tháng 1 21, 2012

TẾT QUÊ NHÀ


(bài đăng lại theo yêu cầu )


Gởi người Xóm đình Đa Cát ( Cây số 4 Đàlạt )


Đã có từng cơn gió chướng tràn về từ hướng núi. Trời trở lạnh và khô. Hoa Quỳ hương nở rộ hai bên đường, vàng óng.
Bác Hai Mộc đã...qui cố hương . Thím Ba Hồng cũng…hồi cố quận . Anh Tư Quân cũng… xếp tàn y về nơi cố thổ. Đó là cách nói thời thượng mang nặng tính võ hiệp giang hồ của anh Kiệt, nghe riết cũng thấy hay hay lại có văn vẻ cho nên ai cũng cố tình bắt chước. Sức học anh thì chưa tính được bao nhiêu nhưng sức đọc của anh thì tính tới bao, bồ mà đựng. Anh đọc truyện tới nỗi quên ăn quên ngủ. Tòan là chuyện kiếm hiệp. Đọc đến nỗi nhập tâm. Có Bác Hai Luân bị “dị ứng” về lối nói năng nặng mùi kiếm hiệp của anh Kiệt. Bác cứ lầm bầm “ Qui cố hương, hồi cố quận hay có về nơi cố thổ thì cứ nói rẹt một tiếng về cho nó gọn. Bày đặt…”.
Mà cũng bày đặt thiệt !
Tết thì về quê ăn Tết chớ bày đặt chuyện qui, hồi cố hương cố quận cố thổ chọc giận nhau làm chi !
Hàng Mai già dọc đường dốc đất bên cạnh Chùa Linh Quang đã kết nụ rồi, sắp nở rồi. Bụi Quỳ hương ở hục Bà Sơ sau lưng chợ Chiều chỉ còn thưa thớt mấy cái bông vàng rực . Vàng rực hết sức để chờ tàn, chờ rụng . Bởi, khi hoa Quỳ hương tàn rụng là lót đường cho mùa Xuân mạnh đường đi tới. Tiếng heo kêu ở nhà thím Hiếu làm nôn nao mấy củ hành ngâm giấm đã trở màu hồng đậm trong hủ thủy tinh. Trở màu là đã “ chín mùi ” vị ngọt chua, thanh cảnh .Gắp ra dĩa, để ghém với miếng thịt heo được rồi ! Mà tiếng heo kêu giờ này nghe tràn đầy nội lực chớ không eo éo như thường ngày vẫn kêu . Như vậy là đã đúng lứa, sắp vô nồi ! Mà nồi chung chớ không phải nồi riêng của gia đình nào.
Chuyện nuôi heo ăn Tết thì hầu như ở Xóm nghèo quê tôi đã quen thành lệ. Cứ năm ba gia đình chung vốn mua heo rồi giao trọng trách cho một người mát tay nhất trong nhóm nuôi vỗ chờ Tết ngả thịt, chia đều. Tính tóan, thỏa thuận rất sòng phẳng để không ai phải bị thiệt thòi.
Thuận buồm xuơi gió thì mùa Tết có thịt để mà rộn ràng bận rộn với nồi niêu xoong chảo . Bằng như…nửa đường đứt gánh thì coi như phủi tay, coi như là chỉ ăn Tết có một nửa, mất vui.
Còn về chuyện thịt gà ! Tuy là không chung vốn mà phải tự lo liệu nhưng cũng phải chuẩn bị kỹ càng. Tháng Tư ta là lo đem gà trống còn non tơ ra chợ tìm ông thợ thiến gà. Lo đóng chuồng. Vật liệu sơ sài cũng được nhưng phải bảo đảm là mỗi chú gà một chuồng riêng vừa đủ đứng, nằm chớ không có khoảng rộng để đi tới đi lui.
Nếu …thuận buồm xuôi gió, thì khoảng tháng mười-hai-ta, lứa gà thiến thịt thà đã nặng chình chịch, lông lá đã trổ màu sắc rực rỡ. Mỗi chú trọng lượng cũng cỡ chừng bốn tới năm ký. Nhà nuôi chừng hai, ba con thì tha hồ mà ăn Tết.
Nhưng mà cũng khó lắm. Bắt đầu từ tháng-mười-chưa-cười-đã-tối cho tới đầu tháng mười-hai-rét-ngọt thì cái nạn dịch gà khó cản. Qua được cửa ải này thì nồi niêu mới có dịp khua ran để mà ăn Tết. Thường thì khó vượt qua…
Còn cái khoản thịt bò thì quá đỗi xa vời, không cách gì với tới. Chỉ có trong dịp hội Làng. Mà nhắc tới Làng Nước thì bao la quá. Nhất là miếng thịt của Làng thì cũng quá là nhiêu khê! Chi bằng trở về lại một mái nhà với miếng thịt tự cung tự cầu, mà cũng… tự nhiên hơn, để hưởng ba ngày Tết.
Chỉ có thịt heo, thịt gà là gần gụi với tầm tay. Và cũng chỉ có chú Quý là người gần gụi và thân tình với bà con hơn hết, nhất là thời gian cận kề Tết. Bởi chú là tay đồ tể, nếu nói theo cách nói của anh Kiệt, là vào bậc thượng thừa. Tôi còn nhớ như in hình ảnh của chú. To lớn dềnh dàng, dáng đi khật khưởng. Gương mặt to ngang với đôi mắt xếch và cặp lông mày rậm đen. Nhìn chú thì thấy dữ dằn nhưng chú hiền lắm, lúc nào cũng cười. Ai nói gì cũng cười, nụ cười tươi vui, đôn hậu trái hẳn với vẻ hung hãn, dữ dằn của chú.
Cũng không biết do từ đâu mà ai gặp cũng gọi chú là Tiết Nhơn Quý, một nhân vật trong truyện Tàu, riết rồi chết tên luôn.
Chắc tại vì tướng tá to lớn dềnh dàng với lại sẵn chú tên Quý. Hay cũng từ anh Kiệt…
Thường ngày, chú rất chậm chạp trong công việc nhưng khi nhập vai đồ tể, chú nhanh nhẹn vô cùng. Từ lúc lùa heo ra cửa chuồng cho tới lúc xả thịt chia chác đồng đều cho các sướng (chớ không phải khổ) chủ, mọi động tác đều chính xác, gọn gàng. Ai nấy nhận phần thảy đều vui lòng hễ hả. Với đôi tay thiện nghệ và dưới mắt nhìn ước lượng cân đo của chú, xác suất trọng lượng phần thịt chia chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh. Ngày Tết mà! Giành nhau tiếng cười vui chớ giành nhau chi thêm mấy miếng thịt chưa đủ giắt răng. Thảo nào anh Kiệt nói chú là tay đồ tể thượng thừa kể cũng không ngoa. Dễ chi kiếm được người thứ hai.
Công cán thì chú chỉ nhận đúng nửa ký thịt đùi và một lít rượu, vậy thôi. Thêm cũng không chịu. Bớt cũng không chịu. Ngang bằng sòng phẳng. Rồi chú qua nhà khác cho kịp giờ.
Mùa Tết là mùa làm ăn sung mãn của chú. Mùa Tết cũng là mùa chạy marathon của lũ trẻ chúng tôi. Cứ nghe tiếng heo kêu dậy trời dậy đất là tụi tôi tranh nhau rượt chạy cho kịp thời coi ông Tiết Nhơn Quý sát trư. Có khi một ngày chạy hai ba lần…
Sau này, có thêm chú Thứ nhà gần Hục Bà Sơ nhưng tay nghề không so kịp bằng chú Quý.

1 nhận xét:

Dã Quỳ nói...

Chú làm con nhớ ĐL quá chú ơi!!! hic ..hic ...