tháng 2 02, 2008

CHƯA CÓ MÙA XUÂN



Năm nay trời thật lạ. Vừa cúng đưa Ông Táo về trời, Ông Trời lại làm mặt giận. Đang nắng đó bỗng rồi vần vũ mây đen, mưa hạt đều từ buổi sáng kéo dài tới trưa. Điệu này còn có thể kéo dài thêm tới chiều, tới tối và cả ngày mai.

Sáng sớm, dì Ba Thanh Hồng của tôi lo điểm phấn tô son. Dì tô đôi môi đỏ chót, kẽ đôi mắt xanh lè. Tiếng nói cuả Dì không còn chua như giấm, đổi tông, ngọt lịm như đường phèn. Nhưng khi đứng ở cửa sổ nhìn ra bầu trời vần vũ mây đen, nghe tiếng mưa bắt đầu nặng hạt trên mái, Dì không nén được, xỉa xói Ông Trời một thôi một đỗi. Phút giây đó, cái nét dịu dàng của người đàn bà biến mất, lại hiện nguyên hình “con hồ ly tinh”, ‘bà chằn lửa”. Đó là những biệt danh mà dì Tư Thanh Cẩm thường gọi dì Ba Thanh Hồng chứ tôi thì làm gì mà dám. Có cho ăn kẹo chocolat hay là xí-muội-muối-đường ( là những món mà tôi rất thích ) tôi cũng chẳng ham. Dì mà nghe được thì chỉ có mà trốn biệt. Dì sẽ ngắt, sẽ véo đau thấu trời xanh. Nhìn mấy móng tay đỏ chói, nhọn hoắt của Dì, tôi muốn phát sốt gây cả người.

Ông bà Ngoại tôi có ba người con gái. Người nào cũng sắc nước hương trời, thiệt là mỗi người mỗi vẻ. Mẹ tôi là chị đầu, mọi người thường gọi là Cô Hai. Cô Hai từ ngày lấy chồng , xuống hạng là Cô Năm, vì Ba tôi là thứ bậc Năm trong gia đình bên Nội. Nhưng mà chỉ xuống hạng thôi chớ mọi thứ đều “có hạng” cả. Vừa đẹp người lại đẹp nết. Hồi nhỏ lễ phép với hết làng, hết xóm. Lớn lên, phong cách sống rất được lòng mọi người. Ăn nói có chừng mực, biết phẩy, biết chấm. Có nghĩa là biết khi nào ngừng, lúc nào phải nói để không phải mếch lòng ai. Đi đứng khoan hòa không vấp phải đá, không quàng phải dây hồi nào. Nói chung, là một người con gái hiền ngoan, sau này cũng vẫn là một người đàn bà đoan trang chừng mực. Nồi nào úp vung đó. Gặp Ba tôi, cũng coi như là xứng đôi vừa lứa. Có điều tính Ông thì nói hơi nhiều, lại ưa pha trò đùa cợt. Ông nhìn cuộc đời với con mắt lạc quan và tấm lòng độ lượng, không muốn vướng bận những lụy phiền. Ông người miền Nam, lưu lạc và sống nhiều năm tại Sàigòn. Ở cái Thôn hẻo lánh miền cao này, ai gặp Ông cũng gọi là ông Năm Sàigòn. Lại ngược đời, gọi Mẹ tôi là Bà Năm Huế ! Nghề chính của Ông từ ngày chưa về ở rể nhà Ông bà Ngoại tôi là đi buôn thuốc Tây. Đủ loại thuốc. Từ nhức đầu sổ mũi cho tới thương hàn nhập lý, sốt rét vàng da, nhác ăn biếng ngủ, cường dương tráng thận v..v..Nửa tháng Ông ghé một lần, giao thuốc, bán thuốc rồi nhận lời ủy thác của mấy gia đình có bệnh nhân nằm chờ thuốc quanh năm suốt tháng. Ông giành giựt thiệt sôi nổi hào hứng với ông Thầy Tàu thường ghé qua bán rao thuốc Bắc, với cả mấy tay giang hồ mãi võ lâu lâu ghé lại chiêng trống ầm trời, nội ngoại công phu đạt tới mức...thượng thừa! Nhưng mà Ông chẳng mất lòng, chẳng gây hận thù vì chuyện làm ăn với đồng nghiệp. Tại vì Ông hiền lắm lại giống Mẹ tôi ở chỗ biết phẩy biết chấm. Lúc nào cần lấn tới, lúc nào phải nhượng bộ. Mà tính Ông hiền thiệt. Củ khoai mà nói củ sắn Ông cũng cười giả lả, không tranh cãi, không đôi co. Nhưng mà nếu tờ giấy bạc mà nói là tờ giấy trơn thì nhất định Ông không chịu, thậm chí còn có phản ứng. Chẳng phải vì Ông mê tiền nhưng chắc là vì thói quen nghề nghiệp. Vả lại, vốn lăn lộn từ hồi nhỏ, cực khổ trăm đường để kiếm sống. Đồng tiền kiếm ra có mồ hôi nước mắt pha chung, nỡ nào mà nói là tờ giấy trơn cho được !...

Từ ngày gặp Mẹ tôi, Ông về ở rể rồi bỏ luôn nghề buôn thuốc, nhận công việc mới Ông bà Ngoại tôi giao. Đó là chăm sóc một vườn hoa Hồng và trông coi một hồ cá rô Phi .Công việc nhàn hạ lại trói buộc bước chân giang hồ có làm cho Ông buồn bực, ít nói hơn, lại không có dịp pha trò đùa cợt cho vui với ai ngoài mấy con cá cứ lượn lờ chờ ăn suốt ngày. Rõ ràng, đôi mắt
giai nhân đã lụy bước anh hùng.Con chim đã vô lồng, con cá đã vào rọ. Mẹ tôi không có lòng chật hẹp, đâu muốn kềm hãm bước chân ai mà tại vì Ông tình nguyện đó thôi!...

Rồi nói tới Dì Tư Thanh Cẩm (còn chuyện dì Ba Thanh Hồng xin tạm gác, nói sau). Chuyện về dì Tư Thanh Cẩm là thể loại chuyện ngắn không phải là chuyện đăng từng kỳ, tràng giang đại hải. Bởi vì cuộc đời của Dì đơn giản, đóng khung lộng kính treo tường ngắm nghía cho qua. Có nghĩa là cuộc đời của Dì không có chi sôi nổi. Điệu này, cũng chỉ rơi vào cái lịch trình soạn sẵn cho một người con gái bình thường. Sinh ra, lớn lên, đi học, biết yêu, lấy chồng, sinh con đẻ cái, già xụ rồi nhắm mắt xuôi tay. Kể ra thì cũng đẹp, cũng là ước mơ chung của người phụ nữ. Nhưng mà, phẳng lặng và bình thản quá cũng... buồn.

Dì ước mơ sau này sẽ là một cô giáo cho nên đang ngồi năm thứ hai Sư Phạm. Mỗi năm về thăm nhà hai lần. Một vào lúc nghỉ Hè và một vào dịp Tết. Tính Dì không giống Mẹ tôi lại càng không giống dì Ba Thanh Hồng. Ai nói sao cũng được, Dì không tranh cãi đôi co. Tròn thì cứ cho nó tròn. Méo thì cứ cho nó méo. Có mất mát gì đâu! Tròn hay méo thì chính tự nó cũng đã có sự thể hiện rồi, tranh cãi làm gì..
Nhưng có một điều hết sức đi ngược với tính tình của Dì.

Ra ngoài thì sao tôi không biết nhưng về tới nhà là giữa Dì Ba và Dì Tư luôn có sự bất đồng. Hai Dì cứ cãi vã nhau từ những chuyện không đâu ra đâu. Nhất là chuyện tình yêu đôi lứa thì như là lửa nước gặp nhau. Một bên thì muốn được hiền hòa phẳng lặng như nước hồ Thu. Một bên thì cứ muốn dậy sóng ba đào, như biển động sông tràn. Mẹ tôi là người ở giữa, cũng đã hết lời can gián, răn đe. Nhưng mà tình yêu thì làm sao mà giải cho ra. Con tim có tiếng nói và có lý lẽ riêng. Tiếng nói của Mẹ tôi cũng chỉ là tiếng kêu đò bến vắng. Mà có tới mười hai bến nước trong nhờ đục chịu chớ có phải ít đâu! Dì Hai( hay là cô Năm Huế ) có nói chi cũng chỉ hoài công, lại mang tiếng khắt khe đa sự....

Được cái dì Tư Thanh Cẩm của tôi rất tốt bụng. Dì ưa giúp đỡ mọi người, thích làm việc xã hội. Vậy mà trong quá khứ có hai lần ốm tương tư phải uống thuốc trợ tim với lại thuốc ngủ. Cũng chẳng phải phẳng lặng như nước hồ Thu đâu! Dậy sóng lắm chớ. Những đợt sóng thầm lặng chết người! Cả hai lần Dì đều bị dì Ba Thanh Hồng tôi sỉ vả đủ điều. Dì Tư cúi đầu lặng thinh không nói một lời. Dì khóc. Càng khóc thì lại càng bị sỉ vả dữ dằn hơn. Rồi cũng xong, cả hai lần đều không vật ngã được Dì. Dì lại đứng lên, tươi cười, ráo hoảnh. Mẹ tôi khen, không phải khen Dì Tư Thanh Cẩm, mà khen dì Ba Thanh Hồng :”Cái con nớ mà hay, hắn dựng đứng mi dậy thiệt là gọn. Ôi chao là tình, phát sợ !”.

Không có nhận xét nào: