tháng 10 20, 2007

Trang Thân Hữu : Trùng Hợp


VÕ DOÃN NHẪN


Một.

Trần Huy Sao là bạn tôi, anh trẻ hơn, thuộc lớp đàn em. Anh là một trong những nhà thơ được nhiều độc giả yêu thơ – nhất là ở vùng quận hạt San Diego – biết tên. Thơ anh có mặt trên nhiều báo và tạp chí tiếng Việt. Sức sáng tác của anh so với tôi, dồi dào sung mãn hơn nhiều. Ðến nay anh đã hoàn tất nhiều thi phẩm : Nhật Thi, Tháng Ngày Còn Lại, Trọn Ðời Làm Mây Bay, Chân Dung Ngày Tháng, Mưa Nắng Trong Ðời, Hạ Hồng Phượng Ðỏ và Nhánh Rong Phiêu Bạt. Tôi tin anh còn cho ra nhiều tác phẩm khác nữa.

Một lần tôi cùng anh Sao nói chuyện bâng quơ về thời tiết, về thời sự, về những sao Ðào Hoa Hồng Loan biến thành những sao quả tạ lên đầu lên cổ một người, về văn thơ Việt Nam hải ngoại. Sau đó tôi có đưa ra một đề nghị, một góp ý với anh Sao về cái tên của một đứa con tinh thần của anh : Nhánh Rong Phiêu Bạt. Cũng là chỗ khá thân tình, nếu không, cát vàng tôi cũng không dám. Vả, bản thân tôi cũng “được” người khác đề nghị, góp ý về tên một bài viết của tôi. Nói là “ đề nghị” là “ góp ý “ vì do quen miệng mà nói chứ thực ra tôi chẳng được ai đề nghị góp ý. Báo cho tôi biết cũng không ai. Mãi cho đến khi thấy mặt đứa con tinh thần trên mặt Báo tôi mới biết nó đã được đổi tên : “ Chuyện Nhà”. Trước kia tôi đặt tên nó là “ Chuyện Trong Gia Ðình”. Nghe có vẻ luộm thuộm thế nào ! Thế nên tôi rất đồng ý với cái tên mới ấy của con tôi, gọn gàng, đỡ choán chỗ trên trang Báo.

Tôi nói với anh Sao :
-Tôi thấy hình như ( chỉ “ hình như” thôi nghe ) giữa hai từ “ phiêu bạt “ và “ phiêu giạt “ có một khác biệt. Vì vậy tôi nghĩ “ Nhánh Rong Phiêu Giạt “ nghe chỉnh hơn “ Nhánh Rong Phiêu Bạt “.

Anh nói : “ Khác Biệt là khác biệt làm sao ?”

- Bạt, mang ít nhiều tính chủ động, tự ý, cố ý. Một người phiêu bạt, gã đàn ông lang bạt, một tên bạt mạng. Giạt, mang tính bị động, không tự ý, không cố tình, như thể bị “ cuốn theo chiều gió “, theo dòng nước, theo hoàn cảnh. Áng mây trôi giạt về phương trời vô định. Cánh bèo trôi giạt về đâu.

Anh Sao nghe tôi nói, vâng vâng ừ hử cầm chừng.

Thời gian độ một mùa trôi qua, tình cờ tôi biết anh Sao đổi tên đứa con tinh thần của anh. “ Nhánh Rong Phiêu Bạt “ không còn là “ Nhánh Rong Phiêu Bạt “ nữa. Nhưng cũng không phải “ Nhánh Rong Phiêu Giạt “ như tôi gợi ý.

Tên mới của nó là “ Nhánh Rong Phiêu “.

Hai.
Mẹ tôi theo đạo Phật, nhưng họa hoằn bà mới đi Chùa. Nay Mẹ gần trăm tuổi – hiểu theo nghĩa nào cũng đúng – Mẹ càng ít đi đâu, kể cả đến khách sạn Hải Yến dự lễ chúc thọ và chiêu đãi do chính quyền địa phương tổ chức. ( Họ vốn thích tổ chức ăn uống chiêu đãi ). Con tôi có thỉnh về nhà một tượng Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát để hai bà cháu cùng thờ phượng tụng niệm. Ngày về thăm Mẹ thăm con bên nhà, tôi thường thấy Mẹ công phu sáng trưa chiều và bất cứ lúc nào Mẹ thích !. Cũng tốt. Cũng hay. Nhưng có một lần Mẹ làm lễ công phu chiều, trong lúc tôi đang đọc lại “ Hồn Bướm Mơ Tiên” ở phòng khách. Tôi xếp sách lại, lắng nghe. Tiếng chuông ngân nga trong buổi chiều tà êm ả, vang vọng giữa thinh không rực rỡ lụa vàng nắng quái. Trong giây phút, tôi hình dung chú tiêu Lan trong khu vườn Sắn đang thả hồn theo tiếng chuông chùa Long Giáng từ xa vọng lại.

Giữa lúc tiếng chuông còn âm hưởng ngân nga, Mẹ tôi lâm râm niệm Phật :
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Nam Mô A Di Ðà Phật.
Bất giác tôi hướng cái nhìn của tôi về phía bàn Phật. Pho tượng nhỏ màu trắng của Ðức Quán Thế Âm đang để tai nghe Mẹ tôi niệm Phật Di Ðà.

Ðợi ba hồi chuông Mẹ thỉnh sau đó dứt hẳn và Mẹ rời khỏi phòng thờ, tôi nhẹ nhàng hỏi Mẹ :
- Nhà mình thờ Ðức Quán Thế Âm, sao Bác – tôi gọi hai đấng sinh thành là Bác vì tôi bị khó nuôi từ lúc còn quấn tã; mấy ông anh bà chị tôi đều khó nuôi tất – lại niệm Ðức Phật Di Ðà ?. Sao Bác lại “ Nam Mô A Di Ðà Phật “ ?.

Rất dễ dàng, rất trôi chảy, rất thông suốt, Mẹ đáp :
- Ôi, Phật nào cũng là Phật, con ơi !

Thằng con tôi vừa đi làm về, nghe hai mẹ con tôi... trao đổi, cũng góp ý :
- Nhiều lúc nghe Nội nói con cũng “ ngọng “ luôn.

Và hiện giờ, tôi, Cha nó, cũng “ ngọng “ !

Cho đến ngày lên đường trở lại Mỹ tôi không còn nghe Mẹ niệm “ Nam Mô A Di Ðà Phật “ nữa. Nhưng bà cũng không niệm “ Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát “.

Bà niệm “ Nam Mô Phật “ ngắn, gọn.

Những lần nghe Mẹ niệm như thế, tôi lại nhớ một câu trong bài “ Hương Sơn Phong Cảnh “ của Chu Mạnh Trinh : “ Lần tràng hạt niệm Nam Mô Phật “.

“ Phật nào cũng là Phật “. Tôi vốn dốt nát về giáo lý Phật, về triết lý Phật giáo nên tôi không biết Mẹ tôi nói thế đúng hay sai.

Ba.
“ Nhánh Rong Phiêu “ và “ Nam Mô Phật “.

Mẹ tôi người Việt gốc Huế. Anh Trần Huy Sao cũng người Việt gốc Huế như Mẹ tôi.

Võ Doãn Nhẫn
( trich Tuyển Tập Thơ Văn RỪNG PHONG, THU ĐÃ...(2000))

Không có nhận xét nào: