tháng 3 10, 2010

TẢN MẠN CHÂN GÀ



Bài viết này gởi tặng cháu Kuno của Ôn

Đây là bài viết về chân gà, không phải là chân giò.
Bài viết đang còn phưởng phất hương vị ngày Tết lảng đãng khói trầm hương đón rước Ông Bà rồi tiễn Ông Bà. Cúng tất niên rồi cúng tân niên.
Buổi cúng giỗ nào cũng có chân giò, có chân gà nhưng đặc biệt là chân gà thì mất dấu trong buổi cúng tân niên.
Bởi buổi cúng tân niên, cặp chân gà mang trọng trách lớn.
Do vì mang trọng trách lớn nên buổi cúng tân niên không một thành viên nào trong gia đình được “gặm” cặp chân gà.
Chuyện là như vầy ( do ôn chứng kiến rất nhiều năm, nay kể lại cho Kuno nghe chơi )...
Hồi xưa đó, bởi vì so thời gian bây giờ thì chuyện ôn kể là chuyện hồi xưa ( chưa lâu lắm để thành chuyện ngày xưa), dịp cúng tân niên là dịp để cầu xin gia đạo an vui, cuộc sống an bình, ôn Cố dành cặp chân gà để xem bói, gọi là bói chân gà hay nói gọn là bói gà để đoán việc cát, hung cho năm mới.
Chân gà không được luộc quá chín sợ bị bung gân, phá cách hay gọi là “phá quan” thì đoán không được. Do vậy, ôn Cố lấy sợi dây buộc hai chân gà, chờ lúc nước luộc gà sôi cuộn, nhẹ thả cặp chân gà vô nồi. Canh vừa đúng thì lại vội ấy ra, xem mấy ngón chân gà vừa co quắp, da chân gà vừa nổi bóng, là được.
Nếu để quá thì, da nứt, gân bong, mấy ngón chân co ( co không phải co quắp mà co quíu tới nỗi lòi gân, bè móng) là coi như cặp giò đã phá cách. Phá cách là không coi bói được, chỉ còn còn có nước coi lại chai rượu có đầy (vơi) không để mà lượng tính chuyện lai rai.
Lai rai cặp chân gà mà buồn buồn vì hung, cát năm tới không biết thế nào.
Nói buồn buồn là vì tục lệ coi chân gà đầu năm đã gần như là thế giới tâm linh được rất nhiều người tin tưởng. Ôn Cố là một trong những-nhiều-người đó.
Cho nên, giây phút( chỉ là giây phù du phút thôi, không thể kéo dài) ôn Cố cầm sợi dây buộc cặp chân gà chuẩn bị nhúng xuống nồi nước đang sôi, là giây phút rất là trân trọng.
Nhúng xuống một lần, vội rút lên, ý là để cặp chân lạnh chạm vào nước nóng vừa đủ để làn da quen độ co giản. Sau đó, lại nhúng xuống, thời gian rất ngắn lại rút lên, nhìn ngắm coi làn da đã căng bóng chưa, mấy ngón chân đã co rút vừa độ chưa. Lại nhúng thêm một lần nữa, thời gian lâu hay mau, tùy theo cảm nhận của mình. Thường, chỉ ba lần, nhất quá tam.
Cặp chân vừa độ co giản đúng cách được trân trọng giữ riêng, sau đó, ngâm vào ly rượu trắng. Nồng độ rượu sẽ giữ được màu da, giữ được vẻ dáng co quắp của từng ngón chân và cái chính là cặp chân gà vẫn dạng nguyên thủy, không khô, không trở màu.
Cứ bỏ ly rượu ngâm chân gà đó để lo ăn uống vui chơi thả giàn ngày Tết. Ra Giêng, hay dịp nào thuận tiện, đưa đến ông Thầy bói chân gà để giải đoán kiết, hung. Lạ một điều, ở những làng quê xưa, thầy bói chân gà hầu như làng quê nào cũng có không phải tìm kiếm nhiêu khê.
Xóm quê của ôn ngày đó, có ôn Lý Trạm, là thầy-coi-chân-gà, quanh năm cuộc sống phong lưu tài tử.
Không lẽ tới nhờ Thầy coi rồi lại mạng trơn đi về mà không gởi lại Thầy chút gì thơm thảo !
Huống nữa, tập tục coi chân gà đâu có chỉ dành riêng cho ngày đầu năm mà ngay cả trong năm, khi có việc cần cầu khẩn điều cát, hung cũng cúng xin rồi ngâm cặp chân gà đến nhờ Thầy !
Phong lưu, Thầy hưởng suốt năm, là vậy.
Thấy tập tục làng quê bao đời vẫn giữ cho nên ôn cũng có nghiên cứu và tìm tòi sách vở mở rộng thêm kiến thức về thuật bói chân gà.
Nhìn vào cặp chân gà, nhìn da gà, nhìn đường gân xanh, sợi máu, nhìn dáng co quắp của các ngón chân để giải đoán cát, hung. Ôn Cố, ngày đó, có giải thích thêm cho ôn biết ngón chân nhỏ nhất khi co lại chỉ vào đâu. Chỉ vào mỗi ngón thì có lời giải đoán riêng.
Nếu chỉ vào khe giữa, không nhằm vào ngón nào hết, thì coi như không ứng nghiệm điềm cát, hung.
Rồi còn coi phần thịt giữa bàn chân dày mỏng thể nào. Coi màu sắc hồng nhuận hay u ám. Coi hình dáng no đầy hay khuyết khảm, teo tóp....
Chỉ có cặp chân gà mà Thầy cứ cầm xoay qua xoay lại, nhìn gần nhìn xa rồi lý giải cả tiếng đồng hồ chưa hết lý.
Hóa ra môn bói chân gà cũng lưu truyền sách vở để hậu thế dày công nghiên cứu...

Không có nhận xét nào: