tháng 5 13, 2015

Cho Một Lần Về Ban Mê Thuột


                                                                    gởi các bạn niên khóa 1960 -1967
            Tôi cầm ly bia định làm một hơi ngọt giọng thì Hồ Việt Thống tới. Tới từ phía sau bằng một cái vỗ vai đau nhói . Tôi quay người lại, đã choáng ngợp một vòng ôm của 27 năm dồn nén đến nghẹn ngào. Hai-mươi-bảy năm để tôi tìm lại những dòng nước mắt của người bạn học cũ rơi đầy trên áo, trên vai tôi. Để tôi tìm lại đựơc tình bạn ấm nồng giữa buổi chiều nắng hanh vàng trên đường Lê văn Duyệt (cũ) của thị xã Banmêthuột (cũ) những ngày cuối tháng Tư năm 1994 khi tôi trở về thăm lại ( biết đâu, có thể là lần cuối !) nơi chốn một thời cất giú giùm tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm học trò . Mai này khi giã biệt quê hương, tôi sẽ còn giữ mãi những hình ảnh không phai mờ về những nơi chốn tôi đã để lại từng năm tháng thanh xuân , từng năm tháng kỷ niệm, từng năm tháng tình hoa bướm, từng năm tháng thơ ca một thời nổi đình nổi đám dưới mái trường trung học  và sau đó là khoảng dài năm tháng biền biệt sơn khê để chưa có một lần trở lại .
             Cho một lần về Banmêthuột , tôi chỉ có  một mong ước khát khao là nhìn lại  mái trường xưa . Cố tìm gặp  những khuôn mặt bạn bè một thời hoa mộng . Muốn được đi qua   những con đừơng và tìm về những nơi chốn đầy ắp những kỷ niệm của một thời chớm biết mộng mơ .
             Người đầu tiên tôi gặp khi “ trở về mái nhà xưa” là Hoàng văn Đức. Cho dù bụi thời gian có phủ mờ những đường xưa lối cũ nhưng tôi vẫn cứ  tìm ra được con dốc nhỏ xuống (khu )xóm Trần Hưng Đạo. Một đêm thức trắng với Hoàng văn Đức để nhắc nhớ đến những ngày xưa. Tôi bùi ngùi không nghĩ được là còn có một ngày được tìm về những kỷ niệm êm đềm trên chính vùng đất đã một thời ôm ấp và nuôi dưỡng trìu mến tuổi thanh xuân của chúng tôi. Nhưng cũng thiệt là buồn ! Kỷ niệm xưa, giờ đây đã có những vỡ vụn và mất mát. Từ buổi ra đi, tan tác lạc bầy và khi trở về lại hụt hẫng bơ vơ. Nơi chốn xưa đã có nhiều thay đổi. Bạn bè cũng đã rơi rụng trên từng chặng đường đời nghiệt ngã. Phố thị vẫn mãi lặng thầm đón đưa những người xưa tìm về. Chỉ có lòng người mang riêng từng tâm trạng buồn vui. Những hàng cây cao bóng mát, những ghế đá công viên trên đường Thống Nhất có biết tâm trạng bùi ngùi của tôi không !
             Bùi ngùi và xót xa như khi nhìn lại mái trường đã không còn dáng dấp ngày xưa. Tất cả đã đổi thay – cho dù nét đổi thay có vẻ khang trang và lớn rộng hơn. Nhưng sao tôi vẫn cứ yêu thương những dãy lớp dọc ngang cũ kỷ, bạc màu vôi ngày ấy. Tôi vẫn cứ yêu những bãi cỏ mượt mà mỗi giờ ra chơi lăn lộn, đuổi bắt, trì kéo nhau hung bạo đến nỗi rách tưa cả áo ! Cũng có khi nằm duỗi người thoải mái, tay gối đầu, mắt lim dim nhìn những đám mây bay. Những đám mây khi tụ khi tan đan kết những hình dáng theo trí tưởng tượng của mình . Và chính những lúc nằm duỗi dài nhìn ngắm mây trời trôi nổi, tôi tập tễnh những vần thơ của một thuở học trò. Và, sau này,  một thi văn đoàn đầu tiên mang tên là Thi Văn Đoàn Sao Dị Hình được thành lập tại một Thị xã vốn không phải và không hề là mảnh đất của Thơ Văn . Chỉ có Bụi và Bùn. Chỉ có Buồn và nối dài thêm chữ  Muôn Thuở. Vậy mà chúng tôi đã gởi lại, nơi chính mái trường thân thương này, những vần Thơ  tình vụng dại thuở học trò. Và phải nói, còn sướt mướt hơn cả những trang Lưu Bút Ngày Xanh chuyền tay nhau trong những ngày Hè đến.
             Dấu ấn của một thời sách vỡ mộng mơ đã để lại trên từng lá cây Phượng Vĩ  lạc xuống nỗi buồn vui qua từng niên học. Thấp thoáng đâu đây, những dáng áo tiểu thư để mấy chàng trai trung học Banmêthuột cứ mãi trông vời...
             Nghẹn ngào quá! Buổi chiều hôm đó, giữa đất trời quen thuộc, tôi đứng lặng nhìn mái trường xưa !
             Và chiều hôm nay, cũng giữa đất trời quen thuộc, người bạn học cùng lớp ngày nào đã đẫm ướt vai tôi những dòng lệ của bao năm dài nín, nghẹn. Trời cũng cảm động để đổ cơn mưa. Ba đứa  dầm mưa đi tìm Lê Huy Yết, nhà ở cuối đường Hàm Nghi . Trời đột nhiên trở gió và mưa quất rát mặt mày. Đành phải trú mưa, ghé vào một quán nhỏ trên đường Phan Bội Châu . Ở đoạn đường này, đi xuống một khoảng là trường Bồ Đề. Đối diện là khu xóm có nhà của một hoa khôi Trường cũ : Vũ thị Mai. Tự nhiên tôi lại liên tưởng tới những khuôn mặt vẻ dáng một thời làm đẹp thêm những ngày tháng hoa mộng học trò : Bùi thị Điều, Dương Thu Hương, Mai Thu Tùng, Phan thị Tố Đức, Võ thị Lành, Đinh thị Thanh Xuân, H’Lin, H’Liêng...
             Những người đẹp giờ đây đã lưu lạc phương nào ! Đi xa rồi đấy nhỉ ! Nhưng dáng áo tiểu thư vẫn còn đậm nét nhớ nhung bàng bạc và cả những lần ngơ ngẩn dài bước đuổi  theo dáng áo thướt tha từ  những chàng trai một thời cùng chung lối  đi về qua những ngỏ phố quen xưa  !
             Cơn mưa chiều tầm tã làm nghẽn bước chân tìm thăm bạn cũ . Ba đứa xắn quần đi ngược ngã tư  Phan Bội Châu – Lê văn Duyệt .  Về đến nhà ông anh , nơi tôi cư ngụ suốt mấy ngày ngắn ngủi về thăm , đã thấy Nguyễn Châu (tự là Châu Cui ) và Hoa đầu bạc (vốn gốc gác dân trung học Bồ Đề) đợi sẵn. Lại một màn quây quần lai rai ba sợi . Xế buổi thì Phùng Ngọc Cửu đến (  Cửu là em ruột của Phùng Ngọc Long . Phùng Ngọc Long rời trường rất sớm (1964) vào binh chủng Hải Quân và tử nạn tại sông Sài Gòn năm 1965) . Phùng Ngọc Long, Đoàn văn Trường, Hồ việt Thống, Hoàng văn Đức và tôi là những người bạn chí thân suốt khoảng thời gian cùng một mái trường . Cửu cầm tay tôi rưng rưng nước mắt .  Nghe tin anh về. Em thay mặt anh Long tìm đến thăm anh...”.Tôi ôm chú Cửu vào lòng , thân thiết ruột thịt , âm thầm chia sẻ cùng chú tình cảm không thể nói ra lời . Tôi cứ nghĩ như là chú Cửu bé nhỏ ngày nào ôm chầm lấy anh khi anh ghé đến thăm . Anh nhớ, hồi đó, nhà còn trồng cả một vườn hoa Nhài . Mùa hoa rộ nở , cả nhà xâu từng chuỗi hoa Nhài để sớm mai đem lên chợ Lạc Giao ngồi  bán . Mỗi lần anh đến, chú thường choàng cho anh một chuỗi vòng hoa Nhài . Hương thơm ngát nhé ! Tình thơm ngát nhé ! Để sau này , khi viết về nơi chốn xưa, trong thơ anh vẫn thường gợi nhắc mùi hương hoa Nhài  của một thời anh sống ở cái xứ Buồn Muôn Thuở , Bụi Mù Trời...
             Lần cuối, khi anh đến nhà, tin cẩn, để nhờ chú giữ  những bản thảo Truyện, Thơ của anh cho chú cất giữ trước khi anh ra đi  . Chú, trong một lúc thật bất ngờ, đã ôm choàng lấy anh, và khóc . Vòng tay của chú em, là em của  người bạn học của anh,  đã cho anh thắm đượm tình bằng hữu , đã cho anh thấy tình cảm của Ban mê thuột chúng mình dành lại cho người đi kẻ ở . Và chú Cửu, chú có biết không, những đêm ngồi  chia nhau hơi thuốc với anh Long ở công viên Thống Nhất , anh Long đã có đọc cho anh nghe những vần Thơ về một tình yêu đầu đời với một-mái-tóc-dài . Rồi sau đó, Long đi, và, đi mãi .... Mái-tóc-dài  một thời-hoa-mộng-học-trò của Phùng Ngọc Long ( bút hiệu Hoàng Chúc Linh trong Thi văn đoàn Sao Dị Hình BanmêThuột ) là Ngô Thị Phin . Bây giờ, Phin lưu lạc nơi đâu ? Có một lúc nào đó, bất chợt, nhớ về một khoảng thời gian, một nơi chốn, một hình ảnh đáng nhớ dù giờ đây đã biệt tăm từ quá khứ ! . Và , với Cửu, khi đọc những dòng chữ này em cũng coi như là anh viết để tưởng tiếc những ngày xưa mà các anh , của em, mãi mãi vẫn còn trân trọng . Bởi vì, kỷ niệm , bao giờ cũng là điều trân quý trong cuộc đời .
             Và cũng chỉ muốn được giữ gìn trân quý hơn cho cuộc đời, nên  trước lúc rời xa quê hương , anh đã  quyết định một thân một mình về lại Ban Mê Thuột . Về lại một nơi chốn xưa anh đã bỏ lại quá nhiều kỷ niệm . Sợ mai này , đi xa , bỏ sót lại những kỷ niệm của một thời anh đã hít thở không khí đầy ắp tình cảm bạn bè, Thầy, Cô . Ôm chầm những hình ảnh. Chắt chiu những kỷ niệm . Dành dụm những ân tình. Rã rời những khổ đau. Trân trọng những hạnh phúc. Nghẹn ngào những chia xa. Và, cũng sợ những nhạt nhòa phôi phai năm tháng  ! Cũng may rằng BanMêThuột có một Đặc San để mọi người cùng viết, cùng chia sẻ . Và anh đã viết, những dòng chữ này gởi về em, chú em của suối Đốc Học  nơi có Phùng Ngọc Long là người bạn chí thân của anh.
             Buổi tiệc tàn .  Châu Cui hẹn ngày mai sẽ  là người hướng dẫn tôi tìm thăm những người bạn cũ.


Ngày mai lại đến, không phải Châu Cui, lại  vẫn là Hoàng văn Đức. Sau khi điểm tâm hai tô bún bò “ tân lập” ở quán-ven-đừơng trứơc Sân Vận Động, hai đứa lội bộ ( khoảng vài bước marathon)  đến thăm Phù Tường Mậu&HTHuệ . Mậu cũng đang ở trong diện chuẩn bị ra đi ,  chờ phỏng vấn. Vẫn là tiệm sữa đồng hồ như ngày xưa và chắc là bận bịu ( hay không muốn mất thời giờ, hay là vì lý do gì đó, Mậu ?) đã khước từ  lời mời đi thăm bè bạn ! Có ghé tìm Nguyễn văn Thống&Ngọc nhưng không gặp .  Cuối cùng, cơ may, lại đến gặp được Chí Hương, em của Cô Nguyễn thị Suối Kiết,. Hương hiện là chủ quán Cà phê (hình như là đừơng Phan Chu Trinh cũ). Gặp nhau , mừng nhau, chọc phá nhau về những tháng  ngày xưa . Nhìn Hương cũng không khác , vẫn mái tóc ngắn  và nụ cười hồn nhiên .Bên ly cà phê dậy hương  Banmêthuột , tôi có hỏi về những người một thời ( cũng) dậy hương Ban mê Thuột : Nguyễn thị Cậy(duyên dáng, mặn mà) , Nguyễn thị Nương(sắc sảo, kiêu sa) nhà cũng ở đường Phan Chu Trinh . Hương hoàn toàn không biết vì ngày đó gia đình Hương ở Khu Công Chánh ( mé trái trường Trung Học Banmêthuột) nay vì thời cuộc đẩy đưa và cũng tại vì  theo ông xã nên lập quán cà phê ở đây độ nhật qua ngày. Có nhắn lời hẹn Lê Ngọc Lâm và Lê Huy Yết nhưng chờ hoài chẳng thấy hai ông bạn họ Lê này “lết” tới !. Ngày về ngắn ngủi, không gặp nhau  được kể cũng buồn thật.  Nhưng rất thông cảm cho tình cảnh khó khăn và tình cảm bạn bè. Thời buổi gạo châu củi quế, dù trong lòng rất muốn tìm đến, nhưng đành phải ưu tiên chạy tiền gặp gạo cơm trước.
             Cho một lần về thăm, điểm mặt gọi tên, chỉ còn lại dăm ba người bạn cũ. Vậy là tất cả đã đi xa, lưu lạc Đông- Đoài !
             Đêm cuối cùng , cũng chỉ vài người bạn cố công tìm gặp trong hai ngày ngắn ngủi về thăm và Phùng Ngọc Cửu, đã là đêm hội ngộ cuối cùng trước lúc chia xa. Bao nhiêu năm dài chỉ giữ lại một vài giờ ngắn ngủi. Đúng là chuyền cho nhau hơi ấm của tình bằng hữu một thời chung mái trường xưa là giây phút này. Còn được ngồi lại bên nhau. Còn được nắm lấy tay nhau...Để rồi phút chia tay, giữa đêm khuya, tôi đứng bên hiên nhà nhìn theo những bước chân xa của bạn bè mà rưng nước mắt...
            Và, từ đó, tôi đi xa !
            Quê hương đã gọi là cố hương. Thị xã nơi tôi sống những ngày hoa mộng học trò đã là nơi cố quận. Bạn bè mỗi lần nhắc tới cũng đã là cố nhân !
Cuộc sống trên đất lạ quê người theo dòng thác lũ, không còn và không có thì giờ nhìn lại .  Có nhận thư Hồ Việt Thống một lần. Những dòng thư dài gởi nhiều tâm sự . Tôi quá cảm động với những dòng chữ :” Để nhớ tới mày, tao đã đặt tên cho hai đứa con trai của tao. Một đứa tên Huy (để nhớ Huy Sao của thi văn đoàn Sao Dị Hình ngày nào) và một đứa tên Hưng( để nhớ mày, người bạn chí thân của tao”. Cảm động quá ! Cảm động vô cùng. Và qua thư, nó cũng có lời xin lỗi là không thể uống nhiều trong buổi tiệc chia tay đêm ấy vì phải kiêng khem. Như vậy là đang mang bệnh trong người. Tôi giật mình nhớ lại, đêm đó khi ra ngoài hiên trước, nó níu tay tôi như muốn nói một điều gì đó . Sau một phút chờ đợi, nó lắc đầu buồn bã đẩy tôi vào cùng các bạn . Ngày đó, tôi  không để ý nhưng khi nhận thư  thì tôi hiểu. Thống ơi! Mày giấu tao . Mầy đã không thật lòng vì sợ bạn buồn trong ngày họp mặt. Thảo nào khi lần gặp đầu mày ôm tao, mày khóc.  Đêm chia tay, mày lại cũng ôm siết người tao và cũng bật khóc ! Hình như có một điều gì, thầm kín trong lòng, mà mày không tiện nói ra trong ngày vui họp mặt bạn bè... 
             Đang chuẩn bị một-chút-gì-đó với một lá thư chia sẻ tình cảnh của bạn bè thì nhận tin bên nhà báo qua là Thống đã mất. Xin báo tin cùng các bạn  là Hồ Việt Thống ,  cựu học sinh trường Trung học Banmêthuột (1960-1967) đã  nằm xuống trên vùng đất Phước An (Banmêthuột) tháng 4/1966.
             Nỗi buồn mất mát chưa khuây thì lại nhận tin từ bên nhà Hoàng văn Đức , cựu học sinh Trung học Banmêthuột (1960-1967) đã nằm xuống ở Khu Trần Hưng Đạo(Banmêthuột) ngày 8/9/1996.
             Và sau đó, một tháng, thì cũng nhận được tin bạn Nguyễn Châu (tự Châu Cui) cũng đã nằm xuống ở Xã Lạc Giao (cũ).
             Có nỗi buồn nào hơn khi chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, nhận được tin, ba người bạn của một thời cắp sách, đã ra đi ! Tình bạn ! Nếu chỉ sơ giao thì ngậm ngùi thương tiếc . Còn thâm giao ! Thì đau khổ tới cỡ nào ! Nhớ lại bài Thơ ngẫu hứng khi nhận được tin của bạn cũ ,nhắc nhớ lại buổi chiều mưa gặp nhau, đâu có nghĩ rằng đó là lần cuối :
Tao về Thị xã chiều hôm đó.
Ba đứa ngồi  nhìn mưa bên hiên.
Ly bia đọng giọt mừng tri ngộ.
Mai mốt mỗi thằng đi mỗi nơi.
Nhắc nhau chuyện cũ, nhớ chuyện cũ.
Mấy lượt người xa, mấy lượt về.
Nhẩm lại trên tay còn mấy đứa.
Ngồi lại nhìn nhau. Buồn hay vui !

Uống cạn đôi ba ngày gặp lại.
Nuốt nghẹn thời gian về lối xưa.
Bao năm biền biệt tìm nhau mãi.
Nay gặp nhau rồi, cứ rõ say...

Chiều đi nghiêng ngả, chiều mưa bay.
Đường xưa ngập nước, phố xưa đây.
Bao năm biền biệt, về, dưng lạ.
Lạ cả mày, lạ cả  đến tao.

Mới biết tháng năm tàn nhẫn quá.
Chẳng đợi người đi, đón kẻ về.
Dửng dưng thế sự đời dâu bể.
Vô tình đâu nghĩ đến lòng đau.

Mai tao đi tụi mày ở lại.
Quê hương có ngọt lịm mía đường.
Có nắng, có mưa. Đành thôi vậy.
Tụi mày cứ giữ lấy giùm tao.

Giữ lấy, nâng niu từng kỷ niệm.
Trường xưa, lớp cũ, tháng năm xa.
Một thuở tóc xanh, hồn dạng trẻ.
Một thời hoa-mộng-tuổi-học-trò.

Bây giờ tóc đã màu sương gió.
Đời đã phong trần, năm tháng phai.
Gặp nhau, chiều ấy, ngồi ôn lại.
Nhớ, quên cũng đủ nặng lòng đau.

Chiều nay, nhận được tin thư bạn.
Lòng kẻ xa quê đã quá buồn.
Bỗng dưng nhớ lại, chiều mưa ấy.
Nghìn trùng xa cách – nghìn trùng xa...
             Nghìn trùng xa ! Hay xa cách nghìn trùng ! Chỉ là trộn lẫn chữ nghĩa đấy thôi !
             Đã xa cách lại còn cả nghìn trùng ! Buồn  quá ! Những người bạn của một thời cắp sách dưới mái trường xưa, nay không còn được nắm tay nhau, không còn chuyền hơi ấm cho nhau. Và Thống ơi! Đức ơi ! Châu (Cui) ơi ! Đâu còn dịp nhìn thấy nhau lần nữa !
             Năm, tháng dần qua, lớp bạn bè ngày xưa, nay, đã vào tuổi vàng thu đông lạnh . Có dịp nào được kề cận bên nhau, xin cứ tìm nhau  và đến với nhau. Đừng để nắng sớm mưa chiều khi nghìn trùng xa cách có gọi ới tới nhau thì lá đã rơi về cội, nắng đã nhạt cuối đồi. Hoa chỉ có một thời rộ sắc, Trăng chỉ có một khoảng trời riêng, Xuân Hạ Thu Đông cũng chỉ giữ một thời khắc ngắn và đời người cũng chỉ hạn hẹp phù vân.
             Phố Bụi một thời giữ tình tôi nắng Hạ. Khi xa quê Phố Bụi rớt xuống đời tôi những lá vàng Thu. Rồi mai đây tuổi vào Đông giá, khi nhớ về Banmêthuột – Bụi Mù-Trời-Buồn-Muôn-Thuở , tôi còn ai chia sẻ những ngậm ngùi...
             Bạn bè trường lớp cũ ơi ! Những ngày tháng Trường xưa ơi ! Hạ vẫn hồng. Phượng vẫn đỏ. Qua mấy mươi năm biền biệt phương trời, cũng có thể, bợt màu...
             Nhưng mà chỉ bợt màu thôi, chứ làm sao mà nhạt nhòa cho được !...

TRẦN HUY SAO
Đoàn Trưởng Thi Văn Đoàn SAO DỊ HÌNH Ban Mê Thuột

( Nguồn : Đặc San & Kỷ Yếu Trung Học Ban Mê Thuột
Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường 1955 – 2005 )
Lời nhắn :
- Xin cám ơn hai Bạn Trần văn Chính&Vân Anh (San Diego) đã cố công tìm tôi và dẫn tôi về lại với Trung học Banmêthuột, dắt tôi đi gặp lại những Thầy, Cô, Bạn cũ để tôi ấm lòng trong tình cảm chan hòa ruột thịt của tình bạn cũ trường xưa.
- Xin cám ơn bạn Lữ thị Hương(France) (bút hiệu Hương Lam trong Thi văn Đoàn Sao Dị Hình, của tụi mình, ngày xưa ) đã đưa lên Trang Nhà BMT tấm hình của Nhóm Thi Văn  Sao Dị Hình nhân dịp Trường tổ chức du ngoạn Hồ Trung Tâm năm (?). Trong hình có Hồ Việt Thống ( Triều Phong Sương), Hoàng văn Đức ( Hàn Mặc Đan), Đoàn văn Trường(  Hoàng Hải Sơn), Lữ thị Hương ( Hương Lam), Trần  Phan Hưng( Trần Huy Sao).Lê thị Xuân Đào ( Lệ Anh Đào) của Thi văn Đoàn Sao Dị Hình Banmêthuột (1963-1965).
Chính từ những cảm xúc các Bạn đem đến  mà tôi đã viết được câu chuyện này.
 
        








CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI KỶ NIỆM 60 NĂM TRUNG HỌC BAN MÊ THUỘT
1955 - 2015
 
 

 

Không có nhận xét nào: