tháng 7 31, 2014

Gĩa Từ Tháng Bảy Hai-Mươi-Năm


 
MÊ MAN THÁNG BẢY
 
                  Mổi tháng viết một, ngắn dài…
                  Nghe tiếng sấm rền xa xa, lại nhớ một chiều, rồi nhiều chiều, đi dọc bờ suối Cam Ly. Tay cầm cần câu, tay cầm bọc lá chuối gói mớ trùn huyết đỏ au. Mắt láo liêng tìm chỗ quăng câu. Bầu trời xám xịt giữa rừng. Tiếng sấm rền từ hướng Suối Vàng râm ran dội về. Thấy thân phận mình nhỏ nhoi quạnh quẽ giữa trời như thấp xuống rừng Thông như trầm lặng. Trời chưa muốn mưa chỉ hầm dông báo trước những cơn mưa tháng Bảy.
Tôi ưng nghe tiếng sấm rền để, được dịp, chìm đắm những chiều xưa. Mê man nhớ thêm nồi cháo cá Trắng vừa mới câu còn tươi rói, bỏ vô nhúm hành hương xắt nhỏ, rắc thêm chút tiêu sọ xay, nêm thêm chút nước mắm dằm ớt chỉ thiên…Là chiều của Xóm quê nghèo dợm vào mùa mưa tháng Bảy…Cũng đã mấy mươi năm rồi…
Tháng Bảy bây giờ có Ngày-của-Út. Mâm quả bưng vô nhận vô rồi chia chỗ đứng hai bên Nam tả Nữ hữu để tiện bề ngó qua ngó lại, thấy thiệt là ôi chao, thương hải tang điền !
Một ngày vui. Mà cũng  ngậm ngùi đó, thưa quan viên hai Họ thưa cái lọ lục bình!.
Ngày Út qua đây tuổi thơ thua thằng cháu Ngoại…
Hồi đó tóc tôi xanh chưa thấy muối mặn chấm tiêu hồn dạng tôi trẻ không sần sùi lốm đốm…
Anh sui thì ngó bộ…
Buổi tiệc trà nhà Gái đãi nhà Trai thân mật đầm ấm, thoải mái, ở chỗ, xin thưa cùng anh với chị là bây chừ mình đang tính tới chuyện cho Út. Út trai của anh. Út  gái của tôi. Sau út rồi thì mình đâu có còn lo chi nữa.
Chỉ còn lo là lo cho mình với người mà mình gọi là  mình ơi ! ( để cọng hay là trộn lại, se lại, quyện lại) là hai mình .
Mình ơi em rất thương mình
Đi mô em cũng níu tình mình thôi !
Nếu mà người Nam hay người Bắc mà đọc được hai câu ni(này) là nhất định phải có thái độ từ chê bai (tới ghét bỏ) cô ni (này) quá là ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình mình, không nghĩ tới ai.
Tới hồi “chộ” được chữ “mình” của Huế không chỉ đơn thuần là tiếng xưng hô bản thân mà còn ý nhị, tha thiết, tình cảm “ vô hậu”. Mới “té ngữa”  biết là tiếng gọi đó là tiếng( rất tình yêu tình nghĩa) chỉ dành riêng cho người mình yêu thương. Tiếng gọi người mà mình nguyện suốt đời gắn níu nhau tới suốt cuộc tình cuộc đời. Cho tới nỗi ( nào ) khi hai tay xuôi hai mắt nhắm cũng chỉ thều thào  hai tiếng “mình ơi!”….
Theo anh suốt cả cuộc đời
Tới hồi bỏ cuộc vẫn hoài : ‘ Mình ơi !”….
Anh chị sui cũng là “Huế mình” nên chi cười thoải mái khen chú em đi xa lâu lắm rồi mà vẫn giữ phong rêu thành Nội…
Bây giờ Út vẫn còn là người nhà, để  rồi mai mốt Út sẽ là nhà người. Nghĩ tới đó cũng thấy ngậm ngùi…
Mà nghĩ cho tới tận cùng, nữ nhân mà cứ mãi là người nhà không ai đưa rước về nhà người, còn ngậm ngùi hơn bội !.
Tháng Bảy, bất ngờ, bạn cũ Trường xưa từ France, Florida, Texas, Santa Ana Calif cùng hẹn nhau rủ nhau ghé về San Diego gầy một đêm hội ngộ tại nhà Trần văn Chính&Vân Anh. Điện thư điện thoại tới tấp nhắc chừng tôi phải ghé-bến-xưa. Tất nhiên là bất cứ giá nào cũng tới bến. Người từ Pháp quốc xa xôi ghé tới, là Lữ thị Hương, đã tuyên bố đây là chuyến đi “dối già” để chỉ mong gặp lại một thời hoa mộng ngày xưa !.
Hương là người bạn cùng lớp cùng Trường lại là đoàn viên Thi văn đoàn Sao Dị Hình Ban mê Thuột ( 1960 – 1964 ) ngày nào mà tôi là Đoàn trưởng. Đoàn phó là Đoàn văn Trường ( bút hiệu Hoàng Hải Sơn), Thư ký là Hồ việt Thống( bút hiệu Triều Phong Sương). Thủ quỷ là Phùng ngọc Long ( bút hiệu Hoàng Chúc Linh ). Liên lạc nội& ngoại vụ là Hoàng văn Đức ( bút hiệu Hàn Mặc Đan).
Chuyến đi, trước là gặp nhiều bạn cũ, sau là gặp ông lại Đoàn trưởng…
Bộ sậu của Thi văn đoàn ( Hoàng Hải Sơn, Triều Phong Sương, Hoàng Chúc Linh, Hàn Mặc Đan) giờ đã “đi xa” hết rồi !. Chỉ còn lại đoàn trưởng nơi đây !. Cho nên Hương ( bút hiệu Hương Lam ) muốn được gặp…
Vậy thì gặp nhau.
Cám ơn Hương Lam đã dành hết lòng ưu ái cho người Đoàn trưởng ngày xưa…Làm tôi cứ tưởng mình vẫn-còn-như-là Đòan trưởng ngày nào khi đến dự buổi họp hàng tháng tại nhà thư ký Triều Phong Sương…
Thôi !. Hương Lam cứ nói chuyện bạn cũ ngày xưa đi !. Đừng nhắc gì về dĩ vảng của Thi văn đoàn.
Bây giờ, tôi cũng chỉ là tôi, vẫn giữ nguyên bút hiệu ngày xưa ( Huy Sao, thêm chữ Trần vừa là Họ của mình vừa là nghĩa trần gian, trần đời..). Vẫn thơ văn chất ngất, y như ngày nào…
Trần, Huy Sao .
Hương Lam bây giờ không làm được Thơ nữa, cạn dòng Thơ, bởi bôn ba cuộc sống.
Tôi thì vẫn cứ là Thơ, thêm Thơ, bởi càng bôn ba cuộc sống thì giàu sang nuôi dưỡng hồn Thơ.
Có điều, Thơ bây giờ không còn hoa mộng.
Thơ có trộn vị đắng-cà-phê lừng danh Ban mê thuột.
Thơ có chia ngọt thanh mùi-bắp-nếp Ban mê thuột
Thơ có ghé bụi-nắng-bùn-mưa Ban mê thuột
Thơ có nhắc nhớ một thời hoa-mộng-tuổi-học-trò một thời Ban mê thuột.
Thơ có về qua nẻo-phố-xưa-tình Ban mê thuột.
Thơ, vẫn cứ là Thơ, cho Ban mê thuột, một thời.
Cay đắng ngày xưa là do vì đời dâu bể tang thương đâu có phải do Thơ….
Dịp này, gặp lại Lê Hữu. Suốt thời gian, nói ít chuyện thơ văn, chỉ chụp nhiều những tấm hình. Vậy là cười ( để chụp hình ) nhiều hơn nói.
Tháng Bảy, chú Tư báo tin đầu tháng Tám sẽ về San Diego cho thời gian thực tập, khá lâu. Vậy là coi như chú có được dịp may mắn trở về mái nhà xưa. Nhà lại đông vui như ngày nào. Hủ tôm chua mẹ làm từ tháng Sáu, vẫn để dành. Vườn sau nhà rau thơm xanh lá tốt tươi. Cây ớt Phụng&Uyên trái oằn cành, đỏ rực. Rồi qua tháng Tám, trời hanh khô nắng nóng, thế nào anh Hai cũng rủ đi câu cá trên cầu Oceanside. Chị Ba với Út còn dự định sẽ có vài ngày cắm Trại. Lần này, cắm Trại giăng lều, đốt lửa cời than với núi rừng, không mướn nhà ở như lần trước.
Tháng Bảy, hoàn thành tập hai, thơ trần huy sao. Thiệt là sảng khoái. Mổi sáng, bên tách cà phê, lật từng trang đọc từng bài để nhớ lại từng ngày từng tháng đã đi qua. Thử lật qua mấy trang, khoảng thời gian tháng Bảy năm ngoái, chỉ thấy lơ thơ có vài bài ( tháng Tám viết nhiều hơn ) !. Vậy là , năm ngoái tháng Bảy, không có gì … Tháng-Bảy-năm-ngoái vẫn bình thường.
Thơ, viết như là nhật ký ( nên gọi là nhật thi ) để ghi lại từng chặng đường đời đã đi qua. Vậy cũng hay !.
Thay vì viết nhật ký thì viết nhật thi. Vậy cũng được.
Vừa được thoải mái làm Thơ vừa được coi ngó lại đời mình qua tháng năm cũng là một thú riêng.
Thơ đâu cứ phải là mộng mơ khóc gió thương mây !. Cứ thoải mái nói chuyện, kể chuyện đời thường, rất thường nhưng phải là Thơ. Như vậy, mới là Thơ.
Tháng Bảy, năm nay ngó bộ đuối nắng hơn năm ngoái.
Tôi, làm Thơ, cũng chỉ có hơn năm ngoái, chút đỉnh.
Vậy là coi như là cuộc sống vẫn bình an, không có chi là không có chi, để viết…
Thôi ! Giã từ tháng Bảy năm nay nghen !.
Thiệt lòng mà nói tháng Bảy năm ni vui thiệt, bởi, có Ngày-của-Út…
Hẹn tháng Bảy, năm sau…
 
Hiên Trăng, tháng Bảy 2013
 
Hẹn tháng Bảy, năm sau…
Nay, tháng-bảy-năm-sau, đã đến rồi…
Chiều chiều ngồi nghe tiếng sấm rền hướng núi xa, vẫn cứ như những lần nghe tiếng sấm rền tháng Bảy mổi hàng năm trong suốt dọc chiều dài hai-mươi-năm trên vùng quê mới!. Nao nức buồn!.
Những hình ảnh xưa xa gợi nhắc những đợt sóng đời thăng trầm dâu bể từng đã đi qua lại thấy, vui vui vừa đủ ngấm, khi biết mình vẫn còn giữ được nét chân quê của một thời chân đất. Như câu thơ Chế Lan Viên rất thấm : khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất lại hóa tâm hồn…
Tháng Bảy năm nay, ơn Trời, bình lặng. Chỉ có đôi ba bữa lại nổi giận cơn dông sấm trời vang dội từ hướng núi bạt ngàn xa. Năm nào cũng vậy mà !. Năm nào tháng Bảy cũng nghe quen.
Năm nay, tháng Bảy, có một ngày đặc biệt.
Ngày kỷ niệm hai-mươi-năm qua vùng đất mới.
Hai mươi năm cho một chặng đường trong đường đời là một khoảng đường xa. Xa và lạ.
Bởi trong chặng đường đời xa đó, có những chuyện lạ sinh sôi nẩy nở trên chặng đường xa và lạ.. Từ xa lạ, ở đây, xin cho được giải thích tỏ tường.
Xa lạ, thì hai mươi năm trước đã khởi đi quê nhà đến nơi quê xa lạ rồi. Lạ nơi chốn, lạ phong thổ, lạ cơ ngơi lạ nghìn trùng xa cách và đôi khi nhiều khi nhìn ngoái lại, lạ cả chính mình !.
Mới lạ, thì nẩy mầm vươn lên từ xa lạ sau hai mươi năm ăn dầm ở dề quen hơi bén tiếng và đôi khi nhiều khi nhìn ngoái lại, lạ cả chính mình và cuộc đời mình.
Cũng là tiếng xa mà hai nghỉa hai nơi.
Cũng là tiếng lạ mà hai nơi hai nghỉa.
Tháng Bảy, sau hai mươi năm, không còn có nghỉa là xa lạ mà là mới lạ.
Xa, thì đã xa rồi, còn lại lạ, thú thật rất là mới lạ. Nhiều mới lạ.
Không như tháng Bảy năm trước, có ngày-của-Út. Một năm vậy mà mau qua, năm nay, có ngày-vui-của-Út nhưng vui trước một tháng, tháng Sáu.
Và, vui trước hai tháng, tháng Năm. Tư Đào và Út cùng ra trường. Rồi ra riêng…
Tháng Bảy !. Một mình ngồi viết lại chuyện ngày qua với nỗi lòng hầm dông. Út ra riêng. Đào ra riêng. Nhà trống vắng. Thơ, văn lại giàu thêm kỷ niệm…
Câu, chữ tản mạn cuối tháng Bảy ở nhà cậu Hai, Escondido. Một mình riêng một cõi ôn nhớ lại những chặng đường đi qua, từ lúc các con cùng chung sống dưới một mái nhà. Hai mươi năm đã là nhà riêng, đời sống riêng…
Thôi thì, lâu lâu ghé nhà cậu Hai. Lâu lâu ghé nhà cô Ba.Rồi mai rồi mốt thể nào cũng có dịp ghé nhà chú Tư, nhà cô Út.
Thành quả hai-mươi-năm qua ăn nhờ ở đậu đất người…
 Escondido, ngày cuối tháng Bảy/2014
 


 
 
 


 






 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

tháng 7 28, 2014

Có Đôi Khi Chợt Nhớ


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
bây giờ đường đã thay tên rồi
Xóm nhỏ cũng thay hình dị dạng
êm ả xưa trước giờ hấp hối
nuối nhìn người đi bỏ Xóm Làng

(buổi sáng ta đi trời mưa nhẹ
là biết không còn được thấy nhau
khi con diều đứt dây xa
đồi Trọc
khi Dâu rừng chín mọng
rừng Ngo
khi con cá Tràu nướng trui
suối Cam Ly hạ
khi khói bếp lan qua
chiều Xóm nhỏ
khi…
dặm đường xa quay quắt nhớ về
tìm lại bao nhiêu thời nương náu )

người đi xa chỉ về ở đậu
ở đậu thôi không đặng ở lâu
bởi Xóm nhỏ giờ đây mất dấu
ở nán chi cho nhói nỗi đau….

hai-mươi-năm xa

Con Suối Có Nghe Lòng Tôi Đau


 













con suối Cam Ly giờ ô nhiểm nặng
bãi rác đầu nguồn chặn đứng dòng trôi
kỷ niệm trong tôi từng ngày hấp hối
tuổi thơ xưa theo con suối chia xa

tôi ở lưng chừng suối Cam Ly Hạ
có rừng Ngo nuôi dưỡng lùm Dâu-da
con cá Tràu thèm ăn rong rêu đá
con Rạm ngu ngơ không né tay người

con Hến muôn đời vẫn cứ nằm lười
con chim chích-chòe thèm bông ngủ-sắc
con Dế cơm đào hang sâu rất ngặt
con sâu Ngo nằm trắng muốt tròn vo

mùa mưa xong nấm Mối đẩy lá Ngo
mập ú trắng phau cứu đời nghèo đói
lá rau Diếp đọt lá Mưng tươi rói
trái Dẻ rang thơm lựng vị tình yêu

chỉ bấy nhiêu thôi đâu nói chi nhiều
cũng đủ thương hoài bao nhiêu kỷ niệm
con suối một thời đi xa đau điếng
nỗi lòng ơi nhớ quá suối Cam Ly…

hai-mươi-năm xa...

Đà Lạt Chỉ Còn Trong Hoài Niệm...


 NỖI TÌNH ĐAU

núi Bà đã sạt lở rồi
suối Cam Ly rác nổi trôi rập rình
nghe ra thiệt quá thất tình
thất tình quê nỏ thất tình yêu đâu
yêu đang thường trú nương dâu
quê thì gởi lại rồi đau thất tình…


ĐÀ LẠT CHỈ CÒN TRONG HOÀI NIỆM

 
Đà Lạt ngày nay có gì để nhớ
chỉ ngày xưa thì nỗi nhớ còn dư
lúc tôi xa người trời chớm sang Thu
buổi sáng mưa Đà Lạt còn ngái ngủ
dẫu nán lại chỉ là người tạm trú
nơi chốn mình cắt rún chôn nhau
nên phải đành thầm lặng giú niềm đau
người ở lại tôi đi nghen !. Buồn quá !
không biết rồi đi tới miền xa lạ
đến bao giờ về lại với quê nhà
thôi thì gởi những dấu xưa thân ái
cho kịp chuyến xe khuất cõi mù sương !
nơi có một thời tôi ở để tôi thương
từ cụm rêu bám đường qua Chợ Mới
dốc Nhà Làng những bậc thềm lở lói
ổ bánh mì Wĩnh Chấn chiều mưa giăng
phố Hòa Bình dốc Duy Tân, Minh Mạng
khu bùng binh ngang qua cầu Ông Đạo
Thủy Tạ buồn hồ Xuân Hương mờ ảo
hàng Thông già ngơ ngẩn bước người đi

mấy mươi năm không gặp lại còn gì
Đà Lạt trong tôi giờ đây đã lạc

mất thật rồi nét nên thơ lãng mạn
thành phố mù sương giờ đây mù bụi
rừng thông xanh hóa núi đồi trơ trụi
phố xá lô nhô những hộp bê tông
người ở phương nào nhốn nháo về đông
giành giựt bon chen giết mòn Đà Lạt
những nơi đến nơi đi một thời trầm mặc
lạc chợ trôi sông rồi không tìm được đâu  
chiếc áo laine của một thời yêu dấu
cũng phôi phai không biết đến bao giờ
bởi nóng quá chừng Đà Lạt mù sương ơi
se lạnh ngày xưa chỉ còn trong hoài niệm
những đường xưa cũng xót lòng đau điếng
không còn tóc thề bay không còn tà áo bay
chỉ tiếng rao hàng giành áo cơm tất bật
thơ mộng ngày nào cứ coi như kỷ niệm
ai còn thương nên giữ lấy làm riêng
bởi Đà Lạt ngày xưa đã mất rồi đã lạt

tôi viết bài Thơ nghìn trùng xa cách
Đà Lạt trong tôi giờ xa cách nghìn trùng !….

hai-mươi-năm xa...

tháng 7 27, 2014

Ghé Một Chỗ Ngồi





khi vui vay vài chung rượu đỏ
lúc buồn mượn tiếp mấy vần Thơ
năm tháng rủ chiều đời ghé tới
thì xin cứ tới ta vẫn chờ

đã từng đi mỏi qua dâu bể
sớm nắng chiều mưa cũng đã từng
cay đắng ngọt bùi làm khó dễ
hề hấn gì đâu vẫn dửng dưng

nay về một chỗ ngồi một chỗ
cày sâu cuốc bẩm trả xong rồi
đất ruộng vườn nhà coi như ổn
tiếc chi không ghé một chỗ ngồi

ngồi một chỗ ngó mông nhiều chỗ
thấy chỗ mình quá đỗi thanh nhàn
không còn vướng chuyện đời rắc rối
chẳng lo chi ngoài tự lo thân

mổi cuối tuần con cháu về thăm
mổi cuối tháng ngao du đây đó
mổi cuối năm vẫn còn khỏe khoắn
mổi cuối đời cầu được vậy thôi…

Hiên Trăng, 26/07/2014

HÌNH ẢNH


Cô cháu nhỏ hôm qua đã tự mình ráng nhổ chiếc răng sữa với hì vọng bà tiên răng sẽ có một chút quà gì đó dưới gối vào sáng hôm sau....thương quá các cháu ngộ nghĩnh của tôi !
( Bà Nội : facebook )
 
 
cô cháu nội của ôn
tự nhổ cái răng khôn
hèn chi tuy có lớn
mà vẫn cứ còn khờ
( Ông Nội : Blogs )

tháng 7 26, 2014

Những Mùa Câu Những Ngày Câu


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 



những-ngày-câu
những-mùa-câu
chỉ khác nhau một chữ
mà khác một dòng đời !

 
Tôi thường ngẫu hứng những bài Thơ và (đôi khi) những bài văn khi nhìn thấy những hình ảnh đi-đúng-vào-tâm-hồn mình.
Ngó thấy những con Nục nằm xếp lớp bên người-việt-gốc-ớt để chuẩn bị lên giàn lửa làm nên nồi cá Nục kho rục kho rim ( tiêu, tóp mỡ, hành lá, dầu Mè ).
Rục từ đầu tới đuôi tới xương.
Ngọt mặn đồng điệu hòa quyện nhau danh bất hư truyền từ lâu là món ngon xứ Huế. Món ăn dân dã nhưng nếu như mà có tiến cung thì vua chúa cũng phải mê mải ham ăn quên cả buổi chầu bàn việc nước.
Ngậm miếng cá là cảm giác thoải mái dễ chịu mềm nhủn tới nỗi miếng cơm tưởng(tượng) còn sượng(trân) cứng hơn miếng cá.
Hành trình để đến với nồi cá Nục kho rục kho rim thật nhiêu khê không phải ai cũng có thể. Nồi cá kho rim, trước tiên, phải có tâm hồn Huế truyền vô trong nớ, mới thấm đậm.
Bắc Trung Nam chi cũng có món cá kho rim tuy mổi miền mổi phong cách gia vị nêm nếm tùy gia phong kiệm. Nói chung cũng là dạng kho rim. Riêng miền Nam bộ ngộ nghĩnh thêm hơn là món cá kho tộ. Cũng là kho rim nhưng không trong nồi mà trong cái tô (tộ).  
Có thêm món kho tàu gây nhiều ngộ nhận.
Tàu, không có nghĩa là kho theo kiểu người Tàu (phù). Không, không hề dính dáng gì tới Trung quốc, Trung Hoa, Đại Hán.
Chỉ đơn thuần một ý nghĩa : tàu (lờ lợ mặn lờ lợ ngọt). Nói bình dân nam bộ là kho lạt. Vậy thôi !.
Miền Nam mặn ngọt kho tàu
Miền Trung keo riết ngả màu kho rim…
Nhớ đó nghen. Với nồi cá kho rim là rim tới đúng độ ngả màu là thè thẹ lửa liu riu cho lai rai vô tới Huế. Nặng lửa thì ê nhẹ lửa thì huề. Rứa đó, xứ Huế ngó dễ thương mà thương không dễ đâu !!!!
Hai mươi năm quá giang trên vùng đất mới vẫn giữ tình quê nồi cá kho rim Huế qua thú đam mê câu cá cha-truyền-con-nối.
Ba tôi vốn đam mê thú câu có tầm cỡ cũng là tay sát ngư nứt tiếng Xóm, Làng. Nhà có xây riêng một cái bể cạn ( ý nghỉa nôm na là cái bể mà cạn ) chỉ để nuôi dưỡng cá câu về, sau khi kho, chiên không ngạ nên phải nuôi để dành. Miền Nam gọi là “rọng” hay “rộng”.
Không phải cá Nục nước mặn mà là cá Giếc nước ngọt.
Cá Giếc kho rim với tiêu xay. Nấu canh với cà chua và lá rau Răm. Thơm ngon vô cùng.
Còn món ngon vô tận là ăn sống, gọi là sanh cầm. Chỉ chọn những con cá nhỏ bằng ngón tay. Món ăn này thật cầu kỳ kiểu cách, chỉ dành cho bậc cha chú. Con nít như tụi tôi chỉ lấp ló đứng nhìn.
Xây riêng một cái bể cạn chỉ để rộng cá vừa tầm dành riêng cho thú ăn sinh cầm. Mổi lần mở tiệc sinh cầm là nhà tấp nập như ngày hội. Ông vốn giang hồ làm ăn đây đó, tính tình hào sảng phóng khoáng nên bạn(bè)tìm tới đông vui…
Chuyện đông vui sau những mùa câu, là chuyện của ông còn riêng tôi với mùa câu, tôi có những kỷ niệm giữ mãi trong đời…
Ngày còn nhỏ tôi thường được theo Ba tôi đi câu ở hồ Cité Decoux, hồ Đội Có, suối Cam Ly Thượng,  Cam Ly Hạ, suối ấp Hà Đông và những dòng suối không tên êm đềm chảy ngang thành phố. Quê tôi không có sông, chỉ có hồ và suối từ nguồn nước đập Suối Vàng chảy về mang theo nhiều lượng cá nhiều vô số kể. Cá Trắng, cá Chép, cá Giếc và hiếm hoi, cá Ngựa…
Tôi khai tâm nghề câu nghề câu từ những ngày thơ ấu bên chiếc cần câu “ruột” do Ba tôi dành tặng riêng tôi. Chiếc cần câu khởi thủy từ cây trúc ngà. Nếu như chỉ là cây trúc ngà cây cảnh bình thường thì làm gì có được một cái cần câu nếu không qua những công đoạn nắn, hong, hơ, dàn, kéo rất tỉ mỉ công phu để trao lại cho tôi một cái cần câu “ruột”. Có thể là ông nhận biết tôi cũng có tay sát ngư và hình như, chỉ hình như thôi, muốn truyền lại nghề câu để, họa may, sau này có người nối dỏi. Hay là ông tâm đắc có thằng con cùng thú đam mê. Tôi không biết. Chỉ biết, ngày đó, tôi cũng có riêng một cái cần câu để cùng với Ba tôi qua những mùa câu.
Những mùa câu của thời thơ ấu tôi cứ giữ mãi…
Khi lớn khôn vào đời những mùa câu đã không còn có dịp. Mặt nước hồ im ắng, dòng suối trôi êm ả đã chìm khuất theo bước giang hồ trôi nổi. Những mùa câu đã khép lại một khoảng thời gian khá dài rồi tan loãng. Chỉ còn là nỗi nhớ…
Tới hồi dâu bể tang thương cũng là giai đoạn mùa câu đã thật sự không còn tìm đâu nữa. Ba tôi đã luống chiều đời. Mắt mờ, tay run. Ông không còn tỏ tường để móc mồi câu không nhanh gọn kịp thời nhấc nhẹ cần khi cái phao chìm lút. Thú đam mê xưa đành bỏ lại cho những chiều đứng bên cửa sổ ngó ra sân nhà coi có đứa con nào bất chợt ghé thăm.
Chẳng có đứa nào bởi đứa nào cũng như con cá mắc cạn con chim vô lồng giữa thời thế nhiễu nhương…
Cuối cùng, ông đem những mùa câu của tôi đi theo vào một buổi chiều, chạng vạng chiều, trong ngôi nhà cũ. Đi một mình thầm lặng cô đơn…
Ông “đi” rồi tôi thật sự đã mất những mùa câu.
Chỉ có những ngày câu. Bắt buộc phải có những ngày câu. Cứu đói. Cứu suy dinh dưỡng.
Thời buổi đổi đời ai cũng phải xếp hàng cả ngày để đợi tiêu chuẩn. Nhà tôi là cô giáo lưu dung, tạm thời có tiêu chuẩn, được phép xếp hàng. Tôi thì không.
Không được đứng xếp hàng cả ngày thì bắt buộc phải đi, thậm chí còn phải chạy, để tìm miếng ngoài tiêu chuẩn. Từ sống-để-ăn giờ qua ăn-để-sống tôi đã trường trải qua những ngày tháng đi đào vàng đãi thiếc, đi tập tành làm nghề xây dựng, đi bán cà rem, chạy xe thồ và để có chất tươi chống hiện tương tràn lan suy dinh dưỡng là những ngày vô núi tìm (hái) nấm Mối, câu cá lòng tong ở đập 3 Đa Thiện.
Thú câu, mùa câu đã thật sự không còn, chỉ còn là câu cơm cứu đói câu cá lòng tong cứu suy dinh dưỡng !.
Nói tới hai từ “lòng tong” là vận mạt rồi !.
Công việc lòng tong. Chuyện lòng tong…Ý niệm, đại khái, là không đáng gì, không ra gì, không xứng !.
Đi câu cá lòng tong thì thiệt đúng là không còn ra chi nữa. Đâu còn là thú câu…
Vận dụng kiến thức về nghề câu của Ba tôi truyền lại mà nay phải đi câu cá lòng tong, thiệt là vô cùng đắc tội, nhưng đói quá (quá đói), phải đành!. Thế nào Ba tôi cũng “xì” bực bội một tiếng, khiến tôi giựt mình, nhưng rồi chắc ông cũng hiểu. Đói. Đói quá trời quá đất, Ba ơi!.
Lòng tong cũng được, nghen Ba.
Thời buổi nhiễu nhương con như ván cờ domino vào thế triệt buộc, còn có cách gì. Phải kiếm cách lòng tong chi cho vợ cho con có chất tươi dinh dưỡng qua ngày đoạn tháng. Nhà cứ quanh năm đậu-phụng-kho-queo rồi tới nước-mắm-kho-quẹt, con thiệt không đành !.
Những ngày câu cá lòng tong hóa ra là những ngày vượt cạn mùa hạn hán đói no suốt chiều dài năm tháng cơ cực ở quê nhà. Còn vượt “tiêu chuẩn” về hoài niệm trong thơ văn tôi, mổi lúc nhớ về kỷ niệm, ngày xưa…
Ngày đó…
Sau một ngày câu cá lòng tong, bếp nhà lại có dịp um sùm khói than( tự chế, theo công thức: than vụn đi mót ở các vựa than+nước cháo lỏng+đất. Tất cả trộn chung rồi nén thành viên rồi phơi nắng cho khô rang, thành ra viên than).
Món đầu tiên nhứt định phải là món cá lăn bột chiên dòn.
Cuốn lá xà-lách, rau thơm ( tự trồng ở vườn nhỏ sau nhà).
Chấm nước mắm chanh đường (nước mắm, hạng ba, “tiêu chuẩn” hàng tháng của cô-giáo-lưu-dung).
Con cá lòng tong hình dong nhỏ xíu mà lăn qua lăn lại cho cục bột no tròn!. Cứu đã thèm, cứu đói, cứu suy dinh dưỡng !....
Ăn nhín vừa đủ(chưa đã) thèm vừa lửng (no, còn đói) thôi !.
Phần còn lại, kho mặn dành ngày mai. Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn…
Đời sống nào thê thãm hơn đời sống thời buổi đó !.
Mùa câu nào kỷ niệm hơn những ngày câu xưa !.
Giờ ngồi viết và nhớ lại ơn nghĩa nặng sâu với mớ cá lòng tong một thời cứu khổ…

Em còn nhớ không ?.
Các con còn nhớ không ?.
Những-ngày-câu và những-mùa-câu !.
Chỉ khác nhau một chữ mà khác một dòng đời !......

mùa câu 2014







tháng 7 25, 2014

Có Một Thời Để Nhớ...


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Quỳnh Nga

Len em ơi !. Cậu đây nì
xa nhau lâu lắm có gì vui không
tình cờ thấy được hình con
Cậu như lượm được vui buồn ngày xưa
một thời cơm cháo muối dưa
nướng con cá biển chia chưa đủ phần
bây giờ nhắc lại bâng khuâng
thoáng qua mà đã dặm ngàn quan san
con thì ở chỗ rất gần
Cậu thì nay đã bạt ngàn núi sông
ngày xưa còn lại gì không
dấu chân lún cát mịn Đồng Đế xưa
ngôi nhà quen ngợp bóng dừa
bữa cơm thanh đạm rau dưa thuở nào
thời gian biển sóng xôn xao
chuyện hồi xưa đã lạc vào ngày xưa
Cậu giờ khôn nắng khôn mưa
chỉ là dôm dốp cho vừa nhớ nhau
nhớ nhau thì có gì đâu
mấy câu Thơ cũng rủ nhau nhớ về….

Hiên Trăng 25/07/2014
TB : như hồi ở quán Bốn Mùa
con khen Cậu vẫn trẻ bưa chưa già
biển Nha Trang níu hương xa
rứa mà biển nói Cậu già đó con !....