tháng 4 30, 2010

NHỮNG MẢNH ĐỜI TAN NÁT


Anh ơi ! mưa lạnh cuộc tình
Nắng hong thương nhớ hai mình khô rang
Kể từ anh biệt dương gian
Bỏ em trơ trọi lang thang chợ Đời...


Loan nhất định không chịu đi vùng Kinh tế Mới. Trong các buổi họp Tổ Dân Phố cũng như khi có Giấy Mời lên UBND Phường, nàng vẫn cứ một câu ngắn gọn : “ Thả chồng tôi về thì tôi đi !”. Nàng biết rõ, ông Chủ tịch Phường đâu có cái quyền hạn đó, cả tên Công an Khu vực mặt búng ra sữa nữa. Thêm tay Năm Tiễn, Tổ trưởng An ninh hay bà Bảy Thệ, Cán sự Phụ nữ, thì cũng vậy thôi !
Chỉ được nước hù dọa.
Vậy mà cũng có nhiều gia đình lo sợ, ký giấy tình nguyện ra đi. Bởi nếu không đi thì Cha hoặc Chồng, Con phải kéo dài thêm thời hạn “cải tạo”, sẽ không có ngày về! Ai mà nỡ !
Trên danh nghĩa là có sự tự nguyện, gia đình chấp hành chủ trương chính sách tốt. Phường, Khóm, Tổ đạt chỉ tiêu, đạt danh hiệu tiên tiến. Liên hoan mừng công, ăn uống phè phởn. Cũng là dịp để bòn rút của công dựa vào lý do chính đáng. Ăn một tính mười, chẳng tội vạ vào đâu. Chỉ tội mấy gia đình ký giấy tình nguyện. Nhà cửa coi như dâng hiến, chỉ mang theo vật dụng thiết thân với một niềm khát khao hy vọng là một ngày Cha, Chồng hoặc Con sẽ sớm về đoàn tụ ! Ông Bí thư Phường xoa tay đắc ý, dặn Chủ tịch Phường vén khéo tổ chức một buổi ra quân tiễn đưa có biểu ngữ, cờ xí cho “ra vẻ” một chút. Chủ tịch Phường đùn việc xuống cho Đoàn Thanh niên và Hội Phụ Nữ Phường. Ở đây lại đùn việc xuống cho các Tổ Dân phố đóng góp, thực hiện !
Ngày ra quân cũng thiệt nhộn nhịp. Sáng sớm đã thấy mấy chiếc xe tải đậu hàng dọc trước UBND Phường, chờ vận chuyển. Bà con ở các Tổ Dân phố lục tục kéo tới. Đêm hôm trước có cuộc họp chỉ thị mỗi Tổ đề cử tám người đi tham dự. Việc điểm danh báo cáo giao cho Đồn Công an Phường đảm trách. Dính tới mấy cha này thì như chưn ruồi dính mủ mít, khó đường vùng vẫy.
Từ sớm, đã thấy tay Đồn phó Công an đứng chờ. Hắn đi qua từng Tổ, điểm người :
- Một, hai, ba, tư, năm, sáu...Ậy, sao lại thiếu hai người ? Cái Tổ Ba này...
Tức thì, ông Tổ phó An ninh nhanh nhẩu :
- Dạ, báo cáo anh, có hai người dắt theo hai em nhỏ. Xin anh tính luôn !
Hắn liếc nhanh ông Tổ phó, nhíu mày không nói gì, ghi vô sổ con số tám mập ú. Hắn nhớ, hai hôm trước hắn có nhậu quắc-cần-câu tại nhà tay này mà ! Lại điểm danh tiếp tới từng Tổ. Qua Tổ Tám, hắn lại thắc mắc :
- Tổ Tám sao lại chỉ có ba người thế này ?
Bà Tổ phó An ninh kiêm Tổ trưởng Phụ nữ đang chực sẵn, tiếp lời gọn bâng :
- Dà, báo cáo anh, tính cả tui là bốn. Còn bốn người thì có tên trong danh sách đi sáng nay. Lát nữa họ tới, đứng vô luôn cho đủ số !
Tổ Tám, đa phần là dân đốn củi làm than. Sáng tờ mờ đã tuốt vô rừng, có khi phải ở lại canh lò hai ba ngày, lấy người đâu cho đủ số ! Tay Công an cũng biết vậy, lắc đầu ngao ngán, ghi vô sổ. Chắc là trong bụng không bằng lòng lắm với cách giải quyết “qua ải rút cầu” nên chi con số tám ghi như cái dấu quẹt vòng, nhỏ xíu...
Rồi đám cán bộ tới, nghênh ngang đắc chí. Nhìn đám dân lơ láo đứng dưới hàng cờ xí biểu ngữ đỏ rực, có cảm tưởng mình bỗng trở nên một nhân vật quan trọng. Để tỏ ra gần gụi với quần chúng, cứ chìa tay ra bắt lia lịa bất kể nam phụ lão ấu, miệng thì cười hết cỡ. Đến nước này, Loan cũng phải buộc lòng nắm những bàn tay mềm nhão, ướt rịn mồ hôi mà nghe một cảm giác nhờn nhợn chạy dọc đường xương sống.
Nhưng mà sôi nổi nhất là đám người có tên trong bảng phong thần. Nào là khiêng, gánh các thứ vật dụng lỉnh kỉnh chất đầy một góc sân, tràn cả ra đường. Mặc cho tiếng loa kêu gọi bà con trả lại sự yên lặng để ông Chủ tịch Phường có vài lời phát biểu.
Nhưng mà có ai nghe đâu !
Tiếng kêu réo nhau cứ giật giọng, tiếng con nít khóc đòi ăn, tiếng gà tục-tác kêu ổ loạn lên như là một cái chợ nhỏ. Ông Tư Lửa đứng trên cái thùng gỗ đựng gạo, mặt mày lơ láo nhìn quanh, lớn giọng cứ coi như đang ở trong sân nhà mình :
- Thằng Chút, thằng Chút đâu rồi ? Bộ đồ nghề của Ba sao không thấy cái búa, lấy gì đóng đinh làm nhà đây, con?. Chạy lẹ về coi chú Năm có mượn không?. Thiệt, đúng là cái thằng...trật búa mà !
Anh Sáu Râu, đứng bên cạnh, buột miệng :
- Búa liềm gì giờ này nữa, cha nội ?. Lo trữ gạo cứu đói dài ngày chớ còn ở đó mà búa với...
Hốt nhiên, anh giật mình khựng lại. Biết là mình lỡ lời, dáo dác nhìn quanh rồi lủi nhanh vô đám đông chộn rộn. Lại có tiếng bà Ba Tét kêu chói lói :
- Bớ Chút. Bớ Chút, dợm cẳng, dợm cẳng. Sẵn về nói con Thảnh đem cho Dì cái mền lông Dì bỏ quên. Cái mền lông đó nghen, đừng lấy cái mền trần. Mền lông, mền lông đó.ó.ó...
Có mấy tiếng cười rú lên cản không kịp. Bà Ba biết mình hơi quá trớn nhưng mà lỡ rồi, cho lỡ luôn. Bà quắc mắt day về phía mấy người đang cười sặc sụa, đanh đá :
- Gì cười?. Mền lông thì nói mền lông chớ nói gì giờ?. Hứ...
Rồi bà quay ngoắt qua phía khác, nhưng mà trong bụng cũng có ý ngượng ngùng. Hôm qua con Thảnh nó nói là cái mền bông. À, thì ra là cái mền bông! Bà lầm bầm cho đỡ ngượng :” Úi dà, lông bông chi cũng là mền. Bày đặt quá xá mà!”
Lúc này, ông Chủ tịch Phường đã phát biểu xong, bước xuống trong tiếng vỗ tay lẹt đẹt của đám cán bộ. Bà Chủ tịch Hội Phụ nữ Phường lại được giới thiệu lên phát biểu tiếp.
Bỗng nhiên, đám đông chộn rộn như đàn ong vỡ tổ. Người thì ôm vác, kẻ thì khiêng túm đồ đạc chạy về hướng mấy chiếc xe tải đang chờ sẵn.
Nguyên do là vì thấy gia đình anh Thuận đang bắt đầu chuyển đồ lên xe. Họ sợ mất chỗ tốt, hùa nhau bất kể tiếng loa kêu réo vãn hồi trật tự,bất kể sự ngăn cản của đám Công an, Du kích. Nghe tiếng mụ Hai Huế mau mắn dặn con gái với con dâu :
- Hai đứa mi mau leo lên xe trước đi. Nhớ dạng chưn cho rộng ra mà chiếm chỗ. Mạ quăng đồ lên sau...
Anh Thuận và hai đứa con đang lui cui trong thùng xe bỗng nghe tiếng la ó dậy trời. Nhìn ra, thấy đám đông đang ùa tới phía mình, khí thế như triều dâng thác đổ. Hoảng hồn, ba cha con vội vàng nhảy xuống xe, chạy mất biến. Thì ra, tay tài xế nhờ cha con anh Thuận khiêng giùm thùng đồ nghề xếp gọn lên xe chớ có phải chuyển đồ đạc gì đâu ! Báo hại, mấy cha con chạy gần đứt thở !
Tới nước này, bà con nhất quyết bám cứng mấy chiếc xe. Đồ đạc tự động khiêng, vác ra lần không cần lệnh lạc gì nữa. Sân Phường còn lại đám cán bộ ngồi sượng trâng. Bà Chủ tịch Phụ nữ đứng hoài trên bục thấy ngượng, lỏn lẻn bước xuống trở lại chỗ ngồi, mặt tái xanh vì giận. Nghe đâu, chương trình còn có lời phát biểu của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Bảo thọ, Đoàn Thanh niên, Đại diện các Tổ Dân phố, Đại diện các Hộ gia đình đi Kinh tế mới...Nhưng mà bà con đứng bu đen ngoài đường chờ lên xe giành chỗ tốt, nhất quyết không chịu vô sân. Chẳng lẽ dùng biện pháp mạnh, coi không được lại ảnh hưởng xấu tới phong trào, gây bất mãn quần chúng. Thôi thì, hạ màn cho xong ! Buổi lễ được bế mạc sớm hơn dự định. Ông Bí thư Phường ghé tai Chủ tịch :
- Nhớ dặn cô thư ký viết báo cáo cho xôm chút đặng báo lên trên. Thiệt, bẽ mặt quá trời mà...
Khi đoàn xe bắt đầu chuyển bánh, Loan đứng bên lề đường đưa tay vẫy, đôi mắt cay xè.
Đất nước tang thương, làng xóm tang thương vì cảnh chia đàn xẻ nghé như thế này đây ! Tự nhiên nàng nhớ đến chuyến xe đã chở chồng nàng ra đi ba năm về trước. Cũng khung cảnh này, bên vệ đường này. Cũng những cái vẫy tay của người đi đưa tiễn mà không có ai vẫy lại.
Vì chuyến xe ngày đó, bốn phía bịt bùng !

Không có nhận xét nào: