tháng 12 21, 2007


Thương hải tang điền. Gia đình tôi trụ lại ở vùng rẻo cao đó một thời gian rồi cũng phải chia xa. Ba tôi nhậm chức ở một vùng cao, cao hơn nữa. Vậy là bỏ lại họ tộc mà đi. Tôi cũng bỏ lại sau lưng những tháng, năm đầy ắp kỷ niệm. Ngày gia đình tôi lên đường, Ôn tổ chức một buổi tiệc thiệt lớn, bà con trong họ tới đông đủ. Ôn nói :
- Việc nước thì to, việc nhà thì nhỏ, Ôn Ðốc đi mô rồi cũng nhớ lại làng quê. Mấy cháu cũng đừng có phân vân. Họ nhà mình mấy đời quan viên làng nước. Miễn răng việc nước cố lo, việc nhà chớ bỏ...
Ôn nói dài, quá dài tôi nghe không tỏ. Lòng cứ bâng khuâng nhìn ra khoảnh sân rợp hàng dừa mà nhớ, thiệt là nhớ, thằng em cô cậu của tôi. Mi đi. Tao đi. Ở lại còn trơ trọi một nhúm đời quanh quẩn. Cũng Bác, Chú, O, Dì đó mà sao không có cách chi vui !
Vẫn là khu bến xe nhỏ bé này ngày đó hắn thì về xuôi bây giờ tôi lên ngược. Dòng đời đã rẽ nhánh chia hai. Tôi nhìn O Huê mà không cầm lòng, bật khóc muồi mẩn. Ở nơi O, có một khoảng đời thơ ấu của tôi, có hình ảnh của hắn - thằng em mà cũng là thằng bạn - đã từng cùng tôi chia ngọt xẻ bùi...O phải cầm tay tôi, rồi ôm tôi vào lòng dỗ dành mãi. Xe lăn bánh, tôi còn thấy O vẫy tay...vẫy tay...Buồn nghiến ruột.
Ðó là lần cuối cùng tôi gặp và xa O !
Dòng đời cứ nghiệt ngã trôi đi. Nỗi nhớ thương cũng nguôi dần theo triền dốc mới. Năm, tháng dần qua, tuổi đời thêm lớn, nên chi những kỷ niệm nơi quê xưa chốn cũ chỉ là lúc nhắc nhớ ngậm ngùi. Tôi thật lòng quên đi một khoảng thời gian dài, quá dài, về những hình ảnh xưa mà trong đó có cả thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi. Cuộc đời cứ tàn nhẫn đem ngày tháng trôi đi mà tôi thì cứ vô tình bỏ sót lại quá nhiều kỷ niệm. Ba Mạ tôi nay đã không còn nữa. Tôi thì theo bước Cha làm một ông giáo trẻ ở miền rẻo cao hẻo lánh, an phận với tháng ngày. Cũng không dấu lòng, thỉnh thoảng thơ văn chất ngất. Mượn hứng từ những tháng ngày xưa mà viết dăm ba bài gởi báo, cho đời có chút gì ý nghĩa, không chịu để tâm hồn trống trải vô duyên.
Cho tới một ngày bỗng nhiên tôi nhận được một lá thư. Thư không dài lắm nhưng đủ để cho tôi thao thức mấy đêm dài, nghĩ hoài mà không hết những tháng, năm xưa. Ðó là thư của hắn, thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi :
" Anh
Tình cờ em có đọc một truyện ngắn viết về một vài kỷ niệm sao mà giống của anh em mình, hồi đó. Qua Tòa soạn Báo em được biết địa chỉ của tác giả. Em ngờ rằng đó là anh. Còn em là thằng Chắc đây! Anh viết truyện, chắc anh phải nhớ. Nếu thiệt phải là anh thì dịp gần gũi nhất là sau Tết ni, mồng Mười tháng Giêng đó, giỗ Họ làng mình anh cố sắp xếp ra để anh em mình gặp mặt. Lâu lắm rồi anh, có bao nhiêu điều để nói khi tụi mình gặp lại. Còn nếu không phải là anh thì cũng xin cho biết được nguyên do nào có được câu chuyện về cuộc đời thơ ấu của tôi. Xin vui lòng gởi về địa chỉ ghi ngoài bao thư.

Kính thư.
Em: Phạm Huy Anh (thằng Chắc)
T.B : Nhưng mà em cứ tin là anh đó. Nếu quả thật là anh, anh cố gắng về. Em rất mong
...
Lá thư chỉ có vậy thôi mà bắt tôi thao thức bao đêm. Ðâu phải là chuyện đi hay ở mà cái chính là những hình ảnh xưa cuồn cuộng sóng trào trong lòng tôi. Ðể vơi bớt những xúc cảm dồn nén bao năm về hoài niệm xưa cũ, tôi thường tâm sự với Nhà tôi hằng đêm chuyện thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi, ngày nào. Nhà tôi nghe mà đâm ghiền chuyện làm tôi nhớ thiết tha tới Ôn Tất ngày nào. Cuối cùng, nàng tuyên bố :
- Cậu nớ rứa mà hay. Anh nên đi một chuyến, anh em gặp nhau cho bớt nặng lòng.
Vậy là tôi đi. Ðúng, cho bớt nặng lòng.

Làng xưa đã đổi thay nhiều. Người xưa nay cũng đã kẻ mất người còn. Thế hệ Cha, Chú đã đi xa biền biệt. O Huê của tôi, cuối cùng O cũng về nằm yên ngủ nơi đây,trên mảnh đất họ làng. Rồi Ôn Mụ Tất, Mụ Quỳ, O Dung...tất cả đã trở về nơi-chôn-nhao-cắt-rún mà thở hắt một hơi thở cuối đời cho yên lòng mát dạ.Ôn Cả và Mụ tôi thì nằm lại ở mảnh đất rẻo cao ngày xưa. Ôn Mụ muốn nằm đó để nhìn ngó giang sơn của mình, để chứng kiến cảnh tre tàn măng mọc.
Về lại quê xưa, tôi chỉ còn có Dượng Lô, người-của-trăm-năm-cũ! Dượng bây chừ mắt mờ tay yếu, ngồi yên một chỗ để nghe vọng cái sắc,không của cuộc đời. Buổi gặp nhau ở sân nhà Thờ Họ,Dượng cầm chắc tay tôi không muốn rời :
- Té ra đây là con anh Ðốc. In như là thằng Cu Trọng hồi nớ, phải hè?
Tôi dạ. Dượng gật gật đầu, miệng cười mà nước mắt nhỏ dài. Tôi để yên bàn tay tôi trong tay Dượng. Bàn tay nhăn nheo gầy ốm làm tôi chợt nhớ in như đâu đó, còn có một bàn tay nữa! Ðúng rồi. Bàn tay của O Huê tôi! Tự nhiên tôi xúc động, nắm chặt thêm tay Dượng, mắt kính bỗng mờ. Giọng Dượng nghe như văng vẳng từ nơi nào, xa xôi lắm :
- Mấy cháu về Dượng vui. Ngó qua ngó lại mà cũng mấy chục năm rồi hỉ! Thiệt là chim có tổ người có tông, ở mô êm ấm cho bằng nơi quê Cha đất Tổ. Cháu biết không? Nhà Họ làng mình mà khôn có anh Chắc giúp tay thì có mô mà được như ri. Hồi nớ là sập hết rồi,chiến tranh thiệt là vô hậu. May mà con cháu hắn còn tưởng tới làng họ, Ông Bà mới có được ngày ni. E con chưa gặp anh Chắc đó hỉ. Làm quan to lắm. Năm mô cũng rứa, bận việc nhà binh mà cũng về thắp nhang cúng Họ rồi đi.
Dượng nhấp nháy mắt, nghiêng đầu qua bên lắng nghe một đỗi, rồi trở giọng vui :
- Rứa, mới nhắc đã tới rồi tề. Nghe tiếng xe là biết...
Dượng buông tay, vin vai tôi đứng dậy. Có tiếng xe ngoài cổng lớn. Tôi nhìn ra, thấy chiếc xe Jeep nhà binh đậu lại. Ðám con nít túa ra reo mừng. Trên xe một người đàn ông bước xuống, nhanh nhẹn gọn gàng. Dáng người to, cao, bệ vệ. Anh ta nhìn quanh, bỏ cặp kính đen xuống, dắt vào túi áo trên rồi rẽ đám con nít đang tíu tít bu quanh người đàn bà đang bối rối chưa kịp xuống xe, hối hả bước vô nhà lớn. Tự nhiên, tôi cảm thấy hồi hộp và xúc động. Vừa đặt chân vào gian lớn đã nghe tiếng, có vẻ nôn nóng :
- In như là có anh Trọng về?
Tôi cố nén xúc động, bình tĩnh đáp :
- Ðúng. Anh đây, cậu Chắc...
Hắn khựng lại, quay mặt về phía tôi, đôi mắt sáng lên nét mừng vui không dấu. Hai đứa tôi cùng bước tới, cùng đưa tay nắm bắt. Hắn nhìn tôi. Tôi nhìn hắn. Rồi cả hai ôm nhau, ghì siết. Tôi nghe cả tiếng đập rộn ràng của trái tim - nhịp đập của mấy mươi năm dồn nén lại. Khi niềm xúc động đã chìm lắng, hắn buông tôi ra quay người lại nắm tay người đàn bà tự nãy giờ im lặng cúi đầu đứng sau lưng hắn :
- Ðây là Nhà em
Tôi gật đầu : "Chào Mợ"
Người đàn bà cũng khẽ gật đầu, vẻ dáng dịu dàng đài các rất là Huế :
- Dạ, em chào anh. Nhà em cứ nhắc tới anh hoài, chừ mới gặp.
Tôi nghe tiếng hắn cười sảng khoái, quay qua Dượng Lô đang mải đứng ngóng chuyện :
- Thưa Dượng mạnh giỏi. Tụi con rứa là mấy mươi năm rồi mới được gặp lại..
Dượng cười, không dấu nỗi mừng vui ;
- Thì rứa, gặp lại người mô hay người nấy. Thời buổi loạn lạc ni, dễ chi anh !.
Vừa lúc đó, chiêng trống bắt đầu khua động để vào buổi lễ chính. Ai nấy đều tự về riêng chỗ của mình. Không khí trở nên nghiêm trang, bảng lảng khói hương trầm nghi ngút. Giọng Ôn Nghiêm xướng đọc tên tuổi từng người khuất mặt trong tông chi họ hàng nghe mà não nuột. Mấy O, Dì, Chú, Dượng trời cho còn sót lại, sụt sịt. Ðám con nít lấm la lấm lét ngồi yên trên một hàng chiếu trải dài, không dám nhúc nhích.
Tự nhiên, sao tôi nhớ tới ngày xưa quá !
Trong đám trẻ nít ngày xưa đó, cũng có tôi với thằng Chắc, nhưng hắn có lúc nào ngồi cho yên! Lợi dụng phút trang nghiêm, hắn bắt đầu lén véo đứa ni một cái, ngắt đứa kia một cái làm cho cả bọn cứ nhìn nhau ngờ vực mà đố có dám la lên. Còn hắn thì cứ cúi mặt, che miệng cười hoài...
Bây chừ thì hắn ngồi đó, chững chạc không hề giống hình ảnh mà tôi tưởng tượng khi chưa gặp hắn. Bất chợt, hắn nhìn về phía tôi. Hai đứa nhìn nhau một thoáng rồi cùng nở một nụ cười đồng điệu.
Bữa đó, bà con ở lại chè chén thù tạc. Tôi thì xin phép Ôn Nghiêm, Dượng Lô theo vợ chồng hắn về, khoảng xế chiều. Ðường xá gập ghềnh ổ voi ổ gà đầy dẫy. Xe phải chạy khoảng gần ba tiếng rưởi mới tới nhà, một khu biệt thự rộng lớn có lính gác trong, ngoài
Ðêm đó, hai anh em ngồi tâm sự. Một đêm thức trắng để bù lại mấy mươi năm xa cách. Hắn kể lại ngọn ngành cuộc đời hắn, một cuộc đời ba chìm bảy nổi. Hắn như cây cỏ dại tự vươn mình lên mà sống.. Hóa ra, có chi là thơm thảo tình người! Ông khách lạ năm xưa tìm tới nói là đưa hắn về quê Nội để lo cho đủ cho đầy đó.! Ba tôi thì ưng bụng, O tôi thì mát lòng chớ có biết đâu là đẩy đứa con rứt ruột của mình sớm lăn lộn ngoài sương gió cuộc đời ! Chuyện là
như ri...
Ông bà ăn ở với nhau không có mụn con nào. Chồng thì siêng năng bài vở, có khi mô chểnh mảng chuyện nớ đâu! Rứa mà có hề. Mấy năm trời cứ vồ qua chụp lại, mặn nồng ân ái thì có mà răng hoài không thấy thằng cu, con gái chi chun ra cho vui nhà vui cửa. Lúc đó, vợ chồng mới nhớ tới chú Niên. Ừ, thì chú lang bạt kỳ hồ hồi nớ nhưng mà nghe đâu có đứa con trai ở miền rẻo cao mô đó. Tại sao không kiếm hắn về cho vui nhà vui cửa. Rứa là thuận vợ thuận chồng. Ðem được thằng Chắc về ông bà cũng cưng chiều đến đọä. Thằng Chắc càng ngày càng béo tròn béo trục, sợ nắng, sợ mưa. Hắn quên cả rồi, cái quần đùi thâm căn cố đế của vùng rẻo cao xưa. Quên hàng dừa bóng mát mà hắn thường leo trèo như khỉ. Quên những dòng nước mắt chan hòa nỗi khổ của O tôi khi hắn bày ra vô số những tro nghịch ngợm. Chắc chắn là hắn cũng quên luôn anh Cu của một thuở đầu trần chân đất, gội nắng dầm mưa vui sống với nhau những ngày cùng khổ...
Ðâu được chừng ba năm đủ thời gian cho hắn tập thói đỏng đảnh của kẻ sang giàu thì Bác gái hắn cũng bắt đầu thèm chua. Ði ngang về tắt đâu thì không biết nhưng Bác gái có triệu chứng sắp làm Mẹ. Bác hết thèm chua tới thèm ngọt. Hết ngọt rồi tới lúc cứ thèm nhâm nhi ba hột gạo sống. Mình mẫy bắt đầu nở nang, đầy đặn. Mặt đỏ hồng. Cổ có ngấn. Rồi năm đó một thằng Cu ra đời. Chuyện bắt đầu là vậy. Có mới thì nới cũ, huống chi ba cái của cũ mèm, tiếng là huyết thống nhưng mà có rứt ruột xót đau chi! Hắn bắt đầu tuột dốc thê thảm, trở thàng kẻ tôi tớ trong nhà. Chuyện chi cũng một tay hắn, tối mặt tối mũi suốt ngày, lại còn thêm lời đay nghiến nặng nhẹ. Lòng người sao mà lạ, thay đổi thiệt mau. Ông Trời khi nắng chuyển qua mưa còn có dông có gió báo chừng, chớ lòng người thì vô hồi vô đỗi...
Hắn ở đợ không công hai năm, chịu không thấu. Chờ đợi hoài O Huê chẳng thấy về thăm con. Thì ra Bác hắn có viết thư cho O nói tốt đủ điều về cuộc sống của hắn. O mừng mà yên bụng với lại hồi đó chuyện đi lại nhiêu khê vất vả còn thêm tốn kém...Cuối cùng hắn quyết định bỏ ra đi nhưng hắn không về nơi chốn cũ mà lần vô tới Sàigòn - khoảng đất trời mà hồi nớ ai cũng từng mơ ước. Trong đầu óc hắn lúc bấy giờ, hắn muốn vươn lên thoát cảnh đời tăm tối, làm nên một-cái-gì-đó, lớn lao hơn. Tự nhiên tôi nghĩ tới Dượng tôi. Trong hắn còn đậm đặc dòng máu giang hồ phiêu bạt của Dượng.
Cuộc phong trần của hắn có quá nhiều sóng gió dập vùi. Hắn tự bương chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề trong vùng đất hoàn toàn xa lạ. Ðể có được như ngày hôm nay hắn đã chịu trăm cay ngàn đắng. Kể ra, thì quá dài cho một quảng đường đời trôi nổi phong ba, nhưng ngắn gọn một điều là tôi biết rất rõ thằng Chắc, thằng bạn em cô cậu của tôi, hắn có một cá tính rất mạnh. Hắn có thể đạt những gì hắn mơ ước, điều đó cũng không có gì lạ... Mừng một điều là O tôi còn nhìn thấy đứa con của mình thành đạt trong cuộc đời. Mẹ con còn sống bên nhau một thời gian trước khi O về với Dượng. Dù tôi đã không còn có dịp gặp lại O kể từ lúc chia tay ở bến xe miền rẻo cao ngày ấy nhưng tôi hình dung được khuôn mặt O lúc nào cũng rạng rỡ niềm vui. Ý nghĩ đó làm tôi vui lây và hãnh diện khi nhìn qua phía hắn. Hắn chững chạc bề thế trong vẻ dáng một người tự tin, hết sức tự tin, vào cuộc sống. Cái thằng Chắc nghịch ngợm, rắn mắc ngày xưa đã chìm sâu và chết đuối trong ánh mắt nhìn nghiêm nghị của hắn bây giờ.
Ðêm đó, hai anh em tâm sự gần đến sáng mà không thấy mệt, vẫn còn háo hức nôn nả. Còn quá nhiều chuyện để nói cùng nhau, nhiều khuôn mặt gợi nhắc những kỷ niệm ngày xưa. Và, trong trí nhớ của hai đứa rõ ràng còn cả một khoảng mát bóng dừa sân nhà Ôn Cả. Rồi O Túy, Chú Tơ, Mụ Quỳ, Ôn Mụ Tất... Thậm chí còn nhắc nhớ chuyện con chuồn-chuồn cắn rún, những con dế đá đem bán cho Chú Tơ để lấy tiền mua kẹo kéo...Mỗi lần nhắc lại một chuyện gì bất chợt nhớ ra, hai đứa lại bật cười thoải mái. Chuyện nào cũng có hắn làm vai chính cả.
Cuối cùng, hắn đứng dậy, bùi ngùi nói với tôi :
- Anh Trọng, giờ em phải đi. Sẵn dịp về, anh ở lâu đi thăm bà con cho thỏa. Em đã dặn trước rồi, anh muốn đi đâu có người đưa đi, đừng ngại. Giờ em phải vào chuẩn bị...
Vậy là chúng tôi chia tay giữa trời mây nắng gió của chính nơi chôn-nhao-cắt-rún. Cái bắt tay chắc nịch và nụ cười pha chút bùi ngùi :
- Ðáng ra phải ở với anh mấy ngày cho thỏa nhưng chuyện nhà binh mà, không thể hoãn được. Tình hình càng ngày càng xấu...
Hắn khẽ thở dài, ánh mắt thoáng vẻ buồn :
- Chắc là không có dịp nhưng thỉnh thoảng em sẽ liên lạc với anh. Ðừng để mất nhau nữa..
Rồi hắn quay người đi mau về phía chiếc xe Jeep đang chờ sẵn. Dáng vẻ hiên ngang trong bộ đồ trận. Chiếc xe chạy thẳng ra cổng, hắn quay người lại, đưa tay vẫy. Tôi đứng lặng trong sân, cảm giác như vừa mất mát một cái gì đó rất gần gụi, rất thân quen...
Chắc ơi ! Ðó là lần cuối cùng trong đời, anh gặp em !

Vậy mà đã mấy chục năm qua rồi, thời gian vùi dập những dấu vết thăng trầm ! Sao tôi vẫn mãi nhớ một vẻ dáng thân quen của ngày xưa ấy !
Tôi vẫn nhớ đến em, người-bạn-em-cô-cậu, nhớ đến thằng Chắc, người của họ làng mình....

Gởi Huy Anh PVH
những tháng, năm ở vùng rẻo cao

Không có nhận xét nào: