tháng 4 20, 2012

NHÁNH RONG PHIÊU, Thơ TRẦN HUY SAO,1999

( nhà báo Minh Tâm, nhà thơ Phạm Hồng Ân, Trần Huy Sao )


( Nhân đọc tập thơ Nhánh Rong Phiêu)

Khoảng cuối thập niên 60, lúc tôi còn gửi sáng tác đăng trên Bách Khoa,Văn Học…thì ở Văn, tôi thấy xuất hiện một cây bút mới : Trần Huy Sao. Phải. Thơ anh rất mới. Mới từ cách dùng chữ, gieo vần, cho đến cả chất tình trong thi tứ. Chưa kịp làm quen nhau, chiến tranh đã đẩy tôi ra chiến trường khốc liệt. Trôi giạt qua Miên, lưu lạc đến Phú Quốc, rồi Poulo Panjang, Poulo Obi, Côn Sơn…cho đến những ngày bức tử cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó, tôi không có dịp đọc thơ anh, dù chỉ là những dòng thơ rải rác trên các báo “văn nghệ” ở Sài Gòn. Mãi đến khi định cư ở Mỹ, gần 30 năm sau đó, tôi lại thấy tên anh xuất hiện rầm rộ trên các báo San Diego. Và thế là, chúng tôi gặp nhau, làm quen và trao đổi thơ văn cho đến ngày hôm nay.Quen nhau, không có nghĩa là choàng hoa, ca tụng lẫn nhau. Tôi muốn đứng ở vị trí khách quan, ngoài vòng tình bạn, để đọc thơ Trần Huy Sao.Và có đôi điều – một cách trung thực – viết về anh, viết về một dòng thơ miên man, chảy mãi không ngừng. Không bến. Không bờ.Tôi nhận tập thơ Nhánh Rong Phiêu đã in thành sách, như đã nhận rất nhiều tập thơ của nhiều nhà thơ khác nhau, từ khắp nơi gửi tặng. Nhánh Rong Phiêu giản dị hơn, khép nép hơn – giống tấm lòng đôn hậu của anh: chất phác, thật thà. Lật vào trong, người đọc nhận ra ngay tập thơ có 2 phần rõ rệt : phần I :Bên trời cố quận, anh viết về Mạ, về Thày, về bằng hữu, về những nơichốn anh đã đi qua, đã để lại biết bao kỷ niệm. Phần II : Thơ tình giấy nõn, anh viết về tình yêu, về người con gái nào đó trong đời. Có thể là người tình thủy chung. Có thể là chị Trần Huy Sao. Có thể, cám ơn chị. Chị là một phần sống của Nhánh Rong Phiêu. Một phần hồn to lớn của một nguồn thơ diệu kỳ. Tôi muốn dừng ở đây. Để nói dến chất tình trong phần II của thơ anh :Thơ tình giấy nõn.
Thơ tôi viết chẳng có gì trau chuốc
Chẳng cao xa, chẳng làm vẻ khác người
Chỉ chân thật một tấm lòng não nuôt
Đời buồn tênh từ một cuộc đổi đời.

( Lời tâm sự cùng em )
Trần Huy Sao tự bày tỏ tâm tình bằng những câu thơ hết sức giản dị. Anh bắt đầu tình cảm rất chân thật, đi thẳng vào lòng người bằng một tiếng than não nuột. Có lẽ, vì thế, thơ anh đã làm rung động biết bao con tim trên cõi đời này? Chất tình trong thơ Trần Huy Sao còn là thứ tình hương đồng cỏ nội,mộc mạc, quê mùa :
Về quê em lại càng thương em
Người chân chất, tấm lòng chân thật
Khi đã yêu thì thiệt cứ lòng yêu
Mà khi ghét cứ thậm cùng là ghét !

(Khi qua phà Bắc Mỹ Thuận)
Chất tình bay từ mùi trái sầu riêng thơm phức :
Trái sầu riêng rụng về khuya
Đường em đi học sớm trưa ngang nhà.
(Sầu riêng)

Đến từng bông cải bông cau hương vị nồng nàn :
Em về bông cải bông cau
Vườn xưa năm, tháng dãi dầu nắng mưa.

(Vườn xưa hoa cải)
Cho đến tận nhụy hoa cúc vàng, mượt mà, óng ánh :
Mùa thu hoa cúc nở
Vàng mượt cả sân nhà
Anh đi xa, thì chớ
Anh về, nhớ ghé qua.

( Cúc vàng, Em và mùa thu )
Rồi đến bông Bưởi, bông Nhài thoang thoảng nhẹ nhàng :
Tấc lòng để lại cố hương
Còn thương bông Bưởi còn vương hương Nhài.

( Vườn xưa Hoa Cải )
Cả luôn bông sứ trắng, nhà thơ cũng không tha :
Bông sứ trắng lòng em cũng trắng
Để tôi về xanh lá tương tư.

( Bông Sứ )
Đâu phải chỉ có hương thơm của hoa trái mới kết thành Chất Tình trong thơ Trần Huy Sao ? Anh lấy cả món ăn thuần túy, món ăn truyền thống của Dân Tộc Việt Nam làm biểu tượng cho tình yêu, làm chất nhớ chất thương trong suốt khoảng đời tha phương nơi xứ người
Tới Bắc Mỹ Thuận trời xế chiều
Mùi thịt nướng thơm lừng tươm mỡ
Khô cá lóc dậy mùi sông nước
Tiếng mời chào rộn rã xôn xao…

Hay :
Em hẹn anh khi về qua sông nước
Sẽ đãi anh nồi cá-lóc-canh-chua
Chưa nếm tới nhưng lòng anh cứ tưởng
Sẽ ngất ngây như mặn ngọt môi em.

( Khi qua phà Bắc Mỹ Thuận )
Hoặc :
Đĩa sò um đêm phường Vĩnh Hải
Hình như sóng dội bãi Hàng Dương.

( Nhớ Nha Trang )
Trong kho tàng tục ngữ-ca dao, có những câu bất tử nói về thổ sản đã truyền tụng cho đến hôm nay. Ví dụ : “Dưa La, cà Láng, nem Báng,tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét…”
Kết nối điêu luyện khi ghép địa danh quê hương vào mỗi đặc trưng, trong thơ, một cách rất tài tình :
Rượu rót nghe thơm vùng Vạn Giã
Ghé miếng nem chua ngọt Ninh Hòa
Nắng chói chang rọi đồng Võ Cạnh
Chờ mát hiu cơn gió Bình Tân.
( Nhớ Nha Trang )

Có thể gọi : Trần Hoài Thư, Trần Trung Đạo. Võ Doãn Nhẫn…là các nhà thơ có chiều sâu. Bởi khi đọc tác phẩm của họ, tôi phải dừng lại ít lâu – suy nghĩ – mới thấy được nét tài hoa ẩn chứa trong ngôn ngữ.
Riêng Trần Huy Sao, thơ anh như dòng sông trải dài, như luồng nước mát…chảy tới đâu thấm trực tiếp vào ruột gan người đọc tới đó. Bởi lẽ ấy, nên nguồn rung cảm của anh cũng chính là nguồn rung cảm của độc giả. Anh nói lên tâm sự họ. Anh viết giùm họ. Tôi gọi thơ anh có chiều rộng.
Thật vậy, chất tình trong thơ Trần Huy Sao có chiều rộng, mênh mông, cuồng cuộn…vô bến bờ. Anh làm thơ tình một cách tự nhiên, say mê và không ngừng nghỉ từ thuở niên thiếu cho đến bây giờ. Với anh, thơ là nghiệp, là duyên. Nó gắn vào số phận anh. Lao lung hoặc hạnh phúc cùng anh suốt kiếp, suốt đời.
Tôi nhớ, hình như danh hào Jean Cocteau đã viết : “ Thi ca là một tôn giáo không kỳ vọng” (La póesie est une religion sans espoir). Đúng.Thi ca là một tôn giáo. Là một đạo tài hoa. Là môt tín ngưỡng tình yêu .Là một thông điệp đau thương của nhân loại. Ở đó, nhóm tín đồ “than mây khóc gió” tự nguyện gia nhập, để từ thế hệ này sang thế hệ khác,nối tiếp nhau, làm rướm máu những thiên thi sử.
Và hơn 30 năm làm tín đồ trung thành của đạo thi ca, anh vẫn luôn chứng tỏ mình là người tài hoa, có sức sáng tác mãnh liệt, phải thế không anh Trần Huy Sao?

*PHẠM HỒNG ÂN

( Nguồn : tình cờ nhặt được khi mở Gô Gồ )

Không có nhận xét nào: