ôm lòng đất Huế,
Mượn Huế ai làm Huế của tôi”.
Không che dấu cảm tình dành cho vùng gần sát địa đầu giới tuyến kia, anh ghi ra những cột mốc khi ghé ngang, dừng chân như thứ duyên nợ “chiều chiều trước bến Vân Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm..”: Đầu tiên là mùa Thu 1965, kế đến là Mậu thân 68, mùa Hè 71, mùa Hè 73… và cuối cùng vào năm 1988, trên chuyến tàu Bắc Nam chở khách tang thương, ghé nhà ga Huế vào nửa đêm, ăn được tô bún bò ân tình khi O bán bún nhìn và hiểu ra thân phận của khách để từ chối việc nhận tiền. Nhà văn Đỗ Xuân Tê tả cảnh Huế chìm trôi trong sương khuya, buồn lặng. Và anh chấm câu: Rồi thì xa Huế vĩnh viễn. Một sĩ quan vì công vụ phải đến Huế làm việc ngắn ngày trong nhiều thời điểm, 23 năm sau người sĩ quan ấy mang thân tù tội vừa được trở về quê cũ, ghé ngang Huế xưa, sương giăng hấp hối tiễn biệt.
Nói tới Huế, vua Tự Đức từng xuất khẩu thành thi: “Tứ thời giai hữu hạ, nhất vũ tiện thành đông”. Hè suốt bốn mùa, mưa một trộ biến thành mùa đông. Nghĩ về Huế, hầu như chữ dùng ai nấy cũng đều váng vất chút buồn. Như ruốc buộc phải nêm vô nồi bún bò giò heo (màu không trong như tô phở). Nói rứa thì e mang tội là vơ đũa cả nắm. Anh Trần Huy Sao, dân cố đô thứ thiệt, hình như biệt lệ. Thơ anh tách biệt với thứ không khí rất “căng” của Trần Vàng Sao:
“Bây giờ tôi đủ tuổi tôi
Nam mô di Phật một đời như không
Ra đường tôi đứng trời trồng
Ốm o xo bại tưởng chừng đứa điên”.
…..
“mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất”.
Thơ Trần Huy Sao dung dị, bình thường, nặng tính tâm sự, nhưng vì “đời thường” như rứa mà chữ nọ biết đi thẳng vô rọt, vô gan, nghe thương dễ sợ:
“sáng hôm ni thiệt là sáng giựt mình
thấy hình o mô ở trên phây-bút
o mô ri hè ngó quen quá sức
ngó một thôi một đỗi, té o Mười!”
“hồi về xóm nhỏ giú cái mặt
không thôi ai ngó cũng thất kinh…

mụ nội cha bây đời thương hải
để người tau yêu khóc quá trời”.
Cũng hậm hực, cũng bất bình nhưng dễ lòi ra tâm địa của người miệng hùm mà gan sứa. Giận lẫy ba lơn rứa thôi chứ lòng này lành như hòn đất. Thơ anh Trần Huy Sao có nhiều chữ duyên dáng vì đặt nó đúng chỗ. Không phải ai cũng có được chữ “khoèo” như anh:
“Huế mình lên núi qua đèo
Vượt truông trấn ải cũng khoèo ớt theo”.
Những khung cảnh của Ban Mê Thuột, Đà Lạt với nhiều kỷ niệm qua thơ của Trần Huy Sao trở thành một dương bản êm đềm chứa nhiều thi vị dễ mềm lòng khi ngắm lại. Ngoài tài nghệ là phó nhòm chụp bắt cảnh trí những địa danh, Trần Huy Sao còn là một đầu bếp giàu kinh nghiệm. Tô cơm hến, tô mì Quảng, bánh khoái, bún bò qua chữ viết “đắc địa” đã trở thành món “đặc sản’ của riêng thương hiệu Trần Huy Sao. Đọc thơ mà thấy thơm ngon, tài nghệ ấy xưa nay hiếm. Trong một đoản văn, Trần Huy Sao viết như thế này, có phải “chết người” không?: “..Với nồi cá kho rim là rim tới đúng độ ngả màu là thè thẹ lửa riu riu cho lai rai vô tới Huế”.
Duyên dáng quá! Thè thẹ. Huế mới gớm! Người xứ khác chưa chắc hiểu ra. Một đôi chỗ, anh dùng chữ “ngạ”. Nói không ngạ tương đương với “làm sao nói cho hết đây”. Hoặc “nói răng được”? Nhiều thức lắm, ăn không ngạ! Huế đã đành, mà phải Huế xưa mới thấu hiểu. Chụp ảnh rồi, nấu nướng cũng xong, thì giờ còn lại anh cặm cụi dệt vần thương yêu cho gia đình. Ba đảm đang hơn cả những gì người ta mong đợi. Con gái mới sinh cháu, ông Ngoại mừng vui bằng bài thơ ca ngợi hạnh phúc khi về già. Con trai đi xa, làm cha viết xuống tâm cảm đắng lòng. Cô Út lấy chồng, ba lăng xăng tìm lời chia mừng bằng sáu, tám, bằng thất ngôn, bằng lượng sóng cao bên ngoài eo biển San Diego…
Tôi sẽ rất trẽn nếu có ai hiểu lầm tôi mon men làm chuyện bình văn thơ. Dị òm vì biết mình mô đủ khả năng, nói bâng quơ về cái duyên đẩy đưa thì hoạ may. Tự dưng đến một lúc quen biết thêm hai ba người bạn văn, ấy không phải là điều vui thú sao. Khi vui, lỡ nói điều không phải thì chuyện ấy cũng dễ thứ tha. Khi buồn cũng vậy, mấy mươi năm rồi, nhớ về Huế cách trở lòng còn nặng mang vết thương u uất cũng là điều dễ cảm thông.
Ngày cuối thầm lặng chia tay Huế, tôi đi mạng không. Năm tháng trôi qua, các anh chị “đồng bệnh tương lân” đã cho tôi hưởng ké nhiều hương liệu cuộc sống. Huế không chỉ có mù u, hoa phượng, khuynh diệp, sầu đông, sen, sứ… mà Huế còn chất ngất những mùi vị khác toả lan qua chữ viết thập bát ban võ nghệ “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Bây giờ tôi giàu hơn xưa, hành trang nặng lòng, cám ơn những người đồng hành trên bước đường lưu lạc. Hẹn gặp nhau ở Huế khi chốn ấy chỉ toàn cả người tử tế. Nói không ngạ, cười chưa bưa và thè thẹ nhậu lai rai dưới trăng thanh gió mát. Anh Đỗ Xuân Tê và anh Trần Huy Sao có đồng ý không?
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn : www.sangtao.org