tháng 9 29, 2010

HÌNH ẢNH


Ngày mai Ba Mẹ lên vùng Đại Vực (Arizona) tham dự ngày con mặc áo Tuệ Tỉnh Thiền Sư Hoa Đà Biển Thước.
Nói theo phong cách nước người là ngày white coat ceremony là nghi thức mặc chiếc áo trắng nối nghiệp Hippocrates, ông tổ của ngành Y học.
Hai tháng trước, Ba Mẹ và gia đình chị Ba cũng đã lên Pomona để dự ngày white coat ceremony của em con, bé Út.
Ngày mai, Ba Mẹ ( được thêm một lần nữa )cùng gia đình anh Hai lên vùng Đại Vực Arizona để dự ngày vui của con.
Ba Mẹ không nghĩ và không thể nghĩ là có dịp được tham dự tới hai ngày vui trong đời mình !!!
Cám ơn hai con đã không phụ lòng Ba Mẹ…

(bài đọc mở mang thêm tri thức,đường xa, chờ giờ phút gặp con)
Hippocrates sống vào khoảng những năm 430-370 trước công nguyên, thời kỳ mà nền văn minh cổ Hy lạp phát triển rực rỡ nhất. Ông sinh ra và lớn lên trên hòn đảo Cos xinh đẹp của đất nước Hy lạp. Hippocrates học nghề y từ người cha Heracleides của mình và những người thày nổi tiếng thời bấy giờ.
Vào thời Hy lạp cổ những người bị ốm đau bệnh tật thường đến các ngôi đền để thờ cúng và cầu xin Asclepius, vị thần trị bệnh của Hy lạp.
Thời kỳ này y học vẫn gắn liền với tôn giáo và bệnh tật được giải thích bằng những hiện tượng siêu nhiên thần bí.
Chính Hippocrates là người đầu tiên đã coi y học là một ngành khoa học và cho rằng mỗi bệnh tật đều có những nguyên nhân tự nhiên riêng.
Ông đã nghiên cứu sinh lý học, giải phẫu, và tìm hiểu các nguyên nhân có chứng cớ, trực tiếp, và các nguyên nhân còn chưa rõ của bệnh tật. Ông cho rằng cơ thể con người có 4 khí chất: mật vàng, mật đen, đờm, máu. Chúng có cùng đặc tính khô, nóng, ướt và lạnh như 4 yếu tố khí, lửa, nước và đất. Bệnh tật là do mất cân bằng tỉ lệ dịch trong cơ thể gây ra.
Khoảng năm 400 năm trước công nguyên ông thành lập trường y ở Cos. Ông và các môn đồ của mình đã đưa ra phương pháp khoa học để khám và điều trị cho người bệnh. Người thầy thuốc phải trực tiếp khám xét người bệnh và tìm ra bệnh qua các triệu chứng biểu hiện, phải bốc thuốc kê đơn sau đó theo dõi để xem việc điều trị có kết quả hay không. Hippocrates khuyên các thầy thuốc ghi chép lại các phát hiện và các phương pháp điều trị của họ để truyền lại cho các thế hệ sau áp dụng. Một nguyên tắc y học nổi tiếng của ông là : “Trước tiên là không làm gì có hại” và “Y thuật thì dài còn cuộc đời lại ngắn ngủi”. Ngày nay người ta vẫn còn sử dụng những dấu hiệu, những dụng cụ mang tên Hippocrates vì ông được cho là người đầu tiên tìm ra như “bộ mặt hippocrates” (bộ mặt của người chết, người ốm lâu ngày, người bị đói...), “ngón tay hippocrates” (ngón tay hình dùi trống ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, bệnh phổi ...), “ghế hippocrates” (ghế dùng lực nén để cố định xương)....
Cuộc đời thật của Hippocrates ít được biết đến nhưng những thành tựu y học của ông đã được Plato và Aristotle thu thập lại. Những tác phẩm được coi là của ông gồm khoảng 60, 70 khái luận tập hợp thành Tuyển tập Hippocrates. Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của Hippocrates là Lời thề Hippocrates mà cho đến ngày nay người ta vẫn thường nhắc đến. Nó phản ánh ý tưởng cao đẹp của Hippocrates.
Bố cục của Lời thề chia làm hai phần rõ rệt. Phần đầu chỉ rõ nghĩa vụ của học trò với người thầy dạy họ y thuật và bổn phận truyền đạt kiến thức y học cho người khác.
Phần sau đưa ra yêu cầu về y đức bắt buộc người hành nghề y phải tuân theo. Vì phần sau của Lời thề trái ngược với các nguyên tắc và thực hành của Hippocrates nên người ta cho rằng nó không chỉ của Hippocrates mà có lẽ còn do các môn đồ của Pitago viết ra.
Mâu thuẫn rõ nhất là Lời thề cấm phá thai nhưng trong Tuyển tập Hippocrates có nói đến các phương pháp làm sẩy thai và sử dụng thuốc đặt âm đạo để tránh thai. Những cấm đoán này cũng không phản ánh những tình cảm chung của công chúng Hy lạp thời ấy. Ở một thế giới mà việc vứt đứa con mới đẻ ra đường được coi là hợp pháp thì việc phá thai khó có thể bị coi là tội lỗi.
Mâu thuẫn thứ 2 là việc cấm tự sát. Ở thời cổ đại tự sát không bị xã hội chê trách và tự sát để giải thoát khỏi bệnh tật được coi là hợp pháp. Các nhà cầm quyền ở một số nước còn công nhận đó là việc làm chính đáng. Không có tôn giáo cổ đại nào cấm việc tự sát. Luật pháp và tôn giáo để cho các thầy thuốc tự do làm những gì mà lương tâm họ cho phép.
Học thuyết Pitago là giáo lý duy nhất có thể giải thích cho những mâu thuẫn trên trong Lời thề Hippocrates. Trong tất cả các trường dạy triết học ở Hy lạp thời ấy, duy nhất chỉ có các môn đồ của Pitago là cấm tự sát và phá thai. Họ cấm tất cả các qui trình mổ xẻ và cấm làm chảy máu là nơi được cho là linh hồn trú ngụ. Hơn nữa trong Tuyển tập Hippocrates có nói chi tiết về các kỹ thuật mổ và các qui trình trong phòng mổ nên điều cấm mổ xẻ trong Lời thề không thể là của Hippocrates.
Thực tế cho thấy việc cấm phá thai và tự sát đã từng phù hợp với các nguyên tắc của Nhà thờ Cơ đốc giáo nên cũng có thể Lời thề đã đựơc sửa đổi để phục vụ cho các ý tưởng tôn giáo thời ấy.
Trải qua bao năm tháng và ở những xã hội, những nước khác nhau, một vài phần và vài từ của Lời thề đã bị thay đổi. Cho đến nay có nhiều dị bản nhưng hầu hết người ta không dùng nguyên bản cổ nữa vì nó ủng hộ việc chỉ truyền nghề cho đàn ông mà không truyền cho đàn bà và nó cấm mổ xẻ cũng như nạo phá thai.
Mặc dù có thể Lời thề đó không phải chỉ do Hippocrates viết và nhiều điều trong đó còn hạn chế, không còn phù hợp với thời đại ngày nay nhưng nó vẫn chứa đựng những ý tưởng cao đẹp về y đức, vẫn luôn là biểu tượng của lời cam kết mà những người sắp trở thành thầy thuốc cần tuân theo. Và Hippocrates, người đầu tiên đặt nền móng cho ngành y như một ngành khoa học, người đã tách y học ra khỏi tôn giáo, bác bỏ yếu tố thần bí, mê tín dị đoan trong y học cổ xưa được coi là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong ngành y ở mọi thời đại. Ông xứng đáng là “Ông tổ của ngành y”./.
Lời thề Hippocrates
Trước vị thần y Apollo, vị thần trị bệnh Aesculapius, vị Thần sức khoẻ và Đấng Vạn năng, trước tất cả các vị thần và các vị nữ thần tôi xin thề sẽ tuân theo lời thề này và quy định này theo khả năng và phán đoán của tôi :
Tôi sẽ coi người dạy tôi y thuật như cha mẹ tôi, nếu được yêu cầu tôi sẽ chia sẻ của cải của tôi cho họ, giúp họ giảm túng bấn, coi con cái của thày tôi như anh em của tôi và dạy họ y thuật nếu họ muốn mà không đòi hỏi tiền của hay bất cứ điều kiện nào.
Tôi sẽ truyền đạt kiến thức về y thuật bằng mọi hình thức cho các con trai tôi, cho các con trai của thầy tôi và cho các môn đệ chịu chấp nhận điều quy định và chấp nhận lời thề theo luật của nghề y mà không truyền cho ai khác.
Tôi sẽ theo khả năng và phán đoán của tôi áp dụng phương pháp điều trị mà tôi cho là có lợi cho người bệnh của tôi, tránh những gì có hại và nguy hiểm cho họ.
Tôi sẽ không đưa thuốc gây chết người cho bất cứ ai dù họ yêu cầu cũng như không đưa ra bất cứ lời đề nghị nào như vậy. Tôi sẽ không đưa thuốc đặt cho phụ nữ để làm sẩy thai.
Tôi sẽ sống và làm nghề y của mình với sự trong sạch và thánh thiện.
Tôi sẽ không dùng dao thậm chí cả khi bệnh nhân cần mổ xẻ mà để công việc đó cho những người chuyên làm việc này.
Bất cứ ngôi nhà nào tôi đến, tôi sẽ vào vì lợi ích của người bệnh và không cố ý gây ra những hành động xấu xa hoặc đồi bại, tôi sẽ tránh xa sự cám dỗ của cả đàn bà và đàn ông, cả của người tự do và những người nô lệ.
Tôi sẽ giữ kín, không tiết lộ những gì không được phép nói ra có liên quan hoặc không liên quan đến nghề của tôi mà tôi đã nhìn thấy hoặc nghe thấy trong cuộc sống của những người khác.
Nếu tôi tuân theo và không vi phạm lời thề này tôi sẽ được ban cho cuộc sống hạnh phúc và được hành nghề y, mãi mãi được mọi người tôn trọng. Nhưng nếu tôi làm sai và vi phạm lời thề, số phận của tôi sẽ bị trừng phạt./.

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào: