tháng 11 13, 2009

BÂNG KHUÂNG, NHỚ CHUYỆN QUÊ NHÀ


Chiều nay nhận được email, đọc, mà phát buồn, rồi cười !. (chớ không phải là buồn cười). Chắc chắn đây là người cùng Xóm đình chớ không chạy trật !.
Nội dung :
“...mi con cháu nhà ai mà viết ngang viết dọc về cái xóm quê mình để tao đọc mà mất ngủ mấy đêm. Mất ngủ vì nhớ lại cái hồi xưa. Tao nhờ thằng cháu lên gô gồ tìm tên tác giả để đọc cho đã cái bài Xóm Đình Đa Cát mà tụi nhỏ nói là có ông mô đó viết về xóm quê mình sao mà buồn ray rứt. Tao có đọc. Cái đoạn mi nói bị con chó cắn rồi về xức mồ hóng. Con chó của nhà chú Ba Cận chớ mô.. Còn Phạm Lạc thì tao nhớ, Phạm Đông tao cũng nhớ. Cả hai là con của chú Hương kiểm Lào gần nhà chú Nghi. So trong truyện mi là bạn của thằng Đông, rứa là đàn em xa so với tao rồi. Tao lứa tuổi với Phạm Liêu là anh của Phạm Lạc, Phạm Đông. Hồi nhỏ còn chơi với nhau cứ gọi là mày, tao mà nhiều khi đánh nhau hung lắm. Sau này Liêu về Xóm đã là thầy giáo mà nghiêm nghị chững chạc cho nên tao khó gọi lại mày tao quá. Cứ gọi nhau là ông với tôi cho dễ chuyện trò với nhau. Vậy chớ mi con cháu nhà nào trong Xóm....”
Meo qua meo lại hóa ra anh là người cùng xóm. Anh đang ở quê nhà và cũng đang ở nhà trông coi cháu nội, ngoại đầy đàn. Có một đoạn email, anh nói “ Mù cha tam đợi ! Mấy đứa con tao răng mà hắn soàn soạt mỗi năm mỗi đứa làm cho tao với chị hùn sức nhau trông coi mấy đứa cháu cũng thấy ngất ngư con tàu đưa. Nói chơi vui là chắc trời lạnh tụi hắn ngủ sớm...”.
Thú thật, tôi không hình dung ra anh là ai, dù biết nhà anh cách nhà tôi một đoạn đường dài gần gần như là Xóm trên Xóm dưới.
Sau này, do anh nói, là chồng của chị Huê, tôi mới giật mình nhớ lại anh là tài tử, chị Huê là giai nhân của Xóm tôi. Té ra anh là con của bác Cứ, chị là con của chú Tường. Rồi khi biết tôi là con của ôn Cai Hoành anh nói : “ hèn chi mi viết văn làm thơ bởi hồi đó chú Cai cũng thơ văn giắt đầy mình đi tới đâu cũng nói chuyện thơ văn mặc dầu chú là thợ mộc dùi đục chan chát suốt ngày. Sau này chú lên chưn làm thầu khoán đi suốt năm suốt tháng. Lâu lâu về nhà thắp cây đèn “măng sông” ( manchon) sáng rỡ. Hồi đó xóm mình chỉ có đèn dầu. Đêm tối có việc ra ngoài thì đốt đuốc...”
Anh vốn tên là Địa.
Sau này, có một khỏang thời gian dài, lang bạt kỳ hồ xuống tận miền Nam kỳ lục tỉnh. Có qua Cao Miên( có qua không, không biết, chỉ nghe nói, nghe tin đồn !).
Cuối cùng về lại Xóm quê.
Ai lâu ngày gặp gọi mừng tên Địa (cúng cơm) là anh giả lơ như không nghe không thấy. Ngày nào bác Cứ cũng có người tới nhà “mắng vốn”, có nghỉa là phàn nàn hay nặng hơn là phiền trách, về thái độ của anh với bà con làng xóm.
Bác, trước tiên là xin lỗi rồi sau đó mới giải thích nguyên do. Hóa ra là cái tên Địa (cúng cơm) bây giờ đã đổi là Đại. Trần Quang Đại thay vì Trần Địa như ngày nào. Chuyện này có Hộ Lại của Làng ( là chú Lại) thay mặt chính quyền viết lên giấy trắng ( không trắng lắm, chỉ ngà ngà) chuyển đổi tên cũ qua tên mới trên tờ Giấy Khai Sinh. Bên dưới có chữ ký của ông Xã Lùn( xin lỗi ôn, bởi ai cũng gọi vậy, nên gọi quen) với dấu mộc màu xanh đen ( sau này dấu mộc đổi tông màu đỏ chói ) . Ai dám không tin!
Sau một khoảng thời gian trường trải quê xa học đòi bao điều mới lạ, anh về lại Xóm cũ,phong cách coi như là “ hương đồng gió nội bay đi khá nhiều” nên Trần Quang Đại như là một biểu tượng cách tân và mau chóng trở thành thần tượng của lớp thanh niên Làng Xóm quanh năm đèn dầu le lói đêm ra đường thắp đuốc đuổi bóng đêm.
Đầu tiên là cái đầu trọc bao đời gìn giữ nay đã chuyển hóa ra đầu tóc dài chải tém, láng mướt dầu dừa. Mấy anh trai làng ( có nhiều anh đẹp trai dễ sợ mà cũng có nhiều anh, cũng trai, mà xấu trai thấy ớn ) đã thầm lén đua nhau ( nhìn nhau tranh nhau ) dưỡng nuôi mái tóc dài. Để tha hồ mà chải tém !
Quần cụt áo thun hay thuở giờ trần sì quần cụt áo da tứ thời, nay đua đòi nhau lên "mốt" quần tây, áo tây tay dài cổ bẻ. Quần thì bốn nếp li, hai túi trước hai túi sau. Áo cần (rất cần) có một túi( bên trái nghe, bên phải là trật-cùi-chìa, thấy mà dị hợm ) để bỏ cái lược ( nhỏ ) lâu lâu làm dáng, lấy ra, chải ngược mái tóc gió bay.
Chân trần thuở giờ mưa nắng hai mùa, hay dẫu cho có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông cũng trần chân lội đạp. Nay đã kịp thời trang “ôm” đôi dép cao su đủ màu xanh đỏ tím vàng.
Nếu không điều kiện để đua đòi thời trang thì cứ chơi ngang đôi guốc vông. Cũng vậy thôi ! Guốc với dép, nói tận cùng, cũng chỉ là một nghỉa ( cử ) như nhau. Cũng chỉ là ôm đôi chân trần đừng cho đạp đất như đã từng đạp bao năm .
Duy có điều, so với thời trang, đôi dép thanh tân vẫn có tranh phần thời thượng !
Thử tưởng tượng coi !. Mặc quần tây áo tây mà đi đôi guốc vông thì đúng là choài đạp xỉa xói nhau hung bạo tới cùng!. Thiếu điều mắc cở !!!
Nhưng mà thôi !
Nhắc chuyện hồi xưa mà đem so lòng toan tính theo tình cảnh ngày nay thì nhắc nhớ làm chi ! Ngày xưa nó vậy mà ! Cứ để yên ngày xưa là như vậy trên trang đời hoài niệm!.
Nói cho cùng, cũng chỉ tại vì nhớ tới anh Địa bỗng dưng là anh Đại.
Anh Địa (tên cúng cơm) rồi anh Đại !. Nghĩ cho cùng,cũng cùng vậy thôi !. Địa với Đại chỉ là chia nỗi nhớ như nhau. Cũng chỉ là vòng ôm kỷ niệm viết về một làng quê. Viết hoài không hết những trăn trở vui buồn....
Lớp thanh niên, ngày đó, có theo anh làm thay đổi lớn lao khuôn mặt Xóm Làng nhưng không theo nổi anh tiếng đàn và lời ca bạt ngàn trời đất phương Nam. Cái đó là của phần anh, đi một ngày đàng học một sàng khôn, không ai níu với được.
Khi anh dạo tiếng đàn cò-bay-thẳng-cánh ruộng lúa phương Nam và cất lời ca Nam Bộ, chính thống giọng Nam, không hề pha trại giọng người tứ xứ về hội tụ lại làm nên Xóm Làng tôi. Một Xóm Làng quê nằm cuối trời phong thổ, chưa từng có nóng chỉ có lạnh và se lạnh, vùng cao.
Xóm quê tôi đêm thắp đèn dầu âm thầm lặng lẻ trong sinh hoạt gia đình. Có những đêm Trăng, bất chợt hữu tình, người người rủ nhau ra tụ họp ở sân Đình coi như mái nhà chung để để tận hưởng thời gian quý báu Trăng về làm ấm làm vui. Được có hiếm hoi để vui đùa cho lảng quên những lặng thầm sinh hoạt gia đình khép kín. Quên những ngày Trăng, có lên, mà tức tưởi giú mình trong mây. Quên đi những ngày mưa dài lê thê và những ngày tiết trời se sắt lạnh...
Tiếng đàn và giọng hát phương Nam của anh theo với dòng Trăng đã như níu nắng ấm bỏ vô tình Làng nghĩa Xóm.
Anh là tài tử của Xóm quê tôi.

(còn tiếp, khi có thời giờ buồn nhớ bâng khuâng...)

Không có nhận xét nào: