tháng 12 21, 2007

Trang Thân Hữu : Thơ Chung, Riêng Một Góc Trời



QUYÊN TRẦN


Tiền bối ( * ) ký tặng thi tập, “Thơ chung, riêng một góc trời” của chín người làm thơ ở San Diego. Nói tới chuyện chung chung, riêng riêng, hơi bị ám ảnh nên tôi ngồi đọc một mạch hết cả quyển. Vẫn biết thưởng lãm thơ như vậy không được “xoang” cho lắm nhưng thời gian eo hẹp thì biết làm sao bây giờ. Tôi vốn thán phục những người “xuất khẩu” thành thơ kinh khủng. Những trăn trở, vui buồn dài lê thê trong cuộc sống, đem gói gọn lại thành những câu thơ vần điệu mà đôi lúc đọc lên tưởng như những người làm thơ (không những ở San Diego) đang ở đâu đó trong ngõ ngách của tâm hồn mình, vạch tim ra để đọc những tâm tư thầm kín nhất. Mỗi khi bắt gặp đâu đó một vần thơ hay, vận đời mình vào đó, nghe thấm thía tới từng xớ thương, sợi nhớ trong người.
Cùng nói về tình yêu, nhưng chín người, mỗi người mỗi vẻ, hoài niệm về tình yêu theo cách riêng của mình. Nồng nàn và mãnh liệt như cuộc hạnh ngộ tình yêu khi chú Phan Anh Dũng gặp nàng thơ:
gặp em, ta: nửa đời người
vẫn bừng bừng lửa, như thời mới yêu
này em, đời có bao nhiêu
yêu đi, dẫu chỉ tình yêu muộn màng!

(Hạnh ngộ- Phan Anh Dũng)

Hay những lời tình nhẹ nhàng, tha thiết mà tiền bối kể về chuyện o Huế giận người vô tâm:
Em hiểu lòng anh hồi mô chớ bộ
đợi hôm ni mới hỏi. Thiệt vô tâm !
có biết rứa là làm em bực lắm
té ra anh chưa hiểu Huế ngọn ngành…

(O Huế chừ đây- Trần Huy Sao)

Và tình yêu đôi lúc không tránh khỏi những bồi hồi, khắc khoải, nhưng xa cách không làm vơi đi bớt nhớ thương và hy vọng:
Dù cách xa chân trời, góc biển
Một người thương vẫn nhớ một người thương
Dù hạnh ngộ chỉ còn trong lời hẹn
Trùng dương kia cũng không phải vô cùng

(Cho dù…Hàng Ly Hương)

Có lẽ những vần thơ của cô Hoàng Linh Trang đã làm tôi xúc động hơn cả vì những tâm sự vơi đầy cô gởi gắm trong đó. Cách đây mấy năm, tôi tình cờ đọc được vài bài thơ của cô, những vần thơ lúc bấy giờ, vẫn còn lãng mạn và tha thiết lắm. Nay đọc non mười bài thơ trong thi tập này, bài nào, câu nào cũng thấm đẫm nỗi cô đơn, dằn vặt. Chẳng dám mạo muội bảo thơ là đời thật nhưng tôi vẫn không ngừng tự hỏi khi cô viết những áng thơ này, có thấy ngực thắt, tim đau?
Người ta nay đã vội quên
Những ngày gian khổ êm đềm bên nhau
Bây giờ kẻ trước người sau.
Cuộc đời giông bão biết đâu mà lường !
(
Một con chim nhỏ lạc bên dòng đời- Hoàng Linh Trang)

Khi thời gian có thể bào mòn mọi thứ, tình yêu dù có mãnh liệt mấy cũng không có nghĩa là vĩnh hằng. Những hoa, những bướm, những lãng mạn một thời rồi cũng sẽ được đánh đổi bởi những lo toan cơm- áo- gạo- tiền thường tình. Tình yêu đó, có còn chăng, cũng chỉ đọng vào những vần thơ mà đôi lúc nghe sao mà cay đắng:
Em đã khóc như bé thơ vòi sữa mẹ
Cuộc hành trình hai đứa đã chung vai
Ngoảnh mặt lại, một quá trình khắc nghiệt
Những đớn đau…khốn nạn…đã an bài !

(Bội thề- Hoàng Linh Trang)

Hầu hết những người làm thơ đều cùng thời với tiền bối, tuổi đời và tuổi của thơ xem cũng xấp xỉ như nhau. Ngoài những cảm hứng “kinh điển” của những người làm thơ, như nụ cười, “nụ cười em vang rộn cả cung hằng” (Tình học trò vụng dại- BS Võ Thanh Sơn), như tóc, “em tém tóc lệch bờ vai” (Giong ruổi từ phà Rạch Miễu- Lưu Hà), như hương ngọc lan “hương nhà ai ngan ngát- làm tim anh say say” (Hương Ngọc Lan- Phạm Hồng Ân), tôi cố tìm một nét chung mà rất riêng nào đó của những người làm thơ này. Thì đây rồi, đơn giản lắm thôi, là đôi bàn tay- dù cho đôi bàn tay đó có chai sần theo thời gian hay gân xanh chằng chịt, những đôi bàn tay gánh vác việc đời để thơ nhẹ đi những trăn trở thường tình. Ai bảo bàn tay không làm nên tình tự?
Bàn tay đó, giờ đây, đã oải
Nhức nhối đau thương khi trở trời trái gió
Tôi vẫn nắm lấy bàn tay em, nhỏ
Đường gân xanh chằng chịt thấy thương
Nắm chắc sợ em đau
Nắm vừa thì không ưng ý
Nắm nhè nhẹ cho nâng niu trìu mến
(
Bàn tay đường tình ái- Trần Huy Sao)

Đó là khi “bàn tay đã tìm được bàn tay” rồi, còn những lúc đơn lẻ môt mình, bất chợt quờ tay sang, chỉ thấy khoảng lặng vô bờ- cô đơn như òa vỡ:
Biển một bên, bóng một bên
Vắng em, chiều buồn đến sợ
Tim đau theo chiều sóng vỗ
Tay tìm, chẳng gặp bàn tay.
(
Biển chiều vắng em- Phan Anh Dũng)

Đôi khi người làm thơ lùi về xa lắm cái nỗi nhớ nhung của mình đơn giản chỉ vì thiếu một bàn tay nêm nồi canh bông so đũa:
Lâu rồi- Thiệt mà em
Anh không ăn canh chua
Nấu bằng bông so đũa
Vì thiếu bàn tay nêm…
(
Bông so đũa- Sông Cửu)

Khi mái đầu đã pha sương, những tháng ngày phong trần vẫn thường đọng đâu đó trong từng câu thơ:
tàn trận, kéo quân ra quốc lộ
quán nhỏ bên đường gầy cuộc vui
(mai lỡ có ra người thiên cổ
huyệt sâu chắc cũng đỡ ngậm ngùi!)

(Bài thơ quán bên đường- Phan Anh Dũng)

Và những bước chân phong trần ấy, có lúc đã bớt đi cái lẫm liệt, uy nghi một thời vì thế cuộc đảo điên:
Vác bao gạo lên lầu ba chung cư
Đâu phải dễ
Bầu trời bể tanh banh
In không trọn hình trong bát nước chè…

(Nặng vai- Lưu Hà)

Trên văn đàn hải ngoại, tôi vẫn hay bắt gặp những áng thơ về cuộc đời của những người lỡ vận, chẳng biết dùng từ gì cho đúng để nói lên được cái nỗi chua chát ấy. Không phủ nhận quá khứ, thôi thì mọi chuyện đã an bài và cho dù có phân ly, có lưu lạc, có lên voi xuống chó thì ít ra cũng bình thản như chú Sông Cửu, vì:
Mỗi chặng đường ta đi
Nặng oằn vai nhân thế

(Cội Mai bên suối- Sông Cửu)
Đường đời đó, có lúc quay đầu nhìn lại, quá khứ lẫn hiện tại, và đôi lúc cả tương lai đan lồng vào nhau. Rồi trầm ngâm tự hỏi, những gì một đời tạo dựng, có tồn tại không khi bóng ngã về chiều ?
Ta thảng thốt ngó hồn ta đang ngủ
Chỗ ta nằm sao quên dựng bia xanh?
(
Tàn phai- Phạm Hồng Ân)
Khi đọc tới những câu thơ "tự thán" này, tôi không khỏi không liên tưởng tới bài ca lên đài U Châu của Trần Tử Ngang,
Ai người trước đã qua
Ai người sau chưa đến
Ngẫm trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ…
(Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lại giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ…)

Nói gì tới các bậc tiền bối, một kẻ hậu bối như tôi đây đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ cũng thấy thấm thía cái nỗi "ai người trước đã qua, ai người sau chưa đến" này khi thấy lớp em, lớp cháu rành tiếng người hơn cái gọi là tiếng-mẹ-đẻ, thuộc văn hóa người hơn văn hóa ta.
Những tâm hồn ly xứ, nhiều khi chỉ cần một cơn gió thoảng, một vạt nắng, một bờ đá, hay một chút gì đó thôi cũng đã gợi nhớ một trời quê hương. Những nỗi nhớ quê, bao giờ cũng thế, nặng lòng không thể tả được vì “có người nào không một quê hương” (Thất ngôn câu hỏi- Hàng Ly Hương). Những người xa quê không văn không thơ như tôi mỗi lần đứng trên bờ đá nhìn ra biển cả, lòng dạ lúc nào cũng dập dềnh như con sóng bạc đầu ngoài khơi, chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng cho nguôi nỗi nhớ thương. Những người làm thơ, may mắn hơn, đem cái nhớ cái thương vào thơ cho vơi đi bớt nỗi lòng.
Bây giờ tôi ở phương trời lạ
Gió về thương nhớ tháng mười-hai
Sông biển chập chùng xa xôi quá
Thơ viết đầy trang gởi gió, bay…

(Mười hai rét ngọt- Trần Huy Sao)

Quê hương lúc nào cũng gắn với hình ảnh mẹ già, với giòng sông nước chảy hiền hòa, với bông dã quỳ vàng rực lối đi, với những ngày thơ rong ruổi bắt dế trong sân chùa và còn biết bao kỷ niệm mà khi dứt áo vội vã ra đi, không mang theo kịp. Mà có bao giờ đem đi hết, những ngày cũ đã qua? Vậy thì như bác Nhược Thu, đem cái nỗi nhớ nhung ấy ra tô màu xem sao:
Nếu như nỗi nhớ tô màu được
Xin hãy tô giùm trăng mãi trong

(Nếu như nỗi nhớ tô màu được- Nhược Thu)
Và đôi khi ta cố quên để mà nhớ,
Tồn kho một nhúm lãng quên
Thôi thì gói ghém làm duyên luân hồi..

(Mây Sài Gòn bay hồi hôm- Lưu Hà)

Tôi nằm bò toài viết một mạch những dòng ghi nhận này, hy vọng những lời thô thiển của mình không làm tiền bối phật lòng. Viết xong, thấy trong lòng còn tưng tức, cái cảm giác của một người chơi đàn ngồi đánh đàn dưới ánh trăng huyền hoặc, muốn thả hồn hết vào bài nhạc mà sao cung đàn vẫn lỗi nhịp, phím đàn không chuyên chở hết được nỗi lòng mình ; hay của người một người tập tành làm thơ thấy con gái đẹp mà không tài nào tìm được câu từ nào cho thanh sang mà miêu tả cái đẹp của nàng ngoài chuyện khen nàng đẹp (thì ai lại không làm được !). Vậy nên thôi, tôi trở lại đời thường. Đời vận vào thơ và khi thơ lên tiếng, thơ lại vận vào đời:
mai em phố vắng một mình
chợ đời với kiếp mưu sinh lạc loài...



San Diego,19/09/2007
QUYÊN TRẦN

( *) Tiền bối (Trần Huy Sao) tặng tập Thơ. Nay có vài hàng câu chữ để tiền bối buổi sáng thêm-ngon-trà ( nếu như trà vốn đã ngon thì xin nói lại “ để trà-ngon-thêm “ )

Không có nhận xét nào: