tháng 10 15, 2014

Ký Sự Quanh Hồ


Ba với con đi đãi thiếc Đập Ba
chạy gần xỉu mấy thằng công an rượt
ngồi trốn lũi trên đồi thông rậm lá
tiếc ngẩn ngơ đống “sái” đậm ngập hầm
02/1993
đào hầm đãi thiếc ở Đập Ba Đa Thiện, Đà Lạt
(trích Nhật Thi, 1994)

 Nhìn mớ đất, sạn đen này tự dưng nhớ đống “sái” thiếc của một ngày nào !
Vậy mà đã hơn hai-mươi-năm rồi đó !.
Mổi lần hội họp cả mấy gia đình, ăn no uống đã rồi nhắc chuyện xưa, tôi có nhắc lại chuyện này. Là nhắc lại như là một câu chuyện góp vui như bao câu chuyện vui đã qua trong dòng chảy thời gian lưu dung quê nhà rồi lưu lạc quê xa…
Cả nhà, nghe chuyện, cùng cười rộ.
Riêng thằng con cùng đi-đãi-thiếc-Đập-Ba với tôi thì cười thoải mái hơn cả. Hắn liếc nhìn tôi. Tôi liếc nhìn hắn. Hai cái liếc nhau, đồng cảm.
Trong lòng cũng thấy ngượng vì biết hắn không cười vì câu chuyện góp vui cho cả nhà cùng cười mà cười thoải mái khi nhớ lại gương mặt cuốn cuồng hớt hơ hớt hãi của tôi khi hai cha con cùng chạy lên đồi thông…
Phải nói là chạy bỏ-của-lấy-người.
Tôi chỉ kịp chụp được cái “gô” cơm. Cuốc, xẻng, mâm để đãi “sái”…nói chung, là đồ nghề, đành bỏ lại.
Coi như là mất trắng…Chỉ còn cái lon “gô” cơm…
Có một điều, khi kể lại chuyện xưa, tôi không nói là mình còn chút bình tĩnh chụp đại cái lon “gô” cơm trước khi chạy thục mạng lên đồi.
Chi tiết này có thể làm vui thêm hơn câu chuyện kể nhưng rồi sẽ làm buồn thêm hơn trong lòng tôi mổi khi nhắc nhớ, nhiều, rất nhiều, những kỷ niệm hồi ở quê nhà.
Cái mâm đãi, cái xẻng, cái cuốc, cái xà beng giá trị hơn nhiều, nhất là cái mâm đãi. Phải ki cóp từng đồng để sắm, mà đâu phải sắm được một lần, phải nhiều lần tằn tiện, mới đủ để có được bộ đồ nghề kiếm cơm. Coi như là một gia tài.
Cái lon “gô” cơm muối sả, họa hoằn có chút xíu tóp mỡ, so bì sao được với những, cái, trong bộ đồ nghề !
Sao không chộp một cái nào đó mà chỉ chộp cái “gô” cơm !!!
Nếu như ngại nặng, ngại cồng kềnh vướng bận trong cuộc chạy marathon trốn mấy ông công thì cứ chộp cái mâm đãi. Nó cũng nhẹ trọng lượng nhưng nặng ngân lượng. Nó cũng không làm nên vướng bận cũng không ngại bung nắp vung cơm…
Vậy mà cứ chộp cái lon “gô” !

 ….Là nói chuyện lâu rồi, nay nhớ lại thôi.
Trước hồi con cá lòng tong cắn câu là tôi với bầy đoàn thê tử đói khát tơi bời giữa đời thương hải bể dâu.
Cái Đình của Xóm hồi trước dọc ngang bề thế. Mái Đình uốn cong Long Phụng. Trong Đình có bàn thờ các bậc tiên hiền, hương khói ngày đêm. Có bên phải Trống bên trái Chiêng. Có chú A biệt phái hương đèn ( kiêm “thằng mỏ” đêm đêm đầu trên xóm dưới vừa gỏ mõ vừa ê a học-thuộc-lòng câu “ Nghe đây. Nghe đây.Bà con coi chừng lửa củi.(Cóc.Cóc.Cóc ,là tiếng mõ chú gõ). Tới giờ nghiêm, ngoại bất xuất. Nội bất nhập.”
Sân Đình đêm Trăng treo cả Xóm ra ngồi không phải để ngó nhau mà ngó Trăng cho thỏa. Quê tôi xứ lạnh mấy thuở Trăng lên mà Trăng lại trong như giát vàng giát bạc. Con nít tụi tôi chạy vòng mướt mồ hôi trò rượt-bắt-cứu-tù, trò đạp-lon-tìm-người. Bà xã tôi hồi đó ngồi với đám bạn gái chơi trò rải-ô-quan, ngó hiền dịu dễ sợ. Lâu lâu đổi trò chơi, nhảy-ô, ngó điệu nhảy cà giựt cà giựt từng ô rồi bỗng xoay người nhảy ngược lại ngó bộ cũng…được. Chấm điểm từ hồi đó đó.
Bể dâu thương hải tới nỗi chi mà Đình mất tiêu. Thiệt là mặn chát đắng đau nỗi buồn!
Khi tôi về lại Xóm quê xưa, sau thời gian dài “đi học”, chỉ còn có cái quần lủng đít. Bà xã vá chầm vô một miếng che, cho đỡ chói.
Rồi sau đó cùng hè nhau đói hùn nhau khát dù chưa tới nổi đói quá rồi khát quá mà ôm nhau chết chùm.
Vẫn còn ngo ngoe tìm quanh đắp đổi miếng ăn.
Con cá lòng tong cắn câu vào thời buổi khó.
Mấy chục năm rồi phải dễ. Nhớ như in cái phao chìm lút, giựt cần, con cá lòng tong nhảy cà tưng theo nỗi tôi mừng nhảy dựng !.
Hồi đó thằng Hai con Ba thằng Tư con Út theo hùa với tôi qua Đập ba Đa Thiện tìm chất tươi cho mát bụng những bữa cơm hàng ngày cứ đậu-phụng-kho-queo, nước-mắm-kho-quẹt.
Bà xã chờ, nồi chảo chờ, cha con về có bữa cá lòng tong kho tiêu, cá lòng tong tẩm bột chiên giòn.
Những con cá lòng tong đầy ắp một lon “gô” một thời đói khát cứ theo tôi tháng năm dâu bể.
Xin cám ơn đời, một thuở, cá lòng tong
Và cũng xin cám ơn một buổi cơm chiều có cá lòng tong tẩm bột chiên giòn.
Cám ơn tôi, mấy mươi năm, còn nặng lòng nhớ lại…
tháng Sáu 28,2012
( trích “ Hồi Con Cá Lòng Tong Cắn Câu”
Truyện Trần Huy Sao, Hiên Trăng, 2013)
                Cám ơn nhiều những lon "gô" thiếc đãi được để mổi chiều vô xóm
gần đó ghé nhà cô(gì quên tên) thu mua. Một lon "gô" thiếc có thể cầm hơi cho
gia đình qua cơn đói khát vài ngày.
            Chỉ cần thấy lon “gô” là chộp. Lon gô cá, lon gô cơm, lon gô thiếc thậm
chí  có thể là lon gô không, cũng chộp….
           Và đó cũng là lý do lý giải cho cái chộp quán tính, ngày nào…

 

 

 

 

Không có nhận xét nào: