tháng 4 30, 2010


Không biết tự lúc nào cái chợ chiều đã được hình thành trong khu xóm nhỏ. Nó không qua giấy phép của Ủy ban , cũng không ngán sự rượt đuổi của đám Công an Phường. Thoáng thấy bóng áo vàng là mạnh người nào người nấy ôm rổ, thúng chạy tán loạn. Giấu đầu này, đút đầu kia chờ cho đám Công an về Đồn lại túa ra, họp chợ. Những mặt hàng “tự tiêu tự sản” chớ có gì đâu !Người thì đem mớ rau nhà trồng ra bán, mua lại miếng thịt về “bồi dưỡng”. Kẻ thì bán miếng thịt xong, mua lại mớ rau xanh về “cải thiện”. Vòng vo qua lại trong cái chợ kiểu chợ chồm hổm cũng đủ rộn ràng khu xóm nhỏ mỗi chiều. Nhất là mấy hộ gia đình từ ngày đi kinh-tế-mới bỏ về ngang thì khỏi phải nói. Đã bị lừa ra đi mất trắng, nay trở về thì còn có sợ gì nữa mà mất ! Che chái sơ sài ở tạm đâu đó trong đất nhà người bà con tốt bụng. Bị xếp vào diện cư-trú-lì không có hộ khẩu. Không hộ khẩu thì không có sổ gạo, không tem phiếu thực phẩm. Nhưng mà, họ có cái bụng cứ đòi ăn, cái mạng còn muốn sống ! ‘Muốn ăn thì lăn vô bếp, muốn chết thì lết vô hòm”. Ông Bà xưa nói là vậy nhưng mà không phải vậy ! Bây giờ còn tệ hơn vậy nữa ! Bếp núc đâu có sẵn mà lăn vô. Phải thí cái mạng cùi để cứu đói !
Bà Ba Tét có kinh nghiệm về chuyện này, bà nói giữa thanh thiên bạch nhật, không nể nang :
- Tưởng tới vùng kinh tế mới ngon ăn. Nói cho cùng thì cũng có cấp lương thực cầm hơi đâu vài tháng với lại ít vật dụng dựng nhà rồi sau đó thả nổi trôi sông. Đất gì mà đá với cuốc đụng đầu nhau tóe lửa, giống nào mà nẩy được cái mầm lên đây ! Phải chi ăn đá mà sống được thì tui đâu có bỏ về ngang xương. Tui đâu có tan cửa nát nhà, cù-bơ-cù-bất. Tưởng là đi đông về ít, té ra là đi đông về đủ. Hì...hì...
Tan nát nỗi này mà bà còn cười được, kể ra cũng là vui tính. Ông Tư Lửa lại “đế” thêm :
- Không đủ thì rủ thêm về.
Mà đủ mặt hết rồi, đâu cần phải rủ !
Chiều chiều họp chợ, không thiếu người nào. Buôn bán đủ các loại hàng. Từ con cá, con hến xúc bắt ở sông ở suối tới mớ ớt, bó hành trồng ở thẻo đất sau nhà. Chợ nhóm vào buổi chiều, quen lệ. Đuổi đầu trên thì chạy đầu dưới. Có khi vừa chạy vừa bán. Riết rồi Ủy ban cũng buông xuôi với lại thời buổi ngăn sông cấm chợ cũng đã qua rồi, tới cái thời mở cửa mở ngỏ gì đó. Họp hành lý giải cho cái vụ thương nghiệp quốc doanh tán gia bại nước tràng giang đại hải chẳng ai hiểu thấu ! Riêng cái chợ nhỏ thì cuối cùng cũng đi tới quyết định là đánh vào thuế chợ, dễ hiểu hơn thì gọi là thuế-chỗ-ngồi. Khu chợ được kẻ tượng trưng những ô vuông nhỏ. Người liệu bán ít hàng thì mua một ô vừa đủ ngồi mà bày thêm cái rổ. Nhắm lượng hàng bán nhiều thì mua hai, ba ô. Chiều chiều thấy ông Năm Tiễn với bà Bảy Thệ đi đảo vòng thu thuế. Ông Năm thì mặt hầm hè như con gà đá sửng cồ còn bà Bảy thì nói cười ngọt xớt. Thiệt đúng là cương nhu có đủ.
Khu chợ từ ngày được hợp thức hóa, đang trên đà phát triển lôi cuốn được các bạn hàng các xóm lân cận. Người mua kẻ bán đã thấy tấp nập đông vui. Đặc biệt, chợ chỉ nhóm họp vào buổi chiều.
Và, cứ mỗi chiều bất luận chiều mưa hay chiều nắng, khi chợ họp vừa đông thì cuối con dốc lên chợ lại nổi lên một tràng cười nghe phát lạnh người. Tiếp liền sau đó là tiếng la, tiếng hú kéo dài một đỗi rồi dứt ngang ấm ức. Đâu chừng nửa phút lại nghe tiếng nói, có vẻ hằn học :” Thả chồng tao về rồi tao đi...Thả chồng tao về rồi tao đi...”. Rồi tiếp theo là tiếng hát hò, ngâm thơ lẫn lộn. Bà con trong chợ, cả người mua và người bán, không ai bảo ai đều ngưng tay nhìn về cuối dốc. Có nhiều tiếng nói lặp nhau cùng lúc :
- Rồi, cô giáo tới rồi...
Từ cuối con dốc xuất hiện một người đàn bà mặc bộ quần áo dù rách vá nhiều chỗ nhưng được giữ gìn khá sạch. Đặc biệt, mái tóc chải rẽ cẩn thận ôm tròn khuôn mặt tuy gầy, xanh nhưng còn ẩn hiện nét đẹp hiền dịu của thời con gái. Nhìn cô như một người nghèo khổ bình thường nếu không để ý đến đôi mắt quầng thâm và cái nhìn xa vắng, lạc thần. Nó không biểu hiện được sự sống động mà chìm khuất, u ẩn. Một ánh mắt của người không bình thường. Khi ánh lên thì man dại, khi dịu xuống thì đục mờ bất động. Một tay cô cầm cái lược nhựa màu đỏ, một tay cầm cái bao cát nhỏ rách vá nhiều chỗ. Cô đi từng bước chậm, đầu hơi cúi xuống, đôi mắt lim dim và miệng thì lẩm bẩm những câu thơ, những lời nhạc nghe thoang thoáng. Đi khoảng mươi bước cô đột nhiên ngừng lại nhìn quanh như đang trông ngóng một người nào. Đôi mắt thất thần, khi thì ánh lên nét hung bạo, khi thì dịu xuống trầm uất nặng nề. Rồi cô khóc. Cô cười sặc sụa. Cô lảm nhảm những câu rời rạc. Rồi cúi đầu âm thầm đi tiếp.
Mọi người nhìn theo cô với ánh mắt xót thương có lẽ vì thấy cô còn quá trẻ lại đẹp người. Đến nông nỗi này chắc là đã phải trải qua một hoàn cảnh ngặt nghèo thương tâm ngoài sức chịu đựng. Mấy bà bán hàng thì hình như đã dành sẵn. Thấy cô xuất hiện là tự động, người thì trái chuối củ khoai, người thì miếng bánh nắm xôi bỏ vào bao cát. Vẫn những bước chân chầm chậm, cô cúi đầu đi, miệng lầm bầm. Đi hết một vòng chợ lại quay người trở lại, đi tiếp cho tới khi tan chợ.
Ngoài những lúc nổi cơn la hét cười rú, thường thì cô như là một chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ khuất lấp trong đám đông ồn ào. Có một điều không ai hiểu nổi là trước khi tan chợ, cô thường nhìn ngắm vuốt ve cái bao cát cầm trong tay. Chiều nào bao cát không được đầy, chỉ lưng nửa, thì đôi mắt cô bỗng trở nên thất thần hoảng hốt. Cô vội vàng lượm tất cả những thứ gì thấy được như vỏ bắp, vỏ cam, vỏ chuối thồn vào bao cho thật đầy. Cô ôm chặt cái bao trong lòng, đôi mắt ánh lên niềm vui ngây dại. Cái dáng âm thầm lặng lẽ lại khuất dần từ cuối con dốc, về hướng núi vần vũ mây và bóng đêm chực chờ...
Sự hiện diện của cô đã trở thành quen thuộc mỗi chiều ở cái chợ nhỏ. Vắng cô, dù không nói với nhau, nhưng mấy bà bán hàng cảm thấy như thiếu thốn một cái gì đó, thật khó diễn tả. Thỉnh thoảng, không hẹn mà bắt gặp, những cái liếc nhanh về cuối con dốc. Bà Ba Tét không chịu được sự nôn nóng chờ đợi :
- Chà, bữa nay sao tới giờ này mà chưa thấy. Có mấy miếng đậu hũ chiên để dành...Điệu này dám bệnh hoạn gì đó rồi !
Thím Hai Huế như được khơi mào, chép miệng :
- Chắc là rứa. Mọi bữa giờ ni đã thấy đi lên đi xuống hò hát ngâm thơ rồi mờ. Để chút nữa tui hối con Chanh tới coi răng. E nằm chết mô đó không ai biết cũng nên...
Bà Ba trợn mắt, lắc đầu :
- Nam Mô A Di Đà Phật, bà này ăn nói kỳ quá à !
Mấy người mua hàng ngóng chuyện, thấy thím Hai rưng rưng nước mắt, cũng có ý tò mò :
- Ủa, ai vậy thím Hai ? Nói chết chóc gì mà nghe ớn lạnh...
Được dịp để nói, thím Hai ngọn ngành như là chuyện nhà :
- Thì cô giáo đó chớ ai. Mấy năm trước có lần đi thăm nuôi chồng về đổ bệnh cả tháng tưởng chết. Vừa mới bình phục thì bà Mẹ chồng nằm xuống rồi “đi” luôn. Nghe đâu chỉ vì thương nhớ thằng con quá mức rồi bị cái bệnh suy dinh dưỡng chi đó. Mới chôn Mẹ đâu được vài ngày thì chồng được thả về. Mà thảm thê lắm ! Thả về là vì bệnh quá nặng, ý là cho về nhà để chết. Mà đúng. Thầy về đâu được mấy ngày thì “ngủ” luôn. Cái đêm nớ nghe cô giáo ôm xác chồng khóc cười mê sảng rồi bỏ đi đâu không ai biết. Cả tuần sau mới trở về, hóa điên hóa rồ từ dạo nớ. Ôi chao chi mà khổ. Chỉ có mới mấy ngày mà tan nát cả một gia đình...
Thím nói xong, đứng khóc ngon lành giữa chợ. Bà Ba cũng mũi lòng, thút thít...

Không có nhận xét nào: