tháng 11 12, 2013

THÁNG GÀ TÂY, TẢN MẠN...


 

 
Cũng có thể gọi là tháng gà ta bởi, đa số, người mình không mấy mặn mà gắn bó lắm với gà Tây.

Vậy thì nên có một tên chung là tháng-của-gà.
Gà Tây hay gà Ta, cũng là gà, vậy thôi !...

Mùa Tạ Ơn người ta (có truyền thống) ăn gà để tạ ơn những tháng ngày đói cơm lạt muối chân ướt chân ráo tới định cư vùng Đất Mới có được miếng ăn no, có được một đời sống mới khác xa với đời sống cũ. Cũ, là cũ của một thời đã sống không ra sống chết không ra chết. Dật dờ !. Vật vờ !...

Người mình cũng tâm trạng định cư, cũng háo hức ăn gà Tạ Ơn cho kịp thời tâm trạng với người ta….

Chuyện, có nhiều chuyện để viết, nhưng mà thôi, chừng mực , một vài ý nhỏ. Nhắc chuyện nhiều năm là, nhắc chuyện nhiều chi, cho thêm muộn phiền…

 
Tôi nhớ, hồi đó, bác Ba Cận có nuôi con gà Tây thiệt ngộ. Ngộ ở chỗ là đầu làng cuối xóm không tìm ra con gà nào như vậy.
Mổi sáng và mổi chiều khi đi, về học thể nào tôi cũng đứng ngoài hàng rào nhìn vô sân nhà bác để chiêm ngưng…ông gà Tây.
Giữa đàn gà Ta đông đúc đang đảo bới kiếm thức ăn, ông gà Tây thầm lặng lẻ loi cô độc quá chừng !. Ông đứng riêng lẻ ở một góc sân hay lúc thúc một mình đi qua rồi đứng lại nhìn bâng quơ.

Một mình thôi !. Bởi vì khi ông đi tới đâu thì đàn gà Ta giạt ra tới đó, tránh gần.
Có lẽ, mấy chị gà mái Ta còn nặng mấy chữ “tiết hạnh khả phong” hay dị ứng nặng với mùi hương xa lạ không phải là hương-đồng-gió-nội.
Mấy chú gà trống Ta e còn mang nặng đẻ đau tính tự hào dân tộc hay vì cưng chiều mái để được lòng người đẹp.
Mấy trự gà con Ta chắc là nền nếp gọi dạ bảo vâng lời cha mẹ hay là vì thấy hình tướng dị kỳ dị hợm  của ông gà Tây mà sợ.
Tôi không biết !...
Chỉ biết là ông gà Tây thiệt là cô đơn và cô quạnh. Bởi bên ông có đàn gà Ta cứ luôn tránh né mổi khi ông tới gần.
Không có bà gà Tây hay ông gà Tây nào khác !. Ông chỉ một mình ráng chịu quan niệm kinh điển Đông Tây khác biệt !.
Vậy là cô đơn quạnh quẻ quá chừng quá đỗi rồi chớ còn gì nữa !.

Nỗi cô quạnh cô đơn của ông gà Tây cứ thế mà dọc dài theo tuổi thơ tôi tính ra cũng bộn bề năm, tháng.
Sau này, không biết số phận ổng thể nào !. Chết già hay chết nồi !.
Tôi không biết !...

Chuyện lâu quá rồi nay nhắc nhớ, nhân ngày Tạ Ơn, để nghiệm ra triết lý cuộc sống quẩn quanh xưa nay dù là gà Tây hay gà Ta cũng không hơn ...cái dĩa !.
Ủa!. Cái dĩa có dây mơ rễ má gì tới chuyện gà Tây gà Ta ?.
Vậy mà có.
Bởi chỉ là khi cái dĩa trống trơn cô quạnh cô đơn thì vốn lẫn lời chỉ là cái dĩa !
Nhưng (nếu) trên cái dĩa, có đè (nặng nhẹ) thêm con gà (Ta) luộc thì vô hình trung đã thành lễ nghĩa.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật...
Ngày ở quê nhà, buổi cúng giỗ nào lại không có ( nguyên một ) con gà (Ta) luộc đè trên cái dĩa !.
Không có heo đâu , không có bò đâu. Bởi vì nặng nề (cả nghỉa đen lẫn nghỉa bóng) quá sức tải cho một buổi cúng giỗ hàng năm.
Có (heo bò) chăng chỉ là những món chiên, xào, luộc, nướng khiêm tốn bày biện trên cái dĩa ( lại dĩa, nhỏ ) cho thêm phần sung túc trước là cúng sau là cấp, vậy thôi !.

Qua xứ người thì vẫn hoài niệm  mang theo cái dĩa nhưng đổi thay nhiều rồi !.
Triết lý về cái dĩa đã trở thành quá khứ nên trở thành... cái mâm.
Ủa!. Cái mâm rồi có dây mơ rể má gì tới cái dĩa !
Vậy mà có.

Con gà Ta dâu bể tang thương tề thiên đại thánh hóa thành con gà Tây.
Cuộc sống ngày xưa trở dáng ngày nay hội nhập, hèn chi, ông bà xưa đã có lời hỉ xả bỏ quá cho con cháu với câu để dành khi đói gói khi no : đáo-gia-tùy-tục-đáo-giang-tùy-khúc.
Bây giờ con cháu gọi-dạ-bảo-vâng có (sớm hay muộn) hội nhập thì nên dùng cái mâm mà nếu như có lòng lễ nghĩa nhớ tưởng đến xưa bày nay theo thì cứ dùng cái dĩa. Mà phải dĩa lớn mới là đắc địa!.
So cho cùng, mâm hay là dĩa, cũng cùng chung bầu ơi thương lấy bí cùng tuy là khác giống nhưng chung một giàn…
Có điều mâm thì nặng gà Tây. Dĩa thì nhẹ gà Ta.
Gà nào cũng là gà…
Chỉ khi dao nĩa mới (chỉ mình mình) biết….

Hiên Trăng chiều 12/11/2013

Không có nhận xét nào: