tháng 12 27, 2008

LAS VEGAS KÝ SỰ


Chuyến đi Las Vegas, đại gia đình, 29-30/03/2008
Bài viết này gởi các cháu ngộ ngĩnh của Ôn:
Elizabeth Trần Huyền Trân
Andrew Trần Minh Huy
Kenneth Trương
Jasmine Trương



Để nhắc cho các cháu nghe là mười-hai-năm trước Ôn, Mệ với bốn người con có theo gia đình Ôn Sáu Lạc lên thăm Las Vegas. Ôn Sáu có nói : “ Chở tụi bây lên thăm, trước là cho biết nơi chốn mà ai cũng muốn được một lần trong đời bước tới. Sau nữa, là cho tụi bây đóng tiền điện, mệt nghỉ ”. Ôn Sáu chỉ nói tới đó thôi, không nói nữa.
Bây giờ Ôn Sáu có muốn nói cho rõ ràng hơn, cái khoản đóng tiền điện ( mà sao phải đóng tiền điện hè ?),thì cũng không nói được. Ôn mất rồi. Mất hồi năm 1998, khi gia đình Trần tới Mỹ được bốn năm. Riêng cái khoản tới thăm thú một nơi chốn mà ai cũng muốn được một lần trong đời bước tới thì Ôn thiệt là cám ơn Ôn Sáu, đã cho được mãn nhản và thỏa mản lắm rồi. Đúng là hồi còn ở quê nhà Việt Nam, Ôn (và Mệ, chắc cũng không hơn, cũng rứa) mơ có một ngày tới được Las Vegas. Tới mà ngó cho đã thèm con mắt. Tới cho thỏa lòng mơ ước hải hồ. Giấc mơ tưởng chừng không bao giờ, và nghĩ là không thể nào với tới.
Vậy mà nay, đã tới, mà với được.
Khi Ôn Mệ với bốn người con vừa bước vô một casino ( là nơi khách sạn gia đình sẽ ở trong mấy ngày ) thấy cả hàng người đông vô số kể, đứng nghẹt quanh, trước, sau, màn ảnh truyền hình to ở giữa phòng, đang nhìn quả cầu chậm đều rơi xuống, háo hức đếm ngược từng con số bật nháy trên màn hình ( 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1 ). Tiếng 1 ( tất nhiên là tiếng Mỹ, là One đó ) vừa chấm dứt là thiên hạ reo mừng, hò hét, nhảy nhót. Rồi ôm nhau. Rồi hôn nhau ! Ôn ngó thấy mà ngượng ngùng quá đỗi. Hỏi Ôn Sáu : “ Răng được phép hôn nhau như rứa? Mà hôn ở trong phòng kín, sao lại ở ngoài ?”. Ôn Sáu cười ngất, vỗ vai Ôn đau điếng : “ Mi ơi ! Ở phòng kín họ làm chuyện khác.Ở ngoài thì họ hôn nhau, có khí trời, khỏi ngợp !”. Ôn nghe vậy thì biết vậy, nhưng ngượng chín, trong lòng. Nay, ở đất Mỹ lâu rồi, Ôn vẫn còn thấy ngượng ! Không phải ngượng vì thấy họ ( là người Mỹ đó ) ôm nhau, hôn nhau ở ngoài ( phòng kín ) một cách rất tự nhiên mà ngượng vì mình không đủ khí trời để hôn nhau kiểu đó. Đông Tây vẫn còn ngượng với nhau nhiều. May ra, tới thời các cháu thì hòa tan. Hòa nhập và tan loãng.
Lý do họ hôn nhau là để Chúc Mừng Năm Mới.
Hóa ra là Ôn Sáu đã dàn dựng cho bầy đoàn thê tử vừa bước vào khách sạn là đúng thời dịp đón mừng ngay, cái giờ phút thiêng liêng của năm cũ bước qua năm mới.
Ở quê mình gọi Giao Thừa, là giờ phút năm cũ đi qua năm mới tới.
Bây chừ Ôn mới nhớ lại một lần ở cái giờ phút giao thừa, Ôn có hôn Mệ một cái rất “dẹ dàng”, nói là hôn mà chỉ là hôn phớt qua bên má mịn màng thời con gái, khi Ôn với Mệ buổi thanh xuân. Ôi, nụ hôn của một thời trai trẻ, Ôn cứ nhớ hoài. Ngày đó, lâu hung rồi, khi Mệ chưa về với Ôn, chỉ còn trong thời gian thử thách để bà Cố coi giò coi cẳng thằng rể tương lai. Giờ phút giao thừa đó, bà Cố đang lo cúng rước trước sân, đâu có thấy cái hôn thơm mùi năm mới của Ôn dành cho Mệ !
Té ra, Đông Tây cũng gặp nhau ở giờ phút đó.
Nhưng Tây thì động, Đông thì tĩnh.
Nụ hôn cho giờ phút chuyển mùa năm cũ bước qua năm mới, dù động hay tĩnh, cũng là hình ảnh giữ riêng làm kỷ niệm.
Với tình yêu, để chúc mừng năm mới, có lời nói riêng. Lời nói mà không lời!
Ôn yêu cái hôn má “dẹ dàng” của tình yêu. Ôn yêu cái vòng ôm tỏ lòng thương thắm thiết của những người thân thuộc quanh mình.
Nhẹ nhàng thôi ! Bạo quá, bỗng như thấy mình bị dị ứng !
Đi một đàng học được sàng khôn. Cũng là một kỷ niệm nhớ hoài khi được đón Giao Thừa ở Las Vegas mà Ôn Sáu đã để lại cho Ôn cất giữ hoài trong suốt thời gian ở quê người.
Sau này, kỷ niệm nào có được ở quê người, Ôn cũng giữ hết. Lại còn đưa vào Thơ, Văn để san xẻ cho cùng khắp ta bà thế giới.
Ôn xưa vốn dòng văn, thơ chất ngất bởi thừa hưởng gia tài để lại của Ôn Cố. Ôn Cố khi đi xa, gia tài để lại, không gì ngoài bốn bài tứ tuyệt gởi nhắn hiền nội, cho các con, cho bằng hữu và một bài tự thân.
Trong số các con, hình như và duy nhứt, Ôn là người thừa hưởng gia tài Ôn Cố để lại.
Có Ôn ( Bác, Cậu ) Phước, cũng làm Thơ. Làm Thơ lai rai, kiểu làm thơ tài tử. Lâu lâu có sự kiện gì chớp giựt trong đời thì Ôn (Bác, Cậu) mới làm một bài thơ. Còn bình thường cuộc sống thì không, không hề.
Có thêm Ôn ( Bác, Cậu Hàm) cũng làm thơ, nhưng chỉ là ngẫu hứng. Một đời thơ, đâu chỉ mấy bài không thấy ghi lại, chỉ đọc rồi cho qua. Kiểu làm thơ karaoke cho vui buổi họp mặt anh em.
Đâu có mà như Ôn, một ngày mà không “nhóp nhép” mấy câu thơ ngẫu hứng là một ngày không vui. Thơ Ôn viết tràn lan đến nỗi phải ( cầu viện Mệ và các con hưởng ứng, đóng góp cho Ôn có điều kiện ) xuất bản vài tập để mọi người cùng đọc. Với Ôn, cuộc đời mà không có Thơ, cuộc đời buồn thảm và vô vị.

Đời buồn tênh may mà có Thơ
Để nhớ trăm năm đỡ lụy sầu
Thơ viết ngàn câu – rồi chì nhớ
Một câu- để giữ lấy cho nhau


tôi làm thơ mỗi ngày thơ chảy dài xuống phố hòa nhập dòng xa lộ đọng lại trong sở làm

thơ bên cạnh chỗ nằm vụn đầy trong giấc mộng theo gió trời lồng lộng ngập òa nắng thảo nguyên

thơ theo nỗi truân chuyên xót xa đời ly xứ quyện theo em tình tứ rớt tôi nỗi muộn phiền

đời vẫn còn oan khiên bước phong trần nghiêng ngửa thơ mãi là diểm tựa theo từng dấu thăng trầm

xin em cứ lặng thầm đọc thơ tôi ngày tháng xót đau đời hữu hạn nên trọn tình theo thơ…


Yêu Thơ tới tầm cỡ đó thì các cháu cũng hiểu rồi chớ đừng nói tới nhân vật “Em” mà Ôn thường trân trọng nhắc trong Thơ.
Nhân vật “Em” trong Thơ Ôn ( trong Cõi Thơ Trần ) là Nàng Thơ.
Hóa thân ngoài đời ( hay nói cho văn vẻ “ ngoài Cõi Thơ Trần ” ) là Bà ( Nội, Ngoại) của tụi bây đó, các cháu ngộ ngĩnh của Ôn.
Lớp hậu duệ, sau này, ngó tới ngó lui ngó mòn con mắt cũng chỉ thấy có ( mẹ) cô Ba Quyên của các (con) cháu. Cô đọc nhiều và viết nhiều. Viết chuyện tràn lan trong cuộc sống thường ngày để giải tỏa những nặng nề đeo đẳng trên đất người vốn mang tính thực tiển không thèm vương vấn tình người và không hề thương xót tình đời. Viết ( khá nhiều truyện) mang vẻ dáng văn học nghệ thuật đâu có thua chi mấy tay viết đương đại. Ôn có đọc, rất tâm đắc, nên đã tự tin, tự in và tự đóng tập cho Cô hai tác phẩm ( góp nhặt chọn lọc từ những bài viết của Cô) như là một hình thức tự thưởng cho mình. Cô Quyên cứ tưởng là Ôn thưởng quà sinh nhật cho Cô ! Nghĩ rứa là đi ngoài lề rồi, không có chiều sâu văn học nghệ thuật gì hết trơn !
Chẳng qua sinh nhật của Cô là cái cớ để Ôn lấy vốn của Cô mà làm quà cho mình. Và lấy công của mình đế làm quà cho Cô qua hình thức một món ( quà) gì đó, khác với thực dụng và thời trang. Đó là một tác phẩm được góp nhặt từ những bài viết của Cô do Ôn ( vừa là chủ bút chọn lựa bài, vừa là chuyên viên kỷ thuật trang trí, vừa là thầy cò layout, vừa là thợ in và kiêm nhiệm luôn cả thợ đóng sách) để làm món quà trong ngày sinh nhật của Cô.
Nói tóm lại là Ôn đã “ vô dĩa” sẵn cho Cô một tác phẩm để nếu cần thiết, Cô cứ việc đưa tới nhà in .
Nhớ hồi còn ở quê nhà sinh nhật chỉ cầu có được một cái bánh với một bữa ăn hơn ngày thường là thời thượng lắm rồi. Hồi nay, tổ chức linh đình, hình thức rập khuôn tới độ nhàm chán. Chỉ thương những ngày sinh nhật quê nhà, thắt lưng buộc bụng trong hình thức đơn giản mà mang nặng tình thương. Đâu đó, trong những bài viết của Cô có nhắc tới những mùa xưa. Đọc cũng thấy…tê tê lòng dạ.
Nói chung, Cô đã viết và còn viết dài, viết nữa, viết đùa, viết thật với tình (yêu thích) và lòng ( đam mê ). Đôi khi, cũng có Thơ, vô cùng hòa điệu.
Nói riêng, Cô thừa hưởng “ gia tài” của Ôn Cố
Và, nói rốt cuối, là Cô đã tiếp nối phần đời của Ôn.
Còn có ( Ba ) Cậu Hai Trí , hồi còn quê nhà đi học, có làm thơ mà không thấy viết truyện. Qua tới bên này Cậu hết làm Thơ, lo cày bừa để phụ giúp Ôn Mệ vượt khó. Nói tóm gọn là có làm thơ nhưng do vì làm việc suốt ngày suốt tháng suốt năm nên ná thở.
Ná thở có nghĩa là thở không nổi.
Thở không nổi thì thơ không nổi.
Thơ đã không nổi thì là thơ chìm.
Thơ chìm thì không tìm ra thơ.
Giờ thì (Ba,Cậu) Hai Trí của các cháu không làm thơ, chỉ làm ăn.
Mai này, có đi xa, Ôn yên trí, yên tâm vì còn có để lại được chặng đường tiếp nối, không sợ rồi mai một !
Thời gia rồi sẽ qua đi
Đời người rồi cũng xa đi
Chỉ còn Thơ ở lại

Tre tàn măng mọc. Cả hai nghỉa, đều như nhau.
Tới phần các cháu, không biết đứa nào trong đứa nào các cháu của Ôn, tiếp nối phần đời tinh thần của lớp người đi trước. Không lẽ cứ sống còn để trả góp phần đời thực tế cơm-áo-gạo-tiền mà không còn thiết tha trả cho tâm hồn những mảng góp nhặt từ Thơ, Văn thừa hưởng gia tài truyền đời.
Cuộc sống vốn là tranh sống.
Nhưng, bên cạnh cuộc tranh sống đời thường cơm áo trả nợ phù vân như mọi người, giá như có chút lòng nặng nợ, có thiên bẩm thơ văn gia tài để lại, e cuộc đời cũng có phần thăng hoa chút đỉnh.
Không lẽ cứ trâu-cày-giả-bữa, buổi sáng ra exit buổi chiều vô exit. Tối ngồi coi TV, nghe nhạc, ngáp dài ngáp ngắn rồi vô giường làm giấc cô miên ! Cuối tuần họp bạn nấu nướng lai rai ngồi nói chuyện quê xưa chuyện trong nhà ngoài phố cho qua ngày hôm nay để rồi tiếp nối ngày hôm mai ! Sống như rứa thì ai cũng như ai ! Robot !

Không có nhận xét nào: