tháng 2 28, 2014

THƠ NGÀY CUỐI THÁNG GIÓ MƯA



 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

gởi tháng Giêng đi…

hôm qua em nói trời buồn như Đà Lạt
anh ngó ra thấy buồn thiệt em ơi
mây xám quyện vòng từng cơn gió nổi
phía núi mịt mờ đang chờ mưa mai

cho anh giữ câu nói em ở lại
để ngày mai mưa gió có bài Thơ
anh làm thơ như em biết thuở giờ
đâu mộng mơ chỉ mượn lời chân thật

như sáng nay gió trời ơi nổi giận
mưa rạt rào mưa trả giận bạo tàn
anh ngồi phòng Văn gió mưa tản mạn
nên câu thơ cũng kiệm lời lãng mạn

mưa rồi gió bạt ngàn xa Đà Lạt
không như hồi qua phố chiếc dù xanh
mưa đủ nhẹ cho vừa nhau thấm lạnh
vừa đủ vòng ôm chia sợi ngắn sợi dài

mưa rủ anh ướt nụ hôn vụng dại
những đường xưa quày lại thương nhau
dĩa bánh Xèo thơm lựng chiều mưa mau
gió giận gì đâu mưa trả giận gì đâu !

chỉ thấy hai mình chia tình yêu dấu
qua phố đường mưa ướt lạnh dịu dàng
một thuở gió mưa thiệt là lãng mạn
hèn chi em cứ nhắc khoảnh trời riêng…

Hiên Trăng ngày gió mưa 28/02/2014

 

XÓM ĐÌNH ĐA CÁT


gởi người Xóm Đình Đa Cát ( Cây số 4 Đà Lat )
tưởng nhớ hai anh Phạm Lạc - Phạm Đông 
                   
 
                     Đố ai mà không nhớ có một thời mình đã sống, nơi nào đó, trong đời. Một nơi chốn rất riêng tư  và rất là thân thuộc. Quê hương đó, phải chăng? Mà trong quê hương lớn rộng còn có thầm lén một quê hương nhỏ, không kém phần ray rức bồi hồi. Đi xa thì nhớ quá chừng. Về lại, thì buồn thêm nặng. Bởi lẽ, có gì mà không thay đổi theo thời gian. Nét đổi thay đôi lúc rất tàn nhẫn và, rất là ngỡ ngàng. Ôm cả một quê hương để nhớ, chi bằng nhớ rất nhỏ nhoi thôi,một nơi chốn mình đã gắn bó rất đậm đà thân thuộc.
                    Trong quê-hương-lớn-rộng  đời tôi, tôi nhớ, một-quê-nhỏ của tôi : Xóm đình Đa Cát!
                   Gọi là đa cát, chắc nghĩ là Xóm nhỏ của tôi có nhiều cát. Không, không hề có cát. Có đất cằn và cỏ Cú thì nhiều. Hay là cát đây có nghĩa là điều tốt. Đa Cát : nhiều điều tốt. Chắc cũng không đâu, vì chẳng có gì gọi là tốt cả! Đau khổ và đói nghèo cùng cực, thì làm sao mà tốt cho được.
                    Nhưng thôi, cứ nghĩ là vậy đi, ở một nghĩa nào cũng được, nhưng cứ là Đa Cát. Cứ là cái Xóm nghèo cùng cực, cơm bỏ vào miệng chưa đầy, nhai hoài không muốn nuốt. Sợ  nuốt đi rồi còn có miếng nào thêm! Đó  là những  năm,tháng khi  tôi còn bé nhỏ. Nhìn Trăng đêm Rằm mà sao thấy to lớn, cao xa. Ngó mưa trời mà cứ phập phồng lo sợ. Những mái nhà tranh vách ván đơn sơ làm sao chịu nổi phũ phàng, vùi dập. Vậy mà, tuổi thơ cứ bình bồng trôi đi trong nỗi thăng trầm thôn xóm nhỏ. Có Ông, Bà, Chú, Bác, Anh em, bạn bè, bà con làng xóm. Có chuyện rất  vui và, có  chuyện rất buồn. Có  nét đẹp  thanh  tao ngọt  ngào như vị ngọt của những trái ổi nồng nàn hương thơm nhà Bác Nghi. Có vị đắng của trái đào lông xanh nhà ông Thưởng. Có vị ngọt chua ê răng, ứa nước miếng của những trái mận vàng lườm nhà ôn Cai Hoành. Có vị chát đầm thấm của những trái Vả sau vườn Chùa Linh Quang. Có bâng khuâng thương nhớ của những đêm bạn bè cùng trang lứa rượt bắt cứu tù, đạp lon hay trò ma-da-trốn-tìm dưới ánh trăng sân Đình xưa cũ...
                   Bây giờ, lớp đàn anh đàn chị đã đi xa, đã nằm lại. Lớp tuổi tôi cũng nằm lại, cũng đi xa...Nhưng cái xóm đình Đa Cát thì vẫn còn gần đó, xa đó lung linh mờ ảo trong hoài niệm. Mà khi nhắc lại, chắc cũng chạnh lòng xao xuyến và cả ngẩn ngơ. Hỏi ai mà không nhớ quê hương cho được. Quê hương theo dọc cả một đời người. Kỷ niệm cũng ôm hoài một nỗi nhớ.
                   Đó, nói đâu xa. Năm trước, gặp anh Đông trên đất quê người. Nhắc lại xóm đình Đa Cát, anh cám cảnh bùi ngùi. Đi xa lâu rồi, anh thèm nghe những gợi nhắc quê hương. Nghe hoài không thấy chán. Hai đứa thức thâu đêm mà nói hoài không hết chuyện. Cái xóm đình thì nhỏ mà sao chuyện cứ dài, dài mãi, nhắc nhớ hoài không thôi! Kể chưa hết chuyện ông Năm Le, miệng ăn trầu đỏ chót, gặp con nít ông le lưỡi đỏ lòm, cho vui thôi, nhưng làm tụi mình  sợ xanh cả mặt, són đái lúc nào không hay( mà anh cũng són đó nghe, chớ đâu phải riêng mình tôi).Anh cười, có vẻ ngượng. Uống đẫy đà một hơi beer tâm đắc rồi bắt qua chuyện trộm ổi nhà Bác Nghi, bị bắt trói vô cây ổi chờ Cha, Mẹ tới lãnh, để bị mắng vốn đủ điều. Bữa đó về, bị cắt phần cơm, tôi đứng trong  góc nhà vòng tay  chịu  phạt  rồi  ngủ  quên  lúc  nào không  biết  nữa! Còn anh,chắc cũng bị mấy roi xoắn đít, nổi lằn. Còn khoe nhau  những  bữa lòn hàng rào  nhà  bác  Ba Cận trộm mận "bạch tạp", giống mận độc đáo vàng vỏ đỏ lòng cắn tê đầu lưỡi mát chân răng. Bữa đó, anh bị con chó xù nhà bác "tợp" cho một phát. Về, mông đít bôi mù-hóng-dầu-mè đen ngòm, phát khiếp. Thuốc chữa dân gian vậy mà cũng tốt, có điên dại chi đâu! Nghĩ mà thương cái Xóm nhỏ của tụi mình. Đau quặn bụng thì nhai lá ổi. Nhức đầu xổ mũi có lá bưởi lá chanh lá sả trong vườn( nhớ tới nhà ôn Cai Hoành nài xin cho được nhúm lá thù-đủ-tía). Làm một nồi xông, sớm mai dậy,chạy chơi cùng làng cuối xóm. Còn ho hen hả?. Khó gì, cứ tới nhà thím Ba Hồng xin ít lá Tần về giả nhuyễn nhừ, thêm chút muối, cũng là "thần phương".
                  Tụi mình, hồi đó, tóc có nhuộm đâu mà vàng hoe, khét nắng. Nòi giống da vàng mà da cứ xảm như chì. Gan bàn chân thì dày như da trâu. Mặt có vằn có vện, lang beng lẫn lác đồng tiền. Thiệt chẳng giống ai. Vậy mà, cũng không ai giống mình. Điệu nghệ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông...
                  Mùa Xuân thì đi săn lùng ổ chim se sẻ ở mái Đình hay bắt bướm hái hoa giả làm trò chơi đám cưới với tụi con Lý, con Mai. Vui hơn hết thảy là những ngày Hội Xuân. Được ăn uống no nê lại tha hồ chạy nhảy chẳng ai trách cứ phiền hà. Bởi vì mấy cụ bận khề khà mâm trên chiếu dưới, mấy bà thì bận tíu tít phục vụ hỏa-đầu-quân, thở chẳng ra hơi...
                 Muà Hạ thì đi bắt dế, thả diều trên đồi Trọc. Đánh đáo, thảy vụ, chơi ô quan trong sân Đình. Vui nhất là đêm đêm trăng sáng chơi rượt bắt cứu tù, đạp lon và đôi khi ngồi tụm nhau nói chuyện dóc rồi cười nghiêng ngữa. Trăng soi vằng vặc khoảnh sân Đình, trẻ con, người lớn tụ nhau ồn ào như một xóm chợ nhỏ. Lâu lâu, lại có gánh hát-bộ từ một phương trời xa xăm nào đó, ghé về dựng rạp ở sân Đình. Đó là những đêm đầy âm sắc rộn ràng. Tưởng như đâu đây còn vang tiếng cầm-chầu điệu nghệ của Ôn Cai Hoành, Ôn Lào, bác Ba Cận...Khi thì  rời rạc  như trống  cầm  canh, khi thì  thúc giục hả hê  làm nôn nả cả lòng người...Kịp đến  khi  đoàn  hát-bộ chuẩn bị lên đường tiếp nối quãng đời phiêu giạt, thì đã biết mùa Thu sắp đến. Đó là lúc buồn vui bịn rịn chia tay, không ngăn nổi  những tâm tình  trai gái...lưu luyến lúc phân kỳ! Ôi! Cái cảnh kẻ ở người đi sao mà buồn sầu lắm vậy! Đã có bao nhiêu chàng trai, bao nhiêu cô gái dứt lòng xa lìa xóm nhỏ mà ra đi dọc theo con đường gió bụi, theo giấc mơ của ánh đèn sân khấu và, theo tiếng gọi của tình yêu!..
                 Mùa Thu thì co cụm lại, vui đùa trong góc Đình khuất gió. Và mưa, ôi chao, mưa chi vùi dập nhẫn tâm. Cây trút lá, ngã nghiêng, xô dập tiêu điều. Gió rít từng cơn nghe nhót xói cả tâm can. Mưa lê thê, dai dẳng suốt ngày đêm. Trò chơi là những con thuyền giấy mỏng manh thả trôi theo dòng nước, chở những ước mơ bé nhỏ trôi giạt tận những phương trời xa tít. Chỉ còn lại cái đói, cái lạnh lùng bơ vơ trơ trọi của xóm đình nhỏ nhoi dưới bao la đất trời một màu mưa trắng mù, sầu thảm....
                Muà Đông thì  quá đỗi buồn. Chẳng có trò chơi nào chịu nổi với tiết trời lạnh thấu xương. Biếng lười gặp nhau. Đi đâu cũng co ro cúm rúm. Xóm nghèo quá, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Da dẻ lúc nào cũng ửng đỏ, rát không chịu nổi. Có nhà, về đêm, con cái đắp bao-tời mấy lớp. Cũng có nhà, anh em rúc nhau trong ổ rơm lúc nhúc, ôm nhau mà run lạnh nhớ nắng Xuân. Sân Đình, những ngày Đông càng hiu hắt buồn. Đêm đêm, mọi nhà xúm nhau bên bếp lửa ngo, nghe kể chuyện ma quái mà rùng mình, cố xích lại gần nhau hơn nữa. Tiếng mõ rời rạc của chú A khi to khi nhỏ giữa đêm trường, trong cơn gió chướng, nghe buồn lay. Thỉnh thoảng, có tiếng chó tru đêm,  não nuột.  Sợ quá, là mùa  Đông! Đói, lạnh  và, nhớ không khí bạn bè.
                Mùa Đông, hình như là mùa để trỗ lớn và chín chắn hơn. Cũng đúng thôi, vì đó là mùa của cuối năm, luôn là cái móc thời gian để dợm mình lớn thêm một tuổi. Rồi, cũng lấy đi những người già không sức chịu cái nghiệt ngã của tháng ngày đông giá. Biết là tre-tàn-măng-mọc, nhưng mà sao buồn quá!
                Ôi ! Những mùa Đông của tháng ngày thơ ấu ấy, đã lấy đi rất nhiều những  khuôn mặt mà tôi thương, tôi kính. Có Ông tôi, có cả Bà tôi trong đó nữa! Gần hơn, có chú Quý nhà ở cạnh bà Hoàng di cư, chú Thứ xe ngựa ở cạnh hố rác Bà Sơ, chú Mười Mươi nhà kế bên chú Tín cây-dầu-gió, ông Ba Guốc và Chú Đính hai  nhà kế  cận nhau, dượng Tuần    sau nhà tôi, bà  Năm Thiên nhà có cây ổi sẻ và cái lu nước mưa dành uống đủ bốn mùa, bà Cửu Om nhà gần bác Ba Cận, thím Biền cháu bà Côn, Ôn Cai Tư hương sư đã từng khai tâm cho lớp đàn anh của tôi ngày ấy,ôn mụ Lào nhà sau chùa Linh Quang cạnh cái chợ Chiều của Xóm, ôn Cai Hoành nhà sát cạnh khu Bà Sơ Vincent sau lưng nhà chú Đán, chú Duy thợ mộc...Chà, nhiều quá cho một mùa Đông và nhiều mùa Đông đã đi qua trong đời. Quê hương bé nhỏ của tôi ơi! Sao mà đau thương lắm vậy?.Còn đó thì thôi, thì chỉ là thoáng nhớ ngậm ngùi. Nhưng nay đã đi xa rồi, tất cả bỗng trở thành một cái gì đó thiêng liêng quá, trong tôi, mỗi lần nhắc nhớ...
                      Và cả anh nữa, anh Đông!
                      Đêm đó, trên đất lạ xa quê, hai tâm hồn chụm lại đốt lên chút lửa hoài niệm mà rũ rượi buồn. Khoan! Khoan nhắc đã anh. Anh đi lâu quá rồi, anh chắc không còn nhớ . Tôi, thì tôi nhớ. Nhớ như điên, như khùng. Cái xóm đình Đa Cát ấy! Nó thật nhỏ nhoi và lắng chìm trong muôn vàn xóm đình trong lòng quê hương mình. Nhưng nó lớn rộng quá, khơi dậy quá trong lòng tôi, trong lòng anh và cả những người đã từng sống, từng ôm đồm quá nhiều kỷ niệm. Dù nay, đã ra đi hay còn lại, vẫn hoài nhớ mãi chẳng thể nào quên. Dù nó chỉ là một xóm đình nhỏ nhoi, nhưng chính là cái gốc tình tự của quê hương là vậy!
                     Nay thì anh đã đi xa rồi, thật xa. Có thể, anh đã trở về với xóm đình Đa Cát nghèo khổ của tụi mình, thuở nào. Trên bước đường ly xứ, tôi rất mừng được gặp lại anh, nhưng  tiếc thay  tháng ngày  ngắn  quá, anh lại bỏ ra đi. Nôn nóng chi mà đi sớm vậy? Tụi mình chưa nhắc hết chuyện năm, tháng đổi thay của xóm đình ngày thơ ấu. Chưa nhắc tới cuộc thăng trầm nghiệt ngã đã làm vỡ tan bao kỷ niệm ngày xưa...
                     Ngày xưa...Xóm đình xưa...Nghe sao mà não nuột...
                     Ngày xưa, thì mình vẫn còn nhớ và nhắc đó. Xóm đình xưa!
                     Thì xóm vẫn còn đó, nhưng đình thì đã không còn dấu tích. Chỉ còn lại một khám thờ nhoi, hiu quạnh bên đường. Đâu còn nữa anh, những ngày chiêng trống vang lừng, cờ phướng phất phới, bô lão kỳ hương khăn đóng  áo  dài trang trọng, hàng  ngũ lễ  sinh áo mũ chỉnh tề sinh động đứng, quỳ theo nhịp  xướng "hưng,bái". Phụ nữ mọi nhà được "sức" tới để phục dịch nấu nướng trong những ngày tế Xuân, Thu định kỳ. Đâu còn cái cảnh tụi mình, ngày đó, chạy đùa nô giỡn, ăn uống thả dàn trong suốt mấy ngày xóm đình vô Hội. Sao mà vui. Sao mà đầm ấm tình nghĩa xóm làng đến vậy!
                     Bây giờ, anh đã nằm xuống, thân xác đã hóa thành tro bụi, chờ dịp trở về quê cha đất tổ. Chuyện đêm nào, chưa nói hết, anh đã bỏ đi xa. Anh chưa thỏa lòng là vậy. Một dịp nào, tôi đưa anh về quê hương, đưa anh về xóm đình Đa Cát của tụi mình. Để anh, nằm yên đó, ngắm nhìn ngày tháng xưa - mãi nhớ, mãi thương cho hả lòng hả dạ lòng người, đã một thời xa quê hương yêu dấu...
 
( trích Xóm Đình Đa Cát, tuyển tập thơ văn, Hiên Trăng 2000 )

CHIỀU NAY...

dưng không nổi gió nổi mưa
dưng không lại nhớ nỗi sưa nỗi dày
tự nhiên nhắc lại chuyện này
tự nhiên lòng cứ vơi đầy nhớ con....
 
...những ngày mưa gió Ba đau
Tư Đào, tội nghiệp, vô ra suốt ngày
mớm từng miếng cháo ân cần
rót từng ly nước ngọt ngào làm sao
lại còn tay ngọc tay ngà
sờ lưng hết mỏi, sờ đầu hết đau
có gì đâu !. Có gì đâu
lòng yêu thương cũng hóa ra ngọc ngà.
11/01/1988
Từ K.60 (Tà In) đãi vàng trở về, sốt rét.

( trích Nhật Thi, thơ 1984 )


            Tập thơ Nhật Thi được viết, như là nhật ký, sau ngày trở về từ trại “cải tạo”.
            Thơ viết tay ( giấy vàng, thô nhám và mực tím ) hằng ngày ghi lại những sinh hoạt cuộc sống sau buổi đổi đời.
            Qua tới Vùng Đất Mới ( không phải vùng-kinh-tế-mới) có phương tiện để đánh máy rồi in tập ( chỉ một tập duy nhất ) giữ gìn làm kỷ niệm. Lâu lâu giở từng trang Thơ đọc lại, thương những ngày cơ khổ mà vẫn đời Thơ vẫn làm Thơ, nên thơ.
            Bài Thơ trên viết khi đang sốt rét sau những ngày dài đi đãi vàng ở vùng K.60 Tà In ( Đà lạt – Lâm Đồng ) trở về. Vàng thì không thấy có nhưng có cơn sốt rét hành hạ tiêu điều.
            Chú chắc là không nhớ nỗi vì ngày đó còn quá nhỏ nhưng Ba thì vẫn nhớ không từng quên. Bàn tay nhỏ bé đâu có phép màu gì!. Chỉ có tình thương Ba trong lúc rét run mà ân cần sờ nắn những chỗ Ba đau. Vậy mà sờ lưng hết mỏi sờ đầu hết đau .
            Dễ cũng đã qua hơn hai-cái-mươi-năm rồi !. Bàn tay bé nhỏ ngày nào đã to hơn, mập ú hơn, hồng hào hơn ngày đó.
            
Ba bây giờ cũng không phải đi đãi vàng cầu ( Ơn Trên ) cho trúng mánh để vực gia đình mình trong cơn hoản loạn đói cơm lạt muối. Thuở quê nhà.
            Tới Vùng Đất Mới ( không phải vùng-kinh-tế-mới) phải đi cày, vẫn đi cày (như con Trâu) hàng ngày để sớm ổn định cuộc sống trên vùng đất không là thiên đường cũng không là địa ngục. Vẫn bình thường như bao cuộc sống tay làm hàm nhai chớ đâu có phải cứ nằm chờ sung rụng !.Bàn tay nhỏ bé ngày xưa sờ lưng hết mỏi sờ đầu hết đau theo ngày tháng đã thấy mập hồng khúc nạc khúc mỡ. Thuở đói cơm lạt muối phải đi đào vàng đãi thiếc đã thuộc về dĩ vảng.
            Tới tận giờ phút này, nói chung, cuộc sống cũng tạm gọi là mát trời mây giữa phong thổ không quen nhưng rồi cũng dần quen như đã cố để quen với vùng đất mới. Bàn tay, không chỉ riêng con, các con trong bốn đứa con đã mập ú đỏ hồng, đã tự vẽ vời cuộc sống của riêng mình.
            Chỉ có vấn nạn là bàn tay Ba thì, tệ quá, trở nổi gân nổi đốm co giuổi yếu nhiều, tê nhiều, đau nhiều…
            Chú về thăm nhà mấy ngày ngắn ngủi Ba lại có dịp thoải mái khai cái bệnh cái đau của mình.
             Uả, mà sao chú nhìn Ba lạ vậy !. Có bệnh thiệt Ba mới khai chớ đâu có phải làm mình làm mẩy làm nũng làm nịu chi đâu !.     
             Nghi ngờ chi đó chú ?. Bệnh thiệt đó mà !.Khai thêm nghen !. Ba thì ăn bình thường ngày ba bữa, không thiếu. Ngủ thì nằm chỉ năm phút là ngáy như sấm. Chỉ dạo gần gần đây cánh tay, chỉ tay bên phải thôi . Đưa cao lên thấy yếu, đưa ngang qua thì thấy đau, cái đau nó chạy tới sau lưng ở vùng bả vai. Chỗ này, chỗ này này, con bấm thử coi…
            Thấy chú vẫn ngồi yên, nhìn Ba.

            Thoáng một phút giây, Ba ngỡ ngàng !. Nãy giờ chú đâu có lắng nghe lời khai bệnh mà đang lắng lặng ngắm nhìn Ba. Ngắm nhìn Ba thời tuổi trẻ, thuở trung niên và giờ đây, tuổi chớm già đang ngồi, bên chú, thật thà khai căn bệnh của mình.
             Tại thời gian đó con ơi, đâu phải tại Ba !. Chú xót xa làm chi !.
             Hóa ra thương yêu ngày nào in khuôn giống hệt thương yêu ngày hôm nay !.Dẫu trải qua dâu bể tang thương qua vật đổi sao dời qua tuổi thơ rồi tuổi trưởng thành bàn tay chú vẫn ngọc ngà sờ nắn tuổi đời Ba. Cho Ba vượt khó cơn đau thế cuộc cơn đau đổi đời cơn đau thể xác.
             Chiều nay ngồi hiên trước nhìn mây bay về hướng Pomona về hướng Arizona trong lòng chỉ nhớ mà không buồn.
            Cám ơn chú, chỉ hai đêm chữa trị, bây giờ cánh tay đưa lên chỉ mây ,đưa ngang chỉ núi không còn thấy nhói đau, bình thường lại rồi.
            Mây bay về núi ngủ vùi sau núi
            Mai mốt chú thành đạt trở về dựa vùi trên cánh tay hết tê hết mỏi hết đau của Ba, nghen.
            Chờ đó. Chú Tư Đào
.

( Truyện NgắnTrần Huy Sao, 2013,  Hiên Trăng )

tháng 2 27, 2014

CHỈ LÀ GIẤC MƠ THÔI...

mong rằng là giấc mơ thôi
chỉ là mơ, chỉ giấc mơ thôi mà !...
















"...mai mốt đây Thơ theo dòng nhập tịch
nửa lai căng nửa mất gốc đáng buồn
mấy tay nhà thơ hết đường nhúc nhích
khổ vô cùng khi hoài niệm cố hương !

râu tóc giờ xanh rồi đây bạc trốc
đường nay đi mai nằm xuống nằm lì
cái gì đây mà tre tàn măng mọc
măng mọc đất người tre lớn ra chi !

ra cái going cây nửa tre nửa trúc
gốc gầy nhom thân ngọn mập thù lu
cành lá xum xuê giành nhau chen chúc
giữ không xong e trốc gốc lạc nguồn

mười năm thôi, hào phóng chút, hai mươi năm
anh làm thơ hỏi còn ai thẩm thấu
lớp đồng thời đã vùi thây mọc nấm
lớp trẻ đang lên đọc hả?. Còn lâu !

chúng sẽ hỏi anh: " You viết gì đây
con trâu cày là con trâu gì vậy
con đường đất !. Sao lại còn đường đất
không phóng đường làm hệ thống freeway !

chúng sẽ hỏi anh : " Vùng đất nào đây
sao họ yêu nhau rụt rè nhát cáy
cứ phí thì giờ theo nhau chi vậy
sao không ôm hôn mà cứ nắm tay !

chúng sẽ hỏi anh : " Lũy tre là gì
cầu làm bằng tre cách gì qua được
cái Đình là chi cái Miếu là chi
con mắt có đuôi làm sao thấy nổi ! "

vừa làm thơ lại phải vừa giải thích
thơ mấy câu, chú thích gần cả trang
có đôi chữ chua thêm phần phiên dịch
kẻo không thôi bọn trẻ lại hiểu lầm !

chúng sẽ hỏi anh rất nhiều câu hỏi
anh chỉ làm thơ đâu phải làm Thầy
làm thơ khó làm Thầy càng thêm khó
nghĩ lại coi tôi nói trật chỗ nào !

rồi còn nữa..". Thôi, thôi còn gì nữa
giật nẫy người chợt thức giấc. Đêm khuya
mồ hôi mẹ mồ hôi con ràn rụa
giấc mơ chi làm váng vất cái đầu !

suy nghĩ lại thấy buồn, buồn da diết
đúng sai chi thì cứ nghĩ là mơ
quê hương ơi đã quá nhiều oan nghiệt
đừng đem thêm oan nghiệt bỏ trong Thơ !....

( Chỉ Còn Thơ Ở Lại, Thơ, Hiên Trăng 2002 )

tháng 2 26, 2014

BÀI THƠ GỞI ANH SUI...


 







chơi chi nghiệt quá trời anh sui ơi
con hắn mời mình lên chỗ PaLa
nghĩ còn Ba đâu mà ám chữ Pa La
nên cứ đi thôi sợ Ba la chi nữa

té ra mình đươc đi ăn trả bữa
có món tôm hùm cua vua bò tái giấm
là buffet đó anh all you can eat
no nê rồi ra bấm cho đã ngứa

là bấm máy đó anh cứ bấm bưa
vận hên thì đèn nháy xanh nháy đỏ
vận xui thì xanh đỏ cũng ngó lơ
vậy là chiều nay lên PaLa casino

chuyện nhỏ mà anh vui đâu chuốc đó
tựa như ván bài đen đỏ vậy thôi
mình đã đen thui từ biển dâu rồi
đen đỏ sá gì chỉ là hoài cố

út Phụng út Uyên có lòng nghĩ nhớ
mời Ba Mạ lên hưởng thú chiều đời
mốt nọ mai tê Ba Mạ nuốt không trôi
miếng ngon trên đời tụi nó giành hết trọi

anh sui già cui ơi anh sui dốp dốp ơi
tụi mình dắt nhau tìm món mềm mềm
ở đây quá trời món lạ chưa quen
thoải mái nghen Ba đâu còn mà Ba la

cao máu tiểu đường anh kiêng chi cho ngạ
cứ nhào đại vô hưởng nhất khoái trên đời
khi đã mớm mồi e chừng…đổi mới
mai mốt không mời cũng đòi được Ba la

viết bài Thơ này khi rời PaLa
không sợ Ba la như ngày xưa nữa 
ôi chao PaLa ơi Ba la chi dữ rứa
thè thẹ nhìn anh sui đầy ú dĩa tôm hùm !!!...

casino PaLa đường về không sợ Ba la
25/02/2014

 

tháng 2 24, 2014

MỘT NGÀY TRẦN GIA


 












mấy o lớn Trần gia đi hành hương
mấy ôn lớn Trần gia còn ngủ nướng
sáu giờ sáng mấy o lên đường
mười giờ sáng mấy ôn tà tà xỏ dép

ông Trời đang Đông mà vẫn đẹp
mấy o Trần gia cũng đẹp dáng đẹp lòng
đem thiện duyên đi rải khắp một vòng
nhân đức tha hồ mấy o chia hưởng

tội nghiệt mấy ôn phàm phu ngủ nướng
tham sân si cùng chia nhau mà hưởng
vướng cuộc trần ai hải hà vô lượng
ngủ nướng là tâm hư hành hương là tâm thực

nghiệt một nỗi đời thất tình lục dục
mấy ôn Trần gia ôm trọn hết trơn
tâm lỡ hư rồi thì hư cho ngon trớn
buông xả tới mười giờ cho đã hiện thân

mấy o Trần gia đi xa đi gần
nhớ gọi điện về thân tâm thường an lạc
kẻo không thôi tâm hư buồn man mác
xa một ngày nhớ một ngày đó nghen !...

Hiên Trăng, 23/04/2014

tháng 2 23, 2014

MỘT ĐỜI THƠ

 không hẳn làm Thơ phải là mộng mơ
mộng mị gì đây mơ màng gì đây
khi cơm-áo-gạo-tiền đuổi rượt mổi ngày
chữ nghỉa sao bằng chữ số bill hàng tháng
           
              ta chữ chẳng bao nhưng tình hảo hán
thà thiếu cơm không chịu thiếu Thơ
khi về với nhau em biết tự thuở giờ
ta yêu Thơ trước lúc yêu em
            
              đời thương hải tang điền vận đỏ vận đen
vận vào ta thằng vắng Thơ lại nhớ
nợ cơm áo cứ vần xoay xóa nợ
nợ văn thơ e kiếp nợ đại ngàn
           
            vậy đó em ơi đời người hữu hạn
nay ngó trời mai ngoái đất mấy hồi
từ dạo tản cư qua vùng Đất Mới
ta vẫn làm Thơ vực nỗi nhớ quên
            
             ngày bận đi cày chỉ còn đêm đêm
ngồi đối bóng trả nỗi thèm câu chữ
em trả một ngày chìm sâu giấc ngủ
ta trả một ngày lộng gió văn chương
             
                tiếng là cùng đi chung một đoạn đường
ta lại xé lẻ đi riêng một góc
một góc đời Thơ âm thầm đơn độc
bởi ta yêu Thơ trước lúc yêu em

Hiên Trăng 22/02/2014

tháng 2 21, 2014

GIÓ PHỐ


tôi đi giữa lòng phố rộng
thấy em dáng liểu qua đường
áo bay giữa mùa gió chướng
giạt tình tôi xuống cô đơn
quán chiều bàn ghế trống trơn
thêm tôi một mình cũng trống
bên hiên gió mùa thổi lộng
sao không có mái cho đầy !

một mình ghé lại nơi đây
quán chiều buồn hiu trống mái…

phố chiều, 20/02/2014

 

 

tháng 2 20, 2014

LỜI TÂM SỰ CÙNG EM

tiễn em về tôi đọc một đoạn Thơ
em lại khóc thương đời nhau lận đận
cám ơn em còn chút gì để nhớ
cuộc bể dâu mình lưu lạc phong trần

Thơ tôi viết đâu có gì trau chuốt
không cao xa chẳng vẻ dáng khác người
chỉ chân thật một tấm lòng cơm nguội
ghém rau dưa qua thời buổi đổi đời

thân lưu lạc giữa dòng trôi nghiệt ngả
đau tận cùng đau thắt nỗi chia ly
biết là bơ vơ giữa đất người xa lạ
mà cũng đành bỏ hết để mà đi

em cứ đọc Thơ tôi đừng ái ngại
đời buồn vui nên mới mượn lời Thơ
em đừng hỏi cũng không nên áy náy
trái tim tôi là nhịp đập của Đời

là cay đắng của kiếp người lưu lạc
là tang thương từ những cuộc chia ly
là nụ cười mà chan dòng nước mắt
cùng quê hương sao kẻ ở người đi

nếu em hỏi thì tôi đành câm lặng
bởi vì em cũng chính là tôi
bóng mát cây xanh trưa Hè im ắng
dòng sông quê ru chảy dòng đời

bởi vì vậy nên tôi làm Thơ
rất chân thật và rất là đau khổ
ai chẳng có một thời để nhớ
suốt chặng đường bèo giạt hoa trôi

nói thì vậy thôi em về kẻo tối
chiều bâng khuâng nắng lạc bên đồi
mai mốt rảnh buồn vui em cứ tới
người cùng quê thì chỉ bấy nhiêu thôi !...

( Nhánh Rong Phiêu, Thơ, Hiên Trăng 1999 )



KỲ NIỆM

















anh đến thăm em chiều mưa mau
cái giậu mồng-tơi xanh đẫm ướt
con quạ đen tìm nơi chốn đậu
chiều quê hương trầm níu mặt đường

chùm bắp khô treo giàn mù-hóng
củi dẻ nâu vần đượm nồi cơm
con cá oằn người lòng chảo nóng
em giảu môi chờ đợi nụ hôn

khi ngoài kia trời vẫn mưa mau
nụ hôn lâu cho đầy thương nhớ
con cá chiên chịu đời khôn thấu
rúm người thở khét nỗi cô đơn

buổi cơm chiều trời vẫn mưa mau
chia miếng cá đen nhìn nhau cười mĩm
sớt chén cơm khê mổi người một nửa
trách nụ hôn lâu không trách tại "Mình"

con cá nỗi gì khô vi khét vảy
nồi cơm nỗi gì khê đắng não nề
anh nỗi gì cho em vụng dại
để chiều mưa nhớ lắm một chiều quê...

( Nhánh Rong Phiêu, Thơ, Hiên Trăng 1999 )

LỜI MẸ DẶN


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

xưa Mẹ dặn đi đâu thì về sớm
đừng để rơi tình ái xuống cho ai
giữ trái tim như giữ đời con gái
đập một lần là loạn đập trăm năm

tôi giữ tim mình quá tuổi mười-lăm
chịu không thấu đành quên lời Mẹ dặn
tình ái cứ rót dần theo lãng mạn
trái tim đau theo nhịp đập..."người ta"

Mẹ ơi Mẹ tình yêu sao ngọt quá
Mẹ nhắc tình yêu ngọt ít đắng nhiều
tim loan đập bao lần tôi mới hiễu
để lựa lời căn dặn tiếp đời sau....

( Nhánh Rong Phiêu, Thơ, Hiên Trăng 1999 )

 

NHỚ NHA TRANG
















con khô mực thơm mùi biển mặn
nằm queo râu nhìn mây Đồng Đế
miếng Xoài xanh nhớ vùng Diên Khánh
chuyến xe trưa kịp đón em về

ngồi cùng nhau trên cầu Xóm Bóng
Dừa cao lả ngọn hướng Ba Làng
mùi cá tôm thoảng lên dưới Xóm
nôn nao từng kỷ niệm Nha Trang

rượu rót thơm hương vùng Vạn Giả
ghé miếng Nem chua ngọt Ninh Hòa
nắng chói chan khô đồng Võ Cạnh
chờ mát hiu gió biển Bình Tân

mớ tôm Bạc sáng đêm Cầu Đá
hàng dương xanh mát đường Duy Tân
chiều gió quen em làm mặt lạ
anh về Xóm Cồn lòng bâng khuâng

dĩa sò nướng ngát phường Vĩnh Hải
rộn ràng sóng dội bãi Ba Làng
dòng Trăng dịu mát triền núi Sạn
nhớ em nhấp rượu đế Nha Trang....

nụ hôn xưa thiệt là lãng mạn
để giú hoài giú miết giú riêng....

(Nhánh Rong Phiêu, Thơ, Hiên Trăng 1999)