tháng 12 19, 2014

Xa Ngái Rồi Nghen Mưa Cố Quận


tản mạn ngày mưa
               
                Hôm qua, hai mình, đi một vòng quanh mấy khu thương mại chớ đâu !.
             Dẫu là trời hơi hơi xìu xìu ểnh ểnh, nắng híp hốp vừa vừa chưa đủ se da nhưng mà cũng được. Được ở chỗ là cứ việc đi quanh thoải mái không ngại phải e dè tránh nắng, đột ngột  tránh mưa. Trời có lành lạnh chút cũng không sao, không chừng thêm tình tứ cho những cặp đôi. Còn tâm trạng đang đi riêng lẻ một mình thì có dịp gặm cô đơn để biết rõ hơn là nhớ lần sau mùa sau đừng gặm rồi nhấm cô đơn nữa. Gặm một mình cho nhớ. Gặm thêm lần là ế nợ tình. Gặm thêm thêm lần là chắc chắn gặm một mình !.
            Trường hợp này là ứng cho người bạn trẻ hay sồn sồn còn điều kiện thời gian, hoàn  cảnh có thể tìm thấy, tìm được, tìm ra người chữa trị cho mình hết thói tình cứ quen gặm nhấm một mình. Hết một mình có hai, thì nhai. Nhai rau ráu nhai từ từ cũng rứa. Miển có cái mà hết gặm để nhai.
            Còn, nói riêng, cánh bạn già hay quá già thì tùy duyên và tùy may. Chuyện dễ hiểu quá mà . Già quá quá già thì răng cỏ mô mà đòi ai nhai phần tiếp. Gặm một lần là đủ để mòn răng.Gặm thêm lần là chắc ê răng. Gặm thêm thêm lần là chắc chắn nhăn răng.
            Răng mà tới nỗi nhăn thì coi như hết chuyện, nói…
            Thường thì trong khu thương mại, đi qua đi lại, có trẻ có già, có cặp đôi, có riêng lẻ một mình nhân ngày cuối tuần ngày lễ lạc thấy thiệt đông và vui. Đông mà vui là hoan nghênh quá trời dông bão rồi còn gì!.
            Nhưng có điều sực nhớ, giựt mình !.
            Có khi đông, quá đông mà không vui như là mấy cuộc biểu tình đó. Quá đông mà có thấy vui đâu !. Người thì hầm hè la hét kẻ thì vẻ mặt trầm ngâm câm nín. Thiệt tình không thấy vui chút nào…
            Uả !. Đang tản mạn chuyện mưa sao lại lan man chuyện gặm nhai rồi hối ai biểu tình biểu loạn cho lạc đề !.
             Đề bài rõ ràng là : Xa Ngái Rồi Nghen Mưa Cố Quận.
            Vậy thì cứ việc đầu bài thân bài rồi kết luận. Xa ngái tới đâu mưa cố quận thế nào và kết luận tâm trạng rồi-là-rồi làm sao.
             Rồi, ý nói rồi mà còn rồi nữa.
             Rồi, ý nói rồi là hết, là rồi luôn.
             Còn gặp từ nghen nữa !. Nghen ý nói là nhắn vói lần này còn lần sau nữa hay là nghen ý nói là dứt khoát giã từ.
             Rắc rối quá trời câu chữ !.
             Thôi thì cứ viết theo cảm tính về một lần xa tới ngái luôn về một cơn mưa gợi nhớ về một nơi chốn xưa là cố quận. Còn chữ nghen thì thôi, xin bỏ qua bỏ quá bỏ giùm cho.
             Xa Ngái Rồi Mưa Cố Quận đổi qua Mưa Cố Quận Xa Ngái Rồi đổi lại Cố Quận Mưa Rồi Xa Ngái.
ối trời ơi sao mà quanh co phiền dỗi (hay rỗi) quá!.
             sáng nay ngồi dưới hiên mưa giọt dày nhột mặt giọt sưa ngứa đầu.
             Nhột cũng được. Ngứa cũng được. Nhột thì xoa cho đỡ nhột. Ngứa
thì gãi cho đỡ ngứa. Câu chữ văn thơ thì có bận bịu chi nhột với ngứa. Chỉ
ý ngồi dưới hiên mưa ngó mưa viết mưa chớ nhột với ngứa ăn thua chi…
              Vậy viết thử coi…..


 

Gánh hát bộ rình rang về Xóm tôi đâu được hai ngày rồi cuốn phông màn đi luôn, chưa kịp diễn đêm nào. Lúc mới tới thì trời còn hửng nắng. Tối đó thì trời mưa rớt hột, tới khuya  mưa nặng hột, tới sáng mưa dai. Mưa mù trời mịt đất chịu đời không thấu.
Gánh hát bộ hối hã ra đi còn kịp chia một nửa buồn ở lại còn một nửa mang theo.
Hai nửa buồn gộp lại thành một nỗi buồn chung.
Ông bầu gánh thay mặt ôm đi một nửa buồn vì không có dịp được diễn tuồng, trước là phục vụ nghệ thuật cho bà con trong Xóm thưởng lãm sau là kiếm chút tiền độ nhật cho anh chị em trong gánh trên bước đường lưu diễn rày đây mai đó.
Một nửa buồn bỏ lại cho cả Xóm chia nhau. Không chừng còn níu giựt lại nửa buồn gánh hát mang theo cho trọn hết nỗi buồn mà chia nhau cho đều…
Ban hương chức hội tề mất dịp kiếm một số tiền cho thuê chỗ ăn ở,chỗ diễn tuồng cho gánh hát. Dù có tờ giấy giao kèo thuê mướn hay chỉ trao đổi ước lệ với nhau thì cũng đành phải làm ngơ.
Thãm sầu thãm cảnh quá chừng!. Lòng dạ nào lấy đồng tiền của người ta !.
Tiếng là gánh hát mà chỉ lèo tèo vài mạng xanh xao ốm đói. Trên bước đường tha phương cầu thực ghé về xóm nhỏ cũng phải chi ứng trước tiền xe chuyên chở, tiền ăn uống dọc đường…
Tại vì cơn mưa dai quá sức chớ có ai muốn vậy đâu. Buổi tiễn đưa, ôn Cai Hoành thay mặt ban hương chức có bác Ba Cận đi theo làm chứng, gặp ông bầu gánh tuyên bố giao kèo thuê mướn nhà làng sau Đình coi như không có. Còn dấm dúi chút ít tiền riêng cho ông bầu gánh   giắt lưng để đùm bọc bầu đoàn trên dặm đường thiên lý.
Vậy là gánh hát bộ âm thầm ra đi giữa cảnh trời mưa dầm dề mù mịt bỏ nửa buồn rớt lại cho mấy o mấy dì mấy cô mấy thím mấy chị bán hàng đêm.
Hàng đêm ở đây không có nghỉa là bày hàng bán mổi đêm mà chỉ bày hàng bán đêm khi có dịp đoàn hát cải lương hay đoàn hát bộ về xóm.
Đông vui rộn ràng lắm!.
Cũng nghịch lý đến nao nao lòng là những gánh hàng đêm !.
Trước tiên tôi cũng xin bày hàng những gánh hàng đêm phục vụ bà con chòm xóm trước giờ diễn tuồng và rồi phục vụ đào kép ban bệ trong đoàn sau khi tấm màn nhung hạ xuống.
Đầu tiên và chắc chắn phải có, không thể không có là gánh hàng chuyên nghiệp bao đời là gánh mì Quảng của bà Mì Quảng, gánh chè đậu ván của thím Năm Tiển, gánh bánh nậm bánh bột lọc của thím Vạy .
Sau đó là mấy gánh hàng ăn theo bạ đâu xâu đó có nghỉa là khi gánh hát về Xóm thì có khi gánh ra đi thì hết có luôn. Bạo phát bạo tàn.
Đại khái như là cháo lòng, cháo vịt, bắp nướng, bắp luộc, bắp rang ngào đường, hột vịt lộn…
Xóm quê tôi nhỏ nhúm bàn tay người xóm quê tôi quen ăn chắc mặc bền. Tiền ruột tượng cột chắc ngang lưng, tiền cột bó ni-lông mấy lớp bỏ vô túi rồi lấy cái kim băng gài cho thiệt chặt hay bỏ hủ bỏ lọ giấu vô chỗ kín nhất trong nhà thì làm gì dám hào phóng lê la hết từng ấy gánh hàng.
Vậy mà gánh hàng mổi đêm có gánh hát về cứ bày đầy ra đó rồi cuối cùng cũng bán hết.
Vậy mà gánh hát nào về xóm thì nhà họp sau Đình cũng chật cứng người coi.
Đêm đó đang ngồi chờ có dịp hai tay soát vé bận rộn là tôi sẽ nhào vô coi cọp, nghe thím bán cháo lòng nói với thím bán cháo vịt :
- Cái con mụ đó đó. Hồi sáng tau hỏi mượn hắn mấy đồng mua lòng heo mà hắn có lòi ra đâu. Còn nói là không có tiền mua gạo lấy đâu cho mượn. Nói rứa mà răng chừ đi coi tuồng rồi còn ngồi ăn hàng.
- Ai biết mô ?. Còn đòi múc tô lớn nữa đó !.
- Có rứa không ?. Còn đòi tô to nữa à ?.
- Thêm thịt, tính tiền thịt riêng.
- Ui chao, thiệt rứa hỉ?. Hắn còn đòi thêm chi nữa không ?.
- Thì bán cháo với thịt thôi chơ có chi nữa mà thêm.
Thím bán cháo lòng dợm nói thì có khách tới ngồi xề xuống, giọng rổn rảng:
- Cho tui một tô. Tô nhỏ.
Không biết sao tôi lại giựt mình. Tô to!. Tô nhỏ!.
Chỉ giật mình nghe tô nhỏ của gánh này tô to của gánh kia vậy thôi. Không có ý niệm gì.
Sau này, lớn thêm, khi nghĩ và viết về chuyện làng chuyện xóm tôi nghiệm ra nhiều điều thiệt là nghịch lý mà cũng thiệt nao lòng. Chân lý về đồng tiền liền khúc ruột được phần nào giải bày qua bài thơ, có liên quan về gánh hát :
 Ôn ÚT TRÀ ÔN
(1918 – 2001 )
Mạ cứ khen : “ ôn ca hay dễ sợ!”
năm cây số từ làng quê xuống phố
cẩn thận tháo cây kim băng từ túi áo
hai lớp giấy ni-lông bọc mấy tờ giấy bạc
mua vé vô coi ôn-ca-hay-dễ-sợ
là ôn Út Trà Ôn
ông dưới đồng bằng lên vùng phố núi
hát mấy câu vọng cổ mùi Nam bộ
khiến cô nàng Trung bộ khóc tơi bời

buồn lắm buổi trưa nồng vẳng câu vọng cổ
lòng xót xa trầm lắng nỗi u hoài
đã bao lần Mạ tháo bọc ni-lông
hào phóng với mớ tiền núm ruột
để chỉ được ngồi nghe ôn-ca-hay-dễ-sợ
là ông Út Trà Ôn
(anh Út Thành bán chiếu)
giọng trầm ấm mượt mà qua từng làn điệu
lòng quê Trung hòa quyện trời phương Nam

mấy mươi năm giờ Mạ lạc trời xa
câu vọng cổ lạc theo đời dâu bể
đường quê xưa gió nổi bay làn điệu
cuộc trăm năm đời khánh tận. Người xưa…
ngày xưa !...
              
              Một nửa nỗi buồn gánh hát ra đi còn sớt lại là vậy đó!.
              Ở xóm quê tôi có thiếu gì chuyện vui buồn theo mưa viết hoài không hết….

Hiên Mưa 17/12/2014
 
 

Không có nhận xét nào: