tháng 2 22, 2010

PHONG BAO LÌ XÌ TẾT


Tôi ngó thấy hắn ở hiên nhà Ôn.
Bà con tụ tập về đông tới nỗi phải xếp hàng để chờ tới phiên gia đình mình vô cái cửa rộng, có ôn mệ ngồi trong đó, để nhận phong bao “lì xì” ngày Tết, theo lệ hàng năm.
Thấy chú Cận, con cả của ôn, đang chạy tới chạy lui sắp xếp thứ tự từng gia đình. Sự sắp xếp của chú, tôi để bụng ghét lắm vì thấy không công bằng.
Đáng ra, gia đình o Cháu phải xếp hàng đầu vì o là hàng chị cả trong các o, chú. Rứa mà chú hối o ra đứng hàng sau, sau nữa, sau gia đình chú Bá là lớp em gần như út ít của o.
Cũng chỉ vì o nghèo, dượng mãn phần sớm, nhà chỉ còn có o với (theo vai vế, tôi kêu là) anh Phụng. Hai mạ con đơn chiếc ở chái nhà tranh cuối con đường đất gập ghềnh mà ôn mệ đã ,gọi là, " dành phần cho gia đình hắn".
Ba của o là anh của ôn. Chú Cận kêu o là chị. Tới hàng tụi tôi kêu o là o lớn. Vì o lớn hơn hết trong mấy o.
Anh Phụng là anh vì anh là lớn nhứt trong các anh chị.
Chẳng may, ôn Cả, là ba của o mất sớm. Mệ buồn sầu cũng theo ôn, sau đó. Nhà đơn chiếc chỉ có mình o với anh Phụng, theo ôn mệ ( là ôn với mệ đang ngồi trong căn phòng rộng tới tới nỗi phát lạnh lùng )vô vùng đất mới này để lập nghiệp.
Ôn đây là em thứ hai, nhanh chân bỏ làng quê cũ đói nghèo cạp đất mà ăn để tìm đường vô đây. Đất rộng, người thưa lại có lòng đãi ngộ người phương xa tìm tới. Ôn phất lên không kịp nên phải kêu gọi họ hàng nhanh chân vô mà giúp ôn hưởng sái. Sái nhì sái ba chi cũng đủ dư sức làm nên cơ nghiệp.
Lần hồi bà con quy tụ thành họ lớn. Ôn khoán thầu một vùng khai thác lâm nghiệp kiêm làm đường, xây cầu mở rộng vùng đất mới.
Hồi đó, tôi còn nhớ, dượng Chiếu lái cái xe hiệu GMC International to đùng. Ôn ngồi chiếc Simca trắng toát ngày ngày dạo qua hai cái xưởng cưa gỗ rồi vô tới cái đồn điền cà phê bát ngát. Đi một vòng rồi về nhà, ngồi hút thuốc Cẫm Lệ, uống trà mạn sen.
Chiều tới, có anh thư ký ôm cuốn sổ bìa dày không ngồi chung mà chỉ đứng, tường trình chi thu trong ngày. Ôn, ngày xưa ít học( mà có từng học ở đâu đâu) cầm lấy lệ cuốn sổ, nghe báo chữ số chi thu, tính nhẩm trong đầu. Cọng, trừ, nhân, chia đúng phóc, không cấn máy tính.
Lâu lâu, thay đổi không khí sinh hoạt nhàm chán, ngồi chiếc Land Rover mui trần để hưởng thú đi săn.
Một chuyến đi săn kéo dài mấy ngày. Thịt rừng vừa ăn vừa phân phát cả họ hàng dễ tới cả tuần chưa hết. Rừng núi hoang vu, thú rừng, nhất là Nai, nhiều vô số kể.
O Ba tôi vô sau này. O làm nghề may nệm. Người ta nằm giường song gỗ lót chiếu lâu ngày thấy rêm lưng, muốn nằm nệm cho êm. O đáp ứng liền. Mà chỉ một mình O thôi vì Dượng tôi đã chẳng may, vắn số. Cuộc sống dù không là gọi là giàu có nhưng cũng được. Cũng phong lưu qua ngày.
Do vì cũng được coi là phong lưu cho nên, dù là vai em, lại được đứng xếp hàng chờ lảnh phong bao lì xì trên gia đình o Cháu.
Cái tội của o Cháu là lớn lắm,vì o nghèo.
O làm nghề nấu rượu lậu đi bỏ hàng quán, bỏ các tiệm thuốc Bắc để ngâm thuốc uống trị bệnh, uống đã cơn nghiền hay trộn thuốc để bó sưng gân, trật khớp..
Anh Phụng thì không đủ tài sức mánh mung qua mặt các tay kiểm soát để giao rượu đúng kỳ đúng hạn cho các mối. Anh chỉ giỏi việc học. Học quên ăn. Mà khổ quá, o tôi lại chật vật miếng ăn cho anh ăn để học.
Thời may, có thằng Chắc con o Ba. Từ khi hắn theo o Ba tôi vô nhập họ hàng dưới trướng ôn thì o Cháu bất ngờ có tay trợ thủ đắc lực. Hắn lảnh phần giao mối rượu cho O.
Vậy là hắn gánh phần nặng nề cho anh Phụng để anh có thời giờ và không còn bận tâm để lo việc học.
Chuyện khởi đầu, không ai biết, nhưng lâu dần thấy lộ ra. Người trong họ thì nghĩ là có chia chát gì đó để thằng Chắc gánh vác chuyện-bao-đồng.
Ba tôi, một lần, nhận được phần thịt mà ôn vừa mới đi săn về, nói với tôi :
- Con đem phần thịt này xuống cho o Cháu. Nói với o là Ba nói O đừng bán, xào cho thằng Phụng ăn. Cứ nói in lời là Ba con nói như rứa.
Tôi đem phần thịt xuống thì đụng độ hắn.
Hai anh em gặp nhau mà làm mặt lạ. Tôi nghĩ nó là thằng ở đâu mới tới thì nó phải mở lời trước, không phải là tôi. Vậy mà nó cứ tỉnh bơ.
Khi nó đặt miếng thịt gói lá Vã lên bàn, rồi nói gì đó với o, là nó đi. Tôi cũng đưa miếng thịt, nói y lời Ba tôi, rồi hỏi :
- Thằng mô hồi nảy rứa O ?
O cười :
- Anh em hết. Hắn là thằng Chắc con o Ba đó.
Thằng Chắc thì tôi có nghe, bây giờ mới thấy. Miếng thịt nó để phần, nằm đó, tôi cảm nhận có một điều gì, gần gụi thân thương tình nghĩa..

Nay xếp hàng chờ “ân sũng” của đấng bề trên, tôi lại gặp hắn.
- Mi là thằng Chắc con của o Ba phải không ?
Hắn nhìn tôi, cười :
- Em biết anh là con của cậu Cai. Có điều, em biết nữa, là anh không biết em là ai.
Tôi ngạc nhiên, trố mắt :
- Cái thằng mi sao ăn nói ngược đời. Không biết mi sao tao gọi đúng tên. Không lẻ mi không là con o Ba ?
Hắn cười ngất (làm tôi phát bực) rồi vỗ vai tôi :
- Rứa thì em xin được tự giới thiệu. Em là em Chắc con cô Ba đây. Còn anh thì em biết anh là con của cậu Cai. Là anh của em, sao gọi là mi, tao. Không lễ phép là không lễ phép !.
Tôi ngớ người, sừng sộ :
- Rứa là mi nói tao....
Hắn vội đưa ngón tay trỏ lên môi, suỵt suỵt, rồi nói nhanh :
- Đừng anh. Đừng vội giận anh...( rồi chỉ về phía sau)... Thấy không?. Anh Phụng còn đứng phần sau rốt.
Tôi thật tình không hiểu, không biết, ý hắn muốn nói gì.

Lớp người dồn lên theo tiếng xướng gọi, tôi buộc phải dồn lên, không kịp hỏi. Nhận bao lì xì rồi lại phải vội vả quay ra.
Và tới phiên hắn nhận bao lì xì. Một lát sau, không thấy hắn mà chỉ thấy o quay ra nhập vào đám đông ở sân trước. Để rồi lại phải chờ nữa, chờ tới giờ để vô gian nhà dưới dự bữa tiệc tân niên ôn mệ đãi. Sau bữa tiệc no nê là mỗi gia đình còn có phần bánh, thịt mang về ăn Tết.
Cho nên phải đứng chờ, không thể không chờ.
Khi O đứng trong sân khoảng đâu chừng năm phút thì bất ngờ tôi thấy ôn hối hả đi ra trước hiên nhìn dáo dác.
Rồi ôn bước xuống mất bậc tam cấp đi vội vàng về phía cuối sân, nơi o Cháu và anh Phụng tôi đang đứng chờ. Một tay ôn cầm tay o, một tay ôn cầm tay anh Phụng dẫn đi vô.
Không phải vô gian nhà trước mà vòng qua mé sân, vô gian nhà dưới, nơi có cỗ bàn tân niên đang bày sẵn. Họ hàng trong sân nhốn nháo không biết chuyện gì nhưng yên tâm vì thấy ôn cười nói gì đó với o rồi nghe tiếng chú Cận, o Thương mời họ hàng vô nhập tiệc.
Trẻ nít trang lứa tôi thì có bày mấy bàn riêng dưới gốc Vã, cạnh bếp nấu.
Trong mấy bàn trẻ nít buổi tiệc tân niên năm đó không có anh Phụng với thằng Chắc. Bởi vì ở bàn tiệc gian trong, dành cho người lớn, đã kê thêm hai cái ghế có chân cao hơn một chút, gần bên ôn mệ.

Năm sau và những năm sau nữa, o Cháu là người được lảnh phong bao lì xì ngày Tết đầu tiên. Sau đó, là tuần tự xếp hàng theo thứ bậc, trên dưới phân miên.
Mấy bàn trẻ nít buổi tiệc tân niên thì không trống chỗ, vẫn có anh Phụng và thằng Chắc. Vẫn bình thường.
Điều không bình thường là sự thay đổi làm cho cả họ hàng giật mình nhìn ngó lại gia phả, thấy lại giềng mối kỷ cương để biết kính nhường nhau không phải vì bạc tiền cuộc sống xa hoa mà chính vì lễ nghĩa.
Có thêm một điều gọi là bất bình thường là nhân vật kịp thời xây lại cái nền móng lễ nghĩa đã chớm rệu rã của một dòng tộc lại là thằng em-cô-cậu.

Từ ấy, bao năm, hắn không hề nhắc mà tôi cũng như những người trong tộc không dám hỏi là hắn đã nói với ôn, mệ điều gì mà kịp thời níu lại cái gốc rễ đã muốn lung lay rời bỏ cội nguồn.
Ngày đó, chỉ có ba người trong căn phòng rộng. Ôn Mệ thì không thể nói ra lời. Hắn thì không hề nhắc tới.
Nay thì đã hạc nội mây ngàn. Đã là người trăm năm cũ....
Em Chắc thì đã mất rồi. Anh Phụng thì giờ đây lưu lạc phương nào, không biết nữa...
Chỉ còn phong bao lì xì ngày tết truyền nối bao đời không hề thay đổi cho dù dâu bể tang thương lạc tận xứ người. Gốc ngọn quê nhà vẫn nhớ. Tục lệ ngày xưa vẫn cứ duy trì gìn giữ.
Phong bao lì xì ngày tết hôm nay, tự nhiên lại nhớ, phong bao lì xì ngày tết mấy chục năm xưa...
Thôi thì cứ coi như đây là câu chuyện được dàn dựng cho một truyện ngắn. Khai bút đầu năm !
Phong bao lì xì ngày Tết thì còn đây. May quá,còn gìn giữ được. Dù hình dạng , màu sắc có nhiều thay đổi. Dù ở nơi xứ lạ quê người. Dù không đúng ngày, đúng tháng Tết.
Nhưng, vẫn cứ còn giữ được lề thói quê hương...

Sáng Mồng Một Canh Dần 2010

Không có nhận xét nào: