tháng 10 18, 2007
Trang Thân Hữu : Ngôi Trường Cũ và Thơ Trần Huy Sao
LÊ HỮU
Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn
(Khi Tôi Về, Nguyễn Đình Toàn )
“ Mỗi người đều cần có một ngôi trường để luyến tiếc, để nhớ về...”
Tôi đã nghe câu ấy ở đâu. Dường như là một người nào đó đã nói vậy trong cuộc hội ngộ kỳ thú của nhóm bạn cũ, những người có chung một bề dày kỷ niệm về những năm sống dưới cùng một mái trường ở thị trấn miền cao nguyên đất đỏ.
Cuộc hội ngộ, hai năm trước, trong ngôi nhà có phòng khách rộng. Trần Văn Chính, người bạn học cũ, đón gia đình tôi về nghỉ qua đêm. Nơi ấy tôi đã có dịp gặp lại những khuôn mặt, những bè bạn thân quen mà trước đó tưởng chẳng bao giờ còn gặp lại trong cõi sống mịt mùng, sau cuộc đổi đời cách nay hơn một phần tư thế kỷ.
Gặp bạn cũ sau nhiều năm cách biệt, cái cảm giác ấy lạ lắm, thú vị lắm. Ðấy là cái cảm giác của những phút đầu bỡ ngỡ, vừa mới cừa cũ, vừa lạ vừa quen. Sau cùng thì chúng tôi cũng nhận ra nhau, nhận ra những anh em, bè bạn một thời nào, cho dù chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi mấy vòng. Cho dù những nét đổi thay, những tàn phai nhan sắc, những dấu chân chim, những vết-hằn-năm-tháng đã ít nhiều trên khuôn mặt từng người.
Thật khó mà tưởng tượng, tôi có cơ may được “hội ngộ” cùng một lúc đến nhiều người như vậy. Tất cả, những người bạn tôi, những con người đã tuyệt tích giang hồ đã bao năm, nay bỗng nhiên như từ phía sau tấm màn quá khứ bước ra, xuất hiện cùng lúc, nói cười, đi lại như trong một giấc mơ kỳ lạ...Ðến từ nơi xa nhất (Toronto) phải là vợ chồng Phan Ni Tấn, “tay thơ tay nhạc”. Cặp Hoàng Ðình Khôi&Ký Ðiệu, “anh đàn em hát”. Rồi Trần Huy Sao, cựu “chưởng môn” Thi văn đoàn Sao Dị Hình Banmêthuột mấy mươi năm về trước. Rồi Trần Vịnh “người anh cả”, tóc bạc như cước, phong thái điềm đạm của một ẩn sĩ. Và còn những ai nữa, tôi không làm sao nhớ hết, những người bạn văn nghệ của chủ nhà : đôi vợ chồng người họa sĩ quen tên ( sau này, tôi biết đó là họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt và ca sĩ Diễm Châu, cũng là nhà văn Tôn Nữ Quỳnh Dao), những nhà thơ mang theo những thi tập, những nhạc sĩ mang đến những cây đàn, những giọng hát, những giọng ngâm... Tất cả, những con người thật đặc biệt của vùng đất San Diego hiền hòa, hiếu khách. Và, tất nhiên, đặc biệt hơn cả vẫn là chủ nhân “ngôi nhà có phòng khacùh rộng”, Chính &Vân Anh, thật hào sảng, nghệ sĩ và rất quý bạn bè.
Chúng tôi ngồi quây quần, nói đủ thứ chuyện trên đời. Nhắc nhớ đến tên những người Thầy người bạn, những bạn gái bạn trai, bạn cùng lớp, bạn khác lớp. Những người chúng tôi yêu và ghét, những người còn sống, những kẻ đã chết...Chúng tôi kể nhau nghe những chuyện xưa tích cũ,có lúc người này quên, có khi người kia nhớ. Những câu chuyện kéo dài, nối tiếp nhau như những câu chuyện “ngàn lẻ một đêm”. Chúng tôi nói bằng thứ ngôn ngữ riêng, người ngoài cuộc không cách chi hiểu được. Chúng tôi nói hoài không hết chuyện, chuyện không đầu không đuôi, cũ rích cũ rơ nhưng lúc nào cũng vẫn cứ mới, vẫn còn hấp dẫn. Và nhiều nhất vẫn là những câu chuyện vui buồn xoay quanh ngôi trường cũ. Thuở ấy, chúng tôi còn trẻ quá, còn sôi nổi quá, còn tha thiết quá, còn yêu người yêu đời quá...Thế rồi năm tháng êm đềm vụt biến mất, cơn bão của lịch sử đã cuốn phăng đi tất cả, cuốn phăng chúng tôi đi, cuốn phăng biết bao nhiêu số phận ( mà chúng tôi chỉ là những cọng rơm nhỏ nhoi, vặt vãnh và tầm thường). Ngôi trường ấy không còn là ngôi trường của chúng tôi nữa ! Chúng tôi tan tác như bầy chim hoảng loạn, mỗi đứa một phương.
Giờ đây, sau khi những cơn bão những trận lụt đã đi qua, như những cánh chim đã bay một vòng bay quá dài qua bao mùa giông tố, chúng tôi lại gặp nhau đây, lại cùng ôn chuyện cũ, cùng chiếu lại cho nhau xem những thước phim thật cũ kỹ nhưng cũng thật quý giá về những ngày vui xa lắc, về một thời nào có trường có lớp, có Thầy có bạn, về một mùa nào áo xanh áo trắng trên sân trường. Những ngôi trường và những bè bạn dưới cùng một mái trường, đó là tuổi thơ, là tuổi xuân, là tuổi trẻ của tôi, đó là những phần đời, những mảng quá khứ không dễ gì từ bỏ, cắt lìa... Giờ đây, chúng tôi tìm được, nơi những người bạn học mình, chiếc gương soi lại những đời người đã cũ. Chúng tôi tìm đến nhau như tìm chút ý nghĩa cuộc sống, như tìm một nơi nương náu, như tìm một bếp lửa để sưởi ấm đời nhau.
Tôi vẫn biết có những cô cậu học trò “ngày xưa còn bé” (mà giờ đây đã “tà tà bóng ngả về tây”).Có những người thầy khả kính, những cô giáo hiền thục ngày xửa ngày xưa(mà giờ đây đã như chiếc lá vàng thu sắp sửa lìa cành), cho dù đường đời có trăm sông ngàn suối, cho dù cuộc sống có lăn lộn nổi trôi, vẫn cứ mỗi năm một lần, như bầy chim xa xứ, náo nức rủ nhau bay về một điểm hẹn như những “cánh chim tìm về tổ ấm”. Gặp nhau chỉ để nói, để kể cho nhau nghe về ngôi trường kỷ niệm, để trông thấy lại ngôi trường cũ qua hình ảnh người thầy, người bạn. Những tình cảm trường xưa bạn cũ ấy, những tình thầy trò, tình bè bạn ấm áp ấy, đôi lúc đã là điểm tựa, là đôi nạng nhiệm mầu nâng đỡ con người trong những phút chông chênh, nghiêng ngả giữa dòng đời tất bật hay kiếp sống tha hương.
“ Ðến một tuổi nào đó người ta không thể có thêm được những người bạn mới, trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần”, ai đó trong số những người ngồi quanh tôi đã nói như thế. Câu ấy quả có đúng. Tình bạn cần có một bề dày của sự gắn bó, của sự hiểu biết, cảm thông và tin cậy. “Bạn” là người thực tâm mong muốn những điều tốt lành cho bạn mình, thực tâm vui sướng vì sự thành công và hạnh phúc của người bạn mình như của chính mình vậy( dẫu có “qua mặt” mình đi nữa). Những người bạn như thế làm sao có nhiều được(?). “Bạn” là khuôn mặt thật, không điểm phấn tô son. “Bè” là chiếc mặt nạ, với nhiều lớp phấn dày. Như cuộc sống có hai mặt phải, trái, con người vừa có bạn vừa có bè. Rủi thay, bè lúc nào cũng nhiều hơn bạn. Những người tưởng rằng mình có nhiều bạn, thực ra là những người không có bạn hoặc có rất ít bạn( và không biết đâu là bạn đâu là bè). Tình bạn thực sự chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của một bàn tay( và ít khi đếm hết được). Những người ở quanh ta trong những cuộc vui ồn ào mà ta tưởng là “bạn”, thường chỉ là “bè”. Như những cuộc vui chóng tàn, những người “bạn” ấy cũng nhanh chóng biến mất khỏi đời sống chúng ta ( hay tệ hại hơn, có khi còn quay đầu ngoái cổ, phun ra những nọc độc của lòng đố kỵ). Tình bạn thường “tĩnh” hơn là “động”, thường lắng đọng hơn là ồn ào. Những con người ta dễ lầm tưởng là “bạn” ấy, nhiều lắm cũng chỉ đi với ta một đoạn đường ngắn ngủi, và cũng không khác mấy những anh chàng, những cô nàng vớ vẩn mà ta có lần “đụng” phải, có lần gặp gỡ phất phơ đâu đó trong đời này, nói dăm ba câu chuyện rồi chia tay, đường ai nấy đi và chẳng bao giờ còn gặp lại lần thứ hai.
Tôi có rất ít bạn, những người bạn chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của bàn tay trái, và con số này cứ hao hụt dần mà không kiếm đâu ra để mà thay thế. Càng lớn tuổi người ta càng cảm thấy cô đơn là vì vậy. Tôi đã qua cái tuổi để có thêm những người bạn mới. Quỹ thời gian tôi chẳng còn được bao nhiêu, những con người tôi gặp gỡ về sau này làm sao có đủ bề dày của một tình bạn. Tôi còn cách nào khác hơn là cố mà giữ lấy và yêu lấy những tình bạn cũ kỹ và hiếm hoi còn sót lại.
Ðêm hội ngộ, đêm tay bắt mặt mừng. Một đêm như thế làm sao trút cho vơi những tâm sự, làm sao dốc cạn những nỗi niềm...Chúng tôi đã phải hẹn nhau một ngày tái ngộ, mùa Hè năm tới, hay năm tới nữa. Thế nào cũng có một mùa Hè. Năm tới nữa không xong thì nhất định phải là năm hai-ngàn-lẻ-năm, năm đánh dấu một event trọng đại : ngôi trường của chúng tôi vừa tròn năm mươi tuổi. “ NửaThế Kỷ Voi Rừng chứ ít sao !”, một người nói vậy( ngụ ý nhắc tới phù hiệu “ đầu voi” – biểu tượng của ngôi trường – trên ngực áo đồng phục các cô, cậu học trò một thuở nao. “50 Năm Trường Cũ”, một người khác đổi lại, cho dễ hiểu hơn. “ Không phải, là “50 Năm Tình Cũ” chứ”, một người khác hỏi. Thế là chúng tôi mỗi người thử đặt cho cái event ấy một cái tên gì đó, thật kêu, hoặc văn vẻ, hoặc...tiếu lâm, như là “ Gặp Gỡ Mùa Hè”, hay “ Ðại Hội Võ Lâm”, hay cái tên có vẻ...phim Tàu là “Long Hổ Quần Anh Hội”!
Càng về khuya những câu chuyện càng thêm vui, càng thêm gần gũi, thân mật. Ngồi quanh tôi, phút này đây, là những bạn bè cũ, mới, là đêm mùa Hè êm ả, là đêm Thơ và Nhạc chảy tràn như suối...Và không gian, thời gian như đọng lại:
ngồi quanh những bạn bè xưa cũ
và những bè bạn mới quen thôi
gom chung bàn chật, không gian chật
đêm đổ tràn ra giọng nói cười
( Miếng Bạn Miếng Bè, thơ Phan Ni Tấn(ND))
“Bạn cũ như rượu cũ, càng để lâu càng ngon”. Tôi nhớ đã có uống một chút rượu, đêm ấy, không biết có phải là đã được rót ra từ chai rượu thật cũ nào của chủ nhà, nhưng một người nào đó trong số những người ngồi quanh tôi đã nhắc tôi câu ấy, đã nhắc cho tôi nhớ tôi đang ngồi giữa những tình bạn thật ấm áp, thật dễ chịu. Bạn cũ tôi còn đây, nhưng ngôi trường cũ tôi biết có còn đấy hay đã mất dấu, đã chìm khuất trong ký ức nhạt nhòa.
Tháng trước nói chuyện với Phan Ni Tấn qua phone, trong một lúc chợt nghe Tấn hỏi “Nhớ đêm ngủ lại San Diego chứ ?”. Câu hỏi bất chợt, tôi không kịp nghĩ ra chuyện gì là chuyện gì. “ Nhớ chứ, làm sao quên được” tôi trả lời cho qua chuyện. “Nhớ gì?”, Tấn lại hỏi. Tôi ngẫm nghĩ không biết...nhớ gì vì có quá nhiều thứ để nhớ. Sau cùng, tôi nói “ Nhớ tiếng kèn Saxo.”. Tại sao lại tiếng kèn? Tại sao không phải là chuyện gì khác?...Không hiểu sao tôi cứ nhớ đôi mắt nhắm nghiền, nhớ vẻ mặt nhăn nhúm, sầu thảm của anh chàng thổi bài kèn ấy. Không hiểu sao tiếng kèn nghèn nghẹn ấy cứ theo tôi, theo tôi mãi. “ Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ...” ( Biển Nhớ, Trịnh Công Sơn). Một bài tình buồn, một “biển nhớ” chứ ít sao! Tiếng kèn đưa tôi về khoảng không gian, thời gian nào xa thẳm. Tiếng kèn đánh thức những nhớ thương dịu dàng. Thành phố ấy. Ngôi trường ấy. Những năm tháng sống và những năm tôi bỏ trường bỏ lớp...Tôi đã đi biệt, đi mãi, chưa một lần về thăm ngôi trường cũ, về thăm một phần đời tôi còn gởi lại chốn ấy. “ Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng...”Tiếng kèn saxo buồn bã, réo gọi...”Nhớ gì nữa ?”, Tấn lại hỏi. Tôi nói “Nhớ câu thơ Trần Huy Sao”
...ai chẳng có một thời rưng rưng nhớ
một thời thôi, là đủ để buồn vui...
(Về Qua Banmêthuột )
Tôi nhớ hai chữ “rưng rưng”. ( Nếu không có hai chữ ấy, chắc tôi sẽ chẳng nhớ câu thơ). Câu thơ nghe “rưng rưng”. Nghe rất...Trần Huy Sao. Anh có “một thời”, tôi cũng có “một thời” vậy. Cái thời của anh, của tôi và của những bạn bè cùng lớp, cùng trường chắc cũng không khác nhau bao nhiêu. Ai lại chẳng có “một thời rưng rưng nhớ” ấy.
Tôi nhớ đã nghe câu thơ ấy qua một giọng ngâm nữ. Tôi cũng nhớ, không khí lúc ấy yên lặng quá. Ðêm sâu lắng. Không còn một thứ tiếng động nào khác ngoài giọng ngâm ấy. Mọi người đã tạm ngưng những câu chuyện, chăm chú lắng nghe thơ. Tôi cũng chăm chú lắng nghe thơ. Thơ nói về một quê hương kỷ niệm, về một thời tuổi trẻ, một tình yêu đầu và những ngày vui đã xa như dĩ vãng. Rồi một giọng ngâm khác và những câu thơ khác, tôi nghe loáng thoáng hình ảnh một ngôi trường, những lớp học...Nói chuyện thơ, trong tập Thơ anh gởi tặng, có một bài tôi cứ đọc đi đọc lại. Thơ kể lại chuyến về thăm ngôi trường cũ, về thăm lại chốn xưa quê nhà :
chả mấy lúc ghé về thăm chốn cũ
kể từ khi rời bỏ mái trường quen
gởi lại sau lưng mưa-bùn-nắng-bụi
và tháng năm, phải nói, rất êm đềm...
“Về thăm chốn cũ”, để thấy gì, để gặp lại những gì ?
Banmêthuột của một thời mất dấu
lạ trong tôi từ mỗi ngã tư đường...
(Dẫu Một Ðời Phiêu Bạt)
“Lạ” đến thế sao?!. “Mất dấu” thật sao?!
Tôi đọc, hình dung thấy cái thị trấn buồn thiu “mưa bùn nắng bụi” ấy. Hình dung thấy anh đứng đó,ngơ ngác như kẻ lạ giữa nơi chốn đầy ắp những kỷ niệm. Nơi chốn mà anh đã từng ước ao, đã luôn háo hức tìm về để rồi phải ngỡ ngàng, hụt hẫng trước những đổi thay của từng góc phố, của mỗi con đường...
tôi về lại thấy trường xưa lớp cũ
mà không hề thấy lại được ngày xưa...
...
mây thầm lặng giữa nắng Hè cố quận
và nỗi buồn tôi rải muộn sân trường...
(Khi Về Qua Banmêthuột)
Tôi đọc, hình dung thấy ngôi trường im lìm, thấy sân trường vắng lặng, thấy ngàn năm mây trôi, thấy một nỗi ngậm ngùi.
Tôi đọc,hình dung thấy bước chân anh tạt ngang qua đó, thấy anh đứng tần ngần trước cổng trường đó, một mình đối bóng...Tôi không chắc ngôi trường cũ đã nhận ra anh, cho dù anh có tạt ngang mấy bận, có đứng mãi nơi ấy hàng giờ. Ngôi trường vẫn nhìn anh dửng dưng, lạnh lùng. Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, ngôi trường cũ, người bạn thân thiết thuở nào, như đã thay hình đổi dạng, như đã hóa thành một người khác.
Tôi thấy anh đứng mãi nơi ấy, dõi mắt đăm đăm về phía cổng trường, như người về lại bên cầu, nhìn dòng sông đời mình chảy xiết, nhìn nước đi đi mãi không về. Có ai tắm lại được hai lần một dòng sông đâu ! Bao nhiêu là nước chảy dưới chân cầu, bao nhiêu là mây trôi trên bầu trời xanh kia, thời gian vẫn cứ lạnh lùng... Vậy mà Trần Huy Sao, anh cứ muốn về thăm !...Thử đọc thêm ít câu lục bát :
mai tôi rủ phượng về thăm
đỏ au lớp học xanh đằm sân chơi
bạn bè tôi củng cố mời
dù nay đưá ở đứa rời dương gian
... ...
tiếng ve, tôi củng cố nài
râm ran chút đỉnh cho dài đường quen...
(Tháng Hạ)
“Ðỏ au”, “xanh đằm”, tôi chưa hề nghe ai nói vậy khi nào. Những màu sắc của cây cỏ, thiên nhiên như được anh tô đậm thêm từ những nỗi niềm riêng.. “Về thăm...”, nghe anh rủ rê, tôi cũng muốn về thăm lại, nhìn lại một lần để thấy lòng mình buồn vui ra sao(?). “ Chùm phượng vĩ, tiếng ve gọi Hè, bạn bè, lớp học, sân chơi, ,...”, trong những trang thơ anh, ta vẫn gặp rải rác những hình ảnh, những âm thanh như thế, thật gần gũi với ngôi trường, gần gũi với một thời tuổi trẻ, khiến thơ anh lúc nào cũng “trẻ trung”, như trái tim anh không lúc nào “già”, như kỷ niệm về ngôi trường ấy lúc nào cũng vẫn còn tươi rói.
Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những người Thầy người bạn, những lớp học, những giờ ra chơi và một sân trường kỷ niệm.
Nhớ về ngôi trường cũ là nhớ về những hình dáng, những khuôn mặt, những màu áo xanh thắm, những cánh Phượng đỏ rực, những bài thơ học trò, mây bay ngoài cửa lớp, mối tình đầu vụng dại...
Tất cả những nhớ và nhớ ấy đều có ở trong thơ Trần Huy Sao.
Ðọc bất cứ bài Thơ nào của anh, bài thơ nhỏ thôi, “Phố Bụi, Những Tình Thơ”mới đây chẳng hạn, ta dễ dàng gặp những “nhớ và nhớ” ấy. Nhớ gì? Nhớ thành phố Bụi-Mù-Trời( anh đặt tên là Phố Bụi ), thành phố anh đã sống gần hết những năm tuổi trẻ, thành phố của “ bông cà phê trắng, giọt cà phê đen...”
Nhớ gì nữa?. Nhớ một tà áo, một vành nón nghiêng nghiêng...
em nón lá nghiêng che thời con gái...
Nhớ gì nữa?. Nhớ cánh Phượng đỏ thắm như cánh môi người mình thương :
chẳng phải vô tình mà thương hoa Phượng
chỉ vì môi em đỏ thắm nụ cười...
Những chữ “phượng” viết hoa nằm rải rác đâu đó trong những trang Thơ không rõ có phải là chút niềm riêng anh gởi vào trong Thơ (?). Tôi đã không hỏi Trần Huy Sao câu ấy, cũng như không hỏi anh đã sống như thế nào trong những năm nghiệt ngã ấy, sau những biến cố khốc liệt, những đổi thay đến tận cùng của đất nước, đến tận cùng đời sống của mỗi con người. Trong lúc chuyện trò, tôi chỉ nói rất vui biết anh...vẫn còn làm Thơ. Tôi nói thế vì biết có nhiều người trước đây vẫn từng làm Thơ, nay không làm Thơ được nữa( vì mỗi người chỉ có “một thời để làm Thơ”, vì ngọn lửa trong Thơ đã tắt ngúm, vì dòng thi hứng đã cạn nguồn, hay vì lẽ gì đấy tôi không biết được ), và có nhiều người trước đây chưa từng làm Thơ, nay quay ra ...làm Thơ.
Thực tình tôi không thấy có gì khác nhau lắm giữa những người-làm-thơ và những người-không-làm-thơ, và tôi cũng biết có những người cả đời không bao giờ làm một bài Thơ nào nhưng lại có “tâm hồn thi sĩ ” hơn cả những người chăm chỉ làm Thơ . Tôi cũng từng gặp những con người thật là nghệ sĩ nhưng chẳng bao giờ thấy cần phải hút thuốc, uống cà phê hay uống rượu...(có thể là họ “ nghiện ngập “ cái gì khác không chừng ). Vậy thì làm Thơ được cũng tốt mà không làm Thơ thì cũng...đâu có sao! ( Có nghĩa là không cần phải tự hỏi : “ Nhiều người làm Thơ quá, tại sao mình không...làm Thơ ? ).
Nói thế để thấy rằng “ làm Thơ hay không làm Thơ “ không phải là chuyện gì quan trọng ( nếu không phải là chuyện lẩm cẩm ), và cũng để thấy rằng Trần Huy Sao, anh có cả hai : vừa làm Thơ không mệt mỏi, vừa rất là nghệ sĩ tính. Anh làm Thơ cả trong cách nói, cách viết và...cách sống nữa. Anh làm Thơ thật thoải mái, dễ dàng.
Tôi biết Thơ anh được nhiều người tìm đọc, và tôi cũng nhớ cô gái đứng cạnh tôi đêm ấy, nhớ những ngón tay xinh xắn lật lật những trang báo của tờ tạp chí quen thuộc và dừng lại ở trang nào để đọc bài thơ tình mới nhất của Trần Huy Sao cho mọi người cùng nghe:
thời mới lớn trời hành cơn sốt lạ
chân đuổi theo tình bước thấp bước cao...
(Phố Bụi, Những Tình Thơ)
Trần Huy Sao là vậy. Trong bất cứ bài Thơ nào của anh, người đọc cũng dễ dàng tìm thấy những câu Thơ thú vị như vậy. Anh nói “ cơn sốt lạ “ chứ không nói “ tương tư là bệnh của tôi yêu nàng “ như Nguyễn Bính.
Trần Huy Sao là thế. Trong lúc chàng Huy Cận thuở mới lớn chỉ biết thẫn thờ “ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư “ thì chàng Huy Sao đã lận đận lao đao “ bước thấp bước cao “ trên con đường tình gập ghềnh.
Tôi biết vì sao mọi người thích Thơ anh. Dễ hiểu thôi, mỗi người đều ít nhiều bắt gặp mình trong những trang Thơ ấy, bắt gặp mình “ chân đuổi theo tình...”, bắt gặp mình vật vã vì “ cơn sốt lạ” tình yêu...Như chúng tôi, như những bạn bè của anh trong đêm ấy, đã bắt gặp mình, gặp bạn bè mình, gặp ngôi trường mình trong Thơ anh.
Bài Thơ tình mới nhất của anh gởi về Phố Bụi là bài Thơ mới nhưng...không mới, hay chỉ được...làm mới lại từ bài Thơ tình nào trước đó, bài Thơ tình trước cổng trường được anh viết ra cách đây đã nhiều năm. Bài Thơ, là chút tình anh gửi về ngôi trường cũ, gửi về “ một thời để yêu và một thời để...rưng rưng nhớ”.
Ðọc thơ Trần Huy Sao để nhớ, để yêu thêm những mái trường.
Trần Huy Sao, phải nói thật một điều, anh yêu quý mái trường ấy hơn tôi và rất nhiều bạn bè khác. Anh cũng yêu quý những Thầy những bạn hơn tôi và rất nhiều bạn bè khác. Ngôi trường cũ còn ở mãi bên anh, ở mãi trong những trang Thơ anh ngày nào anh còn ở với cuộc sống.
Tâm hồn Trần Huy Sao là tâm hồn nặng trĩu những hồi tưởng, nặng trĩu những hoài niệm quá khứ. Ðọc thơ anh, bao giờ ta cũng đọc thấy nỗi luyến tiếc, nỗi thiết tha quá đỗi, quá chừng.
“ Cuối đời còn được nắm tay nhau...”tôi nhớ hai câu cuối bài thơ ấy. Bài thơ anh gởi đến những người bạn học cũ, những người đã chia với anh chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc gặp gỡ bất ngờ mà anh gọi là “Ðêm Hội Ngộ Banmêthuột”. Bài thơ cũng nhắc cho tôi nhớ tôi đã có những giờ hạnh phúc, và tôi cũng muốn được nói lời cám ơn những người bạn đã đến với chúng tôi đêm ấy, đã vượt qua những dặm đường xa hun hút, đã ở lại với chúng tôi đến khuya lắc khuya lơ ( để sớm ngày mai lại tiếp tục cày bừa ), đã sớt chia cùng chúng tôi những cảm xúc , những tình cảm vui buồn của những con người “cuối đời còn được nắm tay nhau...”.
Cám ơn nhị vị chủ nhân đã dọn ra bữa tiệc bằng hữu, bữa tiệc văn nghệ thịnh soạn ( đủ các món ăn chơi ăn thiệt). Cám ơn những câu Thơ Trần Huy Sao nữa, những câu Thơ đưa tôi về thăm lại những cỏ cây xanh tươi trên con đường trí nhớ, cho tôi gặp lại tôi của những ngày xưa ấy, cho tôi gặp lại những khuôn mặt, những bóng hình tưởng đã chìm khuất, cho tôi về ngồi lại dưới bóng mát của tàng cây rợp lá trong sân trường kỷ niệm...
Seatle, tháng cuối năm 2003
Lê Hữu
___________________________
Thơ trích từ :
- NHÁNH RONG PHIÊU (Thơ) Trần Huy Sao 1999
- XÓM ÐÌNH ÐA CÁT (Thơ văn) Trần Huy Sao 2000
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét