tháng 10 23, 2009

LẠI CHUYỆN LÀNG CHUYỆN XÓM


Xóm quê tôi “tối lửa tắt đèn” nhà ai nấy ở, đường vắng teo. Lệ Làng quy định gần mười giờ là có chú A, nhà ở cuối dốc giếng Hai Vòi, đeo cái mõ cầm cái dùi, đi hết làng trên xóm dưới.
Chú vừa gõ mõ vừa ê a bài học-thuộc-lòng nhắc nhở mọi nhà coi chừng lửa bếp, coi chừng cửa nẻo, coi chừng...ngủ sớm để mai có sức ra làm công việc nương rẫy, làm thợ làm thầy.
Nói chung, khi tiếng mõ đã gióng lên từ làng trên xóm dưới là mọi người dân xóm đều biết đó là giờ giới nghiêm. Nhà ai nấy ở nội bất xuất ngoại bất nhập.
Tráng đinh trong làng sẽ đi tuần rỏn để giữ gìn an ninh trật tự cho bà con có giấc ngủ đầy.
Người lớn ai cũng gọi chú A là “thằng mõ”. !
Tôi nghe mà trong lòng cứ chộn rộn xốn xang nỗi bất bình. Chú lớn tuổi rồi, có đông con và cũng bắt đầu lai rai có vài đứa cháu nội ngoại. Vậy sao gọi là “thằng”?.
Tôi có đi dò hỏi quý đàn anh đàn chị, có vòng tay xin Cha tôi giải thích về danh xưng “thằng” riêng đối với chú A (Nguyễn văn).
Các anh, chị lớn không giải thích nổi vì mỗi lần gặp chú thảy đều vòng tay cúi đấu thưa chào phải phép. Đâu có dám gọi “thằng"!
Cha tôi thì không nói rõ hết ngọn ngành, chỉ nhắc chừng con có gặp chú thì phải chào hỏi lễ phép “tiên học lễ hậu học văn”. Chú cũng là dân xóm làng mình. Ai cũng có phần việc riêng để chung lo chuyện xóm làng.
Hàng năm xuân thu nhị kỳ hay ba năm Làng vô hội kỳ yên thấy chú chạy trong, ngoài mệt nghỉ theo lệnh sai bảo của quý vị chức sắc hội tề. Chú tất bật luôn tay và cười vui luôn miệng. Chẳng khác chi là người ăn kẻ ở cuả xóm làng. Tôi thiệt lòng thấy bất nhẩn bất ưng !
Thương chú những đêm Đông trời lạnh giá vẫn nghe tiếng mõ và tiếng chú ê a kéo dài lúc to lúc nhỏ hòa theo tiếng gió hú ngược ngàn thung xanh về ngang qua Xóm.
Một thời gian sau này, lâu mau tôi không nhớ được, tiếng mõ tự nhiên tan biến, đã không còn đêm đêm.
Thời thế đổi thay. Xóm làng cũng theo dòng thay đổi. Lớp tráng đinh lần lượt bỏ làng bỏ xóm lên đường thi hành quân dịch,kỳ hạn ba năm.
Lúc nào không hay, đêm đêm làng xóm không còn có tiếng mõ cầm canh với lời nhắc nhở. Quán mụ Đối vẫn đèn(dầu)khuya đối bóng mấy anh trai làng nhậu nhẹt thâu đêm.
Đường xóm khuya vẫn còn mấy chị thanh nữ hẹn hò tình yêu về muộn.
Lớp trẻ tụi tôi thả giàn những đêm Trăng sáng sân Đình. Tha hồ mà bày vẻ những trò chơi tới hồi khuya lơ khuya lắc.
Coi như cái thời xa xưa đã vào cải cách giai đoạn mới.
Miếng đầu làng to hơn sàng bếp đã đi vào thực tế,là không nên cần thiết. Bởi có to mà không no thì thôi,xin đừng to theo kiểu no hơi danh lợi phù vân mây nổi mây trôi...
Ôn cai Tư, là hương sư của nhiều thế hệ.
Tới thế hệ tôi, ôn trở dáng chiều đời không còn nhanh nhẹn đi đứng. Không nhặm lẹ nói năng bác vật bởi mắc chứng lảng quên tuổi già.
Không trách. Chỉ trách con gà dĩa xôi cúng thầy buổi khai tâm đã không chút sơ múi cho thằng học trò trỏ mắt nhịn thèm. Khi ngồi xếp bằng bên cạnh đồng môn, nước miếng thèm ăn làm lạc giọng ê a bài học ..tử con tôn cháu lục sáu tam ba gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau...
Khi tôi vào trường tiểu học Đa Nghĩa thì nhường cái-nhịn-thèm cho lớp đàn em trong Xóm. Ba tôi lại thêm một con gà và dĩa xôi cho em tôi. Em Tuyết. Nay em không còn nữa !
Những cái-nhịn-thèm cứ tiếp nối cho kỷ niệm xóm làng về một người Thầy, không chỉ là đáng kính, mà đáng yêu trong suốt dòng chảy tuổi thơ.
Bọn trẻ xóm tôi không hề gọi là Thầy mà chỉ gọi là ôn. Tiếng gọi níu thân thương do từ tình Làng nghĩa Xóm.
Bởi khi gọi tiếng Thầy, nghe sao mà xa lạ không còn Xóm còn Làng. Vấp váp xa lạ và không thể gần gụi thân thương bằng tiếng ôn.
Tiếng "Thầy" chỉ để rồi dần quen khi vào dòng học chính thống ở trường Tiểu Học,nơi có hệ thống cải tiến theo tân học tựa như con đường quê đất đá qua con đường trải nhựa phẳng phiu !.Có Thầy(Cô Hiệu Trưởng).Có ông(bà)Trưởng Ty Tiểu Học !
Tiếng gọi hương sư đã dần đi vào quên lảng.
Riêng hương-sư-Ôn-cai-Tư, mãi mãi muôn đời, là ôn Thầy của bao thế hệ đàn anh đàn chị ( đàn tôi) đàn em của riêng cái xóm nghèo (trong muôn vạn xóm nghèo) quê tôi.
Ôn đã khai tâm cho nhiều thế hệ, sau này vào đời, đã có nhiều thành đạt.
Khi trở lại Làng quê Xóm cũ, quý vị giáo sư (đã và đang dạy học trò),quý vị đã bỏ bút nghiên theo việc kiếm cung nhân khi nhắc lại thầy xưa, vẫn cứ gọi là ôn.
Ôn của một thời đèn dầu khô bấc.
Ôn của một thời sân Làng vang lừng chiêng trống hội kỳ yên.
Một thời có “thằng mõ” đêm đêm nhắc nhở mọi nhà củi lửa coi chừng vạ lây trăm họ.
Ôn của tuổi khai tâm con gà dĩa xôi dọn đường chữ nghỉa vào đời khôn lớn.
( Anh Vĩnh Nghi ( con của “mệ” Bửu Thực) thủ khoa khóa 17 Võ Bị Quốc Gia Đàlạt , khi về lại xóm nhỏ, xoa đầu tụi tôi nói các em gắng lên để cái sàng bếp xóm mình to ngang bằng, và sánh ngang bằng cái đầu nước, chớ không phải( và đừng phải) cái đầu làng. Anh hồi nớ cũng có ôn cai Tư khai tâm như lớp trẻ tụi em. Cũng có cái nhịn thèm miếng thịt gà miếng xôi có khác chi đâu !)
Tụi trẻ xóm tôi ngưỡng mộ gương mẫu của anh, gắng giành nhau vượt khó để sớt cái đầu làng mà lên cái đầu nước. Khi tụi tôi bắt đầu vào đời với các chuyên khoa Đại Học, nao nức vào quân trường thì Thiếu tá Vĩnh Nghi ngả xuống trong trận chiến Mậu Thân 1968 !).
( Anh Phạm Liêu (con của ôn Phạm Lào) giáo sư trường Võ Tánh Nha Trang cũng có về qua Xóm. Tính ông ít nói ít cười( chỉ hiếm hoi cười trong niên học là vào dịp tất niên “đãi” học trò về ăn Tết và dịp hết niên học “tiễn” học trò lên lớp trên).Coi như một năm chỉ có hai nụ cười!.Tôi gọi ông là anh, không là Thầy, vì ông là anh vợ, tôi lại không là học trò Võ Tánh Nha Trang.
Ông nghiêm nghị cỡ nào thì quý anh một thời võ-tánh-nha-trang[nếu tình cờ đọc bài viết này]khắc biết. Không chừng góp thêm cho tôi vài “giai thoại” về tính nghiêm nghị của ông.)

Khi anh về xóm nhỏ, nhắc chuyện khai tâm, anh vẫn gọi thân thương là ôn cai Tư của Xóm mình.
Còn nhiều, nhiều lắm, những anh những chị đã một thời ...lục sáu tam ba gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau.. đã vào đời, đã nên danh nên phận từ buổi khai tâm con- gà-dĩa-xôi với ôn cai Tư của Xóm quê mình : xóm đình Đa Cát.
Chỉ nhắc tượng trưng hai anh gần gụi nhất ( anh Vĩnh Nghi gần nhà, anh Phạm Liêu thì gần bên vợ). Một bên văn một bên võ.
Nhắc cho nhói nỗi nhớ thương về một nơi chốn, khi ở thì thấy như là rất bình thường mà khi dứt bỏ ra đi lại ray rứt nhớ thương.
Anh Vĩnh Nghi đã thật sự đi xa rồi !
Anh Phạm Liêu, nay vẫn còn bám trụ ở Nha Trang, hưu trí. Mở một kệ sách cho thuê kiếm sống qua ngày thêm dặm vào đồng lương hưu ít ỏi cho một nhà giáo lưu dung....

(còn tiếp, khi có thời giờ buồn nhớ bâng khuâng...)

Tháng 09/2009

Không có nhận xét nào: