tháng 4 24, 2009


Sự việc sáng nay ôn quan sát về hai chú bé khóc hay và thoáng hoài niệm lôi kéo ôn về lại tuổi thơ hay khóc của mình đã cho ôn có quyết định :
Câu chuyện này được viết từ cuộc hành trình, chứ không phải là cuộc hành hạ, tới Xứ Thần Tiên của gia đình mình.
Suốt cuộc hành trình, chứ không hề phải là hành hạ, ôn nghe tiếng khóc ngang bằng tiếng cười.
Tiếng khóc ngang bằng tiếng cười thì có gì đâu mà ôn mượn cớ để viết dông dài ! Ôn câu bài trên trang nhà của ôn thì có !
Chỉ là khóc đó rồi cười đó. Chuyện bình thường !. Ngồi yên một chỗ mà không táy máy nghịch ngợm, không chọc phá nhau để khóc để cười mới là chuyện không bình thường.
Cháu Li Li thích ăn chip, Cô (Dì) Út ( nghe chưa rõ) lại đưa xuống dĩa táo cắt sẵn. Nữ- hoàng-trái-cây là cháu Jasmine Trương Tiểu Thư chụp liền. Vậy là Li Li khóc. Trương Tiểu Thư cười.
Trương Thiếu Hiệp đòi uống nước, Mợ (Mẹ) Samath ( nghe chưa thấu ) lại đưa xuống chai apple juice. Hoàng-đế-nước-ngọt là cháu Andrew Trần Minh Huy chụp liền. Vậy là khóc là cười là giẫy nẩy . Kích cỡ Trương Thiếu Hiệp mà vùng vằng giẫy nẩy thì không chừng xe cũng chao nghiêng. Cậu(Ba) Hai nhớ ghìm tay lái .
Vô Mac Donald thì khóc cười đủ kiểu.. Giành giựt nhau từ gói ketchup chấm ít chấm nhiều lại còn nước ngọt màu xanh màu đỏ rồi ra cửa người đóng người mở, cũng giành nhau, giựt níu nhau.
Ôn đi ra thì cụng đầu vì (đứa mô, ác nhơn rứa bây) bất thần đóng cửa !
Bà đi ra thì thoải mái vì ( đứa mô, giỏi quá thương bà, hay là đúng lúc cửa chưa quày lại ) không hề nghe cái “cộp” như ông. Hóa ra cũng giống như trò chơi ông đi qua bà đi lại, hồi xưa, khi ông bà còn trẻ nít ở sân Đình làng quê hương.
Có điều hồi xưa ôn có đi qua bà có đi lại ( thì cứ đi ) đâu có gì bất trắc mà nay chỉ mới đi qua thôi, đã thấy nửa bên trọng nửa bên khinh.
Ôn thì nghe cái “cộp”. Bà thì thấy khỏe re !
Vô tới Xứ Thần Tiên vẫn còn râm ran tiếng khóc và tiếng cười.
Ra khỏi Xứ Thần Tiên lại cứ vẫn tiếng cười và tiếng khóc.
Lên xe giành ngồi gần bên Cô(Dì) bên Mợ(Mẹ) cũng khóc cũng cười.
Xuống xe giành xuống trước xuống sau cũng khóc cũng cười.
Cây-roi-mây ôn bỏ lại quê nhà mà như nếu có đem theo thì cũng chỉ treo lên tường làm cảnh như là treo mấy bức tranh sơn mài sông nước quê hương. Cây-roi-mây giờ đây hoàn toàn không còn có đất đứng trên vùng đất mới. Chỉ nên treo lên tường trang trí như là một hình tượng để gợi nhớ quê nhà và nếu có chút hoài niệm thì lâu lâu ngó tới mà thương lại chuyện hồi xưa.
Câu văn rồi cũng có dấu chấm (.), coi như là hết ý cũ để chuyển sang ý mới..Bài viết rồi cũng có dấu ( ./.) để chấm dứt. Mà có mấy ai sử dụng dấu (./.) để chấm dứt bài văn. Dấu xưa đó đã là lão hóa trên đất người.
Cây-roi-mây cũng trở thành cổ vật, chỉ nên nhìn ngắm . Xin đừng nắm tới mà gây họa .
Nhập gia tùy tục quá giang tùy khúc. Trong suốt cuộc hành trình, tiếng cười vui của các cháu thì ôn xin giữ lấy làm vui.
Còn tiếng khóc thì không chỉ riêng ôn, mà cả gia đình, đều đồng ý giao cho Cô( Mẹ) Ba giải quyết. Cô có cách riêng để giải hóa tiếng khóc thành tiếng cười.
Cô không có cây-roi-mây. Cô không có cảm tình với cây-roi-mây một thời đã từng làm Cô ê ẩm.
Cô chỉ có ánh nhìn từ đôi mắt khi thì nghiêm nghị khi thì dịu dàng. Và lời nói khi thì sư tử hống Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn khi thì giọng hát dịu dàng ru truyền cảm Ngọc Lan.
Hãy nhìn vào mắt cô. Con đã làm gì để Trương Tiểu Thư khóc? Nhìn vào mắt Cô và nói thật là tại sao ?
Hãy nhìn vào mắt Mẹ. Con có giựt cái bánh này từ tay chị Li Li khi Bà vừa đưa cho chị . Tại sao con làm vậy ? Tại sao…ao….ao….ao…?
Hãy nhìn vào mắt Mẹ, nói đi, con có giành cái xe này của Andrew không ? Con có biết con làm vậy là Mẹ buồn lắm không? Nhìn Mẹ đi, nhìn Mẹ và trả lời cho Mẹ biết.
Hãy nhìn vào mắt Cô và nói, nói. Tại sao con làm Jasmine khóc. Tại sao con để cho ôn buồn mệ buồn ba mẹ con buồn cô chú buồn vì con đã không biết nhường nhịn cho em. Điều đó là rất xấu ( có chêm vô mấy câu tiếng Mỹ để “đối phương” hiểu rõ ý sai của việc làm) con biết không ?
Cám ơn cô Ba đã cho gia đình có một cuộc hành trình( không phải là hành hạ ) tuyệt vời, đến xứ Thần Tiên.
Riêng ôn thì cám ơn nhiều hơn chút vì cô đã cho ôn thêm kiến thức khi muốn hội nhập vào cộng đồng mới. Hóa ra cây-roi-mây, không hơn không kém, chỉ là vật trang trí gợi hình ảnh quê nhà. Đất quê mới người quê cũng mới!
Chỉ cần ánh mắt nhìn nhau thôi.
Vậy là ôn biết rồi ! Nguyên lý xưa, quê nhà mình cũng có, là khi ta làm điều gì không hổ thẹn với lương tâm thì ta cứ nhìn trời nhìn đất nhìn người vẫn không thấy gì áy náy.
Còn có gì đó, không ổn hay gọi là bất lương(thiện), thì nhìn chính mình trong gương cũng thấy hổ thẹn chứ nói gì nhìn thẳng vào mắt ai !
Vậy cho nên người đời thường nói, đôi mắt, là cửa sổ của tâm hồn.
Tâm hồn xấu thì cửa sổ đóng, tối om. Tâm hồn cao thượng thì cửa sổ mở, sáng rỡ.
Cô đã lấy ánh-mắt-cửa-sổ-mở để tra vấn ánh-mắt-cửa-sổ-đóng.
Theo nguyên lý nhị nguyên là có đi thì có đến có tìm thì có gặp có hỏi thì có đáp có nắng thì có mưa…. Có đóng thì có mở.
Có khóc thì có cười.
Cô Ba đã giải hóa tiếng khóc ngang bằng tiếng cười cho suốt cuộc hành trình( nhắc lại, là không phải cuộc hành hạ ) chỉ bằng ( mở, đóng) ánh mắt nhìn.
Và, ôn cảm thấy rất là vui vì dẫu sao tiếng khóc, nhờ cô Ba giành giựt lại, đã ngang bằng với tiếng cười. Vậy là được rồi, là vui rồi, là hạnh phúc rồi…
Tri túc tiện túc. Đãi túc hà thời túc !!!!

Không có nhận xét nào: