tháng 9 12, 2008


Hai anh em ngồi nói chuyện ở ngoài hiên.
Hai chị em ngồi nói chuyện trong nhà.

Nói chuyện trong nhà chắc chắn là hấp dẫn hơn vì là chuyện trong nhà mà. Trong nhà thì có thiếu gì chuyện để nói bởi nhà nào mà không có chuyện trong nhà nhất là lâu ngày gặp nhau nói cho đã nư đã đời. Nói chuyện buồn, khóc. Nói chuyện vui, cười. Khóc mới đó rồi cười đó có sao đâu! Tâm sự đầy vơi! Cho nên nói chuyện trong nhà có nhiều tình tiết hỉ nộ ái ố hấp dẫn là vậy. Mà vui, vì nói mãi nói hoài rồi tưởng mình chưa nói, nói thêm.

Còn nói chuyện ở ngoài là nói chuyện tầm phào cũng vui vì là chuyện ở ngoài mà. Ở ngoài thì cũng có thiếu chuyện gì để nói bởi ở ngoài đường ngoài chợ ngoài biển ngoài đời ở chỗ nào mà không xảy ra nhiều chuyện.
Nói nghe vậy mà không phải vậy !

Tuy là hai anh em ngồi nói chuyện ở ngoài nhưng mà ngồi nói chuyện ở ngoài hiên. Ngoài cái hiên nhà còn có sân nhà, có vườn hoa, có giếng nước, có hàng rào có nhiều thứ, thứ nào cũng ở trong nhà, đâu có ở ngoài. Cho nên ngồi nói chuyện ở ngoài nhưng chưa nói ngoài, đang nói trong.

Chuyện trong nhà đầu tiên tôi về tới nhatrang là tâm trạng hụt hẩng muốn té nhào khi nhìn thấy ngôi nhà xưa đã hoàn toàn biến mất. O Vân lên nuôi bệnh Mệ gần cả tháng đang muốn quày quả trở về thì cũng đúng dịp tôi về thăm nên đành nán lại chờ cùng anh chị và hai cháu về tới nhatrang. Mấy ngày về Đàlạt anh em ngồi chuyện trò sa đà rồi cả quảng đường dài đàlạt-nhatrang O không nói về chuyện nhà, chỉ nói chuyện thay hình đổi dạng nhatrang. Không nhắc chuyện nhà cửa có nghĩa là không có gì để nói, vẫn như xưa. Chỉ có nhatrang là không như xưa đang rộn ràng thay đổi. Trước ngày về tôi cũng quyết định là về tới nhatrang phải qua nhà O Dượng. Tôi muốn tìm lại những hình ảnh ngày nào, cách đây mười bốn năm, về thăm O Dượng trước lúc xa quê. Những ngày vui khó lòng tìm lại nay có dịp trở về nối tiếp sau một thời gian khá dài, gián đoạn. Sẽ cùng các cháu đi tắm biển Đồng Đế và trên đường về ghé quán mì chả cá, kêu thêm dĩa đầu cá thu luộc chấm nước mắm dầm trái ớt thiệt cay. Sẽ ghé mua về mớ cá, chẳng biết tên nhưng thịt nhiều giá lại rẻ, để nướng trui bằng bẹ lá dừa khô rồi chia nhau ngồi ăn ở hiên nhà ngó giàn mướp đương hoa che mảng sân nhà mát rượi. Thể nào cũng có một nồi bún bò Huế như ngày nào ngồi ăn bệt dưới sàn nhà. Rồi uống nước dừa xiêm ngọt lịm, ăn chua muối ớt trái chùm-ruột bên hông nhà. Ngủ một giấc trên chiếc võng đong đưa dưới hiên nhà mà nghe gió ru lời biển nghe cây lá lao xao gợi nhắc nhiều, rất nhiều, những kỷ niệm nơi chốn này. Khi chưa ra đi, gọi là ngôi nhà của O Dượng. Khi xa đi rồi, nhớ lại tháng ngày qua, gọi thầm là ngôi nhà xưa…

Nay về tới nhatrang thì còn đi đâu nữa! Về lại ngôi nhà xưa thôi !

Điều thầm kín giữ mãi trong lòng là muốn được về tắm mát bên cái giếng ngày xưa. Cái giếng trước sân nhà, cạnh giàn mướp, kế hàng dừa xiêm, chung quanh là những bụi ớt, bụi cà, bụi rau đủ loại chen chúc xanh um. Tôi còn nhớ như in những vết nứt sàn giếng ciment và cả những mương nước xẻ rãnh nhỏ dẫn tới những gốc rau. Cả cái gàu nhựa hình thuẫn trên to dưới nhỏ và khúc dây nilon được buộc từng múi cách nhau để kéo nước cho khỏi trơn tuộc tay. Nước giếng trong xanh mát rượi. Chị em vui vẻ chuyện trò trong khi làm cá rửa rau, anh với Dượng chiều chiều ra tắm mát, các cháu thi nhau kéo gàu nước cười nói vui đùa té nước lên nhau. Nơi chốn giữ gìn những hình ảnh khó quên đó là cái-giếng-nước nhatrang ! Cái-giếng-nước nhatrang ở nhà O Dượng
Về nhatrang để được đi tắm biển. Về nhatrang cũng còn tìm được cảm giác rất thú vị khó lòng quên : tắm giếng-nhatrang.

Dượng ở Banmêthuột gặp O ở Đàlạt. Sau thời gian tang thương ngẫu lục vật đổi sao dời về với nhatrang. Khởi thủy là ở Ba Làng sát mé biển Đồng Đế sau dời về Phường Vĩnh Hải xa biển chút nhưng gần chợ hơn để O có một khoảng thời gian dài buôn bán. Gia đình tôi, vài ba năm, trốn cái cảnh mưa dầm dề buồn thảm đàlạt mà về tới nhatrang tắm biển tắm nắng tắm giếng và chia nhau những kỷ niệm trong hoàn cảnh nghèo khó như nhau. Những bữa cơm vét cháy cạo nồi bên dĩa cá kho tô canh rau nhà trồng chắc là không no bụng nhưng no lòng. Ngay cả những ngày về thăm O Dượng và các cháu trước lúc xa quê, dành dụm chắt bóp làm một nồi bún bò Huế mà cũng rau nhiều thịt ít. Tội quá sức ! Trong cảnh đói nghèo mà còn dành cho nhau tấm lòng thơm thảo thì thơm lâu. Do vậy mà các cháu, cả hai nhà, chia nhau nhiều kỷ niệm gắn bó dẫu bây giờ có đứa đã nên vợ nên chồng gặp lại nhau vẫn giữ mãi lòng thơm thảo vét cháy cạo nồi rau nhiều thịt ít của những ngày xa khi về tới nhatrang tắm biển tắm nắng tắm giếng…

Có chuyện này nói thêm vui.
O tiếng là ở nhatrang mà một năm chỉ ra biển có một lần nói chi là đi tắm biển. Ra biển một lần vào đúng ngày mồng-năm-tháng-năm-ta để chỉ lội xuống nhúng ướt nước biển… làm thuốc. O tin, cũng như mọi người, ngày mồng-năm-tháng-năm là ngày thuốc. Cây lá ở rừng, nước suối nước sông nước biển cũng đều thành thuốc. Nhà gần biển xa rừng nên ra biển nhúng nước biển làm thuốc để trừ mọi bệnh. Biển vào ngày đó, đông. Chỉ toàn người già và con nít. Không thấy nhiều, rất ít, thanh niên thiếu nữ chắc vì ở tuổi thanh xuân tràn trề sức lực chưa cần thấy sức khỏe của mình bị đe dọa từ bệnh tật. Ra biển trong ngày đó cũng chỉ thấy tuổi già tràn lũ kéo về, đời cảm thấy mất vui chăng !

Ở thành phố quê tôi ngày mồng-năm-tháng-năm là thanh niên phần đông thiếu nữ phần ít, không thấy người già và trẻ nít, hăng hái vác dao rựa vô rừng chặt cây, lá về phơi mấy nắng cho thật khô để dành uống quanh năm. Gọi là lá Vối.
Cây, lá ở vào ngày đó là cây thuốc. Nước biển ở vào ngày đó cũng là nước thuốc. Duy có điều tôi không biết là khi nhúng nước biển trở về có dội lại nước ngọt cho trôi cái mặn rít trong người không. Hay phải chờ cho nước thuốc thấm qua da qua thịt vô tận các tế bào trong suốt thời khắc vẫn còn là ngày thuốc. Như vậy cứ phải để người rít mặn qua tới ngày hôm sau!

Dượng thì không biết có được cái thú tắm biển không nhưng cứ mỗi lần tôi về thăm cũng nể lòng anh chị ra biển. Nhìn kiểu tắm biển thiếu mặn mà, ở cả hai nghỉa, của Dượng tôi nghĩ ra Dượng cũng chỉ hơn O một chút vậy thôi.

Về cái khoản tắm giếng thì Dượng hơn người nhatrang hay nói cho khiêm nhường là bằng nhưng hơn rất nhiều người nhatrang.

Một ngày nhiều khi Dượng tắm một lần đôi khi tắm hai lần. Tính ra thì cũng vậy thôi, có hơn thua gì đâu !

Vậy mà hơn. Hơn ở chỗ là Dượng lúc nào cũng nhắc nhở hối thúc mọi người tắm giếng. Hồi đó, mỗi lần về ghé nhà, ngồi chưa kịp mát đã nghe Dượng hối thúc mọi người tắm giếng. Cái giếng nước thì im lặng mà Dượng thì sôi nổi ồn ào. Đang ngồi nói chuyện ngon trớn với tôi bỗng nhiên Dượng quay nhìn quanh lớn tiếng “ Tony. Thằng Tony đâu rồi! Ra tắm đi con. Ra tắm” rồi quay lại bình thản tiếp nối câu chuyện. Chừng năm, mười phút sau lại quay nhìn quanh lớn tiếng: “ Con Len Chị tắm chưa?.Ra tắm”. Câu chuyện cứ bị khập khểnh dứt ngang vì còn nhiều đứa Dượng vừa chợt nhớ là chưa nhắc nhở tắm thằng Trí, con Quyên, thằng Đào, con Út, con Len Em, con Mimi..Và cuối cùng Dượng cũng làm tôi cụt hứng câu chuyện :” Anh ra tắm một cái, cho mát”. Tôi muốn nổi sùng. Mát cái con khỉ khô. Hồi nảy tui với Dượng vừa tắm, ngồi chưa hết mát lại hối đi mát nữa !

Đại khái là như vậy, suốt ngày. Suốt những ngày về với nhatrang.

Dượng yêu thương cái-giếng-nước nhatrang tới tầm cỡ nào thì tôi chưa lường được nhưng suốt ngày cứ sôi nổi hối thúc mọi người yêu cái-giếng-nước nhatrang như vậy thì khó lường chuyện cảm lạnh có thể xảy ra. Ở nhatrang đang mùa nóng mà bị cảm lạnh là chuyện ngược đời.

Giờ đây, tôi về tới nhatrang, ngôi nhà xưa mất dấu.
Giàn mướp đương hoa trước sân, hàng dừa xiêm ở cạnh hàng rào, cây vú sữa cây chùm ruột cây xoài cây ô ma và cả cái sân cát rợp mát bóng cây đã hoàn toàn biến mất.

Cái-giếng-nước nhatrang vẫn còn.

Vừa mới rủ bỏ bộ đồ đi đường,thay quần ngắn áo thun cho mát thì Dượng đã kéo tôi ra ngồi ngoài hiên nói chuyện về khoảng thời gian khá dài xa cách. Hiên nhà lót gạch bông mát rượi nhưng khoảnh sân trước mặt thì nắng nóng. Không còn có bóng cây nào che dịu ánh nắng mặt trời. Những đứa cháu bé nhỏ ngày xưa giờ đây đã trưởng thành đã ra đời, ra riêng. Tôi đang chờ những con chim bé nhỏ ngày nào trở về khu vườn xưa đây. Nhưng phải chờ tới sau giờ tan việc.

Và điều tôi đang nôn nóng chờ đợi khi đang ngồi nói chuyện với Dượng là câu nói, như ngày nào :” Anh ra tắm một cái, cho mát”. Là tôi sẽ nhào ra, cái-giếng-nước nhatrang, nó cũng đang chờ tôi đó.

Vậy mà cứ ngồi nói chuyện hồi lâu hết chuyện quê nhà tới chuyện quê người, không thấy Dượng nhắc chi tới câu nói ngày xưa. Đứa con từ trong nhà đi ra, chắc không chờ nổi câu chuyện dài Dượng đang nói với Ba, nhắc khẽ :
- Ba đi tắm cho mát.
Lúc đó Dượng mới sực người nhớ lại. Giọng nói sôi nổi ồn ào như ngày nào :
- Ồ, quên. Anh vô tắm một cái, cho mát.
Chỉ chờ có vậy, tôi bước vội ra sân trong khi Dượng đang quơ chân tìm đôi dép, nói vói theo :
- Không. Không. Anh vô trong tắm. Đừng có tắm giếng. Vô trong. Vô trong.
Đứa con chạy theo nói nhỏ :
- Dượng nói Ba vô trong tắm. Tắm ngoài này….
Tôi hiểu ý nó ngại tôi tắm ngoài trời không tường che vách chắn nhưng tôi chưa hiểu ý Dượng sao lại ngăn không cho tôi tắm giếng. Tôi cười :
- Không sao đâu con. Ba muốn tắm giếng muốn tìm lại cảm giác ngày xưa. Có ngại gì đâu!
Hai cha con tới thành giếng nhìn xuống. Nghe tiếng đứa con “Úi,trời”. Tôi thì lặng người ngơ ngẩn. Có tiếng Dượng, phía sau :
- Giếng để tưới cây, đục ngầu. Anh vô trong nhà có hai phòng tắm rộng rãi thoải mái. Tắm giếng làm chi, anh thấy không, nước đục ngầu. Vô đi anh. Vô tắm một cái cho mát !
Tôi thẩn thờ :
- Ừ, nước giếng đục ngầu có thấy gì đâu !
Thấy gì đâu nữa những hình ảnh ngày nào bên thành giếng cũ ! Bây giờ giếng cũ còn đây mà hình ảnh ngày nào đã chìm khuất theo màu nước đục ngầu !

Ngày nào Dượng sôi nổi hối thúc : “ Anh ra tắm một cái, cho mát”.
Bây giờ cũng câu nói đó cũng sôi nổi hối thúc : “ Anh vô tắm một cái, cho mát”
Không lẽ cái-giếng-nước nhatrang rồi đây cũng mất dấu theo cái-lò-than đàlạt….

Về tới nhatrang
Phường Vĩnh Hải, Đồng Đế tháng 7/08

Không có nhận xét nào: