tháng 4 30, 2010


Loan hiền dịu, đẹp người. Nàng sinh trưởng ở Nha trang, miệt vườn Diên Khánh cây ngọt trái lành. Tốt nghiệp xong khóa Sư Phạm nàng tình nguyện lên vùng cao nguyên. Lý do thật đơn giản là vì nàng yêu thích cái không khí trầm lặng đầy chất lãng mạn của vùng đất bốn mùa hoa nở và mát lạnh rất hợp với bản tính của nàng.
Tại ngôi trường vừa mới tới nhận việc, nàng gặp anh Phúc.
Phút đầu tiên hai người chạm trán nhau, đã thấy...tóe lửa. Theo như người ta thường nói thì đó là tiếng-sét-ái-tình ! Thiệt, tiếng sét làm tim nàng co thắt từng hồi, nhịp đập loạn. Nàng đứng ngẩn ngơ ở thềm lớp học một đỗi lâu mới giật mình bẽn lẽn đi vội vào lớp. Anh Phúc thì có thua gì ! Tim anh giật thót làm anh khựng lại một thoáng. Trong lòng vỡ òa một cảm giác rung động bồi hồi thiệt là khó diễn tả. Cho tới lúc ngồi ở bàn làm việc mà trong người cứ lâng lâng như say thuốc. Cảm giác thiệt là dễ chịu.
Cuộc tình của hai người có tiếng sét làm mai mối nên không có chuyện vòng vo. Chỉ cần một người mạnh dạn nói lên và một người lắng nghe là đủ hóa thân hai làm một. Kể ra thì cũng thật là xứng đôi vừa lứa...
Anh Phúc vốn là giáo viên của Trường này. Sau, động viên theo học khóa 24 Trừ bị Thủ Đức. Ra trường, về đơn vị tác chiến ở Quân khu 2 gần một năm lại được biệt phái về làm Hiệu phó ở Trường cũ. Anh sống với Mẹ và rất khổ tâm vì thím Thoa, Mẹ anh, cứ thúc giục anh mau kiếm vợ cho Bà sớm có cháu bồng. Tiếng là lính tráng nhưng mà “thỏ đế” có hạng ! Nhắc tới chuyện tình ái là mặt mày đỏ gay, tay chân luống cuống. Nhờ có tiếng-sét-ái-tình, anh như là viên đạn có thuốc mồi, như vận động viên uống thuốc trợ lực.Hai người cưới nhau được chừng sáu tháng thì Đất Nước lâm vào cảnh đại nạn !
Anh Phúc lên đường đi “cải tạo”. Loan bị buộc phải thôi việc.
Cô giáo rời bục giảng xuống chợ đời giữa bối cảnh xã hội hoàn toàn thay đổi. Nàng kinh hoàng khi thấy ông Năm Tiển, trước kia chuyên sống bằng nghề cờ bạc, nay nghiễm nhiên trở thành ông Ủy viên An ninh Khóm, hàng ngày đi rảo quanh dòm ngó sục sạo. Thằng Tiến, con ông và cũng là học trò cũ của nàng, nay là Đoàn trưởng Thanh niên. Hai cha con hăng say công tác đến mức độ mù quáng, làm hành làm tỏi những gia đình có người thân tham gia chế độ cũ. Rồi bà Bảy Thệ, một chữ bửa đôi không biết, làm Cán sự Phụ nữ ! Tệ bạc hơn nữa là bây giờ gặp người thân quen bất kể là ai, bà coi như không biết. Làm như bà là người ở đâu mới đến, cố tình quên đi những tháng, năm gia đình bà đói khổ được bà con chòm xóm thương yêu đùm bọc. Bát cơm tình nghĩa bỏ trong bụng người bạc nghĩa bạc tình chẳng khác chi nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà...
Đêm nào cũng họp dân, phê bình kiểm thảo, ra rả những luận điệu đầy dẫy hận thù, sắt máu. Đối tượng là các hộ có người đi “cải tạo”. Hầu như, ở bất cứ buổi họp nào, Loan cũng là mục tiêu chính cho những cái miệng đang tập nói, thèm nói. Những cụm từ lạ hoắc, nặng những hận thù xỉa xói vồ chụp lên người cô giáo nhỏ bé dịu dàng, xúc phạm đến chồng nàng, đến những người lính Cộng Hòa đã nằm xuống. Lúc đầu, nàng nhẫn nhục hứng chịu và khóc. Họ lại cảm thấy hả hê sung sướng ra mặt. Và Loan, nàng thấy như là mình có lỗi với chồng. Tại sao nàng làm như vậy?. Nước mắt, dù chỉ là những giọt nước mắt dồn nén sự tủi nhục nhưng dưới mắt nhìn của mọi người, rõ ràng là một sự thua cuộc, thậm chí là một sự ăn năn. Nàng không muốn và làm sao có thể muốn như vậy!
Những lần họp sau, nàng không khóc. Nàng ngồi nghe những lời xỉa xói với một thái độ bình thản, bình thản đến độ lì lợm. Và những lần sau nữa, nàng bắt đầu đốp chát lại với những lời lẽ rất nhẹ nhàng, khúc chiết. Tưởng như là lời cô giáo nói với đám học trò hư hỏng. Những cái miệng thèm nói trước kia, bây giờ lại bắt đầu khó nói, ngại nói và không nói nữa ! Họ âm thầm kết tội nàng là thành phần phản động. Căm ghét nàng nhưng cảm thấy nể nang khi phải buộc đối diện với nàng. Nhờ vậy, nàng được yên thân trong những buổi họp. Chẳng ai còn đụng chạm, nhắc nhở gì hay nếu có thì cũng bóng gió xa xôi.
Nhưng đổi lại, cuộc sống hàng ngày của nàng lại phải đương đầu với bao nhiêu là cam go trắc trở từ mọi phía.
Từ sau ngày buộc thôi việc, nàng xin vào Tổ hợp Đan Len vậy mà phải tới sáu tháng sau mới được cứu xét. Công việc ở đây không thường xuyên nhưng phải giữ chân để có chế độ thực phẩm. Còn cách gì khác hơn để sống ! Thôi thì cứ ra đứng chợ Trời. Mua chui bán chui. Vốn liếng đầu tiên cũng nhờ vào Mẹ chồng. Mua một tính hai, của xấu của ê nói là của tốt, nàng không mở miệng được. Thỉnh thoảng đụng đầu với những người học trò cũ, buộc lòng mà phải trì kéo bớt một thêm hai, nàng cảm thấy cay đắng nghẹn ngào. Dù sao, vẫn còn chút sĩ diện nghề nghiệp cũ. Lại còn thêm những cảnh sinh hoạt ở chợ Trời, nàng hoàn toàn không thích hợp. Người ta tráo trở lọc lừa, gian dối với nhau. Hôm qua còn ngọt ngào chị chị em em thì hôm nay đã trở mặt gấu ó nhau như kẻ thù chỉ vì một món hàng vuột tay. Lại còn thêm lời ăn tiếng nói tục tằn, thô lỗ. Những lúc chờ hàng rỗi rảnh thường đem chuyện riêng tư thầm kín của người này, người nọ mà kể cho nhau nghe. Toàn là chuyện mà chỉ nghe họ diễn tả một vài câu là nàng đã cảm thấy ngượng ngùng, mặt mày đỏ chín. Sao mà có thể nói được như vậy ! Rồi thêm bọn Công an Kinh tế luôn rình rập, bắt chẹt đủ điều.
Do vậy, nàng thường đứng riêng lẻ ở một góc đường, âm thầm cô đơn trong cái thế giới ồn ào phức tạp. Lần hồi, vốn liếng hao hụt, đành phải bỏ.
Lại đi kiếm công việc khác để kéo dài cuộc sống đầy tủi nhục đắng cay mà chờ đợi đến một ngày chồng nàng được trở về xum họp. Đôi lúc nàng muốn bỏ cuộc, nhắm mắt xuôi tay để không còn bị đọa đày, không còn phải đối đầu với những khó khăn từ cuộc sống đã thật sự không còn lối thoát. Nhưng mỗi lần có ý định táo bạo đó, tự nhiên nàng nhớ tới Phúc. Nhớ ánh mắt dịu dàng và nụ cười đôn hậu của chồng. Nhớ những tháng, năm mật ngọt của tình yêu. Đúng, tình yêu. Chỉ có tình yêu mới giữ lại cho nàng sự bình thản của tâm hồn. Là nơi chốn nương thân để chống chọi với những khó khăn chật vật bủa giăng từ mọi phía. Nàng phải sống và chờ đợi cho đến ngày được gặp lại anh... Tuần sau lại tới kỳ thăm nuôi rồi. Nàng tự nhủ, khi gặp anh, nàng sẽ nói những suy nghĩ dại dột của mình. Chắc là anh sẽ không vui, nhưng dù sao, đó cũng là điều suy nghĩ rất thật lòng.
Phải mất trọn ba ngày chờ chực nàng mới cầm được tờ giấy phép đi thăm nuôi chồng. Nửa mừng, nửa tủi thân ! Thật tình, nhà chẳng còn gì để bới xách. Ngoài chút ít tiền đi đường nàng chỉ dành dụm được một túi khoai khô, ba lạng mỡ mua tem phiếu. Mẹ chồng nàng vén khéo đâu được nửa ký gạo trắng, mấy trái bơ, vài con cá khô và nửa lít nước mắm. Tất cả, dồn gọn bỏ vào chỉ lưng bao cát ! Hai Mẹ con nhìn nhau mà nước mắt giọt dài. Trong mỗi người đều theo đuổi một ý nghĩ riêng tư, nhưng tựu trung là nỗi xót xa đứt ruột khi nhìn mớ đồ bới xách thăm nuôi và, liên tưởng tới Phúc.
Đêm đó, nàng cứ chập chờn không tài nào ngủ được. Mỗi lần chợp mắt là nàng thấy, không phải là khuôn mặt của chồng, mà là cái bao cát thăm nuôi. Nó không được đầy đặn, no tròn. Nó chỉ lưng một nửa !
Tờ mờ sáng, nàng đã ra đi. Sáu tiếng đồng hồ ngồi trên xe, bốn tiếng băng rừng và một đêm ngủ lại chờ để được gặp mặt chồng chỉ đúng ba mươi phút theo quy định. Khu Trại được thành lập từ một vùng mật khu cũ, nằm sâu trong rừng. Xe hàng không vào được vì đường sá gập ghềnh lại phải qua một con suối cạn. Người đi thăm nuôi buộc lòng phải xuống xe từ ngoài đường liên tỉnh rồi băng rừng vượt suối vào Trại. Thường thì đến nơi trời đã sụp tối, phải ngủ qua đêm ở Nhà Đợi. Đó là một dãy nhà dài lợp tranh, vách phên nứa sơ sài. Nằm, ngồi chợp mắt chờ qua đêm chứ làm sao mà ngủ được!
Ai cũng mang một tâm trạng nôn nóng chờ đợi giây phút ngắn ngủi gặp mặt người thân. Đây cũng là dịp những người cùng chung cảnh ngộ gặp nhau, tâm sự kể lể những buồn vui cuộc sống. Dù sao, trong cùng một cảnh khổ cũng cảm thấy dễ gần gũi nhau hơn để có thể mạnh dạn chia sớt những kỷ niệm riêng tư của mình với người thân. Người kể và người nghe đều có chung một nỗi ngậm ngùi.
Loan không tài nào chợp mắt được. Nàng mang một cảm giác nôn nao, háo hức y như ngày nào hẹn hò với Phúc. Những kỷ niệm êm đềm xưa cũ cứ lần lượt trở về như một khúc phim quay chậm. Mỗi kỷ niệm đều để lại trong lòng nàng cảm giác nồng nàn say đắm, chìm ngợp trong những lời yêu thương và bừng bừng những nụ hôn cuồng nhiệt. Người nàng ấm hẳn lên với một cảm giác lâng lâng. Gần về sáng nàng thiếp đi trong ảo giác dật dờ có một vòng tay nồng ấm và hơi hướm quen thuộc của chồng...
Khi nàng giật mình thức giấc thì mọi người đã chuẩn bị gánh xách đồ đạc qua dãy Nhà Thăm Nuôi nằm sâu trong sân Trại. Ban Quản Giáo đã bắt đầu làm việc, nhận giấy phép thăm nuôi để lần lượt gọi tên người được thăm. Loan vội vàng xách túi bao cát nhẹ hẫng hối hả chạy về phía trước. Đây cũng là một dãy nhà dài nhưng chỉ có mái che, bốn bên đều trống trải. Ngay giữa nhà có một dãy bàn dài bằng loại cây lồ ô. Người thăm và người được thăm nuôi chỉ được phép ngồi đối diện nhau trao đổi chuyện trò. Không được nói thầm thì. Không được ăn uống trong lúc gặp mặt. Và rất nhiều cái “Không” rất là thừa thải. Chỉ gặp nhau trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ có ba mươi phút không có trường hợp ngoại lệ, thì lấy giờ đâu mà ăn uống mà trò chuyện lề mề! Ai cũng sắp sẵn những điều cần phải nói, có người cẩn thận ghi vào giấy sợ rằng khi gặp mặt, xúc động quá lại quên. Có bao nhiêu điều cần nói. Chuyện nhà cửa. Chuyện con cái. Chuyện xóm làng và, cả chuyện nhớ thương...
Loan nghe tim mình đập rộn ràng. Nỗi háo hức chờ đợi làm ruột gan nàng cứ nôn nao. Đã thấy từng đợt Trại viên lần lượt đi ra hàng ghế để gặp người nhà, nàng lại nôn nao đến mức khó chịu trong người. Ruột nàng cứ quặn lên và nàng sực nhớ là từ chiều qua đến giờ nàng không ăn gì ! Ổ bánh mì mua dọc đường, mấy lần dợm cắn mà nghĩ tới chồng, cuối cùng nàng quyết định gói lại cẩn thận và cho vào bao cát thăm nuôi.
Gần một tiếng đồng hồ sau, tên nàng đã được gọi. Quấn quýt, vội vàng, nàng luồn lách qua đám người đông nghẹt, mau mắn vào hàng ghế ngồi. Mắt nàng chăm chú nhìn về phía cổng Trại. Một dọc dài những Trại viên nối đuôi nhau từng bước thầm lặng đi về phía khu Nhà Thăm Nuôi. Nàng đã nhận ra vẻ dáng thân quen của chồng, tự nhiên nước mắt ràn rụa. Nỗi xúc động trào dâng không đè nén kịp.
Phúc bước từng bước chậm, có vẻ nặng nề, người hơi khòm xuống như đang phải chịu đựng một sức nặng trên lưng. Từ lần thăm nuôi trước đến lần này chỉ cách nhau có ba tháng mà sao có sự thay đổi kỳ lạ vậy ? Loan lau vội hai hàng nước mắt để nhìn cho rõ hơn. Những bước chân nặng nề của anh như từng nhát búa chầm chậm đập vào trái tim nàng, nhói buốt. Linh cảm tới một sự bất an nào đó làm cho Loan thấy trong người hoàn toàn hụt hẫng. Một cảm giác tê dại chạy suốt đường xương sống làm nàng toát mồ hôi lạnh. Hơi thở bỗng trở nên dồn dập và khó khăn. Phúc cũng đã nhìn thấy nàng từ xa, anh mỉm cười, nụ cười như mếu, không còn nét tươi vui như ngày nào ! Khi hai người đối diện nhau, Phúc khó nhọc lắm mới nhấc chân lên cao để bước vào hàng ghế. Mặt anh xanh mét và sưng húp. Đôi mắt vàng đục lờ đờ, nụ cười như mếu. Loan nhìn sững chồng từ lúc anh bước lên bậc thềm cho tới lúc anh khó nhọc bỏ hai chân vào hàng ghế ngồi đối diện với nàng. Anh nhìn nàng và mỉm cười, đôi môi tím ngắt máy động khó khăn. Nó không diễn tả được nụ cười mà rõ ràng chỉ là một cái mếu trông rất thảm hại. Bỗng nhiên, nàng bật khóc. Tiếng khóc đè nén từ bao năm nay lại có dịp vỡ òa tức tưởi. Phúc bối rối nhìn tên Cán bộ Quản giáo rồi nhìn Loan. Anh nắm lấy tay nàng, nói khẽ :
- Em đừng khóc nữa. Chúng mình không còn thời gian...
Bàn tay anh lạnh. Loan giật mình nắm chặt lấy như muốn chuyền cả hơi ấm mình qua đó. Nàng nhìn anh, mắt đẫm lệ :
- Anh sao rồi ? Tay anh lạnh quá ! Trời ơi, biết làm sao đây !
Phúc khẽ lắc đầu như trấn an nàng. Anh nói, hình như là lời nói đã được sắp sẵn trước lúc gặp Loan :
- Em à, chuyện gì đến, phải đến. Bao năm qua, chúng mình đã sống trọn vẹn đời nhau, anh không có gì ân hận. Nỗi khát khao cho một ngày đoàn tụ làm anh choáng ngợp mỗi lần tưởng tượng đến. Nhưng, đó chỉ là ước mơ để kéo dài năm, tháng đợi chờ. Chỉ thương em còn quá trẻ. Chúng mình chưa có gì để ràng buộc, ngoài tình yêu. Nếu mai này, anh có bề gì...
Phúc xúc động. Anh ngừng lại, thở mệt. Loan không để cho Phúc kịp nói tiếp, nàng nắm chặt hơn bàn tay anh, giọng nàng hoảng hốt :
- Anh nói gì vậy, anh Phúc. Đừng làm em sợ. Đừng...
Nàng xoa vuốt bàn tay anh, nhìn vào mắt anh. Nàng muốn tìm trong ánh mắt đó, nét sinh động nồng ấm của một thuở nào rất xa mà cũng rất gần. Nó vốn là của riêng nàng như là một gia tài quý hiếm để trân trọng nâng niu. Nhưng giờ đây, cũng là ánh mắt nhìn của anh, cũng là nét dịu dàng trìu mến đó mà sao thấy trầm uất não nề ! Nét sinh động ngày nào đã chìm khuất, chỉ còn lại sự hoang lạnh đến rợn người. Loan hoảng hốt lay nhẹ cánh tay chồng :
- Anh Phúc, anh không làm sao đó chứ ? Đừng nói những điều làm em sợ. Em sợ lắm...
Phúc khẽ lắc đầu, giọng anh có vẻ dứt khoát :
- Đừng ngắt lời anh, Loan. Anh nghĩ là sẽ không kịp và cũng không còn có dịp. Rất là khó chịu khi phải giấu kín một điều gì đó mà không đành nói ra. Phải, không đành nói ra vì sợ sẽ làm cho nhau đau nhói. Thôi thì anh cứ nói ra đây vì chắc là sẽ không còn có dịp và có lẽ, không còn kịp nữa rồi ! Chỉ thương em còn quá trẻ...
Loan chồm người lên, muốn ghì siết lấy cái thân hình tiều tụy xanh xao của chồng. Nàng đã hiểu anh sẽ nói điều gì. Đúng là điều anh muốn nói sẽ làm cho nhau đau nhói. Tiếng khóc của nàng vỡ òa không kìm hãm, âm thanh vang vọng nỗi bi thiết, não nùng. Mọi người nhốn nháo quay nhìn về phía hai người. Tên Cán bộ Quản giáo hốt hoảng chạy đến gạt tay Loan ra, sừng sộ :
- Bà làm gì thế ?
Nhưng Loan có còn nghe gì nữa đâu ! Nàng cố rướn người tới, chồm qua mặt bàn, hai tay chới với bắt níu lấy người Phúc. Tên Quản giáo nắm lấy tay Loan giật ra, thô bạo. Loan vẫn cố hết sức trườn người tới. Hai ba tên Quản giáo chạy đến giữ chặt người Loan, kéo nàng ra phía sau. Loan vẫn cố vùng vẫy nhoài người về phía trước. Nàng vừa khóc vừa la :
- Buông tôi ra. Buông tôi ra. Các Ông giết chồng tôi. Các Ông giết chồng tôi...Anh ấy có tội tình gì...
Phía bên kia, hai tên Bảo vệ trờ tới kèm lấy Phúc, xoay người anh lại và đẩy anh ngã chúi về phía trước. Loan thoáng thấy Phúc khụy xuống, anh cố gượng người đứng dậy run rẩy loạng choạng vài bước ngắn, rồi lại ngả xuống. Nàng hét lên thảng thốt. Một cảm giác lạnh tê chạy rần qua thái dương, tim nàng nhói đau như có ai đó nắm lấy. Mắt nàng hoa lên và nàng bật ngửa người ra sau, bất động.

Không có nhận xét nào: