tháng 8 08, 2009


***

Đây là câu chữ thời gian Nghĩa viết riêng về Dì…
….Dượng qua mỹ đã mười năm. Hình như phong thổ ở miền quê mới không thích nghi nên Dượng vẫn in như ngày nào. Nhìn chung, Dượng chẳng có gì thay đổi. Dì thì ngược lại, béo tốt đẫy đà, trông trẻ lại cả gần mười năm. Lần đầu gặp Dì, tôi nhìn không ra. Bởi thấy Dượng, như gốc đào cằn khô, đứng bên người đàn bà phổng phao tươi mát.
Dượng nhào tới nắm tay tôi, mừng vui không dấu. Tôi thì không đủ nhiệt tình nắm trả vì trong bụng đang thầm trách Dượng sao nỡ qua sông đắm đò, đặng cá quên nơm !. Dượng vô tình đâu biết ý nghĩ của tôi, kéo người đàn bà tới, cười cười :
- Con biết ai đây không?. Dì của con đó !
Tôi ngượng nghịu gật đầu chào, xa lạ. Nghe tiếng người đàn bà cười giòn dã. Bàn tay mập ú vỗ vai tôi đau điếng :
- Ối trời ơi, cái thằng này!. Không còn nhận ra Dì nữa sao ?.
Tôi giật thót người. Tiếng nói rõ ràng là của Dì, không nhầm lẩn được. Tôi cười ngượng nghịu, chống chế :
- Nãy giờ con nhìn không ra, tưởng là..cô nào. Dạo này Dì trẻ, đẹp quá chừng !
Dì cười thoải mái, buông gọn một tiếng “ Thank you”. Rồi tự nhiên, thân mật quàng tay qua vai tôi, vào nhà. Tôi đi mà gần như phải chạy theo độ nương đẩy của Dì. Dượng lẻo đẽo theo sau. Phải qua một khoảnh sân rộng tươi mát màu cỏ xanh trải thảm. Mấy chậu Hồng nhung đủ màu đang độ mãn khai, thoảng mùi hương dịu nhẹ.
Nỗi thẩn thờ từ sự đổi thay của Dì sau hơn mười năm gặp lại vẫn còn nặng trĩu trong lòng…
Giữa hai hình ảnh ngày xưa và hôm nay hoàn toàn khác biệt.
Tôi nghiêng đầu, lén nhìn xuống bàn tay Dì đang ghì chặt lấy vai tôi. Bàn tay mập mạp đỏ hồng, những ngón tay tròn núc, móng sơn màu đỏ chói. Sao lòng tôi tự nhiên thoáng có chút gì buồn buồn, xa vắng !. Tôi nhớ bàn tay cầm chén chè đậu Ván, Dì đưa tôi mỗi lần Dì cháu gặp nhau ở khu chợ Chiều xóm nhỏ, nơi Dì vẫn thường ngồi với ganh chè nuôi sống cả gia đình. Bàn tay gầy guộc in nổi những đường gân xanh chằn chịt khiến tôi chạnh lòng, ngập ngừng không muốn nhận. Hai Dì cháu nhìn nhau thoáng nhanh, dù không nói, nhưng cũng cảm nhận chung một nỗi đắng cay chất chồng từ cuộc sống. Tôi có mặc cảm ăn chén chè của Dì là tôi ăn bớt vô phần thu nhập nhỏ nhoi của một gia đình trong thời buổi gạo châu củi quế. Nhưng nếu từ chối thì Dì buồn và tủi thân…
Mười năm!. Khoảng thời gian chưa đủ dài và cũng không hẳn là ngắn. Chỉ khi nhìn lại Dì tôi mới thấy rõ là khoảng thời gian đó quả có dài. Dài quá cho một sự đổi thay đến choáng ngợp. Từ nét mặt, sống mũi, gò má cho đến cả nhân dáng, cung cách, điệu bộ….
Với cuộc sống văn minh phương tiện, con người có thể đổi thay tất cả. Khoa học kỷ thuật tân tiến không ngừng phát triển để làm nên những trò ảo thuật. Dì quay vòng trong quỷ đạo của trò ảo thuật nôn náo kéo ngược thời gian, tìm lại dáng đứng của mình, bù lổ những năm tháng cơ cực đến phờ phạc, héo hắt cả con người.
Phải nói rằng tôi không được thoải mái, tự nhiên khi gặp lại Dì. Từ nơi Dì, tất cả đã đổi thay. Biết đâu chừng và cũng có thể, cả sự đổi thay về nếp suy nghĩ tình cảm mà Dì, cháu vẫn dành cho nhau!. Tốt hơn hết là nên, rất nên, giữ một khoảng cách thăm dò để khỏi rơi vào tâm trạng hụt hẫng, buồn.
Vào tới phòng khách mát rượi, Dì ấn tôi ngồi xuống bộ sofa rộng rinh rồi hối Dượng đi lấy nước cam. Dượng mới vừa ngồi xuống đã vội đứng lên đi qua phòng bên, dáng đi nhẫn nhục lặng thầm. Tôi nhìn theo và ngỡ ngàng khám phá là Dượng có phần teo tóp hơn xưa. Cái khoảng mười-năm-thời-gian đã phủ phàng đẩy Dượng ngã chúi về phía trước trong khi đó lại kéo ngược Dì trở lại phía sau.
Khi Dượng trở lại với mấy ly cam vắt thì Dì nói với tôi :
-Thôi, hai dượng cháu ngồi nói chuyện. Dì phải đi đây chút.
Day sang Dượng, Dì dặn dò :
- Đồ ăn còn trong tủ nhiều lắm nghen. Đừng có la cà ra quán, tốn tiền.
Rồi Dì vào phòng riêng.
Phút giây hội ngộ mười năm chỉ có vậy !. May mà tôi đã chuẩn bị tâm lý ngay từ đầu nên còn giữ được nụ cười gượng gạo. Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, Dượng nói như là lời an ủi :
- Dì con vậy đó, đừng buồn. Mặc kệ Bà, Dượng cháu mình ngồi đây nói chuyện quê nhà cho vui.
Buồn vui sao thì chưa biết, nhưng hiện giờ tôi cảm thấy buồn tủi trong lòng. Nỗi háo hức chỉ vừa mới đây thôi, đã xẹp như cái bong bóng xì hơi.
Có tiếng máy xe nổ, tiếng cửa garage mở lên rồi đóng xuống chậm đều. Dì đã đi.
Tôi nhìn ra bầu trời chiều vàng vọt những tia nắng chia đều trên một góc sân cỏ mượt. Những ngọn cỏ ngợp nắng vàng rưng, gợi thoáng nỗi buồn xa vắng sao thấy quen quen. Phải rồi ! Màu vàng chiều nắng của một góc sân quen quê nhà, nơi tôi đã sống những tháng ngày vàng vọt sau cuộc đổi đời. Màu nắng vàng gợi nhớ những khuôn mặt thân quen một thời chung niềm cơ cực. Hình ảnh Dì đậm nét trong tôi từ những năm, tháng đó. Tôi vẫn còn hình dung được những buổi sáng khi tôi đạp chiếc xe cà-tàng xuống con dốc Ngô Quyền vội vã đến hợp tác xã xây dựng, nơi tôi làm việc đã thấy Dì với gánh chè trên vai nặng trĩu. Hai Dì cháu chỉ kịp nhìn nhau cười. Vì chiếc xe không có thắng, tôi phải rà bàn chân vô bánh sau hãm đà xe đang lao xuống dốc, vượt qua trước ánh mắt lo âu nhìn theo của Dì.
Buổi chiều trở về, đôi lúc gặp Dì ngay đầu con dốc chợ Chiều thì thế nào tôi cũng được một chén chè đậu Ván. Tôi ăn mà không thấy vị ngọt, nghèn ngẹn vị đắng cay. Nhất là khi lén nhìn nồi chè chưa vơi hết nửa. Chừng như cũng đoán được ý nghĩ thầm kín của tôi, Dì mĩm cười khỏa lấp : “ Liệu mà sắm cái thắng xe đi!. Thấy con lao xuống dốc Dì muốn đứng tim luôn”. Tôi cũng cố cười khỏa lấp không khí ngượng nghịu, nói câu khôi hài : “ Thắng chi nữa, Dì. Tuột dốc quá chừng rồi, thắng cách chi cho lại!”. Hai Dì cháu cùng cười. Chuyện cái thắng xe, mỗi lần gặp lại, Dì cứ nhắc. Dì không nghĩ xa xôi chuyện tuột dốc đổi đời mà chỉ lo là tôi có ngày nằm chổng cẳng dưới con dốc thì không có ai cùng chia gánh nặng áo cơm với gia đình trong thời buổi khó khăn cùng cực.
Từ nơi Dì, tôi vẫn giữ lại chén chè đậu Ván cho dù sau này Dì Dượng được anh Mạnh, người con trai độc nhất, bảo lảnh ra đi. Gánh chè nhượng lại cho thím Nguyện, người bạn thời con gái, của Dì.
Ngày tiễn đưa, tôi giữ thêm một hình ảnh nữa, về Dì. Hình ảnh của người Dì gầy guộc, cử chỉ và lời nói lúc nào cũng chậm chạp đắn đo. Nhìn Dì, tôi cứ ái ngại với ý nghĩ rồi sẽ thế nào khi qua vùng đất mới. Ở đất nước văn minh phương tiện, cuộc sống sôi động, rập khuôn, máy móc chắc là Dì sẽ cảm thấy lạc lõng cô đơn. Làm sao Dì có thể thích nghi với đời sống mới !. Ý nghĩ này cứ giữ mãi trong tôi qua bao năm, tháng kéo theo nỗi xót xa thương cảm khi mỗi lần chợt nhớ tới Dì.
Để rồi khi gặp lại, nỗi xót xa thương cảm mang nặng bao năm bỗng dưng tan biến nhường cho nỗi buồn tủi choáng ngợp cả lòng! Sự đổi thay tàn nhẫn đã thật sự làm thương tổn tình cảm thầm kín dịu dàng có được từ những năm, tháng khi Dì cháu còn ở quê nhà…
Như vậy là chén chè đậu Ván của những cơ cực long đong đã đi lạc đường dâu bể rớt xuống chỗ phồn hoa ! Có còn giữ được vị ngọt thanh cảnh ! Có còn giữ được ấm nồng hay cũng tàn nhẫn đổi thay….

Không có nhận xét nào: