tháng 8 16, 2008

PHỐ BỤI NHỮNG TÌNH THƠ


Bất ngờ, nhận được email của anh báo cho biết là sẽ có thêm tác phẩm thứ 2, đang chuẩn bị, nhưng chưa định ngày đưa đến nhà in. Kèm sau lời báo tin là một câu ngắn ngủi “ nhờ bạn viết đôi dòng cho tập Thơ. Có thuận tiện không ?”. Câu ngắn ngủi theo sau những lời nhắn tin vui làm cho tôi cảm thấy thật là bối rối.

Thuận, thì, tất nhiên. Bởi đã từng cùng chung một mái Trường xưa, nay được…nhờ chia xớt niềm vui. Không những thuận tình mà còn, phải nói thêm, là hân hạnh.
Tiện thì cũng …trơn tru không rào cản. Bởi cũng còn cùng đam mê cái-thú-văn-chương- lộng-gió-bốn-mùa trong cuộc sống trâu-cày-giả-bữa ở đất người. Nay được yêu cầu cầm cây bút sở trường để viết đôi dòng thì có chi đâu mà bất tiện !
Nhưng còn một điều phải giật mình nhớ lại…Xin được nói lên cho thiệt tỏ tường.
Tỏ tường ở chỗ tôi xin được mạn phép dài dòng “trích đoạn” một bài viết mang tựa đề “ Yêu Hết Một Đời “dành riêng cho ngày Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm thành lập Trường Trung Học Ban Mê Thuột của chúng mình vào ngày 03/07/2005 tại Cali :
“…Yêu Hết Một Đời là thi tập của một CHS/TH/BMT ( Cựu Học Sinh Trung Học Ban Mê Thuột), anh Nguyễn Thế Hùng ( bút hiệu Lý Thảo Yên ). Thi phẩm của anh ( xuất bản năm 2003) đã được nồng nhiệt đón nhận từ các CHS/TH/BMT với niềm tự hào( không dấu được) là từ nơi chốn Bụi Mù Trời, Buồn Muôn Thuở lại phát sinh những cây bút đóng góp ít, nhiều sinh động và khởi sắc trong dòng Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại.
Xuất xứ từ ngôi Trường Trung Học Ban Mê Thuột, qua năm tháng thăng trầm, vẫn đều tay giữ được “nghiệp dĩ “ của mình. Bậc trưởng thượng có nhà thơ Thái Anh Duy( Nguyên Chủ Tịch TT Văn Bút Nam Cali), Trần Văn Thìn, Nguyễn Thủy Nam, nhà văn Bùi Dương Chi…
Xuống hàng “con,cháu” có Lê Thiệp, Trần Quán Niệm, Thiện Ý Nguyễn văn Thắng, Phan Ni Tấn(ND), Nguyễn Quyết Thắng, Y Cao Nguyên, Lý Thảo Yên, Chương Khuê, Lê Hữu, Mây Hải Đảo, Chính Nguyên, Vi Thể, Nguyễn Đình Hòa, Ngạc Phong, Nguyễn Đình Minh, Nguyễn Ngô Uyên, Thương Thương, Hoàng Minh Châu, Hương Lam, Võ Túc Trí, , Vũ Thị Mai, Tuyết Nga, Huỳnh thị Tâm, Như Thương, Phạm Đạt, Trần Châu, Phùng Ngọc Cửu, Liên Hương, Phạm Hữu Linh, Trần Hải Thành, Ngữ Nguyện, Ngô Ái Lan, Phạm Nhì, Tử Du, Hướng Dương, Lê Trung Thu, Hồng Phượng, Nguyễn Huy, Bích Nguyệt, Nguyễn Thị Chín Một, Trần Huy Sao…
Thơ văn, theo thời gian lang bạt tháng năm đời ly xứ, chất ngất và cũng ít, nhiều, đã đóng góp cho nền Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại, nói chung, và tư liệu gìn giữ cho Website TH/BMT, nói riêng.
Xin phép anh Lý Thảo Yên khi tôi chọn Yêu Hết Một Đời để làm tựa cho bài viết về 50 Năm Kỷ Niệm Thành Lập Trường Trung Học Banmêthuột “
( ngưng trích)

Chỉ trích đoạn chừng đó thôi cũng đủ cho anh thấy là tôi bối rối tới cỡ nào! Bao nhiêu là tài tử văn nhân, qua lại dập dìu như trong Ngày Hội Làng của Buôn Bản chúng mình, sao anh lại níu tôi vào Phút Liêu Trai !

Vốn tính cẩn thận và để cho chắc ăn, tôi có hỏi anh về bài sẽ viết. Viết dưới hình thức Bài Tựa, Bài Bạt hay là một bài đóng góp thêm cho vui cùng với những bài viết của bạn bè về Lý Thảo Yên. Anh trả lời Bài Bạt đã có Thầy Thành, mẫu tranh bìa đã có anh Lê Đình Sinh. Tôi chỉ cần nối thêm một vài dòng cho đông vui.

Vậy là tôi yên tâm phóng bút ngẫu hứng sinh tình không phải đóng khuôn nội dung Phút Liêu Trai chọc giận bà con theo kiểu “ áo thụng vái nhau” qua những câu thơ trích ( đoạn) dẫn ( nhập) với những lời lẽ ( rập khuôn ) bay bổng tới nỗi làm cho chính tác giả cũng phải giật mình mà nổi giận. Rõ ràng ý tình của đoạn thơ ( được trích dẫn) của mình chỉ ngang tầm ở cõi đời cơm áo hay cao tầm hơn chút là cõi phù vân mây nổi mây trôi, thế thôi !
Vậy mà lời dẫn (thơ) nhập (bút) lại đưa mình lên tới, không phải cao tầm mà là, cao tầng đến chóng mặt.
Lời dẫn nhập đã vậy, lời bình thơ khi mới đọc qua thì cũng thấy …tê tê vì lời bình văn hoa bay bướm. Đọc kỹ lại mới giật mình nóng lạnh. Không biết thơ của mình hay thơ của ai đây?

Viết rập khuôn, cường điệu kiểu đó thì tôi đây xin chịu thua. Không chừng dễ xa nhau vì tôi biết tính anh bộc trực. Vào Liêu Trai, anh cũng chỉ vào một phút thôi chứ không như mấy anh chàng trong Liêu Trai Chí Dị dầm dề qua đêm. Tính anh dứt khoát, thẳng thừng như vậy cho nên tôi có viết về Thơ anh như đã nói phần trên thì thiệt đúng là dễ xa nhau. Chứ còn gì nữa !

Nhưng mà gần 40 năm rồi, kể từ ngày rời bỏ Trường Xưa nhập cuộc vào Đời, nhập dòng dâu bể nhiễu nhương qua vùng đất không còn là chỗ quê hương để dung thân kiếm sống ! Nay tìm và gặp lại thì dễ gì, mà đến nỗi gì, để phải xa nhau ! Anh tâm sự :
Xưa, nâng chén rượu tiễn quan san
Nửa đời, nay cạn chén tương phùng
Đất khách, hề, anh hùng tri ngộ
Tưởng còn đây, thời ngang dọc vẫy vùng…

( Phút Liêu Trai -Chén Tương Phùng trang 67 )
mấy câu thơ không cần thiết phải diễn đạt cho thiệt cao tầng ( mà cũng dễ “tức cảnh sinh tầng” lắm, vì có rượu tiễn quan san, có hề, anh hùng tri ngộ,thời ngang dọc vẫy vùng mang vẻ dáng ngất trời hào khí ). Thôi thì chỉ cứ xin rất đỗi đời thường, chỉ cần ngang tầm (ngồi) quanh bàn tiệc trong đêm Tiền Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Trường Trung Học Ban Mê Thuột ( 1955-2005) tại nhà Trần văn Chính& Vân Anh ở thành phố Biển San Diego.

Anh từ Đại Vực về thăm Biển, Biển gọi anh hay tình bạn gọi anh?. Chắc chắn là tình bạn sau nửa đời “ hương (bay) phấn ( bợt) “ có một dịp vô cùng quý hiếm, tìm và gặp để chỉ cùng nhau cạn chén tương phùng. Cho nên anh phải về.
Ngồi gần, xa và quanh anh là những bạn hữu Trường Xưa.
Anh Đoàn Đình Nga phơ phơ bạc trắng mái đầu, anh Phạm Công Lạc phương phi như Lão Ngoan Đồng, anh Y Cao Nguyên vẫn giữ vẻ dáng thư sinh nho nhã, anh Lê Xuân Roãn dáng đi lúc nào cũng như điệu múa Hội Bản Làng, anh Lê văn Thể ( khi làm thơ tình, viết văn, hát giọng tenor là Vi Thể, khi nhập bàn tiệc ( kể cả khi làm Thơ tếu) gọi là Thè Lè, anh Y Bo Ya thơm lừng mùi bắp rẫy nương. Thêm mấy thằng bạn một thời chọc trời khuấy nước Tiêu Phong Nguyễn Quang Trúc, Tạ văn Lực, tay nhạc (văn,thi)sĩ Phan Ni Tấn (ND),có bản nhạc “ Đi Về Phía Ngôi Trường” làm “nền” chính cho Ngày Đại Hội, tay Trần văn Chính nội lực thâm hậu gồng mình tổ chức đêm Tiền Đại Hội tại nhà riêng (của Vân Anh?).
Bên ngoài thì cạn chén tương phùng, bên trong thì tràn lời tương ngộ dưới sự điều khiển chương trình của cô bạn dịu dàng hết biết Tuyết Nga đến từ vùng Biển Nắng Florida. Lớp đàn em thì có Phạm Đạt, Trần Thanh Xuân, Trần thị Thơm, Như Thương…Và nhiều quá, những khuôn mặt bạn bè xưa nhớ chưa ra nổi để mà nhắc tên cho đều, khắp.
Đây là lần đầu tiên tôi được gặp dù có biết anh qua thi tập Yêu Hết Một Đời được ra mắt thời gian trước đó.Buổi cạn chén tương phùng anh có đọc thơ. Dẫu chỉ đọc vài câu ngắn để… đưa mồi câu chuyện văn chương thi phú. Anh đâu có biết là anh đã đưa tôi vạn dặm tìm về những kỷ niệm năm tháng học trò trong khung cảnh đêm hôm đó, tuy đã xa rồi hương cố quận, mà vẫn còn tràn ngập tình nghĩa Thầy, Cô, bạn cũ Trường Xưa…
Tháng Tư hoa cà phê nở rộ
Trắng cả không gian rộn rã mùa Hè
Cổng Số Một hương lừng trong gió thoảng
Ta cùng em vừa cạn hết đam mê

( Phút Liêu Trai – Ba Mê trang 55 )
Phố Bamê có thiếu gì nơi chốn tình yêu ghé bến. Đi đâu mà xa dữ ! Ồ, Cổng Số Một! Tôi nhớ ra rồi ! Nơi đó có rừng cà phê um tùm che kín dễ …đam mê, lại có hương rừng trong gió thoảng ! Có không gian rộn rã mùa Hè.Thì ra là vậy ! Thi sĩ, vào cõi Thơ thì hào phóng ngôn từ. Vào cõi Đời thì, ngược lại, đố tay nào qua mặt ! Bái phục ! Bái phục !
Giả dụ như, nếu mà, ta cùng em…vào quán Chi Cao ( ở góc đường Quang Trung- Lý Thường Kiệt) thì phải tính toán hầu bao của anh chàng thư sinh mặt (hay tay) trắng, chi trả cho em một cốc kem ( cốc lớn à nghen, cốc nhỏ em sẽ là chê vì không “phê” không “đã” ). Và để giữ dáng phong trần ( hay phong độ ) kêu thêm ( không phải cho em mà cho anh ) một chai beer 33 ( beer 33 bé bé xinh xinh lại có vẻ tay chơi thứ thiệt, chai beer con Cọp lớn quá xá lớn sợ say xỉn sớm, xệ, xìu…). Thêm nữa, bắt phong trần phải phong trần (chưa) cho phong lưu mới ( nhỏ mà bày đặt ) được phần phong lưu, kẹp điếu Bastos Xanh. Phải là Bastos Xanh. ( Đỏ, thì chê chưa đủ dáng phong trần. Capstan hả ! Thiệt chỉ một phường thơm lừng mùi công tử bột ).
Thế cho nên đi vào với cảnh sắc thiên nhiên thì đâu cần phải tính toán chi li, lại có phần tự nhiên bày tỏ tình yêu
Em hồn nhiên ngà ngọc Thác Nhà Đèn
Đồi núi cao, bỗng rợn nét thanh tân
Chim ngừng hót, trời cũng hờn mây trắng

Nghe trong tim niềm rạo rực êm đềm…

( Phút Liêu Trai – Ba Mê trang 55 )
Thác Nhà Đèn quả nhiên thì cũng có đồi núi cao, có chim rừng, có mây núi, có cây cỏ um tùm lại có nước non lai láng dễ tức cảnh sinh tình nhưng mà kẹt một điều lỡ thằng Trúc Nhà Đèn ( qua bên này nó là Mây Hải Đảo, thành đạt trong cuộc đời cho nên mới có điều kiện sinh hoạt cộng đồng hăng say và làm thơ hăng quá tới nỗi Florida bão lụt triền miên ! ) . Ngày xưa nó lừng danh thiên hạ ( đệ nhất quái) vì thích bày trò nghịch phá đố tay nào bằng. Nó mà bắt gặp thì đúng y boong như lời nhà Thơ đã giải bày tâm sự :
Ta nằm bệnh suốt tuần mưa
Hôn mê lửa cháy đốt tòa thiên cung…

( Phút Liêu Trai, Tuần Bệnh trang 25 )
cơ sự gì mà đến nỗi hôn mê lửa cháy là sốt cao lắm rồi đó nghe. Cũng may mà nhà thơ còn gượng được…
Anh đi làm chi tới những chốn xa !
Sao không về ngõ phố quen xưa mà dìu nhau đi trên một con đường tình rợp mát bóng cây. Mùa Xuân có chim hót. Mùa Hạ có Phượng đỏ,ve ran. Mùa Thu có lá vàng rơi lãng mạn. Mùa Đông có gió lạnh đầy. Con đường này, ngày xưa tụi mình, ai chẳng từng đi. Đi một mình. Đi hai mình. Đi cả nhóm nghênh ngang chọc phá. Đi thất tha thất thểu thất tình. Đi hớt hơ hớt hãi sợ ma, ma men, ma mảnh. Đi theo đuôi( đuổi theo rồi đui theo) tà áo giai nhân. Đi thơ thẩn để tìm thi hứng. Đi như chạy như bay quá giờ, trễ học…Nói chung, là những dáng đi tĩnh lặng ồn ào đã một thời “đi” vào kỷ niệm vào thơ văn .
Vào kỷ niệm thì hầu hết bạn bè ngày xưa ai cũng có một lần đi (qua) cho dù mỗi người mỗi dáng đi riêng tự biết.
Vào thơ văn thì thảy đều có cùng một dáng đi chung (đôi) chỉ khác nhau ở thời điểm Xuân Hạ Thu Đông, buổi chiều (mưa nắng) hay buổi tối (đen trăng sao). Mấy tay văn thơ chất ngất của xứ Buồn Muôn Thuở đâu có chịu bỏ quên con đường này. Nhà thơ Chinh Nguyên đã từng đi qua với Lời Tình Buồn. Nhà thơ Y Cao Nguyên cũng tới mà Tìm Lại Thương Yêu. Đó là chưa nhắc thêm các bậc đàn anh đàn chị Trần Quán Niệm, Thiện Ý Nguyễn văn Thắng, Lê Thiệp, Nguyễn Quyết Thắng, Vi Thể, Thương Thương, Huỳnh thị Tâm, Hoàng Minh Châu… hay trạc bằng tuổi tôi Lê Hữu, Phan Ni Tấn(ND), Mây Hải Đảo, Phạm Hữu Linh…. Lớp đàn em còn có Trần Châu, Phạm Đạt, Ngữ Nguyện, Phùng Ngọc Cữu, Như Thương….
Con đường này khởi đi từ ngã Sáu có ngôi nhà Thờ Lớn (thuở tụi mình đi học còn có bến xe liên tỉnh), chạy dài qua Bưu Điện Thành phố qua Biệt Điện của vị Vua cuối đời nhà Nguyễn rồi chấm dứt ở công viên rộng lớn.
Thương hải tang điền, đường xưa nay có đổi tên hay vẫn là chưa đổi, chỉ đổi thay thôi! Khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Mà đâu cần gì phải gọi đúng tên ! Chỉ cần nói là con-đường-tình-ba-mê là ôm cả một trời tình tự là nhớ tới một con đường, không thể nào nhầm lẩn bởi một con đường khác, đã hóa tâm hồn, đã khắc sâu hằn tình sử, đã thành kỷ niệm trong đời.
Tôi cố tình tìm trong Phút Liêu Trai nhưng tìm không ra con-đường-tình-ba-mê hay là thấp thoáng đâu đó mà tôi chưa bắt gặp….
Lẽo đẽo theo đuôi suốt mấy ngày
Yêu thì yêu (mà) giận quá đi thôi

(Phút Liêu Trai – Giận Hờn trang 57 )
có thể là nhà thơ theo đuôi ( đuổi theo rồi đui theo) tà áo giai nhân trên con-đường-tình-ba-mê này nhưng mà cũng không chắc lắm vì đoạn thơ chỉ nói là theo đuôi suốt mấy ngày (mệt đuối) mà giận quá đi thôi! Không thấy tả cảnh con đường nên chưa dám chắc…Chưa dám chắc nên phải ngưng ngang, chưa dám lạm bàn.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

It could widen my imagination towards the things that you are posting.