tháng 6 15, 2012

CÁCH XƯNG HÔ TRONG TIẾNG VIỆT


(tình cờ "thấy lại" bài viết này trên Bán nguyệt san XÂY DỰNG, chủ nhiệm kiêm chủ bút: Giáo sĩ Mai Biên. Ban biên tập : Nguyễn hữu Của, Võ ngọc Tây,Phạm hồng Ân,Hàng ly Hương... )


CÁCH XƯNG HÔ TRONG TIẾNG VIỆT


Người Việt chúng ta có truyền thống lâu đời về lễ phép và lịch sự trong cách xưng hô.
Ngay trong gia đình, câu dạy nằm lòng cho con cháu vẫn là “ Đi thưa về trình. Gọi dạ bảo vâng “.
Trong học đường, câu nhắc nhở thường xuyên vẫn là :” Tiên học Lễ. Hậu học Văn”. Ngoài xã hội, qua giao tiếp hàng ngày, chúng ta vẫn có câu tục ngữ dặn dò :” Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”.
Không tránh được cái nhíu mày và một chút gì đó, không vui trong lòng, khi ra đường gặp đám con cháu chào mừng “Hi, Bác”. “Hi, Chú”. Rồi You, Me suốt trong câu chuyện hỏi thăm, trao đổi. Nghe thiệt là chướng tai. Thế nhưng, vẫn cứ (đành) chậc lưỡi, lắc đầu khỏa lấp bằng một câu “Nhập gia tùy tục”.
Cách xa một lũy tre làng, phong tục tập quán cũng đã có sự khác biệt rồi, huống chi...
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cũng chạnh lòng. “Đất lề quê thói”. Nhắc nhở đám con cháu hiểu, biết và làm quen với cách xưng hô trong tiếng Việt cũng là góp một phần trong việc bảo tồn nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Bởi vì, cách xưng hô trong tiếng Việt rất là phong phú, có tôn ti trật tự và thể hiện sự văn minh.
Trong hạn hẹp bài viết này, chúng ta tìm hiểu sự liên hệ trong cách xưng hô cho đúng.

I. CÁCH XƯNG HÔ TRONG GIA ĐÌNH
( Tổ tiên, Kỵ, Cụ, Ông Bà, Cha Mẹ, Con, Cháu, Chắt, Chút,Chít)
Người sinh ra ta gọi là Cha Mẹ.
Cha Mẹ của Cha Mẹ, Cô, Dì, Chú, Bác của ta gọi chung là Ông Bà.
Cha Mẹ của Ông Bà gọi là Cụ (Cố).
Cha Mẹ của Cụ (Cố) gọi là Kỵ.
Cha Mẹ đời trước nữa (nói chung) gọi là Tổ tiên.
Hay nói rõ hơn, ngay từ thế hệ chúng ta, thì :
- Chúng ta sinh ra các con (trai, gái) thì chúng ta được gọi là Cha Mẹ.
- Con của các con chúng ta gọi chúng ta là Ông Bà
Nếu là con của con gái chúng ta thì gọi chúng ta là Ông (Bà) Ngoại hay gọi tắt là Ngoại (bên Ngoại).
Nếu là con của con trai chúng ta thì gọi chúng ta là Ông(Bà) Nội hay gọi tắt là Nội (bên Nội).
- Con của các Cháu chúng ta gọi chúng ta là Cụ (Cố) (xưng là chắt)
- Con của các Chắt chúng ta gọi chúng ta là Kỵ (xưng là chít)
- Con của Chít chúng ta gọi chúng ta là Tổ tiên
II. XƯNG HÔ ANH,CHỊ,EM CỦA ÔNG BÀ
Anh trai của Ông Nội, chúng ta gọi là Ông (và Bà Bác)
Em trai của Ông Nội, chúng ta gọi là Ông Chú (và Bà Thím).
Chị gái, em gái của Ông Nội, chúng ta gọi là Bà O hay Bà Cô (và Ông Dượng).
Anh trai của Bà Ngoại, chúng ta gọi là Ông Bác, có nơi gọi là Ông Cậu (và Bà Bác hay Bà Mợ).
Em trai của Bà Ngoại, chúng ta gọi là Ông Cậu (và Bà Mợ).
Chị gái, em gái của Bà Ngoại, chúng ta gọi là Bà Dì (và Ông Dượng).
Tuy nhiên, trong cách xưng hô hàng ngày, người ta vẫn thường gọi giản tiện là Ông Bà (có nơi gọi là Ôn, Mệ)
III. XƯNG HÔ VỚI ANH,CHỊ,EM CỦA CHA MẸ
- Anh trai của Cha, chúng ta gọi là Bác (Bác trai, Bác gái).
- Em trai của Cha, chúng ta gọi là Chú (vợ của Chú, gọi là Thím).
- Anh trai của Mẹ, chúng ta gọi là Bác, có nơi gọi là Cậu (vợ của Bác, Cậu gọi là Bác gái hay Mợ)
- Em trai của Mẹ, chúng ta gọi là Cậu (vợ của Cậu, gọi là Mợ).
- Chị gái, của Cha, chúng ta gọi là Cô, (có nơi gọi là O) (chồng của O hay Cô gọi là Dượng)
- Chị gái, em gái của Mẹ, chúng ta gọi là Dì (chồng của Dì gọi là Dượng).
IV. XƯNG HÔ VỚI ANH, CHỊ, EM
Người sinh trước chúng ta được chúng ta gọi là Anh hay Chị. Sinh sau thì gọi là Em.
Anh chị em : tiếng dùng để gọi các con trong gia đình.
Anh chị em, nói chung, gồm có ;
- Anh chị em con Chú con Bác (anh em thúc bá) là các con trai, gái của Anh hay Em trai của Cha. Nếu là con của Bác, ta gọi là Anh, Chị(mặc dù có những anh, chị nhỏ tuổi hơn chúng ta). Nếu là con của Chú, ta gọi là em( dù em có lớn hơn chúng ta nhiều tuổi, em cũng không được gọi vô lễ kiểu mày-tao-chi-tớ vượt ra ngoài vòng lễ giáo).
- Anh chị em Cô, Cậu là con trai, con gái của em trai Cha và em gái của Mẹ.
- Anh chị em bạn Dì là con trai, con gái của Chị và Em gái Mẹ.
Ngoài ra chúng ta còn có cách xưng hô phân biệt về anh, chị em :
-Anh rể : chồng của chị mình.
-Em rể : chồng của em mình
-Chị dâu : vợ của anh mình
-Em dâu : vợ của em mình.
V. ĐẶC TÍNH TRONG CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT
Có nhận xét cho rằng việc xưng hô trong tiếng Việt quá phức tạp. Thật ra, không phải là như thế. Trái lại, rất phong phú, rõ ràng, có tôn ti trật tự.
Người Việt vốn có truyền thống lâu đời về lễ phép và lịch sự trong cách xưng hô. Hơn nữa được sự giáo dục, uốn nắn từ đời này qua đời khác đã trở thành nề nếp.
Các con, cháu có lễ phép và có giáo dục thường biết đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng chứ không bao giờ nói trống không với người trên, hay là muốn đi, về tùy tiện.Tiếng Thưa, tiếng Dạ thường dùng trước khi xưng hô với người ở vai trên của ta.
“ Thưa Ba con đi học. Thưa Mẹ, con đi học về. Thưa Ông Bà đến chơi ạ”.
Khi Mẹ gọi con :” An ơi” thì người con phải thưa :”Dạ”.
Nếu người Mẹ nói tiếp :”Con nhớ về sớm nhé” người con phải nói “Vâng”(người Bắc) hay Dạ (người Nam).
Người ta còn dùng chữ “ạ” ở cuối câu để tỏ ra kính trọng và lễ phép. “Chào Bác ạ. Vâng ạ”.
Đối với người ở vai trên của ta, ta không bao giờ được gọi tên tục (tức là tên Cha, Mẹ đặt cho) cuả Ông Bà, Cha Mẹ, Cô Cậu, Dì Dượng, Chú Bác. Chỉ được xưng hô bằng danh xưng ngôi thứ trong gia đình mà thôi. “Mời Ông Bà, mời Ba Mẹ, mời Cô Chú…”.
Đối với người trên, ta cũng không được dùng tiếng “cái gì” để hỏi vì nghe có vẻ vô lễ. Người ta thường thay thế từ “cái gì” bằng “điều chi” cho lịch sự và lễ độ. Thay vi hỏi “ Ba (hay Mẹ) bảo con cái gì?” thì ta phải hỏi “ Ba (hay Mẹ) bảo con điều chi ạ?”. Từ “ cái gì “ chỉ sử dụng với người ngang hàng mà thôi.
Xưng hô với anh chị em, ta dùng từ anh, chị, em trước tên hay ngôi thứ. “Anh Tuấn đi làm, chị Quyên đi học, em Uyên đang đánh đàn…”. Không được phép gọi anh, chị bằng tên trống không. Tuy nhiên anh, chị có thể gọi em bằng tên trống không hay thêm từ em vào trước tên để gọi. “ Đào, ra chị bảo cái nầy. Em Linh, lấy cho chị cái khăn”.
Anh chị em trong một gia đình có giáo dục không gọi nhau bằng mày và xưng tao. Những người con gọi nhau bằng mày và xưng tao là do lỗi của Cha, Mẹ không biết dạy dỗ các con ngay từ khi chúng còn nhỏ. Các con gọi nhau bằng mày, tao mãi rồi thành thói quen không thể nào sửa đổi được.
Khi có bà con thân thuộc đến chơi nhà, Cha Mẹ phải giới thiệu họ với các con mình và nhắc chúng cách chào hỏi.
Những người ở vai trên hay thứ bậc trên phải được giới thiệu trước.
Nếu các con mình đang chơi ở ngoài sân hay ở trong phòng khi có thân nhân đến chơi nhà, Cha Mẹ phải gọi nó ra chào bà con cho đúng phép.
Khi Cha Mẹ đến chơi nhà con cái, nếu trong nhà đang có khách, các con phải giới thiệu Cha Mẹ với khách và ngược lại. Có như thế việc xưng hô trong câu chuyện mới được tự nhiên và thân mật.
Đối với trẻ, bổn phận làm Cha Mẹ như chúng ta là phải thường xuyên nhắc nhỡ, khuyến khích chúng trong việc chào hỏi, xưng hô. Việc nhắc nhở, lập đi lập lại nhiều lần là cách ôn tập thường xuyên để chúng trở thành một thói quen tốt.
Điều quan trọng là Cha Mẹ dạy dỗ, uốn nắn thế nào để chúng có thể xưng hô, chào hỏi một cách tự nhiên chứ không ngượng miệng.
Thiết nghĩ, ở vùng đất lạ xa quê này, khi bước ra ngoài đường gặp đám trẻ nhỏ, vòng tay lễ phép :”Chào Bác ạ”. “Chào Chú ạ”.Thiệt là cảm động đến rưng rưng. Sung sướng đến nghẹn ngào. Thấy lại cả một trời quê quen thuộc trên đất trời xa lạ này. Thầm cảm phục các Anh, Chị nào đó đã khéo giáo dục đàn con trẻ theo đúng câu tục ngữ Ông Bà ta xưa để lại “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Ở xứ người, vẫn luôn giữ : " Đất lề quê thói ".

Hiên Trăng Brookhurst, 1999.
TRẦN HUY SAO

Sách tham khảo:
-Toan Ánh, Phong Tục Việt Nam,Từ Bản Thân Đến Gia Đình, Saigòn, 1969
-ThanhNghị,ViệtNamTânTựĐiển,ThờiThế,Sàigòn 1952
- Cách Xưng Hô…, Khải Chính Phạm Kim Thư

4 nhận xét:

viec lam long an nói...

Có lẽ ko có ngôn ngữ nào có cách xưng hô rắc rối như tiếng Việt, nhưng đó mới chính là bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Đáng buồn là ngày nay cả gia đình lẫn nhà trường dường như ko còn chú trọng dạy dỗ và rèn luyện vấn đề này cho con em nữa.

Nặc danh nói...

Toi chang thay co gi hay ve cach xung ho rac roi cua tieng Viet. Nhieu luc ha thap gia ti con nguoi, bien ho thanh khum num, ninh bo.
Chung ta can phai tieu chuan cac dai tu nhan xung cua tieng Viet nhu cac quoc gia van minh da lam.

Nặc danh nói...

Toi thay cach xung ho tieng Viet qua rac roi, thieu khoa hoc. Cach nhan xung nay vua thanh nha lai vua tho tuc, vua lich su lai vua bat lich su. Chung ta can phai tieu chuan hoa cach xung ho nhu cac nuoc van minh da lam. Phai thay doi cach xung ho sao cho the hien duoc su binh dang, dan chu va lich su khong phan biet giau ngheo, gia tre, trai gai, dang cap xa hoi. Nhung nguoi lanh dao dat nuoc can phai manh dan lam viec nay.

Nặc danh nói...

Theo toi tieng Viet can phai manh dan thay doi nhu sau de xoa bo su phuc tap, rac roi, bat binh dang va bat lich su:

Ngoi 1 so it: Toi (dung chung cho tat ca moi nguoi bat ke tuoi tac, gioi tinh, dang cao, chuc vu), con (chi duoc dung voi Bo Me, Ong Ba, Cu., Ki.).
Ngoi 2 so it: Vi. (dung chung voi tat ca moi nguoi), Quy Vi de to su kinh trong.
Ngoi 3 so it: Vi. ay hoac Quy vi. ay., no' (chi do vat)

Ngoi 1 so nhieu: chung toi, chung ta.
Ngoi 2 so nhieu: Cac vi., cac Quy vi.
Ngoi 3 so nhieu:, Cac vi. ay, cac Quy vi. ay, chung no' (chi do vat)