tháng 10 18, 2007

Đọc Thơ Trần Huy Sao, Nhớ Đà Lạt


LƯƠNG THƯ TRUNG

Dường như đã qua rồi hơn ba-mươi-năm mà sao lòng tôi vẫn không quên Ðàlạt !
Thành phố vùng cao nguyên lúc nào sương mù cũng bay là đà như đôi mắt người tình vương vương nỗi nhớ xa xăm mù mịt. Những hàng thông thẳng đứng đang nghiêng nghiêng theo những triền dốc trong thành phố như đang bò lên một con dốc ở cuối tầm mắt lúc nào cũng mờ mờ trầm mặc.

Nhớ lần ấy, tôi đếm những gốc thông vụt qua con đường dẫn về thác Cam Ly róc rách tiếng nước trong leo lẻo, trên chuyến xe rời thành phố ra phi trường Cam Ly bên ngoài thành phố để chờ chuyến bay của Usaid trở về Sàigòn. Tôi nghe rừng thông cũng ê ẩm nỗi buồn…

Rừng thông Ðàlạt bao mùa vẫn thế. Vậy mà sáng nay tôi lại hỏi thăm một người con gái vừa từ Ðàlạt ghé qua chốn này và được biết bây giờ người ta phá rừng vô tội vạ. Thông không còn xanh mượt như ngày xưa mà thay vào đó là những căn nhà cho một đời sống điện toán… Nhưng tôi vẫn hy vọng tai mình già rồi nghe không rõ để mà nhớ về Ðàlạt của ngày xưa như Trần Huy Sao có lần ghi lại :

Tôi trở về phố mưa tràn thương nhớ
Bóng đổ dài qua những phố quen xưa
Trời Ðàlạt. Mưa.Thiệt buồn quá đỗi
Phố đìu hiu vắng lạnh giữa mù mây
(Mưa,trích Xóm Ðình Ða Cát, trang 41)

Nỗi nhớ của Trần Huy Sao cũng chính là nỗi nhớ của tôi, của Bạn hay của một người nào đã hơn một lần cho nhau những nụ hôn giữa cơn mưa chiều của thành phố sương mù làm bịn rịn lòng người ra đi hay xót xa kẻ ở lại giữa cái buồn man mác :

Ðường Xóm nhỏ hắt hiu vàng ánh điện
Mây đuổi nhau vần vũ hướng núi Bà
Con dốc Ngô Quyền chia tay bịn rịn
Nụ-hôn-mưa cho một lần chia xa...
(Mưa, trích XÐÐC trang 41)

Xin mở ở đây một dấu ngoặc, dường như trong thơ Trần Huy Sao, tác giả không dùng chữ nào mới mẻ cầu kỳ, chỉ những từ ngữ bình dị thôi nhưng sao nghe nó tê tái cả cõi lòng ! Những từ “quá đỗi”, “đìu hiu”, “vắng lạnh” đâu phải là những chữ mới nhưng sao nó vẫn mang đến cho người đọc cái cảm giác xót xa biết bao

Rồi có lần nào Bạn đã ghé lại cà phê Tùng hay những con dốc quen tên như dốc chợ Hòa Bình, dốc đường Duy Tân, dốc đường Bà Triệu qua chiếc cầu đúc lên ngược khách sạn Ngọc Lan nằm chơi vơi trên ngọn đồi nhìn xuống mặt hồ Xuân Hương mờ mờ dưới kia quyện trong màn mưa nhẹ. Nhưng bạn có lẽ cũng nên mon men theo Trần Huy Sao để thăm quê anh, xóm đình Ða Cát hay con dốc Nhà Bò của Bạb, của tôi :

Tình cờ gặp anh, người Ðàlạt
Nhắc lại ngày xưa,thoáng chạnh lòng
Tôi ở tận xóm đình Ða Cát
Còn anh, ở cuối dốc Nhà Bò

Con dốc đi lên khòm người xuống
Ði về, người muốn bật ra sau
Anh cười, tôi biết, là cười gượng
Lòng đang da diết nhớ quê xưa !
(Ðàlạt Gần Xa Từ Nỗi Nhớ, trích XÐÐC trang 96)

Nhưng có lẽ nỗi nhớ của Trần Huy Sao dành cho Ðàlạt không chỉ dành cho những ngày mới biết yêu với nụ hôn đầu trong ngày giáp Tết, khi ngồi canh bánh Tét :

Ðêm cuối Chạp tiết trời se lạnh
Nhưng lòng anh ấm lắm, nụ-hôn-đầu
Ðừng giận gì anh nghe em yêu dấu
Dấu hôn môi dính mỡ đầy má em !
(Kỷ Niệm Ngày Xuân, trích XÐÐC trang 112)
mà nhà thơ của chúng ta còn xót xa cho cái kiếp đời lưu lạc xa nguồn biền biệt không hẹn ngày về ghé lại một chuyến thăm :

con chim Sâu ở đồi Trọc, rừng Ngo
có thấy con diều đứt dây trốn chạy
con cá Tràu ngược dòng Cam Ly Hạ
có thấy lòng tôi đau xót, xa nguồn !
(Dấu Vết Thời Gian trích XÐÐC trang 110)

Với “dấu thời gian rêu cỏ phủ lối về…”, nhưng cứ mặc, Trần Huy Sao vẫn nghe vang vọng đâu đây trong giấc ngủ tiếng người thương thì thầm bên tai :

Em vẫn chờ anh về. Vẫn đợi
Cỏ rêu năm, tháng mặc cho đời
Trăm năm cũng chỉ là giây khắc
Vẫn cứ chờ và, cứ đợi thôi…
(Ðừng Ðể Ðời Lưu Lạc, trích Nhánh Rong Phiêu trang 67)

Và Trần Huy Sao lại quặn thắt trong tim khi anh thì thầm với Ðàlạt như nói với người yêu ngày nào qua nỗi nghẹn ngào đầy xúc cảm :

Tôi vẫn nhớ em. Nhớ hoài Ðàlạt
Dù cách xa mà cứ ngỡ như gần
Em chẳng thể – bởi vì em đã
Có trong tôi, đằm thắm những ngày xưa...
(Ðàlạt Ơi, Giữa Lòng Em Có Tôi trích NRP trang 79)

Nhưng có lẽ, với Trần Huy Sao, anh làm thơ không cầu văn hay chữ lạ mà chỉ gởi gắm chút tình như một lần tác giả tâm sự với người cùng quê hương xóm đình Ða Cát của Ðàlạt ngày nào :
Tiễn em về tôi đọc một đoạn Thơ
Em rưng lệ thương đời tôi lận đận
Cảm ơn em có chút gì để nhớ
Giữa xôn xao cuộc sống thăng trầm

Thơ tôi viết chẳng có gì trau chuốt
Chẳng cao xa,chẳng làm vẻ khác người
Chỉ chân thật một tấm lòng não nuột
Ðời buồn tênh từ một cuộc đổi đời…
Và :
Nói thì vậy. Thôi, em về kẻo tối
Chiều bâng khuâng nắng lạc bên đồi
Mai mốt rảnh, buồn vui em cứ tới
Ngườicùng quê thì chỉ bấy nhiêu thôi
(Lời Tâm Sự Cùng Em, NRP, trang 51)

Thành ra, đến với thơ Trần Huy Sao, người đọc hãy đến bằng trái tim rung cảm hết sức giản dị của một tâm hồn nhạy cảm như chính nhà thơ mới mong tìm ở thơ anh điều mình cần tìm. Ở đó không có những suy tưởng quá cao siêu mà chỉ là nỗi nhớ, nỗi chờ mong và niềm lưu luyến về một vùng đất có tên Ðàlạt với nhiều kỷ niệm.

Ngoài Thơ ra, Trần Huy Sao trong tuyển tập thơ văn Xóm Ðình Ða Cát, tác giả còn cho người đọc thưởng lãm những truyện ngắn và tùy bút viết về Ðàlạt với bút pháp cũng giản dị như vậy mà tình cảm chứa đựng trong ấy thật là một nỗi niềm xót xa cảm động biết bao ! Vì giới hạn trong bài viết ngắn về nỗi nhớ Ðàlạt khi đọc thơ Trần Huy Sao, nên không tiện trích ra đây.

Lần nào cũng như lần nào, khi đi ngang qua những rừng thông nơi này, nhìn cái dáng đứng im lìm của một loại rừng nguyên sơ nơi đây lòng tôi bỗng nhớ về con dốc Bà Triệu, nhớ đồi Cù, nhớ Giáo Hoàng Chủng Viện, nhớ cà phê Tùng, nhớ Ðập Ðất, nhớ Ðơn Dương, Lạc Dương, nhớ thác Cam Ly, nhớ Ðàlạt…Những dấu chân ngày nào với ai đó đếm bước đi, giờ có lẽ đã “rêu cỏ phủ lối về” như thơ trần huy sao diễn tả, nhưng trong lòng không thôi hết tương tư về chốn cũ mấy mươi năm…

Hết “ Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu “, tập truyện của Nguyễn Xuân Hoàng, giờ đến những dòng Thơ (và Truyện) của Trần Huy Sao luôn luôn là những gợi nhớ trong tôi về Ðàlạt cùng tuổi trẻ với nhiều kỷ niệm quá dễ thương mà tôi có ở đó.

Xin cảm ơn Ðàlạt với những kỷ niệm đẹp ngày nào và xin cảm ơn tác giả đã mang lại cho người đọc một chút tình và một chút quê hương qua Thơ Văn của quý vị như vậy.

LƯƠNG THƯ TRUNG


Tài liệu trích dẫn :
Nhánh Rong Phiêu (thơ) Trần Huy Sao (1999)
Xóm Ðình Ða Cát (tuyển tập thơ văn) Trần Huy Sao (2000)

Không có nhận xét nào: